Nói đến miền đất Gia Định không thể không chú ý đến vai trò của con sông Đồng Nai, nhất là trong giai đoạn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Cho đến trước lúc này, Gia Định vẫn là một vùng đất hoang sơ hầu như chưa được khai phá, là nơi cư trú lâu đời của một số tộc người như Mạ, Stiêng, Kơho, Mnông… nhưng dân cư thưa thớt, chủ yếu ở vùng thượng lưu sông Đồng Nai với phương thức canh tác nương rẫy và kỹ thuật sản xuất thô sơ. Cuộc sống ở đây chỉ thực sự sôi động với sự xuất hiện của những nhóm cư dân mới, đó là người Việt từ vùng Thuận – Quảng và sau đó là người Hoa “bài Thanh phục Minh”, đến cư trú và bắt đầu khai thác vùng đất màu mỡ dọc đôi bờ trung và hạ lưu sông Đồng Nai. Phần đông lưu dân di cư một cách tự phát, họ tổ chức thành từng nhóm một vài gia đình hoặc cử những người khỏe mạnh đi trước đến vùng đất mới, tạo dựng cơ sở rồi đón gia đình vào sau. Phương tiện lưu chuyển chính là ghe – thuyền bởi lúc bấy giờ, việc đi lại giữa các phủ miền Trung với vùng Gia Định chủ yếu bằng đường biển. Tất nhiên cũng có những người không đi bằng ghe thuyền, chấp nhận mạo hiểm trèo đèo lội suối đi bằng đường bộ, có khi ở lại một địa phương nào đó một thời gian rồi lại tiếp tục tìm đến vùng đất mới Đồng Nai. Số này có lẽ ít hơn bởi đường đi quá gian nan và mất nhiều thời gian. Tiến trình Nam tiến này ngày càng trở nên mạnh mẽ, qui mô hơn, nhất là sau khi các chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở đất Gia Định. Câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về” đã cho chúng ta hình dung về con đường đi đến vùng đất mới là từ cửa Cần Giờ ngược sông Đồng Nai đến ngã ba Nhà Bè, từ đó hoặc theo sông Sài Gòn, hoặc theo sông Đồng Nai, các thế hệ lưu dân định cư trên các giồng đất cao ven sông, cù lao giữa sông rồi tiến dần khai phá vùng bán sơn địa. Không chỉ phát triển nông nghiệp, lưu dân còn phát triển các nghề thủ công và thương nghiệp. Chứng tích của cuộc sống sôi động này phần nào đã được phản ánh qua hàng ngàn đồ gốm cổ được người dân tìm thấy ở sông Đồng Nai. Phần lớn những đồ gốm này ngư dân vớt được khi đánh bắt cá, tập trung ở các khúc sông gần Cù Lao Rùa (Bình Dương), Cù Lao Phố (Biên Hòa), ven các cù lao nhỏ thuộc quận 9 thành phố Hồ Chí Minh… Lúc đầu họ chỉ nhặt những chiếc bình, khạp còn nguyên, mang về trồng cây kiểng hay dùng đựng đồ, còn các loại đồ gốm nhỏ thì liệng lại xuống sông hoặc bỏ lăn lóc trong góc vườn nhà. Sau này, khi nhận biết giá trị kinh tế của những cổ vật này thì nó đã trở thành đối tượng “săn tìm” của nhiều ngư dân, họ dùng lưới rà sát đáy sông nên vớt được khá nhiều đồ gốm còn nguyên vẹn và khá phong phú về loại hình. Phần lớn những cổ vật này l¨¤ các chất liệu đất nung, sành, gốm có men nâu, men ngọc… Dựa vào chức năng và loại hình có thể phân ra ba nhóm chính:
Nhóm I: Dụng cụ đun nấu ăn uống
Đồ vật thuộc nhóm này có nhiều kiểu dáng nhất, chất liệu đều là đất nung, gốm có các màu nâu đỏ, xám, xám đen, từ loại mỏng mịn đến thô dày. Gồm các loại hình nồi, ơ, trách, âu liễn, bát, tô, đĩa, cốc, ấm, siêu nấu nước… Đặc biệt có nhiều nồi đất nhưng hình dáng giống kiểu nồi bằng đồng mà trước những năm 1960 ở vùng nông thôn Bắc bộ vẫn còn phổ biến.
Nhóm II: Đồ dùng sinh hoạt
Số lượng nhóm này tuy không nhiều lắm nhưng là đồ khá “cao cấp” vì thường là đồ gốm có phủ men nâu, men ngọc, trắng ngà vẽ men lam. Gồm các loại đèn gốm, bình vôi, ống nhổ, ấm trà, bát nhang, các kiểu bình, lọ, chai, chậu (vịm), bình hình ống, cối… Dễ dàng nhận thấy nhiều đồ dùng là của người Hoa, như loại đèn gốm có men trắng hay xanh ngọc, bầu đèn có 1, 2 hay 3 tim đèn, đèn gốm tráng men là để dùng đựng dầu thực vật không bị thấm. Có nhiều kiểu như đèn có quai treo dùng trên ghe xuồng, đèn có chân đế cao thấp khác nhau, đèn có đĩa hứng tàn… Khác với một loại đèn cổ có từ thời văn hóa Óc Eo ở Nam bộ làm bằng đất nung, rất dày và thô nặng, đốt cháy bằng mỡ động vật hay chất dầu nhựa cây.
Nhóm III: Các loại đồ đựng
Loại này vô cùng đa dạng và kích cỡ lớn. Đồ gốm dùng để chứa đựng chất liệu rất chắc, thường là đồ sành (mà người Nam bộ hay gọi đồ da đá da lu), hầu hết có men nâu đen nhưng do ngâm nước lâu ngày nên bị tróc men. Nhiều đồ vật được trang trí hoa văn đơn giản như sóng nước, đường viền, hay những núm nhỏ hình hoa, hình bướm… Có các kiểu đồ đựng như: bình, vò, hũ, chóe, khạp… Niên đại và nguồn gốc những đồ vật này khá phức tạp. Đây cũng là nhóm có số lượng lớn nhất.
Tác giả đã khảo sát nhiều sưu tập đồ gốm cổ vớt từ sông Đồng Nai hiện đang lưu giữ tại một số bảo tàng và nhiều sưu tập tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… từ đó nhận biết một vài đặc điểm sau đây.
1. Gốm cổ sông Đồng Nai rất phong phú và đa dạng về loại hình. Hầu hết các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của người dân đều được tìm thấy ở đây. Trừ một số ít đã có dấu vết sử dụng (như ám khói đun nấu, bị sứt mẻ) còn lại hầu hết là đồ còn mới, chứng tỏ đây còn là những sản phẩm hàng hóa trên đường lưu chuyển. Nghiên cứu loại hình, kiểu dáng đồ dùng sẽ cho biết nhiều thông tin về cuộc sống, sinh hoạt vật chất và tinh thần của cư dân thời kỳ này.
Đồ gốm cổ sông Đồng Nai đã thể hiện kỹ thuật làm gốm cổ truyền của Đông Nam Á và Nam Trung Quốc qua một số phương pháp sau:
- Nặn tay bằng dải cuộn: dùng một dải đất nhỏ cuộn chồng lên nhau là phương pháp chủ yếu để chế tạo các đồ dùng ở nhóm I (dụng cụ đun nấu ăn uống) và một số loại hình ở nhóm II (đèn 2 đĩa bằng đất nung, ấm nấu nước, 1 số kiểu nắp nồi…). Các loại hũ, ghè, bình (kích thước nhỏ đến lớn) ở nhóm III cũng được chế tạo bằng cách này. Dấu vết dải cuộn còn để lại mặt trong của hiện vật, mặt ngoài được gắn miết khá kỹ và có một lớp áo gốm láng, mịn. Tuy nhiên đồ vật dày nặng vì phụ thuộc vào độ dày của dải đất (còn gọi là con chạch đất).
- Nặn tay bằng khối đất: Đặt một khối đất vừa đủ trên bàn kê và dùng tay nhồi nắn thành hình đồ vật, để lại mặt trong đồ vật dấu hòn kê hoặc ngón tay, bên ngoài cũng được miết khá láng. Phương pháp này làm được những đồ gốm tương đối mỏng, đáy và thân tròn đều.
- Phương pháp in khuôn: : sử dụng khuôn tạo hình đồ vật, đất cắt thành từng miếng mỏng theo yêu cầu, áp sát vào mặt trong của khuôn kết hợp với tay ấn: khuôn thường là một phần của sản phẩm (như phần dưới đáy của nồi gốm – phần trên với cổ và miệng được nặn tay rồi gắn chắp vào phần dưới) hoặc khuôn 2 mảnh, dấu ghép khuôn để lại khá rõ ở dọc thân đồ gốm (nồi gốm hình nồi đồng) hoặc ghép ngang thân (siêu nấu nước).
Sau khi dùng hai phương pháp trên để tạo dáng, đồ gốm được đặt lên bàn xoay để chỉnh sửa cho mịn láng, mỏng, tròn đều, để gắn chắp một vài bộ phận khác như núm cầm, quai treo, và trang trí hoa văn… Cách tạo hoa văn cũng rất đơn giản: dùng dụng cụ như răng lược tạo hoa văn sóng nước hay đường vạch kiểu “khuôn nhạc”, một vài đồ vật có hoa văn in sẵn ở khuôn. Những đồ gốm có men xanh trắng hoa văn thường vẽ dưới men, một số đồ gốm hoa văn men màu vẽ trên men nền trắng ngà.
Đặc biệt có một số đồ đựng có lỗ khoan nhỏ ở giữa đáy hoặc bên thân gần sát đáy. Dấu khoan tạo ra trước khi đồ gốm được nung, chưa rõ chức năng những đồ gốm có lỗ khoan này.
2. Nguồn gốc và niên đại:
Nghiên cứu loại hình, kiểu dáng và kỹ thuật chế tạo những đồ gốm này, có thể nhận biết phần lớn những dụng cụ đun nấu ăn uống, sinh hoạt… có nguồn gốc gốm Việt, như nồi đất, nồi kiểu nồi đồng, ấm nấu nước, bình vôi, bát đĩa… gốm Nam Trung Quốc như siêu nấu nước, nồi có tay cầm, đèn gốm, nhiều kiểu hũ, bình; gốm Chăm như nồi, trách, trã, ghè ống, bình vôi có núm cầm…. Hầu hết có niên đại khoảng thế kỷ 17 – 18, số ít có niên đại sớm hơn (thế kỷ 15 – 16) như loại bình vôi men ngọc, muộn hơn như đèn gốm men trắng có quai treo phổ biến vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.
Kết quả các đợt điền dã của chúng tôi ở khu vực Cù Lao Phố – Đồng Nai cho biết, hầu hết các loại hình đồ gốm trên là sản phẩm của các lò gốm dọc Rạch Lò Gốm trên Cù Lao Phố. Khoảng cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, nơi đây đã là một cảng thị sầm uất, vừa phát triển hoạt động thương mại, đồng thời vừa là trung tâm các làng nghề thủ công: làm gốm, dệt chiếu, rèn đồ sắt… Kỹ thuật sản xuất gốm ở đây là sự phối hợp và phát triển kỹ thuật làm gốm của người Chăm, người Việt với truyền thống kỹ thuật làm gốm Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Phước Kiến) mà lưu dân người Hoa mang vào từ khoảng nửa sau thế kỷ 17. “Các lò gốm của người Chăm, người Việt, người Hoa ra đời trước năm 1698 (thời điểm thành lập phủ Gia Định) đều tập trung ở quanh một con rạch thuộc xã Hiệp Hòa hiện nay nên có tên là Rạch Lò Gốm. Giai đoạn 1698 – 1776, dinh Trấn Biên được thành lập, gốm sản xuất ở địa phương còn được gọi là gốm Trấn Biên chánh yếu là gốm Cù Lao Phố” (1). Ngoài ra còn có nhiều đồ dùng mà người Việt, người Hoa mang theo từ quê hương vào vùng đất mới trong buổi đầu khai phá. Một số hình bình vôi sành, hũ sành tìm thấy ở đây đã được xác định là sản phẩm khu lò sản xuất đồ sành ở Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, khai quật 1993 (2). Đây là di tích lò gốm chuyên sản xuất nhiều loại đồ sành như hũ, ghè, bình vôi. Dựa vào kỹ thuật, những người khai quật cho rằng có nhiều khả năng chủ nhân khu lò gốm sành Mỹ Xuyên là người Việt, những sản phẩm có nhiều loại hình gốm Việt, gốm Chăm, niên đại khoảng thế kỷ 17 – 18. Một phần những sản phẩm ấy đã theo chân những đoàn lưu dân Ngũ Quảng vào đến vùng đất mới Gia Định - Đồng Nai.
Ngoài những cổ vật trên, đáng lưu ý còn có những cổ vật mà nguồn gốc từ xa hơn. Các loại hình đồ đựng như bình con tiện, bình củ tỏi, vò gốm men nâu… là gốm Khmer, niên đại thế kỷ 11 – 12, gốm Thái Lan thế kỷ 14 – 15 có hộp men ngọc nắp hình tháp (stupa), các kiểu hũ cổ thắt có quai nhỏ trên vai… Vào thế kỷ 12 – 13 khi vương triều Angkor hưng thịnh và giai đoạn Thái Lan phát triển vào thế kỷ 14 – 15, gốm Khmer và gốm Thái Lan được xuất cảng rộng rãi đến vùng hạ lưu sông Đồng Nai, lưu vực sông Mêkông, bán đảo Malaixia và đến tận quần đảo Indonexia… (3). Sông Đồng Nai đã là con đường giao thương của nội địa bán đảo Đông Dương với khu vực Đông Nam Á hải đảo.
3. Cổ vật tìm thấy trong lòng sông Đồng Nai không chỉ có đồ gốm (chiếm số lượng nhiều nhất) mà còn có đồ đá (bàn nghiền, chày nghiền, tượng thần, phù điêu, rìu cuốc đá mài…), đồ đồng (rìu, giáo, “qua” đồng – một loại vũ khí cổ của Trung Quốc, nồi đồng)… Số lượng cổ vật có nguồn gốc từ sông Đồng Nai mà một số bảo tàng thu mua được chắc chắn chỉ chiếm một phần nhỏ so với số lượng hiện vật hiện đang còn được lưu giữ trong nhân dân. Tuy vậy, bước đầu nghiên cứu sưu tập hiện vật này đã giúp chúng ta phần nào hình dung được cuộc sống của cư dân cổ nơi đây, nhất là về vai trò quan trọng của sông Đồng Nai trong các giai đoạn lịch sử.
Từ thời tiền sử, đôi bờ Đồng Nai từ Cù Lao Rùa (Bình Dương), Cù Lao Phố (Biên Hòa) xuống đến vùng cận biển Bà Rịa – Vũng Tàu và cửa biển Cần Giờ (TP.HCM) dày đặc các di tích khảo cổ học. Sau thời kỳ của văn hóa Óc Eo (thế kỷ I – thế kỷ 7), lưu vực Đồng Nai (từ Đồng Nai thượng xuống cửa biển) được coi là địa bàn của một “tiểu quốc” trải dọc theo đôi bờ Đồng Nai. Trong tiểu quốc này có trung tâm Tôn giáo là khu di tích Cát Tiên, có trung tâm chính trị là Thành cổ (khu vực Biên Hòa) và một trung tâm kinh tế là Cảng thị Cần Giờ. Mô hình của tiểu quốc này tương tự các tiểu quốc – tiểu vùng – của vương quốc Champa (như tiểu vùng Amavarati Quảng Nam Đà Nẵng: Sông Thu Bồn với Thánh địa Mỹ Sơn, thành cổ Trà Kiệu và cảng thị Đại Chiêm hải khẩu – Hội An). Vì là một tiểu quốc nằm giữa nên khi thì chịu ảnh hưởng của Chân Lạp, khi thì chịu sức ép của Champa song vẫn có sắc thái riêng của mình. Sắc thái ấy thể hiện ở khu di tích Cát Tiên (Đồng Nai Thượng) có niên đại thế kỷ 8 đến thế kỷ 10 (4).Những di tích di vật tìm thấy tại vùng hạ lưu sông Đồng Nai có niên đại thế kỷ 10 đến thế kỷ 14 “mang đặc điểm vùng đệm, ít chịu ảnh hưởng của Angkor cũng như của Champa, truyền thống văn hóa hậu Óc Eo tiếp tục tồn tại”(5). Từ khoảng thế kỷ 14 miền Đông Nam Bộ trở nên hoang vu cho đến thế kỷ 16 – 17 lưu dân người Việt, người Hoa vào khai khẩn, lập nên Cù Lao Phố sầm uất. Thực chất, Cù Lao Phố là cảng sông sâu trong nội địa, là trung tâm của vùng đất mới được khai phá. Do cuộc chiến liên tục giữa Tây Sơn và Nguyễn Anh, từ năm 1776 trở về sau Cù Lao Phố lụi tàn. Đồng thời công cuộc khẩn hoang được mở rộng về miền Tây đã đẩy nhanh sự phát triển của Bến Nghé – Sài Gòn. Cảng Bến Nghé – cũng là cảng sông trong nội địa – với hệ thống kênh rạch chằng chịt ngày càng tỏ rõ vai trò trung tâm thông thương giữa các miền Đồng Nai – Vàm Cỏ – Cửu Long với nhau và với bên ngoài qua cửa biển Cần Giờ. Các cuộc khảo sát, thám sát khảo cổ tại khu vực đường Tôn Đức Thắng, rạch Thị Nghè (cảng Bến Nghé xưa), trên các giồng đất đỏ ven các sông, rạch ở Cần Giờ… đã tìm thấy rất nhiều hiện vật có cùng loại hình, cùng niên đại với đồ gốm gia dụng tìm thấy trong lòng sông Đồng Nai.
Nghiên cứu lịch sử – văn hóa – xã hội vùng đất Nam Bộ, không thể không nhìn nhận vị trí địa – lịch sử và bản chất địa – văn hóa quan trọng của sông Đồng Nai. “Khảo cổ học lòng sông Đồng Nai” đã là yêu cầu được đặt ra trước mắt. Nếu chương trình được thực hiện sẽ mang lại nhiều tư liệu quý giá cho nhiều lãnh vực và những nhận thức sâu rộng mà một vài nhận xét trên đây chỉ là những ý kiến sơ bộ .
THAM KHẢO