Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.159
123.162.452
 
Lê Văn Thảo – Người “Nói thơ ” bằng văn xuôi của Nam Bộ
Hoài Anh

Trong mục Nhịp cầu văn học (Tạp chí Văn số 4, tháng 7-2000) nhà Văn Lê Văn Thảo trả lời bạn đọc: “Tôi thực sự viết lúc vào trong chiến khu, có dịp đi nhiều nơi, gặp nhiều người, lăn lộn chiến trường dự những trận đánh lớn, trải qua những hiểm nguy.

            Khốc liệt nhứt. Tôi viết phóng sự chiến trường, thêm ít truyện ngắn, viết sốt sắng say mê với những chuyện kể chân thật giản dị… Văn xuôi là kể chuyện, ít ra phải có chuyện gì để kể….

…Rồi sự say mê sốt sắng ban đầu qua đi, nhiều năm về sau tôi vẫn viết một cách vất vả, cho đến gần đây độ mười năm tôi có viết dễ dàng hơn đôi chút, có lẽ do “tạng” tôi thích viết về kỷ niệm, chuyện xảy ra mười, hai mươi năm giờ tôi mới ‘tiêu hóa’ được”.

            Cũng do truyện của anh là kể một câu chuyện, nên tôi viết phê bình truyện anh cũng hết sức vất vả, bởi vì mỗi truyện đều phải tóm tắt cốt truyện với số chữ cần và đủ để người ta hiểu được ý truyện. Bởi vậy trong bài này tôi chỉ có điều kiện nói đến một số truyện mà tôi cho là tiêu biểu cho từng giai đoạn sáng tác của anh.

Trận chiến đấu trong rừng mù u, kể về Châu, một chiến sĩ trẻ. Cha chết hồi Châu còn nhỏ. Người anh thứ hai của Châu bị giặc mổ bụng hồi năm Năm Chín. Người anh thứ ba cũng đi bộ đội chủ lực, anh giấu không cho biết ở đơn vị nào, nhưng viết thư có khoe là anh có đánh Bình Giã. Năm mười bảy Châu vô bộ đội địa phương, đến năm mười tám tuổi xin phép má cho đi bộ đội chủ lực. Má bằng lòng và đọc cho Châu viết một bức thư dài gửi cho người chỉ huy, trong thư bà kể lại những thói quen và bệnh tật vốn có thuở nhỏ ở Châu. Bà mải mê tìm chữ, tìm lời để nói cho được cặn kẽ, cho hết tình hết lý vì đây là đứa con cuối cùng của bà. Nhưng khi bà mẹ nói về những bịnh tê thấp, bịnh chảy mồ hôi đêm, bịnh ho gió vào những ngày lập đông và thói quen thích ăn đồ ngọt, v.v… thì đứa con lại viết khác đi: “Tôi xin hứa quyết tâm với đơn vị, với cách mạng là chừng nào đuổi hết bọn Mỹ ra khỏi đất nước thì con tôi mới trở về, bằng không thì con tôi chiến đấu hoài, con tôi đánh giặc rất có kinh nghiệm, chịu đựng gian khổ và có rất nhiều sức khỏe”.

Châu đã làm đúng với lời hứa nói trên. Đây là một trong những thành tích chiến đấu của Châu: “Bốn mươi tám tiếng đồng hồ lạc ngoài trận địa với một đồng đội bị thương, trong lúc bốn tên giặc điên cuồng gài lại thế trận, điên cuồng trút bom đạn cho xứng với cái thiệt hại một chiến đoàn. Châu đã biết nắm lấy cái tình huống khó khăn đó, hiểu nó để vượt qua. Sau này Châu thuật lại: Vườn cao su chỗ nào cũng giống chỗ nào, đến ngã tư phải đập chén đựng mủ làm dấu. Còn một ít cơm khô, tiện tặn khuấy với nước cho Hòa uống đỡ đói.

            Qua một ngày, Hòa đi không nổi nữa rồi, phải cõng. Cây trung liên của Hòa còn một nồi đạn nặng đến mười ký, cộng với cây tiểu liên của Châu còn một nửa cơ số đạn... Đi, phải chú ý có giặc là đánh. Đi, nhứt định đi. Té xuống chết luôn, còn sống là còn đi được. Đường đi ở đâu? Châu xòe bàn tay ra mỉm cười: “Đường đi ở đây nè!”.

            - Tôi cõng Hòa, mang súng đạn, tưởng như không thể đứng dậy nổi. Mỗi lần bước được một bước tôi lại nói thầm trong bụng: phải bước thêm bước nữa, mình hơn thằng giặc là ở chỗ này. Tôi đi một ngày mười mấy tiếng đồng hồ, Hòa rên rỉ trên lưng, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, không lúc nào ngớt tiếng bom pháo. Nhiều lúc tôi thấy kiệt sức, đầu óc rối bời, tưởng như không thể bước thêm bước nào nữa. Nhưng rồi tôi lấy hết sức còn lại, tôi nói hoài trong bụng câu nói để tự động viên: mình hơn thằng giặc ở chỗ này nè. Mình hơn thằng giặc ở chỗ này nè”.

Chỉ đoạn lời trên cũng đủ giải đáp câu hỏi: tại sao ta dám đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ. Nhưng Lê Văn Thảo còn giải đáp câu hỏi ấy bằng nhiều khía cạnh khác như tình đồng đội. Hai chiến sĩ không quen biết nhau đã trở thành đôi bạn chỉ do gặp nhau một lần trong chiến đấu: Thanh, một chiến sĩ công binh đã ôm trái mìn “cơ-lây-mo” còn sót lại ở vòng rào cuối cùng trong lòng, để bộ binh chạy trên lưng vượt hàng rào, mở cửa ào ào vào đánh lô cốt giặc. Rủi trái mìn có nổ thì chỉ mình anh hi sinh. Xung kích chạy vào xong, anh ở lại tìm cách phá trái mìn rồi cũng vào luôn. Anh nằm ở lô cốt đầu cầu vừa mới chiếm được. Mười phút sau bên trong đưa ra một chiến thương. Người đó là Lân, anh bị trúng đạn phốt pho, một bên mặt và bên tay phải bị thương nặng. Lân nhờ Thanh Thảo giảm băng ở mặt và tay anh. Lân với tay trái cầm lấy khẩu tiểu liên rồi ấn nó vào bàn tay bị thương, lảo đảo đứng dậy, lần theo vách, chạy đi. Sau đó Thanh nói: “Đó, chúng tôi quen nhau là như vậy. Hồi đêm hôm gặp nhau nếu Lân không kêu trước chắc tôi đã quên lửng. Nhưng những việc đó thì tôi không quên được. Cái đó đâu phải mình muốn, mình thấy mình biết rồi tự khắc nó ghi trong lòng”.     

Ta đánh Mỹ là để giữ đất đai ông bà mình đổ mồ hôi xương máu khai phá, trồng trọt. Người đàn ông trong Đêm Tháp Mười kể: Thuở ông cố tôi lên đây móc đất đắp ruộng, rắn hổ mây còn lội đùng đùng ngoài đồng. Ông cố tôi đóng khố, gia tài chỉ có chiếc xuồng bằng khúc dừa móc ruột. Ruộng chưa gieo được, ông cố tôi phải đi gặt lúa ma ngoài đồng mà ăn. Ngày đi gặt lúa ma, tối về nằm khoanh trong xuồng mà ngủ. Muỗi Tháp Mười thuở đó khiêng được trâu, muốn ngủ phải nhận nước đầy xuồng rồi nằm ngâm mình trong đó chỉ hở cái mũi. Ba bốn năm như vậy ông cố tôi cất được cái nhà, khai phá được khoảng ruộng không tới công đất. Cũng vì nhớ chuyện xưa nên anh mới sống ngay giữa Đồng Tháp Mười. Bán đất, đưa xuồng vũ khí và chở cán bộ bộ đội ta vượt đồng nước đến căn cứ. Công việc anh làm cũng âm thầm bền bỉ như ông già trong Chuyện bên bờ sông Vàm Cỏ, bị địch bắt đánh đập nhiều lần vẫn dũng cảm bám đất đưa ghe cho bộ đội qua sông đánh giặc.

 Ta đánh thằng Mỹ bởi vì ta là những người biết trọng tình nghĩa thủy chung giữa cha con, vợ chồng, bè bạn, xóm làng. Ba Tuấn trong Đồng chí nghe tin Thanh Quang tham mưu trưởng tiểu đoàn mới đổi về là người đồng hương Cẩm Sơn của anh, lặn lội tìm đến thăm. Tôi nói mới hay Thanh Quang là người Cẩm Sơn nhưng là Cẩm Sơn ở Rạch Giá chứ không phải Cẩm Sơn ở Cần Thơ, quê Ba Tuấn. Tuy vậy qua câu chuyện Thanh Quang kể, Ba Tuấn nhớ ra trong một trận đánh, chính anh đã làm gãy xương vai Thanh Quang khi đặt chân lên vai phải Thanh Quang nhảy qua bờ tường, nổ súng đánh địch. Sau đó, đơn vị anh cũng đã đánh cắt được tụi địch, chiếm lại bờ tường, giải vây cho Thanh Quang…

            Chị phụ nữ trong Đi thăm chồng nhà ở vùng bị giặc chiếm, tay bồng con, tay xách giỏ vượt qua bao lượt vành đai, đồn bót giặc mới lên đến vùng giải phóng, đi bất cứ nơi đâu nghe tin có đơn vị chồng ở đó. Tình thương chồng mãnh liệt và sự dũng cảm kiên trì của chị làm cho bọn địch cũng phải kính phục để cho chị đi.

            Kỷ niệm của người chiến sĩ kể chuyện anh thương binh Tích, một trái bom nổ chụp xuống công sự đào đất hốt quăng anh lên một gò đất cao, anh bị chấn động thần kinh nên không còn nhớ gì nữa.

            Anh không nhớ hay (hay không biết) chuyện vợ anh bị địch bắt, đánh đập rồi đẩy đi phương trời nào không rõ, nhưng vẫn nhớ chuyện trước khi anh lên đường đi chiến đấu, vợ anh một mình phải tưới rẫy, thùng nước chưa cất lên khỏi miệng giếng, vợ anh vội nắm lấy nên bị chao đi chao lại mấy vòng, đáng lẽ vợ anh buông bỏ cái thùng luôn cũng được, nhưng sợ cái thùng bị hư nên vợ anh kéo giật về phía mình. Kéo quá đã trượt chân ngã sấp, bị cả cái thùng nước đè lên người. Khi chia tay, vợ anh nói cho anh yên tâm: “Cũng tại em không quen cái cần vọt, chớ không phải em yếu sức đến nỗi…”. Anh coi đó là kỷ niệm suốt đời không quên, có sức mạnh động viên anh trong chiến đấu.

            Nếu WilhelmTell trong kịch của Schiller bị tên tướng Thụy Sĩ buộc phải bắn trái táo đặt trên đầu con mình, thì Ba Lắm lại buộc phải đánh một đồn địch trong có con anh là tân binh mới được bổ sung về, đứa con ấy do vợ anh sanh ra trước khi anh ra Bắc tập kết, đến nay anh lại trở về miền Nam chiến đấu. Anh sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng vì nhiệm vụ chung:

            “Trong thời gian đó Ba Lắm cố gắng không nhắc gì tới đứa con cả. Chỉ có lúc chúng tôi rảnh rỗi đứng nhìn cái mi-ra-đo đồn giặc nhô lên nhọn hoắt, Ba Lắm mới nói nửa đùa nửa thật:

            - Tôi quên báo cho anh biết là sau này tôi còn có tài bắn tỉa nữa. Tỉ như giờ này thằng con tôi đang bò lên cái lồng cu kia, tôi chỉ cần nổ một phát là nó rụng như chim”.

            Nhưng chuyện bắn trái táo như trong WilehmTell không xảy ra nữa, Ba Lắm được cấp trên chỉ thị và đồng đội gợi ý đã dùng loa kêu gọi binh sĩ trong đồn địch trong đó có con anh buông súng đầu hàng, sau trận đánh cha con anh lại cùng nhau đoàn tụ. Người lính bỏ ngũ trong Hai người lính sau khi dùng ricoócđơ thu tin giải phóng báo cho thân nhân tù binh biết tin con em của họ mang đến các gia đình này xin “tiền nước” sống cha qua ngày, cuối cùng đã dứt khoát về quê tham gia du kích đánh giặc. Cách mạng bao giờ cũng mở lượng khoan hồng cho những kẻ lầm đường trở về với bà con làng xóm với nhân dân. Ta đánh thắng Mỹ cũng ở tấm lòng nhân đạo đó.

            Những hiện tượng mà Lê Văn Thảo nêu ra cho thấy chúng có những sắc thái dị biệt không thể quy một cách chung chung là thắng Mỹ chỉ nhờ ở tinh thần, vì như vậy là sa vào duy tâm luận chủ quan và thuyết duy ý chí mà phải hiểu tinh thần như cách hiểu của Max Scheler.

            Trong phẩm tính con người, Max Scheler phân biệt sự khát vọng (Streben), chủ đích (Zmerke), cứu cánh (Ziele) và giá trị (Werte). Chủ đích là một nội dung được đưa ra để thực hiện: nó thuộc phạm vi tưởng tượng vì vậy nó luôn luôn được trình diện trong ý thức. Không phải mọi khát vọng đều cần có một chủ đích. Trái lại, mọi khát vọng đều có một cứu cánh; cứu cánh này được tìm thấy trong mọi tiến trình khát vọng và không do hành vi tưởng tượng ước định nên. Trong mỗi cứu cánh có một giá trị; giá trị ấy mà nội dung ẩn ảo nhất của nó. Quả quyết rằng con người luôn luôn khát vọng lạc thú là hoàn toàn sai lầm. Thực sự, con người không bao giờ khát vọng lạc thú, hay khát vọng một trạng thái xúc cảm nào đó bất cứ; nhưng nó khát vọng các giá trị. Và ngay cả khi nó lấy lạc thú làm cứu cánh thì lạc thú ấy trở thành một giá trị. Tuy nhiên, một hiện diện của giá trị không hàm ý tạo ra một khát vọng, bởi vì người ta có thể đỡ ý đến các giá trị (cả những giá trị đạo đức) nhưng không khát vọng chúng. Do đó các giá trị không lệ thuộc chủ đích nhưng chúng đã hiện diện trong những cứu cánh được khát vọng đến. Các giá trị hình thành căn cơ cho những cứu cánh của chúng ta và chính vì có chúng mới có thể hình thành căn cơ cho những chủ đích của chúng ta thêm nữa, ta không nên lẫn lộn giá trị với bổn phận (Sollen). Bổn phận thuộc lý niệm khác với bổn phận thuộc qui phạm mệnh lệnh. Trong trường hợp sau: nội dung của bổn phận lý tưởng quan hệ với sự khát vọng như là điều kiện của nó. Giá trị sản sinh bổn phận lý tưởng và đến lượt bổn phận này sản sinh bổn phận quy phạm. Sử dụng loại sau như là căn cơ cho đạo đức là một lạm dụng nặng nề.

            Các giá trị chỉ tương đối, chúng tuyệt đối theo hai phương diện: nội dung của chúng không phải là một tương quan; chúng thuộc phạm trù phẩm tính và bất biến. Không phải chính các giá trị mà là nhận thức của chúng ta về chúng là tương đối. Từ phương diện này, người ta khám phá những biến thiên của cảm quan về các giá trị, và như vậy là những biến thiên của nhận thức về các giá trị (ethos), những biến thiên trong các phán đoán về các giá trị (Ethik), những biến thiên về các điển hình của những quán lệ, tư hữu và thương mãi; những biến thiên về luân lý thực hành liên quan đến giá trị ứng xử của con người và sau cùng những biến thiên về tập tục và những tập quán truyền thống tất cả đều bị chi phối bởi sự thay đổi liên miên nhưng không vì vậy mà làm đảo lộn những giá trị đạo đức; những giá trị này được tiếp nhận, được xác định và công thức hóa một cách sáng rõ phần nào nhưng trong tự thể chúng vẫn còn là tuyệt đối và bất biến.

            Những giá trị được đặt trong cấp bậc tiên nghiệm của chúng như sau: (1) những giá trị thuộc cảm thức giác quan: thích ý và không thích ý; (2) những giá trị thuộc cảm thức sinh tồn: cao quí và thấp hèn; (3) những giá trị tinh thần: đẹp và xấu; công chính và  không công chính, nhận thức đơn thần về chân lý; (4) những giá trị linh thiêng và phàm tục. Sau hết, những giá trị được xếp loại theo chủ đề của chúng. Sự phân chia quan trọng nhất là về những giá trị nhân vị (personwerte) và những giá trị đồ vật (Sachwerte). Loại sau là tất cả những giá trị có liên quan đến các sự vật hữu giá (tài sản) kế các thứ khác, như tài sản văn hóa.

            Theo Scheler, nhân vị không đồng nhất với linh hồn làm bản thế, không phải tâm lý, và không có quan hệ gì với những vấn đề tâm sinh lý, cá tính hay sự khỏe mạnh (như đối lập với bệnh hoạn) của linh hồn. Không phải bản thế hai vật thể, đúng ra nó là nhất thế cụ thể của những hành vi (Konkrete Seinseinheit von Akten). Nhân vị chỉ được phơi mở trong những hành vi của nó. Nhưng điều này không  có nghĩa nó là một xuất phát điểm (ausganspunkt) của những hành động, và cũng không hẳn nó nằm trong những hành động như Kant đã nghĩ. Sự kiện hiển nhiên là toàn thể nhân vị được đặt trong mỗi hành vi và biến thiên theo mỗi hành vi mà không làm khô cạn thể tính của mình trong bất cứ hành vi nào đó; và vì toàn thể lãnh vực của hành động là tinh thần, nên nhân vị thiết yếu là tinh thần.

            Theo Scheler, tinh thần (esprit) không phải là chí năng và khả năng lựa chọn, bởi vì trong phương diện này Edison và một con hắc tinh tinh khôn ngoan chỉ khác nhau ở trình độ chứ không ở yếu tính; nó là một nguyên lý mới, và hoàn toàn khác với bản nhiên. Những hành vi mà tinh thần gây ra không phải là những chức phận của một bản ngã – chúng vô tâm (nhưng không phải vì thế mà thuộc vật lý) vì những hành vi được đặt ở bất cứ nơi nào những chức phận tâm lý xảy ra. Nó là một hành vi ý niệm hóa, nghĩa là, khả năng phân tích yếu tính và hiện hữu, thiết lập dấu hiệu căn bản của tinh thần con người. Vì vậy, tinh thần là vật thể tính (Senhlichkeit), khả năng của cái được xác định bằng bản chất khách thể của các sự vật. Nhân vị được khu biệt thành một nhân vị cá thể và một nhân vị cộng đồng (Gesamtperson). Yếu tính của nhân vị được tìm thấy trong sự kiện là rằng cả toàn thể hoạt tính và thể tính tinh thần của nó đều đươc bắt rễ trong thực tại cá thể (nhân vị cá thể ) và trong phần bộ của một cộng đồng. Vì thế, mỗi nhân vị hữu hạn vừa “có” một phân vị cá thể và vừa cả một nhân vị cộng đồng. Nhân vị cộng đồng bắt nguồn từ nhiều nơi của kinh nghiệm, họp thành toàn thể kinh nghiệm chung. Theo Scheler, có bốn loại đơn vị: (1) đơn vị qua sự mô phỏng nô lệ và tập nhiễm (đám đông); (2) đơn vị qua sóng – với (Miterleben) và sống theo (Nachleben); Từ đó nảy sinh sự hiểu biết giữa các thành phần nhưng không vượt qua kinh nghiệm chung (Lebensgemenschait); (3) đơn vị giả tạo trong đó tất cả những liên lạc chỉ được thiết lập giữa những cá thể bởi một vài hành vi hữu thức nào đó (xã hội; và không có xã hội nào mà không có cộng đồng); đơn vị của các nhân vị cá thể và độc lập trong một nhân vị cộng đồng cá thể và độc lập tinh thần. Đơn vị này được thiết lập trên nhất thể của yếu tính trong tương quan với một giá trị nhất định.

            Hiểu như vậy mỗi con người Việt Nam đánh Mỹ là một nhân vị cá thể và độc lập, trong một nhân vị cộng đồng cá thể và độc lập tinh thần đó là quốc gia Việt Nam với những giá trị tinh thần của văn hóa, mà do hoàn cảnh và kinh nghiệm cụ thể, ý thức chống ngoại xâm nối lên hàng đầu.

            Sau ngày miền Nam giải phóng, ngòi bút của Lê Văn Thảo lại đi vào những hậu quả do chiến tranh để lại, và những cố gắng của nhân dân ta trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

            Trong Câu chuyện hai mươi năm, nhân vật xưng tôi đi tìm đứa em gái mà anh nghe đồn là con của ba anh với một người phụ nữ ở Cà Mau khi cha anh là một chiến sĩ làm công tác địch vận tổ chức cuộc binh biến ở dưới đó rồi hy sinh. Đến khi gặp được người phụ nữ đó mới hay chiến tranh ở rừng khó thấy nhưng hòa bình rồi về thành phố lộ ra ngay. Cha mẹ cô sau khi bàn bạc kỹ quyết định thôi nhau, nhưng cô không biết, tưởng cha mình bỏ mẹ mình nên oán trách cha đủ điều. Mẹ cô lấy một thương binh không có khả năng sinh con, còn cha cô lấy một người vợ mới sinh một đứa con trai. Cô cho là đứa con trai đó cũng là em trai của cô, rình mò theo dõi rồi “đột” đến nhà cha cô, giành quyền chăm sóc đứa nhỏ, nói cô ngày xưa được chăm sóc như thế nào giờ em cô cũng phải được chăm sóc như thế ấy. Có lần cô không vừa ý bộ quần áo mẹ đứa nhỏ mua cho nó, cô mua bộ khác, lột truồng thằng nhỏ thay đồ ngay tại ngay sân trường. Cô còn định rủ đứa nhỏ lên rừng ở với cô, hai chị em sống với nhau. Theo bức thư của cha cô gửi cho tác giả, thì:

            “Chuyện chỉ như thế. Nhưng chắc không chỉ như thế. Con gái tôi rồi sẽ ngày càng gắn bó với em trai nó sẽ còn làm nhiều chuyện kỳ cục nữa, bà vợ tôi tuy hiền lành chắc cũng không chịu thua, bà vợ trước rồi cũng xông vào, chuyện gì đã xảy ra với ba người phụ nữ tôi làm sao biết được. Và tôi đâu còn tuổi để dính líu tới những chuyện như thế. Tôi không có ý định hỏi anh, chỉ tâm sự với anh thôi. Chuyện đời ta đôi khi tưởng sóng gió đã qua nào ngờ ta sanh con, con cái lớn lên mọi chuyện lại hiện ra dưới làn ánh sáng mới. Như tôi đó, bây giờ tôi lại bắt đầu với không phải một mà là hai gia đình…(Bốn bức thư).

            Trên đây là những chuyện nan giải do hệ quả tất yếu của chiến tranh, mà muốn giải quyết, “bề nào thì cũng chẳng xong bề nào”. Nhưng cũng có những cái con người tự giải quyết được bằng bản lĩnh, quyết tâm “tự lập, tự chủ” của mình .

            Ông già Tư Quới làm thằng nhỏ ở đợ cho một nhà điền chủ từ hơn năm mươi năm trước. Vợ chồng chủ di cư sang nước ngoài, sinh con đẻ cái bên đó rồi qua đời. Ông vẫn cày cấy trên mảnh đất ấy, và giữ đất cho chủ. Nghe tin con của chủ từ nước ngoài về, ông bán đất mang tiền lên trả cho con chủ, rồi cùng với đứa cháu nội sống bằng cách lượm rác rồi lựa rác trên bãi rác bán cho cho cơ sở chế biến rác. Ông nói với người con của chủ cũ đến tìm ông: “Tôi ở dưới quê hơn năm mươi năm nhờ ông chủ cho ở giữ đất, giờ tôi lên đây may có được bãi rác, như trời luôn cho tôi có được chỗ ở vậy. Và cái chính tôi được tin cậy cậu chủ à, chưa chi tôi đã được làm người chỉ huy, người công an khu vực nói “tốt” với tôi. Rồi thằng cháu tôi cũng đã chỉ huy được một nhóm, nó còn nhỏ tuổi, còn tiến xa tôi còn mong gì nữa?... Cậu chủ uống với tôi chai bia nghen? Mợ chủ uống chai nước ngọt nghen? Ở đây hơi có mùi một chút nhưng nín hơi uống cũng ngon thôi. (Hai ông cháu và con người chủ xưa). Đúng là tấm gương một con người nông dân trung thực, lương thiện, tự trọng, cần cù, sống trên bái rác mà không hôi mùi rác.

            Nhân vật xưng tôi được tin đứa cháu gái con của anh mình bỏ nhà đi rồi vào du kích đã hy sinh, nay đã bốn mươi tuổi và sống khổ cực lắm rồi vào ở một vùng quê heo hút nào nó ở Cần Thơ, anh nghĩ tình máu mủ ruột thịt bèn nhờ người bạn của anh mình đưa mình đi tìm cháu, muốn đón cháu về để ông bà nội nó nuôi nó. Nhưng khi gặp cháu gái, anh mới biết cháu đã có một đàn con cái và cháu nội cháu ngoại và làm chủ một cơ ngơi rộng lớn.

            “Trời nóng hầm hập tôi trở dậy đi ra sau vườn tìm ngọn gió mát ngắm nhìn cảnh vườn tược, đứa cháu gái bồng thằng cháu ngoại đi theo chỉ tay dẫn giải:

            - Cháu đào ao nuôi cá chú à, trên bờ cháu trồng cam quýt, mấy năm nay trái cây được giá.

            Tôi hỏi:

            - Có cần vốn liếng gì không?

            - Không – Nó đáp – Cá bột ướt ngoài sông cây con ương trong vườn, xứ này mần ăn không cần vốn liếng gì đâu – Nó chạm nhẹ vào tay tôi mỉm cười nói tiếp – Chú đừng lo cho cháu, xứ này tuy nghèo nhưng cũng không đến nỗi gì đâu, chưa ai bị đói cả - Nó chỉ hai đứa con trai đang hùng hục đào mương – hai thằng con cháu kia lưng nách như vậy làm sao đói được. Đám vợ chúng cũng khỏe. Nhà cháu tuy không dư dả nhưng lúc nào lúa cũng đầy bồ. Tết có tiền mua quần áo mới cho đám trẻ có đứa còn được đi học…

            Nó nói tiếp chuyện làm ăn sinh sống của nó rồi nói sang chuyện ngày xưa: gọi cha dượng nó là “ba này” anh Hai tôi là “ba kia”. Nó biết chuyện đó từ lâu, chính má nó hồi còn sống kể cho nó nghe, kể trước mặt “ba này” của nó, nói về “ba kia” là anh Hai tôi như nói về người chồng trước. Má nó còn dẫn nó đi thăm mả anh Hai tôi, kể chuyện gia đình tôi cho nó nghe ba má tôi về hưu ra sao, tôi đi học nước ngoài như thế nào. Má nó biết tất cả về gia đình tôi, cha dượng nó cũng biết và nó cũng biết, tôi ở thành phố trung tâm mọi thông tin liên lạc lại không biết gì về gia đình nó”.

            Thế là cần cù lao động không những đã làm cho cuộc sống no ấm mà còn bảo đảm được tình nghĩa máu mủ ruột thịt. Ngược lại nếu không biết tự lập chỉ trông chờ vào người khác hay chờ đợi một dịp may thì không những không đảm bảo được cuộc sống, mà tình nghĩa gia đình cũng ly tán.

            Hai người bạn gái tình cờ gặp nhau ở phòng đợi sân bay. Thu Nga cùng chồng đi nước ngoài, chồng là một Việt kiều chỉ nói được tiếng Việt bập bẹ, hắn hứa đưa cô qua Paris, mua nhà mua xe cho cô, đổi lại cô sống một năm với hắn. Cô cũng chỉ lợi dụng hắn làm nhịp cầu nối để tìm những anh bồ sộp hơn ở các nước khác trên thế giới. Ngọc Quyên lấy một người chồng làm nghề giáo, đã có ba con, nhà nghèo túng, nhiều khi hết gạo, con cái học dốt, nhưng cô lại sĩ diện khoe với bạn: “Tụi tao mua được căn nhà ở ngoại thành, nhà nhỏ thôi nhưng có được khoảng đất trống vợ chồng tao tính trồng cây bạch đàn. Anh T. đang có công trình nghiên cứu khoa ngữ văn, ngành cổ học, đang viết nhiều bài về địa danh xưa của thành phố. Tao thì sắp được lên lương. Đám con tao học giỏi lắm, thường ở mười hạng đầu. Nói chung cuộc sống vợ chồng tao không còn gì phải lo nữa”.

            Trong lúc Thu Nga cùng anh chồng hờ lên máy bay, cô nghĩ: “Mình cần nhà lầu xe hơi để làm gì? – Thu Nga nghe tiếng nói từ lòng mình cất lên giọng vừa xa lạ vừa quen thuộc – Mình đâu cần phải đi đây đi đó, mình thấy mỏi mệt lắm rồi, có vui thú gì đâu. Cái mình cần bây giờ là một ngôi nhà, một người chồng với một đám con, mình sẽ chọn một nơi ở thật yên tĩnh cho chồng làm việc, con cái chơi đùa thoải mái và chung quanh có khoảnh đất rộng để mình trồng thật nhiều cây, cây bạch đàn hay cây gì cũng được”, thì Ngọc Quyên đạp xe lọc cọc về đến căn nhà nhỏ thấp, đám con đã ngủ, anh chồng mình trần đang đập muỗi ngoài sân: “Ngọc Quyên vào ngồi ở chiếc ghế xa lông, không bật đèn, trong bóng tối cô dễ dàng hình dung thấy căn phòng sáng trưng ở sân bay, cửa kiếng bóng loáng hành khách ăn bận sang trọng xách những chiếc túi căng phồng ra vào tấp nập, ngoài kia là sân bay, đường băng, từng chiếc máy bay trắng toát bay vút lên như một mũi tên. Một trong những chiếc máy bay có Thu Nga ngồi trong đó, ngày mai cô sẽ đáp xuống Paris. Rồi thì Luân Đôn. Nữu Ước... Rồi nào là khách sạn, những buổi tiếp tân, tiệc tùng khiêu vũ… Ôi ước chi Ngọc Quyên đi được một chuyến đi như thế, được ở trong một phòng khách sạn sáng sủa, thơm tho, sống nhởn nhơ vui thú, không phải bận tâm về chuyện con cái học hành, gạo hết, khoảng đất trống cần phải trồng cây bạch đàn hay cây gì khác.” (Cô áo hồng, cô áo tím).

            Đúng là cái cảnh “đứng núi này trông núi nọ”. Tôi bỗng liên tưởng đến truyện ngắn Cái ánh đèn nhà trước cửa của Luigi Parandello.

            Một chàng thanh niên cô đơn đến mướn một căn nhà trọ lâu nay không đi mướn. Buổi tối chàng không chịu thắp đèn, nhưng “cái ánh đèn nhà trước cửa” lại rọi sang làm sáng phòng chàng. Chàng đứng dậy, ra cửa sổ đứng sau cửa kính nhìn trộm nhà trước mặt có cửa sổ đưa ánh sáng lại. Ở nhà bên kia, dưới ánh đèn, vợ chồng cha con hội họp, một bữa cơm tối vui vẻ đầm ấm. Mỗi buổi tối chàng cứ đứng trong bóng tối say sưa với cái thú nhìn trộm sang bên kia như thế. Một hôm mẹ con bà chủ trọ khám phá ra hành vi kín đáo của chàng. Câu chuyện rồi đến tai người đàn bà làm mẹ làm vợ ở nhà bên kia. Chàng áy náy lo ngại kể từ đấy, mỗi buổi tối cánh cửa nhà bên kia sẽ khép lại không để cho ánh sáng chiếu sang phòng mình nữa.

            Nhưng không phải thế đâu; mà chính ngày hôm sau, khi ánh đèn trước cửa tắt đi rồi, chàng đứng nhìn trong bóng tối đợi gia đình nhỏ kia đi ngủ, để rón rén ra mở cửa thở lấy một chút khí trời, chàng thấy cửa số nhà bên kia cũng mở. Và không bao lâu chàng thấy – chàng phát sợ đến gần kinh khủng – chàng thấy thiếu phụ. Có lẽ nàng tò mò vì lời nói của hai mẹ con bà chủ nhà trọ… Đến thật khuya chàng khép cửa, chàng tin rằng tối hôm sau đèn tắt, nàng sẽ lại đứng cho mình nhìn, và sự đã quả nhiên.

            Từ đó trong căn phòng bé nhỏ của chàng, chàng “không đợi ánh đèn nhà trước cửa nữa, chàng sốt ruột mong cho nó tắt vụt đi”.

            Người đàn bà làm mẹ và làm vợ ở nhà bên kia bỏ tất cả bổn phận trốn theo chàng. Nhưng chẳng được bao lâu, cả hai đều lại thấy khao khát ánh đèn của nhà ấy – mỗi người khao khát một cách khác.

            Một đêm họ lén quay về chốn cũ, nhìn trộm ánh đèn họ khao khát.

            Nhưng ánh đèn ấy, “bây giờ sao chàng thấy nó lạnh lẽo, xung khắc, và phản bội, nó như là hồn hiện vậy!”.

            Trái lại nàng thì thổn thức uống lấy nó như một người chết khát được uống vậy, nàng chạy vội ra tì vào kính cửa chớp (ở căn nhà tối om chàng trọ ngày trước), và xiết chiếc khăn tay bịt lấy miệng. Con mình!… Con của mình… kia kìa… chúng nó kia kìa… ngồi ở bàn, mà chúng có biết gì đâu! ...”.

            Thì ra đối với những con người không làm chủ được cuộc đời mình hạnh phúc bao giờ cũng là “ánh đèn ở nhà bên kia”. Bốn cô gái trong truyện Bốn cô gái trong đêm giao thừa, cuộc đời cũng như chiếc lá bay vật vờ trước gió. Ngày giáp Tết nhóm bạn gái bàn chuyện đi chơi. Hà rủ mọi người về quê mình ăn Tết. Bầy bạn nhìn Hà ngạc nhiên: quê Hà ở đâu mà về? Hà mồ côi từ nhỏ lớn lên ở trại tế bần cả đời chưa ra khỏi thành phố có nghe Hà nói tới quê quán gì đâu. Ngay đến tên cha mẹ chưa chắc Hà đã biết. Chỉ có ngày sinh tháng đẻ Hà nhớ rất rõ do phải thường xuyên viết lý lịch xin việc làm, nhưng chắc cũng do ai đặt ra vậy thôi.

            Nhóm bạn gái có bốn người: Hà, Hạnh, Huyền, Nhi. Bốn cô gái, bốn sắc màu. Hạnh dạo gần đây chạy chọt thế nào xin được một chân thư ký trong một hãng buôn nước ngoài, đang trong thời kỳ tập sự. Huyền và Nhi làm ở cửa hàng sách lương tháng chỉ đủ ăn sáng và mua quai guốc mọi khoản khác phải nhờ chi viện từ dưới quê lên. Nhi là đứa em sau cùng của nhóm bạn và cũng nhỏ tuổi nhứt, chưa quen với thành phố và coi vẻ không thể nào quen được, tối đến hay vùi mặt vào gối khóc đòi trở về quê.

            Đến ngày hẹn anh con trai mà Hà bảo là bồ tới mang theo anh lái xe và chiếc xe hơi nhỏ xíu. Xe cà khổ chết máy mấy lần mới đến một làng vùng quê. Hà chạy biến vào trong một căn nhà, lát sau trở ra nói cả nhà về quê ăn Tết hết rồi chỉ còn anh Hai ở nhà thôi. Cuối cùng mới rõ, anh con trai đó chỉ là bồ “mượn” của Hà, căn nhà ở quê và anh Mai cũng là nhà “mượn” và anh Hai “mượn”. Anh bồ “mượn” nói với anh lái xe về Hà: “Nó là người yêu của thằng T. cùng đại đội với mình ngày xưa, mày quên rồi sao? Thằng T. chết rồi, trong trận tao bị thương đầu đó. Trước đó hai đứa đã ăn ở với nhau, nhỏ có thai, thằng T. đi nghĩa vụ, cái thai bị phá, hôm tao về báo tin thằng T. chết con nhỏ khóc nấc lên đánh tao liên hồi nói: “Anh T. chết rồi con tôi cũng chết tôi sống với ai? Dạo đó nó như điên, bà con họ hàng không có tao cũng không biết làm sao. Thôi mấy con nhỏ ngủ rồi mình cũng ngủ đi, những chuyện như vậy làm sao kể hết…”.

            Đây lại là một bi kịch xã hội do hệ quả chiến tranh mang tới, đòi hỏi xã hội phải tìm cách giải quyết. Ngòi  bút Lê Văn Thảo tỏ ra có trách nhiệm, sự lên tiếng báo động về tình trạng xã hội của anh cần được lắng nghe và quan tâm.

            Tôi nhớ Babel có lần nói với Pautovski : “Tôi không có óc tưởng tượng. Tôi nói điều này một cách nghiêm túc hết sức đấy. Tôi không biết bịa. Tôi cần phải biết tất cả, cho đến từng chi tiết nhỏ nhất, nếu tôi không thể viết được cái gì cả”. Lê Văn Thảo kể: “Tôi yêu thích văn chương, thích đọc truyện từ nhỏ. Dạo năm 55-56 tôi học trường trung học ở thị xã Long Xuyên, do là con nhà kháng chiến nên mấy chú bác ‘Việt minh nằm vùng’ giao tôi tuyên truyền cách mạng trong nhà trường, đơn giản truyền thơ Tố Hữu cho bạn bè đọc. Tôi lãnh mấy tập thơ in bột nếp. Đọc trước khi chuyền, thấy thích rồi say mê bài “Vú em” vì giống hoàn cảnh gia đình tôi khiến tôi xúc động đến bàng hoàng. Tôi bắt đầu viết từ lúc ấy, viết nhì nhằng kiều học trò vậy thôi, không truyện nào được đăng đâu cả. Lớn lên học ở Sài Gòn tôi vẫn viết gửi báo này báo nọ vẫn không kết quả gì. Có lẽ do hồi đó tôi không được sống trong môi trường văn học (tôi học toán), sách đọc ít, không được chọn lọc và quan trọng nhứt là không có người hướng dẫn. Lúc đó tôi cũng lớn rồi, hơn hai mươi tuổi vậy mà thực sự chưa biết viết một truyện ngắn như thế nào, luôn ảnh hưởng người này người khác”.

            Qua lời tự thuật trên, chúng ta hiểu những truyện anh viết ra chủ yếu là dựa vào vốn sống của một học sinh trong thành chiến khu: tham gia kháng chiến chống Mỹ, với những vui buồn riêng, những suy tư riêng, Vì trải lòng ra trên trang giấy nên anh đã miêu tả nội tâm nhân vật một cách hợp lý và thấu đáo, tưởng như nhẹ nhàng nhưng lại cảm động mà gửi gắm sau đó một thái độ, một suy nghĩ chắc chắn của tác giả lối đi thực tiễn máu lửa đầy ác liệt. Anh cố gắng tránh khai thác chất “exotic” biến vùng đất và con người Nam bộ trở thành kỳ lạ, hoang dã, ngây ngô nhằm lôi cuốn người đọc một cách dễ dãi, cũng như hết sức tránh lạm dụng khẩu ngữ địa phương trong ngôn ngữ văn học. Vì cuộc sống ùa vào trong anh một cách tự nhiên nên những tác phẩm đầu tiên của anh có sự xen lẫn giữa truyện và ký. Nhưng sau khi đã có một số kinh nghiệm sáng tác, anh đã viết được những truyện ngắn và tiểu thuyết dựng chứ không phải chỉ kể. Truyện ngắn Thằng Cung xen kẽ miêu tả với hồi ức khá nhuần nhị, Con mèo kết hợp phương pháp tự thuật với suy tư triết lý một cách tư nhiên. Đây là những truyện nếu tôi kể tóm tắt cốt truyện thì lại đánh mất đi chất thơ và những ý tưởng bất ngờ gửi gắm trong đó. Còn tiểu thuyết thì đáng chú ý nhất là Một ngày và một đời (Nhà xuất bản Trẻ, 1997).

            Một công ty xây dựng liên doanh với nước ngoài xây một khách sạn trên nền cũ một tòa nhà trước đây không quân Mỹ ở. Khi đang đào móng, những người thợ bắt gặp một số hài cốt. Giám đốc công ty biết đó là hài cốt, những đồng chí đồng đội biệt động hy sinh trong trận đánh tòa nhà này năm 1968, nhưng đem chuyển những hài cốt ấy đi, cứ cho tiếp tục đào móng để khỏi lỡ tiến độ thi công quy định trong hợp đồng. Hương, một nữ phóng viên viết bài báo phanh phui chuyện này và đến gặp Ba Hoàng, giám đốc công ty để tìm hiểu thêm. Thì ra Ba Hoàng trước đây là người chỉ huy đội biệt động nhưng kiếm cớ vết thương cũ tái phát và sắp được điều đi công tác khác để không tham gia trận đánh, còn Hương là con gái một nữ chiến sĩ biệt động hy sinh trong trận đánh lúc Hương còn nhỏ xíu. Ba Hoàng giới thiệu Hương với Sáu Hải, trưởng ban quản lý công trình xây dựng tòa nhà, trước đây cũng là người của đội biệt động nhưng không dự trận đánh năm 68 và thật sự cũng không tham dự trận đánh nào, để Hương hỏi chuyện về mẹ cô vì chính anh ta là người đem cô xuống gửi ở nhà bà ngoại cô ở Long Xuyên và thường đến thăm cô khi cô còn nhỏ. Sáu Hải viết thư, bảo cô đến gặp một bà già tên Bà Tư bán rau muống, có người em trai tên Năm Mạnh làm nghề đánh xe ngựa, cũng là đội viên đội biệt động và đã cùng chết với mẹ cô. Khi gặp bà Tư, bà đưa cho Hương một số giấy tờ của Năm Mạnh viết giấu trong cái chai đem chôn trước đây, qua đó cô biết được mối tình u uẩn giữa Năm Mạnh với mẹ cô khi mẹ cô nương nhờ nhà bà Tư. Cũng qua bà Tư, Hương biết Út Mặt Mâm người hàng xóm nhà bà Tư đã từng gặp mẹ cô trước đây, nhưng Út Mặt Mâm không nói sự thật mà chỉ cho cô đến gặp một cảnh sát công lộ trước đây gác đường ở gần tòa nhà Mỹ ở và đã chạm trán với mẹ cô trước lúc mẹ cô cùng đội biệt động đánh tòa nhà. Hương lại được bà ngoại cô kể thêm một số chuyện về mẹ cô trước đây. Cô lại đến gặp một người mà trước đây bà ngoại cô định gả mẹ cô cho ông. Ông đã nhìn thoáng thấy mẹ cô trước lúc mẹ cô hy sinh. Khi gặp vợ Ba Hoàng, cô được biết – qua lời Sáu Hải nói với Ba Hoàng – Ba Hoàng không tham gia trận đánh không phải vì vết thương hay điều động công tác mà vì trước khi xảy ra trận đánh mẹ cô đã nói với Ba Hoàng giữa hai người phải có một người sống. Ba Hoàng nghe lời mẹ cô nên đã đứng ngoài cuộc chiến đấu để mặc mẹ cô xông vào vòng nguy hiểm. Cô còn biết – qua câu chuyện của một cán bộ người Sông Bé – sự dũng cảm và mưu trí của mẹ cô khi đánh lừa địch bảo vệ số vũ khí chi đến tiếp tế cho quân giải phóng, cũng như sự bố trí trận đánh sai lầm của Ba Hoàng.

            Phút cuối cùng Út Mặt Mâm kể chuyện trong khi anh ta đi đào mà lấy vật chôn theo người chết ở nghĩa địa gắn tòa nhà đã đột nhập vào tòa nhà và được chứng kiến những giờ phút cuối cùng của mẹ cô. Và qua câu chuyện Ba Hoàng nói với cô trước khi chết về bệnh tim cũng như lời Sáu Hải nói với cô lúc đến thăm Ba Hoàng, cô hiểu ra: Ba Hoàng nhận mẹ cô vào đội biệt động từ khi gặp mẹ cô đang rửa ngói ở Sài Gòn, khi cùng công tác hai người đã ăn nằm với nhau sinh ra cô, nhưng Ba Hoàng trốn tránh trách nhiệm không nhận mẹ cô làm vợ, mẹ cô phải đem cô gửi bà ngoại cô để tiếp tục chiến đấu. Từ đó hiện lên hình ảnh hai con người, một người đàn ông ích kỷ, một viên chỉ huy bạc nhược, đối lập với hình ảnh một phụ nữ anh dũng tuyệt vời, hy sinh tất cả trong đời công cũng như đời tư.

            Mỗi đoạn chuyện đều được từng người một kể bằng ngôn ngữ riêng, giọng điệu riêng, thông qua tính cách và tâm lý do vị trí và hoàn cảnh riêng quy định, nhưng bổ sung cho nhau, soi sáng cho nhau, lắp ghép lại thấy được toàn bộ diễn biến câu chuyện. Lối phục hồi (reproduction) hiện thực bằng tư liệu này, khiến ta nghĩ đến thủ pháp cắt dán (collage) trong nghệ thuật. Lối làm việc này dễ sa vào tính chất lạnh lùng, khô khan của lối đi ghi biên bản theo khẩu cung. Nhưng ở đây Lê Văn Thảo đã thành công khi từ những mảnh vụn ghép lại thành chân dung một nữ chiến sĩ biệt động có tính cách, có cá tính, có tâm trạng, có số phận, anh đã thổi sự sống vào cho nhân dân có máu thịt, có hồn, khiến người đọc thấy chân thực và xúc động.

            Tôi nhớ đến nhà bác học Nga Mitkail Guérassimov đã từ một cái sọ để tạo ra khuôn mặt một con người do tìm ra mối liên hệ giữa các xương sọ, giữa các bắp thịt và các sớ thịt mềm trên mặt, qua đó biết được chiều dài và khổ lớn của các bắp thịt, độ dày của sớ thịt mềm trên từng bộ phận của mặt, do dấu vết của chúng vẫn hiện rõ trên sọ.

            Ở đây lời mỗi người kể tuy từ những điểm nhìn và góc độ khác nhau, nhưng chứa đựng những phản xạ tâm lý tự động nên ít nhiều cũng mang dấu vết của sự thật mặc dù có khi họ cố tình bôi xóa. Việc Ba Hoàng cảm thấy mình lơ láo đứng bên ngoài trận đánh và cho tới sau hai mươi năm vẫn lơ láo bên ngoài như vậy, đó là sự trừng phạt của lương tâm. Lương tâm vẫn chưa chết hẳn và chân lý vẫn muôn đời tồn tại. Một ngày và Một đời chứng minh một điều nếu chỉ đơn thuần nghĩ đến lợi ích kinh tế mặc dù trong thời buổi kinh tế thị trường thì sẽ xúc phạm đến những giá trị tinh thần thiêng liêng mà không tiền bạc nào có thể mua được. Tình nghĩa với những người đã hy sinh cho cuộc sống của chúng ta hôm nay, tình nghĩa giữa người và người là của quý vô giá, mà chúng ta phải bảo vệ cho bằng được bất kỳ trong hoàn cảnh nào.

            Và cũng chứng minh một điều: Không một sự thật nào bị mất đi, không một ký ức nào bị vùi lấp dù là rất xa xưa, mỏng manh, trong một phút thoáng qua của một đời người.

            Cơn giông có thể coi là một tiểu thuyết trữ tình, tập trung trong hình tượng cơn giông có giá trị như một biểu tượng.

            Ralph Freedman nói: “Cái tôi” trong tiểu thuyết trữ tình là then chốt cấu thành tiểu thuyết trữ tình. “Cái tôi” trong trữ tình cũng tức là người kể chuyện mà còn đem kể chuyện diễn hóa mà thành tưởng tượng, có thể đem sự vật bên ngoài trong kinh nghiệm biến hóa thành bức tranh… bố trí của tưởng tượng và chủ đề. Mà trong tiểu thuyết truyền thống lấy tình tiết làm chủ thì đầy ắp sự kiện xã hội, tiền nhân hậu quả”. Cả cuốn Cơn giông là sự kiện xã hội được nhìn qua lăng kính của “cái tôi chủ thể” với quan điểm, cảm thụ, đồng tình hoặc căm ghét v.v… của anh ta.

            Hermann Hesse nói tiểu thuyết là thơ trữ tình giả trang, là mượn dùng thực nghiệm linh hồn của thơ, coi là một thứ “mẫu mã” để biểu đạt tự ngã và thế giới của con người.

            Nhà văn Trung Quốc Uông Tăng Kỳ nói tiểu thuyết là hồi ức và cho rằng phải quen thuộc với đời sống sôi sục giống như chuyện cũ thời thơ ấu vậy. Ông cho rằng tiểu thuyết của Hà Lập Vĩ cái mà tác giả theo đuổi là một thứ cảnh giới thơ, một thứ bầu khí đạm nhã, có phần mông lung, có thể ý hội.

            Virginia Woolf trong Nghệ thuật tiểu thuyết từng so sánh hội họa với tiểu thuyết. Bà chê trách những người coi thường ngôn ngữ, nhưng cũng biểu thị phải tìm kiếm một thứ phương pháp biểu hiện, để biểu đạt công năng của tiểu thuyết, bởi vì một bức tranh có thể đồng thời trình hiện chỉnh thể, tiểu thuyết như thế nào dùng đặc tính của mình khắc họa thời gian tựa như sương mù hoặc như mộng.

            La Quý Tường cho rằng tự nhiên mà Ngô Tuất Bân miêu tả là “tiềm phục trong đời sống hàng ngày, không phải là một thứ không gian cách tuyệt, mà là “siêu việt nội tại” (internal beyond) trong xã hội văn minh một thứ tự nhiên giống như cảnh mộng”.

            Cơn giông đưa người đọc vào một thế giới thiên nhiên hoang dã như khi con người mới đến khai phá đất này, những sự kiện thực tế xảy ra trong mấy chục năm qua mông lung hòa quyện với ký ức của một đứa trẻ, như một bài thơ văn xuôi ca ngợi Đất và Mầm Sống.

            “Cha mẹ vẫn ngày ngày lặn móc đất. Ghe có chiếc cà ràng, chiếc nồi đất, nấu nướng ở đó, đất móc lên có con cua con tép củ co củ ấu bỏ vào đó, hái được đọt trai đọt rác, nấu luộc ở đó, bữa ăn vội vã cơm canh có mùi bùn, vị chua của phèn vị mặn của nước biển. Ngày qua ngày không có tiếng nói nào cất lên, đứa nhỏ bò tới lui tha thẩn chơi với con cua con bọ nước, nhìn theo con chim có những ngón chân dài đi sải trên những chiếc lá sen. Bò đất lớn bằng chiếc nia, rồi bằng tấm đệm những thỏi đất tiếp tục nằm chồng chất đen nhánh dưới ánh nắng. Một buổi sáng đứa nhỏ được cha mẹ bồng lên cho đứng dẫm trên đất, giang hai tay ngỡ ngàng run rẩy, có cảm giác đất vẫn lắc lư dưới chân mình.

            Cái gò đất đã thành nền nhà, cha mẹ bắt đầu dầm đất, đứa nhỏ đi lẫm dẫm tìm bắt con cua con bọ nước, nhìn thấy một mầm cây nhỏ xíu chen kẽ đất mọc lên.

            “Cây mọc lên rồi”, người cha nói.

            “Ba má sẽ cất nhà trồng cây cho con”, người mẹ nói.

            Đứa nhỏ nôn nao, đêm nằm mơ thấy căn nhà vườn cây những chùm trái sai oằn sà sát mặt đất.

            Ngày tháng trôi qua, cái gò đất vẫn nằm đó, coi kỳ lạ, giữa bốn bên bập bềnh sóng nước.

            … Cơn giông nổi lên, trời đất đảo lộn, cả không gian gầm rú điên cuồng, chiếc ghe bị nhấc bổng lên quăng đi tứ tung, bị cuốn đi đến tận cùng trời đất. Cha mẹ còn đâu nữa, đứa nhỏ nằm chết lịm trong khoang ghe. Không biết đã bao lâu trôi qua chuyện gì đã xảy ra, cho đến lúc yên bình trở lại, chiếc ghe trôi lềnh bềnh táp vào một bụi đước, nghe tiếng lao xao của những người cứu vớt, khuôn mặt nhọn của người đàn ông kề sát, thằng nhỏ sống rồi sống rồi, hung thần giông bão không màng tới nó giờ mày là con tao tao bán chiếc ghe nuôi mày.

            Bắt đầu một cuộc đời khác, kiếp sống khác, lang thang trôi nổi, không biết do cơn giông của trời đất hay giông bão của cuộc đời.

            Nhà nghiên cứu Trung Quốc sống ở Mỹ Cao Hữu Công nói: “Chính như kết cấu phải mượn cảm tượng để thực hiện, cảm giác bừng ngộ cũng phải mượn kết cấu để thực hiện. Bởi vậy nó không phải chỉ là cái tri tính, hay là cái cảm tính chỗ phân biệt của nhà nghệ thuật với người thông thường là ở trong kinh nghiệm cảm tính của ông ta nắm bắt được một thứ kết cấu nội tại, thể hội được một thứ ý nghĩa nội tại, mà còn có thể tiến một bước dùng tài liệu và hình thức ông ta có thể khống chế vận dụng đem ý nghĩa của kết cấu này biểu hiện ra. Khái niệm và mệnh đề là không có cách gì trực tiếp biểu hiện thứ ý nghĩa của kết cấu đó. Hai cái chỉ có thể coi là tài liệu của nhà nghệ thuật, hóa giải và ẩn tàng trong tài liệu cảm tính và hình thức. Thứ ý nghĩa của kết cấu đó vừa không phải là cái nhà nghệ thuật trực tiếp nhận biết, lại không có cách nào dùng ngôn ngữ trực tiếp biểu hiện. Trong nghệ thuật động lòng người nhất kết cấu đó chính thể hiện ý nghĩa đó, cũng là tượng trưng cho lý tưởng ông ta nhìn thấy. “Cảnh giới” trong bản thể kinh nghiệm đó, từ sáng tạo cá nhân mà nói, thể hiện “khí” của ông ta, “thần” của ông ta, chuyển từ kết cấu tượng trưng đó mà nói. Đó cũng là một thứ “thị giới” (vision)”.

            Bằng – tên đứa trẻ được cứu sống – đã trải qua những ngày sống đói khổ, cực nhọc ở Cà Mau, Sài Gòn dưới thời Mỹ ngụy. Tháng tư năm 1975, anh đi mua lông vịt ở mạn Bắc thành phố, nghe súng nổ quân giải phóng tràn vào, một toán quân đánh vào một tòa nhà cao từng, anh ham vui chạy theo coi, xung kích chiếm từng lầu một, anh theo lên tới sân thượng, một người cầm cờ ngã xuống anh cầm lấy lá cờ giương cao lên. Sau giải phóng anh tiếp tục đi mua lông vịt, một hôm thấy có tờ báo đăng hình anh cầm lá cờ, phường khóm kêu lên khen ngợi, cho đi học bổ túc, được làm thư ký phường, ông già nuôi thấy có cơ hội mần ăn tìm đến gạ gẫm, có tay nhà giàu có cô con gái cần phải lấy chồng, nhà giàu biệt thự của chìm của nổi, anh nhận lời về sống cuộc sống an nhàn, sau đám cưới bốn tháng có được đứa con, được ông già vợ cho tiền thành lập công ty làm giám đốc vay tiền ngân hàng rồi đi tù. Thì ra ông già nuôi anh đã thông mưu với ông già vợ anh tạo giấy tờ giả rút tiền công ty, đi đá gà buôn trầm hương thua độ cá ngựa. Hết hạn ba năm tù, vợ anh ly hôn với anh, anh dùng tiền của vợ cho mua một chiếc ghe có gắn máy đuôi tôm, chạy đến bờ sông Ông Trang, ghé lên bờ làm nhà ở đó. Nhưng hết bị hạch hỏi về tội đẵn cây trộm, làm nhà ở một mình nơi hẻo lánh không khai hộ khẩu, lai nhân anh từng chở một toán công an đi làm việc, người trưởng công an bị bắn chết, anh bị hiềm nghi lại bị bắt đi cải tạo trồng rừng, rồi nhân đánh một cô gái ăn cắp tiền của anh, bị tăng thêm thời hạn cải tạo.

            Nhưng dù cho giông bão của thiên nhiên hay giông bão của cuộc đời vẫn không thể đánh chìm, làm mất lòng nhân ái trong tính người: anh quan tâm đến cuộc sống của những người chung quanh: Ông già trăm tuổi từng vớt người trôi dạt. Ông Sáu Thiên về hưu vẫn đi lo chạy giấy tờ chứng nhận có công với kháng chiến cho những bà con nghèo khổ, đứa con riêng của vợ anh vẫn thương nhớ anh, đứa trẻ thơ bị kiến đốt mù mắt con nuôi của một người bạn tù nhân đi kiếm tiền để mổ mắt cho con bị đâm lủng bụng trước khi nhắm mắt nhờ anh nuôi con giùm, hai đứa trẻ sinh đôi con một người lái ghe và con chó của chúng… Thì ra ở đời vẫn còn những điều tốt đẹp. Cô gái làm thuê cho mụ chủ mập từng bị anh đánh gần chết, không chủ tâm ăn cắp tiền của anh mà chỉ mượn số tiền đó để thành lập trại tôm cho anh. Người lính Mỹ từng gieo chất độc khai quang xuống đất này, nay muốn sám hối bằng cách giúp cô gái mù đi mổ mắt. Con người cần tình người, cần hơi ấm của người khác, không thể sống trong một thế giới biệt lập như anh chàng Robinson Crusoé ngày xưa, mà phải gắn bó với xã hội. Từ chỗ “đời anh chỉ còn hai nơi, chiếc ghe và trại cải tạo, không còn chỗ nào khác để trở về”, cuối cùng “anh đã có chỗ để yêu thương là hai đứa con gái, chỗ để trở về là trại tôm”.

            Sau khi cơn giông lướt qua, cuộc sống lại tiếp tục: “Con đường đất chạy dài, hai bên nhà sàn mái lá, nhiều nhà bị tốc mái cây cối gãy đổ, đàn ông đang dùng lạt cột kèo đàn bà chắm lá con nít chạy giỡn. Một nhà đang có nhan đèn đám ma, một nhà khác lại có đám cưới, cô dâu chú rể đi vào tươi cười rạng rỡ. Hai người đi quanh co mãi, con đường đâm thẳng ra ven lá dừa nước, sông Cà Mau hiện ra lấp lóa ánh nắng”. Trong cái thế giới đầy rẫy lừa bịp, đâm chém, du côn, gái điếm, tù tội, đói khổ, bệnh tật, chết chóc… giống như ác mộng đó vẫn ánh lên những nét nhân bản như ánh nắng hiện lên sau giông bão của thiên nhiên, giông bão của cuộc đời. Với sự am hiểu về sinh hoạt, tính cách, ngôn ngữ, phong thái, tập tục, tín ngưỡng… của con người ở một vùng đất còn hoang vu ở tận cùng Tổ quốc, Lê Văn Thảo đã làm nổi hình cuộc sống trên cái “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” của đất nước. Cách miêu tả cảnh vật của tác giả tỉ mỉ và đầy ấn tượng làm cho sự vật như chìm nổi trong mộng, hòa hợp với mạch văn tự sự “độc thoại nội tâm” của nhân vật, có thể coi là “mô hình” của tiểu thuyết “dòng ý thức” ở nước ta.

            Từ một nhà văn chuyên viết về “những cảnh đời nhà binh” (mượn chữ của Balzac trong Tấn trò đời), Lê Văn Thảo đã viết khá nhuần nhuyễn về “những cảnh đời tư”. Qua tác phẩm của anh, người ta thấy cuộc đời không hoàn toàn đẹp, cũng không hoàn toàn xấu, nó “có đó”, cái quan trọng là “con người phải phấn đấu như thế nào để khi qua đời có thể từ giã với một xã hội lương thiện hơn”, như Bertold Bretch đã nói. 
Hoài Anh
Số lần đọc: 2938
Ngày đăng: 09.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày xuân đọc lại “Xứ Trầm hương”(1) của Quách Tấn - Nguyễn Man Nhiên
Trao đổi cùng nhà thơ Anh Chi : Điều đáng buồn lại là… - Nguyễn Tý
Thơ Đỗ Nam Cao – Mùi rơm ngun ngút cháy - Hoài Anh
Khi cuộc đời ta gắn liền cùng đất nước - Nắng Xuân
Đọc tập truyện “Người leo dừa” của Vũ Hồng: Tiếng reo đằm thắm tình người - Lê Xuân
Dòng đời – Dòng tâm huyết - Đông La
Trao đổi với GS Trần Thanh Đạm : Một lối phê bình quy chụp lạc hậu - Đông La
NGƯU ‘’đầu’’ – MÃ ‘’viện’’: Nói Với Nhà Phê Bình Trịnh Thanh Sơn - Dương Cường
Về thôi,Nguyễn Lương Vỵ. - Ngô Khắc Tài
Đọc thơ Hồ Chí Bửu - Cảnh Trà