“Nhà văn viết một quyển sách, hưởng 10% nhuận bút trên giá bìa, trong khi người phát hành hưởng 40%, cách phân phối đó khiến cho nhà văn không sống được”.
Đó là tiền đề do báo Phụ Nữ TP.HCM đặt ra cho tọa đàm “Vì sao nhà văn không sống được bằng tác phẩm?” tổ chức chiều 10-1 giữa các nhà văn, nhà xuất bản, nhà phát hành.
Không cần cuộc sống nhà văn!
Nhà văn Võ Phi Hùng cho rằng: “Nếu nói viết văn là một cuộc chơi chẳng qua vì khi tham gia viết văn người ta được ít tiền quá. Chứ chơi gì mà mệt quá vậy? Viết văn tốn ít nhất là 2 quỹ thời gian: nghĩ về những cái sẽ viết, và viết về những cái đã nghĩ. Cuộc sống cần văn chương, cái này khỏi bàn cãi, nhưng đời sống của nhà văn - xét ở khía cạnh nhuận bút - thì không ai cần”.
Điều này có thể chia sẻ được, khi một tác giả viết một quyển tiểu thuyết, in 1000 bản, giá bìa 40.000 đồng, nhuận bút thu về chỉ có 4 triệu. Mọi người đều thấy rõ với thời giá như hiện nay, số thù lao 4 triệu rõ ràng “không có cơ sở gì để cho ra đời một quyển tiểu thuyết cả”. Ấy thế nhưng nhà văn thì vẫn phải viết, họ viết không vì tiền, họ viết vì nhu cầu tự thân của họ. Nhà thơ Lưu Trọng Văn nhấn mạnh đến sự tự nguyện làm nghề của các nhà văn: “Có ai ép các anh viết đâu. Các anh viết được tác phẩm thì các anh còn sung sướng nữa, thế thì các anh phải trả giá cho sự sung sướng ấy, chứ còn đòi nhiều tiền nữa thì làm thế nào?”.
Lời nói ngược ấy nhằm vào nhu cầu tự thân của mỗi người. Nhưng xét góc độ nhìn nhận của xã hội với một sản phẩm trí tuệ và nghệ thuật, thì khi người viết sách không đủ sống, đó là biểu hiện của tri thức đang mất giá. Khi xã hội không coi trọng tri thức, thì sự phát triển giữa kinh tế và văn hóa ắt có nhiều lệch lạc bất cập.
Chia sẻ với điều này, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - cán bộ phụ trách tác quyền của NXB Trẻ - mạnh dạn khẳng định rằng: “nếu bà J. K. Rowling mà viết văn ở Việt Nam thì cũng không sống được. Bằng chứng cho việc này là hiện nay tác phẩm Harry Potter của bà bán tổng cộng 400 triệu bản trên toàn thế giới, nhưng tại Việt Nam chỉ bán tròm trèm 300.000 bản cho tổng số 6 bộ. Ngay như tập 6 Harry Potter, Việt Nam in lần đầu 50.000 bản, thì với Hàn Quốc - có dân số xấp xỉ Việt Nam - in lần đầu quyển này 1 triệu bản. Với số bản in như thế, không thể có mức nhuận bút cao được”.
Và điều anh Phạm Sỹ Sáu nói lại liên quan đến một thực trạng xã hội là số bản in sách tại Việt Nam luôn thấp. Anh Phạm Sỹ Sáu nhấn mạnh thêm rằng hiện nay việc phát hành các sách văn học cũng rất khó khăn, và những người phát hành cũng phải bán các loại sách khác mới có thể “bù đắp” vào những khoảng trống trong tiêu thụ sách văn học. “Tôi mong sao đến một ngày, văn học Việt Nam in lần đầu được mức 100.000 bản, khi đó nhà văn chắc là sống được”, anh Sáu hình dung.
Chưa có lời giải
Mọi việc có vẻ rơi vào chỗ bế tắc khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phân tích: “Mức nhuận bút 10% thì các nước cũng như ta thôi, nhưng ta sống không nổi vì đồng tiền của ta mất giá. Thời trước nhà văn Việt Nam đã từng sống được bằng chính đồng nhuận bút của mình. Nhưng đồng tiền Việt Nam bây giờ khác rồi…”, và ông Ánh nói thêm trong hy vọng: “Phải chờ nền kinh tế Việt Nam phát triển thôi”.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức đồng ý với Nguyễn Nhật Ánh và dẫn chứng ngay: “Ngày trước mẹ tôi (Bà Tùng Long - PV) chỉ kiếm sống bằng nhuận bút của tiểu thuyết, mà đủ sức nuôi chín người con với một ông chồng. Thời ấy các báo thường đăng tiểu thuyết dài kỳ - điều này thuận lợi cho những cây bút có độc giả, và cũng là một môi trường rèn luyện ngòi bút: viết sao để không mất độc giả”. Tuy nhiên, nhà văn Đông Thức cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi “không hiểu sao sau 1975 tại Sài gòn không còn thói quen đăng tiểu thuyết dài kỳ trên các báo nữa?”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chen vào hỏi: báo Phụ Nữ sau cuộc tọa đàm này có mạnh dạn đăng tiểu thuyết dài kỳ không? Không có câu trả lời!
Thu nhập của nhà văn được cân đong đo đếm kỹ hơn khi ông Phạm Minh Thuận - tổng giám đốc công ty cổ phần Fahasa - nhận định rằng “sách văn học hiện nay chủ yếu trung niên đọc nhiều hơn. Giới trẻ đang tập trung đọc các sách công cụ và tìm kiếm kiến thức thực tế”.
Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận rằng: “Hiện nay nhu cầu đọc trong dân chúng đang rất cao, những tác phẩm Nobel văn chương thời trước ít người đọc thì mấy năm gần đây, những tác phẩm Nobel văn chương thế giới đã được người đọc Việt Nam tiếp nhận tốt. Một phần lý do cho việc phát triển này là sự tiếp sức của các cơ quan báo chí, truyền thông. Việc quảng bá cho sách hiện nay đang được các đơn vị làm sách đầu tư nghiêm túc vì nó góp phần cho thành công của việc tiêu thụ một bản sách”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ niềm bức xúc khi cho rằng “con số 1000 bản in trong đất nước có hơn 80 triệu dân là một con số định mệnh không thay đổi được”. Thì ông Thuận phân tích thêm: “Thực ra nói dân cư Việt Nam hơn 80 triệu dân nhưng thực sự cũng chỉ có TP.HCM và Hà Nội là đủ điều kiện “một xã hội có tri thức và có điều kiện kinh tế phát triển, vùng nông thôn gần như không tiêu thụ sách, người đọc Việt Nam đang phân tán, dễ thấy nhất là TP.HCM tiêu thụ 50% - 60% lượng sách xuất bản”.
Ông Trần Thức - giám đốc trung tâm bản quyền - công ty Văn hoá Phương Nam - dẫn chứng những tác giả trẻ như Quách Kính Minh của Trung Quốc viết tiểu thuyết in hàng triệu bản, thì họ sống khoẻ. Và như vậy, vấn đề thu nhập từ nhuận bút của những nhà văn Việt Nam lại thuộc về vấn đề xã hội, “và rất là nan giải”, ông Thức nhấn mạnh.
Như vậy, các ý kiến đã trả lời thỏa đáng cho chủ đề của buổi tọa đàm, duy chỉ có nội dung cuộc sống của nhà văn từ nguồn thu nhập là nhuận bút, thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Trích TTO