Mấy nhà văn xứ Huế bọn tôi đang “hơi” bị buồn một chút khi nghe tin Đại hội Nhà văn chuyển ngày khai mạc vào 8/4, vì thế là không được dự trọn vẹn Festival Huế thì ngược lại, Thái Vũ vui vẻ nói: “Thế thì tốt!”
Có thể nói Thái Vũ là nhà văn “lên đường” đi dự Đại hội nhà văn lần 6 sớm nhất. Xuất phát từ Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/3 anh đã có mặt tại Huế. Hơn 20 ngày chờ họp, anh càng vui vì có thêm thời gian thăm bạn bè và nhất là được trở về những vùng đất anh từng gắn bó, từng đưa anh đến “nghiệp văn chương”: Huế, Quảng Bình, Vinh, Thanh Hóa...
Những năm gần đây, hầu như chuyến ra Bắc nào anh cũng dừng ghé Huế ít ngày. Anh em đùa bảo Thái Vũ đang theo một “bóng hồng” nào đó. Không biết thực hư ra sao, nhưng Thái Vũ hoàn toàn có quyền làm việc đó, vì anh sống độc thân đã mấy chục năm. Đáng lẽ chẳng nên nhắc chuyện riêng không vui này, nhưng anh thanh niên Bùi Quang Đoài nay đã là lão nhà văn Thái Vũ 70 tuổi, “vết thương lòng” xưa đã thành chai; cần nhắc qua một chút, vì nó bắt nguồn từ một “tai nạn nghề nghiệp” khi Thái Vũ vừa nhập làng văn...(Một cách nói thật khéo, báo chí gần đây hay dùng để khỏi nhắc đến những vụ việc không tiện nhắc lại!) Tình cờ, Thái Vũ lại ở cùng chung cư với bà chị tôi tại đường Trần Hưng Đạo, T.P. Hồ Chí Minh; lần nào vào, ghé thăm căn phòng thiếu bàn tay sắp đặt của người phụ nữ của anh, cũng thấy một thân hình gầy gò cặm cụi bên chiếc máy đánh chữ với những chồng bản thảo dày cộp. Nhờ thế, hầu như lần nào ghé Huế, anh cũng có sách mới tặng bạn bè hoặc có bản thảo vừa đưa in.
Lần này, giữa lúc không ít bạn văn đang nung nấu những tham lụân, phát biểu cho có “ấn tượng” tại đại hội thì Thái Vũ lên đường đi họp với cuốn “Nỏ thần An Dương Vương” dày 270 trang chữ nhỏ Nhà xuất bản Trẻ vừa tái bản để tặng bạn bè cùng bản thảo 2 tập “Cờ nghĩa Ba Đình” dày trên 1000 trang vừa được sữa chữa để Nhà xuất bản Thanh Hóa in lần thứ ba.
Thái Vũ gọi điện hẹn gặp tôi tại nhà anh Hoài Nguyên, tác giả công trình giới thiệu lịch sử đất nước Lào dày dặn nhất từ trước đến nay - đồng đội cũ của Bùi Quang Đoài từ nửa thế kỷ trước tại chiến trường Khu V. Anh đã thành khách quen ở đây, đến mức cô hàng bún bên hè phố cũng nhận biết vui vẻ chào đón: “Bác lại ra...” Không thấy “bóng hồng” nào; chỉ thấy hai cựu chiến binh trầm ngâm nhắc lại kỷ niệm kháng chiến bên những chồng sách và bản thảo -trong đó có cả một tập thơ và những ca khúc Bùi Quang Đoài sáng tác thời trẻ. Kể ra “địa chỉ” gặp gỡ này để nói một điều: Từ Bùi Quang Đoài cho đến Thái Vũ vẫn luôn luôn là một con người chung thủy với cách mạng; hơn thế, có thể nói anh thấm đượm chất cách mạng “từ trong trứng”! Khi anh chưa ra đời thì ông cụ thân sinh đã nếm mùi ngục tù đế quốc tại Khám lớn Sài Gòn. Cụ quê ở “Xứ Ròn-Di Luân” Quảng bình, vào dạy học ở Thủ Dầu Một, tham gia vụ để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị bắt. Năm 1940, cụ lại bị giam ở nhà lao Vinh...Thân mẫu của anh quê làng An Truyền (Thừa Thiên-Huế) lại là cháu Đoàn Trưng-Đoàn Trực - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa “Chày Vôi”. Vậy nên, như là lẽ đương nhiên, sau cách mạng Tháng 8/1945, chàng học sinh Quốc học Huế trở thành lính Trung đoàn Trần CaoVân, rồi sung vào đoàn quân Nam tiến và từ năm 1948-1950 là giáo viên Trường Trung học bình dân quân sự Liên Khu 5...
Trên ban-công rất nhiều cây cảnh đẹp của anh Hoài Nguyên, Thái Vũ vừa ký tặng tôi cuốn sách mới vừa nói:
- Nói để cậu mừng, từ năm 1999 đến nay mình còn 3 cuốn nữa được in: “Xứ Ròn-Di Luân, thời gian và lịch sử”, “Hịch truyền” viết về Hưng Đạo Đại vương và “Tuổi xanh Nguyễn Đình Chiểu”...
- Này, anh đã viết nhiều về lịch sử đất nước , còn “lịch sử “ cuộc đời 70 năm chìm nổi của anh hẳn cũng có chút đáng ghi lại chứ?
- Mình đang soạn cuốn “Nghiệp văn chương”, ghi lại những chặng đường đi tìm vẻ đẹp và những khúc bi tráng trong trang sử dân tộc; đó cũng là quá trình hình thành những cuốn tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản... Mà thực ra, trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử cũng đã có hình bóng cuộc đời mình. Cậu biết không, trước khi đến với sử sách, hình ảnh Đòan Trưng-Đoàn Trực (nhân vật chính trong tiểu thuyết “Biến động”) - qua lời kể của mẹ mình, đã sống trong tâm trí mình... Hoặc như tập ký “Đường vô Huế” (1972) viết theo yêu cầu Nhà xuất bản, lúc đó mình đâu đã được “vô Huế”, nhưng Huế là quê mình, bao nhiêu là hình ảnh thân thương đã hiện lên trang sách...
Như được khơi trúng mạch nguồn, giọng Thái Vũ trở nên sôi nổi. Phác thảo cuốn “Nghiệp văn chương” như hiện ra trước mắt tôi. Anh nói về mình mà không quên những bạn bè và những người thầy đáng kính như Trần Huy Liệu, Đặng Thái Mai, Lê Thước đã từng là “điểm tựa” của đời anh. Thoạt đầu, anh chàng Bùi Quang Đoài chỉ định nối nghiệp dạy học của bố. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1956, anh đã trở thành giảng viên của trường, nhưng rồi “tai nạn nghề nghiệp” khiến anh phải rời bục giảng cùng với Cao Xuân Hạo, Văn Tâm... Là hội viên Hội Nhà văn từ năm 1957, quyết định “chuyển nghề” của anh cũng không phải khó khăn, nhưng để có cuốn sách đầu tay trình làng (cuốn “Cờ nghĩa Ba Đình “) là một chặng đường gian khổ. Được Hội Nhà văn cho “vay” 100 đồng, anh đi Thanh Hóa tìm về những căn cứ và nhân chứng cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Rồi 5 năm vùi đầu nghiền ngẫm những trang sử dân tộc, những tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng thế giới. Năm 1963, lại vào Thanh Hóa với quyết tâm và cảm hứng dâng tràn. Các thầy Trần Huy Liệu, Đặng Thái Mai, Hoa Bằng đều tán đồng việc Bùi Quang Đoài chọn “điểm” khởi đầu văn nghiệp là Ba Đình. Cũng năm 1963, lần đầu tiên, bút danh “Thái Vũ” được các thầy “duyệt”, xuất hiện trên Tạp chí “Nghiên cứu lịch sử”. Bản thảo “Cờ nghĩa” viết lần đầu 370 trang, thầy Trần Huy Liệu đọc, bảo: “Cứ theo sườn này, viết kỹ hơn nữa”. Lần hai, thành 600 trang. Nhà xuất bản nhỏ nhẹ: “Các cây đại thụ làng văn in dày thế này còn khó, ông thì...Thôi, rút gọn xuống 300 trang!” Lại cặm cụi sữa chữa, nhưng Nguyễn Đức Đàn góp lời bàn: “Đừng gò bó. Viết thoải mái mới hay được!” Tình đồng nghiệp giữa nhà nghiên cứu và người sáng tác thật đẹp: Nguyễn Đức Đàn theo dõi đọc từng trang bản thảo vừa ráo mực; thậm chí chạy mua giúp bánh mì khi bạn say viết quên ăn... Được Nhà xuất bản “Quân đội nhân dân” nuôi 6 tháng, bản thảo lần 3 dày trên 1000 trang được hoàn thành, tập 1 in năm 1976, năm 1981 in trọn bộ 2 tập.
Người chủ nhà mến khách với thân hình cao to mập mạp như một đô vật, nhẹ nhàng bước ra đặt lên bàn 2 tách rượu dâu tím sẫm. Tôi nửa đùa nửa thật bảo:
- Anh ngồi nghe cho vui. Mà cũng để xem đồng đội cũ của anh có bịa chuyện không...
- Các bạn cứ tự do. Nhà viết tiểu thuyết lịch sử mà dám bịa à?
Tình cờ, anh Hoài Nguyên đã gợi ra một vấn đề lý thú. Đợi Thái Vũ nhấp ngụm rượu lấy hơi, tôi hỏi Thái Vũ:
- Anh từng “tuyên ngôn” rằng: “Viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải tôn trọng lịch sử, không hư cấu, bịa đặt, tùy tiện”. Nhưng đã là tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử, làm sao tránh được “hư cấu”.
- Đúng rồi! Sao lại không hư cấu. Cuốn nào của tôi cũng có tuyến nhân vật hư cấu. Nhưng nhân vật lịch sử có thật, sự kiện có thật thì không thể hư cấu, bịa đặt tùy tiện. Khi viết cuốn nào, mình cũng vẽ bản đồ khu vực diễn ra những sự kiện chính để tránh nhầm lẫn. Nhân đây mình kể một câu chuyện vui: Trong tiểu thuyết “Cờ nghĩa Ba Đình”, có nhân vật hư cấu là cô Thắm bị thằng đội Tây bắn đến 12 phát ở bến đò Cầu Cừ. Bây giờ,nhiều người dân ở đây đã gọi địa danh đó là “bến đò Thắm”. Và trong một cuộc gặp gỡ ở Thanh Hóa, có người đã kể cho mình nghe câu chuyện ở bến đò Thắm, không ngờ người nghe lại chính là tác giả đã “khai sinh” ra nhân vật đó!
Thái Vũ kết thúc câu chuyện trong tiếng cười nhỏ nhẹ nhưng đầy thú vị và như là tự “thưởng” cho thành tích đã tạo nên được một “bóng hồng” bất tử trong lòng bạn đọc, anh lại nâng tách rượu dâu. Tôi cũng cất lời tán thưởng:
- Nếu anh không bịa thì đó là hạnh phúc hiếm có của người viết tiểu thuyết lịch sử!
- Cái cậu này...Cậu đã nói vậy thì mình lấy cậu xem...
Thái Vũ vừa nói vừa cười và xòe ra cho tôi xem các “chứng từ”: Tấm bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm văn học do Đặng Thái Mai ký, rồi bài viết in trong tập kỷ yếu của Trường Trung học Bình dân quân sự Liên khu 5, trong đó có vị học viên kiêm bí thư đảng ủy nhà trường là đồng chí Võ Chí Công...
Say chuyện, bầu trời Huế chuyển sang màu tím như tách rươụ dâu và ngọn đèn trần bật sáng lúc nào chúng tôi không hay. Tôi chia tay với Thái Vũ bằng một lời hẹn:
- Chúng ta sẽ gặp nhau tại Đại hội nhà văn. À, thế anh không định “tham luận” gì à? Hay định phát biểu bằng bằng những cuốn sách vừa in trong năm?
- Ừ!...Thì cách phát biểu tốt nhất của nhà văn là bằng tác phẩm. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta là một kho báu mà các nhà văn khai thác không cùng.
- Riêng với Huế, bộ tiểu thuyết 4 tập về một thế kỷ đấu tranh giữ nước mới ra được 3 cuốn “Biến động”, “Huế 1885”, và “Những ngày Cần vương”. Còn cuốn thứ 4?
- Mình đã sẵn sàng, tư liệu đầy ắp. Nhưng thời buổi này, chỉ cố gắng của nhà văn không ra được sách...
Vậy là câu trả lời còn tùy thuộc những người chăm lo sự nghiệp văn hóa ở Huế./.
Huế, những ngày kỷ niệm 25 năm giải phóng và chuẩn bị Festival Huế 2000
(Báo "Văn nghệ" số14, Tháng 4/2000)
Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB Hội Nhà Văn- 2006