"Trường đồ tri mã lực"
- THÀNH NGỮ
1 Một ngày thu năm 1984. Bình vừa tròn 17 tuổi. Bình đến với Hà Nội lần đầu tiên trong đời trai với cái Giấy gọi đại học trong tay.
Giã từ tuổi thơ. Ôi tuổi thơ khốn khó, ôi tuổi thơ sáng lòa trong những cảm xúc và ảo giác đầu đời. Với hành trang khốn khó và sáng lòa ấy Bình bước vào "cổng trường đại học cao vời vợi" giữa thủ đô hoa lệ mà lòng ôm đầy những ý nghĩ về một "tương lai sán lạn", một "tiền đồ tươi sáng" như những lời mà các thầy cô cấp III (nhất là các thầy cô người Hà Nội hoặc đã từng học đại học sư phạm ở Hà Nội) vẫn thường nói. Để rồi sau này đã bao lần chính những lời vàng đá ấy đã là hòn đá tảng niềm tin cho Bình trong những cơn bĩ cực và bấn loạn, để chờ "một sáng mai này". Ôi cái niềm tin của con người thật là kỳ lạ!
Đã 20 mùa thu. Cái "mùa thu Hà Nội" trong veo và thấm đẫm những xao xuyến đã tràn lấp trong thơ ca, giai thoại và tâm khảm mọi người Việt từ Mục Nam Quan đến "mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau". Ở cái tỉnh lẻ nơi Bình lớn lên người ta cũng biết điều ấy. Mỗi lần nghe mọi người nói chuyện về Hà Nội là lòng Bình lại xốn xao. Nao nao, thật khó tả. Hồi đó được đi Hà Nội là ước mong cháy bỏng của tất cả người lớn và trẻ con. Ước mong đó trong Bình lại càng mãnh liệt. Cái thị xã của Bình chỉ có một con đường duy nhất chạy suốt qua như cái ruột đỉa nên nghe nói Hà Nội có 36 phố phường Bình không biết làm thế nào mà người ta đi lại ở đó mà không bị lạc. Ôi Hà Nội mênh mông mà dồn nén trong câu hát của Nguyễn Đình Thi do anh trai thứ tư của Bình dạy mà Bình vẫn thường hát suốt ngày "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây...", rồi "Hàng Đào ríu rít Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Gai" hay "Đây Ô Chợ Dừa kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm..." Hà Nội còn lung linh bước ra từ tủ sách quý hiếm của người anh cả của Bình với Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng - một Hà Nội bi hùng không kém Paris bi tráng trong Những người khốn khổ của Victor Hugo hay Moskva, Saint Peterburg hiện ra từ những trang sách của Gorky, Tolstoy... Nhiều thành phố kỳ vĩ đó đã bảng lảng trong tâm trí Bình từ cái tủ sách ấy (Ông anh cả vẫn thường bảo "Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản") từ khi Bình mới chỉ 10 tuổi. Gần nhà Bình có một cái thư viện nho nhỏ là nơi Bình thường đến để thu nạp thêm biết bao thông tin về Hà Nội qua những tờ báo như Thiếu niên tiền phong (càng đọc càng thấy các bạn nhỏ Hà Nội thật sướng), Tiền phong, Nhân dân, Quân đội nhân dân. Ôi cái ngày xưa ấy... Hà Nội còn đến với Bình qua những "thanh niên ba sẵn sàng" người Hà Nội gốc (họ bảo thế) đến làm việc ở đấy theo tiếng gọi của Tổ quốc. Họ là những kỹ sư, kiến trúc sư, công trình sư hay những "kỹ sư tâm hồn". Họ là những con người thật đẹp, thật diện, thật lịch sự, thật nhẹ nhàng, thật hài hước, thật trí tuệ... thật rõ là "ngưòi Tràng An". Nhiều lúc Bình cứ nghĩ họ là người giời. Bình nghe họ nói chuyện cả ngày không chán, cứ há hốc mồm ra, mẹ gọi về ăn cơm không thèm về. Từ họ mà Bình học được bao điều về hội họa (như là các ông Da Vinci, Michelangelo, Rembrand, Hocusai, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch hay Sáng-Nghiêm-Liên-Phái gì đấy...), kiến trúc (với các trường phái Thô mộc, Bauhaus hay sự thần kỳ Chùa Một Cột...), văn học (chuyện "Gorky" có nghĩa là "cay đắng", chuyện Pavel Korsagin, chuyện Faust của Goethe - người trước khi chết vì thấy khó thở mà bảo "Hãy mở cửa ra" mà sau đó làm tốn bao giấy mực của bao người, hay là chuyện về một ông bí hiểm nào đó như Pasternac...), âm nhạc (với Mozart, Beethoven, Stravinsky hay Robertino, Diệu Thúy...), lịch sử (chuyện Ceasar, Alexandre Đại đế, Napoleon, hay Nguyễn Huệ định thu hồi Lưỡng Quảng...). Những "Hà Nội kiều" đó đã góp phần nuôi lớn tình yêu Hà Nội trong tâm khảm Bình.
2 Thế là tôi sắp trở thành sinh viên ở một trường ngay giữa thủ đô vì Giấy gọi đại học đã đến nhà tôi trước Giấy gọi nhập ngũ hai ngày. Cả khóa chỉ có hai người đỗ đại học. Thực tình lúc đó tôi rất muốn đi bộ đội, vì nếu đi học thì sẽ làm bố mẹ tôi thêm vất vả sau khi đã nuôi năm người ăn học. Khi đó cả nước thiếu lương thực, một hậu quả hiển nhiên của chiến tranh tàn khốc và lịch sử phũ phàng. Nhưng mẹ tôi vừa khóc vừa đe "Con mà không đi học đại học thì mẹ cũng chết". Bà quả là người mãnh liệt. Mãnh liệt như chính dân tộc này, tuy gian nan vất vả nhưng luôn lấy sự học như là con đường cao đẹp nhất để "nên người".
Quãng đường cỡ 150km mà tôi phải đi ôtô từ sáng đến 7 giờ tối mới tới Hà Nội (bây giờ đi chỉ hết hai tiếng). Bến xe rất gần nhà ông cậu mà tôi phải vừa đi vừa hỏi đường mà đi đến hai cây số mới đến. Hà Nội - đêm đầu tiên trong đời. Xe Lada, Volga, IFA, Ba Đình, xích lô chạy tấp nập. Người người đi lại ngược xuôi trên xe đạp trông ai dáng cũng hao gầy nhưng vẫn có vẻ gì tươi tắn man mác (đấy là lúc đó tôi nghĩ thế). Vài bạn gái xinh tươi lướt nhẹ và cười tươi trên những chiếc Mifa. Khi tôi hỏi đường ai cũng chỉ bảo thật tận tình, ân cần, nhất là một anh xích lô nói giọng Hà Nội tuyệt hay. Đó là đêm Hà Nội mùa thu 1984. Một đêm thu trong sáng, thanh bình với những ấn tượng tốt đẹp về thủ đô yêu dấu.
Sáng hôm sau tôi xách va li lên xe buýt ở phố Lò Đúc để vào trường nhập học. Xe đông và rất hôi vì chồng chất những thúng, rọ của những người đi buôn. Một chiếc xe Ba Đình bẩn và gỉ hoét. Tôi rất buồn nôn nhưng lòng đang "phơi phới dậy tương lai" nên kết quả là không hề hấn gì. Chỉ có một điều làm tôi run bắn là thấy cứ hay bị xô đẩy và một số bàn tay lần mò túi áo tôi. Hồi đó nạn ăn cắp, móc túi luôn là chuyện thời sự nóng bỏng nhất vì chúng "ăn cắp giỏi như thần" (Bây giờ có lẽ không còn). Đó là ngày Hà Nội năm 1984.
Chuyện nhập học diễn ra êm đẹp và chúng tôi được đón tiếp tử tế. Nhưng lòng tôi thắt lại khi được đưa về ký túc xá (ấy là sau này chứ lúc đó thì không để ý gì). Một dãy nhà tranh vách đất, mái nhìn thấy lốm đốm trời xanh, nhìn xuống cũng thấy ngan ngát xanh mầu trời vì nền nhà lấp xấp nước. Mỗi phòng 10 giường tầng là chỗ ở của 20 sinh viên, không còn khoảng trống để đặt một cái bàn học. Gặp một lô bạn mới rồi kéo nhau đi đến nhà ăn tập thể ăn bữa đầu tiên. Chúng tôi chắc không bao giờ quên cái bữa cơm đầu tiên ấy, cho dù sau này nhiều khi còn không có thứ cơm ấy mà ăn. Một chậu cơm khê cho năm người, một xoong canh cải xoong đen như nước sông Tô Lịch, một ít tép hoi rang. Đó là ăn ở của sinh viên ở Hà Nội năm 1984. Với cái ăn như thế thì đứa nào cũng chỉ cần chợt nghĩ tới một bữa cơm gia đình thôi là đã thèm đến thừ cả người. Thỉnh thoảng mùi nấu nướng từ khu tập thể gia đình giáo viên bay qua ngang mũi thì cả lũ đều mơ màng tưởng như đó là mùi Thiên đường.
Hôm sau phải lên lớp ngay nên tôi vẫn chưa đi đâu được để biết gì về Hà Nội. Một lũ thanh niên nhà quê thì đông với dăm ba đứa người Hà Nội trong một lớp. Trong cái thế giới tuy hồn nhiên ấy mà sự khác biệt đã bao phủ giảng đường. "Bọn Hà Nội" sao mà giỏi thế không biết, giáo viên chưa hỏi đã trả lời vanh vách. Đúng là đất ngàn năm văn vật có khác, từng lời nói, từng nụ cười, từng cách cư xử cứ như thể cốt cách rồng thiêng sắp bay lên vậy. Tôi không nói ngoa, vì đó là cảm tưởng thực lòng của tôi lúc ấy. Nhìn họ là tôi lại thấy Hà Nội đẹp và cuốn hút khủng khiếp. Còn các cô giáo thì cô nào cũng đẹp và lung linh như tiên, chưa nói học trò đã muốn nghe rồi, các thầy thì trông cao xa và thần thánh kinh khủng.
Hà Nội đẹp quá, các thầy cô và các bạn đẹp quá. Thật khác xa cái Hà Nội trong cảnh nhà tranh vách đất và cơm tập thể của những kẻ xa nhà chúng tôi. Buồn man mác. Tui tủi. Lòng dạ heo hắt vì đói, khổ và buồn. Đêm hôm ấy cả khu ký túc xá vang lên tiếng gào thét và tiếng người chạy đuổi ầm ĩ. Có trộm. Đúng là trộm cắp như rươi. Nghe các anh chị khóa trên kể ở đây tháng nào cũng xảy ra dăm vụ. Mà chúng trộm cắp cái gì vậy? Dăm ba cái quần áo cũ, quyển từ điển, thế thôi chứ sinh viên nào có cái gì. Chẳng lẽ chúng còn muốn lấy cả mấy lọ muối vừng nữa hay sao. Đêm hôm sau có một vụ cháy nho nhỏ. Có tin đồn do chính mấy sinh viên sắp "tuột xích" tự đốt nhà (Tỷ lệ này là 30 - 40% trong hai năm đầu). Các anh năm cuối bảo ở đây cứ mấy tháng lại cháy nhà một lần. Nhà tranh cũ nát mà, lại là thứ tranh mía nên càng dễ bén lửa chỉ vì một que diêm nhỏ hay do dây maiso đun nấu của sinh viên. Nhìn cảnh ấy tôi chợt có cái ý nghĩ trào phúng là đúng mình là dân Giao Chỉ đích thực, chỉ có những người có ngón chân tõe ra mới có thể bám chắc mặt đất mà đi qua bãi bùn của cuộc sống tới bến bờ tương lai. Mà hôm nào có mưa thì gần như cả trường là một bãi bùn thật. Bùn dầy dăm ba phân nhoe nhoét in những dấu chân ghẻ lở hắc lào. Đêm sau nữa ở sân ký túc có biểu diễn văn nghệ. Nghiệp dư thôi mà hay lắm. Những ca khúc Việt, Nga, Pháp, hay có những anh ăn mặc như cowboy gào thét những bài bốc lửa của Smokie, Abba, Boney M. Cái sân khấu được xếp bằng bàn ghế không có phông màn đó có lẽ là thánh đường linh thiêng nhất cho những linh hồn sinh viên nhí chúng tôi. Hà Nội của những năm cuối thời bao cấp đầy gian khó đấy mà vẫn thật hào hoa. Ít ra là nó vẫn hào hoa trong ý nghĩ man mác của mọi người.
3 Một ngày chủ nhật tôi ra phố chơi. Lần đầu tiên biết "Hà Nội có tàu điện, chạy leng keng leng keng..." Cái âm thanh xè xẹt xì xục của nó dường như vọng về từ cõi trăm năm. Có lẽ nó đã "lừ lừ" đi như thế dưới những hàng cột điện sắt đen xì kia chưa bao giờ nghỉ. Tôi đi cùng một anh học trên hai khóa, tên là Vĩnh, người xứ đạo Phát Diệm. Anh hiểu biết Hà Nội "kinh dị" như thể anh được đầu thai từ một ông ngưòi Kẻ Chợ thời Tiền chiến. Không những anh là người dẫn đường mà còn là "nhà tài trợ" (từ này hồi đó chưa có) của chuyến đi, sau khi bán đi mấy cái tem gạo được thanh toán vào cuối tháng do thỉnh thoảng anh vẫn "cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ" (ca dao sinh viên) để đi chơi với bạn gái hay về quê lấy đồ "tắc tế". Chúng tôi quen nhau như những tên sinh viên vẫn thường lì ở quán nước chè hàng tối vì đói và nhớ nhà (Chúng tôi gọi việc ngồi dai ở quán nước là đi nghiên cứu môn "Quán học"). Vì khoái chuyện với nhau nên đêm quen nhau chúng tôi ngồi đến tận hai giờ sáng với đủ thứ chuyện trên đời trong ánh trăng nghiêng (Có lẽ bây giờ không có trăng ở đâu sáng như trăng ở ký túc xá sinh viên của chúng tôi khi ấy). Lúc về phòng đi ngủ anh còn tặng tôi mấy câu thơ mà tôi chắc còn nhớ mãi:
Trăng nghiêng một mảnh trên đầu
Đâu ngờ có buổi gặp nhau thế này.
Chén trà quá muộn mà say
Liệu trăng có hiểu lòng này trăng ơi?
Mai rày mỗi đứa mỗi nơi
Uống đi em... chén trăng đời cùng anh...
Bài thơ thật tuyệt phải không các bạn. Vừa đi anh vừa nói cho tôi nghe say sưa về Hồ Gươm, sự tích Tháp Rùa, Chùa Một Cột... Chúng tôi đi "shopping" ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân. Ăn kem Tràng Tiền. Rồi viếng Lăng Bác (hôm ấy lăng đang sửa nên không mở cửa). Mệt nhưng tôi vẫn không muốn dừng lại. Anh Vĩnh xứng đáng được gọi là "nhà Hà Nội học". Anh còn kể cho tôi nghe về Hà Nội của Thạch Lam, Vũ Bằng; Hà Nội trong Tố Tâm, Số đỏ và Tự lực văn đoàn. Tôi rủ anh đến thăm cô bạn người Hà Nội học giỏi nhất lớp. Bạn tôi thật vui vẻ và lịch sự, thật dễ mến. Nhà tuy chật thôi nhưng có rất nhiều sách làm tôi nhìn mà cứ lặng người đi. Tôi chưa bao giờ được trông thấy những quyển sách quý như thế. Tất cả bao quanh trên một cái sàn nhà sạch như lau như ly với những đồ vật xinh xắn, nhẹ nhõm. Cả cái chén nước tôi đang uống cũng thật xinh xắn và nhẹ nhõm. Sống giữa không khí ấy thì các bạn ấy học giỏi là phải. Lơ ngơ ngồi chơi một tí thì bố bạn ấy về. Ông chào mọi người bằng giọng Nghệ Tĩnh "Chào các bạn trẻ! Xin lỗi các bạn tí nhé, cứ ngồi chơi tự nhiên". Hóa ra bố của bạn ấy là một "Nghệ kiều" đi "kinh tế mới" ở Hà Nội. Trời đất, bạn tôi là dân Hà Nội đời "F1" mà đã thanh lịch, giỏi giang thế sao!
Tôi và anh Vĩnh về đến bến xe Kim Mã thì tàu điện dừng lại. Phải đi xe buýt về trường nên tranh thủ lúc xe chưa đến tôi tạt sang một hiệu sách cũ và mua được quyển Sổ tay truyện ngắn của Vương Trí Nhàn. Dốc túi tôi vẫn còn thiếu hai đồng nhưng vẫn được bà cụ bán và cho nợ khi khác mang đến trả. Người Hà Nội thật thà với cả người lạ như thế sao? Điều đó làm tôi vô cùng xúc động. Tôi chợt nhìn sang bên cạnh thì thấy ngay cùng số nhà với hàng sách là một quán café trông khác hẳn, cửa kín bưng. Sau này tôi mới biết khi đó bán cà phê là một nghề khá giả nhất Hà Nội, sang trọng "No. 1" trong mắt mọi người. Bị ám ảnh bởi cuốn sách và bối cảnh nên sau đó tôi đã tập tọe viết được cả một cái truyện ngắn.
Quay ra tôi chợt gặp một bạn học cùng khối nhà ở Bờ Hồ đã chục đời, tên là Ngọc Yến. Yến chào tôi bằng nụ cười rất "tít" nhưng có nét gì đó ý nhị kiểu kinh kỳ. Yến niềm nở hỏi ngay:
- A, Bình hả? Đi đâu đấy?
- Ờ, đang đi chơi.
- Đến thăm bạn gái hả? Tớ biết mà, người như Bình thì chắc là có nhiều bạn gái lắm phải không?
- Đâu có, đi thăm Hà Nội.
- Eo ơi... Hà Nội thì có gì đâu mà Bình phải thăm cơ chứ. Hôm nào rảnh qua nhà tớ chơi nhé...
Tôi gật đầu. Gặp nhau hồ hởi nhưng cô nàng cứ hay nhìn tôi tủm tỉm, không biết vì lý do gì.
Một tuần sau tôi được tin anh Vĩnh bị "tuột xích". Anh bị "trả về địa phương" vì kết quả học tập kém. Lý do thế thì quá chính đáng rồi còn gì! Tôi không thể nào tin nổi. Thế là thế nào? Anh có khối lượng kiến thức để nhiều người khâm phục, anh sống tốt đẹp với mọi người. Có điều anh đến thư viện nhiều hơn lên giảng đường, anh bảo: "Kiến thức trên lớp toàn rubbish (rác rưởi), cái cần thì hầu như không ai dậy. Toàn những môn nhồi sọ vớ vẩn, lại còn bắt học thuộc lòng, mà đói rách rét mướt thế thì nhồi cái của khỉ ấy vào thế quái nào được". Tuy chẳng đồng ý với anh nhưng tôi cũng hơi băn khoăn. Tôi phải chia tay anh từ đây sao? "Nhà Hà Nội học" của tôi ơi, anh yêu Hà Nội đến thế cơ mà. Những khi anh miệt mài tìm hiểu và kể cho tôi nghe say sưa về Hà Nội làm tôi hiểu rằng anh không bao giờ muốn xa nó cả, anh với nó đã là một trong máu thịt. Thế mà họ đã phải chia xa. Nghe các anh chị lớp trên nói anh tuy "hay chữ" nhưng chẳng "yêu lấy thầy", nên anh phải "biết thế nào là lễ độ". Đường còn dài lắm, em cứ nghĩ anh là một người "Hà Nội nhất" mà em đã gặp. Em hứa sẽ cố gắng hết mình để nâng niu Hà Nội dùm anh. Một Hà Nội của muôn người.
4 Hãy cố mà cười! Đời buồn lắm. Chẳng lẽ thế là hết cả rồi sao. Hà Nội ơi, dù sao ta vẫn yêu người bằng nguyên cả trái tim. Bình ạ, ở lại học hộ anh nhé. Anh tin em. Mỗi khi đi trên đường Hà Nội xin em đừng quên những con phố mình đã cùng đi qua đó. Bình ơi, đời còn dài lắm. Anh tin rồi ta sẽ còn gặp nhau giữa Hà Nội thân yêu "của chúng ta"... Mày ngây thơ và trong sáng quá. Vì thế mày sẽ còn ăn đòn dài dài. Tư chất mày được đấy. Và mày sẽ nên chuyện chỉ với tư chất ấy sau khi dính đòn. Hãy thật với chính mình, thằng em ạ. Dù có bị đời lừa dối và cũng có lúc phải lừa dối đời thì mày hãy nhớ không được phép lừa dối chính mình bất cứ một giờ phút nào. Cái truyện ngắn của mày đưa anh xem đọc được đấy. Có lẽ nó là bức tranh chân xác nhất về Hà Nội giữa những năm 80 của thế kỷ XX này, khi cả Hà Nội đang chờ một "bình minh ngày mới". Chỉ có tiếng nói hồn nhiên nhất thì mới có thể thét lên được câu "Ô kìa, Đức Vua cởi truồng!" như trong một truyện cổ tích. Thôi được, để anh xem lại. Ngồi trên cái tàu hỏa thối tha này thì anh vẫn thấy mình là hạnh phúc nhất vì có cái truyện của mày mà đọc.
"HAI KHÍA CẠNH CUỘC ĐỜI". Gớm nữa cậu. Với cái kết ấy thì tốt nhất cứ đặt đầu đề là "THẤT HỨA". Cậu hơi nặng về gợi mở bâng khuâng quá. Anh biết cậu lãng mạn.
"Một buổi chiều như mọi buổi chiều nhưng sao tôi thấy nó thật đẹp. Phố xá như lâng lâng làm tôi cũng trào dâng cái cảm xúc ấy trong lòng. Tôi đi trên phố trong hơi thở miên man..." Được, dám xưng tôi ngay từ đầu là người trung thực. Anh chúa ghét bọn cứ thích xưng "chúng tôi" hay xưng trệch sang ngôi thứ ba. Nghe gian gian. "...Trong cái khoảnh khắc thanh tao đầy nhã hứng này thì thứ người ta ham muốn nhất là một quyển sách hay." Nghe hay nhưng hơi già cậu ạ. "Nhưng đối với một tên sinh viên nghèo như tôi thì chỉ mong gặp một hàng sách cũ. Cầu được ước thấy, nó đây rồi. Một gian hàng hèm hẹp, mông mốc với một cái sạp gỗ tạp nghiêng nghiêng trên bày toàn sách xấu, mối mọt và lem nhem. Ngồi bên sạp là một bà cụ tóc dài trắng như một tấm lưới, khuôn mặt đầy phúc hậu. Cụ đặt nhẹ cốc trà xanh đang uống dở xuống nhìn tôi mời "Mời em vào trong mà xem". Tôi đáp "Vâng ạ" rồi cúi lật xem qua từng hàng sách..." Cậu chắc nhiễm văn Balzac hay sao mà tả đúng giọng "Tấn trò đời" thế. "...Vừa xem sách tôi vừa hỏi han cụ mọi chuyện. Cụ kể các chuyện xưa chuyện nay đều rõ ràng và súc tích, chứng tỏ cụ còn minh mẫn lắm. Ôi, giá như các giáo sư ở trường đều có được cái tư chất và cách truyền đạt như cụ thì phúc đức cho lũ học trò chúng tôi biết mấy. Hay muốn làm giáo sư thì phải ăn nói khệnh khạng, tù mù?" Mày đã có mầm mống của đau thương rồi đấy Bình ạ. Cầu Chúa ban cho mày may mắn, dù Chúa đã bỏ tao. "...Tôi rất tâm đắc với mấy quyển liền. Sau khi hỏi giá thì tôi biết may ra mình có đủ tiền mua được một quyển. Tôi đưa bà cụ xem quyển mà tôi thích nhất mà hỏi cụ có hạ giá không. Với giá chót tôi biết dù có dốc hết túi thì tôi vẫn còn thiếu hai đồng. Thấy tôi phân vân mà lại cứ hau háu nhìn cuốn sách, bà cụ cười bảo tôi cứ mang sách về mà đọc, lần sau ra trả nốt tiền cho bà cũng được, người yêu sách bây giờ đâu có nhiều. Tôi cảm động quá lắp bắp không nói nổi một lời cảm ơn, trong lòng hạ quyết tâm hứa mang tiền ra trả cho bà cụ ngay sau đó." Ôi những cụ bà người Hà Nội, các cụ phải cố sống lâu mà giữ gìn không bao nhiêu thanh lịch, văn hiến, công dung ngôn hạnh sẽ bị những đứa cháu gái của các cụ ném xuống sông Tô Lịch hết cho mà xem. "...Ra khỏi hàng sách tôi chợt nhìn thấy ngay cùng số nhà là một hàng café. Cùng số nhà nhưng khác hẳn. Sang trọng và rất "style" với những hàng gạch ốp trang trí. Cửa chính sơn mầu xám sậm với những đường nét óng ánh và đóng im ỉm như muốn nhắc nhở mọi người trước khi vào xin hãy xem lại túi tiền. Bên cạnh là khuôn cửa sổ rộng ôm kín một chiếc tủ gương bày hàng lung linh long lanh như hình ảnh trong các cung điện. Chiếc tủ có bốn tầng..." Anh hy vọng cậu sẽ thành tài để viết nên một tấn trò đời mới. "...Cùng một số nhà, vậy chắc đó hẳn là hai mẹ con..." Cậu có óc quan sát đấy. "...Mấy hôm sau tranh thủ thời gian rảnh tôi mang đủ tiền xe buýt và tiền sách còn thiếu để mang đến trả nốt cho bà cụ. Sau khi chạy bộ cỡ gần hai cây số tới bến xe tôi được tin sét đánh ngang. Giá vé xe buýt vừa mới tăng, đúng hai đồng." Cái kết được, nhưng nên nhớ phải mở ra được hướng đi cho tương lai thì mới tròn trách nhiệm một người cầm bút có tâm. Nhưng em ơi, chữ "tâm" cùng với chữ "hâm" một vần...
5 Không ngờ lại gặp Bình giữa phố. Cái thằng cha có vẻ kiêu kỳ, bí hiểm nhưng nụ cười thật đẹp. Bình trông hơi xanh nhưng dáng vẻ vẫn âm ỉ toát lên là một trang thiếu hiệp lãng mạn và sáng láng trong mắt mọi người, nhất là trong đám con gái. Thế mà bây giờ chắc hắn vẫn chưa biết yêu là gì, vẫn đi chơi với lũ con giai. Hay hắn không yêu được cá nhân một ai, một em nào. Hắn có cái vẻ mang trong mình một tình yêu lớn. Như mấy thầy cao thủ dạy Hán Nôm bảo là có người chỉ yêu được lý tưởng, có người chỉ yêu được tôn giáo... mà không thể yêu riêng ai được. Nếu yêu nước Thiên Đàng hay khao khát Niết Bàn sao hắn không đi tu quách đi. Để ta khỏi gặp hắn. Chắc chắn bọn con gái luôn tò mò về hắn, muốn được làm thân với hắn. Ta là một trong số đó. Ta phải kiểm tra trái tim hắn xem nó có "cái đó" không. Rồi nhà ngươi sẽ biết thế nào là Ngọc Yến.
Ta luôn dược bọn con trai săn sóc mà sao chỉ thấy bực mình. Nhưng cũng có cái hay khi hôm ấy thằng Thắng "Sái" kỷ niệm cho đôi vé đi xem Romeo và Juliet ở Nhà hát lớn. Ta đã chủ động rủ Bình và hắn đã nhận lời. Đến sớm nửa tiếng mong có cơ hội giao lưu "bùn" hơn (hồi ấy sinh viên hay gọi chệch chữ "sâu lắng" đi thành "bùn") nhưng hắn đã cho ta ngay một bài đit-cua liền tù tì 25 phút về kiến trúc Tân cổ điển Pháp (hay kiến trúc Thực dân gì đấy) trong lòng Hà Nội thế kỷ XX. Hắn nhấn mạnh: "Loạt kiến trúc này đã và mãi mãi sẽ là những chuỗi ngọc trong ngần lấp lánh trên chiếc cổ ba ngấn của Hà Thành e lệ, trong đó Nhà hát lớn chính là viên kim cương lớn nhất". Trời ơi, hắn quên mất rằng "khen người phụ nữ khác trước mặt một người phụ nữ là bất nhã" sao. Năm phút trước giờ diễn hắn nói vở kịch sắp xem là vĩ đại nhưng không thể có được cái tinh tế, ý nhị và cao nhã của những Hồn bướm mơ tiên, Nửa đời hương phấn, Tố Tâm của những trai thanh gái lịch Hà Nội xưa được. Sau buổi diễn hắn như lên đồng: "Lê Khanh của Hà Nội diễn Juliet còn Juliet hơn cả Juliet, còn Đức Hải thì đóng Romeo nhập thần đến mức sau vai diễn này anh ta như không còn tồn tại nữa, anh ta "mãi là tuổi 17"". Mọi cái hắn nói dường như là chân lý. Vì hắn như chỉ hướng về đó. Hắn cảm được vẻ đẹp của người và cảnh Hà Nội mênh mông bể sở mà sao như không biết gì tới một "cái đẹp biết nói" (nói như lời thầy dạy Cổ văn dẫn lời ông Trương Trào nào đó) đang ngước nhìn hắn đăm đăm. Rõ là chỉ thấy rừng mà không thấy cây. Quá bi phẫn ta đã thét: "Đồ gàn! Đồ ngộ!". Đúng, hắn ngộ Hà Nội.
6 "Em đừng mắng tôi. Trái tim đàn ông trông thế mà đơn tuyến lắm. Khi nó đã ngập tràn cảm xúc về một cái gì thì nó sẽ khó mà dứt ra được. Nhất là khi trái tim đó đang yêu Hà Nội hộ cho biết bao nhiêu người khác nữa. Em có yêu Hà Nội không? Vậy thì đi cùng anh..."
Mới đấy mà đã 20 năm. Ký ức 20 năm của tôi có thể có đôi chỗ không còn chính xác 100% nữa, thật mong những người cùng sống với tôi thời đó, nhất là các bạn cùng học với tôi, bỏ qua cho nhé. 15 năm trước tôi tốt nghiệp đại học rồi thất nghiệp dài dài nhưng tôi vẫn tối ngủ ga Hà Nội, ngày đi đạp xích lô (đó là cái nghề "sang" nhất và có thu nhập cao nhất của tôi trong đêm dài chờ đợi ấy) chờ "một chuyến tàu sáng" hú hồi còi dài thức tỉnh cả thành phố. Rồi chuyến tàu đó đã chuyển bánh, chuyến tàu "Đổi mới" xình xịch xình xịch chở những xoong canh cải xoong đen ngòm đổ xuống sông Tô (cho đến bây giờ dòng nước vẫn còn đen), và cả thành phố đã cưỡi động cơ (còn xích lô ư, bạn chuẩn bị phải vào Bảo tàng Bác Cổ may ra mới tìm thấy chúng; đến đó thì bạn sẽ gặp cả tầu điện nữa) vươn nhanh về phía trước. Giờ đây những khu nhà tranh vách đất của chúng tôi đã từ lâu phải nhường chỗ cho những khu cao ốc tám chín tầng luôn râm ran tiếng cười nói của những người từ muôn phương về với Hà Nội, những con đường xưa xe đạp còn khó đi nay đã thành đường cao tốc bốn năm làn xe. Dân số thành phố đã tăng gấp ba bốn lần. Nhưng, có một cái vẫn như xưa hình như chính là lòng người Hà Nội. Dung dị, không dấu mình, thông minh mà nhân bản. Hà Nội ơi, hãy cho tôi được ngồi mãi bên Hồ Gươm để được chiêm nghiệm, được viết về Người. Nếu đồng ý xin Người hãy cười lên một tiếng.