Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.247
123.160.469
 
Diện mạo THƠ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG qua cuộc thi 2006
Lê Xuân

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An đăng cai tổ chức cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2006, và đã trao giải ngày 28- 11- 2006. Hội đồng chung khảo gồm nhà thơ Chim Trắng- trưởng ban; nhà thơ Nguyễn Trọng Tín- thành viên; nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phong- thành viên, đã nhất trí cao với 11 giải thưởng trao cho 11 tác giả. 64 bài thơ của 25 tác giả lọt vào vòng chung khảo đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ in thành tập Đôi dòng sông dang tay.

       

Nếu so với cuộc thi thơ ĐBSCL lần trước (2004) thì lần này số lượng tác giả giả, tác phẩm có tăng hơn, đặc biệt chất lượng có nhiều khởi sắc. Sông Tiền và sông Hậu- “đôi dòng” này, là biểu trưng cho tình đất, tình người khu vực ĐBSCL. “Đôi dòng sông dang tay” như chào đón, mời gọi các tác giả dự thi, như  mở lòng mình để đón khách bốn phương tới với mảnh đất “chín rồng” giàu hoa trái và trí dũng. Cảnh sắc và tâm hồn con người của vùng sông nước như lan toả ở mỗi vần thơ. Nếu “Thơ là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu), thì ở mỗi bài thơ trong tập này người đọc sẽ tìm thấy nhiều giọng điệu khác nhau nhưng cùng chung cảm xúc ngợi ca, vui buồn, trăn trở, hy vọng cho mảnh đất Cửu Long bay lên trong thời hội nhập.

      

Cao Thoại Châu (Long An) với hai bài thơ đạt giải Nhất “Quán của người tên V” và “Lỡ có xa đồng bằng” tuy chưa thuyết phục nhiều bạn đọc nhưng cũng đã đọng lại trong ta một nỗi đau nhân tình, thắp lên được một niềm hy vọng mong manh:

Mái quán em tường xiêu giấy lợp

Hào phóng đời cho mượn ánh đèn

Tôi sẽ thắp dùm em thêm chút nữa

Dẫu chỉ là đom đóm trong đêm.        (Quán của người tên V)

     

Bài “Lỡ có xa đồng bằng”cấu tứ còn rời rạc, hình ảnh và tư duy thơ còn tản mạn nhưng cũng có những câu hay, giãi bày được chút tình ngậm ngùi mà nhẹ nhàng sâu lắng:

Xa sẽ nhớ dãy thềm rơi những nắng

Cỏ bình yên xanh mượt chân đê.

Hình ảnh “thềm rơi những nắng”có hơi hướng thơ Nguyễn Đình Thi trong bài “Đất nước”: Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Thơ Cao Thoại Châu có nhiều chi tiết vừa cụ thể vừa trừu tượng, nếu đọc lướt và tách từng khổ thơ thì thấy rời rạc, nhưng khi lắp ráp vào chỉnh thể cảm xúc chung của nhân vật trữ tình sẽ thấy có sự loé sáng. Những hình ảnh như cây cột điện, quán rượu, chiếc ghế nhựa, con cá và lưỡi dao…tưởng như vô lý nhưng lại hữu lý. Thơ chỉ cần gợi liên tưởng. Nếu có tứ lạ thì càng hay, bằng không cứ để cho cảm xúc dẫn dắt qua những hình tượng thơ. Cũng như truyện ngắn hiện đại, nhiều truyện không có cốt truyện vẫn hay. Thơ tự do thời công nghiệp số hoá, đôi khi cũng cần thế. Đó cũng là một cách làm mới thơ, có người gọi đó là sự “lạ hoá”.

      

Cảm hứng về kỷ niệm tuổi thơ, về cảnh sắc sông nước nắng gió đồng bằng được thăng hoa ở nhiều bài. Tác giả Võ Mạnh Hảo (Long An)- đạt giải Nhì, có những câu đằm sâu vào tâm hồn người đọc:

   Đàn trâu mùa hè

   Ngủ quên chiều lạnh

   Tôi ngủ quên trong vòng tay nuông chiều kỷ niệm

   Hư ảo giữa cánh đồng…   (Trò chơi).

     

Thơ Võ Mạnh Hảo vừa giàu về hình ảnh cụ thể vừa có chiều sâu trí tuệ, mạch liên tưởng gắn kết giữa từng câu, từng chữ khá chặt. Các hình ảnh nấm mộ, chiếc bát tuổi thơ, con chim lợn, chiếc thuyền; hay những so sánh độc đáo: “Đôi mắt người già đục như sông làng, nhưng ẩn chứa nỗi bình yên trú ngụ”; hoặc những liên tưởng gợi sự đa nghĩa: “Đàn trâu mùa hè/ Ngủ quên chiều lạnh”; hay “Ký ức mình nói bằng giọng cỏ”; hoặc “Qua từng nấm mộ /tháng bảy còn chiếc bát tuổi thơ?”… Tất cả đều hiện lên như một trường đoạn phim nhằm tái hiện những kỷ niệm tuổi thơ vừa gần lại vừa xa, vừa thực lại vừa ảo, vừa dân tộc vừa hiện đại. Người xưa nói: Thơ như con rồng lượn trong mây, có khi thấy đầu mà chẳng thấy đuôi, là như vậy. Nếu được làm thành viên của Ban giám khảo, có lẽ tôi phải tăng thêm điểm cho cả năm bài thơ của tác giả này.

     

Phạm Nguyên Thạch (An Giang) đạt giải Ba, có những câu mang ý mới:

 Đâu thể ví lục bình trôi nước đẩy

Lục bình vừa trôi vừa trổ hoa

Ta trôi nhiều nơi nước xuôi nước xoáy

Chẳng trổ hoa nào, sóng dập dần xa…  (Nơi mong về lại)

Xưa nay người ta thường so sánh những kiếp người bất hạnh trôi nổi như lục bình, mặc cho số phận đưa đẩy, nhưng Phạm Nguyên Thạch lại có một phát hiện mới “Lục bình vừa trôi vừa trổ hoa”, còn con người thì “chẳng trổ hoa nào”  mà còn bị “sóng dập dần xa”. Từ liên tưởng ấy, những kiếp người trôi dạt theo dòng đời sẽ trăn trở, sẽ nghĩ suy phải làm gì để có sự đổi đời, vươn lên trong nghèo đói, bất hạnh để cũng sẽ trổ hoa như lục bình kia? Tưởng như khổ  thơ mang chất bi mà hoá ra vẫn tiềm ẩn chất lạc quan ở hình tượng thơ. Nó chính là phần chìm của một “tảng băng trôi”. Tác giả Trần Minh Trường (Bến Tre)- đồng giải Ba, đã vẽ được bức tranh khá bắt mắt về sự mênh mông của một vùng sông nước đồng bằng Tây Nam Bộ, đọc lên ta thấy không thể lẫn với một miền quê nào ở miền Bắc hay miền Trung:

Tôi nằm nghe tiếng sông cựa mình quẫy lên câu hò Đồng Tháp

Vầng trăng tháng Tám không tròn như mong đợi

Ai hát liêu xiêu miền bưng, miền hạ

Căn chòi khuya, cơn gió khuya bồng bềnh con nước lên. 

                                                                                   (Ngẫu hứng đồng bằng)

Tác giả Hữu Nhân (Đồng Tháp)- đồng giải Ba, với hai bài “Gọi thơ” và “Điều không thể” đã trăn trở nhiều về thơ và trách nhiệm công dân của người cầm bút. Giọng điệu ở cả hai bài nghiêng về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của thể trường ca truyền thống. Điều đáng quý ở tác giả trẻ này là luôn đi tìm cái mới và chỗ đứng cho thơ trước cơ chế thị trường đầy biến động. Cứu cánh của thơ mãi mãi là Tổ quốc và dân tộc. Bất luận trong trường hợp nào nhà thơ cũng không được bẻ cong ngòi bút, dù có phải chịu nhiều oan trái như Nguyễn Trãi ở vụ Lệ Chi Viên: “Chắc gì đâu khi nhà thơ trở thành anh hùng/ Thì phải lãnh án chu di/ Đất nước mấy nghìn năm mới xảy ra một vụ án Lệ Chi/ Xót xa và căm phẫn/ Khi nước mắt ướt đầm trên ngọn bút/ Con người biết nhận ra trong nhau cao cả lẫn thấp hèn” (Điều không thể quên). Chính vì thế mà anh luôn gọi hồn thơ bay lên “những sao Hoả, sao Kim” tít tắp, những câu thơ “căng buồm ra biển” lớn của cuộc đời, những câu thơ “biết giữ nhà đẻ trứng”, và cả những câu thơ đang “ngủ đình, ngủ điếm”, tất cả những hỉ, nộ, ái, ố, nói cười, mời mọc, khóc say, điên loạn… đều phải được chưng cất, thanh lọc qua tâm hồn thi nhân. Giữa lúc nhiều tác giả thơ trẻ bế tắc trong cảm xúc và biểu đạt thì Hữu Nhân vẫn thấy một chân trời rộng mở, sáng láng của thơ:

Tiếng cục tác sau lưng vườn cũng bùng lên hy vọng

Và ngọn đèn nhỏ giữa khuya đủ sáng lối thơ về.       (Gọi thơ).

 

Đề tài và chủ đề cuộc thi khá rộng nên thu hút được nhiều thế hệ và giọng điệu thơ tham dự. Song, có một cái chung dễ nhận là tình yêu con người và mảnh đất nơi đây thật mặn nồng, đắm đuối, mãi mãi như tình yêu nam nữ ở thuở ban đầu. Tình cảm của nhân vật trữ tình vẫn mãnh liệt, cuộn chảy không ngừng không nghỉ như nước sông Tiền sông Hậu trước hai mùa mưa nắng. Có những tình cảm bùng lên như “nấm mối” mọc ở vườn sau cơn mưa trong thơ Hồ Thanh Đìên. Anh lặng ngắm một cây bần trốc gốc mà ngẫm suy về thân phận con người: “Đã đành vậy sóng xô đất lở/ Cây bần trốc gốc, cây bần trôi/ Chỉ nói được một lời bỏ lỡ/ Cũng nhẹ lòng thay lúc buông xuôi” (Cây bần ổi). Tình cảm về người cha, người mẹ, về anh em, cô bác, bạn bè, quê hương…rãi rác trong nhiều bài thơ. Võ Tấn Cường (Tiền Giang)- giải Khuyến khích, với bài thơ “Dâng đàn” đã có những câu thơ thật da diết về tình cha con:

     Tiếng đàn ru giấc mơ êm

Hạt mơ ước thả gọi chim tụ về

     Tiếng đàn lay tỉnh cơn mê

Con đi lạc lối quay về bên ba.

     

Ở những tác giả lọt vào vòng chung khảo, tuy chưa đạt giải, nhưng cũng không ít những câu thơ loé sáng, có sức gợi và ám ảnh bạn đọc. Có thể dẫn ra một số câu như: “Một chấm đen diệu kỳ từ biển/ Chập chờn níu giấc mơ/ Ai về?/ Còn ai về nữa?/ Xóm lưới nghèo bếp lửa thắt lưng ong” (Khi bão quay đầu- Minh Hoàng- Đồng Tháp); hoặc như: “Đêm cồn bãi hàng bần rũ tóc/ Đom đóm chơi vui mùa yêu thương/ Ta nhớ nhau cồn cào sóng vỗ/ Giáo chướng xôn xao nước ngập đồng” (Có một dòng sông- Lê Minh Tân- Vĩnh Long); hay: “Lau sậy nào thổn thức bên sông/ Con xuồng nhỏ rì rào nước đổ/ Đắm mình trong vô cùng trời đất/ Dõi mắt theo từng chấm đỏ nhạt dần” (Hơi thở đồng bằng- Nguyễn Ngọc Tuyết- Cần Thơ); hoặc: “Con còng đạp nước ròng, bìm bịp gọi nước sa/ Đất khát mùa khô dầm mình mùa lũ/ Con cá con tôm dúi đất kiếm mồi nương vào đất ngủ/ Ngọn lúa trời cũng từ đất ngoi lên” (Đất quê- Nguyễn Thượng Hiền- Cần Thơ)…

      

Đôi dòng sông dang tay tuy còn ít những bứt phá mới mẻ về sự thể hiện như một số nhà thơ thế hệ 8x ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, số tác giả trẻ tham dự cuộc thi và đạt giải còn ít, nhưng nhìn chung vẫn cho người đọc thấy được sự đa dạng và lớn mạnh của thơ ĐBSCL, thấy được sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên, thấy được trách nhiệm công dân và vai trò của người nghệ sĩ. Có một điều mà nhiều bạn đọc còn băn khoăn là sự chênh lệch giữa một vài bài thơ đạt giải so với thơ đích thực còn một khoảng cách lớn. Có người cho rằng các tác giả thơ ĐBSCL còn “hiền” và “khiêm tốn” quá trong cách thể hiện ở mỗi bài thơ. Song, ở đây ta vẫn thấy có điều đáng mừng và tự hào là thơ ĐBSCL vẫn giữ được bản sắc của con người Nam Bộ trong cách cảm, cách nghĩ và cách biểu đạt về ngôn từ, hình ảnh, tuy nhiều bài thơ vẫn còn thiên về giãi bày, kể lể tâm trạng là chính, cảm xúc chưa thực thăng hoa. Về thi pháp thơ chưa có nhiều cách tân, nhiều bài thơ không có tứ nhưng nội dung tình ý thì luôn đong đầy như con thuyền đã khẳm mà vẫn lướt đi trước sóng gió cuộc đời. Tin rằng, hiện tại và mai sau, thơ ĐBSCL sẽ mau chóng hội nhập vào dòng chảy của thơ ca dân tộc và thơ ca nhân loại, khi Việt Nam đã chính thức là thành viên thứ 150 của WTO. Người đọc sẽ chờ một mùa vàng bội thu của thơ ĐBSCL ở cuộc thi tiếp./.

 

Lê Xuân
Số lần đọc: 3408
Ngày đăng: 21.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thái Vũ : người đi tìm cái đẹp trong trang sử dân tộc - Nguyễn Khắc Phê
Họa sĩ Bửu Chỉ và một bức tranh chưa đặt tên - Nguyễn Khắc Phê
Lê Văn Thảo – Người “Nói thơ ” bằng văn xuôi của Nam Bộ - Hoài Anh
Ngày xuân đọc lại “Xứ Trầm hương”(1) của Quách Tấn - Nguyễn Man Nhiên
Trao đổi cùng nhà thơ Anh Chi : Điều đáng buồn lại là… - Nguyễn Tý
Thơ Đỗ Nam Cao – Mùi rơm ngun ngút cháy - Hoài Anh
Khi cuộc đời ta gắn liền cùng đất nước - Nắng Xuân
Đọc tập truyện “Người leo dừa” của Vũ Hồng: Tiếng reo đằm thắm tình người - Lê Xuân
Dòng đời – Dòng tâm huyết - Đông La
Trao đổi với GS Trần Thanh Đạm : Một lối phê bình quy chụp lạc hậu - Đông La