Điều kiện môi sinh, kinh tế và hoàn cảnh lịch sử, xã hội có tính đặc thù của một vùng đất thường để lại dấu ấn trong tâm lý, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân sống trên địa bàn ấy, tạo nên cá tính vùng, miền.
Nam Bộ là một vùng địa lý có nhiều nét riêng biệt, ở vào vị trí mở về thiên nhiên, kinh tế và văn hóa. Với một vị trí địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất, nước và khí hậu, Nam Bộ đã trở thành vùng đất hứa của những người đi mở đất, mở nước 300 năm qua. Nhưng vốn là vùng đất hoang, trước đó nhiều thế kỷ chưa được khai phá, nên thiên nhiên Nam Bộ cũng hết sức khắc nghiệt, nhất là trong buổi đầu khai hoang mở đất. Quá trình khai phá Nam Bộ là một quá trình lao động vất vả lâu dài của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, là kết quả của sự nỗ lực lớn lao và những sáng kiến phong phú trong lao động.
Những thuận lợi và khó khăn của đặc điểm địa lý-sinh thái Nam Bộ không những tác động trực tiếp đến quá trình lao động mà còn ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và hình thành nên cá tính Nam Bộ.
Trong mục Phong tục chí của sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết (đầu thế kỷ 19): Nam Bộ “đất rộng, thực vật nhiều, không lo đói rét, nên dân ít dự trữ, để dành, tập tục xa hoa, sĩ khí hiên ngang, ở khắp bốn phương mỗi nhà đều riêng phong tục”. Giữa thế kỷ 19, Doãn Uẩn viết trong Trấn Tây kỷ lược thì ở Nam Bộ cây lúa “cấy rồi... không cần phải trông nom tới, cũng khỏi lo thiếu nước... Đời sống dân chúng rất dễ chịu... trộm cắp cũng ít xảy ra”.
Những người rời bỏ quê hương, nguồn cội vào Nam Bộ phần lớn là những người nghèo, không đất nơi quê cũ, phải tha phương vì mục đích cơm áo, trốn tránh luật lệ hà khắc, hoặc vì sưu cao, thuế nặng mà phải ra đi làm lại cuộc đời. Họ là những người từng trải, dám chấp nhận phiêu lưu mạo hiểm để mong được đổi đời. Ngoài số đông này còn có những người trốn lính, bỏ ngũ, hoặc binh lính của nhà Nguyễn vào Nam khai khẩn theo chính sách dinh điền, mở thêm đất mới và trấn giữ phên dậu phía Nam. Do quá trình khai phá Nam Bộ chủ yếu diễn ra trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, chia cắt Trong-Ngoài, nên lưu dân vào Nam chủ yếu vẫn là người có gốc từ vùng Thuận-Quảng, địa đầu xứ Đàng Trong. Những dân nghèo đi tiên phong và sau đó những lớp người tiếp theo vào miền đất mới như có người nói là “vạch một chân trời”. Tuy có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau; phong tục, tập quán, cách thức làm ăn, thân phận giàu nghèo, dân tộc và tôn giáo có thể không giống nhau, nhưng tất cả họ đều chung một mục tiêu lớn là đẩy lùi đầm lầy, cây dại, thú dữ để có ruộng đồng phì nhiêu, xóm làng mới trù phú. Nhưng ai là những người trong số những người nghèo khổ dám rời bỏ quê hương đến xứ lạ? Ngoài một mục tiêu lớn cùng chung trên, giữa họ còn có những điểm chung nào? Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa-dân tộc học đã nói tới khái niệm “đặc tính Nam Bộ”. Đặc tính hay cá tính đó có nguồn cội sâu xa từ bản lĩnh của những người “đến nước liều phải ra đi”, được tôi luyện trong gian lao thử thách trước một thiên nhiên đa dạng, bí ẩn phải đối diện hàng ngày để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn và, được nhân truyền, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác trong môi trường và điều kiện như nhau, hình thành nên một vùng cá tính. Những lưu dân đến đất mới hầu hết là dân “tứ chiếng”, cuộc đời của họ, của họ hàng cha mẹ, anh em họ đã trải qua nhiều sóng gió, vất vả và bất ổn nên “đã tạo ra cho họ bản sắc ngang tàng”. Có người nhận xét: Những người dám rời bỏ quê hương, làng mạc ra đi là do cuộc sống quá bức bách. Nhưng rõ ràng họ là những con người “có đầu óc ít nhiều phiêu lưu mạo hiểm, dám chấp nhận hiểm nguy”... Họ coi nhẹ tính mạng, thích sống ngang tàng, dám đương đầu với thử thách, khó khăn. Ca dao Nam Bộ có câu: “Ra đi là sự đánh liều/ Dại như con trẻ chơi diều đứt dây” phản ánh đúng tâm trạng và cá tính những người đi mở đất. Mặt khác, chính công việc mở mang đất mới đầy rẫy khó khăn, hiểm nguy đã góp phần tôi luyện họ thành những con người can trường, gan góc, không chịu lùi bước trước trở ngại thiên nhiên, cũng như không chịu luồn cúi trước mọi sức mạnh phi nghĩa. “Trời sanh cây cứng lá dai/ Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều” (ca dao Nam Bộ).
Phong trào: “Tỵ địa” là ví dụ nổi bật về tính cách dứt khoát của người Nam Bộ. Trong những năm 1862-1874, khi thực dân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đủ hạng người, từ nông dân, thương nhân, kẻ sĩ và ngay cả quan lại triều đình đã bốc chuyển mồ mả cha ông, từ giã phần đất mà do chính họ và tổ tiên khai phá gầy dựng suốt mấy đời làm lụng về sống ở miền Tây. Khi thực Pháp chiếm đóng miền Tây Nam Bộ, họ lại tiếp tục di cư về Bình Thuận để không phải ở lại trong phần đất mà hàng ngày phải thấy tận mắt cương thường đạo lý bị đảo ngược, bị chà đạp và một ngày không xa “tinh thần ái quốc thiêng liêng của ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác cũng sẽ bị mai một với sức lôi cuốn cám dỗ của văn minh vật chất phương Tây”. Phong trào tỵ địa đã bộc lộ tấm lòng yêu nước thiết tha và một thái độ dứt khoát mang cá tính Nam Bộ mà không nơi nào trên nước ta người dân có thái độ phản ứng thực dân theo cách như vậy.
Nét lớn trong tính cách những người đi khẩn hoang là chuộng sự phóng khoáng. Từ chỗ trọng sáng kiến cá thể, người Nam Bộ có ý thức tôn vinh cá nhân có những sáng kiến đó.
Do ở nơi hẻo lánh, xa quê hương, những người tha phương lập nghiệp này rất hiếu khách. Nói về sự hiếu khách của người Nam Bộ, Trịnh Hoài Đức cho biết: “Có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem theo tiền gạo, lại có người trốn xâu trốn thuế đến xứ này ẩn nấp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy” (Gia Định thành thống chí, mục Phong tục chí).
Do có cùng cảnh ngộ, cùng thân phận, cùng trải qua những khó khăn, vất vả, thành công và thất bại như nhau trong quá trình chinh phục thiên nhiên nơi đất mới, đã giúp lưu dân nhận ra rằng: muốn chiến thắng mọi trở lực thì phải cố kết với nhau thành một khối, phải cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Nơi đất mới rộng rãi con người không cần sự bon chen như ở nơi đất hẹp người đông. Họ sống phóng khoáng, cởi mở và hào hiệp hơn. Sự gò bó, cứng nhắc, hẹp hòi được họ cởi bỏ lại đằng sau để sáng tạo ra một phong cách sống tự do, phóng khoáng hơn, và “làm cho nền đạo lý giàu tính nhân ái của dân tộc ánh lên những sắc màu độc đáo”. Họ không khuất phục cường quyền, sẵn sàng làm tất cả vì việc nghĩa, bênh vực kẻ yếu, bảo bọc kẻ thất cơ lỡ vận...
Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, sống vì nhau, lo cho nhau, dám xả thân cứu bạn bè, dám hy sinh vì nghĩa lớn là đặc trưng nổi bật của những người đi khai hoang mở đất. Chữ “nghĩa” và tinh thần tương thân, tương ái được đặt lên hàng đầu trong cuộc sống:
“Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây”
Sống trong những điều kiện lịch sử luôn biến động, người dân Nam Bộ đã tạo dựng một nếp sống tinh thần ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung cang nghĩa khí lúc khó khăn, thời vận đổi thay... Trong các đền miếu Nam Bộ đều có thờ Quan Công là bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần ấy. PGS. Đỗ Thái Đồng, trong một lần điền dã vùng Bảy Núi đã phát hiện câu đối trong một ngôi đền: “Quân phi quân, thần phi thần, quân thần giai cộng lạc/ Phụ bất phụ, tử bất tử, phụ tử thị đồng hoan” (Vua không là vua, tôi không hẵn tôi, vua tôi cùng chung vui/ Cha không là cha, con không là con, cha con cùng vui vẻ) đã khái quát một cách sâu sắc cá tính người Nam Bộ.
Những đặc trưng trong bản thân mỗi một người Nam Bộ kể trên là điều kiện để họ cũng như các tộc người khác dễ dàng giao lưu văn hóa, ảnh hưởng lẫn nhau. Cá tính Nam Bộ chịu ảnh hưởng của “khí hậu, đất trời và môi trường sinh trưởng” mới; cởi mở trong giao lưu, nhạy bén với cái mới, thấm nhuần một tinh thần bình đẳng, nhân nghĩa, bao dung, nhưng rạch ròi, quyết liệt và rất mực giản dị, thiết thực, vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu...
Có người nhận xét: càng đi về phương Nam, chất “phong kiến” nhạt dần, thay vào đó là tinh thần dân chủ, bình đẳng thể hiện ngay trong đời sống cộng đồng làng xã và gia đình; đất nước ta càng về phương Nam càng là đất mở đường, đất của những người nổi dậy… Con người tới đây là con người liều, ngang tàng, nghĩa khí, coi nhẹ tính mạng, xem tiền tài như rơm rác, lấy nghĩa khí là trọng (Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, nxb KHXH, .H, 1992, tr. 68).
Người Nam Bộ không kỳ thị tôn giáo và thói ăn nét ở của người khác. Họ biết tự kiềm chế để sửa đổi cho nếp sống, cách nghĩ của mình đừng trở nên khác biệt với mọi người. Có người nhận xét “Ra đường gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu” (ca dao Nam Bộ) không hoàn toàn là sự dễ dãi mà chính là thái độ ứng xử-bước ra khỏi mọi định kiến ràng buộc khuôn mẫu gò bó để “đạt đạo” sống theo cách của người Nam Bộ.
Những đức tính nổi trội, dễ nhận biết của người Nam Bộ không phải bỗng nhiên một lúc mà có được. Nó phải trải qua thời gian dài hun đúc, tôi luyện trong suốt quá trình lập nghiệp... Nhà văn Hồ Biểu Chánh từng viết: “Chúng tôi sinh trưởng trong đất Gia Định là vùng ông cha chúng tôi liều xương máu mà chiếm cứ, rồi rưới mồ hôi nước mắt mà khai thác. Chúng tôi nhờ hy sinh với công lao tổ tiên mà nung đúc tinh thần quốc gia, thương đất nước, thương giống nòi”. Đó là nguồn gốc tâm hồn, cá tính Nam Bộ vậy.
Ngày nay, cái “… xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” đã lùi vào quá khứ. Nam Bộ đã vùng đất năng động, trù phú bậc nhất của cả nước, nhưng cá tính Nam Bộ nẩy mầm và phát triển trong suốt quá trình mở đất mở nước phương Nam vẫn bảo tồn, phát triển và trở thành lợi thế và cả tiềm năng-là một phần sức mạnh của người Nam Bộ, để hội nhập và phát triển trong xu thế mới. Và chắc hẵn xu thế phát triển mới đó sẽ tiếp tục vun đắp cá tỉnh Nam Bộ phát triển trường tồn.