Tôi cùng nhà văn Võ Đắc Danh lên đường đi Tân Uyên, nằm ở hữu ngạn sông Đồng Nai, thuộc tỉnh Bình Dương, thăm mộ của tướng nhà Minh, Trần Thượng Xuyên, người khai phá miền Nam khu vực Saigon, Gia Định, Đồng Nai.
Ông là tổng đốc ba châu ở Quảng Đông, sau khi nhà Minh mất và "bài Mãn phục Minh" thất bại đã cùng gia quyến và 3000 binh lính đi thuyền, cùng với tướng Minh khác là Dương Ngạn Địch xuống Đại Việt thần phục chúa Nguyễn Hiền (Nguyễn Phúc Tần). Ông được coi là một trong những người Minh hương đầu tiên xuống miền Nam (năm 1679) khai phá cùng thời với Mạc Cửu ở Hà Tiên (1671). Ông đến Cù Lao Phố ở Biên Hoa lập nghiệp và biến nơi đây thành phố sầm uất, nơi định cư đầu tiên của lưu dân xuống đất Đồng Nai-Gia Định trước khi có Bến Nghé và Chợ Lớn. Cù lao Phố là trung tâm của lưu dân đến khẩn hoang quanh vùng (bao gồm Saigon sau này). Cho nên phải nói ông có công khai phá và là người tiên phong chứ không phải Nguyễn Hữu Cảnh được biệt phái đến sau nay để lập trạm thu thuế.
Vì người Việt (nhất là các người viết sử) có thiên kiến với người Hoa và Minh hương nên vai trò của họ không được coi trọng nhiều so với người Việt trong công cuộc khẩn hoang miền Nam .
Cách đây 13 năm, mộ Trần Thượng Xuyên được khám phá trong một đất hoang ở Tân Uyên, nhưng không nhiều người biết (ngoài những nhà nghiên cứu) và được báo chí nói đến.
Đi về hướng Thủ Dầu Một, quẹo trái vào huyện Tân Uyên, hỏi thăm để đến xã Tân Mỹ, làng Mỹ Lộc. Theo anh Danh, cách đây chỉ 13 năm, chung quanh đây vẫn còn hoang vắng, nay thì nhà cửa đã nhiều. Chung quanh mộ Trần Thượng Xuyên còn có các mộ khác, được người quản đền Tân Lân (nơi thờ ông Trần Thượng Xuyên) ở Biên Hòa, gần Cù Lao Phố cho biết là của các binh lính cận thần của ông.
Các mộ rất hoang tàn, rêu phong vì đã trãi qua bao thế kỷ. Các dòng chữ trên cục đá đầy phong rêu nay đã mờ mất (cách đây 13 năm, ty văn hóa tỉnh Bình Dương và 1 số các nhà nghiên cứu đến lấy được chữ Hán qua giấy in lên đá và xác định được đây là mộ ông).
Mộ phần của Trần Thượng Xuyên, nay có khoanh cổng rào và Bác Tư Để, Lê Văn Để, chăm sóc. Đất này và các phần đất chung quanh thuộc gia đình bác, và vùng này xưa kia được biết qua ông bà bác Tư Để là "mã Chệt". Sau khi mộ phần của Trần Thượng Xuyên được khám phá cách đây 13 năm do sự dọ hỏi của Minh Hương hội ở đình Tân Lân qua gia đình bác Tư Để, ban văn hóa của huyện và tỉnh đã cử người xuống xem xét và nghiên cứu khu "mã Chệt" này . Qua các chữ viết hán tự còn sót lại, mới xác định đúng là mộ phần của ông.
Nhà văn Võ Đắc Danh, Sơn Nam và 1 số nhà nghiên cứu đã đến đây năm 1993 và anh Danh đã quay và mang vào tập tư liệu "Đất Lành" cho đài truyền hình. Xây dựng khuôn viên, bia và chi phí bảo tồn được đình Tân Lân bỏ ra, bác Tư Để chăm sóc không công khu di tích. Nghe bác Tư Để nói là khu mộ phần đã được công nhận là di tích lịch sử, nhưng không thấy ghi ở cổng vào mộ phần. Theo ghi chú ở bia trước cửa đền thì bộ Văn Hóa Thông tin (quyết định ngày 25/3/1991) công nhận đình Tân Lân là di tích lịch sử. Bác Tư Để nói là tướng họ Trần còn cháu 12 đời ở Mỹ đã già và người cháu 13 đời đang dạy học ở Cần Thơ có đền thăm mộ phần, từ khi mộ phần được khám phá.
Trần Thượng Xuyên mất ngày 8/1/1720 năm Canh Tý (hôm tôi đến ngẫu nhiên cũng đúng là ngày giổ ông). Bác Tư Để nói hôm qua Minh hương hội ở đền Tân Lân từ Biên Hòa lên cúng giổ ông sớm 1 ngày. Theo ông quản đền Tân Lân (lúc về có ghé đền, rất lớn, được xếp hạng là một di tích lịch sử, nhìn ra sông Đồng Nai với cây cổ thụ to lớn ngay cạnh sông bên kia đường) thì ông mất trong trận đánh Chân Lạp và bị phục kích trúng tên mất). Nhà Nguyễn đặc phong "Nguyễn Vi Vương, Trần Vi Tướng, đại đại công thần bất tuyệt", được vua Minh Mạng, Thiệu Trị sác phong "Thượng Đẵng Thần".