Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
804
123.366.471
 
Ngày xuân thanh bình đọc Lương Châu Từ của Vương Hàn
Trương Thái Du

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

 

Vương Hàn (687 – 726) tự Tử Vũ người Tấn Dương, Tinh Châu, Sơn Tây. Năm 710 ông đậu tiến sĩ và ra làm quan. Bài Từ này Vương Hàn làm năm 713 tại Lương Châu. Lương Châu ngày nay thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Thời Đường những đạo quân lớn thường tập trung ở đây trước khi đi về phía Tây hoặc phía Bắc để phá vỡ các lực lượng du mục hung dữ luôn đe dọa Trung Hoa.

 

Lương Châu Từ thuộc dòng thơ Biên Tái buổi Thịnh Đường. Tâm trạng bi nhưng không lụy của người lính chiến khắc họa thành công ước vọng hòa bình sâu sa, thê thiết nhưng giàu nhân bản. Tạm dịch nghĩa: Rượu nho đỏ ngon rót vào chén ngọc dạ quang. Ta đã muốn uống, lại được tiếng đàn tỳ bà giục giã thôi thúc vui vẻ. Nếu có lỡ say vạ vật nơi sa trường xin người đừng cười chê. Xưa nay chinh chiến mấy ai có ngày trở về.

 

“Dạ quang bôi” là thứ chén ngọc thạch trắng, phát sáng khi để trong bóng tối. “Bồ đào mỹ tửu” là loại rượu nho sóng sánh màu đỏ sậm. Mạch so sánh ngầm ở câu thơ đầu khúc chiết nhưng đầy đủ đã làm nổi bật chữ “bi” chủ thể xuyên suốt bài ca. Màu trắng tang thương, trắng cả trong bóng tối, làm nền, làm bồi cảnh cho màu đỏ nơi huyết quản chinh nhân trong bức tranh thơ trác việt.

 

Câu thơ thứ hai xưa nay có rất nhiều cách hiểu. Đa số cho rằng người chiến sĩ rất muốn uống rượu nhưng lại bị tiếng đàn tỳ bà giục giã lên đường. Nghĩa ấy sẽ rất khập khiễng khi vận vào câu tiếp theo, nếu đã uống vội uống vàng thì làm sao có thể nghiêng ngả say trên sa trường. Cũng xuất hiện khả năng “tỳ bà mã thượng” là cách ví von chùm lục lạc nhạc ngựa của đoàn kỵ mã đang chồn chân. Sự nôn nao gấp ruổi nơi loài thuần thú va đập với dục năng rất người ở đây là muốn uống, muốn say, muốn tạm quên sự đời. Phần dịch nghĩa tôi không đưa khả năng này vào, xin tạm để đây như một tồn nghi, một lối hiểu cần thêm nghiền ngẫm. Ổn nhất khi giải thích “tỳ bà mã thượng” là nhóm nhạc công ngồi trên lưng ngựa giúp vui cho buổi tiệc khao quân xuất trận. 

 

Đàn tỳ bà và rượu vang đỏ mang đặc trưng Tây Vực. Rượu truyền thống của người Trung Hoa là rượu lúa mạch, rượu gạo. Chiếc chén ngọc quí giá biết thưởng thức hơi men xa lạ, người lính viễn chinh thấu triệt kỳ thanh trong cung đàn xứ khác trưng ra khuôn mặt khó thấy của văn hóa Trung Hoa: sự khát khao làm chủ các giá trị hữu và phi vật thể từ bên ngoài.

 

Câu ba, từ “sa trường” có rất nhiều điều để nói. Suốt chiều dài lịch sử của mình, người Trung Hoa hằng mấy ngàn năm không ngon giấc khi nghe thoảng trong gió lạnh tiếng hí ngựa Hồ. Họa Bắc phương khiến sa mạc, những vùng cát trắng mênh mông phía Tây và Bắc Trung Nguyên đồng nghĩa với chiến trường. Người Hán hai lần mất nước bởi những đoàn quân từ phương Bắc. Họ thường nhận định quá trình Hán hóa kẻ thù ở Trung Hoa đồng nghĩa với phục quốc. Trong mối tác động tương hỗ, không thể không quan tâm tới cách họ dung nạp văn hóa ngoại lai và biến nó thành của mình.

 

Vương Hàn nặng lòng đặt nét màu cuối cho bức tranh: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Chén rượu hồng bất ngờ vượt lên trên cả niềm đau chia ly, để ngời ngợi nỗi bi thống máu xương chiến địa. Ngoại ngôn trong Lương Châu Từ rất gần với vô ngôn. Nói là vô bởi ta chẳng thấy bờ biên ngôn ngữ, hơn nữa như Lão Tử viết: “Tri giả bất bác, bác giả bất tri”, ôm đồm “bác giả - khối kiến thức rộng lớn của bể từ” khác gì tự biến mình thành kẻ bất tri.

 

Nghệ thuật của Vương Hàn nằm giữa đỉnh cao nghệ thuật Thịnh Đường Thi, song tư tưởng ông gửi gắm còn cao hơn thế. Không biết tự bao giờ nó đã vươn khỏi biên giới quốc gia khai sinh ra mình. Ánh sáng nhân văn luôn lan tỏa mạnh mẽ và vĩnh viễn trường tồn. Ở Việt Nam, tư tưởng này khá nhiều lần phảng phất trong các danh tác cổ kim. Có thể kể ngay ra đây bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan vừa gây sóng cồn về “bản quyền” trong làng văn nghệ:

 

 

Từ chiến khu ba
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê

 

Hoặc Hòn Vọng Phu của Lê Thương:

 

 

Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lí quan san,
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.

 

 

Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về,
Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề.
Nhìn chân trời xanh biếc bao la,
Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa
Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về,
Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề,
Người tung hoành bên núi xa xăm,
Người mong chồng còn đứng muôn năm

 

Hiếm có dân tộc nào, nền văn minh nào lâu bền và vững mạnh mà không yêu chuộng hòa bình và hòa hợp. Người Trung Hoa hiểu điều đó không phải nhờ Mạnh Tử từng dạy: “Ai không thích giết người thì thống nhất được thiên hạ”. Càng đối mặt với đại họa thì càng hiểu ý nghĩa của hòa bình. Khát khao hòa bình cộng với biết bao công sức và xương máu lương dân từ thời Chiến Quốc đến triều Minh để xây Trường Thành, vẫn chưa đủ để bảo vệ người Trung Hoa thoát khỏi cảnh chiến chinh. Minh Thành Tổ dời đô từ Nam Kinh đến Yên Kinh để trực tiếp chống chọi Bắc Họa cũng chẳng xong. Mặc cho Trường Thành cao dài như bất tuyệt, mỗi lần chính trị Trung Hoa đồi bại, quí tộc phản trắc nhũng nhiễu là nước mất, nhà tan.

 

Đoàn chinh nhân trong thơ Vương Hàn là gì nếu không phải những viên gạch tạo nên bức Trường Thành trừu tượng của dân tộc Trung Hoa. Mặc dù là gốc rễ của mọi thành tựu, là tiền phương ngăn cản chiến tranh tạo dựng hòa bình, nhân dân ở đâu cũng cứ đời đời là nạn nhân của mưu toan thế sự mờ ám bất công.

 

Họa Bắc phương với Việt Nam mấy ngàn năm nay, trớ trêu lại mang tên Trung Hoa. Trong chuỗi liên đới Bắc – Nam của lịch sử Á Đông, Chiêm Thành là kẻ thiệt thòi cuối cùng và đã biệt tích. Nho Giáo lên ngôi ở Việt Nam trong thế kỷ 15 sau quãng thời gian 20 năm đất nước bị Minh triều nô dịch. Sự chiến thắng của tư tưởng Nho Giáo trong đời sống chính trị Đại Việt ảnh hưởng không nhỏ đến con đường nam tiến của dân tộc Việt Nam. Nên chăng đặt câu hỏi văn minh Chiêm Thành còn lại gì trong lòng dân tộc Việt Nam, ngoài kỳ quan Tháp Chàm ngạo hận trở thành di sản quí giá vinh danh nhân loại.

 

Ngày xuân thanh bình, ngân nga bên xứ hoa ngàn Đà Lạt Vạn Xuân mấy câu Hán Việt Lương Châu Từ, bỗng thấy trời xanh thấu lòng biển. Dòng sông mây trắng miên man chảy về đông, hun hút nỗi bất tri sa mạc nước. Với người thơ Vương Hàn, nhân văn là thái độ trước nghĩa hướng của các ngôn từ chiến tranh, hòa bình và hòa hợp.

 

 

Nguyên tác Hán văn phồn thể:

凉州词

 

葡萄美酒夜光杯,

欲饮琵琶马上催。

醉卧沙场君莫笑,

古来征战几人回。

 

Nguyên tác Hán văn giản thể:

凉州词

 

葡萄美酒夜光杯,

欲饮琵琶马上催。

醉卧沙场君莫笑,

古来征战几人回。

 

Bản dịch của Trần Trọng San

 

Rượu bồ - đào, chén dạ quang

Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi

Sa trường say ngủ ai cười

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu

 

Bản dịch của Trương Thái Du

 

Rượu ngon

hồng chén dạ quang

Lòng ham,

nhạc giục hoang mang tỳ bà

Đừng cười

ra trận ta say

Chiến chinh máu chảy xưa nay ai về?

 

Thung lũng Đa Thiện,

Đà Lạt xuân 2005

Trương Thái Du
Số lần đọc: 4115
Ngày đăng: 25.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh! - Lý Đợi
Giải thưởng văn nghệ: Những điều muốn nói - H.G.S
Quanh chuyện của “Cánh đồng bất tận”: Đừng ép tác phẩm văn học phải nói tốt cho địa phương mình! - Trần Tú
Nhà văn "không sống được"! - Lam Điền
Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ : thầy Nguyễn Ngọc Bạch - Nguyễn Quang Sáng
“Gạ” mua giải nhì thơ với giá 15 triệu đồng? - Diễm Huyền
Các cây bút trẻ và cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội - Phạm Hương Giang
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ” - Vũ Ngọc Tiến
Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ - Nguyễn Tiến Văn
Tự truyện không hẳn là văn học - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Con rồng chữ (truyện ngắn)
Cuộc cờ (truyện ngắn)
Dạ khúc ven rừng (truyện ngắn)
Hồn phố (truyện ngắn)
Khúc hời ru (truyện ngắn)
Giữa mùa mưa (truyện ngắn)
Đêm thị dân (truyện ngắn)
Triệu Vũ Đế (truyện ngắn)
Sa mạc (thơ)
Nguyễn Ức Trai (truyện ngắn)
Chúng tôi là chó (truyện ngắn)
Á đại gia (truyện ngắn)
Phan và Nguyễn (truyện ngắn)
Vàng ảnh vàng anh (truyện ngắn)
Dương cầm (truyện ngắn)
Lỗi văn hóa (truyện ngắn)
Bức tranh hoa đào (truyện ngắn)
Cành hoa đào lửa (truyện dài)
Hòm thư ảo mị (truyện ngắn)
Đông chí (truyện ngắn)
Man đảo (truyện ngắn)