Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
685
123.237.918
 
Kỷ niệm 12 năm ngày mất nhà văn Phùng Quán (22.01.1995-22.01.2007 ) : PHÙNG QUÁN trong tôi
Vĩnh Nguyên

Nhập tỉnh , với lòng hăng say vốn có , anh chị em văn nghệ xông vào làm tạp chí “ văn nghệ Bình Trị Thiên “ ( hai tháng một số ).

 

Tôi được cử về xã Thủy Dương viết bài cho báo.Tôi thích lắm. Tôi nhận đi liền. Bởi nơi đó là quê hương Phùng Quán – Vượt Côn Đảo, nơi ấy phong trào nông nghiệp đang lên .

 

Anh cán bộ văn hóa xã dẫn tôi đi tham quan “ trước đồng sau rẫy “, thăm đình làng , thăm ô Bàu Choàng – cá rô to bằng bàn tay to béo hết ý , nhưng hàng năm dân làng phải đấu úng mới kịp vụ cấy nên khó khăn vất vả nhất , tốn nhiều công sức nhất ,  dân còn nghèo , quê “ ăn mắm mút dòi “ nhưng dân ca thì hay tuyệt “ ai không lấy con gái Thanh Thủy Thượng là ngơ , trước đồng sau rẫy không bao giờ thiếu ăn “. Tôi tới thăm nơi Phùng Quán sinh ra .Gặp chú Đệ - chú ruột Phùng Quán . Chú  Đệ nói chuyện rất dí dỏm. Tôi rất thích .

 

Ở Thủy Dương một ngày một đêm, hôm sau về Pát-Van – hầm nhà ( tiếng Nga ) tôi ở và bút ký “ Thủy Dương – quê hương anh Phùng Quán “ ra đời. Chép lại sạch sẽ , tôi mang đi nộp cho ban biên tập . Sáng hôm sau một ông trong ban biên tập đọc duyệt bài gặp tôi  , nói : “ Bài ký hay đấy , nhưng ….. ( ông chắt lưỡi ) …..  ghi tên Phùng Quán thì thật rầy rà . Hay thôi thế Này, ông chịu khó mang về bỏ hết các chữ Quán trong bài , cứ nói anh Phùng là được rồi , và cái tít  bài cũng đổi “.

 

Tôi mang bản thảo về Pát – Van đọc lại một lần nữa , “ có gì đâu mà phải đổi nhỉ” , với ý nghĩ ấy , tôi mang bản thảo lên gác trên đưa lại cho ông biên tập . “ Tôi nghĩ không  có gì  phải gạch tên thật của người ta “. Nói xong tôi về phòng ngủ, chốt chặt cửa trong .

 

Thế rồi, bài bút ký ấy cũng được in . Nhưng cái tít thì sửa thành “ Vùng quê hứa hẹn “ còn trong bài thì chỉ ( anh Phùng ) như ý của ông ta đọc duyệt trước đó .

 

Đọc lại bài của mình được in nhưng tôi không vui mà buồn .

Hồi này tôi chưa có gia đình. Việc đi lại rất dễ . Tôi được hai số tạp chí . Tôi mua chai rượu làng Chuồn rồi xin đi ra Hà Nội vài ngày .

 

Và , lần đầu tiên tôi gặp Phùng Quán ở số 3 Hàng Cân .

Ôi ! Đã hai  bảy năm rồi tôi không thể nào quên được cái đêm hôm ấy trong ngôi nhà ấy !

 Là bởi tôi yêu Phùng  Quán từ những thập niên sáu mươi với “ Vượt Côn Đảo “. Từ những ngày dưới tàu thủy , tôi đã nghe , đã đọc nhiều bài báo nói về phê phán nhân văn . Tôi đã tìm đọc “ Lời mẹ dặn “ ( chống tham ô , lãng phí ) xem thử nó như thế nào mà bị ( đánh ). Đọc bài thơ này tôi thấy tác giả nói thẳng nói thiệt như là tuyên ngôn . Mà đã gọi là tuyên ngôn thì phải có cái hay cái đúng của người ta. Thế thì sai ở  chỗ nào mà (đánh ) người ta ?  về tôi , lúc đó tôi chưa viết được gì nhiều nên anh chưa biết tôi là ai? Nhưng  khi tôi đứng trước số nhà 3 Hàng Cân ,  gọi : “ anh Quán ơi  em là Vĩnh Nguyên ở Huế ra thăm anh đây “ thì, tay anh  buông chòm râu đi ra cửa ôm choàng lấy tôi , rồi một tay vỗ vỗ lên vai tôi , dẫn tôi vào nhà . Tôi  chào chị Bội Trâm đang đứng ở phòng trong rồi ngồi xuống ghế đối diện anh ở phòng ngoài . Tôi đặt xuống bàn chai rượu làng Chuồn và hai cuốn tạp chí . Nhìn chai rượu anh mủm mỉm môi cười rung rung chòm râu rồi đứng lên : “ em chờ anh tí “ . Nói rồi , anh đi ra qua nhà ai đó và vội quay về liền lấy ra hai cái chén đặt xuống bàn . Đoạn anh cầm chai rượu suýt soa ngắm nghía rồi mở nút lá chuối khô rót ra chén . Anh nháy mắt như cười ra hiệu cho tôi cầm cái chén . Và chúng tôi nâng chén cụng vào nhau . Lòng tôi vui sướng vô cùng vô tận !

 

 

Anh nhấp chút rượu rồi đặt chén xuống bàn nhìn tôi thân ái : “ rượu quê miềng ngon  thiệt hí ?”

Bà bán quán đưa sang một đĩa đồ mồi tú ụ  đó là dĩa củ kiệu trộn với thịt đầu heo dội tưới tương ớt vàng rộm  lai láng . cạn xong chén rượu , tôi rót chén thứ hai rồi nói với anh : “ thưa anh Quán , em xin tặng anh hai số tạp chí này , trong đó có bài em viết viết về quê hương Thủy Dương của anh ,có cả tên anh Phùng Quán hẳn hoi nhưng người ta đã bỏ đi chữ Quán “ . Tôi nói  đến đây thì giọng đã ngùi ngùi như chực khóc anh lật mở xem qua tờ tạp chí “ Bình Trị Thiên “. Anh nhìn lướt bài “ vùng quê hứa hẹn “. Và tôi cảm thấy anh hình như cũng ngùi ngùi . Anh đặt tờ tạp chí xuống bàn , nói : “ Không sao, em, không sao cả rứa là tốt rồi. Mình mà làm căng thì người ta không in cho . Dẫu tâm mình đúng nhưng phía họ thì họ chưa ưa . Rồi đến một lúc nào đó họ sẽ nghĩ lại , họ sẽ mềm môi , lỏng tay và mình sửa lại theo ý mình “ . Anh nói tiếp : “ Anh cũng rứa . anh có nhiếu tập truyện như truyện lịch sử văn hóa vĩnh Linh  anh  ca ngợi nhân dân và mảnh đất kiên cường nhưng đâu được ký tên Phùng Quán  anh phải lấy một bút danh lơ tơ mơ là Nguyễn Huy tác phẩm mới ra đời ….”

 

Đêm đó nghỉ lại nhà anh chị . tôi nằm trên cái tràng kỷ . Anh chị nhường cho cái máy quạt . Anh chị ở phòng trong, không quạt chắc là nóng lắm ? nhưng tôi không sao ngủ được . Tôi thao thức hoài về hai chữ Nhân Văn .

                                    *

Từ đó anh quý tôi .Anh quý nhiều bạn bè ở Huế dù họ rất ít tuổi . Anh vào Huế . Anh tìm tới tôi .Tôi chở anh trên chiếc xe đạp nam thống nhất cọc cạch bị mẻ .Về Thủy Dương – nơi “chăn trâu cắt cỏ “ của anh , anh thắp ba nén hương lên bàn thờ tổ. Anh mời chú Đệ ra cái chõng tre dưới góc ổi cho mát .Ở đó đã sẵn bộ ấm chén uống trà .Anh Quán vói tay hái xuống mấy trái ổi và moi trong cái giỏ xách tay lôi ra chai rượu làng Vân trong vắt .

 

Và ba chú cháu nâng chén .

Nhìn ra cánh đồng trước làng , anh Quán chắt chắt miệng có vẻ tiếc rẻ điều gì ? Và anh nói : Gía bài bút ký của em được anh kể thêm cho nghe để em bồi vào thì sôi động lắm . Thế này nhé : Vùng quê này vốn là một vùng rộng lớn có tên gọi chung Thanh Thủy . Làng Thanh Thủy quá lớn . Hai vùng dân cư đông đúc chủ yếu thì ở hai phía , giữa là cánh đồng thẳng cánh cò bay . Địa thế rất thuận lợi để tách đôi . Khi tách , phía xã Thủy Thanh bây giờ họ đã đặt tên trước là làng Thanh Thủy Chánh . Phía Thủy Dương thì cho rằng họ họ đã đặt Chánh là muốn hạ thấp mình ( phó chẳng hạn ) . Bàn tính thấy có lý mới đặt tên làng Thanh Thủy Thượng , là để tránh đi chữ phó cho ngang hàng chữ Chánh  và có thể ngầm hiểu bởi chữ Thượng là không phải vừa ?

 

Đang sôi nổi anh  tiếp : Việc chia lại ruộng cho hai làng Chánh – Thượng mới thật kỳ khu . Không cắm cọc thả dây cho thẳng mà trưởng hai làng bắt tay chơi một cuộc kéo co . Ra chính giữa đồng , họ chia ra nhiều tốp thanh niên trai tráng . Mỗi bên mười nhgười cứ thế thi nhau kéo . Khi bên nào thắng , cái khăn trắng buộc ở giữa vượt qua được ở đâu thì cho đóng cọc ngay ở chỗ đó ( anh kể đến đây thì phì cười như là để xả hơi cho đỡ  mệt ). Nên biên giới giữa hai làng giờ là một đường dích dắc là dấu tích cuộc đọ sức kéo co thuở ấy .

 

Anh Quán có tài kể chuyện rất hấp dẫn . Nhiều chỗ có thể anh hư cấu nhưng đều hợp lý hợp tình . Anh kể về thuở thiếu thời của anh ở quê , chuyện lên đường tham gia Vệ Quốc Quân khi  còn ít tuổi, chuyện trinh sát , bắn tỉa, gài mìn , chuyện cấp trên cấp dứơi, chuyện tập thể cá nhân , chuyện thủ đoạn ném đá giấu tay , chuyện giành giật ghế đạp ngã đối phương , chuyện luồn lách lên chức lên quyền làm vương làm tướng …. Chuyện nào anh kể cũng hay . Ngồi bên anh, nghe anh kể tình đời mênh mang dồn dập như sóng táp vào mình . Sự  bản lĩnh , trí tuệ từ anh như sóng truyền lang nên ai cũng muốn được gần anh . Cách đọc thơ của anh thì dõng dạc , câu chữ rõ ràng , không gấp gáp đi thẳng vào lòng người nghe ý tứ , nhịp chuyển của tác phẩm .

 

Nghe tin anh không còn ở Hàng Cân mà chuyển lên Tây Hồ , tôi lại Bắc du tìm anh . Tôi leo lên chòi ngắm sóng – cái chòi sau này được bạn bè giúp sức , hỗ trợ nó mới tươm tất , phòng trong phòng ngoài khang trang, xung quanh đóng đố bằng gỗ, trần lát ván gỗ ép, có những đến hai cửa sổ mở ở hướng Tây Hồ nên rất mát , rất thú vị. Trên đỉnh mái ngói , anh cho gắn hai chai rượu lít rưởi đong đầy gắn nút cáp chì thứ rượu gọi cực ngon cất nước đầu chín mươi độ cháy cổ - anh nói thế. Còn cái chòi buổi đầu tôi tới , tự tay anh dựng thì dựa vào một góc có hai cạnh của tường thành ( trường Chu Văn An ), anh chỉ chôn một cái cột gỗ , dùng dây nài níu đòn cát băng lên tường là ra một cái chòi như cái nhà chồ  hình vuông của dân chài giữa phá Tam Giang . Anh ghép gỗ đóng đinh kèo cột lên tận mái tồn nên xiêu  vẹo chống chếnh lắm. Gío to là sợ . Thế nhưng anh nói : Thế này là hạnh phúc lắm rồi , không như hồi nmằ túp lều nát ở rừng Thái Nguyên hay ở Nghi Tàm , anh phải dùng những chạt hai , chạt ba cành ổi gát đòn làm ghế , đặt tấm ván làm bàn viết .Nói đoạn , đôi mắt anh rưng rưng …

 

Khổ sở thế mà anh vẫn viết được “ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe “ mới tài . Để  bây giờ anh dõng dạc :

                                 … Tựa lưng ghế cành ổi

                                 Vai khoác áo bông sờn

                                 Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ

                                 Vợ  vừa nghe vừa đan ….

Đến hai câu kết :  đừng buồn nữa em ơi

                     Chuyện ngàn năm ngàn năm …

Hai tiếng “ ngàn năm … “”ngàn năm … “ kéo dài mà khúc khắc trong cuống họng anh và cái đầu , chòm râu bạc cùng ngúc ngắc là cách diễn đạt nỗi thống khổ của lớp người dưới đáy xã hội đen  bạc mãi mãi cam chịu không thể nào ngoi lên được .

 

Về Hà Nội , tôi thích ăn phở.

Anh Quán dẫn  tôi đến  Hàng Bún .Từ  xa, chảo mỡ bóc nghe xèo xèo um khói hấp dẫn kẻ sành ăn phở tái chín . Chúng tôi chọn hai chiếc ghế ngồi xuống . Anh quán gọi hai chén rượu trắng. Đoạn anh mồi điếu thuốc vào điếu cày, quẹt diêm rít  sòng sọc một hơi dài nhả khói khoan thai .Chưa vừa , và để tiết kiệm , anh dùng que đóm tém tém số thuốc chưa cháy hết quẹt diêm rút một hơi dài nữa . Anh nhìn tôi tủm tỉm vui sướng nâng chén rượu . Tôi cũng nâng chén lên. Lại gọi hai chén nữa , lúc này hai tô phở tái chín được bưng tới anh vắt chanh, cho thêm tương ớt , dùng đũa đảo qua , đảo lại,đang nóng thế mà anh bưng cả tô lên húp đến cạn khô . Đoạn anh vẫy tay ông chủ quán cho xin thêm nước .Và anh được đáp ứng tức thì . Tô phở của anh nước béo lạnh đầy tràn,

 

Tôi cùng anh đi chợ  .Tôi nói tôi thích ăn cá. Anh  nói anh chị cũng thích ăn cá . Đầu tiên là anh mua mớ cá diếc bằng hai ngón tay đang nhảy. Mớ cá đổ vào bao, anh đưa tôi xách ra chỗ vắng , anh giải thích : cá này nhiều xương dân Hà  Nội chê nhưng Huế miềng là cá ngon mát bỏ. Nó có cái mật đắng ăn thú vị lắm. Người cảm sốt mua mớ cá diết tươi nấu cháo với ném  ( hành tăm ) là bạt đọc ra ngoài , tháo mồ hôi có khi lành luôn . Ta mua mớ diếc về luộc lên , gỡ xương từ từ chấm  muối tgiêu nhấm rượu . Những con có trứng , ta cầm lên cánh ngập luôn cả bụng trứng . Anh kiểu dân chài đã lấm , còn nước thì nấu canh cà chua hành . Anh lại dạo vòng chợ và mua thêm mớ cá thát lát , gia vị …

 

Tôi  chở anh về .

Đến nhà , anh bảo tôi ra áo ,ra cả mai- ô , quần dài. Anh bảo tôi đánh vảy mớ cá thát lát ,moi ruột đầu, đuôi , anh bảo trong đầu cá thát lát có cục sạn , lại xương nên bỏ đi đừng tiếc . Rữa lại sạch sẽ , tôi bỏ mớ cá lên một tấm ván to làm thớt , hai tay hai dao tôi bắt đầu  vằm. Trong lúc tôi vằm cá thì anh rửa rau , hành ngò ,pha nước mắm,  tiêu muối ớt và rửa mớ cá diếc cho vào nồi luộc .Anh vo gạo thổi cơm làm món sau cùng . Là thủy  thủ , tôi đã từng vằm cá mối, cá mòi làm chả cho cả tàu ăn . Nay vằm  mớ cá thác lác thì nhằm nhò gì, ấy  vậy mà anh kiểm tra , hai ngón tay anh bóp bóp vào thịt cá , anh bảo vằm thêm chút nữa .Tôi phải dàn cá rộng ra mặt thớt …. Vằm , đảo cá … lại vằm . Anh lại bóp bóp lại lần nữa : tuyệt mịn rồi – anh nói , đoạn anh cho cả mớ cá vằm vào soong , tra nước mắm ngon, tiêu ớt, vị tinh rồi cho tay nhồi đều , tôi thêm củi , tăng lửa cho chảo dầu sôi . Tay anh nắn nắn từng miếng chả cá dẹp hơn chiếc bánh dày từ từ cho vào chảo rán .

 

Tất cả bếp núc , bàn ăn đều quây quanh dưới chân cầu thang lên chòi . Nếu mưa thì bưng bê vào dưới chòi còn bình thường cứ sinh hoạt ở ngoài cho thoáng mát .

 

 

Ở đây có một cây nhót tỏa bóng che cả vùng bếp và lối lên cầu thang. Quả nhót chín rụng đỏ ối khắp nơi. Đặc biệt anh nuôi đến hai con khỉ, một đực một cái. Chúng nó ôm nhau suốt buổi. Khi hứng tình chúng kêu chiếc chiếc, đu cành nhót nhảy tứ tung. Anh nói: Chúng muốn yêu nhau lắm rồi đấy !

 

Mâm cỗ dọn lên bàn. Anh bưng thẩu rượu mơ ra. Chúng tôi nâng chén nhâm nhi. Ăn một miếng chả cá thát lát (đặc sản Huế) thịt nó thơm lừng. Ăn mấy cánh rau mùi, nhấp chút rượu, ôi ngon quá ! Lại gỡ một con cá diếc, thịt trắng tươi chấm vào đĩa tiêu muối, lại nhấp chút rượu. Anh tu một bát nước canh. Tôi cũng tu theo anh. Ăn uống thế này thì đã lắm. Khỏe và tăng tuổi thọ là cái chắc. Làm gì có chuyện đau dạ dày. Đau dạ dày thường là người uống rượu khang với quả ổi xanh quả bàng, quả trám. Thời đó như anh nói là đã qua rồi!

 

Tôi thấy khi đã có thể “nhập cuộc” vào cung cách uống rượu của anh, cả sự “nhập cuộc” và mối tình thâm có nghĩa là anh coi tôi như một đứa em thực sự, tôi mới lựa lời hỏi chuyện nhân văn và anh “dính” vào là sao?

 

Bỗng nhiên anh không nói gì. Anh nâng chén rượu lên môi nhấp chút rồi lại đặt xuống bàn. Tôi cố gắng chờ đợi một điều hệ trọng từ anh nói ra, có thể. Và anh nói nhỏ như đủ cho tôi nghe: “ Âu cũng chỉ là cái quyền thôi em ơi! Khi người ta có quyền hành trong tay, người ta có thể làm đủ mọi chuyện tốt và xấu” Ngừng một lát anh nói tiếp: “ Nhưng anh không thể nào ngờ được là có một người mang danh nhà thơ mà ăn nói : “hãy khớp mõm chúng nó lại!” – Khớp mõm! Sao mà ác đến thế?”

 

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng như sáng hôm trước, địa chỉ hôm trước, anh dẫn tôi đi thăm nhạc sĩ Văn Cao. Anh Văn Cao đang mệt – anh nói thế - Ghế chợ mua cân cam đã anh – tôi đề nghị. Anh gạt đi – Không cần đâu!

 

Anh Văn Cao đang nằm ngửa, tay gác qua trán.

- Anh Văn Cao ơi! Thằng Vĩnh Nguyên ở Huế ra thăm anh – anh Quán kêu lên.

Nghe vậy Văn Cao co người ngồi lên.

- Ồ không, anh cứ nằm. Anh đang mệt. Tôi nói nhanh.

- Mệt thì mệt, Có Vĩnh Nguyên ở Huế ra thăm mà chịu nằm à? Văn Cao vừa nói vừa tiện tay vớ chai rượu trắng. Anh Quán đỡ lấy chai rượu trên tay Văn Cao và rót ra ba chén. Ba chén rượu được nâng lên quá trán.

 

- Xin chúc anh Văn Cao chóng khỏe – chúng tôi nói và cạn chén.

Tôi vốn chóng mủi lòng, như chực khóc. Bởi tôi là ai, là gì mà nhạc sĩ Văn Cao đang bệnh mà vẫn ngồi lên uống rượu? Nghĩ thế rồi tôi cũn hiểu ra rằng, nhờ anh Phùng Quán tất cả. Anh Quán đã nói gì, giới thiệu ai là buộc đối tác phải tin. Phùng Quán là người quyết liệt, khẳng khái chân thật như thơ anh:

 

 

 …Con ơi một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc cứ khóc

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu…

 

Ôi thơ hay đến thế thì phải đưa vào sách giáo khao PTCS để dạy cho con em chúng ta có tính chân thật từ nhỏ, như dân gian thường nói: uống tre phải uống từ măng!

Anh Quán cầm chai rượu rót một lượt nữa. Tôi nghe hai anh trao đổi, nhận xét về một ai đó. Chợt đôi mắt anh Văn Cao sáng long lanh, anh nhìn lướt qua tôi rồi qua Phùng Quán, tay rung rung chén rượu thở dài: “Ờ, cái thằng ấy người ta tởm lâu rồi!”

 

Xong chén rượu thừ hai, chúng tôi tạm biệt nhạc sĩ Tiến Quân Ca quý mến!

Chúng tôi đỡ cho Văn Cao nằm xuống gối. Đôi mắt anh giờ như sáng hơn, chòm râu rung rung hơn và đôi môi nhấp nhấp không phải muốn nhấp rượu mà thể hiện lời cảm tạ sâu kín khi có người thân tình đến thăm ông.

 

Phùng Quán đưa tôi đi thăm Trần Dần.

- Em chào anh Trần Dần! Tôi thốt lên.

Đôi mắt rất sáng, trần Dần nhìn tôi đăm đăm, gật đầu. Trần Dần cầm lấy xe điếu, châm lửa rít một hơi dài, nhả khói khoan thai. Như lời Phùng Quán kể, giờ tôi đã để ý phía sau lưng ông là cái bóng trắng Trần Dần trên tường “30 năm không thay đổi chỗ ngồi” thì đúng y chang. Bởi khi ông rít thuốc lào thì rướn người lên, lưng tựa vào tường nên không bị khói thuốc ám, nên thành cái bóng Trần Dần thứ hai trên vách.

 

Đến lượt Phùng Quán vỗ điếu súc điếu và rít điếu sòng sọc như bắn đạn liên thanh. Xong đâu đấy, Phùng Quán mới giới thiệu tôi với Trần Dần. Anh nói:

- Vĩnh Nguyên – làm thơ, em mình ấy mà, ở Huế ra, mình dẫn đến thăm Trần Dần.

- Quý hóa quá – giọng khào khào Trần Dần nói: mình là Bính Dần, chữ Bính có bộ khung như cáo cũi, con hổ bị nhốt, Bính Dần chi tù ấy mà. Nói đoạn Trần Dần lại cầm lấy điếu, mồi thuốc. Nhưng lần này ông không châm lửa rít mà cứ cầm điếu nhìn sang tôi. Ông nói thong thả:

 

- Âu cũng là cái số. Nói thẳng nói thật cũng gay lắm. Mồng hai tháng chín năm đó Hà Nội rợp cờ hoa. Nhưng mưa rất to kéo dài. Người đi đường ướt hết. Cờ đứng dưới mưa đệp lắm chứ! Và mình thể hiện “mưa sa trên mầu cờ đỏ”. Đó là một thực tế đúng với thiên nhiên đất trời. Nhưng vời thơ, khi ấy, người ta cho là biểu tượng hai mặt nên mình phải khổ một đời…

 

Tháng 5 – 1988 Trần Dần vô Huế gặp lại tôi, ông vô cùng cảm kích. Anh Nguyễn Quang Trình lái xe con của Hội Văn nghệ đưa Trần Dần, tôi và đứa con gái tôi là Nguyễn Hoàng Anh bốn tuổi đi thăm nhiều lăn tẩm, chù chiền. Đến đâu, tôi chỉ dẫn, giới thiệu rạch ròi cho ông, ông khoái lắm. Ngồi uống nước dừa “ giải lao” nơi bến đỗ xe chùa Thiên Mụ, thi sĩ Trần Dần mua một bộ vồng con ốc biển quàng vào cổ cho con gái tôi làm quà tặng. Đoạn Trần Dần rút trong bao. Gói đưa cho tôi tờ carton với những dòng chữ viết tay nắn nót , hai chữ đầu đề là SOMME tô đậm và phía dưới là gạch đầu dòng liệt kê các tác phẩm của ông .

 

Phùng Quán dẫn tiếp tôi thăm ông Lê Đạt .

Lê Đạt thấy ông thì kêu lên sởi lởi “ vào đây, vào đây “.Ông chìa tay ra trước  bắt tay tôi là bởi tôi đi với Phùng Quán . Có thể trong thâm  tâm  của ông , ai đã đi với Phùng Quán , người ấy là  bạn tốt . Nhà Lê Đạt là nhà bán hàng , nêm kín hàng nên khách chủ đều ngồi trên các bao hàng uống nước nói chuyện .

 

Tôi thổ lộ  với hai ông anh thi sĩ tầm cỡ :

- Tôi là  tên “lính thủy đánh bộ “. Hồi ở Hải Phòng tôi mê sách lắm .Có quán sách cũ nơi vườn hoa Sông Lấp cho thuê sách . Người thuê sách phải trả gấp năm lần giá bìa . Tôi ôm chồng sách  thuê về khoang tàu trong đó có tập thơ “ bài thơ trên  ghế đá “ . Xem một  lần đã thích .Tôi mới chép vào sổ tay được hai bài là “ Bài thơ trên ghế đá “ và “ Đu “ . Không biết tay nào bẻm mép hay tâu báo gì đó  mà vài ngày sau , thiếu úy Nguyễn Văn Kiệt – Quê miền nam , chính trị viên tàu tới vỗ vai tôi : “ nghe nói Vinh (tên tôi là Nguyễn Quang Vinh ) tôi có tập thơ “  đá đá “ gì đó mà tập sách đó nghe nói là sách cấm “ . Tôi cự nự lại : “ tôi có tập thơ “bài thơ trên ghế đá “, nhưng sách này tôi mua ở hiệu sách vườn hoa Sông Lấp .

Như vậy là họ bán và tôi mua có ai nói cấm đoán gì đâu?

- Nhưng sách náy là sách của Nhân Văn nên Vinh vui lòng đưa tôi  để tôi nộp lên trên – chính trị viên nói dứt khoát .

Và , tôi mất tập thơ “ bài thơ trên ghế đá “  của Lê Đạt vào khoảng năm 1968 trên tàu  chiến đấu mang số hiệu T. 171.

 

Nghe  xong , Lê Đạt cười rạng rỡ  và ôm choàng lấy tôi, một tay vỗ vỗ lên lưng tôi , miệng nói như lắp : “ hay lắm ! ghê lắm !”

Ngàn lần cảm ơn anh Phùng Quán ! Chuyến đi Hà Nội ấy tôi như trở thành người khác nhờ có anh mà chỉ trong một buổi sáng tôi được tiếp xúc đến ba vị tổ sư văn chương .

 

Sau  đó , nhạc sỉ Văn Cao đã có dịp trở lại Huế . Gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ nơi đây . Văn Cao kể chuyện rất hay , rất hớm . Rồi tiếp đến Trần Dần vào Huế như đã nói . Còn Lê Đạt , sao ông mãi nấp “ Bóng chữ “, Hà Nội ? – Huế mong anh vô lấy một lần !

 

Chuyến ra Hà Nội lần ấy , tôi mang quà về thật nhiều , thật nặng  tay :

Chị Bội Trâm mua tặng vợ tôi can dấm thanh và năm kí lô mơ Hương Tích . Chị nói chi phải  chọn từng quả vừa chín . Chị dặn : Đưa về rữa  qua , để ráo nước là cho vào thẩu ngâm . Cứ một  mơ – một đường , đậy kín nắp . Suốt mùa hè năm ấy các con tôi được uông nước mơ còn lại chắc ra để pha uống dần . Tiếp theo là tôi đỗ rượu vào là thành rượu mơ bù khú với bạn bè …

 

Tôi  mua lai trọn bộ Tam Quốc Chí( tám tập ) mới tái bản cho thằng út tôi bởi nó rất thích.

 

Anh Quán lục trong túi ra một cái cặp da đi học của thiếu nhi liên Xô mới keng mà Quyên ( con gái đầu của anh chị) học ở bên ấy mang về . Anh Quán dùng bút vẽ đậm mực viết vào trong nắp đậy với  dòng chữ và ký tên : ( yêu thương tặng cháu Nguyễn Hoàng Linh – Phùng Quán “ .

 

 

Thằng cu út tôi học lớp một,gầy gò,đeo cái cặp da nặng trĩu, lệch vai,vẹo cả sườn, nhưng nó vãn thích đeo đi học là bởi “ quà của bác Quán “. Nó nói vậy.

Tin Phùng Quán đến Huế. Chúng tôi lên ga đón anh.

 

Phùng Quán mặc chiếc áo chàm xanh như ông già Nùng. Tay ôm xách một cái bị cói to tướng. Trong bị cói la chiếc xe đạp gấp thiếu nhi Liên Xô. Anh hể hả lôi xe ra kéo thẳng hai cái bánh đang chùng gấp. Anh ngồi lên xe đạp đi.

Thế là lần này không có ai phải chở anh nữa. Chúng tôi đạp theo anh về nhà thi sĩ Hải Bằng.

 

Cuộc chơi này có nhà thơ công nhân Tạ Vũ cùng vào với Phùng Quán.

Sáng hôm sau,như đã hẹn,tôi tới chởTạ Vũ cùng nhiều người kéo về Thủy Dương – nhà chú Đệ tổ chức đánh chén. Tạ Vũ nói rất hăng ,đọc thơ cũng rất hăng. Nhưng chạng vạng tối thì Tạ quá say nói lung tung, chửi bới cũng lung tung. Anh Quán rất giận. Sao lại đi giận người say?Dẫu biết thế nhưng không làm căng thì ông Tạ vẫn chửi. Bao người yêu thơ trong đó có các bạn gái mới gặp lần đầu ,lung tung xèng như thế này thì tệ quá. Cuộc trò chuyện, thi tứ không có chiều sâu,không còn cảm hứng. Buộc lòng Phùng Quán phải quát lên, tay chỉ :

-          Tạ Vũ đi ra khỏi nhà! Đi ngay !

Nhà thơ họ Tạ khóc òa, mếu máo nói:” Anh Quán không cho Vũ ở thì Vũ đi ( hu hu),Vũ lên cầuTràng Tiền Vũ nằm “( hu hu ) . Tạ Vũ bước ra khỏi nhà chú Đệ vừa đi vừa khóc . Anh Quán bảo tôi đi theo Tạ Vũ . Tôi dắt xe đạp quyết định chở Tạ Vũ trở lại nhà Hải Bằng . Tạ Vũ bước loạng choạng dọc bờ ruộng lúa , được khoảng hơn trăm mét, đến một cái cống xả nước , bỗng Tạ Vũ reo lên : “ A! Cầu Tràng Tiền đây rồi !” và , nhà thơ nằm vật xuống , tay ôm lấy tai cống , ngủ ngon lành . Tôi quay trở vào nhà đánh ly nước chanh đưa ra, Tạ Vũ đã ngáy pho pho ….

 

Đêm hôm sau, dân làng Thủy Dương lập một cái sân khấu giữa sân kho hợp tác xã rộng mênh mông mà Phùng Quán tự hào với sân kho hợp tác xã quê anh như sân đại triều nhà Nguyễn để văn nghệ sĩ nói chuyện , đọc thơ phục vụ nhân dân xã nhà do nhà thơ Phùng Quán – người con của quê hương tổ quốc .

Mười chín giờ ba mươi bắt đầu nhưng sân kho quá rộng , người quá đông ồn ào như ong vỡ tổ . Tổ dân quân tự vệ cầm loa a lô ( lúc đó chưa có micrô ) dẹp trật tự mãi mà vẫn không được . Và Phùng Quán lừ lừ đi lên .Vừa thấy Phùng Quán , nhiều người đã hô to :

-          A, ông Quán ! A, bác Quán ! A, chú Quán ! có người hỏi lại : Quán nào hè? – Quán nhà thơ , Quán cháu ông Đệ chớ còn Quán nào ! người hỏi, kẻ đáp nháo nhào cả lên .

 

Đứng giữa sân khấu, Phùng Quán không nói không cười , hướng về kháng giả, rồi , ông chắp tay quỳ rạp trán đánh cốp xuống sàn gỗ .Ông lại đứng lên lại quỳ rạp trán đánh cốp xuống sàn gỗ lần thứ hai. Cứ thế, trán ông tấy đỏ nhưng trán phải cốp sàn gỗ lần thứ tư ( sau bốn lạy ) ông mới đứng lên đĩnh đạc mỉm cười . Lúc này kháng giả đã im như thóc . Và  Phùng Quán dõng dạc đọc thơ :

 

…Con tạ đất làng quê

Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất

Con tạ ơn cha

Đã yêu đằm thắm mẹ con

Con tạ ơn mẹ

Đã sinh con đúng lúc

Con tạ trời

Tạ đất …

 

Vẫn cái thế hùng hồn dõng dạc ấy , Phùng Quán đọc xong bài” Tạ “ . Tiếng vỗ tay hoan hô như sấm . Kế đó , ông cầm chịch giới liệu từng nhà thơ lên tham gia đọc thơ . Có người đọc một bài, người hai bài, có người đọc đến ba bài cho đến khi kết thúc đêm thơ , mọi người rất trật tự vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và vui sướng ra về .

 

Tối đó , mỗi nhà thơ chúng tôi được hợp tác xã Thủy Dương bồi dưỡng hai quả trứng vịt lộn và một tô cháo .

Đang ăn , ông trưởng làng Thanh Thủy Thượng nói : “ Té ra bác Quán nhà miềng vừa có tài thơ vừa có tài dẹp trật tự !”

 

Trưa hôm sau , Phùng Quán ghé nhà tôi nói nhỏ : hai giờ chiều đi chơi với anh . Tôi hỏi lại đi đâu . – đi đọc thơ chớ đi đâu , chuẩn bị bài cho thuộc mà đọc . Anh dặn thế .

ấy là khoa văn trường cao đẳng sư phạm Bình Trị Thiên mời anh nói chuyện . Anh kéo tôi thêm bởi anh nói : Phải hai người thay nhau mà đọc mà nghĩ chứ đọc diễn rồi cứ dồn sức mà đọc là nhọc lắm !

 

Đúng giờ . Lời giới thiệu của thầy trưởng khoa Văn , đại ý : hôm nay khoa ta rất hân hạnh đón tiếp nhà thơ Phùng Quán và Vĩnh Nguyên đến nói chuyện và đọc thơ, đặc biệt , nhà thơ Phùng Quán vừa từ Hà  Nội vào . Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt .

 

Nhà thơ Phùng Quán bước lên bục trong tiếng vỗ tay .

Gọi cuộc mời nói chuyện là chính nhưng bây giờ trở thành phụ , bởi Phùng Quán khéo léo dẫn dắt chuyển đổi : “ các thầy , các bạn là những người học tập nghiên cứu văn học nước nhà nên vụ Nhân Văn Giai Phẩm diễn ra như thế nào thì báo chí đã đề cập quá nhiều , với tư cách cá nhân tôi đâu có quyền nhận định người này người kia ra sao . Là nhà thơ , chúng tôi được mời đến đây , chúng tôi xin bày tỏ những cảm nghĩ , xuất xứ một số bài thơ , xin được bình thơ và trình bày thơ “ . ( vỗ tay )

 

Nói thế , nhưng anh bình rất ít .Anh cũng không dông dài xuất xứ những bài thơ anh . Anh nói qua cho có lệ để tập trung “ trình diễn thơ “ . Ai đã từng nghe Phùng Quán đọc thơ một lần đều nhận xét : Phong cách đọc thơ của ông giống phong cách đọc thơ quảng Trường của Maiacôpxki .

 

Phùng Quán đọc nhiệt thành , dồn sức và không khéo có thể kiệt sức.

Vừa nói vừa đọc xong năm bài thơ dài liên tục , trán anh cũng rũ rượi mồ hôi , chiếc áo chàm xanh ướt đẫm .Anh ngững về phía tôi :” Xin mời nhà thơ trẻ Vĩnh Nguyên lên tiếp ứng “ .

Và tôi cũng “ chơi “ luôn một mạch năm bài .

 

Tôi chào đi xuống . Anh tiếp đi lên bục giảng trong tiếng vỗ tay .

Các thầy cô ngồi hàng trên thương anh , sợ anh mệt nên nói vói sau lưng anh : “ Anh cứ đọc nho nhỏ cho khỏe ! “ .

 

Anh mỉm cười .Anh vẫn biết thế nhưng cái tạng của anh , dù chỉ ba , bốn người bạn trong căn phòng nhỏ , hễ đọc thơ là anh vẫn lớn giọng hùng hồn . Còn lúc này trên giảng đường rộng lớn trên hai trăm người thì làm sao bảo anh vặn nhỏ “ âm lượng “ .Anh hay tâm sự với bạn thơ cả nước : “ dân thơ xứ Huế miềng chúng nó thèm đọc thơ đến chảy nước miếng ra ! “ Với sự thèm khát ấy, nếu có cơ hội là anh trình diễn thơ hùng hồn còn nói chuyện là anh thường tránh . Có lần anh tâm sự với tôi : “ Mình nói thì người ta phải hỏi . Mà cách chi họ cũng hỏi chuyện Nhân Văn . Nó lôi thôi ra . nên cứ đọc thơ là hay nhất .”

 

Anh tiếp “ chơi” năm bài nữa thì trời đã gần chiều . Cuộc tiếp xúc giữa khoa văn cao đẳng sư phạm Bình Trị Thiên với chúng tôi dừng lại .

 

Khi có phong bì rồi , ra khỏi cỗng trường , tôi đề nghị : Ta ra chợ ăn cái gì đi anh Quán . – ừ , phải đấy, nhưng chờ nào ? Tôi nói ở đây gần chợ An Cựu . Anh gạt đi , nói :  ta lên chợ Bến Ngự hơn , biết đâu ngày trước Ông già Bến Ngự cũng hay ra đó ăn hàng ?

 

Chúng tôi dông xe đạp tuốt luôn vào giữa chợ Bến Ngự ( Chợ bây giờ đã vắng ). Anh Quán lật lật con vịt béo lẳn hỏi bà Quán : tra hay non ? – Vừa tra bác ạ - bà quán đáp .

-          Bà chặt cho nữa con hí ?

-          Dạ !

 

Chúng tôi ngồi xuống ghế , gọi xị rượu trắng .

Anh Quán mở đầu : “Dân ta đúc kết hay lắm  “vịt ăn tra , gà ăn non “ , mình răng đang khá chịu khó nhai dai dai một tí nhấm rượu mới ngon “. Anh dùng cả hai tay rứt  từng miếng thịt chấm nứớc mắm gừng bỏ vào miệng nhai , đôi mắt hấp hiếng tỏ vẻ thú vị lắm . Vừa ăn anh vừa sôi nỗi kể chuyện ngày xưa cùng lũ chăn trâu cắt cỏ , tát cá đìa , khi nước rút lại nhặt được khối trứng vịt chúng đẻ rơi . Cả lũ lấy rạ rơm đốt lữa nướng cá rô , cá tràu ăn ngáu nghiếng . Cầm miếng thịt , anh nói : “ ngon quá , như con cá rô nướng ngoài đồng ngày xưa ….”

Nhìn cung cách uống rượu , nói chuyện của anh , các bà bán hàng quanh đó cứ tấm tắc hoài . Họ như nói : “ Gía  được những vị khách như thế này mở hàng ho buổi sáng thì hên lắm ! “ .

 

Đang uống , bỗng anh hỏi :

-          Nghe nói em có nhà ngoài Đồng Hới ?

-          Đúng .

-          Ở được chưa ?

Thấy  anh hỏi sốt sắng , tôi nói thật : sợ người ta lấn chiếm đất nên em mới xây cái lô – cốt , đặt cái giường đơn , cửa ra vào có bấm khóa .Thỉnh thoảng em ra ghé thăm nhưng ở thì phải nhờ nhà các cháu bởi em chưa có tiền tô trét chưa bắt điện, nước ,chưa có hố xí nên bất tiện lắm !

 

-          Không sao !  – Anh nói : Có phòng , có giường , có khóa cửa là tốt rồi . Cho anh mượn một thời gian . Khó khăn anh khắc phục . Anh tính , ăn thì ăn quán cơm bụi. Ăn xong mua chai nước về luôn .Lâu lâu anh sang Thuật tắm giặt ( Nhà Hoàng Vũ Thuật gần nhà tôi , cùng đường Nguyễn Đình Chiểu ). Đi vệ sinh thì anh có cách . Anh mua thật nhiều túi ni lông….nói đoạn ông mỉm cười rồi tiếp : ngày nóng quá thì anh ra bờ sông Nhật Lệ hóng mát . Đêm đêm anh thắp đèn dầu . Anh kê viết trên đầu gối được mà .

 

Nguyện vọng của anh chí thiết quá làm tôi chạnh lòng xao xuyến bồi hồi . Anh lại muốn dọn mình để viết một cái gì đó có thể ẩn ức lắm , gan ruột lắm .Lúc này anh được phục hồi hội tịch Hội nhà văn ( 8.1988 ). Anh quá mừng nên ập về quê hương ngay. Đã ba mươi năm treo bút rồi còn gì và Huế đã hớp hồn anh . Sẳn chiếc xe đạp mini, anh dòng dòng Huế dài dài rồi trở ra Hà Nội anh chưa hỏi lại tôi chìa khóa cái lô cốt của tôi với những dự định “ dọn mình “để viết sách . Mà có thể bởi Huế mộng Huế mơ nên anh đã “ xã thân “ vào Huế trước chăng? – Có thể như thế lắm !

 

Anh Quán vào Huế lần này , tạp chí Sông Hương vừa có cuộc họp cuối năm và mời anh đến dự .Sau đó có liên hoan đậm . Ăn xong mọi người thư thả ra về . Chủ quán bên kia đường Đinh Tiên Hoàng cho người sang bưng bê dọn dẹp , quét tước lau chùi khoảng sân thượng có cây hoa giấy tả bóng mát rất trữ tình .

 

Ba người ra về sau cùng là tôi, Phùng Quán và một nữ thi sĩ. Tôi thấy anh Quán và nữ thi sĩ này mới gặp nhau nhưng cái nhìn của họ đã khang khác, nghĩa là họ đã có mối giao hòa nào đó nên tôi chân tình nói với anh: “ Anh Quán ơi, em về trước nhé. Mai gặp anh ở Thái Phiên:.

-                                  Ồ không không, anhvội vàng đáp lại tôi như khẩn cầu, nói:  “Em phải ở lại với anh rồi đi chơi với anh!”

 

Và tôi chấp thuận.

Ba chúng tôi thong thả đạp xe ra khỏi thanh phố. Anh Quán muốn về thăm gia đình cô bạn gái.

Gia đình nữ thi sĩ chỉ có hai mẹ con. Bà cụ đã ngoài bảy mươi tuổi. Nhà rộng, sân vường đều rộng. ngoài vườn có kê bàn ghế đá cho bạn bà ngồi chơi, nhưng tối rồi, sợ muỗi nên cô bạn tiếp nước chúng tôi trong nhà. Anh Quán đã đưa điếu cày ra kéo sòng sòng, nhả khói bay mù, mùi thuốc lào nòng nặc phòng khách.

 

Gia phong nữ sĩ nề nếp, nhưng tôi không hề thấy cô bạn tỏ ra khó chịu bởi cái việc nhả khói, vỗ điếu bồm bộp của anh. Trong thâm tâm, tôi đã muốn anh Quán ở lại. Tối rồi. Tôi phải về. Tôi đã có gia đình, các cháu đang nhỏ. Tôi nói ra điều này nhưng anh không chịu. Anh dứt khoát không cho tôi về. Cô bạn cũng vậy. Cô đã đi móc mùng, sếp hai cái gối cho hai người nằm chung trên chiếc giường đôi khá rộng ở buồng gian trái nhà. “Sáng mai mới về chắc vợ sẽ rầy đây ?” Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng bởi tôi yêu anh Quán nên thôi cứ mặc, đến đâu thì đến (giá có điện thoại như bây giờ thì khỏi nói).

 

Bà cụ đã đi ngủ .

Chúng tôi chuyện trò khá lâu rồi cô bạn cũng chào chúng tôi đi ngủ trước.

Đã khuya lắm. Đến lượt tôi ngáp vặt mệt mỏi vào giường nằm,nhưng anh Quán không chịu vào ngủ. Anh cứ ngồi nguyên gối sa-lon chốc chốclại kéo điếu sòng sọc và cô bạn từ trong buồng mẹ đi ra kêu toán lên:

- Anh Quáng, anh Quáng (chữ Quán có “g” sau bởi giọng Huế) đi ngủ đi!

Nhưng thi sĩ si tình Phùng Quán vẫn thức. Bởi có thể anh đang đợi ngọn lửa tình bùng cháy? Tôi nằm. Tôi cũng không ngủ như anh nhưng tôi giả im lìm không cựa quậy để đánh lừa họ là tôi đã bí tỉ bởi cuộc rượu chiều.

 

Phùng Quán lại rít điếu sòng sọc. Càng về khuya tiếng sòng sọc rít điếu càng vang.

Nữ thi sĩ chắc cũng  không ngủ được, có thể tôi suy từ mình mà ra, cô đi tới chỗ anh Quán vẫn ngồi rít thuốc, giọng vẫn giục giã nhưng nhỏ nhẹ hơn,nhưng vỗ về hơn:”Anh Quáng, anh Quáng, vào ngủ đi một chút,  trời sắp sáng rồi!”

 

Và trời sáng bạch.

Tôi mặc áo, nai nịch gọn gàng đi ra,Phùng Quán vẫn ngồi tỉnh bơ,đầu ngúc ngúc,chòm râu rung rung,miệng tủm tỉm

Rửa mặt xong đâu đấy,chúng tôi vào chào bà cụ,chào nữ sĩ rồi lên xe. Chúng tôi đạp về phía chợ Mai ăn bát cháo lòng nóng sốt.

Đến cầu Trường Tiền,anh – tôi chia tay nhau. Hẹn mai gặp lại. Tôi về hội văn nghệ Bình Trị Thiêng – Nơi gia đình tôi cư trú dưới pát – van hầm nhà 26 Lê Lợi,còn anh, anh qua cầu Trường Tiền về đường Thái Phiên – Tây Lộc, nơi có gia đình thân quen cho anh cư trú.

 

Có thể nói ,chuyện bầu bạn giữa Phùng Quán với nữ thi sĩ ấy đi đến đâu thì tôi không được rõ. Nhưng tiểu thuyết diễn tình thơ mười ba chương “ Trăng Hoàng Cung” Của Phùng Quán thì tôi quá biết rõ bởi Phùng Quán víết” Trăng Hoàng Cung”Là sau những lần tới Huế va ông quan hệ với một nữ văn sĩ  Huế khác vậy.

 

 

Huế,19.5.2006

Vĩnh Nguyên
Số lần đọc: 4063
Ngày đăng: 01.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Thượng Xuyên – người Minh hương có công khai phá vùng Đồng Nai – Gia Định - Nguyễn Đức Hiệp
Thơ Hữu Đạo, tiếng hát của một thế hệ dấn thân - Lê Văn Nuôi
Đất và người Bến Tre. - Nguyễn Thị Hậu
Người vượt qua những khó khăn chất chồng để sống - Nắng Xuân
Cơ chi có một ngày… - Võ Quê
Tặng em đôi chiếu em nằm . . . - Nguyễn Thuỵ Nhã
Nặng nợ với trầu cau - Võ Ðắc Danh
Nhớ Thầy Trần Quốc Vượng - Nguyễn Thị Hậu
Quê chồng - Đặng Huỳnh Lộc
Vận rủi… - Đặng Huỳnh Lộc