Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.146.502
 
“Chiếc áo lót của người sung sướng”
Nguyễn Thị Minh Ngọc

1. Ai bán thanh thản, ta mua:

 

Hồi nhỏ, đây là một trong những chuyện cổ tôi thích. Việc cai trị của một quốc gia khiến một ông vua thấy mình là người bất hạnh. Một nhà tiên tri cho biết nếu nhà vua bận được chiếc áo lót của người sung sướng thì mới được hạnh phúc.. Vua cải trang làm thường dân tìm cho ra người sung sướng nhưng gần như  không ai có cảm giác đó trước gánh nặng trần gian, sưu cao thuế nặng của chính nhà vua. Đến lúc tìm ra một người thảnh thơi với cách sống giản dị không tham vọng cao xa, vua cố xin chiếc áo lót của anh ta thì mới biết gã tiều phu ấy chuyên để mình trần khi làm việc; lúc mang củi đi đổi gạo anh khoác một áo ngoài là đủ, chưa bận tâm tới áo lót bao giờ.

 

Với lứa tuổi chớm thu, một ngày nào đó mỏi mệt chuyện mưu sinh, lợi danh phù phiếm, bạn sẽ thấy không gì quý bằng sức khoẻ để đi nốt chặng đường còn lại. Cũng có người đang tuổi xuân, hạ đã sớm nhận ra điều này. Rồi cũng chính họ, biện minh cho việc mình tiếp tục lao vào vòng xoáy cuộc đời bằng chữ “nợ”, chữ  “nghiệp”.

 

Có sức khỏe, tưởng như bạn  có thể xoay chuyển nhiều thứ.  Nhưng rồi có lúc bạn chợt nhận ra, còn một thứ  quý hơn sức khỏe. Đó là sự thanh thản.

 

Đố ai có tiền, quyền để mua và cưỡng bách sự thanh thản ấy được?

Như chiếc áo lót của người sung sướng, nếu không do chính anh tự buộc vào thì ai là người có thể giúp anh tháo bỏ những phiền muộn lo toan?. 

 

2. Nước, lửa và máu

 

Phải là những người có những nghề nghiệp phải luôn tiếp xúc với đám đông mới thấy quý vô cùng những giây phút một mình với bóng hay chỉ với một ai đó thật sự tri âm. Thời chưa kiếm ra được một bờ vai để tựa, những giây phút hạnh phúc nhất của tôi có lẽ đó là những giây phút trốn được vào một xó xĩnh nào đó để tự tựa vào chính mình mà..khóc. Có lẽ nước mắt là một trong những điều kỳ diệu nhất của cuộc sống.

 

Lúc lãnh một vai già nhất, ít thoại nhất trong vở “Tám người đàn bà”,  ít ai biết tôi đã hạnh phúc như thế nào khi được ngồi ngó khán giả rồi để mặc nước mắt chảy trào ra, tự nhiên như hơi thở, biết chắc rằng hiếm ai để ý tới mình vì khi đó cũng là lúc xảy ra đoạn thoại cao trào để kết chuẩn bị kết vở. Vậy mà cũng có một cô bé nhìn ra và viết cho tôi một bài cực hay ví ba lần khóc của nhân vật tôi là nước, lửa và máu. Bị bắt gặp đang mượn nhân vật để “khóc lẽ loi một mình” giữa bao khán giả xa lạ, đó cũng là một niềm vui.  

 

3. Trời cao,  đất rộng:

 

Giờ đây niềm vui hằng ngày của tôi bình dị biết bao khi khám phá ra mình có “tiềm năng” nấu ăn. Nhân lãnh viết phim nhiều tập về một nhà hàng, tôi phải xông xáo tìm những chuyên viên nấu ăn để nhờ tư vấn. Không tìm ra người thì lục cả trên mạng,  nhân đó thử nấu và được những thực khách như chồng tôi và các con riêng của anh cho rằng ngon hơn tiệm. Hạnh phúc này còn trọn vẹn hơn khi tôi được về nhà nấu cho người mẹ nấu ăn ngon tuyệt vời của tôi nhờ quá khứ sống với kế mẫu của bà. 

 

Cuộc sống gia đình còn cho tôi nhiều niềm vui khác thường. Lâu nay tôi vẫn tự cho mình có số “vượng phu ích tử” vì thấy các bạn trai lẫn gái đều có số được mình “giúp việc”. Ông xã tôi cho biết chuyến theo chồng đi nghĩ hè của tôi coi chơi chơi vậy chớ đã góp phần giúp công ty anh thắng tuyệt đối trong việc bảo vệ một dự án trị giá tỷ đô nên chuyến đi công tác sắp tới họ đề nghị anh nên đưa vợ đi cùng. Chỉ tiếc là chúng tôi cũng có ý định đưa những dự án tương tợ như vậy về cho Việt Nam nhưng vì nhiều rào cản, việc ấy chư a thể.

Hạnh phúc của chúng tôi còn là những chuyến lái xe đi qua những khu đồng núi vắng vẻ dân cư cũng như  xe cộ trên đường. Thỉnh thoảng có những đàn bò tót, chú hươu hay những gia đình chuột đồng tung tăng trên đồng cỏ. Sau vài khắc giờ chúng tôi lại gặp những khu dân cư nhỏ có chừng vài chục người hay vài trăm dân nhưng cũng có đủ trường, chợ, thư viện, nhà thờ như mọi thị trấn khác.

       

4. Sống trong hồn người khác

 

Một đạo diễn nhỏ tuổi hơn chỉ mặt tôi nói, có những người thích làm diễn viên hơn cả chuyện viết và dựng, dạy đó là chị và chị Mai Thanh Dung. Dung là bạn cùng lớp đạo diễn của tôi, hồi đó chuyên đóng vai chánh trong lớp, tôi thì chỉ được lãnh những vai phụ, thường là già, xấu, phần số hẩm hiu như ế chồng, góa bụa. Sau này Dung bị bệnh, nghỉ diễn thời gian rồi khi trở lại sân khấu thì chuyển sang đóng hài. Dung là thầy dạy Tiếng Nói Sân Khấu giỏi. Chẳng biết Dung có chuẩn bị để làm nghề dạy không nhưng hồi nhỏ không bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ đi dạy vì sợ bị ..quả báo. Khi đi học tôi luôn là loại học sinh cá biệt.

 

Chẳng ngờ nghề đi dạy cũng đem lại cho tôi nhiều niềm vui nho nhỏ dù biên đạo múa Tấn Lộc khi đến phụ tôi làm vở có thân tặng tôi hai chữ “dã tràng”. Ít ai biết, một trong những niềm vui của tôi sau này là.. đóng cửa, diễn cho sinh viên xem để minh họa bài nói chuyện. Như cậu đạo diễn kia đã nhìn ra, được sống trong hồn người khác là một trong những nguồn vui của chúng tôi. Sau những chuyến cứ phải diễn minh họa cho bài nói chuyện về sân khấu của mình cho những người khác ngôn ngữ nghe, càng thấy không gì hạnh phúc bằng được diễn tiếng Việt cho người Việt xem. 

 

5. “Diễn cho dân tôi coi”

 

Hạnh phúc còn là những buổi diễn không định trước. Như đợt đi Tam Nông chung với mấy chú nhiếp ảnh, họa, văn và nhạc sĩ.  Sợ tối buồn, mấy anh rũ làm đêm thơ nhạc cho bà con vùng quê coi chơi. Không ai để ý trong đám viết văn có người diễn được. Tôi đưa tay xí liền, xin được “diễn cho dân tôi coi” rồi đi mượn thúng gióng áo bà ba khăn trùm đầu, quơ thêm người của nhà văn hóa xã cùng đóng thêm trích đoạn ba người. Cảm động vô cùng khi thấy bà con đốt đuốc, chèo xuồng từ những nơi xa xôi về coi và cũng mừng khi mình đã không phụ công của những người nông dân hiếm khi bận thêm trên người chiếc áo lót mình như trong chuyện cổ.

 

Có lần cùng với nhóm nữ nghệ sĩ vào trại giáo dục nữ ở Thủ Đức diễn kịch vui cho các cô gái lầm lỡ  xem. Diễn xong, lẽ ra các cô phải về phòng để ngủ còn cả đoàn thì lên xe về nhưng đột nhiên các cô cứ đứng yên một chỗ khóc ròng làm cả đoàn chẳng biết sao cũng đứng lại khóc theo. Nhưng có kéo dài những giọt nước mắt ấy mãi thì cũng tới lúc ai về “nhà” nấy chớ đâu  thể  đứng đó khóc hoài.

 

6. Những lần “thoát chết”.

 

Nhiều người nói với tôi, kịch của chị đọc lên thì nghe hay nhưng ai dựng vô rồi biết, “chết” như chơi. Cũng biết vậy nên mỗi lần một vở của tôi ra đời, được nghệ sĩ đồng lòng, khán giả chấp nhận, “bầu” vui, mới thấy mình vừa “thoát chết”.

 

Mới tết năm nào, từ vở nhạc kịch “Vì tôi là người Việt” định làm chung với Hoàng Điệp, Quốc Bảo cho các ca sĩ  Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ đã phải chuyển thành “Trái Tim Nhảy Múa”, vai người chị định dành cho Phương Thanh  biến hóa thành nhiều bà mẹ cho Hoàng Trinh theo sáng kiến của Vũ Minh, tập và sửa  mãi mới thấy nụ cười nở trên môi Huỳnh Anh Tuấn.

 

Nếu không có những đạo diễn Đoàn Bá, Hoa Hạ, Hùng Lâm, Ai Như , Thành Lộc, Công Ninh, Xuân Hương, Tất My Loan, Đoàn Khoa, Doãn Hoàng Giang, Trần Minh Ngọc, Vũ Minh, Quốc Thảo, Lê Chức, Phú Hải, Minh Chung, Mỹ Hà, Bùi Thạc Chuyên, Ngọc Liên, Huy Thục, Chánh Trực, Xuân Hồng, Thương Tín, cả hoạ sĩ Lê Văn Định, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, tác giả Hoàng Song Việt, Văn Đức, các chị Kim Cương, Bạch Tuyết, những học trò của tôi như Hữu Quốc, Hữu Châu, Quang Minh, Hồng Đào..... biết đâu những kịch bản của tôi đành xếp xó.

“Một mình bước tới” -  tên một tập truyện ngắn của tôi, chỉ là chuyện bên văn học. Còn ở sân khấu, điện ảnh, đặc biệt sân khấu của thành phố này, điện ảnh của đất nước này, điều ấy không thể.

 

7. Từ “đạo” xuống “đời”

 

Chuyện dựng cũng gian nan không kém. Sau những năm tháng lăn lộn với các đội kịch quần chúng ở Thủ Đức, Từ Dũ, Quận Năm, Quận Mười, Binh Đoàn Cửu Long…, Thanh Niên Xung Phong.. vở đầu tiên tôi được dựng cho một đoàn chuyên nghiệp là “Nụ hôn có vị mặn của biển”của cố soạn giả Trương Quốc Khánh. Sáng tập cảnh Một, tối lại hai anh em phải ngồi cùng phá bung ra tính lại cảnh Hai vì từ “đạo” xuống “đời” là một quảng cách khá xa.

 

Không kể vào đây những khó khăn phi lý vì khâu duyệt, chỉ riêng chuyện ngồi đợi diễn viên tới cũng đủ cho tôi ngờ rằng kiếp trước những ai gây nhiều nghiệp chướng trầm luân lắm thì kiếp này mới vướng vào nghề đạo diễn.

 

Những ngày dựng vở tốt nghiệp cho sinh viên vừa rồi mới thật là kinh hoàng. Lớp có hơn chục người, phải mời thêm hơn chục nữa làm quần chúng. Vậy mà có những khi tôi đến lớp chỉ có .. một người. Vậy mà cũng rán thoại những vai còn lại để  tập cho người đó và vở xong đúng hẹn.

Cực - và đôi khi nhục nữa – như vậy đó. Nhưng khi có lời đề nghị cố thu xếp về dựng vở lại đau đáu lo toan, dù biết rằng trong hoàn cảnh hiện tại của mình, việc đó khó khăn trăm bề. .

 

8. Nợ hay duyên nghiệp?

 

Tháng 11- 2.006 , dự Đại Hội Phụ Nữ Viết Kịch Toàn Thế Giới Lần Thứ Bẩy ở Indonesia, mọi người rất thú vị khi tôi nhắc lại một ý tưởng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (trong cuốn Giăng lưới bắt chim) về bốn tên mafia trong văn hóa văn nghệ là quyền lực, tiền bạc, tôn giáo và tình yêu. Với tôi thì trong đó khó đối phó nhất vẫn là tình yêu.

 

Tình yêu ấy, nghiệt thay khi nó không chỉ riêng cho tình giữa hai người khác phái mà còn tình cho đất, cho người, cho những hệ lụy đôi khi không hề quen biết mà mình vẫn đỗ cho là nợ, là duyên nghiệp.

 

Sau khi Nguyễn Sĩ Hồng Hạnh, cô cháu gái thân thiết, người phụ giúp cho khá nhiều dự án của tôi vừa mất, tôi suy sụp tưởng như không đứng dậy nỗi. Cha mẹ của Hạnh  không muốn cho con gái theo ngành biểu diễn này cũng hợp lý thôi vì ngó tôi .. bầm dập quá. Rồi duyên nợ đẩy đưa, những kỳ ngộ đưa đến khiến Hạnh được phát triển, trân trọng, nhiều triển vọng mở ra cho đến khi cháu vĩnh viễn đi luôn.

 

Tôi chỉ tìm được sự thanh thản sau khi chồng tôi nói em không thấy Hạnh được ra đi trong trạng thái hạnh phúc vì cháu làm được điều mình yêu thích hay sao? Vẫn hơn nhiều người sống đến tận cuối cuộc đời nhưng buồn chán khổ đau vì bị gượng sống, ép lòng với những điều chán ghét.   

 

9. Chỉ mình ta còn lại:

 

Chiếc áo lót ấy, sự thanh thản ấy, chúng ta vẫn đi tìm.

Hoá ra chỉ mình ta tháo dỡ được mọi lo toan, bởi nhìn lại xem ai là người trói buộc ta vào các hệ lụy, ngoài chính bản thân ta.   

Nguyễn Thị Minh Ngọc
Số lần đọc: 3532
Ngày đăng: 02.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nếp cũ đồng quê Nam Bộ - Trần Thành Trung
Phác thảo cá tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nét văn hoá Nam Bộ vào những ngày giáp tết - Trần Thành Trung
Chat ở Việt Nam - Thúy M. Phạm
Tãn mạn về một nơi vừa từ giã - Vũ Trà My
Hai người đàn bà bán muối - Vũ Ngọc Tiến
Vớt củi trên Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Cây gạo với ngôi miếu cổ Lục đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Tây đi xe đạp - Nguyễn Tiến Văn
Với Sài Gòn… - Nguyễn Thị Hậu