Tôi từng được nghe trường ca này từ khi nó... đang ra đời, nghe ở quán nước chè, nghe trong tiệc rượu, nghe trên căn hộ 24 m2 lơ lửng tít tầng 5 khu tập thể Thành Công, nơi nhà thơ cùng một đại gia đình sống cái thời tuyệt đỉnh hàn vi cực kì nhếch nhác đáng quên đáng nhớ... của thế hệ những kiếp phù sinh như chúng tôi. Từng chương, từng chương cứ thế được thoát ra từ cái giọng đọc như chiết từng con chữ của nhà thơ. Thế rồi nó được đăng trên báo Văn Nghệ, được trao giải nhất (cuộc thi thơ năm 89-90), thế rồi có nhiều người viết về nó, mà toàn những tên tuổi cái thế trong làng văn chương, thế rồi nó được xuất bản, rồi tái bản...
Hồi bấy giờ nghe anh (tác giả Hoàng Trần Cương) đọc thơ, tôi cũng ti toe “tác” thử vài bài, nhớ có lần anh bảo: “thơ chú mày lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Hôm nay giở “Trầm tích” của anh ra đọc lại, mới hiểu lời nhận xét xưa sao mà đúng thế, đúng chẳng riêng gì với tôi. Biết mình càng già càng trở nên yếu bóng vía, tôi đã phải vận hết mười hai thành công lực cho đỡ bàng hoàng, rợn người trước những hình ảnh, âm điệu vạm vỡ, quyết liệt như dao chém đá của bản trường ca. Vậy mà mỗi lần cũng không dám đọc quá một chương...
Và mặc dù đã có nhiều người viết về nó, mà lại toàn những bậc văn chương thần thông quảng đại như học giả Hoàng Ngọc Hiến, thi sĩ Bằng Việt, thi sĩ Nguyễn Thụy Kha, v.v... trong khi bản thân mình tài mỏng phận hèn, thì tôi vẫn cứ nhắm mắt liều mạng viết ra đây mấy dòng quê kệch, có khi chạm đến “trầm tích”, có khi nói chuyện đâu đâu... Dẫu có bị ai đó mắng là theo đóm ăn tàn, dẫu chẳng giúp vui gì thêm cho thiên hạ xin cũng cam lòng.
Ấy là từ cuối những năm 70 của thế kỉ trước, khi đó chúng tôi (tôi và Hoàng Trần Đồng, em trai út của anh) đang là sinh viên. Đồng có kể cho tôi nghe về người anh tên Hoàng Trần Cương đang ở trong quân đội. Nhà có năm anh chị em, anh Cương là anh thứ 2. Thế rồi đùng một cái, anh rời quân ngũ trở lại giảng đường đại học. Trường anh lại cách trường tôi có đúng một ga xe lửa. Thỉnh thoảng anh vẫn lên thăm chúng tôi. Đang triền miên nhai bo bo, thèm và đói rã họng, có anh tới là chúng tôi có cớ để vay tiền ai đó ra chợ mua một con vịt cỏ về làm tiết canh. Mấy anh em dúi vào một xó đồi chén thù chén tạc. Bấy giờ chưa thấy anh đọc thơ. Nhưng tôi biết anh đã có truyện ngắn đăng báo Văn nghệ. Anh là nhà văn. Chúng tôi thấy anh “oách” lắm. Chúng tôi tự hào về điều đó lắm. Và anh “oách” thật chứ chả phải chuyện đùa. Cái phong cách thoáng nhìn thật dữ dằn của anh, cặp lông mày rậm, sắc và đen nhánh như hai thỏi than chì, cái giọng nặng sệt tiếng Nghệ dứt khoát, gọn chắc như những nhát dao làm chúng tôi có cảm tưởng nội lực, chân khí của anh căng tràn, luôn muốn phát tiết ra ngoài, đến nỗi át cả những người xung quanh.
Cũng trong những năm đó, lần đầu tiên tôi được gặp người Mẹ ấy. Một góc quả đồi nằm sát đường quốc lộ cách Bắc Ninh 18 cây số thuộc huyện Quế Võ. Xóm ấy gọi là xóm Tròn. Từ con đường mòn dưới chân đồi nhìn lên, căn nhà giản dị xây gần đỉnh đồi quét vôi trắng xóa, đầy những vết dơi đậu như những vệt bàn tay con nít. Lưng chừng đồi còn một nếp nhà nhỏ ẩn mình dưới cái tán của một cây thị xum xuê, đó là phòng ngủ của anh, trong nhà chứa đầy sách. Bà Mẹ sống ở vạt đồi đó hầu như một mình, trông coi mảnh vườn, cây thị, lui tới xóm giềng, chợ búa, lên xuống cái giếng nước trong veo tận dưới chân đồi. Với chiếc quần nái đen, chiếc áo nhung đen, đầu vấn chiếc khăn vuông cũng màu đen để lòa xoà ra hai bên thái dương những sợi tóc bạc, với nụ cười đỏ quyết trầu làm sáng bừng gương mặt, người Mẹ hiện ra trước mắt tôi, tuyệt đẹp như một Bà Tiên trong truyện cổ tích. Những chiều thứ bảy hiếm hoi được đoàn tụ đông đủ, Cha từ Hà Nội về, các con từ bốn phương quây lại... là niềm hạnh phúc vô bờ của người Mẹ ấy. Một cặp mắt tinh anh, một dáng đi nhanh nhẹn thoắt chỗ nọ, thoắt chỗ kia lo cơm nước cho các con, tượng đài sống động ấy như một kiệt tác của thời gian, không hề quan tâm đến tuổi già của mình. Trong bữa cơm gia đình, tôi bỗng thấy Hoàng Trần Cương to lớn, dữ dằn giờ ngồi nép bên góc chiếu như một chú bé con. “Cương chỉ được cái hoắng, các con hỉ” - giọng người Mẹ đến bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Rồi Mẹ cười, cả nhà cùng cười. Lúc ấy, tôi nhìn thấy tác giả của “Trầm tích” trong tương lai cũng toét miệng cười bẽn lẽn. Cái cười nom thật dễ thương, hiền khô trong vòng linh quang của người Mẹ. Tôi chợt cảm thấy có gì đó đang được dung dưỡng trong anh...
Hơn chục năm sau những kí ức ấy, vào một buổi chiều thu Hà Nội, trong một quán nước chè tùm hụp ngay đầu hồi nhà B4, khu tập thể Thành Công, bất ngờ chúng tôi nghe giọng anh cất lên: “Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo...” Câu đầu tiên của “Trầm tích” đã thoát ra ngoài cuộc đời như thế đấy. Hình ảnh Mẹ mở đầu bản trường ca, và sau này, mãi sau này khi được nghe đến câu cuối cùng, tôi mới biết câu kết thúc ấy cũng gọi lên hình ảnh người Mẹ. Song ngay lúc nghe câu đầu tiên ấy, chính tôi cũng lập tức nghĩ về người Mẹ đó. Và vỉa quặng bắt đầu tuôn trào:
“Tôi lấm láp đáp mình vào đất
Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo mầu nâu...”
Một cuộc sinh thành thật là kì vĩ. Kì vĩ bởi chính sự lặng lẽ, lẻ loi của người Mẹ phút mang nặng đẻ đau. Chứng kiến giờ khắc ấy chỉ có Gió trời và Đất. Bởi vì ngay sau đó, anh tuyên ngôn về sự vắng mặt của người Cha. Một sự “vắng mặt” thuộc về thời đại, thời đại của những người Cha vắng mặt. Vì thế phải là giọng “tuyên ngôn”, chứ không thể là giọng kể lể. Đây là một trong những yếu tố nghệ thuật đã làm nên thành công của “Trầm tích”. Cả bản trường ca là một chuỗi hồi ức. Hồi ức, song chỉ có “tuyên ngôn”, mà không hề thấy kể lể. Và thế là “Trầm tích” được bắt đầu bằng chất sử thi:
“Cha đi vắng
Những người đàn ông miền Trung thường đi vắng
Vài năm tạt qua nhà một lần
Để lại đứa con
Để lại mùi rạ thơm trên mái nhà vừa dọi
Để lại những nỗi buồn không biết nói
Rồi biệt tăm”
Ba tiếng “rồi biệt tăm” để riêng một câu, đột ngột chặn đứng nhịp điệu lại, ngắt riêng khổ thơ mở đầu. Đó là một dấu lặng làm nên giọng “tuyên ngôn”, đồng thời cũng chấm dứt đoạn “tuyên ngôn” ấy. Đó cũng là dấu lặng dành cho tâm tưởng, dấu lặng của âm điệu thi ca. Tôi rợn người, bái phục trước cái dấu lặng ấy mà không dám cất tiếng. Một hồi sau:
“Hàng xóm nhặt tôi vào đặt lên chiếc chõng tre
Chiếc chõng tre đen bóng mồ hôi vẫn nép ở đầu hồi
Bà nội thường đem ra ngồi trông cháu
Buổi mẹ còn lóp ngóp ngoài sông...”
Đây là những câu đầu tiên trong chương 1 của trường ca có tên: “Nguồn Cội”. Từ mảnh đất gió Lào miền Trung ấy, “nguồn cội” rồi sẽ mở rộng ra thành Tổ Quốc:
“Núi sông cài răng lược
Ngược xuôi trải thành đất nước
Đất nước
Tượng hình xương cá
Đêm úp
Ngày đơm
Nhảy vật lên bờ
Thân gầy đét
Cong mình chống nắng
Lưng rộp phồng
Thâm cả trời đông...”
Ra đời trong lúc Mẹ đang mải giã gạo, bà đỡ là gió Lào, là Đất, là chiếc chõng tre đen bóng mồ hôi, là bà nội, là hàng xóm, là những câu chuyện cổ tích “Ngày xưa lúa tự bò về nhà / Hạt to như bắp chuối...”, là những “Câu ví dặm gầy nhom thì thào như người mới ốm...”, là “Cái chảo rang của đất đựng trời / Đông chưa tàn / Hạ đã rạn ban mai...”,v.v... Để bây giờ trào lên kí ức, ngập tràn những hình ảnh mặn chát, quyết liệt: “Gió bão thù chi với mảnh đất này / Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển...” - “Chỏng trơ nồi cơm ngày đói khát / Tảng cháy cạy đi rồi / Còn hằn vết móng tay...” Và những cảnh: “Chiều chiều mẹ ra sông mót cá...” và bà nội: “Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn mưa...” Kí ức ùa về, quay cuồng đến nỗi không kịp xắp xếp cho đúng với trật tự thời gian. Ồ phải rồi, thời gian của tuồi thơ có bao giờ trật tự. Để đến tận chương 3 (“Cật tre”), lại quay lại cái “điềm” sinh thành kì vĩ ấy. Âm điệu đang dồn dập chợt lắng lại:
“Sợ con nít lằn lưng trên cái chõng đan bằng tre cật
Không biết ai đã luồn vào lưng tôi một tấm mo nang
Cái mo cau mẹ lượm được ở cuối vườn từ năm ngoái
Đem vào giấu trong buồng và lấy đá dằn lên
Tôi mát lạnh trong hơi của đá
Nhắm mắt ngủ ngon lành”
Chỉ lắng xuống ngần đó thôi, rồi nhịp điệu lại bắt đầu hối hả. Bởi đây là cái “điềm giời”, báo cho anh biết rằng người Mẹ đã và đang là huyền thoại:
“Bữa tôi chào đời trời rạch chớp xanh
Nước sông Lam đã trèo vào cổng
Treo vội con lên chạn
Mẹ xắn quần đi giằng lại cái sanh đồng sứt quai
Theo nước lũ nhoai ra ngoài ngõ
Rồi một tay chắn gió
Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa
Nuôi tôi giữa nước và trời...”
Xin hãy đọc chậm và nhỏ dần câu cuối của đoạn thơ này bằng cách ngắt nhịp 2 từ một: “Nuôi tôi | giữa nước | và trời...” Tả thực mà ấn tượng như huyền thoại, có lẽ chỉ có thi ca mới làm được như vậy. Chợt nhớ lại những năm nào, thỉnh thoảng người Mẹ già lại một mình bắt xe đò từ xóm Tròn - Quế Võ ra Hà Nội thăm Cha và các con. Vẫn nụ cười đỏ quyết trầu rạng ngời và cái dáng đi nhanh nhẹn ấy, Mẹ đi khắp Thủ Đô, tới các nhà bà con, họ hàng... Đi bộ bằng chính đôi chân tần tảo ngày xưa, không cần ai đưa đón, Mẹ không hề lạc lối, Mẹ không quên bất cứ ngõ ngách hiểm hóc nào của đất Kinh thành. Sẵn một trí thông minh hiếm có, một đôi mắt lồng lộng tinh anh, Mẹ nhìn chúng tôi như giễu cợt: “Đừng có hoắng – các con”. Người Mẹ ấy vui vì sự thành đạt của các con, có người giờ là nhà thơ, là kĩ sư, tiến sĩ, có người là nhà quản lý... song Mẹ vẫn luôn dặn các con mình như thế. “Đừng có hoắng”, chỉ ba từ giản dị đó thôi, vậy mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ tới, những mái đầu đã bước vào hoa râm chúng tôi vẫn không khỏi giật mình. Tôi bỗng hiểu tại sao ngồi trước Mẹ, anh luôn là một chú bé con. Người Mẹ chính là âm hưởng, là giọng tuyên ngôn của ngàn đời Trầm tích, nay hoá thân thành bản trường ca:
“Nồi khoai xéo
Bát ngô dăm
Độn ánh trăng vàng
Lăn mình trên cát
Lăn mình qua những tháng ngày giáp hạt
Đến bến bờ mộng tưởng xa xăm...”
Người Mẹ ấy vừa cụ thể tảo tần như sông Lam, vừa đẹp như một câu hò ví dặm, vừa thực như cổ tích, lại vừa trừu tượng như những mệnh đề triết học. Dễ hiểu tại sao ngôn từ, hình ảnh khi nói về Mẹ lại phong phú, dạt dào đến thế. Những câu thơ đầy cảm động, thương nhớ, song tuyệt không vọng lên nỗi xa xót tầm thường:
“Khi sinh con
Mẹ là hạt thóc đã mọc mạ rồi
Vẫn sưởi ấm mùa đông bằng khoảng trống của hai vỏ trấu
Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút...”
Rõ ràng kể ra những nỗi chuân chuyên mà không hề cảm thấy giọng kể lể yếu đuối ở đây:
“Những đêm trời lạnh
Mẹ lúi húi xâu đèn hạt bưởi
Thổi nùn rơm phù phù cho lửa rạng lên
Soi mặt chữ để con ngồi học
Rồi vác vồ đợi trăng lên ra đập đất ngoài đồng
Sương lạnh xuống bạc sờn vai áo...”
Trong trùng điệp hình ảnh của “Trầm tích”, thật khó mà so sánh đoạn nào về Mẹ ấn tượng hơn đoạn nào. Vì thế không thể chọn để dẫn hết ra đây được. Cũng ám ảnh như những câu thơ tuyệt hay trong một bài thơ khác của anh (bài Chiều xuống) mà trong một bài viết khác tôi đã dẫn: “Gió thả về trời bầy lá vàng lêu lổng / Còn lại cây rơm đứng gác cánh đồng / Và bóng mẹ loay hoay tìm hơi cha trong chiều xuống...” Tuy nhiên cũng có câu hơi bị “làm dáng”, hoặc ẩn ý theo kiểu đánh đố của... trạng, ví dụ: “Mẹ chóng già vì con trẻ ngại trồng na” (chương 5, trang 31), ý nhà thơ muốn nói con trẻ ngại... “mở mắt” đây, có điều cầu kì, xa xôi kiểu ấy thì... mệt quá. May mà rất ít gặp những câu như thế.
Người Mẹ ấy hầu như không kể gì về đời mình. Song thần thái của Người, hào quang của Người tỏa ra xung quanh đã nói lên tất cả. Tôi biết những câu thơ về Mẹ của anh không thể nào thật hơn thế nữa. Rời quê hương gió Lào và cát trắng, địu các con theo Cha ra Hà Nội, người Mẹ đã không chọn Hà Nội làm chốn dừng chân. Ngôi nhà có cây thị ở cái xóm Tròn ấy dựa lưng vào quả đồi, nhìn thẳng ra cánh đồng bao la, xa xa là dòng sông, quán chợ, bến đò... là nơi Mẹ ở đó tiếp tục kiếp tảo tần... Nhớ có lần Mẹ bảo: “Quê Mẹ lắm bão, nhưng chỉ có những trận bão đến từ phía biển. Còn ở Hà Nội, bão có thể đến từ nhiều phía... các con hỉ, phải cẩn thận nghe chưa”. Có phải vì thế mà trong “trầm tích”, anh đã viết:
“Mẹ dặn con ra đường nhìn thẳng
Nhưng đừng quên ngoái lại phía sau...”
Và anh đã “ngộ” ra từ Người:
“Mẹ ơi
Sau những nhọc nhằn mê lú
Sau những trận đụng đầu nát ngấu với gió mưa
Phút bình yên con mới tỉnh ra
Thôi thì đành tính đường sống chung với lũ
Thôi thì đành nhịn nhường nhau mà dỡ rào mở lối...”
Cũng như những người thuộc thế hệ mình, anh đã trở thành một người lính đi qua cuộc chiến tranh. Nhưng ngay cả trong những ngày chinh chiến ấy, người Mẹ vẫn luôn là vị thần hộ mệnh của anh:
“Đêm Trường Sơn nhập nhoà pháo sáng
Con nháy mắt liên hồi
Chắc mẹ thầm nhắc gọi...”
Trong “Trầm tích” cũng có những đoạn viết về tình yêu như không thể thiếu được trong thơ anh. Thì có thi sĩ nào lại không từng “gục ngã” trước tình yêu nói như G.Bairơn: “Ôi tình yêu tình yêu kì diệu quá / Đánh gục hết đàn bà, đánh gục hết đàn ông...” Còn anh đã từng viết: “Anh soi mình trên gương mặt của em / Mắt em trong là lòng anh thanh thản...”, và ở trong “Trầm tích” này thì: “Em mát rượi như ngọn nguồn hoang dã / Anh khát thèm / Môi sém nửa vầng trăng”... Mãnh liệt đấy chứ? tưởng cũng chẳng kém G.Bairơn mấy tí, song đó không thuộc chủ đề của bài viết này. Ở đây tôi muốn nói đến một chương duy nhất không nhắc đến Mẹ trong suốt 19 chương của bản trường ca. Đó là chương 15 có tựa đề: “Cá Gỗ”, anh nói về tuổi học trò, về một sự tích của quê hương xứ Nghệ. Đọc suốt 14 chương với những nhịp điệu, hình ảnh vô cùng phong phú, lúc khoan, lúc nhặt, lúc thắt, lúc mở, lúc dồn dập, lúc chết lặng... tới chương này bỗng tuyền một giọng ngũ ngôn, một giọng ngũ ngôn đều đều kiểu: “Lớp Một ơi lớp Một / Gửi lời chào năm cũ / Nay giờ phút chia tay...” mà tất cả những ai từng học qua lớp Một thời ấy hẳn đều nhớ. Thực ra giọng ngũ ngôn này bắt đầu xuất hiện từ cuối chương 14. Thú thật, đối với riêng tôi, đây là một chương hơi lạc điệu, một chương hơi bị “đuối” của bản trường ca mà anh đặt vào đây có lẽ chỉ vì bố cục hoặc vì một lôgic nào đó... Thế mới biết “Trầm tích” không thể rời hình ảnh người Mẹ ra một phút nào được, cho đến phút cuối cùng (chương 19):
“Em gắng về
Đừng để mẹ già mong...”
Không thể rời bởi “Trầm tích” thuộc về quẻ “Khôn” (Mẹ), toàn bộ bản trường ca là một pho sử thi chép về người Mẹ. Một kiệt tác của người con dâng lên Mẹ. Song nếu không có sự vĩ đại của người Mẹ ấy, không có pho “trầm tích” sống ấy, sẽ không có trường ca “Trầm tích” hôm nay. Và “Trầm tích” dẫu ở quẻ thuần “Khôn”, song vẫn thấp thoáng đâu đó hồn vía của người Cha (Càn) trong từng câu chữ. Lẽ biện chứng của cuộc đời vốn vẫn thường ghê gớm như thế đấy. Và cũng như người Mẹ ấy, người Cha ngoài cuộc đời của anh cũng bao la một tình yêu thương, một đạo lý nhân sinh lồng lộng. Tôi đã bắt đầu nghe thấy những chương đầu tiên của một bản trường ca khác anh viết về người Cha...
Sài Gòn, cuối Đông năm Bính Tuất
(*) “Trầm tích” - Trường ca của Hoàng Trần Cương. Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ - Hội NVVN 1989-1990. Nhà XB Hội Nhà văn năm 1999.