Đất Thanh Tuyền trồng nhiều hoa vạn thọ cũng như đất Trảng Bom trồng nhiều bắp nếp, đất Cánh Đồng Hoang trồng nhiều rau đắng biển, đất Ma Thiên Lãnh trồng nhiều rau kèo nèo … Đồng đất nào cũng có nhiều mảnh đời phụ nữ gắn chặt cuộc đời mình từ tuổi thơ cho tới lúc trưởng thành và khi về với đất mẹ cùng những vui ít, buồn nhiều, thảnh thơi hiếm hoi, tất bật tràn đầy như nhau. Nhưng chuỗi đời của chị Côi không đơn giản chỉ là vui buồn và tất bật.
Tôi đùa với chị “Tên gì mà Côi, Côi… nghe sao khổ sở quá, mồ côi cũng khổ mà đơn côi càng thê thảm hơn!”. “Em sao mà… tên mẹ cha đặt làm sao chọn lựa được, tên để gọi chứ có làm quan làm tướng gì mà đòi đẹp đẽ cao sang?”. Chị Côi tôi đơn giản hoá mọi vấn đề như vậy đó, sao chị không nghĩ cho, nếu tuổi trẻ còn dài, thoát khỏi đồng hoa vạn thọ này, lên thành phố học tập rồi trở thành kỹ sư, bác sĩ, hay chính khách nào đó trên chính trường thì… Có dễ nghe không khi bà chủ tịch Uỷ Ban nhân dân Tỉnh, to hơn một chút là bà Thống đốc ngân hàng, bà Phó Chủ tịch nước lại là… Lý Thị Côi? Nhưng… “với một chữ Nếu người ta có thể bỏ cả… Vạn lý trường thành vào túi nilon” nên chị Côi tôi vẫn là người phụ nữ đơn côi từ thời trẻ đến bạc đầu.
Chị vẫn cười, nụ cười dịu dàng như hoa vạn thọ “Làm to làm lớn để làm gì, chị chỉ mong có một gia đình hạnh phúc mà gần cuối đời rồi vẫn chưa được đây em”. Chị thở dài thườn thượt, nụ môi buồn như hoa vạn thọ giữa chợ trưa.
… Nhiều năm trước, đất Thanh Tuyền là vùng đất thuần hoa vạn thọ, nhà nhà trồng vạn thọ, người người trồng vạn thọ, bất cứ lúc nào tới đây người ta cũng thấy màu vàng hừng hực cùng không khí tấp nập của việc xới đất, làm bầu cấy cây con, ngắt nụ, xịt thuốc sâu, thu hoạch hoa và đưa hoa về các chợ. Chị Côi là một gương lao động giỏi, nuôi con nên người từ 2000m2 vạn thọ. Tôi biết về chị bằng những điều hiện hữu nhưng còn người đàn ông trụ cột gia đình thì không nghe chị nhắc tới. Mãi cho đến bây giờ…
Thanh Tuyền rơi vào Cụm qui hoạch dân cư và đô thị mới, cảnh “tấc đất thước vàng” đã hiện ra trước mắt, người ta không trồng hoa vạn thọ nữa, cứ bán đất sắm sửa xe cộ, vật dụng đắt tiền, mỗi thành viên trong nhà đều kè kè chiếc di động model mới nhất. Nhưng gọi cho ai? Vậy là để cái “alô” tối ngày không tủi phận, thế là họ gọi cho nhau, con gọi cho cha, cháu gọi cho ông, anh em gọi cho nhau… chỉ mỗi mình người phụ nữ là khổ bởi những bữa tiệc triền miên của chồng con. Các con của chị Côi cũng hùa nhau đòi mẹ bán đất, bán rồi làm gì sinh sống chị cũng không biết nữa mà tiền của thì “ngồi ăn núi lỡ” huống chi chúng còn quá trẻ, sự đua đòi cám dỗ của cuộc sống là không tránh khỏi. Nhưng trước sức ép của các con, chị biết làm sao…
*
Chị là cô gái đồng hoa sớm mồ côi cha mẹ, anh là con nhà giàu chưa “đốt tiền nấu trứng” nhưng cũng có lần “đốt tiền mồi thuốc hút” cho cả đám bạn bè. Vâng lời cha me, anh đến Thanh Tuyền tìm một chỗ đất để làm khu vườn nhỏ cho mỗi khi mệt mỏi với thị thành thì cả nhà về đây nghỉ ngơi. Ông bà ngoại chị đã bán khoảng đất này cho cha mẹ anh, rồi sinh ra tình thân, rồi ngày qua ngày anh cũng cảm mến cô gái hiền lành chăm chỉ… Ngày anh cầu hôn, chị như cô bé Lọ Lem ngỡ ngàng trong áo xiêm lộng lẫy, cha mẹ anh rất thương quý chị vì họ tin rằng cô gái này sẽ biết cách giữ lại gia tài chứ không phải như thằng “phá gia chi tử” của họ.
Vậy mà khi chị gần sinh con đầu lòng cũng là lúc anh phải ra nước ngoài “học tập kinh nghiệm” phục vụ cho việc kinh doanh. Chị phải “vượt cạn” trong nỗi niềm không ai chia sẻ. Cha mẹ chồng quá bận bịu trên thương trường, tiền họ gởi cho dâu và cháu nội không ít nhưng chị vẫn nghe một nỗi niềm trống trãi, nỗi trống vắng ngay cả trong căn nhà mình…! Anh về, con gái của chị được tròn tuổi, khái niệm người cha nhàn nhạt trong tâm hồn trẻ thơ của nó, không vồn vả, không hửng hờ, nó đón nhận vòng tay rắn chắc của cha như một món quà mà mẹ nó đôi lần hứa mua nhưng không mua được rồi khi nó sắp quên thì lại được nhận về.
Anh về, nhưng không về một mình mà mang theo một “người đồng hương” với chiếc bụng to và buộc chị phải chấp nhận. Chị chưa kịp phản ứng thì cha mẹ chồng lên tiếng van xin, xin chị vì tấm lòng từ bi thiêng liêng của người phụ nữ mà chấp nhận người con gái ấy, ít ra cũng chờ cô ta sinh nở xong, dù sau “nó” cũng là máu mủ chồng chị, ác thay, cô ta lại sắp sinh con trai!
Cô ấy không được về thành phố dù bất cứ danh phận gì, gia đình chồng chị và cả họ hàng nhà chồng chỉ chấp nhận chị là dâu con chính thức. Vậy là cô ấy phải ở lại Thanh Tuyền cùng chị, chiếc bụng to vất vả trong từng bước đi mà ngày ngày cô ta vẫn cùng chị ra đồng, không được tỉa lá, ngắt nụ vì sợ “lạ hơi”, chỉ được nhổ cỏ mà thôi. Chị không cho làm nhưng cô ta năn nĩ được làm cho đỡ vụng về tay chân, đỡ cô đơn trên xứ lạ, vì cha mẹ cô vẫn đinh ninh cô đang học tập trên xứ người. Và cũng để không còn nhớ mong trong tháng ngày dằng dặc của tâm trạng chờ đợi một người.
Người ta vẫn bảo cái tên quyết định cả đời người, ngày trước chị không tin, nhưng từ khi phải chăm sóc cho “tình địch” của mình trong suốt thời gian vượt cạn chị mới tin rằng định mệnh đã an bày. Ngày chị sinh, ngoại chị còn chăm sóc cháu, nhưng sau cú sốc của chồng chị mang về, ngoại đã ngã bệnh và sống đời thực vật. Ngày chị sinh còn có vài người hàng xóm, bây giờ cô ấy sinh chỉ có mình chị là người thân, chồng chị vẫn “bận lắm, không về được”, cha mẹ chồng vẫn lấy tiền làm thứơc đo tình cảm.
Sản phụ không được khóc, không được nói cười lớn tiếng mà cô ấy cứ nhận chén cơm chị trao là khóc, cầm ly nước chị rót cho mà nước mắt dâng đầy. Cô ấy nói mình hối hận, rằng nếu biết anh ta có gia đình thì không đời nào dám vương vào, rằng lúc quen nhau anh ấy bảo còn “độc thân”, mà con gái mới lớn thì dễ yêu, dễ nông nỗi và dễ trượt dài trên con đường “duyên phận”(?). Năm ngày ở bệnh viện chị săn sóc cô ấy như chị ruột chăm nom em, mọi giận hờn, oán trách như đã được nước mắt rửa trôi.
Khốn khổ thay cho những người không còn tình yêu mà vẫn phải sống bên nhau. Căn phòng “tân hôn” ngày nào của chị bấy lâu này đã dành cho mẹ con cô ấy, bây giờ anh về là gia đình tròn vẹn. Đêm đêm trong tiếng vọng của quạnh hiu, chị cố xua đuổi nhưng bao âm vọng yêu đương cứ sồng xộc tràn về đay nghiến cả tâm hồn lẫn thể xác người phụ nữ đang xuân, mạt sát không thương tiếc khái niệm “số phận” ngu ngốc của người đàn bà dại dột. Chị bảo, chị cũng không biết vì sao mình giỏi cam chịu như vậy, tại trời buộc số mình phải thế hay tại con người ấy không xứng đáng cho chị nhọc tâm. Nhưng nói thật, thời gian đầu chị vẫn còn rạo rực theo từng tiếng thở, từng tiếng thì thào kìm nén của “vợ chồng họ”, rồi cũng có khi cô ấy trong người “khó ở”, thằng nhóc ấm đầu… Anh “rảnh tay” cũng ra đồng giúp chị, tối tối thì ở lì phòng mẹ con chị, nựng nịu con gái mãi đến khi con bé ngủ say rồi cũng không muốn đi, chị biết anh ta muốn gì, nhưng… đoạ đày nhau chi ác thế hở trời? Con tim giá băng, vòng tay hoá đá thì đối diện nhau chỉ để giày vò đau khổ thêm thôi. Chị lấy lý do cu Sang (tên con trai anh ta và cô ấy) bệnh, lên phòng xem có giúp được gì không, rồi mặc anh ta ngơ ngẫn nhìn theo dáng người phụ nữ một con đầy đặn, chắc nịch mà nuốt cả sự thèm thuồng lẫn tức giận vào lòng.
Nhiều lần sau anh ta vẫn cố ý… nhưng chị lấy lý do khi thì bận đi dò mối lái, chạy chợ nhổ hoa, lúc bận chở rau cám cho bầy heo… Có khi, chị cười buồn, “Phải dùng cả “khổ nhục kế” nữa em ạ, đi làm suốt ngày ngoài đồng, tối vô thèm tắm một chút cho nhẹ người nhưng thằng chả cứ theo tò tò… vậy là không tắm cho chả “ớn”! Mãi đến khi chịu hết nổi, thằng chả lên với cu Sang (chị gọi như vậy để tránh gọi tên “tình địch”) thì chị mới lò dò đi tắm, có khi hơn 12 giờ đêm!”
*
Rồi “chồng chị” lại ra đi sau khi cãi vả với “cô ấy” một trận bất phân thắng bại, chị mệt mỏi với việc đi về của anh ta nhưng càng đau lòng hơn khi cô ấy báo tin rằng đã có thai hai tháng, “thai trộm” khi đứa bé chỉ mới tám tháng tuổi!
Buốt giá cho kiếp đàn bà, cảm thương sinh linh vô tội, chị khuyên cô ấy không nên bỏ con nhưng… làm sao được trong hoàn cảnh ấy? Cô ta đã lén chị đi bỏ cái thai và bị băng huyết suýt mất mạng. Chồng chị không hay biết gì, dăm ba hôm xem chừng trận cãi vả đã nguôi nguôi liền “mò” về, hai người lại cãi nhau dữ dội, cô ấy người xanh mướt như tàu lá mà còn bị mấy cái tát của anh ta, giằng co tới lui khiến cây đèn dầu rơi và phát cháy. Cũng may từ lúc cô ấy bệnh, cu Sang ngủ với chị nên thoát nạn, tài sản của chị sau cơn hoản hoạn ấy chỉ là hai đứa trẻ. Hàng xóm cùng dập lửa, công an đến “khám nghiệm hiện trường” nhưng không tìm thấy một mẫu thi thể nào của họ. “Vụ án” theo tháng năm cũng chìm vào dĩ vãng, chỉ riêng chị phải đối diện hiện tại là cái ăn, cái mặc, học hành… của con mình và con kẻ khác. Mà người ta có thể rau cháo nuôi thân nhưng việc dạy bảo con cái không thể qua loa sơ sài được. Cu Sang không chịu về với ông bà nội, mà chị cũng không xa nó được một ngày, vậy là phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm bạn của nó.
Mãi cho đến bây giờ, chị cũng không hiểu ngày định mệnh đó hai người họ thoát nạn như thế nào, thời gian đã làm liền da vết thương tưởng chừng như không bao giờ khép miệng. Hơn mười lăm năm chị sống với bao suy tư chồng chéo, bé Hoa con gái chị và cu Sang vẫn tưởng chúng là hai chị em ruột, cùng chia nhau từng trái ổi, trái me, cùng học hành và lớn lên trên đồng hoa vạn thọ. Mọi việc tưởng đâu đã trôi êm theo ngày tháng, ai ngờ đất rơi vào Cụm qui hoạch dân cư đô thị mới. Thơi thới đồng hoa ngày nào bây giờ chỉ còn là tiếng máy móc rù rì xình xịch san san, ủi ủi, nạo vét rào rạo nhói buốt lòng đất mẹ.
Tình đầu chị đã chết, niềm tin vào đàn ông cũng không còn, thứ còn lại duy nhất trong kiếp đời phụ nữ vui ít, buồn nhiều, thảnh thơi hiếm hoi, tất bật tràn đầy chỉ là mảnh đất “chó ngồi ló đuôi” mà chị đã cố công gìn giữ để mai sau cho chúng nó nơi có chốn mà chui ra chui vào, vậy mà…
*
Thằng Sang ngồi như ông phổng đá không biết bao lâu, màn đêm bao trùm vạn vật nhưng tiếng máy móc rào rạo ngoài kia cũng không có dấu hiệu nghỉ ngơi, chị Côi mệt mỏi buông mình xuống giường định chợp mắt một chút để ngày mai còn có sức ra chợ. Từ ngày Thanh Tuyền không còn xới đất bằng cuốc cào thì chị cũng không còn trồng hoa được nữa, những chiếc xe tải nối đuôi nhau tung bụi mù mịt, hoa “cháy” thâm xì, chị phải tìm việc khác mà nuôi sống gia đình.
- Mẹ… mà không,… ưm… mà mẹ à, con không phải là con của mẹ sao? Bất giác thằng Sang lên tiếng.
- Không, con bao giờ cũng là… con của mẹ!
- Mẹ nói dối, mẹ dối lòng, mẹ dối con, dối gần hai mươi năm trời! Hu… hu… tại sao như vậy hở trời, mẹ thì bỏ con cho người dưng, người dưng thì dối con để con được sống! Sao mẹ ác quá vậy mẹ, sao bao lâu nay mẹ không nói cho con biết, sao mẹ cứ thương con như con ruột của mẹ, sao mẹ không ghét bỏ con cho thoả lòng, để bây giờ…
Thằng Sang hôm nay ăn thứ gì mà “lột lưỡi” nói liền một mạch không kịp cho chị phản ứng gì. Hàng ngày nó vẫn là đứa con ngoan, chỉ biết ăn học, làm việc chứ không bao giờ “nhiều chuyện” như thế này, chị biết nó đang khổ đau cực độ. Nhẹ nhàng chị đến bên, vuốt mái tóc tơ mềm ngày nào, dỗ dành:
- Đừng giận mẹ, sự thật nào rồi cũng phải phơi bày, mẹ không muốn giấu con thêm ngày nào nữa… Thôi nào con trai ngoan, con thích mua sắm gì, ngày mai khách trở lại mẹ sẽ bán một ít đất để mua theo ý con, nhé, nhé… mẹ yêu con nhiều lắm.
- Mẹ đừng sĩ nhục con nữa có được không?! Con có là cái gì của cái nhà này mà… Trời ơi… tôi là đứa con không cha không mẹ!
Nó vùng khỏi đôi cánh tay gầy guộc của chị, xô cửa chạy như bay ra khỏi nhà. Xa xa vài ánh đèn của những công trình đang thi công vẫn le lói như ma trơi giữa đêm thăm thẳm.
02/07