Như nhiều đồng nghiệp khác, mỗi khi có dịp nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua, một câu hỏi cứ hay trở đi trở lại trong óc tôi là: công cuộc đổi mới đã thật sự đem lại những gì mới mẻ cho nhà văn và nghề văn? Có nhiều cách trả lời. Có thể rất khác nhau. Riêng tôi nghĩ, mới mẻ nhất có lẽ nằm ở sự thay đổi trong tư duy sáng tạo và trong họat động nghề nghiệp của chúng ta. Tư duy đã rõ là cởi mở hơn. Ta may mắn tiếp xúc với nhiều cái khác, kể cả cái lạ. Chúng vừa tác động vừa bị đồng hóa bởi cái quen, làm cho đời sống văn chương trở nên sống động, tươi tắn hẳn lên, đa dạng mà cũng giàu có hơn nhiều. Còn họat động trong giới thì có xu hướng chuyên sâu, chuyên biệt. Ta có quyền nghĩ nhiều tới đặc trưng của nghề mà không e sợ rơi vào biệt phái, cô lập. Tính nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp vì thế cũng được coi trọng đúng mức. Như đòi hỏi tự nhiên của đời sống.
Trong tình hình ấy, tôi cho rằng, đã tới lúc chúng ta cần tạo dựng một hệ thống lý luận riêng dành cho lao động sáng tạo của nhà văn. Tôi mạnh dạn thổ lộ với một vài đồng nghiệp mong mỏi này. Hầu như ai cũng cho là phải. Nói gì thì nói, viết văn bao giờ cũng là một hoạt động đầy ý thức. Rất cần được soi tỏ bởi một quan niệm văn chương nhất quán. Xem thường lý luận sao được! Nhưng rồi ai cũng đều cảm thấy băn khoăn. Lý luận dành cho sáng tác văn chương vốn là một hình thái lao động khóang đạt, tự do và cá biệt bậc nhất này ư? Không khéo lại vô tình trói buộc sáng tạo của nhà văn như đã từng xảy ra. Lợi bất cập hại. Không thể bảo, nỗi lo ngại tương tự là không có cơ sở. Càng đáng nói hơn khi ta biết hệ thống lý luận văn chương cơ bản hiện hành ở nước ta đang còn bất cập trên nhiều phương diện. Cùng với sự chuyển vận nhanh chóng của thời cuộc, xem ra nó ngày một bất cập thêm. Hệ thống lý luận tỏ ra lạc hậu, nghèo nàn, và nhất là rất sơ cứng. Chưa cần đem so với thế giới, mà chỉ đặt trong nhu cầu phát triển của nền văn chương hiện đại - dân tộc trong thời kỳ mới của ta thôi. Trong khi, lý luận cho riêng lao động của nhà văn là lý luận ứng dụng. Làm sao thứ lý luận ấy có thể mang đậm tính khoa học và trở nên thật sự hữu dụng một khi lý luận chung giữ vai trò nền tảng kia còn bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết và hạn chế như đã nói.
Nghĩ là nghĩ vậy, cho hết nhẽ thôi, chứ làm thì vẫn không thể đừng cho được. Cứ chờ, cho tới khi lý luận cơ bản hòan thiện ư? Đến lúc nào đây? Thái độ tích cực nhất có lẽ là nên bắt tay vào làm, theo đòi hỏi của công việc, theo nhu cầu của chính mình. Thành tâm và thiện chí. Biết đâu, thứ lý luận theo mong mỏi của giới nhà văn chúng ta khi đã thành hình, không chỉ giúp ích cho sáng tạo của nhà văn, mà còn tác động trở lại quá trình hiện đại hóa nền lý luận văn chương dân tộc! Bởi, như thường thấy, cái quyết định cuối cùng vẫn là chất lượng của sản phẩm. Còn bảo bản chất lao động sáng tạo phóng khóang của nhà văn là không thích hợp với bất cứ sự trói buộc nào về mặt lý thuyết thì cũng không thuyết phục lắm đâu. Xin lấy sự thừa nhận của chính người viết làm minh chứng cho tiện. Nhân bàn về tản văn, nhà văn Giả Bình Ao một lần có nói rằng, nó là “nghệ thuật bay, nghệ thuật bơi, nó tự do thỏai mái”. Rồi ngay sau đó, ông không quên nhắc mình và nhắc người: “Nhưng mọi nghệ thuật lại chết ở tự do, sinh ra từ gò bó…” (Xin xem Văn học Nước ngòai, Số 5 / 1997, tr. 10). Tôi hiểu, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng này có ý nhấn mạnh tới yêu cầu bắt buộc mà bất cứ tác phẩm nào, viết theo thể tài nào, dầu đặc sắc, đa dạng đến đâu, cũng nhất thiết phải tuân thủ, nếu muốn còn được xem là văn chương. Mà những yêu cầu này lại do chính lý luận văn chương chỉ ra. Không thể nào khác thế. Còn ở ta, nhà thơ trẻ tài hoa mà đoản mệnh Nguyễn Lương Ngọc - thơ anh phải nói là rất hiện đại, nghiã là rất ngất ngư, rất bay bổng - đã nghĩ ra sao về nghề thơ? Anh viết như rút ra từ đáy sâu của hồn mình: “Chúng ta hãy trói và mở để trói nữa / trói và mở để trói nữa …” . Tôi không lấy làm lạ. Bất cứ ai sống chết với nghề đều nghĩ vậy cả. Nếu không thì sao gọi là thơ là văn được nữa.
Thế thì chỉ còn mỗi một việc là xác định cho thật rõ ràng định hướng của hệ thống lý luận văn chương dành cho sáng tác nữa mà thôi. Trước hết, nền lý luận ấy phải vươn tới tầm phổ quát, tức tầm nhân lọai . Không thể khác. Ta không được phép hạ thấp yêu cầu. Vì lý do nào cũng không thể. Dù xuất phát điểm từ đâu, đích ta đến, nói như nhà thơ lớn Chế Lan Viên, bao giờ cũng “là nơi thời đại đến”. Nên nhớ, dân tộc ta hiện đang đứng trước những cơ hội lớn hơn thời của Chế Lan Viên gấp nhiều lần. Không phải “từ nông nghiệp ba sào”, càng không phải “từ con sống giới tuyến”. Nên không thể có bất cứ trở ngại bên trong và bên ngòai nào, dù to lớn đến đâu, cản ta “từ những ngọn đèn”để vươn “đến những vì sao”. Lĩnh vực nào cũng đều thế. Lý luận văn chương càng không thể là một biệt lệ. Chỉ xin nêu một sự thật mà hầu như ai cũng đã tỏ tường. Trong một thời gian rất ngắn, chừng mươi mười lăm năm nay thôi, ta đã giới thiệu gần như tòan bộ những trào lưu, trường phái lý luận - phê bình văn chương của thế giới, kể cả những trào lưu, trường phái vốn dĩ rất xa lạ, khó ăn nhập với chúng ta, như Hình thức luận Nga, Phê bình Mới Anh – Mỹ, Cấu trúc và Hậu cấu trúc luận… Có những khuynh hướng rất thời thượng như Hậu hiện đại cũng đã được cấp giấy thông hành. Tôi không nói, mọi chuyện diễn ra đều hanh thông, hòan tòan thỏa mãn những mong mỏi chính đáng của mỗi người. Nhưng chỉ cần một chút công tâm, thì hầu như ai cũng đều nhận thấy bức tranh giới thiệu lý luận, phê bình văn chương nước ngòai trong thời gian ngắn ngủi vừa qua là sáng sủa. Rất nhiều triển vọng ở phía trước.Trách nhiệm vận dụng, từ ta tìm đến người, từ người soi sáng vào ta, trên những thành tựu và bài học đã có, tất thảy chỉ còn tùy thuộc vào bản lĩnh cùng tài năng của các nhà lý luận. Không nên thóai thác. Mà cũng không thể thóai thác. Chẳng hạn, nhận thức mới mẻ của lý luận hiện đại về sự khác biệt về chất, tức là về nguyên tắc, giữa văn bản nghệ thuật với các lọai văn bản ngôn ngữ thông thường. Bấy lâu ta chỉ chú trọng tới sự hơn kém, mà không nhận rõ công trình nghệ thuật là một thế giới khác – một thứ mã thẩm mỹ, một lọai ký hiệu nhân văn, nói như nhà cấu trúc luận nổi tiếng người Nga Iu. Lotman, nhằm “chuyển đạt những thông báo đặc biệt mà với những phương tiện khác không thể truyền đạt được”. Mỹ học xưa do giới hạn của nhận thức, còn nhầm lẫn giữa thi pháp học với tu từ học, nên chưa nhấn điểm này. Mỹ học hiện đại chú trọng hơn tới tính thẩm mỹ của nghệ thuật, vì thế mà càng có điều kiện nhận ra vai trò không gì thay thế được của văn chương trong đời sống tinh thần của con người và xã hội. Xu hướng chung là càng ngày càng đi sâu vào cái riêng của nghệ thuật. Hóa ra, tác phẩm văn chương có linh hồn như mọi sự sống khác trên đời. Cây bút trong tay nhà văn phải có thần, hướng tới mục tiêu sáng tạo chứ không phải là chế tạo một cách máy móc, dù máy móc một cách tinh xảo.Tôi hiểu ý kiến mới đây của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chung quanh sự khởi thủy là tấm lòng trên tinh thần đó. Có lẽ cũng xuất phát từ đây mà nhà phê bình Nga vĩ đại Bielinski đề nghị nên dùng từ prikraxnưi (tuyệt vời – đẹp kỳ diệu) thay cho kraxibưi (đẹp – đẹp trung tính) khi đánh giá những bài thơ hay, và nói chung, là những tác phẩm văn chương có giá trị.
Sau nữa, hệ thống lý luận mà ta mong muốn tạo lập phải gắn bó mật thiết với đặc thù của lao động nhà văn. Đây là một vấn đề lớn và rộng. Người Á Đông xưa bảo: “Văn vô định pháp, thần nhi minh chi” (Văn không có phương pháp xác định, nhập thần sẽ sáng tỏ mọi chuyện). Lý giải điều đó, thi hào Nguyễn Du cho rằng:“Văn chương nết đất…”. Thế nào là nết đất? Thiên “Hòan đạo” trong “Lã Thị xuân thu”viết: “Thiên đạo hòan, địa đạo phương” (Hòan nghĩa là tròn; Phương nghĩa là vuông). Vì sao địa đạo vuông? Cuốn sách cổ thâm thúy trên viết tiếp: “Vạn vật thù lọai thù hình, giai hữu phận chức, bất năng tương vi, cố viết địa đạo phương” (Vạn vật khác lọai khác hình, vật nào có chức phận nấy, không thể kiêm nhiệm làm thay cho nhau, cho nên nói đạo đất vuông). Văn chương không giống với bất cứ sản phẩm tinh thần khác của con người và xã hội vì nó được tạo ra bởi một thứ lao động có nhiều nét riêng của người nghệ sỹ. Lý luận cần bàn sao cho rốt ráo để nhà văn có thể chia sẻ được. Từ thực tiễn sáng tạo muôn màu muôn vẻ mà họ đã trải nghiệm để cùng chia sẻ. Cần hết sức tránh mọi khiên cưỡng, áp đặt. Chỉ xin nêu ra một điểm chung quanh vai trò của tiềm thức, vô thức, trực giác trong sáng tạo. Đến giờ thì hầu như không còn ai phủ nhận hay xem nhẹ chúng nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng, cách đây chưa lâu, giữa lúc các nhà lý luận ở ta hoặc là nhận thức chưa tới, hoặc là còn e ngại, thì một số nhà văn đã công khai thừa nhận sự thật hiển nhiên này rồi. Vào những năm tháng ta vừa chạm chân vào công cuộc Đổi mới, nhà văn Ma Văn Kháng đã thật lòng tâm sự: “Phần tôi là người sáng tác nói rằng viết không chủ đích, ý đồ, đề cương, không có sự tham gia của lý tính thì không đúng, nhưng về căn bản tôi viết trong cái mạch cảm xúc của mình, trong cái đà văng tự nhiên của cảm hứng nhiều khi rất ngẫu nhiên của mình… Tôi không bắt đầu công việc văn chương từ những suy ngẫm có tính chất lý luận về nghề. Trước cũng vậy mà nay cũng vậy. Công việc lắm khi là ngẫu nhiên, vô thức” (Tạp chí Văn học, Số 5-6 - 1988). Tôi muốn nói thêm là lý luận ở ta hiện còn nghiêng về thừa nhận mà ít đi sâu vào vào thực tiễn sáng tạo của các nhà văn để luận giải đến nơi đến chốn cho thật thấm thía. Tôi nghĩ vai trò của vô thức, trực giác sở dĩ được đặc biệt đề cao trong sáng tạo nghệ thuật vì liên quan tới việc truyền thần cho hình tượng trong lao động của nhà văn như đã nói. Tìm hiểu một số đề thi môn văn ở Trung Quốc năm 2006 vừa rồi, tôi để ý tới đề được sử dụng ở Quảng Đông. Đề thi ấy thế này: Nhà điều khắc gọt từng nhát trên khối đá lớn. Dần dầu, đầu, vai, và một thiên thần tuyệt đẹp hiện ra. Một cô bé thấy vậy bèn hỏi: Sao ông biết có thiên thần trong khối đá? Nhà điêu khắc đáp: Thiên thần không ở trong khối đá, mà trong tim ta. Hãy viết bài văn với đầu đề “Khắc thiên thần trong tim”. Cái thần, không tồn tại ở đâu khác, mà chính ở nơi trái tim thiêng liêng mà gần gũi của con người. Học văn mà thấm được nguyên lý ấy là đã thật sự đi vào căn cốt của văn chương rồi. Mấy câu thơ của Y phương thật tinh tế: “Trên đầu ta / Trăng khe khẽ sáng / Sương khe khẽ lắng / Mây khe khẽ trôi …/ Trong ngực ta / Khe khẽ người”. Khó nhất trong nghệ thuật là truyền đạt sự sống, sức sống, nghĩa là chất người cho hình tượng. Do vậy, nhà văn cần phải viết bằng tất cả cảm giác tòan vẹn về đối tượng, bằng xương bằng thịt của chính mình.
Cuối cùng, tôi cho rằng lý luận cho nhà văn cần phải thật sự đi vào bếp núc của nghề. Chớ nên cao siêu, vu khóat. Nhìn lại con đường xây dựng lý thuyết văn chương ở nước ta và trên thế giới, tôi thấy có ba cách tiếp cận chính. Một là, nhìn lý luận từ góc độ khoa học; Hai là, nhìn lý luận từ góc độ triết học; Và ba là, nhìn lý luận từ góc độ nghệ thuật. Mỗi hướng tiếp cận có ưu thế và hạn chế riêng. Lý luận dành cho sáng tạo văn chương nên theo hướng sau cùng. Nó dễ làm cho lý luận tránh được xám ngắt, trở nên mãi mãi xanh tươi như chính cuộc đời, như chính văn chương. Chỉ xin đưa ra một dẫn dụ sát sườn, ấy là chuyện sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Lý luận nào mà chẳng bàn đến ngôn ngữ. Có nhiều giáo trình, giáo khoa còn bàn kỹ lưỡng với dung lượng phải nói là khá lớn. Tuy nhiên, tôi thấy cái riêng của ngôn ngữ trong tay nhà văn vẫn chưa thật nổi rõ. Đại để, ta hay bắt gặp cách diễn giải quen thuộc rằng, ngôn ngữ văn chương là kết tinh của ngôn ngữ tự nhiên, không chỉ đúng mà còn hay. Tập trung ở ngôn ngữ thơ. Nó được nghệ sỹ ngôn từ dụng công luyện từ một tất quặng từ để chọn lọc ra một từ (Maiakovski) nên tinh tế, điêu luyện đến vậy. Nó giàu hình ảnh (thi trung hữu họa), giàu âm điệu (thi trung hữu nhạc), giàu cảm xúc (ngữ bất kinh nhân tử bất hư), rất súc tích (lời hữu hạn nhi ý vô cùng) ... Nói gọn lại, ngôn từ được nhà văn sử dụng trong tác phẩm chỉ hơn ngôn ngữ thông thường ở độ tinh, độ khéo, ở tính nghệ thuật, mà không khác. Có lẽ cần ghi nhớ nhận xét quan trọng sau của nhà thơ Mêhicô Octavio Paz: “(Văn chương) là một thứ gì đó chưa từng được nói được nghe. Đó là ngôn ngữ, đồng thời là sự phủ nhận ngôn ngữ. Đó là cái đã vượt ra ngoài giới hạn” (Xin xem Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học, 1999, tr. 543). Cái khác của ngôn ngữ ở đây là hơi thở, mạch máu luôn sống động của nó. Tất cả là nhằm diễn tả sự sống luôn quẫy cựa, cùng nhịp tim luôn thổn thức trên trang sách, đến từng con chữ. Chính vì vậy mà tôi thấy quý những dòng thơ trong tập Ảo giác của Tuyết Nga:“Lời ta là những mảnh thủy tinh rơi rơi mãi / trái tim co ro nhón gót hãi hùng / máu rỏ xuống âm thầm kỷ niệm / những giọt màu rong rêu”. Tôi đặc biệt thấm bài thơ bốn câu“Kính thưa Thị Nở”của Nguyễn Duy: “Kính thưa Thị Nở tuyệt trần / trăng ngồn ngộn trắng khỏa thân với người / nhớ không sông ộp oạp xuôi / gió oằn oại hổn hển trời phù sa”. Những câu thơ như vừa từ cuộc đời sinh ra, còn nóng hôi hổi, ngồn ngộn bùn đất của sự sống. Viết được như vậy, nào có dễ gì! Anh phải sống hết mình cho đối tượng thể hiện, hóa thân làm một với nó, giữa anh và nó không còn chút ranh giới nào nữa. Tôi chợt hiểu vì lẽ gì mà nhà thơ tài hoa này lại tuyên bố tạm thời chia tay với thơ. Đã mê đắm nghiệp văn chương thì tất bị nó ám. Nó hành hạ anh cho thành tội tình, ngơ ngẩn. Đến độ chẳng có thể làm được cái gì khác cho ra hồn. Mà đời thì lắm nhu cầu. Trong khi, hầu như ai cũng thấm thía, cơm áo đâu đùa với khách thơ! Nói là thế, nhưng hỏi có ai không coi trọng sự sáng tạo đích thực như vậy. Cũng vì lẽ đó mà tôi không mặn mà cho lắm với thứ thơ làm bằng tay, nghĩ bằng óc, mà nói như T. Eliot là cố“nhét một số thứ vào chữ”. Những cây bút thơ ấy đúng như nhận xét của Darren Wershler – Henri trong cuốn “Sau thơ ngôn ngữ” là “những người muốn viết cả thơ cho những kẻ dã man, những vật phẩm xa lạ như người máy, người ngòai hành tinh, hay những phiên bản vô tính” (theo Tạp chí Thơ, Số 2 / 2006, tr. 81 - 83).
Trở lên trên, tôi chỉ xin nêu ra những nguyên tắc chính cần quán triệt trong việc xây dựng một hệ thống lý luận văn chương dành riêng cho sáng tạo của nhà văn. Đó là mong ước của riêng tôi, muốn được giãi bày cùng các đồng nghiệp. Hiển nhiên, đó là một công việc khó, đòi hỏi thời gian và công sức của nhiều người. Nếu sớm được tạo lập, một nền lý luận ăn nhập làm một với đời sống văn chương như thế sẽ giúp ích không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng sáng tác – một điều bao giờ cũng làm cho những người cầm bút có trách nhiệm chúng ta trăn trở.
Đà lạt, 24 / 9 / 2006