Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.142.521
 
Một vài yếu tố văn hoá đặc trưng của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu có thể khai thác du lịch và tổ chức lễ hội
Đinh Văn Hạnh

Có người cho rằng Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) là vùng đất mới, vì vậy, nếu có tìm đặc trưng văn hóa nào đó cho riêng vùng đất này thì chỉ có thể tìm ngay trong chính đặc trưng văn hóa Nam Bộ nói chung. Chúng tôi không phủ nhận quan điểm đó, nhưng nếu chỉ nói như vậy không thôi thì chưa đủ và chưa thật công bằng. Sự thật là có không ít vùng đất nằm trong một Tiểu vùng văn hóa nào đó nhưng vẫn có những yếu tố văn hóa riêng. Ở đây chúng tôi muốn nói đến những yếu tố văn hóa riêng của phong thổ BR-VT đã tạo nên những biểu hiện văn hóa đặc trưng của vùng đất này, hầu mong được phát huy, được “lấy làm tố chất” để xây dựng các chương trình, sản phẩm phục vụ trực tiếp cho hoạt động du lịch và tổ chức các lễ hội truyền thống. Do khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi không có điều kiện phân tích sâu mà chỉ dám định danh, mong bạn đọc thông cảm.  

Cũng như bao vùng đất khác, BR-VT có đời sống văn hóa (nói chung cả phong tục tập quán, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng)… phong phú và đa dạng. Trong sự phong phú và đa dạng của Tiểu vùng văn hóa miền Đông Nam Bộ đó, BR-VT có những yếu tố văn hóa riêng mà các địa phương láng giềng hoặc không có, hoặc có nhưng không tiêu biểu, rõ nét nhất đó là yếu tố địa-văn hóa và yếu tố văn hóa biển.    

Yếu tố địa-văn hóa.

Yếu tố địa-văn hóa là phong thổ của vùng đất, là những đặc điểm và ưu thế riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tác động trực tiếp và để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa của cư dân. Văn hóa của cư dân BR-VT chứa đựng những dấu ấn phong thổ không phải chỉ vì sự gắn bó lâu dài của cư dân với vùng đất, mà còn vì ngay từ buổi đầu đến định cư và khai hoang mở đất, những đặc điểm địa lý riêng của vùng đất đã có những tác động nhất định đến cuộc sống của họ...

Là vùng đất địa đầu có những cửa biển kín gió rất thuận lợi về giao thông, BR-VT là nơi lưu dân người Việt từ miền Trung vào sớm nhất và được khai phá sớm nhất ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đó cho đến giữa thế kỷ XIX, bộ mặt của vùng đất BR-VT đã có những biến đổi sâu sắc. Từ một nơi hoang vu, trước mặt là biển cả, ven biển chỉ có những bãi bồi và rừng ngập mặn; sau lưng là đồi núi, rừng rậm đã trở thành ruộng đồng, làng mạc trù phú. Tài nguyên của đất, của biển, của rừng được dày công khai thác để phục vụ cuộc sống ngày càng sung túc hơn của con người.

Lưu dân Việt từ miền Trung vào là chủ thể làm nên những biến đổi to lớn ấy. Họ ra đi vì những lý do khác nhau, từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng trên vùng đất mới họ đều chung một ý chí, một ước vọng là tạo dựng một cuộc sống no ấm, công bằng và tốt đẹp hơn. Hậu duệ của những người đi mở đất tiếp tục đòan kết, đùm bọc nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chính tinh thần đòan kết cộng đồng, cần cù, sáng tạo để vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của buổi đầu mở đất, xây dựng cuộc sống mới đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp của nhân dân BR-VT sau này.

Do BR-VT là nơi đặt chân và khai phá sớm nhất ở Nam Bộ, vì vậy, nơi đây đã trở thành cửa ngõ để tiếp nhận và là bàn đạp để các lớp lưu dân sau đó tiến sâu vào đất liền và tiếp tục tiến về phương Nam. BR-VT lúc ấy là trạm dừng chân, là bước trung chuyển của các đòan lưu dân. Chính vai trò gánh vác nhiệm vụ đó trong buổi đầu khai phá và xây dựng đã tạo cho con người BR-VT một tính cách cộng đồng, bao dung, mến khách, thương người như thể thương thân. Truyền thống này được thể hiện rất rõ trong những thời điểm lịch sử quan trọng trong quá trình chuyển mình của BR-VT. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, BR-VT luôn là “cửa ngõ đón nhận/trung chuyển khách” (lưu dân khẩn hoang từ miền ngòai vào; những người lao động trong các đồn điền cao su, các đợt dân di cư từ miền Bắc, miền Trung vào do âm mưu chia rẽ thâm độc của Mỹ-Diệm và là địa bàn quan trọng “trung chuyển” lực lương cách mạng trong hai cuộc kháng chiến)…

Trong một chừng mực nào đó, quá trình trung chuyển dân cư cũng chính là quá trình trung chuyển các yếu tố văn hóa của các vùng miền để rồi không ít yếu tố văn hóa đã ngưng đọng/chuyển hóa và trở thành nét riêng trong sự tổng hòa văn hóa trên vùng đất này…

Yếu tố văn hóa biển.

Trong quá trình lao động, khai phá vùng đất BR-VT, cư dân ở đây đã ra sức tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển nhiều ngành nghề, đặc biệt là đánh bắt, chế biến hải sản, làm muối… Đất đai nông nghiệp của BR-VT không nhiều và quá trình khai phá không nhanh như nhiều địa phương khác trong vùng hoặc ở miền Tây Nam Bộ.

Trong buổi đầu khai phá (thế kỷ XVII), phần lớn đất đai BR-VT bị núi rừng che phủ, vùng đồng bằng có nhiều cỏ dại mọc. Những lưu dân người Việt đầu tiên đến sinh sống trên vùng đất BR-VT đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của rừng và biển vốn rất dồi dào và khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Phần lớn cư dân kết hợp nghề nông với khai thác lâm thổ sản, hoặc kết hợp nghề nông với việc đánh bắt thủy hải sản. Họ sinh sống chủ yếu ở ven biển phía Đông và phía Nam vùng đất BR-VT.  

Theo thời gian, cư dân đông đúc, ruộng đồng phì nhiêu, ngành nghề phát triển và có sự phân công lao động theo nghề nghiệp. Có những nhóm dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề làm muối, nghề thủ công (đúc đồng, dệt vải, làm giấy, đan lát, làm bún, làm bánh), buôn bán… Trong đó, bộ phận dân cư sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản chiếm một tỷ lệ khá cao. Trong các thế kỷ XVIII, XIX, những làng cá ở BR-VT là những làng nổi tiếng trù phú và đông dân cư nhất trong tỉnh.

Hầu hết những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản đến BR-VT có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng” và chủ yếu là từ Nam Trung Bộ, vốn trước đó là vùng đất thuộc Vương quốc Chămpa mà trong vòng một vài thế kỷ định cư, cư dân người Việt đã có quá trình giao tiếp văn hóa. Người Chăm vốn có truyền thống đi biển, những yếu tố văn hóa biển đặc trưng của người Chăm như tục thờ cúng cá Ông, tục thờ Bà, thờ Thiên Y A Na… của họ được ngư dân người Việt tiếp nhận, “Việt hóa”…

Không giống với các tỉnh miền Trung, nghi thức, đối tượng thờ cúng, đặc điểm kiến trúc của các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở BR-VT thể hiện sự hỗn dung tín ngưỡng hết sức rõ nét và trở thành một đặc điểm nổi bật rất đáng lưu ý. Đối tượng thờ cúng trong lễ hội của ngư dân BR-VT khá đa dạng. Sự đa dạng đó thể hiện ở số lượng đối tượng tín ngưỡng trong sinh hoạt lễ hội nói chung; ở số lượng đối tượng được phối tự trong mỗi đình, đền, miếu, lăng/dinh Ông (cá voi) cụ thể; và quan niệm phức hợp, nhiều quyền năng hội tụ trong một đối tượng thờ cúng (như trường hợp Bà Cô trong lễ hội Nghinh Cô Long Hải). Sự phối tự mang tính đặc trưng nghề nghiệp-đánh bắt hải sản: cá ông, Bà Cô/Nữ thần là đối tượng thờ cúng quan trọng nhất, nhưng luôn có sự phối tự kết hợp. Bên cạnh cá ông, Bà Cô/Nữ thần là các thần khác (thần của những người làm nghề nông, thần của thương nhân, của những người làm nghề buôn bán), cả thần của nhiều dân tộc và nhiều vùng miền khác nhau...

Sự hỗn dung tín ngưỡng còn thể hiện rõ trong nghi thức cúng lễ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những chi tiết, nghi thức của cúng đình, cúng miếu ít nhiều được lặp lại trong nghi thức cúng ông (cá voi), cúng bà (Ngũ Hành, Bà Cô-Long Hải). Cầu mưa, cầu an vốn là lễ nghi nông nghiệp cũng được tiến hành trong cúng lễ Nghinh Ông. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự pha trộn của nghi thức Nghinh Ông, Nghinh Bà trong các bước cúng đình. Đặc biệt, nghi thức Nghinh Cô (vốn là một thiếu nữ bị chết đuối) được thực hiện tương tự nghi thức Nghinh Ông (cá voi).

Các bước tiến hành và cách thức cúng lễ của ngư dân BR-VT cũng không hoàn toàn giống nghi thức trong các loại hình lễ hội tương tự ở miền Trung và Nam Bộ.

Trong sinh hoạt lễ hội thì hội là phần vui chơi, giải trí. Hội của ngư dân BR-VT thể hiện sự kết hợp khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí của cư dân duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, như hát hò khoan-chèo cạn, trò múa bông-mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc và đua ghe (của vùng Bình-Trị-Thiên); đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo, tức chèo thuyền và hát bội (của vùng Nam Trung Bộ) và hát bội, xây chầu, đua ghe, đua thuyền thúng, múa lân, múa rồng, đấu vật (của vùng Nam Bộ). Hát bả trạo là một nội dung quan trọng và thu hút nhiều người thưởng thức trong hội lễ của ngư dân BR-VT trong khi đó các địa phương khác ở Nam Bộ không có loại hình này.

Có thể giải thích sự đa dạng trong phối tự, nghi thức thờ cúng, trong các trò diễn dân gian của cư dân ven biển BR-VT từ chính nguồn gốc của họ. Chính cộng đồng đa nguồn gốc đã góp phần làm phong phú và tạo diện mạo đặc trưng của các yếu tố văn hóa biển BR-VT… Và đến lượt nó, chính sự hội tụ đó đã hóa giải mọi độc tôn, tạo nên sự thăng bằng, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của cư dân BR-VT xưa nay...

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 9654
Ngày đăng: 10.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rượu thơm vương 9000 năm… - Hà văn Thùy
Hà Thanh , Tiếng hát của giòng sông xanh - Trần Kiêm Ðoàn
Tôi làm thơ/Tôi thở - Nguyễn Phan Thịnh
Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh - Nguyễn thụy Kha
Ngày xuân thanh bình đọc Lương Châu Từ của Vương Hàn - Trương Thái Du
“Hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh! - Lý Đợi
Giải thưởng văn nghệ: Những điều muốn nói - H.G.S
Quanh chuyện của “Cánh đồng bất tận”: Đừng ép tác phẩm văn học phải nói tốt cho địa phương mình! - Trần Tú
Nhà văn "không sống được"! - Lam Điền
Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ : thầy Nguyễn Ngọc Bạch - Nguyễn Quang Sáng
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)