Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.258
123.155.890
 
Lái lợn
Lê Xuân Quang

(Tặng N. Trung  Cần)

 

- Làm gì để có tiền bây giờ? Tết nhất đến nơi rồI ?

 San dốc ngược ly rượu dằn mạnh xuống bàn hỏi với vẻ chán chường, thất vọng. 3 người ngồi vây quanh chiếc bàn tròn xếp đãy thức nhắm, rượu bia - vẫn im lặng chưa ai lên tiếng. Ngồi phía đối diện San là Vân – it tuổi nhất, chừng trên dưới ba chục - điềm nhiên nâng li nhấm nháp từng ngụm nhỏ, dường như anh ta đang tập trung tinh thần tận hưởng thứ rượu ngon mới được biết lần đầu. Bên trái - Thuyết chăm chú nhìn San như cũng suy tư trước vấn đề đang gay cấn. Còn người bên phải hầu như không quan tâm đến sự bức xúc của bạn mình, uống hừng hực, cầm dĩa xiên miếng thịt nướng to cỡ bàn tay đưa lên ngoạm.

 

San quay lại trợn mắt nhìn gã vẻ tức tối: Thế nào? Chả lẽ cậu chỉ biết uống, ăn - thôi à? Hả, ''ông Tham''? Ðó biệt danh của Thẩm. Vì ham chơi, thích chè chén, tiếng Ðức lại không có dấu nên bạn bè cứ gọi Thẩm là Tham. Lúc đầu Thẩm tự ái nhưng lũ bạn cư gọi... lâu dần thành quen. Khi bị bạn cằn nhằn, Tham đâm khó chịu, nhưng thông cảm với bạn, gã giữ vẻ bình tĩnh thủng thẳng: Ôi dào! Cứ tằng tằng. Nhất định sẽ có cách, đừng ‘’cà cuống”!

- Cách... cách! Hơn một tháng, ngồi ăn hơn nửa tạ thịt, uống gần trăm két bia, mươi chai rượu mạnh mà vẫn chưa ''rặn ra cách'', vậy đến bao giờ? Tuy tỏ ra nôn nóng nhưng Thuyết vẫn phải ngừng lại tợp ngụm rượu rồi mới tiếp - Sắp phải gia hạn hộ chiếu. “Viêm màng túi”, chẳng thể ''xoay'' được bảng lương... Không đầy đủ lệ bộ, Sở ngoại kiều từ chối thì A lê hấp: Mã hồi!

Thuyết lại ngừng, uống, rồi dè dặt: Hay là... hay là - gã đưa hai ngón tay lên miệng như đang cầm điếu thuốc, rít... đoạn phả khói, thối phù phù như rắn hổ mang khi bị chọc giận.

- Không được - Vân dẫy nẩy, gạt phắt - Bọn này ”trên răng dưới cát tút”, cảnh sát bắt tạm giam vài ngày lại thả, chẳng sao. Mình mà dây vào là ''đưt'' .

- Thế... thế... đành bó tay thôi! Xí nghiệp giải thể dãn thợ. Mở cửa hiệu bán Quần áo, đồ lưu niệm, Restaurant thì chưa đủ vốn, làm thuê không ai mướn, làm gì đây - Thuyết ngán ngẩm đoạn lại tợp rượu. Sau ý kiến của Thuyết, mỗi người góp một ý kiến làm cả bàn nhậu hăng lên. Xem chừng tìm cách kiếm tiền đã trở nên bức xúc đối với các Thợ Khách (*). ''Ông Tham'' vẫn từ tốn gặm đoạn xương sườn còn dính thịt. Các nhát gặm cư mạnh dần, phát ra tiếng sồn sột...

 

Ðột nhiên Tham ngừng, ngẩng lên nhìn San, buông câu thăm dò: Hay là đi buôn lợn? Có lãi, ít nguy hiểm?

San và 2 bạn chưa hưởng ứng.

Tham tranh thủ tợp thêm ngụm nữa dường như để củng cố niềm tin cho người nghe, tiêp: Bà con mình sống tập trung ở mấy khu, thành phố và vùng phụ cận có vài nghìn dân Việt trú ngụ, lại có mấy cửa hàng bán đồ châu Á. Ta đến các làng, các trại chăn nuôi mua lợn về giết mổ, vừa rẻ , vừa đáp ứng nhu cầu của dân cư. Ngừng một chút ngẩm nghĩ, tiếp: Ðể sản phẩm tung ra thu hút sự chú ý của khách hàng, cần có thêm lòng, tiết, thịt quay, thịt xá xíu. Những món này không có bán ở cửa hàng thực phẩm Ðức. Nhất là khoản lòng lợn tiết canh. Dân ta từ lâu không được ăn... Với những đặc điểm này của thị trường, tung hàng ra nhất định bọn mình sẽ trúng!

 

3 ông bạn ngồi nghe vẫn chỉ gật gù...

Tham mỉm cười quyết định ''tung chưởng'': Tớ mới được một lò làm giò lụa đặt mua thịt thăn để gĩa giò ngay tại bên này, không phải mang từ bên nhà sang. Họ dự kiên sẽ cung cấp giò lụa cho một nửa vùng đông Ðức. Chỉ sợ ta không đủ thịt thăn tươi cho họ thôi _ Tham ngừng lạI giọng như tiếc rẻ. Ðến thông tin này thì bàn nhậu sôi nổi hẳn lên. Thuyết phụ họa ngay: Ðúng rồi! Ðưa các sản phẩm đó ra sẽ rất kịp thời.

 

Mọi người đều góp thêm ý kiến tán thành với phương án của Tham...

Sau ít phút hăng say trao đổi, thảo luận, Vân chợt như bừng tỉnh, giọng hơi nhỏ cứ như anh ta sợ nói to, lộ bi mật: Thế vận chuyển, giết mổ bằng cách nào?  Khâu này mà chưa giải quyết được thì đừng hòng. Nước Ðức thi hành luật chống hành hạ súc vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi sinh rầt nghiêm khắc. Ôi chao nhiều ''Luật lệ'' lắm. Hễ vi phạm, bị phát hiện là ''Ăn đòn''. Sống ở đây lâu năm. Biết luật phạm luật thì ''toi''!

- Sao? Lại có cái luật quái quỷ ấy cơ à?

- Ðúng vậy!  Bất kể lí do gì, nếu cậu làm con vật đau đớn, sống trong ngắc ngoải, bị bắt qủa tang - là không được! Vận chuyển lợn, bỏ trong cốp xe, bị trói, ''Kêu như lợn sắp bị chọc tiết'' - cậu nhớ chứ! Cảnh sát bắt gặp - phạt, bị ''ghi lý lịch, cộng dồn'', tái phạm là.... 

- Cậu cứ làm như thể đang dưới chế độ Stasi ấy - San phản bác.

- Mình không thổi phồng. Chẳng cứ Stasi. Chính thể nào cũng có ấn tượng xấu với kẻ phạm tôi, tái phạm. Mấy cha bản xứ đi tù về đã rất mệt. Có thể dư luận xã hội không qúa định kiến, nhưng các ông chủ không bao giờ tuyển dụng. Ði tù về cầm chắc không thể kiếm được việc làm tử tế. Chinh vì vậy mà người dân rất sợ đi tù - Vân tỏ ra thành thạo, nói như giảng bài.

 - Khoản vận chuyển không để lợn kêu thì yên tâm đi - Thuyết trấn an các bạn - Hồi ở quê nhà, tớ đã nghe ông hàng xóm, qúa khứ làm nghề trộm chó trộm lợn - kể rằng: các Ðồ tể - Ðạo chích - bắt trộm bằng cách lẻn vào chuồng, trùm đầu lợn vào bao tải gio, lợn há mồm định kêu, gio tràn vào họng, bị sặc không thể kêu thành tiếng. Hoặc cho nhúm đỗ xanh vào tai, các chú ỉn ngứa tai, lắc... lắc đầu, đỗ lọt  dần vào óc, lợn sẽ im thin thít. họ yên tâm vác đi ngay trước mũi mọi người mà chẳng ai phát hiện.

- Ở đây lấy đâu ra gio bếp?

- Không có gio sẽ dùng bột mì thay. Chỉ cần dăm kí lô là đủ. Bột mua rẻ bèo. Còn đỗ xanh thì ê hề trong các siêu thị châu Á.

 

Dường như để các bạn thấm lời của mình, Thuyết lại ngừng, lát sau mới tiếp - Nhưng vấn đề ''ác liệt'' nằm ở chỗ khác mà ta khó có thể khắc phục được: Thời điểm này, cảnh sát Ðức dị ứng với tất cả xe chạy trên đường do dân ''Ðầu đen'' lái. Họ cho rằng, cứ xe của người Việt trong cốp tất sẽ dấu thuốc lá lậu. Bởi vậy, hãu hết xe ta gặp CS đều bị huýt còi kiểm tra. Nếu không có thuốc là mà lại có lợn - thuộc loại hàng phải chuyên trở bằng xe chuyên dụng. ''Vận chuyển không giấy phép, không theo quy định '' - cũng sẽ rất phiền!

- Trời! Nhiêu khê qúa!       

- Chưa hết: Cậu có hiểu vì sao trên nước Ðức chỉ rặt bán gà mất đầu không? Ðó là một cách cắt tiết công nghiệp. Như vậy gà chết do tiết ra nhanh vì vết cắt lớn, chư cắt tiết như bên ta thì sao đáp ứng nổi nhu cầu tiêu thụ gà hàng ngày của dân Ðưc. Mặt khác, cắt tiết theo kiểu ta, gà lâu chết, dẫy duạ trông tội nghiệp lắm. Ði mua cá tươi trong bể, vợt đưa ra khỏi nước, người bán cũng đập chết cá rồi mới cho vào túi nilon giao cho khách hàng. Tất cả súc vật đều phải làm cho chết trước khi gia công nấu nướng. Ngay như trong lò mổ, trước khi chọc tiết, người ta cũng thiết kế giây chuyền''làm lợn mê đi''. Khi con lợn tiến đến vị trí nhất định, có hai bàn tay thép nạp điện - ở hai bên vươn ra, ép vào hai mang tai, con lợn bị điện làm xỉu (nhưng chưa chêt), sau đó đến giây chuyền chọc tiết. Lúc này lợn vẫn đang xỉu nên không dẫy dụa kêu gào và khi tiết ra hết lợn sẽ chết trong lặng lẽ, tiếp đến các khu vực cạo lông, mổ, pha thịt...

- Chà... chà... Bây giờ ngay đến súc vật mà người Ðức cũng quan tâm thế ư? Chả bù cho khi xưa - Thuyết đế vào, cắt ngang. Vân tranh thủ tợp... đoạn tiếp: Cho nên, dù tiền đối với chúng ta lúc nàỳ rất cần nhưng không phải là tất cả. Không thể đạp lên luật pháp để có tiền, nếu không muốn từ bỏ mảnh đất mầu mỡ, trong khi cơ hội kiếm tiền còn rất nhiều...

- Nói cứ như cậu: Ban ngày sợ Qủy, ban đêm sợ Ma thì tôt nhất nên ở trong nhà uống rượu, xem phim Chưởng, chơi Phỏm cam chịu nghèo. Các cụ đã nói: Có chi làm quan. Có gan làm giầu. Không mạo hiễm, không có gan thì làm gì có tiền? Ai mang tiền ấn vào tay những người chỉ suốt ngày rong chơi bài bạc? Tớ hoàn toàn đồng ý với ''chuyên gia luật pháp'' - phải hết sưc chú ý. Nhất định luật nào thì cũng có khe hở, bọn mình phải chui qua đó mà đi! Các cậu có nhất trí cùng nhau hợp tác làm dịch vụ “hàng giát’’ không? - San tổng kết ?         

- Tất nhiên - Tham, Thuyết đồng thanh. Vân còn ngần ngừ... San cười lớn, nâng li -  Chúc cho sự thành công của ''Tờ Rớt'' chúng ta. 3 người kia làm theo. Sau vài tuần rượu nữa, hơi men đã ngấm, họ bắt đầu thảo luận phương án mua, vận chuyển và giết mổ...

 

Mang lợn ở trại chăn nuôi về là điều quan trọng cần giải quyết trước hết. Ðây là khâu đầu. Ðầu mà không xuôi thì đuôi không lọt. Ðể tránh sự chú ý của cảnh sát, San quyết định thuê xe và tay lái dân bản xư  ''chường mặt'' trên đường. Tuy thuê gía đắt nhưng người dám làm việc này không dễ tìm. San tìm mãi... cuối cùng gặp một đối tượng đang thât nghiệp, ''khát''... tiền. Sau một hồi mặc cả, cò kè ''Bản xứ - gốc nước ngoài'' thấy thù lao cho mỗi chuyến nhiều hơn so với việc đi làm - gã ưng ý ngay.

 

Thế là mắt xích đầu trong ‘‘giây chuyền công nghệ‘‘ đã nối  xong.

Cái khó thứ hai là đưa lên tầng 4 để ''thi công'' ngay trong căn hộ mình ở mà không để hàng xóm phát hiện. Cửa cao ốc thường có người ra vào. Vác lù lù bao tải bên trong lại cọ quậy, phát ra tiếng động... người nhìn thấy sẽ liên tưởng lung tung... rồi với ý thức cảnh giác cao, họ báo cho nhà chức trach về hiện tượng khả nghi - thê là ''đi''. Nhận ra điều cốt lõi, San phân công 2 bạn bỏ ra 2 ngày thay nhau ''phục kich''dưới cửa, theo rõi, quan sát, ghi chép, cuối cùng rut ra: Từ 7 giờ sáng, trẻ em đi học, đứa bé có bố mẹ đưa kèm. Từ 8 đến 9 giờ, người lớn đi làm, cửa chung cư lũ lượt người đi ra, 10 giờ trở đi người ra vào lác đác, không có quy luật. Như vậy giờ an toàn nhất để mang lợn vào là từ 5 giờ 30 đến 6giờ 30, thời điểm này cửa vắng tanh. Nhưng đưa lợn vào vẫn phải thật nhanh. 4 người hợp lực làm thử, bấm giờ từ nơi mua lợn đến khi ghé đít xe vào cửa, ở trên phát tín hiệu không có người. bên dưới lôi lợn ra khỏi cốp xe, vác chạy bộ lên tầng 4 (bằng nửa thời gian chờ thang máy). Chỉ mất chưa đầy 1 phút là đã đến nơi, mục đích  cốt để không ai kịp nhìn thấy.

 

Việc thứ hai cũng ổn.

Dân Ðức có thói quen rất đáng phục: Họ không bao giờ dỏng tai, dí mũi, dán mắt vào khe cửa, vách ngăn nhà hàng xóm. Nhưng nếu ‘‘hàng xóm‘‘ có gì khả nghi hoặc làm phiền là gọi điện cho cảnh sát. Vì vậy Tham phải căn giờ để các bạn tới nơi là cửa mở ngay, bao tải lợn đưa vào, cửa đóng nhanh để cư dân ở các căn hộ bên cạnh nếu tình cờ từ trong đi ra không bắt gặp. Lợn đã vào trong nhà, đưa ngay ra WC tranh thủ chọc tiết - kẻo lợn chết, thịt mất tươi. Khi những con lợn đã được các Meister giết mổ ''ra tay'' trong vòng nửa giờ - kết hợp giữa dao thép không rỉ với cưa máy chạy ắc quy – (Ít tiếng ồn) - đã tạo thành những gói, tảng thịt y hệt mua từ cửa hàng về. Thế là khâu gia công hoàn toàn yên tâm.

 

Cuối cùng là xử lí rac thải! Vất ngay ở khu đổ rác của cao ốc sẽ bị xí nghiệp xử li rác khi phân loại phát hiện, báo cho sở Vệ sinh - Môi trường - lộ tẩy. Ðành phải gói vào bao nilon rồi tối chở xe mang đi nơi khác vất. Nhưng còn khâu quay thịt thì cần phải suy nghĩ kĩ hơn...

 

Sau khi phân tích, cân nhắc, mọi người quyết định cùng hùn vốn mua thiết bị quay thịt loại hiện đại - đặt ở nhà của Thuyết trên tầng 8. Lý do: Mùi thơm lừng khi quay, nướng thịt sẽ lan tỏa sang các nhà hàng xóm, nếu ngày nào cũng có mùi này dễ bị lộ. Ở trên cao thoáng, trang bị một máy hút công xuất lơn, mùi sẽ khuyếch tán nhanh, ít làm phiền xung quanh, do vậy sẽ đảm bảo bí mật!... Mọi vấn đề đều được dự liệu, xử ly chu đáo đến từng chi tiết.

 

Và rồi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch: Chuyến đầu tiên thí điểm chỉ mua ba con trọng lượng chưa qúa 50 kí do còi cọc chậm lớn nên trại chăn nuôi bán rất rẻ. Quy trình sản xuất khép kín từ khâu đưa về đến giết mổ, tiêu thụ. Lãi thu được khá hấp dẫn. Ngoài chuyện cả 4 nhà ăn thoả thích, trừ mọi chi phí, mỗi nhà còn được chia hơn trăm bạc. Kết qủa đáng khích lệ. Dân Việt trong vùng thấy ở cửa hàng thực phẩm châu Á xuất hiện món ăn dân tộc, bà con ta đổ đến mua đông. Thịt quay - cung cấp có tăng dần nhưng mức tăng không nhiều. Khoản lòng và tiết canh thì khi bán lúc đầu cần phải dấu diếm, bán theo cách rỉ tai để tránh kiểm tra của quản lí vệ sinh thực phẩm vì sản phẩm chưa được kiểm nghiệm. Thế mà trong 3 ngày cuối tuần, có bao nhiêu cũng bán hết. Lòng của ba con lợn không đủ cung cấp. Cả ''Tờ rớt'' lại họp ''sơ kết'', bàn, vạch phương hướng, tìm cách mở rộng kinh doanh. Lại vẫn Vân đề xuất: Ta nên đến lò mổ mua lại lòng. Hàng ngày họ giết thịt hàng trăm con, chỉ cần mỗi ngày 3 can nhựa Tiết - loại 20 lít - là thừa đánh hàng trăm bát tiết canh, hàng chục kí tiết luộc. Còn lòng thì  20 con là thả cửa...

- Tất nhiên nếu đã mua được lòng thì cũng sẽ mua được thịt. Mua được từ lò mổ thì rất rẻ, gía xuất cho cơ sở sẽ hạ theo. Vấn đề làm sao tìm được nguồn? Nhất là tiết phải được hãm đúng kĩ thuật ''kiểu Ta''. Nếu họ đưa loại tiết''kiểu Tây'' có pha lẫn hóa chất để họ làm Würt (Giò), đánh tiết canh không đông, sao bán được?- Thuyết phân vân.

- Cũng không còn cách nào hay hơn. Phải hường dẫn cho thợ mổ của lò theo quy trình của mình. Tất nhiên lúc đầu có nhiêu khê... nhưng rồi cư có rượu ngon, có cái lót tay... họ sẽ quen, khó mấy cũng xong. Chuyện này để tớ - San trấn an các bạn- Nhất định sẽ giải quyết được. Trong khi chưa lo xong, các cậu hãy giữ nhịp độ cung cấp này, cứ để cho khách hàng thòm thèm ít bữa. Khi tung ra vơi giá hạ, sưc mua sẽ tăng vọt và ta sẽ thu lợi lớn. Ðiều quan trọng nhất: Nếu mua được lòng, thịt từ lò mổ sẽ giải thể việc giêt mổ tại nhà, nơi người ta câm kị. Như vậy chính là tháo gỡ được kíp nổ của quả bom mà bất cứ lúc nào cũng có thể nổ tung - San thận trọng tuyên bố. Mọi người đồng ý rồi ai vào việc nấy!  San chuẩn bị tiến vào địa bàn khai thác hàng đầy tiềm năng...

 

Lò mổ thuộc khu liên hợp Chăn nuôi- Chế biến thực phẩm của thành phố nắm ở ngoại vi, trên một cánh đồng, xung quanh bao bọc bởi một rừng cây nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Dươi thời Ðông Ðức (D.D.R), nhiều bộ phận của vật giết mổ vất bỏ hoặc bán rất rẻ như cho không. Khi hai nhà nước Ðưc thống nhất, cơ sở sang tay chủ tư nhân, họ tận dụng tất cả những thứ mà trước đây bị xem thường, đem chế biến thành sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Do vậy việc giao tiếp vơi ban lãnh đạo, xin, mua rẻ rất khó khăn. Thực hiện phương châm''Chui qua kẽ hở'' San tìm hiểu qua mấy người quen làm ở đây rồi bắc câu đến viên quản đốc. Vẫn ''võ cũ''- Rượu mơi - Remi Martin (chứ không phải Vodka Nga). Mà ''Chiêu'' này, dân Việt ta ai cũng quen, thuộc lòng trong khu sử, nhất là đối với các Sêp -  những người có quyền quyết định...

 

Ông quản đôc lò mổ nhìn thấy chai rượu, mắt sáng như sao Hôm. Ðể trả ơn, ông ta hứa sẽ cung ứng cho San theo yêu cầu. Hơn thế nữa còn cung cấp cho cả lợn vừa giết mổ, chuẩn bị ra lò. Khi nhớ đến nhóm đặt thịt làm giò, San tát nước theo mưa - ‘‘xin nhượng‘‘ 20% số thịt Thăn giết mổ trong ngày. Ông Sếp gật đầu ngay, tất nhiên với gía ưu đãi. Thế là nhà ở chỉ còn làm nhiệm vụ quay, nương, làm đầu mối giao dịch. Tất cả tập trung cho khâu tiêu thụ ở cơ sở - chợ, cửa hàng.

 

Công việc tiến triển tốt.

Ðột nhiên một hôm Thuyết đề nghị: Mua chó về giết thịt.''Ở đây mà có thịt chó thì...'' - Thuyết nuốt nước bọt đánh ực. tưởng như đĩa chả chó cùng cút rượu cuốc lủi đang bày ở trước mặt. Thuyết chưa kịp nói tiếp, Vân đã dẫy nẩy: Ðồ qủy! Muốn dẹp tiệm, ra toà hay sao mà nghĩ đến việc này thế? Qủa thực cậu ta có li: Dân Ðức coi con chó gần gũi với con người, đến độ nhiều người có thể ăn cùng mâm, ngủ cùng giuờng với chó. Một số các bà các cô còn xếp đàn ông sau Con và Chó. Trong suy nghĩ của đa số dân Đức - Giết, ăn thịt chó tức là ăn thịt ''Người''. Ðó là Qủy, là Ma cà rồng...

 

San còn đang suy nghĩ, Tham lại lên tiếng: Phải đấy! Giết lợn thì cũng như giết chó thôi, cũng mạo hiểm như nhau. Trong khi một kí thịt lợn quay bán chỉ lãi gấp 3 lần thì 1 kí thịt chó không ‘‘quay cóp‘‘ gì, lãi gấp 5. Tại sao lại sợ?

- Nhưng... giết lợn khi bị phát hiện chỉ bị truy cứu tội danh mất vệ sinh, phạt chút đỉnh. Còn nếu giêt chó thì khác...

- Có cách rồi- Tham lại gỡ bí cho cả hội. Tay này cứ tưởng chỉ ham Ăn, Uống. Có đánh chén là quên hết. Nhưng thực ra hắn vừa ăn vừa nghĩ và nghĩ được nhiều. Nhất là khi có hơi men, Thuyết nói càng hăng. Tiếng đồn vang xa... dân cư trong khu vực đã tặng cho gã biệt danh: ''Tham (ăn) - Tán (róc)''. Lần này khi nghe gã nói vậy, cả bàn nhậu chăm chú theo rõi:

- Dân Ðưc cũng giết Cừu, Dê. Họ theo khuôn: Chặt đầu, chặt chân, lột da. Ta thì cạo lông rồi Thui! Khi con chó, con Dê đều cụt đầu, cụt chân, thui vàng, các vị kiểm tra liên ngành chẳng may bắt gặp, làm sao phân biệt được con nào là con nào?

- Ừ phải! Dê, bên này rất nhiều. Giết Dê còn thu lợi ở khoản khác: Ngoài món tái, lẩu, tiết - vốn từ lâu chỉ còn đọng lại trong tiếm thưc của các khách thợ sành ăn khi còn ở bên nhà. Nhưng hơn chục năm sang đây, đâu còn được ăn. Bây giờ sẽ ê hề, qúan Mùi sẽ lần lượt mọc lên giống như ở phố Trần Quốc Toản của đât ngàn năm văn vật. Nhất là Dái và Tiết Dê - niềm ước mơ của các qúy ông - những vị rất ''hăng''  làm vui qúy bà nhưng khả năng đáp ứng rất kém nên phải nhờ bộ phận cơ bản của con vật có tiếng về khoản này trợ giúp. Của qúy đó sẽ không còn hiếm. Giấc mơ của qúy vị ấy từ lâu vẫn chỉ là ước mơ - giờ sẽ thành sự thật. Ha... ha... Chúng mình sẽ làm các loại thượng đế mắu ‘‘Dờ... ê...‘‘, có nhu cầu ‘‘chuyên dụng‘‘ - sẽ sướng âm ỉ... rên hừ hừ... rồi rú lên – Tham vừa nói vừa làm điệu bộ minh hoạ rồi ngoác miệng cười vang.

- Thế làm sao để thui, lấy đâu ra rơm? Chó mà không thui vàng sẽ không ra thịt chó - Thuyết dập tắt tràng cười của Tham.

- Cả khu này đều nấu bằng Gas. Thui bằng Gas kết hợp đèn Khò. Tuy thit không thơm bằng thui rơm, đành chịu - Tham tỉnh khô.

 

Ðến luc này thì ''một vốn 4... 5 lời'' đã xua tan e ngại của mọi người.  Vân phản đối kịch liệt lúc đầu - giờ cũng phải gật gù vui vẻ tham gia để chuẩn bị thay đổi ''giây chuyền công nghệ''. Tất nhiên lại phải điều chỉnh chút ít việc giết mổ, quay nướng... để chiều thiên hạ. Dự kiến được thực hiện ngay. Các hàng xóm khó tính qủa nhiên không phiền lòng và mọi chuyện ổn thỏa cả...

 

Sau 2 ngày tung ra thị trường, chất lượng vẫn như cũ nhưng gía hạ hơn trước, bà con kháo nhau đến mua, ăn, khen ngon. Tiếng lành đồn xa, một số chủ nhỏ ở mấy tỉnh lân cận tìm đến đặt quan hệ mua về giới thiệu sản phẩm mới cho đồng hương trong vùng từ lâu nay thèm khát món ''Dân tộc''. ''Tơ rớt'' của San lại bắt tay mở rộng thị trường tiêu thụ. Có đầu ra thì phải chộp lấy làm thỏa mãn tối đa nhu cần của ‘‘Thượng đế‘‘. Ðây là xương sống của''Kinh tế thị trừơng'' nên cả 4 người hăng hái lao theo...

 

Một hôm San đên cơ sở đại lý thăm thú tình hinh. Chủ nhà hàng ăn uống là một phụ nữ tuổi trạc tứ tuần. đon đả mời chào, chèo kéo . Sau khi thết đãi đối tác những món ngon, đắt tiền nhất, bà chủ mới yêu cầu San cung cấp số lượng lòng gấp 2. Như chợt nhơ ra, chị kia nhấn mạnh: Anh nên cung câp cả Dạ con, Cổ hũ. Những thứ này ngon nhất trong cỗ lòng. Sao từ trước đến giờ tôi không thấy? Chợt trong đầu nẩy ra ý nghĩ, San hỏi: Nếu có, chị nhập gía bao nhiêu?

- Cứ tinh 1,2 lần so với gía Lòng, có bao nhiêu tôi lấy tất!.

- Ðây là bộ phận của con lợn mà hình như người Ðưc dùng để ''chế biến thuốc''- (San buột mồm nói đại) - nên không bán trên thị trường. Nêu muốn mua, gía hơi đắt, chị có chịu được không?

- Thôi, gấp 1,5 lần đi. Anh cũng phải để cho tôi kiếm tí chút chứ- chi kia nài nỉ. Tuy chưa biết sẽ moi ở đâu và moi bằng cách nào, nhưng ông lái vẫn làm cao và hứa sẽ ''chiếu cố'' cho bà chị khi có hàng.

 

Sau cuộc trao đõi ra về, San suy tính nao nung. Từ lúc đó trong đầu cư lởn vởn trăn trở cách tìm ''Chuy ô'' Dạ con - Cổ hũ. Kể cả khi lên giường đi ngủ - tiêng của chủ nhà hàng kia vẫn văng vẳng bên tai... Ðúng thế! Trước đây ở bên nhà Dạ con lợn - rất hiếm. Bởi hầu hêt lợn ở quê, ở những trại chăn nuôi - sinh ra đã bị hoạn trừ trường hợp cần lợn Nái để lấy giống, nhân giống. Mà lợn Nái thì ai giết ngoại trừ bị bệnh, gìa.

 

Lợn đực: Hoạn - để hết khả năng sinh dục - tập trung cho vỗ béo.

Lợn cái: Hoạn - để hết khả năng động dục,, không sinh đẻ - cũng dồn cả cho tăng trọng. Ðã có thời các ông Hoạn lợn thủ trong túi con dao chích, tòong teng trên vai chiếc gậy tre có buộc đoạn thừng thòng lọng, đi rông quanh làng, rao to -''Hoạn lợn, thiến chó, thiến gà...  đ...ơ...ơ...i...(đây)''. Vì kinh tê của nưóc ta khi đó còn qúa nghèo, mức sống còn thấp. ''Hoạn'' nhằm thu lợi từ những con vật đã thành truyền thống... Bây giờ thời thế đã đổi thay, những nơi chăn nuôi lớn hoạn bằng phương pháp khoa học, các ông thợ Hoạn hết thời, làng quê hoàn toàn không còn chỗ để có cơ hội cho cac ông đi rông, mời gọi. Thay vào đó là các thú Y sĩ, với các dụng cụ tiên tiến được đào tạo thành thạo nghiệp vụ - đảm nhiệm.  Chính vì thê nên mới khan hiếm món khoái khẩu vào bậc nhất này.

 

Bên Ðức thì khác. Do môi trường chăn nuôi, phong tục tập qúan của xã hội, khẩu vị của dân... từ trước tới nay làm gì có chuyện triệt sản. Có đìều hơi lạ: Hàng ngày lò mổ giết hàng trăm lợn, lẽ ra phải sẵn Dạ con chứ? Thế nhưng tuyệt nhiên không thấy bán - Vậy nó đi đâu?  San thắc mắc, tức tốc tìm gặp tay thợ cả ở lò mổ. Hõi ra, mới biết: Trươc đây, khi mổ xong, dạ con bị loại, dùng làm phân vì nó mau phân hủy. thối rửa. Bây giờ, nó cùng với cuống họng được giao cả cho cơ sở chế biến thức ăn gia súc. San đi thẳng vào gặp người phụ trách theo lời chỉ dẫn của ''tay trong''. Sếp ‘‘giết mổ‘‘ chăm chú nghe... Cuối cùng San chơi bài ngửa : Tôi muốn mua dạ con, cuống họng với khối lượng nhiều, thứ này ở đây có không? Gía cả thế nào?

- Có! Ðược chứ! Rất rẻ.

- Nếu ông giúp tôi mỗi ngày mua được mỗi thứ từ vài ba chục kí trở lên sẽ có hậu tạ. Ông xưởng trưởng đã nghe các đồng nghiệp kháo nhau về cách làm ăn ''Thông thoáng - Thoải mái'' của người Việt nên vui vẻ nhận lời. Vài ngày sau San nhận được điện của lò mổ mời đến nhận món hàng mà mây hôm trước còn nằm trong suy nghĩ.

 

Trên nguyên tắc: Dạ con, cuống họng  không được sở vệ sinh coi là sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Vả lại, các sắc tộc hiện diện trên nước Ðức cũng không ai biết thưởng thức hai món ăn ngon thuộc loại''số dách'' ngoài người Việt. Cho nên việc mua, nhượng không khó khăn. Tuy nhiên vận chuyển trên đường rất phiền toái vì nó bị liệt vào nhóm hàng hóa dễ, mau phân hủy, phải có buồng lạnh, trong khi tủ ướp lạnh trên xe lại không trang bị vì rất tốn tiền. Mua về luộc rồi đưa giao cho các đại lí thì được phép. Khốn nỗi dân ta không thich sản phẩm đã luộc, mà chỉ ưa còn tươi, đem về tự làm theo sở thích. Không thỏa mãn nhu cầu này, gía bán kém hẳn. Tuy khá nan giải nhưng vì lợi nhuận hấp dẫn, 4 ông Lái đành cúi đầu, bịt tai quyết tâm - liều!

 

Cũng may, việc ''Liều'' tạm thời trôi chảy.

Họ tưởng vận may đang đến vì mấy tháng hành nghề mà vẫn an tòan, chẳng sao. Cả ''hội'' dự định làm thêm it bữa nữa rồi thu hẹp đi đến giải nghệ trước lễ Noel. Ai cũng đã có kế hoạch cho mùa động tới. Tuy hiện tại thất nghiệp nhưng thời gian qua, mỗi người cũng đã ki cóp được chút vôn, cộng với dự trữ cũ, cũng tạm đủ để mở quán ăn nhanh, quầy hoa tươi hoặc quầy rau qủa. Còn bây giờ mỗi ngày nhóm mua vào, bán ra mấy tạ, Lòng,Tiết, thịt lợn tươi, dăm ba chục kí thịt chó, thịt dê, trừ mọi chi phí, lãi thường gấp đôi, thậm chí  gấp ba - Phải tranh thủ - ''múc''!

 

Kinh tế của nhóm khá dần lên!

Nhưng có ai học được chữ ngờ! Lại vẫn từ chuyện tham! Tham ở đây là tham lam chứ không phải chuyện của gã ''Tham - Tán''. Nguyên do: Sau khi khai thông mạch hàng mua của lò mổ, các nơi đòi nhà cung cấp tăng khôi lượng. Ðó là việc vô cùng thuận lợi. Thế là nhóm thống nhất rút ra 2 người mang hàng đi giao trực tiếp cho các cơ sở đại lý.  Người nào cũng có việc của người ấy. Thuyết ở trên cao chót với đám thịt chó thịt dê đảm bảo đủ cho khách quen hàng ngày. Vân ỡ dưới cùng, phải giữ vững quan hệ giao dịch thường xuyên với khách hàng, tiếp sức cho San, Tham. Hai đầu cầu quan trọng không thể rút đi. Tham và San ở giữa, không còn nhiệm vụ giết mổ tại nhà, đưa hàng đi giao là phù hợp. Một thoáng suy nghĩ, ngần ngừ... San gợi ý để Vân đi thay mình với thù lao tăng hơn ở nhà giữ''Gôn''! Vân đưa lí do ''chính đáng'' - thoái thác!

 

Ðang cuối mùa thu. Năm nay thời tiết nước Ðức thất thường. Mãi cuôi tháng 10 mà vẫn nóng. Ðột ngột sang tháng 11, mấy ngày giữa tháng nắng to, nóng vã mồ hôi. Dường như thời tiết cố nắng lần cuối để chuyển sang ấm rét…

 

Hôm nay chinh là ngày nóng nhất. Khí tượng thông báo trên truyền hình vào lúc 12 giờ trưa, nhiệt độ ngoài trời lên tới 36 đô C. San và Tham chất lên xe Mini Bus số Lòng, Tiết cung câp đủ theo yêu cầu của các hộ tiêu thụ. Cả hai ý thức được, dưới cái nắng, nóng này, cần phải giao hàng càng nhanh càng tốt.

 

Chữ Ngờ đã ập tới: Trươc đó vài giờ, trong bệnh viện thành phố nhận một ca cấp cưu: Cả một gia đình Việt Nam, 4 người bị ngộ độc, một đứa bé đã bị chêt. Ở Ðưc, việc ngộ độc được ngành y tế và cả xã hội quan tâm. Người ta phát hiện nguyên nhân ngộ độc là do ăn phải lòng lợn bị thiu. Người bố của hai đứa trẻ 5, 10 tuổi cùng cô vợ - nghe các đồng hương kháo nhau có món lòng lợn tiết canh, bèn mua về ''xì xụp''... Thấy lâu không được ăn nên cả nhà ăn qúa nhiều. Tai hại là số lòng tiết này không được bảo quản cẩn thận, bày bán dưới cái nóng hun đôt trong 2 ngày - chúng đã ôi thiu, chủ cửa hàng tham tiền, tiếc rẻ vẫn bày bán. Gia đình kia mua phải, về ăn và hậu qủa đã xẩy ra. Cũng may phát hiện sớm và đã cứu được 3 người.

 

Qua khai báo của nạn nhân, cơ quan chức trách đã tới nơi xuất sứ của ổ bệnh kiểm tra, bắt qủa tang  số hàng gây bệnh… họ niêm phong cửa hàng, bắt giam chủ, lập hồ sơ chuẩn bị đưa ra tòa xử ly. Cùng với việc làm này, họ tổng kiểm tra tất cả các cửa hàng buôn bán thực phẩm của người Việt trong siêu thị. Một lệnh ’’Nôi bất xuất, Ngoại bất nhập’’ - được chính quyền ban ra...

San và Tham không hề biết tình hình nên vẫn cho xe tăng tốc nhằm tới nơi giao hàng sơm. Hai bạn Vân, Thuyết đang ở nhà nên cũng không biết mà gọi điện thông báo, các cơ sở đại lý rối lên vì đang bị kiểm tra, không ai nhớ gọi điện để hai người đừng mang hàng đến. Biêt chuyện thì đã muộn, xe hàng bị bắt giữ. Khi người ta mở cửa hậu của chiếc xe, mùi xú khí từ những thùng đựng lòng non, dạ dầy, dạ con - (chỉ mới sơ chế) gặp nhiệt độ ngoài trời cao, thùng xe kin tạo ra môi trường hấp, hun nóng - nên bôc mùi: Thối, chua, cộng với hóa chất chông thối rữa - khiên nồng nặc khó ngửi... Luật hình sự của Ðưc: Ðương sự phạm tội lập tức bị dẫn về khám nhà mà không cần lệnh khám của viện Công tố..

 

Nhà – nơi 4 ông lái sống - cao 8 tầng, 4 đơn nguyên, mỗi tầng 4 căn hộ. 4 hộ người Việt ở cùng một đơn nguyên - cửa vào. Người ta quyết định kiểm tra cả 4. Vân - có lẽ luôn luôn bị ám ảnh chuyện phạm luật nên ''chuyên gia pháp luật ''mặc dù cũng tàng trữ, gia công hàng nhưng sau khi đưa ra khỏi nhà - đã ngụy tạo hiện trường nhằm phi tang, làm vệ sinh nhà sạch, xịt nước thơm, thắp hương xạ... các nhân viên kiểm tra đến không phát hiện được gì đáng nghi.

 

Nhà của San, Tham cũng không có gì có thể làm vật chứng phạm tôi, duy chỉ lúc bươc qua cửa vào nhà, các nhân viên Kiểm tra liên ngành vì giữ phép lịch sự chỉ khịt khịt mũi (chứ không bịt mũi) vì trong căn hộ sặc mùi tanh tưởi, khăn khẳn mùi mắm tôm chưng...

 

Nhà Thuyết thì khác: Trong bếp vẫn còn 1 con chó, 1 con dê cở trên dưới hai chục kí - vừa thui, hãy còn nóng hổi. Nhân viên liên ngành thấy vậy hỏi chủ nhà: Ðây là con gì? 

- Dê - Thuyết trả lời tỉnh bơ. Qủa thật họ không thể hỏi thêm mà cắm cúi ghi vào biên bản. Chỉ còn hai khúc thịt của con vật 4 chân da, vàng rượm - thì có gì để hỏi, để nghi ngờ, ngoài chuyện chủ nhân để căn hộ hôi hám vì mùi khet do lông bị đôt cháy, mùi tanh của mắu ở đâu đó... chưa kịp làm sạch.

- ''Cùng lắm là bị phạt cảnh cáo vì làm mất vệ sinh'' - Thuyết chặc lưỡi tự an ủi .

 

Ðột nhiên có tiếng rú từ trong buồng WC.

Hai nhân viên hối hả lao ra. Một nhân viên khác từ trong Toilet vừa lùi,  vừa chỉ chiếc túi nilon - nói không ra hơi - Chó... đầu chó - Ðoạn anh ta dôc túi ra sàn: Chiếc đầu của con Berger cùng đầu của con Dê (đã cưa sừng) - to gần bằng nhau - lăn ra. Mõm chó, mõm dê bị chiếc khung dây nhôm buộc chặt nhưng hàm răng cắn chặt nhe ra trắng ởn... Hai cặp mắt của những chiếc đầu không nhăm mà mở trừng trừng...

 

Thuyết gặp vận đen: Vì phải đến tối mới đưa được rác đi vất nên chiếc đầu của hai con vật đã làm hại anh ta! Thuyết lập tức bị xích tay dẫn đi. Tất cả đồ dùng liên quan đến giết, mổ và các tang vật đều bị thu hết, đóng gói mang theo...

 

Khi xuống dười cửa, ra đến chiếc xe thùng chuyên dụng của cành sát - đã thấy San, Tham, bị khóa tay - ngồi sẵn ở khu ghế cấu trúc đặc biệt dành cho phạm nhân. Hai bên có 2 cảnh sát mặt đằng đằng sát khí, súng lăm lăm trên tay…

 

3 người ngao ngán im lặng nhìn nhau. Ðiều mà họ thường xuyên nghĩ tới... đêm ngày canh cánh bên lòng - đã đến!

Ðến nhanh hơn họ tưởng! 

 

Tháng 6 năm 1998 – Tháng 12 năm 2006    (Rút trong tập Sân Khấu - Cuộc Đời)

 (*) Công nhân Hợp Tac Lao Ðộng

Lê Xuân Quang
Số lần đọc: 4649
Ngày đăng: 11.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điện thoại của mẹ - Ngữ Yên
Lão Hợi - Vũ Ngọc Tiến
Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ - Đào Phạm Thùy Trang
Bếp của người nguyên thuỷ - Nguyễn Thanh Mừng
Chuyện con ruồi - Nguyễn Đức Thiện
Tản mạn ngày cuối năm - Nguyễn Thuỵ Nhã
Giữa vòng vây - Nguyễn Đức Thiện
Hoàng nữ anh lên ngôi - Nguyễn Thị Diệp Mai
Ước nguyện vớt lại quả chuông ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Trâu ở chùa - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Đại ca Tẩn (truyện ngắn)
Ma Cà Rồng (1) (truyện ngắn)
Ẩn số cuộc đời-1 (truyện ngắn)
Chí Tây ! (truyện ngắn)
Kẻ phá thối (truyện ngắn)
Lái gà (truyện ngắn)
Cá độ (truyện ngắn)
Cò.. Cưa... Cứa ! (truyện ngắn)
Quê hương ! (truyện ngắn)
Gánh xiếc chó (truyện ngắn)
Voi nổi giận ! -1 (điện ảnh)
Voi nổi giận ! -2 (điện ảnh)
Lái lợn (truyện ngắn)
Mối tình ma-1 (điện ảnh)
Mối tình ma-2 (điện ảnh)
Cha và...Con (truyện ngắn)
Báo hiếu cha (truyện ngắn)
Ngộ sát (truyện ngắn)
Tài năng trẻ (truyện ngắn)
Oan oan tương báo ! (điện ảnh)