Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.139.602
 
Ngày xuân viếng cảnh chùa Bà
Nguyễn Man Nhiên

Cách Chợ Mới, khóm Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang khoảng 100m về phía đông hiện nay vẫn còn một ngôi miếu cổ thờ Bà Thiên Hậu do Hoa kiều thuộc bang Phước Triều lập nên cách đây hơn cả thế kỷ, gọi là Thiên Hậu Thánh Miếu, dân gian quen gọi  là Chùa Bà Thiên Hậu Phước Triều.

Ngược dòng thời gian tìm hiểu lai lịch ngôi chùa này, ta biết rằng cộng đồng di dân người Hoa định cư ở Vĩnh Điềm có gốc gác từ một số địa phương bên Trung Quốc là Hải Nam, Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu và một ít người Hẹ. Sau khi nhà Minh sụp đổ vào giữa thế kỷ XVII, nhà Thanh cai trị Trung Quốc, nhiều người Trung Hoa không chịu nổi chính sách cai trị khắc nghiệt của nhà Thanh đành phải rời bỏ quê hương đi tìm một vùng đất mới để kiếm kế sinh nhai. Khi đến Việt Nam, những người này quây quần đoàn tụ lập thành “bang”, “hội” nhằm giúp đỡ nhau làm ăn sinh sống. Nhóm người thuộc “Ngũ bang” nói trên đã dùng thuyền vượt biển về phía nam đến cửa Nha Trang. Tại đây, một số di dân đã theo dòng sông Cái lên định cư ở huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh. Thời ấy vùng Phước Điền là nơi đất đai màu mỡ, dễ làm ăn, còn sông Cái là con đường giao thông thuận lợi nhất cho việc đi lại giữa Nha Trang - Diên Khánh. Tại đây họ đã lập nhà từ đường, lập chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân, lập chợ Thanh Minh (cách Thành Diên Khánh khoảng 3 km về phía tây). Người Việt gọi họ là “Minh Hương” (làng của những người trung thành với nhà Minh). Một số khác thuộc 2 bang Hải Nam và Phước Triều (gồm Phước Kiến và Triều Châu) chọn Vĩnh Điềm thuộc huyện Vĩnh Xương làm nơi sinh sống, buôn bán, xây dựng nên khu Chợ Mới ở Vĩnh Điềm Hạ và lập Hội quán, đền miếu. Đến thế kỷ XVIII, Vĩnh Điềm Hạ đã trở thành một thị tứ mà trung tâm là khu Chợ Mới với dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất, dọc theo hai bên đường đi qua chợ đa số là nhà cửa, hiệu buôn của người Hoa. Nhiều thế hệ người Minh Hương là cư dân của Vĩnh Điềm đã đóng góp tài lực để tu sửa các Hội quán của bang mình thành miếu thờ Bà Thiên Hậu, xây dựng thêm nhà từ đường thờ linh vị tổ tiên, từ đó người địa phương quen gọi các ngôi miếu này là Chùa Bà Thiên Hậu Hải Nam và Chùa Bà Thiên Hậu Phước Triều.

Về lai lịch Bà Thiên Hậu, theo tài liệu “Truyện Thánh mẫu trên trời giáng bút” do ông Vương Vĩnh Liên, Trưởng ban Trị sự chùa Phước Triều cung cấp, kể lại như sau: Dưới triều vua Tống Thái Tổ ở Trung Quốc có gia đình họ Lâm ở làng Mi Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến sinh được 1 trai và 6 cô con gái. Người con gái út có tên là Lâm Măc Nương sinh vào giờ ngọ ngày 23 tháng 3 năm Canh Thân niên hiệu Kiến Long nguyên niên (960). Từ nhỏ nàng đã tỏ ra thông minh lanh lẹ, 7 tuổi đã đọc xong Tứ thư, Tả truyện, 12 tuổi đã biết ngâm thơ đối đáp, đặt bút thành văn. Năm 13 tuổi Mặc Nương được một vị đạo trưởng xưng là Huyền Thông truyền thụ bí quyết ngũ hành dị thuật, linh thông biến hóa. Vào mùa thu năm đó cha và anh cả ra biển gặp sóng to gió lớn bị lật thuyền. Lúc ấy nàng đang ngồi dệt vải cạnh mẹ đột nhiên động lòng cảm ứng, xuất thần đi cứu cha và anh. Khi tỉnh dậy, nàng khóc nói với mẹ rằng, cha tuy được cứu nhưng còn anh cả không cứu được, từ đó siêng tu đạo pháp, quyết tâm cứu người gặp nạn trên biển. Năm Lâm Mặc Nương 29 tuổi, vào ngày mùng 9 tháng 9 niên hiệu Thái Tôn Hưng Quốc thứ 13, nàng lên núi Mi Phong tọa hóa thăng thiên, đắc đạo chứng quả. Từ đó về sau Bà thường giáng trần hiển linh độ phước, tế thế cứu dân. Mỗi khi thuyền bè ngoài khơi bị nạn, người dân đều gọi vái đến Bà. Đến đời vua Càn Long nhà Thanh, Bà được triều đình sắc phong là Thiên Thượng Thánh Mẫu. Để ghi nhớ công ơn của Bà, nhân dân Trung Quốc đã lập nhiều đền miễu để thờ Bà, mỗi năm xuân thu nhị tế: ngày 23 tháng 3 là ngày vía bửu đản, ngày 23 tháng 9 là ngày vía thăng thiên.

Chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu Phước Triều ở Chợ Mới - Vĩnh Điềm nguyên thủy là Thiên Hậu Hội Quán do các thương nhân Hoa kiều thuộc bang Phước Triều (Phước Kiến và Triều Châu) lập nên vào năm 1875 dưới triều vua Tự Đức, mục đích ban đầu làm nơi gặp gỡ, trao đổi để những người đến trước giúp đỡ những người đến sau bớt phần khó khăn trong công việc làm ăn. Đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người Hoa xa xứ, trong Hội Quán cũng lập điện thờ Bà Thiên Hậu, vì thế cũng gọi là Thiên Hậu Thánh Miếu hoặc Chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu Phước Triều, còn dân gian quen gọi là Chùa Bà Thiên Hậu Phước Triều.

Gọi là “Chùa” nhưng đúng hơn đây là một “Hội Quán” kết hợp với “Miếu” vì không thờ  Phật. Trong chùa không có sư sãi, chỉ có một ông từ coi chùa và một Ban trị sự gồm Trưởng ban, phó ban và các ủy viên được người trong Bang bầu ra để quản lý việc chùa, mỗi nhiệm kỳ là 3 năm. Tất cả mọi thành viên đều mặc thường phục, kể cả ngày lễ. Chỉ có người rước lễ mới mặc sắc phục màu xanh da trời vào ngày “vía Bà”. Trước đây, chỉ đến ngày rằm, mồng một hàng tháng, dịp lễ tết hoặc các ngày vía Bà trong năm, chùa mới mở cửa để người dân đến cúng bái, sinh hoạt. Vào dịp này, đông đảo bà con người Hoa thuộc bang Phước Triều đang sinh sống ở khắp mọi nơi đến thắp hương cúng Bà và trò chuyện, bàn bạc, trao đổi việc làm ăn. Họ là những người dân lao động bình thường, giới làm ăn buôn bán hoặc cũng có thể là công nhân viên chức nhà nước như mọi người Việt khác. Hiện nay chùa mở cửa hàng ngày để khách thập phương có thể thường xuyên đến thắp nhang cúng Bà, xin xăm cầu phúc. Như vậy Chùa Bà có vai trò giống như đình làng của người Việt, vừa là điện thờ Mẫu, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, giải trí của cộng đồng người Hoa ở Nha Trang, Khánh Hòa.

Hơn trăm năm qua, Chùa Bà Thiên Hậu Phước Triều đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo vào các năm 1963, 1991 nhưng vẫn giữ được một số nét đặc trưng của kiến trúc tôn giáo Trung Hoa.

Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng có diện tích 1176m2  tại Tổ 2, Khóm Vĩnh Điềm, Phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang. Cổng chùa quay về hướng Nam, có mái che lợp ngói đỏ, trên nóc mái đắp hình song phụng triều nguyên. Hai cánh cổng bằng gỗ sơn đỏ. Mặt trước cổng khắc 4 chữ Hán đại tự ghi tên chùa: “Thiên Hậu Thánh Miếu”.

Trên trụ cổng khắc 2 câu: “Thiên Ân Phổ Tứ” và “Hậu Đức Đồng Thiêm”, hai bên vẽ hình rồng chầu.

Qua cổng chùa đến một cái sân rộng, hai bên tường được tô điểm bằng những bức tranh vẽ cảnh sơn thủy bồng lai do khách thập phương hiến cúng.

Trước sân có bàn thờ Thiên Địa với tấm án phong và bàn thiên. Mặt trước án phong vẽ hình hổ, mặt sau vẽ hình kỳ lân. Giữa sân có một lư hương rất to, hai bên đắp nổi hình rồng chầu.

Qua khỏi khoảng sân rộng đến điện thờ Mẫu. Đây là một tòa nhà có chiều ngang khoảng 8m, chiều sâu khoảng 15m. Trên nóc mái đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các góc tàu đao trang trí  hình chim phụng.

Trước cổng điện có dòng đại tự: “Từ ân phổ tế”. Hai bên trụ cổng khắc hai câu đối:

- “Hậu Đức Phối Thiên Tổ Đậu Thiên Thu Long Tự Điển

- “Mẫu Nghi Xưng Thánh Từ Hàng Phổ Độ Tế Sinh Dân

Từ ngoài vào trong, gian bái đường có 8 cột lớn với bộ khung bằng gỗ chạm trỗ khá tinh xảo, trên các cột và đà mái đều được trang trí bằng các tấm hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng cổ kính.

Ở hàng cột đầu là 2 bức liễn:

- “Thánh Tích Hiển Mi Châu Phổ Độ Thương Sinh Ly Khổ Hải

- “Mẫu Ân Phu Việt Quốc Trường Hưu Xích Tử Hộ Từ Hàng

Trên cao treo 2 tấm hoành:

- “Hữu Cầu Tất Ứng

- “Ân Quang Phổ Chiếu

Tiếp theo là hai bức liễn:

- “Chí Thiết An Lang Tồn Thần Xứ Hà Thanh Hải Án

- “Thân Kỳ Tế Thế Lập Niệm Thời Vật Phụ Dân Phong

Bên trên là 3 tấm hoành phi:

- “Vạn Thế Vĩnh Lai

- “Hồng nhơn phổ tế

- “Hộ Quốc Tý Dân

Giữa chánh điện treo tấm hoành phi lớn nhất, cao nhất khắc 4 chữ đại tự: “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.

Bên cạnh là các bức hoành nhỏ hơn:

- “Trạch Tý Kiều Duệ

- “Ân Chu Tứ Hải

- “Ân Mộc Tương Sinh

Trên hàng cột thứ ba có 2 câu liễn:

- “Hải Bất Dương Ba Ẩn Độ Tiên Sai Viễn Nhĩ

- “Dân Giai Lạc Nghiệp Thiên Hạ Mẫu Đức Cao Thâm”

Rồi đến các bức hoành:

- “Hải Quốc Trường Xuân

- “Phước Bị Tương Sinh

Trong cùng là bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ngự trên ngai thờ là pho tượng Bà Thiên Hậu với y trang lộng lẫy, tạc bằng gỗ sơn cao khoảng 0,5m, hai bên là hai bức tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ đứng hầu. Đây là bộ tượng thờ mới do bá tánh hiến cúng gần đây. Bên cạnh bộ tượng này, hiện nay chùa vẫn còn lưu thờ bộ tượng cũ có kích thước nhỏ hơn.

Hai bên khám thờ đặt các đồ từ khí như chuông, trống. Trên cao treo bức hoành phi bằng gỗ sơn đỏ khắc 4 chữ “Thiên Hậu Hội Quán”, dưới có dòng lạc khoản đề mùa xuân năm Ất Hợi niên hiệu Đồng Trị thứ 14 (1875) do chúng thương nhân kính tặng. Đây là di vật cổ nhất chùa còn lưu giữ đồng thời là cứ liệu giúp ta xác định được nguồn gốc và niên đại kiến tạo của ngôi chùa.

Ngoài tấm bảng này, hai bên bàn thờ còn treo hai tấm hoành:

- “Thần Ân Hạo Đãng

- “Đức Phối Hạo Thiên

Sau gian chính điện, qua một cái sân nhỏ có chức năng như giếng trời thì đến nhà linh có tên “Phước Triều Nghĩa Tự”, đây là nơi thờ bài vị những người quá cố thuộc nhiều thế hệ của bang Phước Triều.

Khu đất bên phải chùa là các công trình phụ mới xây dựng sau này như nhà khách (để khách viếng chùa nghỉ chân, trò chuyện), nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh… được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, mát mẻ, bao quanh bởi cây cối xanh tươi.

Trước sân nhà ăn là tấm bia lớn khắc tên những người đã đóng góp tài lực cho cuộc trùng tu Chùa Bà vào năm 1991.

Về lịch trình các ngày vía Bà, bang Phước Triều theo lệ mới “Xuân Thu nhị kỳ”, mỗi kỳ kéo dài 3 ngày.

Từ ngày 21 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm là lễ vía Bửu Đản (ngày sinh Thiên Hậu Thánh Mẫu):

- Ngày 21 tháng 3: Lễ cúng và thay y bào Thánh Mẫu.

- Ngày 22 tháng 3: Ăn chay.

- Ngày 23 tháng 3: Rước Bà.

Từ ngày 21 đến 23 tháng 9 âm lịch hàng năm là lễ vía Thăng Thiên (ngày mất Thiên Hậu Thánh Mẫu):

- Ngày 21 tháng 9: Lễ cúng và thay y bào Thánh Mẫu (7 giờ).

- Ngày 22 tháng 9: Lễ khai kinh (7 giờ); Cúng ngọ (10 giờ); Lễ hoàn kinh và cúng Các Bác (17 giờ).

- Ngày 23 tháng 9: Dâng hương (7 giờ); Đấu thầu lộc Mẫu (10 giờ); Thiết đãi tiệc mặn (11 giờ); Hoàn mãn (13 giờ).

Các ngày lễ vía Bà Thiên Hậu tại chùa Phước Triều vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch hàng năm là những ngày lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng người Hoa gốc Phước Kiến, Triều Châu tại Nha Trang - Khánh Hòa. Với những tác động tích cực về mặt văn hóa-xã hội, có thể nói Chùa Bà không hẳn là một trung tâm tôn giáo theo đúng ý nghĩa nghiêm ngặt của nó mà là một tín ngưỡng dân gian mang tính chất “uống nước nhớ nguồn” của người Hoa, giống như tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Chăm, người Việt.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 5190
Ngày đăng: 11.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tục ngữ dân tộc Mường - Nguyễn Văn Hoa
Nếp xưa , tết Việt - Nguyễn Man Nhiên
Hò giã gạo – Dân ca Ninh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Phụ lục: Những câu hò giã gạo Ninh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Trò diễn dân gian “ Hát mộc “ –Một vốn quý trong di sản văn hoá Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Lưới đăng – Nghề biển truyền thống ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Nhà mái lá – Nét văn hoá độc đáo của làng quê Bình Định - Mai Thìn
Hát lễ- hát bội Bình Định - Mai Thìn
Hò giã gạo Bình Định – sản phẩm độc đáo của nhà nông - Mai Thìn
Tình yêu quê hương đất nước của người Vĩnh Long qua ca dao - Tăng Tấn Lộc
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)