Trong “làng văn nghệ” có lẽ không mấy ai được “tắm” trong vầng hào quang nhiều như các nghệ sĩ tuồng - người Huế xưa gọi là đào kép hát bội. Đã là sân khấu thì dù là kịch nói, múa, hát, hay cải lương cũng đều rực rỡ ánh hào quang của đèn đỏ, đèn xanh nhấp nháy với má phấn môi son, quần là áo lượt. Nhưng nghệ sĩ tuồng thì vầng hào quang còn tỏa ra từ những mũ mão, áo quần, giầy hia thêu rồng, vẽ phượng, giát bạc giát vàng lấp lánh kim tuyến. Rồi tiếng hét oai phong “Như ta đây...”, khi xưng là tướng, lúc là quan, cho đến vua và cả Thiên Hoàng cũng “chấp” hết thì không chỉ trong “làng văn nghệ” mà cả thiên hạ - tất nhiên là trừ các nghệ sĩ tuồng - mấy ai dám ngang nhiên tự xưng như vậy trước công chúng.
Ở Huế, người được “tắm” trong hào quang nhiều hơn cả có lẽ là nghệ sĩ ưu tú La Thị Cẩm Vân, Trưởng Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Cẩm Vân đã cất tiếng chào đời ngay trong Đại Nội - nói chính xác là cạnh nhà Tả Vu thuộc Tử Cấm Thành, vào một ngày cuối tháng 9 năm 1952. Gần nửa thế kỷ đã qua, bác La Cháu không còn nhớ ngày đó có “điềm lạ” gì không, có ánh hào quang nào chiếu rọi không, nhưng kể đến nay, trong “làng văn nghệ” ở Thừa Thiên-Huế, Cẩm Vân là một trong những người đạt nhiều giải thưởng, nhiều vinh quang nhất. Không chỉ ở trong nước; Đài truyền hình Nhật Bản từng trân trọng giới thiệu những đóng góp của chị trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống Huế. Khó mà kể đủ các loại bằng khen, huy chương, giải thưởng mà chị đã dành được qua gần bốn mươi năm chung thủy với nghệ thuật tuồng. Cũng khó kể hết chức vị của chị; chỉ riêng ở các hội nghề nghiệp, chị đã “gánh” rất nhiều vai: hội viên của 3 Hội Trung ương: Nghệ sĩ sân khấu, Nghệ sĩ múa và Văn nghệ Dân gian Việt Nam; rồi Uíy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế, Uíy viên Hội đồng Nghệ thuật của Hội... và “hình như” sắp được phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân”.
Lâu rồi, tôi mới có dịp đến Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế, mới có dịp gặp lại Cẩm Vân. Kể ra, nói vậy cũng không thật chính xác, vì tôi cũng như nhiều khán giả không chỉ ở Huế vẫn thường “gặp” Cẩm Vân qua màn ảnh nhỏ trong những dịp lễ hội, trên những cầu truyền hình chào Xuân mới; chỉ có khác, những lúc đó, tôi là một người xem như mọi người bình thường khác, lặng ngắm người nghệ sĩ nổi tiếng và xinh đẹp với lòng ngưỡng mộ và một chút ao ước, một chút ghen tị thầm kín. “Trời! Sao mà có người sướng thế không biết!...” Còn hôm nay, “hai anh em” ngồi đối diện bên chiếc bàn xa-lông cũ kỹ, không cần nghi lễ, không cần “tô vẽ” và không cả trà nước, trò chuyện thân mật như hồi nào cùng họp “chấp hành văn nghệ” với nhau. Tuy không trang điểm gì đặc biệt, trông Cẩm Vân vẫn xinh đẹp, duyên dáng - một vẻ đẹp giản dị có chút dễ thương, chứ không lộng lẫy kiêu sa như một số “ngôi sao” khác. Và cái giọng Huế khá là “lạc điệu” trên sân khấu kịch nói, trên phim đối với không ít người, trong giao tiếp thường ngày lại ngọt ngào dễ nghe và cũng dễ thương nữa:
- Em cũng vừa bên Trường về. Mưa quá... Anh chờ cho em một chút...
Ngoài trời đang mưa. Chợt nghĩ đến mùa mưa nửa thế kỷ trước, lúc Cẩm Vân mới “oa oa” chào đời trong Tử Cấm Thành. Chỗ tôi đang ngồi chỉ cách Đại Nội con đường Đoàn Thị Điểm. Căn nhà riêng của mấy mẹ con Cẩm Vân cũng ở trên thành, xế cửa Thượng Tứ một chút. Nửa thế kỷ với bao nhiêu là biến động, không ít tài năng cùng lứa với Cẩm Vân đã bỏ nghề, hoặc đã bay xa tới những miền đất khác, khi công chúng - nhất là lớp trẻ, không còn đến xem tuồng và múa hát truyền thống nữa. Cẩm Vân thì chỉ “dịch chuyển” vài trăm mét từ nhà Tả Vu sang Trường Quốc Tử Giám (nơi Đoàn Nghệ thuật truyền thống “tạm trú”) rồi về cửa Thượng Tứ. “Nội lực” nào, tình yêu nào đã giúp Cẩm Vân “trụ” lại với Huế, chung thủy với nghề? Và bao nhiêu thử thách, sóng gió chị đã vượt qua? để hôm nay, người nghệ sĩ như một cái cây cắm rễ sâu bền trong lòng đất đến mùa đơm hoa kết trái...
Câu chuyện đời người nghệ sĩ trong nửa thế kỷ nên bắt đầu từ đâu? Thôi, hãy nói chuyện hiện tại, cũng là sự nghiệp quan trọng khi người nghệ sĩ sắp bước đến tuổi “bàn giao thế hệ” - những lớp học sinh mà chị đang truyền nghề. Đây cũng là chuyện của tương lai, của thiên niên kỷ mới. Nhắc đến lớp trẻ, giọng Cẩm Vân nghe vui hẳn lên:
- ...Em dạy múa cung đình và hát tuồng cho 2 lớp cao đẳng, 1 lớp trung cấp ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Huế. Từ năm 1977, khi Trường còn ở trên Văn Thánh, em đã tham gia việc giảng dạy. Bây giờ có xe máy, trường ở gần, chứ hồi đó, sau buổi dạy hát tuồng đã mệt gần chết, lại phải đạp xe lên về giữa mưa nắng, nhiều lúc tưởng đứt hơi anh ơi!...Lớp cao đẳng em vừa dạy có 23 em, tháng 8 này sẽ tốt nghiệp. Em chỉ lo khi học sinh tốt nghiệp mà chưa thành nghề. Anh tính, một điệu múa dạy trong 10 buổi, nhưng phải chia ra 6 kíp, nên nhiều khi em phải dạy thêm, chẳng nghĩ gì đến giờ giấc. Cũng mừng là có những em rất chịu khó. Ngày tập tành như thế, tối còn đi học thêm văn hóa, ngoại ngữ. Nghề tụi em, năng khiếu một phần, còn chủ yếu là công phu. Anh biết không, mấy anh em trong nhà em, đứa nào cũng học múa hát từ nhỏ...
Vậy là chỉ trong “nháy mắt”, câu chuyện tự nhiên lộn trở về bên nhà Tả Vu nửa thế kỷ trước! Khi đó, Cẩm Vân vừa cất tiếng chào đời. Nói chính xác thì nửa thế kỷ trước, Cẩm Vân còn trong bụng mẹ, nhưng sinh thành nên trong gia đình mấy đời theo nghề hát bội như gia đình bác La Cháu thì ngay từ lúc ấy, âm điệu hào hùng, bi tráng của những vở tuồng đã “nhiễm” vào từng tế bào hình hài cô nghệ sĩ tương lai. Ngay từ lúc mới 3-4 tuổi, bé Cẩm Vân (lúc đó còn mang tên Huê) đã cùng anh chị bập bõm tập hát bội. Hồi ấy, ngày nào cũng vậy, từ 4-5 giờ sáng, sau khi người mẹ nấu nướng bữa sáng xong, bác La Cháu hô con cháu dậy ngồi quanh chiếc bàn, nghe bác dạy những điệu hát tuồng trong các vở nổi tiếng như Sơn hậu, Tam nữ đồ vương, Trương Ngáo, Vạn Bửu trình tường, Bạch Viên Tôn Các... Không chỉ mỗi người đóng một vai mà phải học thuộc tất cả các vai của vở, nên bây giờ Cẩm Vân có thể diễn đạt thành thục bất cứ vai thiện, vai ác hay hề. Sau những buổi học “tại gia” như thế, mấy chị em ra nhặt hoa đại quanh hồ Thái Dịch (phía sau Ngọ Môn) hay dọc lối vào Thế Miếu để phơi khô cho mẹ mang đi bán lấy tiền mua sách vở. Bác La Cháu thấm nỗi khổ của người thất học, nên dù con đông, đứa nào bác cũng buộc phải học hành nghiêm chỉnh. Lên 9 tuổi, Cẩm Vân đã theo học nghề tại Đoàn Ba vũ và từ năm 1963 trở thành diễn viên của Đoàn và là thành viên của Ban Ca Huế (thuộc Đài Phát thanh Huế)... Không phải cô là “con nhà nòi” được ưu tiên. Trước khi cô được bước lên sàn diễn, không biết bao nhiêu mồ hôi đã tuôn chảy và cũng không ít lần phải khóc vì tập chưa đạt, bị thầy quở mắng...
Những kỷ niệm thời trẻ như là một chất men say làm Cẩm Vân quên cả giờ giấc. Tôi đã kể nhiều chức vị của chị, lúc này mới chợt nhớ chị còn vai người mẹ nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, vội hỏi:
- Thế chị về muộn, có ai giúp lo bữa trưa không?
- Em lo, chứ có ai.
- Thế còn anh ấy...
Cẩm Vân ngắt lời tôi, giọng nhỏ và buồn hẳn đi:
- Chúng em chia tay nhau rồi! Em không muốn, nhưng... Thôi, anh đừng nhắc gì đến chuyện này đó! Em chịu đựng đã quen rồi, nhưng mấy đứa con, tội nó.
Trời vẫn mưa. Cẩm Vân đã nhanh nhẹn khoác áo mưa và ra xe. Ba đứa con đang chờ chị. Lớp học chiều nay đang chờ chị. Và tối nay, những du khách từ các phương trời xa đến, muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của Huế đang chờ chị. Cuộc chia tay nào chẳng đau buồn, nhưng chị không cô độc, nên đã đứng vững qua sóng gió. Chị đã dặn “đừng nhắc gì đến chuyện này”, nên tôi chỉ nói qua vậy, xin đừng ai nghĩ đây là một “chuyện tình giật gân” mà có lẽ nên thông cảm với người nghệ sĩ vừa trải qua một “tai nạn nghề nghiệp”. Làm sao một con người vừa giữ được nếp sống kỷ cương, nguyên tắc của nhà lãnh đạo, quản lý lại vừa phát huy được phẩm chất tự do sáng tạo của một nghệ sĩ tài năng, dám vươn tới những “cú” bứt phá ngoạn mục trên sàn diễn? Và làm sao tròn phận sự người mẹ, người vợ - những mối quan hệ riêng tư nên luôn bao hàm tính ích kỷ, trong khi người nghệ sĩ lại thuộc về mọi người, được mọi người yêu thương và phải biết sống thật với vai diễn, với bất cứ mối tình nào trên sân khấu. Khó thay!
*
Ba ngày sau, tôi mới có dịp gặp lại Cẩm Vân, cũng sau những giờ chị lên lớp ở Trường Văn hóa nghệ thuật Huế. Công việc sự vụ của người Trưởng đoàn vẫn thỉnh thoảng làm ngắt quãng câu chuyện giữa chúng tôi. Bầu trời Huế vẫn rả rích mưa buồn bã, nhưng khó mà thấy được nỗi buồn riêng trên khuôn mặt luôn tươi cười của chị. Có lẽ nói đúng hơn, chị không có thời gian để buồn. Nỗi đam mê nghề nghiệp cuốn hút chị. Cẩm Vân đã say sưa nói với tôi những dự định sáng tác, nghiên cứu mà chị đang ấp ủ.
Tay cầm tập chứng từ người kế toán vừa trình ký, chị vừa hát theo giọng Bắc, giọng Nam câu "Hoàng Long ứng triệu..." rồi phân tích cho tôi giọng Huế hóa ra lại khá là ưu việt trong diễn tuồng:
-...Anh có để ý không, giọng Bắc "triệu" sẽ hát ra "chiệu", giọng Nam thì "Hoàng" hát ra "goàng", nhưng ở Huế cả 4 từ đều được hát rất rõ...
Tôi là kẻ "ngọai đạo", những chuyện chuyên môn xin dành cho các nhà nghiên cứu. Trở lại câu chuyện “nước mắt, mồ hôi” của đời diễn viên, Cẩm Vân nói:
- Mấy năm gần đây, nghệ thuật truyền thống được quan tâm hơn, khách du lịch đến Huế đều muốn xem, nên đời sống anh chị em trong Đoàn khá hơn trước nhiều. Chứ như hồi trước, đi lưu diễn ở nơi xa như Quảng Bình, Vĩnh Linh, kể ra chắc anh không tin...
Quả thật là khó tin khi người diễn viên một ngành nghệ thuật công phu, cực nhọc, sau buổi diễn chỉ được bồi dưỡng suất ăn mấy trăm đồng; anh chị em bê phần mình, thường phải đưa cao quá đầu, để bà con xung quanh không thấy, biết đâu bữa ăn quá đạm bạc sẽ làm giảm “uy thế” những vai diễn oai phong hùng dũng trên sân khấu! Ngày nắng đã khổ, trời đổ mưa bất thần thì chỉ có...khóc! Bao nhiêu công phu trang điểm, tô mày vẽ mặt đến mấy lớp dày cộp, trời mưa không diễn được, lo thất thu, lo ngày mai không có tiền đi chợ, lại phải rửa, phải chùi mặt mũi không biết bao lượt mới sạch; dầu tẩy trang “xịn” thì không có tiền mua. Đó là chưa kể đến mấy chị em có con nhỏ không gửi ai được, phải tha xách con theo...
Cẩm Vân chợt ngồi lặng giây lát, đôi mắt thẫn thờ và khi chị nói tiếp, giọng buồn, nhỏ hẳn lại, như chỉ để mình nghe. Chính là trong một chuyến đi lưu diễn như thế, chị phải mang theo đứa con trai thứ hai mới mấy tháng tuổi; cơ thể non yếu không chịu nổi sự dịch chuyển liên miên và mưa nắng, cháu lâm bệnh, khi đưa đến bệnh viện Cu Ba thì mọi sự đã chậm trễ. Những ngày đó, chị diễn vai Cúc Hoa, đêm nào cũng khóc “như thật” bên nôi con trên sân khấu, nhưng khi nghe tin con mình mất, nỗi đau đớn quá sức chịu đựng khiến chị như ngây dại, không còn khóc được nữa, chỉ cảm thấy một cơn lạnh buốt - có thể là từ cái hình hài bé bỏng vừa tắt sự sống truyền sang, chạy suốt từ đầu xuống xương sống. Suốt hai tháng trời như thế, đi chở một bao gạo, đánh rơi dọc đường cũng không biết. Cho đến đêm lên sàn diễn với vai Cúc Hoa, ngồi bên nôi ru con, chị như mới thực tỉnh lại, chợt nhớ con mình và bật khóc như mưa!...
Tôi ngoái nhìn bầu trời xám buồn bã đang rắc mưa khắp kinh thành Huế để giấu những giọt nước mắt của mình sắp tràn ra. Còn bao nhiêu chuyện nữa định hỏi Cẩm Vân, nhưng cũng như một vở diễn đã đưa khán giả lên tới đỉnh cảm xúc, chẳng nên kéo dài nữa. Mà trời chiều đã muộn lắm, tối thì anh chị em trong Đoàn lại phải tập trung để tập dượt vở múa mới, chuẩn bị cho buổi công diễn chào mừng Đại hội Đảng. Dù vậy, trước lúc “hạ màn”, tôi cảm thấy mình như một “tác giả” có lỗi đã tạo ra vở diễn làm người nghệ sĩ thêm cực nhọc, nên hạ giọng nói với Cẩm Vân:
- Xin lỗi đã làm Cẩm Vân phải nhắc tới những chuyện buồn.
- Đời diễn viên tụi em, chuyện buồn vui kể sao cho xiết. Chẳng qua, nhân anh nhắc đến những dòng nước mắt, em mới kể...
Tôi đứng dậy trước, hẹn sẽ gặp lại và bước nhanh ra xe để Cẩm Vân có thể một mình yên tĩnh chốc lát sau những phút xáo động. Nhưng tôi chưa mặc xong áo mưa, đã thấy chị trao đổi với người họa sĩ vừa bước ra từ phòng vẽ trang phục cho diễn viên lấp lánh ánh hào quang lung linh dưới ánh điện, giọng nhanh nhẹn và sôi nổi:
- Có kịp không họa sĩ?
- Kịp chứ! Nhưng phải đêm nay nữa...
Vậy là vở múa "Mừng Xuân Thái Bình" đã lại cuốn hút chị. Lại còn chương trình cho cầu truyền hình giao thừa đón Xuân nữa. Đằng sau ánh hào quang ấy, biết mấy mồ hôi và nước mắt đã tuôn...
Huế, Xuân Tân Tỵ – 2001
(Tạp chí "Sông Hương" số 143, Tháng 1/2001 và Tạp chí "Kiến thức ngày nay" số 383, Tháng 4/2001)