Nhân chuyện giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vừa được trao, trong đó có bốn nhà văn mà tên tuổi và thân phận của họ bị bầm giập một thời, nay Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý cho họ.
Dư luận kháo nhau rằng, liệu không biết có thể hiểu đó là một thứ “sửa sai”, như là cung cách đã từng có đối với những người bị quy oan do sai lầm trong cải cách ruộng đất? “Sửa sai” cho những sai lầm, oan khuất gây ra đã từng là một nỗi đau không riêng gì của cá nhân họ, cũng không riêng gì của giới văn học nghệ thuật. Mà là một vết thương cứa vào lòng người, những người cùng một thời sống với những “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Lần giở lại những trang viết trên những tác phẩm dày cộp, những tạp chí chính thống với đầy đủ sức nặng của quyền uy, do những nhà văn, nhà báo, nhà phê bình viết, trong số các tác giả đó, có không ít người vốn là những người bạn thân thiết của người mà họ đang say sưa và nghiêm khắc lên án. Suy ngẫm lại, mà bất giác không khỏi rùng mình cho sự ngột ngạt đáng sợ của một thời, khiến cho trong niềm hân hoan đón chào tin vui không khỏi không còn tâm trạng “vui này đã cất sầu kia được nào”! Cho nên, để có được niềm vui trọn vẹn, phải có sự sòng phẳng với những sai lầm.
Những câu thơ của Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu” được không ít những thây cô giáo dạy văn bình luận hùng hồn về sự “mơ hồ trong quan điểm”, về “sự lập lờ trong biểu tượng hai mặt”: “Ai dọa giết Phùng Quán? Đây là thói ngông nghênh, tự huyễn về tài năng, kiêu ngạo coi thường lãnh đạo và căm thù, xuyên tạc chế độ, đã tự giết mình”. Đó là một trong những lời bình còn hằn sâu trong trí nhớ của thời học phổ thông, một nhà báo vừa nhắc lại trong câu chuyện về Giải thưởng Nhà nước tặng cho Phùng Quán vừa rồi. Đó cũng là cung cách quen thuộc của kiểu phê phán, nhận định, lên án tác phẩm văn chương của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt.
Đọc những dòng viết về cha của chị Băng Kha, con gái nhà thơ Trần Dần trên Vietnamnet, mới càng thêm thấm nỗi đau của một thời đoạn khó quên: “... người đời đã hiểu gì về ông trước đây, và sau này. Cả cuộc đời “tận tụy chữ”, ai đã hiểu nổi và chia sẻ cùng ông. Với tôi, ông không chỉ là một người cha, bình dị, ông còn là một người cha trí tuệ, sâu sắc và tuyệt vời... tôi “trộm” đọc những trang thơ ông viết-mỗi chữ mỗi dòng- trình bày như một bức tranh ngay từ khi còn là bản thảo. Tôi không hiểu hết ông, nhưng tôi cảm nhận được rằng trong thăm thẳm, cha tôi có cái đau quằn quại, cô đơn đến tận cùng pha lẫn chút bất lực. Chỉ có Biển, Trời, Atula là có thể hiểu và chia sẻ cùng ông. Ông không bao giờ ngâm thơ mà chỉ đọc. Giọng ông sang sảng, đôi mắt đau đáu trong sự trang nghiêm tuyệt đối… Ông có nhân cách độc đáo, mẫu mực: sống chân thực và hết mình. Nghĩ thế nào nói thế ấy, nói thế nào thì làm thế… Và chẳng bao giờ hại ai. Ông khinh những gì luồn lọt, gian trá”.
Và quả thật người thơ ấy đã tạc vào cuộc đời một nỗi niềm bi phẫn cao cả :
Tôi khóc những
chân trời
không
có
người bay
Lại khóc những người bay
không có
chân trời
Giờ đây, đọc lại những tác phẩm của bốn nhà văn từng bị bầm giập nói trên mới thấu hiểu được ý nghĩa của việc trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho họ, đã vượt xa hơn nhiều, cao hơn rất nhiều, chuyện đánh giá sự đóng góp của họ về văn chương!
Liệu đây có phải là sự lặp lại tâm trạng của Nguyễn Trãi với Tô Đông Pha: “Cổ kim thức tự đa ưu hoạn”? Hay lại là sự khái quát cái quy luật muôn đời “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” mà nhà văn hóa lớn, người anh hùng dân tộc thế kỷ XV đã tiên đoán nhưng rồi vẫn phải gánh chịu ?
Phải chăng đây là sự ghi nhận một thái độ trở về lại với sự thật, tôn trọng và nhìn thẳng vào sự thật, một ứng xử chính trị nhằm khẳng định một cách nhìn mới, một tư duy mới mở đường cho phát triển trong thời đoạn lịch sử mới? Đây không chỉ là chuyện “Đoạn trường sổ rút tên ra, Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau” đối với bốn nhà thơ, trong đó hai đã không còn cơ hội đón Giải thưởng nữa.
Đây là bước đầu của sự sòng phẳng với những sai lầm của quá khứ. Vì, cần phải có sự sòng phẳng với quá khứ, mới tạo dựng được niềm tin đối với hiện tại, và có sức mạnh hướng tới tương lai..
Thông thường, người ta thích cứ lẳng lặng mà làm lành những vết thương, không muốn ai xát muối vào những nỗi đau của quá khứ. Song, không dám nhìn thẳng vào sai lầm, công khai thừa nhận sai lầm, sòng phẳng với những nguyên nhân đẩy tới những sai lầm ấy, sẽ không có đủ nghị lực và sức mạnh để sửa chữa sai lầm đã qua, và biết cách tránh những sai lầm có thể xảy đến. Bản lĩnh dám nhìn thẳng vào những sai lầm của quá khứ, sòng phẳng với lịch sử, là bản lĩnh của người biết làm chủ hiện tại và vững tin vào tương lai.
Phải chăng một chân trời mới của hội nhập và phát triển, cũng là chân trời của khát vọng dân chủ và tự do trong sáng tạo để góp phần đưa dân tộc bứt lên khi vận nước đang đến. Liệu có quá sớm để nói rằng đã đến lúc "không phải khóc"
những chân trời
không có
người bay
những người bay
không có
chân trời" ?
Dù sao, cứ đi theo những dòng sông thì sẽ dẫn đến biển.
Làm sao sống mà không hy vọng?
Theo Người đại biểu nhân dân.