Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
630
123.243.874
 
Khúc trầm cảm
Trương Quế Chi

Không phải chỉ có nữ văn sĩ Franxoa Sagan mới phải thốt lên: “Buồn ơi, chào mi...” vào năm 19 tuổi. Cái thời buổi giao thời đạo đức mới ghê gớm làm sao. Tất cả đều “động”; tất cả đều “biến”. Thời gian là khoảng cách giữa các sự “biến” ấy, Dương biến thành Âm và ngược lại... Những nét chấm phá tâm trạng làm cho ta lại bắt gặp một “cánh đồng bất tận” nữa trong tâm tưởng của một cô gái 18 tuổi (bắt gặp cả trong cái nhìn về thế hệ người Cha của mình). Vậy thì... NNT đâu chỉ là một tư duy cá biệt.

 

VPL

 

‘1- Không thể hát được đâu điệp khúc trầm cảm những lúc như thế này! Ngồi bó gối lâu thế kia chút nữa lại đau chân! Khóc thêm thì vệt chì kẻ mắt màu đen trôi đi hết, thế là thôi cá tính, thôi ấn tượng, mặt mũi là một bức tranh nham nhở.

 

Khúc ca trầm cảm bây giờ cũ rích và hết thời! Nghe là mệt! Nhìn ca sĩ kiêm tác giả còn mệt hơn! Không phải vỗ ngực xưng tôi, không phải tuyên ngôn mệt mỏi mà cũng chẳng cần im lặng giả vờ khiêm tốn! Còn có gì ngoài điệp khúc trầm cảm thì mang hết ra đây!


Tôi hát câm lặng. Bờ sông hiện ra bằng những màu sáng loà. Tôi không biết tô vẽ thêm gì cho những bức tranh của mình. Chỉ có những sắc màu đặc quánh quấn lấy cọ vẽ của tôi. Bật cười. Tranh này rẻ tiền bán nhiều trên đường Hàng Đào, Hàng Gai. Tranh này rẻ tiền không mang chút nội dung hay hàm ý nghệ thuật tử tế. Lại bật cười.


Cảm xúc non trẻ của tôi sinh ra tội nghiệp đến thế, có lỗi đến thế, rẻ tiền đến thế! 18 tuổi. Sinh viên năm nhất Kinh tế ứng dụng. Du học sinh ở Pháp. Thang điểm trung bình 12,5/20, đứng thứ hạng 30/90 trong lớp. Hàng ngày ngoan ngoãn đi giữa thư viện, giảng đường. Hàng ngày ngoan ngoãn tự nấu ăn, giặt giũ, đi chợ rau biết súplơ, bắp cải, cà chua, biết tự bổ sung vitamin C bằng 2 cân táo xanh bán rẻ. Hàng ngày ngoan ngoãn biết lùng sục đi tìm xem những chương trình nghệ thuật miễn phí, biết đi trông người tàn tật 6h/ tuần lấy tiền mua khung tranh, màu, xem phim đạt giải Cannes, mua báo và vào bar với bạn bè ngồi một góc uống chocolate nóng.


Bạn bè rủ hút thuốc, sao mày không hút thuốc? Tao không hút thuốc, không có lợi cho sức khoẻ. Sao mày không hút, buồn cuời, bọn tao hút vì thói quen, để xả stress, sao mày không hút, hút thuốc cho đỡ buồn mày? Tao không hút, năm 15 tuổi tao thử rồi, 1 năm tao chỉ hút 2 lần, bây giờ tao không thích hút nữa, hút thuốc không đỡ buồn, bọn mày đuổi nỗi buồn đi, còn tao giữ nó ở lại. Sao mày không hút thuốc? 18 tuổi. Lạc lõng trong bar với chocolate nóng.


Tôi nhìn thấy Dương lần đầu tiên năm 15 tuổi. Ngồi trong quán vụng về như một người mơ ngủ. Dương có đôi mắt đẹp và buồn đến nỗi, lần đầu tiên gặp Dương, lần đầu tiên nhìn vào đôi mắt Dương, tôi bật ý nghĩ đầu tiên rằng Dương là người tôi tìm kiếm, là người tôi chờ đợi.


Tôi ngồi nép lại, ngộp thở, nhìn Dương một quãng lâu. Không khí trong quán cafe Phố Cổ trôi như một cánh diều. Trong những phút giây ấy tôi không nói được gì. Năm tôi 15 tuổi non dại, vẫn cất dưới ngăn tủ truyện "Cánh buồm đỏ thắm" của Alexandre Grin. Vẫn ngồi hoang hoải từ từ uống ba cốc càfê trứng, đôi mắt hướng về Dương một cách không chủ ý. 18 tuổi, tôi vẫn non dại mua thêm truyện "Hoàng tử bé" của Saint Exupéry cất dưới ngăn tủ. Vẫn chờ uống đủ 3 cốc càfê trứng, thở mạnh, chờ Dương ghé thăm quán trong 3 năm. Vân vê chơi trò xé giấy định đoán số phận.


Lần thứ hai gặp Dương năm 18 tuổi. Dương đi một mình. Vẫn vụng về như một người mơ ngủ. Vẫn đôi mắt buồn và đẹp đến nỗi nước mắt tôi lại trào ra. Bật ý nghĩa đầu tiên Dương là người tôi tìm kiếm, là người tôi chờ đợi. Tôi thở mạnh. Tiến đến gần Dương. Tôi không biết nói gì. Dương không phản ứng gì. Im lặng. Tôi biết năm năm sau nữa, Dương cũng không biết nói gì. Không khí cánh diều trong quán cafe chao nhẹ. Tôi chỉ nhớ mình câu đầu tiên tôi nói hoàn toàn không ăn nhập với những gì tôi nghĩ "Anh có thuốc hút không?".


’2. Không thể hát được đâu điệp khúc trầm cảm những lúc thế này! Mày xử sự như một con điên! Áo ngực khoét sâu trông lố lăng, mất cả thuần phong mỹ tục! Không phải cứ thích bôi lăng nhăng, rồi đưa tý sex, tý nude vào mà là nghệ thuật! Không phải lên tiếng biện minh, không phải cười khẩy, không phải giả đò ngoan ngoãn! Khóc thêm nữa cũng không nhìn ra chân lý! Những điệp khúc trầm cảm qua thời gian là hết ngay giá trị! Còn có gì ngoài điệp khúc trầm cảm thì mang hết ra đây!Những bức tranh của tôi không mang bao giờ mang nổi một hình hài có thể đoán định. Khi vẽ, tôi thấy mình bẩt ổn, bất ổn từ những ngón chân bám vào đất mềm. Khi vẽ, tôi thường cởi giầy và mang trên mình bộ quần áo rộng nhất có thể. Hiệu ứng tâm lý bất ổn.


Tôi thường nhìn mình đáng thương sau mỗi lần không thể vẽ nổi những ý nghĩ chật căng trực bung ra ngoài. Những bức tranh bất ổn. Đàn hồi và di động. Tôi không thể tính toán trước mỗi lần cầm bút. Khi hứng thú muốn khoe với bạn bè những bức tranh mới hoàn thành, tôi thường ê a về những miếng vải bố vô dụng. Không thể may quần áo, không thể vẽ lại và không có tương lai. Khi bạn đang có một tương lai hoàn hảo thì những dự kiến bất trắc sẽ bị gạt ra ngoài. Như thế mới là một người thông minh.


Bạn bè Pháp thắc mắc tại sao tôi học Kinh tế Ứng dụng. Còn khi tôi đi du học, bạn bè trong nước ai cũng chúc mừng. 18 tuổi. Tôi biết thế nào là đánh đổi. Đến nhà ông bà nội, "Gia đình rất tự hào về con". Đến nhà ông bà ngoại, "Gia đình rất tự hào về con". Đến nhà bác, "Gia đình rất tự hào về con". Đến nhà cô, "Gia đình rất tự hào về con". Về nhà, "Gia đình rất tự hào về con". Thằng em tôi năm nay 8 tuổi còn thuộc lòng "Trong thời đại mới, kinh tế là ngành chủ chốt...".


Bạn nên hài lòng khi bạn đã làm tất cả mọi người hài lòng. Chỉ những bức tranh của tôi là lạc lõng. Tranh tôi hát lên bằng những gam màu không sắp xếp, nhộn nhạo - những gam màu biết thở dài... Giống cảm giác của tôi. Khi ba tôi về nhà treo trịnh trọng bằng khen "Gia đình văn hoá" trên tường với cái khoá quần còn kéo dang dở, lòi một ít vải trắng lót bên trong, tôi biết ông vừa từ phòng cô A hay cô B, cô C nào về, để thử nốt tất cả các tư thế ông tìm được trên các trang mạng.


Nhưng mà tôi nói làm gì, tôi làm gì có quyền nói, cả mẹ tôi nói làm gì, bố tôi là người thông minh, mẹ tôi biết không có cô nào lấy được xu nào từ ví tiền của ông, thế là mẹ tôi yên tâm, thế là mẹ tôi hài lòng, thế là mẹ tôi vẫn tung tẩy qua qua lại lại các beauty salon và các vũ trường dạy nhảy cổ điển. Tranh của tôi hát lên bằng những hình hài không đường viền. Tôi luôn đợi mình hét lên, hất tung những suy nghĩ bất ổn của mình. 18 tuổi. Lạc lõng với một cái máy tính nối mạng cùng Icon của Yahoo Messenger luôn để chế độ Invisible.


2 tháng nữa tôi đi du học. Tôi không cảm thấy tiếc nuối gì. Có Dương ở bên tôi. Tôi không có những hành trình cụ thể khi đi với Dương. Một giờ cố định, Dương nhắn tin, tôi ngoan ngoãn ở nhà ngồi đợi; ngày không nhắn tin, tôi đi lo nốt những việc lặt vặt cho cuộc sống du học. Tôi không bao giờ mở miệng chào Dương, Dương chỉ thích nắm lấy bàn tay tôi, tôi ngồi sau xe Dương và phó mặc. Không nhiều lời. Tôi có cảm giác mình có thể đi bất cứ đâu khi dựa vào tấm lưng gầy của Dương.Dương hay đưa tôi tới bãi sông. Bãi đất mềm và thơm. Tôi nằm dựa đầu, Dương xoa nhẹ mái tóc tôi. Dương hay kể về những kỷ niệm ngày thơ bé. Dương hay cười một mình. Đấy là nụ cười buồn nhất tôi được thấy. Tôi hay khóc khi nhìn thấy Dương. Tôi hay khóc khi nắm bàn tay Dương. Tôi hay khóc khi Dương xoa đầu tôi. Mỗi lần thấy mắt tôi nhoè nước, Dương lại hôn lên trán tôi.


Tôi không hiểu tại sao mình vẫn thấy bình thản khi nghĩ đến ngày đi học đến gần, ngày xa Dương đến gần. Tâm trí của tôi không sao tìm nổi một chút gợn sóng đấu tranh chống đối.

 
Ngày cuối cùng tôi ở lại Hà Nội, chiều chạng vạng tối, giữa những khóm lau cao vút mọc dày bên triền sông, Dương hôn lên môi tôi, hai bàn tay nhẹ lần cởi khuy áo sơmi tôi mặc. Tôi không ý thức mình đang làm gì, thấy tất cả chao nhẹ, với một nhịp điệu khoan thai như những câu chuyện Dương vẫn kể cho tôi nghe.


Khi Dương cởi nút cài chiếc áo ngực của tôi, tôi vẫn thấy mình bình thản. Khi khuôn mặt Dương cúi xuống chạm gần bầu ngực, không hiểu sao tôi bật khóc. Mái tóc xoà phía trước không che hết đôi mắt của Dương. Dương ôm gọn tôi vào lòng, chao nhẹ người như đang hát ru. Cứ như thế, Dương ôm tôi như qua hàng thế kỷ, thời gian như dài ra và dịu. Tiếng tôi nấc đứt quãng: "Em yêu anh...Em yêu anh...Em yêu anh...Em yêu anh...Em yêu anh...Em yêu anh..."...


’3. Không thể hát được đâu điệp khúc trầm cảm những lúc này! Tỏ ra thành tâm chiêm nghiệm ở tuổi mày là thứ mốt lãng nhách! Không cần phải kêu gào cô đơn, không cần khoe những thành tích điên dại vô nghĩa hiệu ứng đặc biệt của thứ cô độc thời thượng! Không phải xù lông tự bảo vệ mình bằng kiến thức non trẻ! Thời những điệp khúc trầm cảm qua rồi! Còn có gì ngoài điệp khúc trầm cảm thì mang hết ra đây!


Hai sắc màu tôi ưa thích là màu đen và màu đỏ. Tủ quần áo tôi mở ra rặt màu đen. Đứa bạn thân bên Pháp, Simon, mỗi sáng đứng trước cửa nhà tôi, hét toáng lên gọi đi học cùng "Woman in black ! It s time!" (Bà áo đen ơi, đến giờ rồi! - BT) nghe rất hình sự và buồn cười. Nó cao kều, ngộ nghĩnh, thông minh, rất có năng khiếu trong kịch nghệ và không thích con gái. Simon hay doạ và trêu tôi rằng nếu mày yêu một thằng đẹp trai, giỏi giang như tao thì mày cần kiểm tra ngay giới tính nó có vấn đề không.


Mỗi lần như thế, tôi lại hát bài hát "Ziggy, anh ấy tên là Ziggy, tôi như đang điên lên vì anh ấy, anh ấy không giống những người con trai khác, nhưng tôi yêu anh ấy và đó không phải tội lỗi, ngay cả khi tôi biết anh ấy sẽ chẳng bao giờ yêu tôi".


Simon rất hay quan tâm đến những ngày tôi bị rơi vào vùng không khí loãng, không cảm giác và có một đôi mắt vô hồn. Nó bảo mày làm gì thì làm nhưng mà đừng tự hành xác mình như năm 15 tuổi, tao sẽ giấu hết kim trong phòng mày, đừng nghe rock và đừng đâm kim vào những ngón tay, mày có mỗi đôi bàn tay này để vẽ.


Những ngày như thế, buổi tối, tôi nằm ngủ trên giường của Simon, khép mắt lại là thấy khuôn mặt của Du. Du là bạn gái thân của tôi hồi cấp 3, tự tử vì bị trầm uất. Nhưng Simon dường như đã quen với những ngày tôi mất trọng lượng, thành ra đúng ngày đúng giờ là có nhu cầu an ủi, có nhu cầu đưa tôi về nhà ngủ trên giường nó, có nhu cầu cho tôi uống nước siro chanh mát lạnh. Vì mỗi tuần, nó vẫn cùng tôi lùng sục đi xem 2 bộ phim - một trong những tác nhân khiến tôi luôn cảm thấy mình vỡ vụn.


Khi xem phim "Brokeback Moutain" của Lý An, chính nó là người bịt miệng tôi để chặn tiếng khóc oà tôi trực trào ra trong rạp. Tôi vẽ nhiều bức tặng Simon, toàn những bức mà theo nó nói "tao không nhìn ra mày vẽ con gì, đứa nào, thôi thì lúc tao thích ra cái gì thì nó sẽ ra cái đó, nói chung mày là họa sĩ trừu tượng hạng bét".


Tôi chỉ hay cười xoà, tôi biết nó vẫn thường đi khoe khắp nơi các tác phẩm của tôi và rằng nó là bạn của một nghệ sĩ. Những bức hoạ không lời và nham nhở. Tôi chưa bao giờ hết hứng thứ với đỏ, đen hay những gam màu khác, chỉ có màu vẽ thôi, chỉ màu sắc thôi, không sông, không núi, không nhà, không cây, không bầu trời, chỉ có màu và con người thôi. Gần đây, tôi quệt nhiều sắc trắng hơn, trắng như khuôn mặt của Du.


Tôi thấy Du đi theo tôi chậm rãi, hình thành cho tôi thói quen quay đầu lại sau vài bước chân. 18 tuổi. Lạc lõng trong cầu thang tối với khuôn mặt Du ở ngay phía sau lưng.


Tôi về nghỉ hè. Nhắn cho Dương. Dương bảo Dương không ở Hà Nội. 1 năm không nhiều thông tin liên lạc. Tôi gửi email. Gửi tin nhắn. Gửi thư tay. Dương hồi âm cho tôi 2 lần. Những điều ấy không quan trọng. Tôi thấy mình ngoan ngoãn. Không khác năm 15 tuổi thơ dại là mấy. "Cánh buồm đỏ thắm", "Hoàng tử bé" theo tôi sang Pháp, theo tôi về Việt Nam. Tôi chỉ ở lại Hà Nội có 1 tháng, thì tuần cuối cùng Dương nhắn tin, gặp tôi ở quán càfê cũ hai đứa gặp nhau lần đầu tiên.


Tôi lại ngồi thở mạnh, chờ đến cốc càfê trứng thứ 3 thì Dương xuất hiện. Dương. Vẫn đôi mắt buồn ấy, vẫn dáng vẻ vụng về ấy. Nhưng không hiểu sao lần này, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Dương đi với một người đàn ông khác, nhìn cũng vụng về. Tôi, trong thoáng chốc không hiểu lắm những gì sắp diễn ra với mình. Tôi vẫn ngồi ngoan ngoãn, chờ cái nắm tay chào dịu mềm của Dương. Nhưng Dương nắm tay người đàn ông kia.


Tôi không biết nói gì, bắt đầu từ đâu... Tư thế ngoan ngoãn không giúp tôi nhớ đủ chi tiết cuộc trò chuyện, tôi chỉ nhớ mang máng Dương giới thiệu người lạ mặt kia là bạn trai mới của Dương và hai người đang sống ở Sài Gòn. Khi Dương bỏ đi, Tôi lại thấy mình rơi vào vùng không khí loãng.Tôi vẫn ngồi yên bất động... Sau một nụ cười hắt, tôi đứng dậy và thấy xung quanh nhoè đi.


’4. Không thể hát được đâu điệp khúc trầm cảm những lúc này!


Tranh của tôi. Những sắc màu đặc quánh. Không hình hài nào đoán định được. Tôi không có quyền từ chối hay tước bỏ bản năng màu của mình. Tôi thây kệ nó ngô nghê. Tôi thây kệ nó vô nghĩa. Tôi thây kệ nó rẻ tiền. Nghệ thuật của tôi ngồi đau khóc cùng tôi trong không khí ẩm ướt của ngôi chùa.


Không thể hát được đâu điệp khúc trầm cảm những lúc này! Tôi muốn ngủ lặng đi một chút. Tan trong mùi hương trầm. Tan vào màu vàng của giấy đốt. Tan vào sự rộng lượng của Đức Phật. Giá như tôi cuộn người ngủ thế này được mãi mãi...


Không thể hát được đâu điệp khúc trầm cảm những lúc này!


Avignon (Pháp)

Trương Quế Chi
Số lần đọc: 2293
Ngày đăng: 27.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những ngày cuối năm tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập - Phùng Quán
Người mình - Nam Dao
Người Anh hùng bất tử - Đặng Thân
Có gió chuông sẽ reo - Ý Nhi
Linh Hồn - Đổ Minh Tuấn*
Bộ râu - Lê Anh Hoài
Phật ở lòng ta - Nguyễn Dậu
Chiếc lá hình giọt lệ - Quế Hương
Mây trắng còn bay - Bảo Ninh
Con Bần - Nhã Ca
Cùng một tác giả
Khúc trầm cảm (tuyển truyện)