Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
866
123.366.620
 
Đi một chuyến đáng một chuyến
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Năm nay tuyết rơi muộn hơn mọi năm, giữa tháng một tuyết còn sương sương tới đầu tháng hai tuyết mới bắt đầu tuôn xuống ào ào. Trời lạnh nhưng không gió, từ bến cảng tới hội quán trên ba cây số, nhưng Tuấn không gọi xe xuống đón, anh quyết đinh thả bộ để nhìn những bông tuyết bay và đáp nhẹ lên mặt đường vun lên một lớp dầy. Anh có thể bước đi trên lớp tuyết như đi trên tấm thảm nhung màu trắng. Ngoài trời lạnh, vô hội quán mua một ly rượu và một gói khoai tây chiên dòn, vô phòng vi tính có lò sưởi ấm, ngồi mở máy, lên lưới vừa nhâm nhi vừa đọc tin tức thế giới thì còn gì sướng cho bằng.

 

Nhưng khi anh bước vào hội quán thì đã chật ních người, phần đông là người Trung Hoa, họ xí xô xí xào và ào ào náo nhiệt như nhóm chợ. Hôm nào có thủy thủ Trung Hoa đổ bộ, thì từ giờ hội quán mở cửa cho tới giờ đóng cửa đố ai chen chưn được vô phòng vi tính và những phòng điện thoại. Thường thì mỗi người xài một máy nhưng người Tàu thì hai ba người chụm nhau chung một máy, cho nên cả chục đầu máy nhưng nhìn vô thấy lố nhố mấy chục cái đầu của người Tàu và mỗi phòng điện thoại một người gọi hai ba người đứng chận cửa. Hồi còn ở Việt Nam, Tuấn thấy hễ ai hào hiệp thì được người đời tặng cho biệt danh “Quân tử Tàu” và mỗi khi ngồi nhậu với khách phương xa, để cho tình bạn thêm gắn bó, người ta hay nói câu “Tứ hải giai huynh đệ”. Từ ngày rời xa đất nước cho tới nay hơn hai mươi năm trời, Tuấn đã lênh đênh khắp năm châu, bốn biển nhưng anh chưa gặp một người Tàu nào có thể gọi là quân tử, dù chỉ là một buổi nhậu trên bến lúc dừng chưn. Lên mạng, họ nhập vào mấy trang sex, ồn ào âm thanh dâm dục. Văn hoá rất là Tàu, một người chiếm được máy thì ngồi dính luôn đó, người nầy chơi xong kêu bạn bè lại tiếp tục chơi, mặc kệ cho mấy người tới trước ngồi chờ mút chỉ.

 

Tuấn đi qua phòng truyền hình cũng đầy nhóc người, không khí giống y chang rạp hát các anh ngồi trật tự ngay ngắn và im lặng theo giỏi tập phim Tây Du Ký của đài truyền hình Trung Hoa phát theo sóng vệ tinh. Tuấn nán lại xem đoạn Tề Thiên xuống long cung xin binh khí. Đợi lão Tề Thiên biến cây thiết bảng dần dần nhỏ lại còn bằng cây kim rồi lão vắt lên vành tai anh mới đứng dậy đi ra ngoài. Tuấn đi lại quày ba mua một chai bia, anh ngó quanh tìm chỗ ngồi nhưng không thấy ghế nào trống hết, đành đứng dựa lưng vô góc phòng vừa nhâm nhi vừa nhìn những sinh hoạt trong hội quán.

 

Ngoài nhóm thủy thủ Trung Hoa ra. Tuấn có thể phân biệt được người In Đô, Á Rập, Đông Âu và một số người Ấn Độ hoặc những người ở các nước láng giềng với Ấn Độ. Những thủy thủ Phi Luật Tân bày tiệc nhậu nhẹt cùng các cô gái đồng hương trông vui vẻ lắm. Tuy nhiên có một nhóm người nãy giờ anh ngỡ là người Tàu, nhưng để ý kỹ thì không thấy họ xí xô xí xào như những người Tàu lớp đứng lớp ngồi, không bày tiệc nhậu nhẹt như người Phi Luật Tân và những người ở Đông Âu, không ra vẻ tín ngưỡng như người Ấn Độ. Họ ngồi chiếm một bàn trong góc quán, người uống Cola, người uống nước suối hoặc nước trà cà phê và hướng mặt ra đám đông như thể quan sát mọi người. Nhìn họ anh thấy có một vài nét quen quen, cái nét quen thuộc trước đây anh đã gặp ở nhiều thủy thủ Việt Nam. Mỗi khi đổ bộ lên phố thì họ mang lỉnh kỉnh trên người máy quay phim, máy chụp hình điện tử và điện thoại di động, trông họ sang trọng không thua gì những con ông cháu cha trong nước đi ra nước ngoài du lịch. Nhưng khi vào quán thì ngơ ngơ, ngáo ngáo như người nhà quê học đòi lối sống của dân thành thị, gặp cái gì là lạ cứ mở to đôi mắt dòm lom lom. Thủy thủ người ta đi tới đâu họ cũng vui vẻ ăn chơi thoải mái. Hết công tra trở về nước, họ bắt tay từ giã và tin tưởng hẹn gặp lại lần sau. Còn thủy thủ Việt Nam gặp nhau một lần rồi không biết tới bao giờ mới gặp lại. Thật vậy, đã lâu lắm rồi Tuấn không còn gặp những thủy thủ trên chuyến tàu lần đó nữa.

 

Đêm nay thấy cử chỉ của nhóm người ngồi trong kia làm Tuấn tò mò, anh định tới gần lắng nghe coi họ trao đổi với nhau bằng thứ tiếng gì. Chợt Nino, nhân viên hội quán, hấp tấp dẫn theo một người, đi tới trước mặt anh.

 

– Ê Tuấn ! Người của mầy đây, hỏi coi anh ta cần gì, mầy giúp dùm, tao bận quá.

Nói xong Nino vội vã bỏ đi đâu đó. Người đàn ông khoảng trên bốn mươi tuổi, tay cầm tấm cạt điện thoại. Tuấn đoán chừng ông ta muốn nhờ chỉ cách gọi về nhà. Anh chìa tay ra bắt tay ông ta và nói bằng tiếng Việt:

– Tui tên Tuấn. Anh muốn gọi điện về nhà hả?

Ông ta nắm chặt tay anh gặt gặt và cái đầu cũng gặt gặt theo. Ông nói đặc sệt giọng miền Nam.

– Dà, dà.

Hình như ông quên cái ý định nhờ giúp đỡ. Không trả lời câu Tuấn hỏi mà lại nắm chặt tay anh lôi đi tới chiếc bàn trong góc.

– Anh nầy là người Việt nè tụi bây !

Cả bàn đứng dậy một lượt chào. Tuấn chào lại bằng cách chìa tay ra bắt từng người và hỏi tên, dĩ nhiên làm sao anh nhớ tên hết cả nhóm, anh chỉ nhớ cái ông nắm tay anh nãy giờ tên là Hùng và tên những người có thể nhớ được. Tổng cộng được mười một người. Anh đi lại quày mua bia bưng ra chia cho mỗi người một chai và mời nâng chai vô một cái. Để chai xuống anh khôi hài:

– Mười một người vừa đủ một đội banh, phải còn sớm rủ mấy anh Ba Tàu ra sân cỏ đá banh chơi.

Cả nhóm cười rộ. Người ngồi cạnh bên anh tên Quân lên tiếng hỏi:

 – Anh  là nhân viên hội quán hả?

– Hổng phải, tui cũng là thủy thủ như các anh vậy thôi.

– Thấy anh quen ở trong nầy quá.

– Tại tui tới lui đây thường.

– Anh đi tàu nước nào?

– Tui mần trên chiếc container của Hoà Lan.

Anh em yên lặng một lát rồi Cường, người ngồi đối diện hỏi:

– Hà Lan phải hông?

– Ðúng ra thì phải nói Hà Lan nhưng vì hồi trước ở miền Nam mình dùng chữ Hoà Lan, tui nói riết rồi quen miệng.

– Ðược đi tàu Hà Lan là ngon rồi, anh mần gì trên tàu.

– Đầu bếp.  

Hùng day ngang hỏi:

– Lương tháng khá hông anh?

Ở Âu Châu chuyện lương bổng là chuyện rất riêng tư, người nào muốn nói thì nói không muốn thì thôi. Ai không muốn người ta cho mình là mất lịch sự thì tốt hơn đừng nên hỏi chuyện lương bổng của người khác. Sống bên Âu Châu đã lâu  rồi, nghe hỏi bất ngờ làm Tuấn có hơi lưỡng lự. Nhưng thấy những đôi mắt của các bạn nhìn anh chờ đợi câu trả lời, làm anh bâng khuâng nhớ lại những ngày còn ở quê hương. Ngày ấy, anh lang thang kiếm ăn khắp miệt đồng bằng sông Cửu Long, mỗi lần gặp nhau trên một cánh đồng hay ngồi trong một quán lá nhà quê, anh cùng chúng bạn nhâm nhi ba xị đế, trao đổi chuyện gia đình và thăm dò lương bổng của nhau, nếu chỗ nào trả lương khá hơn chỗ làm hiện tại thì người nầy nhờ người kia giới thiệu cho làm, ngược lại chỗ người kia cao hơn thì giới thiệu lại cho người nọ. Luật lệ lương bổng ở Việt Nam ngày nay chưa được rõ ràng và giá lương cho công nhân cũng chưa được thống nhứt, tùy tiện chủ muốn trả bao nhiêu thì trả. Cũng có thể các bạn ở đây hỏi chuyện lương bổng theo tinh thần của những người nghèo tương trợ lẫn nhau. Tuấn  không ngần ngại nữa và trả lời rành mạch chuyện tiền lương của mình cho các bạn nghe.

– Mỗi tháng trừ thuế, bảo hiểm nầy nọ ra tôi còn được trên một ngàn bốn trăm euro.

– Anh đi  bao lâu mới được dìa nhà một lần?

– Tui đi ba tháng, dìa nghỉ hai tháng.

– Nghỉ ở nhà có lương hông anh?

– Có chớ, mỗi tháng họ vẫn chuyển tiền vô băng mình đều đặn. 

Nghe qua ai cũng trầm trồ nói quy chế như vậy là cao gấp ba họ rồi. Hùng chỉ tay qua hai người ngồi cạnh bên nói.

– Tui với hai người nầy đi hai năm rồi, định đi thêm một năm nữa mới dìa?

– Chậc, Tuấn nói, cuộc sống nào cũng có cái giá phải trả.

– Như anh vậy là sướng cha người ta rồi, còn gì trả nữa đâu.

Nghe anh bạn ngồi trong góc nói vói ra. Tuấn không dám nói thiêm, thiệt ra  lương bổng của anh so với các bạn thì anh không có gì phải phàn nàn hết. Tuấn day ngang hỏi Hùng:

– Hồi nãy anh muốn gọi điện về nhà hả?

Bây giờ Hùng mới nhớ lại:

– Phải rồi anh.

Hùng đưa ra tấm thẻ cầm trên tay nãy giờ:

– Mình gọi bằng cạt ở đây thì phải quây số nào?

– Nếu anh gọi di động thì gọi 0800..., Tuấn chỉ tay qua mấy phòng điện thoại trong hội quán, còn goi điện thoại trong nầy thì người ta có gài số sẵn trong máy, anh chỉ việc bấm nút có dán chữ seafarers, rồi sau đó lắng nghe và làm theo người hướng dẫn trên tổng đài.

Tuấn ngó lên chiếc đồng hồ treo trên vách tường, day lại nói:

– Bây giờ ở đây chín giờ vậy là ở Việt Nam mình hai giờ khuya.

Một người ngồi bên kia bàn nói vói qua:

– Giữa ở đây và Việt Nam cách nhau sáu giờ chớ anh.

– Anh nói đúng nhưng đó là giờ mùa hè, còn mùa đông thì cách nhau năm tiếng. Tuấn day qua Hùng

 – Vậy là bên nhà còn ngủ.

– Hổng sao, tui đánh thức ở nhà được mà.

– Anh có chuyện cần?

– Nghe bà chị nói thằng con tui đạp đinh sét rồi bị làm độc sao đó mà má nó hổng cho tui hay.

– Vậy thì gọi hỏi cho hết ấm ức.

– Nhưng gọi bằng di động với máy trong nầy cái nào rẻ hơn anh.

Tuấn hít một hơi, thở ra một cái:

– Nói thiệt với anh, khắp thế giới nầy không nước nào điện thoại mắc tiền bằng nước Việt Nam mình hết. Với tấm cạt nầy anh gọi qua In Đô hoặc Phi Luật Tân, nói chung các nước bên Châu Á thì được hơn bốn mươi phút, những nước Âu Châu thì được trên hai giờ, còn về Việt Nam anh gọi điện thoại trong nầy thì được mười lăm phút, gọi bằng di động thì được mười hai.

Hùng gãi gãi đầu:

– Tấm thẻ mười euro mà gọi chỉ được mười mấy phút thì nói được con mẹ gì. Tuấn cười một cái, pha giọng tiếu lâm: 

– Thì hỏi thăm, má sắp nhỏ khoẻ hông? Ở bên nhà nói lại,  khoẻ hết mình ơi, tui nhớ mình quá chời quá đất. Bao nhiêu đó cũng đỡ nhớ má sắp nhỏ rồi, nhưng trước khi chấm dứt đừng quên nói nhỏ, mình cho tui hun một miếng ha ha...

Mọi người cười ồ lên. Chờ mọi người dịu xuống, Hùng day qua:

– À, cái anh nầy chắc gọi về má sắp nhỏ thường lắm phải hông?

– Dĩ nhiên, dĩ nhiên tui ở Hoà Lan mà, một tấm cạt tui gọi được hơn hai giờ đồng hồ, mỗi tuần tui gọi về má nó ba bốn bận hun mòn hết mấy cái điện thoại rồi đó.

Hùng nhìn ra phòng điện thoại, thấy mấy anh Ba Tàu còn lố nhố đứng chờ.

– Mẹ, đông nghẹt như vầy thì biết chừng nào mới tới phiên mình.

Tuấn chỉ cái điện thoại di động Hùng mang trên người.

– Thì lấy di động gọi, rẻ hơn có ba phút mắc gì phải chờ.

– Cái nầy ở đây xài hổng được mới chết chớ.   

Tuấn lần túi móc điện thoại của mình ra đưa cho Hùng:

– Nè, anh gọi về dựng má sắp nhỏ dậy, bắt phải trả bài, nhưng hun gió thôi, chớ hun vô máy mòn máy của tui phải mua cái khác thường đó nghen.

Thêm  một tràng cười nữa. Hùng hỏi cách gọi một lần nữa rồi cầm máy đi qua góc ít người, đứng bấm số gọi về nhà. Lúc đó có một người con trai trong phòng vi tính bước ra kêu Cường vô chơi vì có một người đã chơi xong. Té ra không phải chỉ có nhóm người Tàu dành độc quyền chơi máy mà có cả phe ta nữa, giữa ta và Tàu trong cái dị biệt cũng có cái tương đồng. Ngó thấy nhiều người ngồi sắp lớp chờ từ nãy tới giờ. Tuấn áy náy dùm các bạn, muốn nói vài câu cho anh em biết chút ít về phép giao tiếp ở xứ người, nhưng chưa biết dùng lời lẽ nào cho khỏi mích lòng người mới gặp. Chợt Cường chỉ tay qua Tuấn nói với anh mới ra:

 – Kêu thằng Thắm ra đây nhậu, có anh Tuấn người mình đi tàu Hà Lan đây nè.

Tuấn đứng lên bắt tay và anh ta giới thiệu anh tên là Hậu. Lâu lắm rồi Tuấn mới gặp một nhóm rặt người miền Tây, làm anh có cảm tưởng như sống lại cái thời xa xôi ấy. Anh đi lại quày mua thêm bia bưng ra chia cho anh em và đưa cho Hậu hai chai.

– Nè uống chơi cho vui, anh vô đưa dùm anh gì đó một chai và nói với ảnh, nếu muốn đọc tin thì in ra giấy đem xuống tàu nằm đọc cho sướng. Nếu muốn coi mấy em sexy thì qua phố toàn em thứ thiệt ngồi, nằm lủ khủ mặc sức mà coi, mình nhường máy lại cho anh em khác, biết đâu anh em cần đọc thư hay gởi thư dìa gia đình.

– Ủa, mình in được hả anh.

– Thì cái máy in nằm chình ình ở trong góc phòng đó, in miễn phí, bao nhiêu cũng được, nếu hổng đủ giấy thì hỏi nhân viên xin thêm.

– Vậy để tui vô nói với thằng Thắm.

Hậu đi vô rồi Tuấn day ra nói với anh em:     

– Ngày mai các anh còn ở đây hông?

– Còn anh.

– Vậy thì nhắn với bên nhà trưa mai lên mạng chat cho đỡ tốn tiền.

Một anh hỏi:

– Mình nói chuyện qua msn được hông anh?

– Nếu anh dùng laptop nói chuyện qua msn, hoặc nối đường Skype hay voip cheape thi trả mỗi giờ hai đô rưỡi, còn dùng máy trong hội quán thì miễn phí nhưng chỉ được chat, gởi thư hay đọc tin tức trên mạng.

Lúc đó tự nhiên ở đâu Nino xuất hiện, hắn khoa tay:

– Chào tất cả! Mọi người vui vẻ hả.

Cả bàn đưa ngón tay cái lên gặt gặt

– Yes sir!

Tuấn day qua Nino:

– Ê Nino, nãy giờ tao làm việc dùm mầy, mầy phải trả công cho tao.

– Ô kê.

Nó bỏ đi vô trong. Một người hỏi:

– Nó là người gì?

– Phi Luật Tân.

Tưởng nói chơi ai ngờ Nino làm thiệt. Nó vô trong một lát trở ra với một mâm bia đầy. Nó chia bia cho mỗi người một chai và phần nó cũng một chai.

– Cái nầy tui đãi các bạn.

Nó bưng chai lên cùng mọi người ực một hơi hết chai nó để xuống và chào các bạn, nó tiếp tục đi làm công chuyện.

Tuấn nói: 

– Người Phi Luật Tân tánh tình hao hao giống người mình.

Không khí trong bàn bắt đầu hào hứng và Tuấn bưng mâm lại quày lấy thêm bia.               

 

Chuyện gì cần giúp coi như Tuấn đã giúp xong và cần nói anh cũng đã nói hết rồi. Bây giờ tới phiên anh ngồi lắng nghe anh em. Theo lời anh em thì bây giờ nước nhà có dịch vụ tìm việc. Người nào không có tiền trang trải trước thì được ngân hàng nhà nước cho mượn... Đại khái những câu chuyện như vầy Tuấn đã nghe qua nhiều người Việt ra nước ngoài lao động, từ bờ ra tới biển, mười người như một, họ kể giống y như nhau. Thường thì họ than phiền những dịch vụ lấy tiền của họ quá nhiều, buộc lòng họ phải vay nợ nhà băng hàng ngàn đô, số nợ đó ra ngoài nầy làm cả năm trả vẫn chưa hết.

 

Hơn hai mươi năm qua Tuấn làm việc chung với dân lao động của nhiều quốc gia khác nhau. Anh biết có nhiều dân nước khác, họ tự xin việc làm ở bất cứ quốc gia nào, sau đó xin chiếu khán xuất cảnh thì được quyền đi. Vé máy bay và chi phí ăn, ngủ dọc đường thì được công ty đưa việc đài thọ. Ngoài ra họ không phải đóng một khoản tiền nào khác. Nếu việc làm qua phòng lao động thì người môi giới lấy phần trăm theo giá qui định – khoảng năm tới mười phần trăm theo số lương của người lao động – lỡ công nhân bị sa thải thì họ lo tìm việc khác cho làm. Những dịch vụ ở Việt Nam nghe nói chỉ dành giúp cho những gia đình nghèo, nhưng họ lại tác động quảng cáo bằng cách người nào muốn xuất ngoại phải thi tuyển chọn, làm công mà phải đi thi như thi vào đại học. Người nào trúng tuyển phải trả từ hai ngàn tới năm ngàn đô cho mỗi chuyến đi. Giá cả thì được dịch vụ qui định tùy theo chức vụ, nghề nghiệp và tùy nếp sinh hoạt của quốc gia nhận nhận người. Nhưng ra nước ngoài rồi, có công ty sửa lại hợp đồng, giảm bớt quy chế và có những nơi hàng tháng trời công nhân không có chuyện làm, không lương bổng, không tiền ăn, vậy mà chẳng thấy ma nào tới giải quyết.

 

Hùng điện thoại xong, đi lại đưa máy cho Tuấn và nét mặt vui tươi khoe, bà xã và mấy nhỏ ở nhà vẫn khoẻ, còn thằng con trai đạp đinh sét đã tai qua nạn khỏi. 

– Vậy thì yên tâm rồi, Tuấn nói, thủy thủ tụi mình đôi khi cũng khổ, vợ con ở nhà bịnh thì mình ở dưới tàu cũng bịnh theo.

– Thì vậy.

Lúc đó Hậu và Thắm đi ra, Thắm bắt tay chào Tuấn. Thấy trên bàn hết bia anh bưng mâm đứng dậy định đi lại quày mua bia thêm. Hùng giựt chiếc mâm:

– Anh trả mấy bận rồi, bận nầy để tụi nầy trả chớ.

Hùng bưng mâm đi lại quày lấy bia. Tuấn không dành làm gì, đó cũng là phong cách sòng phẳng của người miền Nam. Thắm đưa Tuấn cây viết, cuốn sổ tay và hỏi xin địa chỉ công ty của anh đương làm. Thắm nói là sẽ đưa địa chỉ cho dịch vụ nhờ họ xin việc qua Âu Châu. Tuấn ghi địa chỉ xong và đưa cuốn sổ tay lại cho Thắm:

  Tạm thời tui có địa chỉ của hãng tàu tui thôi, chừng nào rảnh tui sẽ lục danh sách địa chỉ của những công ty tàu khác rồi tui sẽ gởi mail cho.

Tuấn đứng lên đi lại quày hỏi xin miếng giấy trắng, trở lại để lên bàn và hỏi:

– Anh em nào muốn thử xin việc qua Âu Châu thì cứ ghi địa chỉ e-mail vô đây, mai mốt tui gởi địa chỉ các công ty tàu cho. Mình có địa chỉ rồi thì tự gởi thư xin việc, cần gì phải nhờ qua dịch vụ cho mất công tốn tiền.

Thắm nói:  

– Em sợ họ hổng chịu. Còn nhà nước thì sợ mình đi được rồi trốn luôn cho nên bắt phải qua dịch vụ cho chắc ăn.

– Nước mình đã gia nhập WTO rồi tương lai ai cũng được tự do xuất ngoại lao động. Khi mình được việc rồi thì giới thiệu cho anh em khác, anh em khác được việc giới thiệu cho anh em khác nữa... 

Lúc đó Hùng bưng bia ra và chia bia cho mọi người xong, anh day qua nói với Tuấn.

– Anh ở nước ngoài lâu rồi hổng biết nên mới nói vậy. Tui biết có nhiều người xin được việc ở nước ngoài, nhưng khi làm thủ tục xất cảnh thì họ chỉ qua phòng lao động. Anh nghĩ coi, cái hạng lòng tong lột chốt như tụi nầy tới chỗ nào cũng phải xì tiền ra, vậy mà đôi khi cũng chẳng được gì ráo, tiền mất tật mang, tốt hơn hết giao dịch vụ làm cho nó lẹ.

 

Tuấn cảm thấy trong lòng nhen nhúm một nỗi buồn, anh hít vô và thở ra một cái. Không hiểu vì sống trong một đất nước lúc cần làm đơn từ thì phải chạy hết cơ quan nầy qua cơ quan nọ, xin xỏ riết rồi quen hay vì một nguyên nhân nào tác động đến đỗi quyền lợi tự mình tìm được cũng phải đưa qua tay người khác rồi tới chầu chực xin trở lại. Xa quê hương đã lâu anh không hình dung nổi đất nước anh giờ ra sao. Nói chuyện với đồng hương cả buổi mà anh chỉ hiểu được lờ mờ. Đành rằng xã hội tân tiến nào cũng cần có những văn phòng môi giới để tạo điều kiện dễ dàng cho những người lao động chưa quen cách xin việc. Nhưng dịch vụ thay đổi giá cả làm sao cho phải chăng để người công nhân xa nhà thu ngắn ngày về lại với gia đình và để họ được yên tâm mỗi khi cất bước lên đường. Là công nhân làm việc xa quê hương cũng như thủy thủ tàu viễn dương, nỗi nhớ gia đình và những người thân còn nặng hơn mớ hành trang họ mang theo mình, đã vậy còn phải cõng thêm số nợ kết xù đến đỗi không dám nghĩ tới ngày về  khi hợp đồng đã hết.

 

Như đêm nay, ngay trong bàn nầy, có ba anh đi trên tàu đã hơn hai năm rồi mà vẫn chưa về nước. Hỏi ra thì mấy anh thở dài ngao ngán:

– Chậc, mỗi lần đi là mỗi lần làm giấy tờ lại,  hao tốn lắm anh à. Thôi thì đi một chuyến cho đáng một chuyến.

 

Ði một chuyến cho đáng một chuyến! Chuyện chẳng giống dân nước nào hết. Những thủy thủ Phi Luật Tân, In Đô và nhiều thủy thủ ở quốc gia khác, họ đi chín tháng về nghỉ vài ba tháng so với thủy thủ Châu Âu như vậy cũng khá lâu rồi. Huống hồ chi mấy anh Việt Nam ta lẩn quẩn trên tàu ngót hai ba năm, thỉnh thoảng có dịp ghé bến đổ bộ lục lạo tìm đồ rẻ mua dự trữ, vô hội quán thì làm bạn với mấy cái mạng sex... Cái đà nầy khi trở về nước phải đi thẳng vô dưỡng trí viện để điều trị tâm thần là cái chắc.

 

Baltic zee tháng 2- 2007

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3770
Ngày đăng: 04.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðêm diễn cuối cùng - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Triệu Vũ Đế - Trương Thái Du
Những người đàn bà gánh tro - Nguyễn Hiệp
Một câu chuyện … - Ngữ Yên
Ðám Cưới - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Lái lợn - Lê Xuân Quang
Điện thoại của mẹ - Ngữ Yên
Lão Hợi - Vũ Ngọc Tiến
Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ - Đào Phạm Thùy Trang
Bếp của người nguyên thuỷ - Nguyễn Thanh Mừng
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)