Nếu như Khánh Hoà có một trữ lượng văn hoá dân gian khá phong phú và đa dạng như đã từng được phát hiện và công bố thì tư liệu văn học thành văn thời kỳ trước năm 1930 của vùng đất này lại rất hiếm hoi và hoàn toàn vắng bóng trong các bộ hợp tuyển và lịch sử văn học. Tuy vậy, đặc thù của một tỉnh duyên hải với cảnh quan thiên nhiên non nước thơ mộng, hữu tình đã khiến cho các tác giả - đa số là các nhà Nho hoặc các quan lại - dù là người địa phương hay ở nơi khác đến làm việc, đều không khỏi rung động viết nên những tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp của con người và vùng đất này. Tuy số lượng sưu tầm còn quá ít ỏi, những bài thơ giới thiệu dưới đây đều có thể xem là của hiếm, rất đáng trân trọng và gìn giữ.
ĐẶNG VĂN HOÀ (1791 - 1856)
Tự Lễ Trai, người làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đỗ cử nhân năm Gia Long thứ 12 (1813), ra làm quan rất sớm, là một vị đại thần nhiều công trạng của triều Nguyễn. Ông đã từng giữ chức Thưọng thư 5 bộ của triều đình, làm Tổng Đốc nhiều tỉnh quan trọng trong Nam ngoài Bắc, phụ trách Viện Hàn Lâm, làm Tổng tài Quốc Sử quán, chủ biên bộ “Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, dạy học cho vua Tự Đức, tham gia Viện Cơ mật dưới các triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức.
QUÁ KHÁNH HOÀ
Hải tự đới hề sơn tự khâm
Khánh Hoà cảnh sắc cổ như kim
Thôn cư đoạn tục đa không xứ
Lâm lộc tì liên tận giới tâm
Mã lĩnh(1) Tượng nham(2) phi thậm hiểm
Chư đề hổ tích mỗi tương tầm
Phong khinh mai dịch hành trần tĩnh
Tận bả phong quang phổ nhất ngâm.
Dịch thơ:
QUA KHÁNH HOÀ
Biển tựa đai lưng núi vạt dài
Khánh Hoà cảnh sắc trước như nay
Xóm thôn đứt nối sao hoang vắng
Rừng rú giăng liền đáng ngại thay
Núi Ngựa đèo Voi chưa hiểm lắm
Móng heo vết hổ thoáng đâu đây
Trạm mai gió nhẹ đương im bụi
Thu cả phong quang vịnh khúc này.
(1)Mã lĩnh: đèo Cổ Mã ; (2)Tượng Nham: núi Rọ Tượng (các địa danh ở Bắc Khánh Hoà).
TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ (1794 -1865)
Tự Diên Phương, hiệu Đoan Trai, còn có hiệu là Quảng Khê, người huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão (1819). Cuộc đời làm quan nổi tiếng của ông trải suốt 3 triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, luôn được giữ những trọng trách lớn trong triều đình. Ông từng làm Tổng tài biên soạn bộ quốc sử “Đại Nam thực lục”. Tác phẩm có “Trương Quảng Khê tiên sinh tập” khắc in năm Tự Đức thứ 10 (1857). Trong lời tựa ở đầu sách, nhà thơ Tùng Thiện vương Miên Thẩm đã sánh tác phẩm này với vẻ đẹp của “viên ngọc châu điểm dưới cổ con lân, con rồng”, còn Phan Thanh Giản thì nhận xét ”đọc mãi không biết mỏi mệt”!
CÙ HUÂN VÃN BẠC
Dương phàm nhất lộ quá kỳ xuyên
Trực sử Cù Huân(1) tiểu hạm thuyền
Trấn lãng hải trung tam đảo thạch
Kết mao sơn hạ kỷ thôn yên
Doanh sinh tác nghiệp kiêm tiều điếu
Hạo thuỷ y sa liệt thị yêm
Mãi đắc tân phôi hô chúng ẩm
Khai nhiên cộng tuý tịch dương tiền.
Dịch thơ:
CHIỀU ĐẬU THUYỀN BẾN CÙ HUÂN
Buồm căng phơi phới nẻo kỳ xuyên
Thẳng tới Cù Huân một mảnh thuyền
Đè lớp sóng xô hòn núi dựng
Mờ chân non thẳm khói thôn lên
Đốn củi giăng câu nghề đổi vặt
Cát bồi sóng táp chợ xoay phiên
Rượu mới vừa mua kêu bạn uống
Hoàng hôn đang xuống hãy say mèm.
(1)Cù Huân: cửa biển Nha Trang
NGUYỄN TƯ GIẢN (1823 - 1890)
Tự Tuân Thúc, hiệu Vân Lộc và Thạch Nông. Đỗ tiến sĩ, làm quan ở Nội các, có đi sứ Trung Quốc. Ông nổi tiếng hay thơ.
TỐNG TỶ BỘ NGUYỄN HY PHẦN(1) DỰ CÁO QUY KHÁNH HOÀ
Thư kiếm quy triều mấn vị ban
Bệnh trung hương tĩnh vạn trùng san
Tâm đồng Thân Tử y tường khốc
Thân tự Tương Như bổng bích hoàn
Đại Lĩnh văn viên cô nguyệt hạ
Nha Trang xạ hổ loạn vân gian
Khả kham cực mục nam phi nhạn
Chính thị Hoàng hoa bắc xuất quan.
Dịch nghĩa:
THƠ TIỄN ÔNG HY PHẦN Ở BỘ HÌNH
CÁO QUAN TRỞ VỀ KHÁNH HOÀ
Ôm sách cắp gươm về triều khi mái tóc chưa bạc
Trong lúc ốm nhớ cảnh quê hương cách xa muôn dãy núi
Lòng không khác Thân Bao Tư dựa tường mà khóc
Thân cũng giống Lạn Tương Như mang ngọc trở về
Đi qua núi Đại Lãnh nghe vượn kêu dưới ánh trăng lạnh
Ở đất Nha Trang bắn cọp trong đám mây lồng
Khốn nỗi đương khi con nhạn bay về phương Nam xa tít
Thì cũng chính đó là lúc ta hát thiên Hoàng Hoa đi ra ải Bắc.
(1)Hy Phần: tên chữ của Nguyễn Thông, bạn thân của tác giả.
NGUYỄN XUÂN ÔN (1825 – 1889)
Hiệu là Ngọc Đường. Tuổi trẻ đã có chí, tư chất thông minh nhưng lận đận vòng trường ốc, mãi 45 tuổi mới đỗ tiến sĩ. Làm Tri phủ Quảng Ninh (Quảng Bình), đốc học Bình Định rồi Án sát Bình Thuận. Vốn người cương trực, yêu nước, có tinh thần chủ chiến, phản đối chính sách hoà nghị của triều đình, nên sau bị cách chức. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông mộ quân chống Pháp tại quê nhà. Bị giặc bắt, đưa về giam lỏng ở Huế, sau lâm bệnh nặng rồi chết ở đó.
QUÁ KHÁNH HOÀ ĐIỂN NÔNG DINH CHI TÁC
Trượng nguyên đồn thượng trước luân cân
Khả thị Long Trung bỉnh trĩ nhân
Cố lý cúc tùng tam kính cổ
Tan dư hoà mạch nhất lê xuân
Tu tri ngưu độc năng thành ấp
Hưu tín sài lang khả tác lân
Tích nhật chẩm qua nhân dĩ lão
Thử gian không hữu bách khuân trần.
Dịch thơ:
LÀM KHI QUA DINH ĐIỂN NÔNG Ở KHÁNH HOÀ
Ngưòi quấn khăn xanh trên Ngũ Trượng
Phải người cày ruộng đất Long Trung
Cúc tùng quê cũ rày trơ luống
Ngô lúa đồi hoang đã rợp đồng
Trâu nghé góp nên thôn ấp đẹp
Sói lang đừng để láng giềng chung
Xưa người gối giáo nay già hết
Chỉ thấy còn đây trăm đụn không.
NGUYỄN THÔNG (1827 - 1884)
Tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am. Đỗ cử nhân, làm việc ở Nội các. Khi Pháp đánh Gia Định, ông tình nguyên tòng quân về Nam chiến đấu. Sau khi 6 tỉnh Nam Kỳ bị mất, ông lánh ra Bình Thuận, rồi làm Án sát Khánh Hòa, về Kinh làm Biện lý bộ Hình, sau làm Bố chánh Quảng Ngãi. Trong thời gian làm quan, ông có nhiều đóng góp về kinh tế (khai hoang, thuỷ lợi, trồng trọt). Sự nghiệp trước tác của ông rất phong phú, bao gồm nhiều tác phẩm văn học và học thuật.
KHÁNH HOÀ ĐẠO TRUNG
Đồng trụ tồi tàn thập lục triều
Thiên Y(1) cổ tháp ỷ tằng tiêu
Sơn bàn hương thụ chung kỳ khí
Hải phách huyền nham tiết nộ triều
Nhất lộ tùng hoàng kiêu hổ báo
Sổ gia yên hoả tập ngư tiều
Chiêm Hoàn di tích không hồi thủ
Vân lý thê điền trạc thử miêu.
Dịch thơ:
GIỮA ĐƯỜNG QUA TỈNH KHÁNH HOÀ
Cột đồng đổ nát chuyện xưa rồi
Tháp cổ Thiên Y đứng chọc trời
Rải khắp kỳ nam hương lạ đọng
Chém phang vách đá nước triều xuôi
Tung hoành hổ báo tre đầy nẻo
Xen kẽ ngư tiều khói mấy hơi
Dấu cũ vua Hời nhìn ngoảnh lại
Ruộng thang mạ nếp cắm nơi nơi.
(1)Thiên Y: tức Thiên Y A Na Thánh mẫu, cách người Việt gọi nữ thần Pô Na-ga của người Chăm, từ bao đời nay được cả người Chăm lẫn người Việt thờ tại Tháp Bà trên núi Cù Lao bên cửa sông Cái Nha Trang
TRƯƠNG GIA MÔ (1866 - 1929)
Tự Sư Thánh, hiệu Cúc Nông, biệt hiệu là Hoài Huyền Tử, quê ở Bình Dương, Gia Định. Ông trải qua thời niên thiếu ở Bình Thuận khi thân phụ nhậm chức Tuần phủ Thuận Khánh. Năm 1892 ông được bổ dụng làm Thừa phái bộ Công. Sau đó ít lâu ông từ quan, cùng bạn là Nguyễn Lộ Trạch về Nam tính chuyện xuất dương nhưng việc không thành. Những chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp từng vào Bình Thuận tiếp xúc với ông. Năm 1908 ông bị giặc bắt giam một thời gian ngắn ở ngục Khánh Hoà vì tham gia phong trào kháng thuế ở Trung kỳ. Từ năm 1910, ông vào Nam ở luôn cho đến cuối đời, liên lạc hoạt động với nhiều nhân sĩ yêu nước. Cuối năm 1929, do những bế tắc cùng cực trong tư tưởng, ông đã lên núi Sam (Châu Đốc) gieo mình tự vẫn.
TOẠ HỆ KHÁNH HOÀ THU DẠ LỮ
LƯƠNG THÚC KỲ TIỂU ẨM KHẨU CHIẾM
Cô thành sơn sắc tứ chu vi
Cổ thác thanh thanh cánh lậu trì
Kỷ nguyệt câu tù dư hạnh phúc
Bán sinh tư tưởng khởi hy kỳ
Nhiệt trường giới tưủ kim nhưng tuý
Đoản mấn phùng thu mộng diệc bi
Mạn hướng giai tiền chiêu tố nguyệt
Viễn thiên nan vấn lập đa thì.
Dịch thơ:
ĐÊM THU NGỒI TÙ KHÁNH HOÀ, NHẮM RƯỢU CÙNG
LƯƠNG THÚC KỲ, NHÂN ĐÓ LÀM NHẨM BÀI THƠ NÀY
Thành côi sắc núi tứ chu vi
Tiếng trống sang canh phút kéo trì
Mấy tháng ngồi tù dư hạnh phúc
Nửa đời nghĩ lại cũng là kỳ
Nóng lòng kiêng rượu nay còn uống
Mai ngắn gặp thu mộng lại bi
Ngó khắp sân thềm vời bóng nguyệt
Trời cao khó hỏi ngó như si.
HUỲNH THÚC KHÁNG (1857-1947)
Hiệu Minh Viên, người tỉnh Quảng Nam. Là một trong những nhân vật chủ đạo của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 13 năm. Cách Mạng tháng Tám (1945) thành công, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ rồi quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Hồ Chủ tịch sang Pháp. Ngoài thơ văn đăng trên báo Tiếng Dân do ông chủ trương, ông còn tác phẩm “Thi tù tùng thoại”.
ĐIẾU TRẦN QUÝ CÁP
Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn
Nhất quan thác lại vị thân tồn
Trực tương tân học khai nô luỹ
Thuỳ tín dân quyền chủng hoạ côn
Bồng Đảo xuân phong huyền viễn mộng
Nha Trang thu thảo khấp anh hồn
Khả liên nhất biệt thành thiên cổ
Đà Nẵng phân khâm tửu thượng ôn.
Dịch thơ:
VIẾNG TRẦN QUÝ CÁP
Gươm sách xăm xăm tách dặm miền
Làm quan vì mẹ há vì tiền
Quyết đem học mới thay nô lệ
Ai biết quyền dân nảy hoạ nguyên
Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng
Chia tay chén rượu còn đang nóng
Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
(sưu tầm - giới thiệu)
Thư mỤc tham khẢo:
- Phạm Tuấn Khánh, Thơ của Lễ Trai Đặng Văn Hòa, Tạp chí Nha Trang số 32/1995.
- Trương Đăng Quế, Trương Quảng Khê tiên sinh tập.
- Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX, NXB Văn Học Giải Phóng 1976.
- Ca Văn Thỉnh - Bảo Định Giang, Nguyễn Thông, con người và tác phẩm, NXB TP Hồ Chí Minh 1984.
- Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại.
- Nguyễn Nam, Cụ nghè Trương Gia Mô, NXB Tổng hợp An Giang 1989.