Năm năm rồi, thành định kỳ thời gian của một mỹ tục mới, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức như một lễ hội hoành tráng ngày càng được định hình ở Đồi Thi Nhân. Năm năm rồi, chẳng những tâm trạng hồi hộp, đón đợi, mời gọi, hành hương chỉ có ở người làm thơ mà còn ở những người yêu thơ cùng công chúng bốn phương trời. Dường như ngọn Đồi Thi Nhân hết sức vui mừng và cảm động khi được đón tiếp những gương mặt, những ánh mắt, những bàn tay nồng ấm và tin cậy, những tấm lòng đầy nhiệt huyết với thơ. Đồi Thi Nhân thuộc khu di tích Ghềnh Ráng Tiên Sa là địa điểm lý tưởng. một thắng cảnh Quy Nhơn, núi nhoài ra sát mép biển. Từ sáng sớm đến tận khuya lơ của ngày Rằm tháng Giêng, du khách nam phụ lão ấu trong và ngoài tỉnh, kể cả ngoài nước tấp nập đổ về. Ngày Rằm của thiên nhiên với trăng thanh gió mát, Ngày Thơ của xã hội với vần điệu thi pháp dung chứa tâm hồn cốt cách của dân tộc, xứ sở, đã hội tụ giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình và có sức cuốn hút mãnh liệt người yêu thơ khắp nơi.
Mỗi năm, Ngày Thơ Việt Nam ở miền đất võ đều thay đổi chủ đề đề tài, nhưng tựu trung đều hướng vào không khí tôn vinh thơ, tìm kiếm trong thơ Việt tâm hồn và cốt cách của một dân tộc một đất nước đã đi qua bao nhiêu giông bão của lịch sử, khôn xiết đoạn trường lẫn vinh hoa. Chắc chắn, hành trình của Thơ Việt không hề cách bức với hành trình của lịch sử Việt và nếu ví lịch sử Việt như một dòng sông thì hãy hình dung thơ ca Việt không xa rời tiết điệu của nguồn của mạch, của ghềnh của thác, của sóng của gió, của cao vời và của thẳm sâu! Trong tiết điệu đó, dù một tiếng nói nhân danh thần linh của một danh tướng hay một nhành mai trước cửa chùa của một thiền sư, vệt bùn dưới chân ngựa đá trong mắt đấng quân vương hay tình thư phong kín tàu lá chuối của trang hàn mặc, vầng trăng xẻ đôi của khách hồng nhan hay vùng cát trắng cồn rêu xanh của kẻ chinh phu, chiếc quạt của bậc nữ lưu hay mảnh thuyền câu của người khoa bảng, tiếng thét vận động duy tân của một nhà ái quốc hay tâm sự trong ngục lạnh của một bậc vĩ nhân, con nai vàng ngơ ngác hay sắc hoa tigôn bâng khuâng, mắt người yêu trong nỗi nhớ đêm dài hành quân hay đầu súng ngửi trời giữa heo hút cồn mây, vân vân... và vân vân..., tất cả đều vô giá trong gia sản tinh thần mà nếu thiếu vắng đi, người Việt hiện đại sẽ cô đơn biết dường nào! Không thể kể xiết hết những giọt phù sa của thơ, những dòng ánh sáng của thơ làm cho tinh thần Việt, tính cách Việt tâm hồn Việt dồi dào, mẫn tiệp, tinh tấn. Nhưng có điều, người Việt hiện đại hữu tâm với lịch sử văn hóa đất nước sẽ vô cùng biết ơn những danh gia thi sĩ trong các thời đại, họ là chứng nhân có hình nét của nghìn năm văn hiến, dù họ khoác hoàng bào hay áo cà sa, là nguyên soái hay lính thú, là trạng nguyên hay một người suốt đời lận đận với lều chõng, là bậc khai quốc công thần vào ra cung khuyết hay vị ẩn sĩ chốn thâm sơn cùng cốc, là kẻ yên hàn thú điền viên hay người xông pha chốn hòn tên mũi đạn, bậc mày râu hay khách má hồng, bô lão hay thần đồng..., tên tuổi họ sẽ trường tồn cùng những vần thơ kết tinh tài hoa và đức độ, phong vận của nòi giống Tiên Rồng.
Đối với người Bình Định, thơ vẫn là hành trang không thể thiếu trên gồng gánh lịch sử, ở đây vẫn trong cơ thể Việt với đặc thù của nơi hợp lưu giữa ngai vàng và bùn đất, vua quan và thảo dân, kinh kỳ và thôn dã, thần tiên và phàm trần... Những nhà thơ bản địa có thể hỏi những vầng mây truân chuyên và hào sảng, bóng dáng nào của một Huyền Trân công chúa chống đỡ miếu rường, làm dâu Đồ Bàn hơn 700 năm trước, một Lê Thánh Tông anh hùng và thi sĩ thanh gươm yên ngựa đến Viyaya “Thi Nại thành trung túng bộ binh”, một Đào Duy Từ bút mực dãi dầu lập thân ở phủ Hoài Nhân... Thơ ca đến với xứ sở này bằng quy luật chung của thơ Việt nhưng bằng hình tích riêng của sông núi linh diệu này, đất trời hào hiệp này, có thể trào ra ở chiếc trâm thơm trên suối tóc mỹ nhân, ở lưỡi kiếm tang bồng đấng quân vương, ở dải áo gió bụi của một sĩ phu... Hình tích ấy, cuối thế kỷ XVIII đã kết tinh rực rỡ bằng phong trào nông dân áo vải cờ đào với Quang Trung- Nguyễn Huệ, trở thành biểu tượng của mùa xuân, của tuổi trẻ, của chiến thắng và của tình yêu! Người Bình Định vô cùng biết ơn quê hương được mệnh danh là miền đất võ, đã kết nối thành một trời văn, nói nôm na là trong văn có võ trong võ có văn, như một định mệnh của lịch sử văn hóa! Định mệnh ấy được tạo ra bởi sự dung hợp giữa mạch đất với lòng trời, một cơ duyên của lịch sử, một biện chứng không ít bí ẩn, không ít huyền ảo. Những khởi thủy quấn quýt tơ hồng của định mệnh đã là cuộc thai nghén cho cả những hội tụ kết tinh giao lưu và lan tỏa các thế kỷ sau nầy, như họ Đào Vinh Thạnh hiển hoạn và thi cầm, như họ Nguyễn Vân Sơn một nhà năm thi sĩ, như Hồ Sĩ Tạo vứt bỏ mũ áo quan trường, đứng về phía dân dù phải đọa đày trong tù ngục, như Mai Xuân Thưởng những vần thơ khẳng khái của người anh hùng trước lúc đầu rơi... Và đặc biệt là sự bùng nổ của thời kỳ Thơ Mới, với một cổ điển điêu luyện Quách Tấn, một phiêu linh thượng thanh Hàn Mặc Tử, một trần thế nồng nàn Xuân Diệu, một mộng ảo khói sương Yến Lan, một u hoài bi thống Chế Lan Viên... Có thể dùng bóng me xanh, giếng nước trong ở khu vườn tuổi thơ Nguyễn Huệ để ví von rằng thơ ở xứ sở này vừa có ý nghĩa nguồn mạch, vừa có ý nghĩa cội cành. Bây giờ, một vần lục bát trong ngự bút Quang Trung, một nhẫn nại guồng xe nước của người nông phu trong thơ Đào Tấn, một hiên ngang trong thơ Mai Xuân Thưởng, một bến My Lăng của Yến Lan, một khe nước ngọc của Hàn Mặc Tử, một vị xoài thanh ca Xuân Diệu, một chiếc lá tình xưa Quách Tấn, một bóng dáng đền tháp Chế Lan Viên... đều có ý nghĩa bồi đắp và xác quyết, tựa hồ bóng cây, tựa hồ gàu nước, nói chung là hương sắc của quê nhà. Gia tài thơ ca của những thi nhân trên không chỉ là của riêng Bình Định nhưng sự thấm thía và tâm đắc của người Bình Định với nó, lại có khí vị riêng.
Thơ Bình Định đã hòa vào máu thịt người Bình Định, đã từng san sẻ từng cưu mang từng chung lưng đấu cật, không hổ danh với chốn đầu sóng ngọn gió. Khi bão táp, lúc yên hàn, khúc tao loạn, hồi thái bình, thơ mang vác trong lòng hình ảnh quê hương với uy linh truyền thống thượng võ, bất kể nơi tên bay đạn lạc, chốn mưa dập gió vùi hay khi biển lặng sóng yên, trời quang mây tạnh. Truyền thống lịch sử văn hóa miền đất võ Bình Định không xa lạ với truyền thống Việt đại nghĩa chí nhân, bên cạnh thanh gươm đại định là ngọn bút nhân nghĩa, với thượng sách mưu phạt tâm công, được lặng thầm phù trợ, chứng giám linh thiêng của trời đất tổ tông. Có lẽ không ai không hiểu thế võ cao nhất ở đời là thế võ không động tay chân, không màng khiên giáo. Ấy là nơi ông Tơ bà Nguyệt đã định ước cho cuộc viếng thăm đầy hồng phúc của Nàng Thơ nhân ái, quyết liệt trong bao dung, khuôn thước trong tự do, cổ xưa trong tươi mới, lịch lãm trong hồn nhiên, cương nghị trong phóng khoáng... Nàng Thơ sải cánh trên nền trời đất võ, say đắm mà mẫn tiệp, cuồng nhiệt mà thung thăng, tỉ tê mà bao quát... Những điều ấy đã từng xác tín trong lịch sử để tạo tác nên hồn nên vóc, nên đất nên người. Vâng, bốn phương trời khi nhắc đến tên gọi miền đất võ Bình Định, đã hàm chứa những âm vang thuần phác và hiên ngang, trầm tư và hào sảng. Đương nhiên, trong những âm vang ấy của lịch sử một vùng đất, không thể thiếu tiếng của Thơ.
Trên đồi Thi Nhân, dưới ánh trăng Rằm tháng Giêng, năm năm rồi, công chúng bốn phương đã trân trọng đón nhận phúc lộc tinh hoa của truyền thống thi ca trong Ngày Thơ Việt Nam. Đương nhiên, sự biết ơn của giới thi sĩ đối với người yêu thơ là không cùng, trong một ngày không thể nào nói hết. Cái ngày minh định thành danh chánh ngôn thuận thì đã có, vấn đề là nó phải được phong phú hóa, đa dạng hóa, mới mẻ hóa hằng năm, để vẻ đẹp của thơ luôn là vẻ đẹp mê hồn và không một ai quay lưng với nó.