Hồi đó Út Hường còn tí nị. Hai bím tóc tòn ten. Hai con mắt tròn đen. Út Hường thường sà vào lòng tôi.
- Anh Ba, hát “Lý chim quyên” vầy phải hôn?
Chim quyên quầy ăn trái quây
Vợ ơ vợ chồng, vợ ơ vợ chồng
Ơ con bạn quèn hơi, ơ con bạn quèn hơi.
Út hát hồn nhiên như con chim sáo. Tôi nghe xong hay búng ngón tay lên đôi má phính của Út. Út chun mũi nhìn tôi. Đôi mắt tròn hấp háy, chừng như muốn nói: “đúng hôn nào!”.
Vậy mà giờ này Út Hường đã thành cô thiếu nữ. Đôi mắt tròn đen đã có đuôi. Đôi má phính giờ đã tròn ủm hai lúm đồng tiền duyên dáng. Mái tóc thắt bím ngày xưa giờ đã búi cao lên, để lộ ba ngấn cổ trắng ngần như bông bưởi.
&
Tôi gặp Út Hường ở chợ Hồng ngự
Hôm đó tôi chỉ tính tha thẩn đi coi chợ cá cho biết. Cái thói của tôi vẫn vậy. Đi tới đâu cũng thích lội lòng vòng coi chợ cá. Tôi thích đọc ngôn ngữ đồng quê của cá. Cá đen, cá trắng. Cá có vảy, cá không có vảy. Cá sông, cá đồng. Cá nuôi, cá hoang dại. Cá nước mặn, cá nước ngọt… tôi lại càng thích nghe người ta mặc cả mua bán. Có chút gì đó ngồ ngộ. Bi nhiêu? Chín ngàn! Năm nghen! Đúng bảy ngàn mới bán! Sáu vậy! Rồi, lấy đi! Thật là chất phác. Người bán và người mua đều kiệm lời hết biết. Dường như giữa chốn ồn ào chợ búa, không ai hơi đâu hoài sức lê thê chữ nghĩa. Cái tình nó lấp lánh trong đôi mắt, nó ngời ngời trên nét mặt. Sự ra giá, trả giá, chẳng qua chỉ là thứ văn minh giao tiếp của chợ. Nếu không có điều đó thì còn gì là chợ nữa. Chẳng lẽ người ta lại lập ra siêu thị cá sông, cá đồng, cá ao, cá ruộng?
Bữa đó tôi dừng lại hơi lâu nơi bán rắn, bán rùa. Tấm lưng ong óng của người giao hàng đẹp hết biết. Cô ta đưa giỏ rắn cho bà chủ. Bà chủ đặt giỏ rắn lên bàn cân rồi móc tiền ra trả. Chẳng ai nói với ai tiếng nào. Hình như giữa hai người đã có sự thỏa thuận với nhau từ lâu. Sự thỏa thuận ấy cứ như chảy ra ở sức vóc ngồn ngộn của bà chủ vựa rắn, cứ như trào ra ở cái ngực áo rộng thùng, lồ lộ đôi bầu ngực vĩ đại, không hề che chắn phòng vệ bởi đồ lót phụ nữ. Sự thỏa thuận ấy ngời lên thanh thoát từ dáng vóc mảnh mai mềm mại của cô gái đang độ xuân thì phơi phới.
Lúc cô gái đứng dậy, xoay mặt về phía tôi, tôi sững cả người.
Trời ạ! Tiên giáng thế chứ không phải là người! Đôi môi mọng như bông súng. Gương mặt ngời ngời như bông chanh. Non nõn cái cổ cao ba ngấn như tạc từ bạch ngọc. Cô ta mà diện vào thì khối anh sẽ chết tươi tại chợ.
Cô gái cũng sững ra nhìn tôi một lúc, rồi thốt lên thành lời:
- Anh Ba phải hôn? Anh Ba sưu tầm ca dao phải hôn?
Chỉ bi nhiêu đó đã giúp tôi nhận ra ngay cô gái là Út Hường. Út Hường ngày nào tôi gặp trên bờ sông Tân Thành, tụt từ trên lưng trâu xuống, đứng chống nạnh, ngênh đầu trả lời tôi: “Người ta vầy mà nhỏ!”. Là lúc ấy tôi hỏi: “Ê nhỏ! Đường về Ba Gò đi lối nào?” – khiến Út Hường tự ái, nổi kên kên với tôi.
Ngay giữa chợ, Út Hường vừa nói vừa chụp lấy tay tôi.
- Chèng ơi, anh Ba chơi hổng ngon! Bỏ đi đâu mất đất hoài à!
Vậy rồi, dù tôi giải thích cách mấy, Út Hường cũng không chịu, cũng khăng khăng buộc tôi phải về Ba Gò bằng được với Út. Qủa thật là tôi cũng không thể không về thăm lại Ba Gò một lần. Ba Gò có với tôi có qúa nhiều kỉ niệm.
Một lần tôi với Út Hường vô rừng tràm câu cá rô. Tôi ngồi lái, cầm dầm ghìm xuồng ba lá cho Út đứng mũi dùng sào thọt ổ kiến vàng. Trứng kiến vàng là mồi câu cá rô rất nhạy. Út thọt ổ kiến rụng đúng lúc một cơn gió nổi lên đùng đùng. Một phần ổ kiến rớt trúng đầu của Út. Những con kiến vàng tai ác bò cả vào lưng, vào ngực Út. Chúng cắn đốt sao đó, khiến Út nhảy dựng lên, làm chiếc xuồng lật úp. Ngoi lên tới bờ giăng trâm bầu rồi mà Út vẫn còn nhảy choi choi vì lũ kiến. Buộc lòng Út phải cởi áo để tôi phủi giùm lũ kiến trời đánh thánh vật. Tấm lưng của Út thanh mảnh như chiếc lá tràm. Bầu ngực trắng lấp lóa của Út đã nhú lên mây mẩy. Lưng và ngực của Út nổi đầy những mẩn đỏ li ti như có ai rắc gạo huyết rồng lên đó. Chỉ có vậy, nhưng từ sau lần ấy, tôi không còn dám búng vào đôi má phính của Út. Tôi cảm nhận sự thiêng liêng rất con gái đang lớn dần trong tấm thân thanh thanh của Út.
Tôi nhớ một lần đi sưu tầm ca dao về, trời trưa, khát nước, tôi mò vào bếp, múc ngay phải một chén nước bồ kết. Cũng may là nước còn nóng nên tôi không thể uống ực ực được theo kiểu ngưu ẩm. Tôi chỉ mới hớp một ngụm nhỏ, đã thấy đau xóc nơi cần cổ, ho sặc sụa, ho trào nước mắt.
Út từ ngoài sân chạy vào.
- Rồi! Anh Ba uống nằm nước bồ kết của Út rồi, phải hôn?
Tôi quê một cục. Cũng như cái lần tôi tài lanh kho cá giùm khi cả nhà Út đều đi ruộng. Làm cá xong, tôi vô bếp tìm hủ nước màu. Lớ ngớ thế nào lại vớ phải chai dầu nhớt dựng ở góc bếp. Khi xóc xóc nồi cá, mùi dầu xộc lên tôi mới biết là mình đã nhanh nhảu đoảng. Báo hại cả nhà bữa đó phải ăn cơm với đọt nhãn lồng chấm nước mắm.
Cả buổi chiều hôm ấy, Út cứ hát nghêu ngao:
Thia thia quầy, quen chậu quây
Nhãn ơ nhãn lồng, nhãn ơ nhãn lồng
Ơ con bạn mình ơi, ơ con bạn mình ơi.
Lại một lần nước đổ. Con nước ngọn từ Nam Vang chườm chượp đổ láng lai về Đồng Tháp, gặp nước phèn, nước lắng lại trong veo trong vắt. Tôi đi ngang con mương dưới chân gò, nhìn thấy thứ cá gì nhỏ lẳn tẳn như đầu chân nhang, óng ánh màu xanh đỏ tím vàng vui mắt. Chúng bơi thành đàn đặc ngừ đặc nghịt. Tôi chạy trở về nhà, lôi cái mùng tuyn ra hớt cá. Mới hớt chừng mươi phút đã đầy cả chậu thau. Cá ấy tôi đem ướp hành, tỏi, tiêu, bột ngọt, nước mắm, kho ắp lẳm một nồi lấy le. Ai dè nồi cá mới sôi chừng một phút, cá đã bấy ra thành một thứ bột nhão đặc quánh, không còn thấy tăm hơi hình dạng con cá đâu cả.
Út cười cười.
- Anh Ba nấu bánh đúc cá, phải hôn?
&
Sau khi gặp Út bán rắn ở chợ, tôi về ngay nhà khách Ủy ban huyện, báo cáo với đoàn công tác xin phép vô thăm Ba Gò mấy hôm. Sắp xếp xong xuôi công việc thì đã gần mười một giờ trưa. Út ngồi đợi tôi dưới bến sông.
Chiếc xuồng có gắn máy CoLer 4 lướt ve vé trên mặt nước. Lối bốn giờ chiều chúng tôi về tới đầu con rạch dẫn vô sông Tân Thành. Từ đây vô Ba Gò còn chừng hơn hai tiếng nữa thì tới. Tôi với Út tấp vô quán, ăn quấy qúa mỗi người một tô hủ tiếu rồi đi tiếp.
Chúng tôi cho xuồng chạy cặp mí con rạch nhỏ, hai bên um tùm lau sậy. Lau sậy trong đồng mọc cao ngang mái nhà, thân cây to cỡ ngón chân cái. Ngày trước, đã có lần tôi dẫn Út đi chặt sậy, đập dập ra đương thành tấm đệm. Tôi đang cắm cúi chặt sậy thì nghe Út la ré lên chói lói, chạy hoảng về phía tôi. Từ phía đám sậy nơi Út đang chặt, khoảng hơn chục con ong vò vẽ bay túa ra.
Nằm xuống, Út! Nằm xuống!
Út nghe lời tôi nằm xuống. Nhưng liền đó đã thấy nhảy dựng lên bỏ chạy. Ba bốn con ong vò vẽ đuổi theo Út vù vù. Cũng may là Út chỉ bị ong chích ba bốn vết. Vậy mà chỉ bi nhiêu đó cũng đủ khiến Út phát nóng, phát sốt hầm hập suốt cả ngày hôm ấy.
Tới khúc cua gắt của con rạch um tùm lau sậy, chúng tôi cho xuồng chạy tắt ngang cánh đồng nước nổi, đi thẳng tới cánh rừng tràm, nơi tôi với Út từng đi câu cá rô bị kiến cắn. Gần tới cánh rừng tràm thì cái máy CoLer dở chứng, rên lên lục khục một hồi rồi tắt ngủm. Bắt đầu từ đây chúng tôi hoàn toàn phải bơi bằng tay. Bơi được tới đầu giăng trâm bầu dẫn vô rừng tràm thì trời đã nhập nhoạng hoàng hôn tím lịm.
Cánh rừng thơm mùi bông tràm ngây ngất. Đứng trên bờ bao giăng trâm bầu nhìn vào, rừng tràm xâm xẩm tối, nước nổi lưng chừng gốc ây cả thước. Thân cây trắng mốc một màu vỏ xốp như giấy bao bọc. Bên kia cánh rừng tràm, có cái chòi của ông già Út cất cao trên mặt nước để coi rừng, sàn chòi kết bằng tre, gác cao trên những chạc cây, coi ngồ ngộ như cái tổ chim cò, chim cuốc. Hồi đó đã có lần Út ngủ qua đêm ở cái chòi này, để nghe tôi với ông già của cô kể đủ thứ chuyện huyên thuyên thiên địa.
Ông già Út kể rằng, có lần ông nhậu say tới mức, lội lòng vòng suốt cả ba tiếng trên cánh đồng vừa cày xong đang chìm trong mưa, chừng tỉnh rượu mới hay, đi chừng ấy tiếng đồng hồ để rồi trở lại đúng cái nơi ông đã ra đi. Ông nói, đó là ông bị ma dắt. Ma dắt trên cánh đồng cày ải thì còn đỡ, chứ ma dắt trên cánh đồng nước nổi đang mưa mịt mù như bưng như bít thì còn khốn khổ hơn nhiều. Nó dẫn mình đi ngược đường tới cách xa thăm thẳm nơi mình muốn đến. Mưa đồng trống bao giờ cũng xối xả ào ào tới trắng trời trắng nước, tới liền nước liền trời. Bấy giờ còn biết hơi hướm đông tây nam bắc ở đâu mà tìm tới được.
Khi qua tới cái chòi bên kia cánh rừng, ngó thấy cái bếp than đã rưới nước đen thùi lùi, chúng tôi đoán chắc là tía của Út vừa đi khỏi để về làng. Bởi có về làng hay đi công chuyện lâu ông mới rưới nước cho tắt bếp, để phòng hờ cháy rừng. Bấy giờ trời đã sập tối sậm sịt. Đồng nước nổi trước cánh rừng rộng rinh, hun hút một màu đen đậm đặc tới không cùng của một ngày trời ken dày những đám mây ướt sũng nước.
Út nhìn trời, lắc đầu nói:
- Nghỉ nấu cơm ăn, đợi chín giờ trăng lên rồi đi, được hôn anh Ba?
Còn hỏi được hôn cái gì nữa. Trời tối hù tối hịt vầy đây, đi tiếp không khéo lạc lút lên tận sông Trăng biên giới. Đành phải nghỉ lại chờ trăng, chứ biết làm sao bây giờ.
Út lui cui nhóm lửa.
Ngọn lửa bùng lên rưng rức. Cái dáng thiếu nữ của Út ửng lên bên bếp lửa. Ong óng tấm lưng ong. Hồng hào đôi gò má. Nhưng nhức mái tóc đen. Thon tròn đôi bờ vai mềm mại. Út qủa là tiên chứ không phải là người giữa cánh đồng mênh mông nước nổi.
Tôi châm một điếu thuốc, ngồi thả khói phì phèo, nói như nói với chính mình:
Hôm nay mùng mấy mà chín giờ có trăng cà?
Tiếng Út thơm mùi bông tràm bổi hổi:
- Anh Ba không nhớ à? “Mười bảy sảy giường chiếu, mười tám rám trấu, mười chín đụn dịn, hai mươi giấc tốt, hăm mốt nửa đêm”.
Tôi ngó mung vào rừng tràm. Cánh rừng đứng gió, im phắc một màu đen nhánh tới động lòng. Đồng nước cũng nhuộm thẩm một màu mênh mông đen hồi hộp.
Có tiếng chim lợn kêu éc éc đâu đó.
-Chim lợn kêu là hên lắm! Phải hôn anh Ba?
Tôi đưa mắt nhìn nghiêng gương mặt Út thật nhanh, rồi cúi xuống nhìn bếp lửa. Bếp lửa reo lách tách. Ánh lửa bập bùng những đốm hoa đậm nhạt, tối sáng, rung rinh trong căn chòi nhỏ như bụm tay, hắt xuống mặt nước lóng lánh những tia vàng run rẩy như thảng thốt. Đêm quánh lại huyền diệu như một bài thơ bị dồn nén tới tột cùng cảm xúc.
- Út ơi! Còn nhớ bài “Lý chim quyên” không?
- Anh Ba hỏi kỳ!.. Bài đó út thuộc nằm lòng từ hồi nào tới giờ!..
Út vừa cời tro trong bếp lửa, vừa trả lời tôi như vậy, rồi lặng im không nói gì thêm nữa. Nhưng hình như từ trong tiềm thức thẳm sâu, tôi nghe tiếng Út dìu dịu cất lên. Không phải là giọng hát trong veo trong vắt của ngày xưa, mà… hình như lạ lắm! Lạ lắm! Tôi rùng mình, thổn thức trong tôi lời dân ca bổi hổi.
Chim quyên quầy, ăn trái quây
Vợ ơ vợ chồng, vợ ơ vợ chồng
Ơ con bạn quèn hơi, ơ con bạn quèn hơi.
Câu hát cứ trôi đi, trôi đi, cuốn tôi trôi mãi vào thăm thẳm sự không cùng hư thực của cảm xúc.
Út Hường ơi, trăng vẫn chưa lên…
Hay là mây mùa nước nổi cố tình giấu trăng đi? Út Hường ơi!..