A đen, E trắng, I đỏ, U lục
O xanh : nguyên âm, nảy sinh tiềm tàng
A, bụng lông đen loài ruồi sặc sỡ
Vo ve quanh mùi hôi thúi hung hăng
E, vẻ trong trắng của lều và hơi.
Mũi băng chĩa, vua trắng, dù run rẩy,
I, màu đỏ tía, máu phun, môi cười
Trong giận dữ hoặc ngất ngây sám hối,
U, chu kỳ, chấn động của biển xanh,
Niềm yên ả bãi chăn thú, sóng gợn,
Thuật luyện đan in lên vầng trán chăm
O, hồi kèn cuối cùng vang điệu lạ,
Niềm im lặng của thế giới, thiên thần.
Hỡi Omega, tia Mắt Nàng tím ngát !
1872
* Bài thơ khơi gợi cả một văn chương với vô số những nỗ lực soi sáng, giải mã dựa trên những cơ sở khoa học lẫn văn học mặc dầu nói theo Verlaine, Rimbaud "bất cần A có màu đỏ hay màu lục, anh thấy nó như vậy, chấm hết!". Điều không chối cãi ở đây là Rimbaud gán cho màu sắc một giá trị biểu tượng, màu đen gợi ý tưởng về sự chết chóc, màu trắng thuần khiết, màu lục thanh thản..., và chàng đã viết nên bài thơ của mình bằng trực giác thị quan hơn là thính quan, chàng nhìn thay vì nghe các nguyên âm, từ đó, nói theo Suzanne Bernard , bài thơ gợi lên dưới mắt người đọc những bức tranh rực rỡ, những hình ảnh chuyển động, một thứ kính vạn hoa lấp lánh màu sắc và ấn tượng. Sự liệt kê không bình thường từ A tới O ( còn gọi Oméga) cho thấy Rimbaud muốn bao gồm cả cái toàn thể, cái phổ quát. Hồi kèn cuối cùng tức hồi kèn tận thế đánh dấu sự kết thúc của thời gian, điểm Oméga của thế giới.
(Trích trong Rimbaud Toàn Tập, do nhà văn Huỳnh Phan Anh dịch và chú giải)