Cầm trên tay cuốn sách được in trang trọng, bìa cứng, thấy tên sách nghe chừng khô khan, tưởng như một cuốn sách thuần lý luận chính trị. Vấn đề thuần lý thì vốn ít hấp dẫn, tuy phản biện xã hội là vấn đề cũng đang nóng trên các diễn đàn gần đây.
Quả cũng có những chủ đề “nghiêm nghị”. Với giọng điệu chính luận, Trần Đăng Tuấn đi vào những vấn đề nhiều người quan tâm như: An sinh xã hội, Xung đột lợi ích (những chữ in đậm là tên bài trong sách – LAH)... Anh dụng công triển khai vấn đề mấu chốt không chỉ anh quan tâm bằng những chuyên khảo sâu Phản biện xã hội: Những vấn đề chung; Phản biện xã hội: Phương thức thực hiện.
Nhưng không chỉ có thế. Trần Đăng Tuấn viết nhẹ nhàng với những vấn đề “nghiêm trọng”: Hãy nhìn xung quanh, ta sẽ thấy đâu cũng có sự phản biện. Một cánh đồng lúa xanh êm đềm chứng minh có một vẻ đẹp khác ngoài vẻ đẹp của núi non hùng vĩ (...) chỉ hai người tán gẫu với nhau là muôn lần cọ xát các ý kiến khác nhau, góc nhìn khác nhau. (...) Phản biện, tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải vấn đề muốn hay không muốn.
Đối với Trần Đăng Tuấn, mọi sự đều giản dị nhưng minh triết bằng một lối diễn ngôn như thế. Mọi điều xuất phát từ những điều tưởng rất nhỏ, dưới tư duy của anh trở thành đáng chú ý. Là một nhà báo có chất văn, anh đi từ chính mình đến với cuộc sống. Anh phát huy thành công chất tùy bút, chất ngẫm ngợi chiêm nghiệm. Anh phát hiện: chúng ta có sự phù hộ độ trì của thế hệ Đặng Thuỳ Trâm, thế hệ trước Đặng Thuỳ Trâm, để rồi xa xót: chúng ta còn tiếp tục tiêu xài sự phù hộ độ trì ấy thêm bao nhiêu nữa...(Gia tài của chị Trâm). Nhớ một bài hát cũ, anh gieo vào lòng bạn đọc câu hỏi của lương tâm: Anh có đau lòng không? Chị có đau lòng không? (Bài hát này tôi đã nghe...).
Dường như Trần Đăng Tuấn có một nỗi băn khoăn, trăn trở về những hệ luỵ của quyền lực, đây có thể là từ góc nhìn nghề nghiệp (nhiều năm làm báo hình với cương vị biên tập viên cao cấp về chính trị – xã hội) hay góc nhìn từ chính cương vị bản thân (Phó Tổng Giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam) nhưng tôi cho đây là góc nhìn nhân văn riêng của anh, bởi người có chút nhân văn không thể bàng quan với vấn đề ấy hiện nay. Anh bàn nhiều lần với các sắc thái khác nhau (Trọng trách, Khi quan chức trở thành "người của công chúng", Gửi bà Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương...). Anh ngẫm ngợi về dân chủ (Dân biết). Anh đặc biệt tâm đắc đến cái gọi là “văn hoá cầm quyền”. Từ một câu chuyện Bác Hồ nghiêm khắc cấm tự tiện ra mệnh lệnh lung tung, anh chiêm nghiệm: Không thể vì căm ghét cái xấu mà có thể giả định mọi người đều có thể xấu. Và không thể muốn đẩy lùi cái xấu mà vô tình hay hữu ý hạ thấp nhân phẩm...
Ngoài giọng điệu chính luận không chiếm dung lượng lớn, Trần Đăng Tuấn viết với giọng dung dị, cách tiếp cận và ngôn ngữ gần với đời thường. Không lạ khi biết anh là một nhà báo được đào tạo cơ bản. Nhưng cũng hơi là lạ khi biết anh vẫn giữ nghề dù đã làm quản lý ở chức vị cao. Và qua cách viết này, thấy anh vẫn “gần dân” lắm. Phần lớn trong số 30 bài của tập sách được thể hiện khá gần gũi, dễ đọc. Người đọc nhận thấy “những câu hỏi đặt ra từ cuộc sống” (tựa đề phụ của sách) bởi có quá nhiều chuyện quen thuộc. Đấy là hội thảo ngẫu nhiên về APEC mà thành phần gồm các CEO... rửa xe, bán trà đá và ốc ngao nóng; là cuộc luận bàn lúc đợi đổ xăng; là văn hóa nhanh chân; là bóng đá và cuộc đời... là những chuyện đời rất thời sự như ô nhiễm trên rau xanh, khâu túi cán bộ làm công tác đăng kiểm... là Ba sợi dây cáp và những chuyện khác.... Lại nói về tít, tập sách có những cái tít là những chân lý rất gần với tâm thức niềm tin dân gian: Tai họa từ sự vô cảm, Họa phúc có mầm, đâu một lúc!
Trong thời điểm Đảng nêu cao dân chủ, đổi mới hoạt động của các cơ quan lập pháp lẫn hành pháp, trong không khí khẩn trương tiến tới bầu cử Quốc hội khoá XII, các vấn đề mà cuốn sách đặt ra, trung tâm là vấn đề phản biện xã hội rất ý nghĩa.
Cuốn sách tập hợp các bài viết này được nhà báo lão thành Hữu Thọ đánh giá: "Lý luận sắc sảo, có ý tưởng mới và phong cách riêng. (...) Tập sách tập hợp nhiều bài, có bài viết theo phong cách chính luận chững chạc, có bài viết theo kiểu tùy bút ngắn, nhưng tất cả đều rõ chất luận, khi là vấn đề rất rộng như chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân, vấn đề phản biện xã hội... khi là những việc cụ thể liên quan tới tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Phản biện xã hội chỉ là một bài trong tập sách mà tác giả lấy làm tên cuốn sách, nhưng ngẫm lại thì các bài khác dù viết theo thể gì, dù ngắn, dù không ngắn, cũng mang tính phản biện hiểu theo cách hiểu của tác giả...".
Đó là cách nhìn về chuyên môn, nhưng còn một cách nhìn khác, nó cho thấy nỗi đau đáu vì cuộc sống bình dị của người dân, xót xa với những suy đồi đang làm hại cả phần xác lẫn phần hồn đất nước này. Nó chỉ ra tấm lòng tác giả.