Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.208
123.152.211
 
Trịnh Thanh Sơn và tôi
Nguyễn Đức Thiện

Ngày ấy, chúng tôi : Trịnh Thanh Sơn và Nguyễn Đức Thiện cùng làm việc ở Đài truyền thanh Khu gang thép Thái Nguyên. Lúc thì Sơn ở trong một căn phòng tập thể ngày cạnh trạm máy của đài. Lúc thì ra ở một căn phòng chật hẹp ở công viên Đồi Còi. Sau này khi tôi về ở tại cơ quan chúng tôi mới ở chung với nhau. Căn phòng nhỏ xíu  chứa hai chúng tôi. Chỉ kê đủ hai chiếc giường một, một cái bàn nhỏ chỉ dành để đặt chuyên nước. Còn việc viết lách, chúng tôi kéo nhau sang phòng làm việc ở cách đó mấy căn. Hồi ấy, tôi mới tập tọng vào nghề viết. Thích thú lắm với những chuyến dong chơi với Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải đến anh Xuân Cang, lên Vũ Duy Thông, đến Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên. Và tôi cũng ghen tỵ với họ, vì hễ gặp nhau là họ toàn nói chuyện viết lách, còn tôi, băm bổ với những tin, nhưng bài cho Đài truyền thanh Gang Thép. Hồi đó Trịnh Thanh Sơn chọc tôi: “Cái thằng “ chương trình”, khóc cười gì cũng chương trình. Mới giận vợ đó cũng “các bạn thân mến” . Hồi đó tôi nghe nói Trịnh Thanh Sơn còn làm thợ lái cầu trục. Nhưng tôi chưa từng thấy Trịnh Thanh Sơn lái cầu trục bao giờ. Mà chỉ thấy Sơn viết. Với Sơn, viết cái gì cũng rất thận trọng. Chữ đẹp và sáng sủa thẳng băng trên những trang giấy. Mà hồi đó làm gì có giấy tử tế mà viết. Những tờ giấy đen thui lui được sản xuất từ nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Nhưng với Sơn, tất cả vẫn cứ sạch sẽ và thơm tho. Cái gì viết ra, Sơn cũng trân trọng. Tôi nhớ có một lần, chúng tôi cãi nhau một trận nổ trời. Chẳng là Sơn có một bài viết phải đọc đến ba kỳ trên Đài truyền thanh mới hết. Tôi làm biên tập. Bữa đó cắc cớ thế nào lại có một sự kiện khác tôi phải gác bài của Sơn lại. Thế là Sơn đổ quặu, vặc tôi một trận ra trò. Tôi bảo Sơn: “ Bài phát Đài truyền thanh mà ông làm gì ghê thế”. Sơn kêu lên: “ Thế Đài truyền thanh không cần chữ viết hả. Mà đã là chữ viết ra thì chỗ nào cũng phải tôn trọng nó chứ”. Mất một ngày chúng tôi không thèm ngó mặt nhau.

 

Ngày ấy, Sơn đang viết văn xuôi. Lâu lâu lại thấy Sơn có truyện ngắn in trên báo Văn Nghệ, trên Văn nghệ quân đội. Tôi phục lắm. Nhưng quả thực nếu tôi không viết văn thì cũng không thể gần cái anh chàng khái tính Trịnh Thanh Sơn được. Sơn có một trí nhớ khiến tôi kinh ngạc. Có những đêm, mất điện. Trời tối đen như mực. Chúng tôi “ đọc truyện” cho nhau nghe. Tức là đọc thuộc lòng những truyện mà chúng tôi thích. Tôi mê Thủy Hử , đọc Thủy Hử cho Sơn nghe. Còn Sơn. Hết chương này đến chương khác của Ruồi Trâu, hết khúc này dến khúc khác của Truyện Kiều. Sau đó là thơ. Không biết cái đầu của Sơn chứa sao được nhiều thơ đến thế. Hết Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính đến Quang Dũng, Hoàng Cầm… Đêm không điện mà cả thế giới thơ ùa vào căn phòng không một chút ánh sáng của chúng tôi. Sơn đọc thơ không giống người ta. Người ta thì trầm trầm, nhấn nhá, còn Sơn thì phải đọc thực lớn, thực vang, và thực truyền cảm. Thấy được niềm vui , nỗi buồn, thấy được cả nỗi da diết trong từng câu thơ Sơn đọc. Hình như sau này, Nguyễn Trọng Tạo thì phải, bảo Sơn có giọng đọc thơ hớp hồn người nghe. Sau khi rời Khu gang thép, không còn lúc nào được nghe Sơn đọc thơ nữa. Phải đến khi gặp lại nhau ở Đồ Sơn tròng kỳ liên hoan phim truyền hình, tôi mới lại được nghe Sơn đọc: “ … anh buồn rót biển vào chai…” *.

 

Có một lần, không biết bằng cánh nào, chúng tôi kiếm được một ít tiền. Mua được một bò gạo, một mớ rau muống và một ít tép khô. Nhắc lại ngày ấy cực thật. Hết thời hạt bo bo, là đến thời 70% bột mì. Không ăn cơm tập thể được, chúng tôi làm cái bếp điện và tự nấu ăn. Hết bột mì luộc lại đến cán bột mỳ thành sợi mà nấu. Anh Xuân Cang phổ biến cho chúng tôi một cách làm bánh mỳ. Đó là trộn bột mỳ trong một ngăn cặp lồng. Bỏ vào đó một viên thuốc cảm, để bột nở ra. Sau đó đặt lên bếp điện mà nướng. Tiện thật, tiện cho mấy anh biếng nhác như chúng tôi. Thế là chúng tôi ăn hoài cái thứ bánh đó và đặt luôn cho nó cái tên: bánh mỳ XC ( gọi tắt từ tên anh Xuân Cang). Thế mà hôm đó có cả một bò gạo. Chúng tôi lao vào bếp. Nấu cơm, lặt rau, xào tép. Nói ra thật ngượng. Xong bữa rồi nồi cơm còn nóng, đĩa đựng rau cũng còn nóng, và chỉ còn vài ba con tép khô rớt ra ngoài không tiện lượm bỏ vào miệng mà ăn. Ăn xong, trời vừa tối. Chẳng đứa nào bảo đứa nào, mỗi thằng biến vào một góc. Sơn ra căn phòng nhỏ ngoài công viên Đồi Kèn. Tôi về căn phòng ở gần sân vận động Gang Thép. Hai giờ sáng, tôi chạy đi tìm Sơn. Đến giữa đường “ba sáu mét” thì gặp nhau. Cả hai thằng cùng như một lúc nói : “Tao vừa viết xong…”. Trên tay chúng tôi mỗi đứa một xấp bản thảo. Sơn thì truyện ngắn “ Vết nứt chìm sâu”, tôi thì “ Vẫn trong dòng thác Tha Ly”. Hình như lúc đó không có gì sung sướng bằng việc chúng tôi vừa viết xong một cái truyện ngắn. Kéo nhau về cái phòng ngủ chung. Pha một ấm chè. Đọc cho nhau nghe những truyện mới viết. Nghe xong truyện của tôi Sơn phán: “ Cậu bỏ mấy chữ thừa của tên truyện đi. Lấy Thác Tha Ly thôi”. Tôi nghe. Đêm ấy đã vui, những ngày sau còn vui hơn. Thác Tha Ly của tôi ít lâu sau được in trên báo Văn nghệ. Còn Vết nứt chìm sâu của Trịnh Thanh Sơn in trên Văn nghệ quân đội. Cảm ơn bò gạo, cảm ơn mớ rau muống, cảm ơn mấy con tép khô và văn chương muôn năm.

 

Chúng tôi thích những cuộc lang thang. Ngày ấy chỉ có xe đạp. Trên hai chiếc xe đạp, chúng tôi dong duổi khắp thành phố Thái Nguyên, lên La Hiên, đi Đại Từ. Ban ngày thì đi, ban đêm ngồi gò mình mà viết. Nhưng thời gian Sơn dành nhiều nhất là cho việc đọc. Anh đọc tất cả các dòng văn học trên thế giới. Nga thì Lép Tônxtôi, Lécmantốp, Sôlôkhốp, Puskin. Văn học Pháp anh đọc Víchto Huygô, Đôđê, Xtăngđan, Gôgôn… Anh không bỏ qua văn học Việt Nam. Anh đọc bất cứ cái gì khi trong tay anh có. Sách mà vào tay Trịnh Thanh Sơn bao giờ cũng được gìn giữ cẩn thận. Hoặc nằm ngay ngắn trên bàn, hoặc xếp gọn gàng trên đầu giường. Những hôm rét đậm, chiếc chăn bông chùm lên đến cổ,Trinh Thanh Sơn nhướng mắt đọc cho đến khuya, dưới ánh đèn điện đỏ đọc. Có lẽ vì thế ngoài viết văn, làm thơ, bây giờ Trịnh Thanh Sơn lại năng nổ lao vào việc làm phê bình.  Trịnh Thanh Sơn có một cái vẻ bề ngoài có vẻ ngang ngạnh. Mà đã nhắc đến sự ngang ngạnh thì phải kể đến chuyện này: hồi đó, cứ chiều thứ bảy, cơ quan lại tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi phải bới móc sỏi đá quanh bờ rào cơ quan để trồng xuống đó những cây cao lương. Chẳng thấy cao lương mọc, chỉ thấy cỏ mọc um tùm. Thảng hoặc có cây mọc cũng không cao được hơn ngọn cỏ. Chiều thứ bảy đó đúng giờ lao động thì Sơn dắt xe đạp ra đường. Ông trưởng ban hành chính kêu Sơn: “ Đồng chí Sơn, sao không lao động xã hội chủ nghĩa?” Sơn trả lời thẳng băng: “ Tôi không làm. Muốn lao động xã hội chủ nghĩa thì làm ngoài giờ. Không ai lại lao động vào giờ hành chính cả. Tôi còn đi công tác.” Công tác gì đâu, chúng tôi ra đường ngồi uống nước chè năm xu một chén. Gì chứ, trồng cao lương, cao lương không mọc đi uống nước ché bàn chuyện văn chương có khi còn có ích hơn.  Người không hiểu Sơn có khi phát ghét vì lối nói trỗ trượng của Sơn. Nhưng khi viết phê bình, Sơn có giọng điệu riêng rất mềm mại, không đao to búa lớn. Tất cả những trang viết của Sơn thể hiện một sự ưu ái rất riêng với tất cả những người viết mà Sơn đã đọc. Xin trích một đoạn anh viết về những người làm thơ mà không phải là nhà thơ: “ Tôi có một anh bạn, chơi với nhau đã ba mươi năm, anh chuyên làm nghề Tuyên giáo, là trrưởng ban tuyên giáo một tỉnh lơn, xưa nay chư thấy anh làm thơ bao giờ, vậy mà Tết vừa rồi , anh đem tặng tôi một tập thơ dày dặn, in rất đẹp, tôi cứ trợn mắt lên vì bất ngờ. Lại một anh bạn khác, vốn là thợ thủy tinh, chuyên chế tạo những đồ dùng thí nghiệm cho Viện Khoa học, cũng đúng đùng làm thơ, rồi đánh vi tính, đóng thành tập đem tặng tôi. Chơi với nhau ba chục năm, tôi hiểu về bạn còn ít quá, phải đến khi đọc thơ, tôi mới sững người: thì ra, bạn tôi là người như thế”. Đọc những dòng này những người làm thơ chưa thành danh hẳn cũng mỉm cười và nhâm nhi sự sung sướng đến vài ngày. Vơi cách viết phê bình như thế, khiến Sơn có rất nhiều bạn. Và cũng không thiếu người tìm đến Sơn, nhờ anh có đôi lời về thơ của mình, nhất là lớp người làm thơ còn trẻ.

 

Cái cuối cùng còn lại ở Trịnh Thanh Sơn là Thơ. Cái khoảng còn lại quý giá nhất một đời người này của Trịnh Thanh Sơn tôi không có cái may mắn gần Sơn. Mỗi lần ra Hà Nội, loanh quanh rồi cuối cùng tôi cũng tìm Trịnh Thanh Sơn. Vẫn ồn ào thế, vẫn bỗ bã thế, vẫn ngất ngưởng say thế mà vẫn Cọng rơm vàng, Giậu cúc tần, Đoá tầm xuân, rồi Giàn thiên lý… ** có cái gì đó cứ trái ngược giữa một con người Trịnh Thanh Sơn bằng xương bằng thịt và một Trịnh Thanh Sơn thi sĩ. Có phải vì thế những ngày xưa sống chung từng có những cuộc cãi nhau kịch liệt rồi vẫn cứ phải tìm đến nhau. Bây giờ xa nhau, kẻ Bắc người Nam lâu lâu mới gặp, mà đã gặp nhau rồi bê bết với nhau đến mấy ngày. Và đương nhiên, trong những lúc gần nhau phải khoe với nhau những gì mới viết và những gì còn đang ấp ủ. Có lẽ, Sơn là một trong số ít bạn bè giúp tôi giữ được cảm hứng sáng tác suốt bao nhiêu năm qua.

 

TÂY NINH 9-2004

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3738
Ngày đăng: 13.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóc Trăng ngày nay - Nguyễn Đức Hiệp
Thợ cầu thời WTO - Lê Vũ Tuấn
Thầy tôi - Nguyễn Phan Thịnh
Trịnh Công Sơn , những kỷ niệm - Vĩnh Nguyên
Cái mẻ kho - Nguyễn Một *
Kỷ niệm 12 năm ngày mất nhà văn Phùng Quán (22.01.1995-22.01.2007 ) : PHÙNG QUÁN trong tôi - Vĩnh Nguyên
Trần Thượng Xuyên – người Minh hương có công khai phá vùng Đồng Nai – Gia Định - Nguyễn Đức Hiệp
Thơ Hữu Đạo, tiếng hát của một thế hệ dấn thân - Lê Văn Nuôi
Đất và người Bến Tre. - Nguyễn Thị Hậu
Người vượt qua những khó khăn chất chồng để sống - Nắng Xuân
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)