Đang ngồi uống cà phê sáng thì nhận được một cú điện thoại lạ hoắc:
- Có phải nhà báo Quang không ạ?
- Thưa phải, có chuyện gì thưa cô?
- Nhà báo tới liền đi, hai người chết tại chỗ, một người đi nhà thương. Hai xe chỉ còn là đống sắt vụn.
- Vâng! Xin hỏi ở đâu ạ?
Thay cho tiếng trả lời là tiếng gác máy khô khốc. Ối trời, cung cấp thông tin kiểu này biết đâu mà lần. Tôi liền bấm lại số máy vừa gọi đến thì nhận được câu trả lời… trớt quớt:
- Đây là điện thoại công cộng. Còn người vừa đến gọi điện thoại là ai tôi không biết…
Thôi, coi như chưa nhận được nguồn thông tin nào! Mà lạ thiệt, chẳng hiểu sao dạo này tai nạn giao thông xảy ra nhiều đến vậy! Mới chiều hôm qua, tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ gần chợ huyện cũng xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc. Mà cũng tại cậu học sinh ẩu quá, vượt đèn đỏ làm chi rồi đâm thẳng vô cô gái đang bo cua mới ra nông nổi. Nghe kể lại có người phàn nàn, cũng tại thầy cô giáo cả thôi. Người khác phản ứng, sao lại đổ lổi lãng nhách vậy. Trách là trách các bậc phụ huynh kia, biết con mình chưa đến tuổi điều khiển xe gắn máy mà lại giao xe cho chúng chạy, đến khi tai nạn xảy ra rồi mới ngồi đó hối hận. Người khác tỏ ra hiểu biết, liền phân tích, nếu thầy cô giáo không buộc học trò học thêm học bớt, không chạy đua với thời gian thì đám học trò đâu phải hối hả cho kịp các buổi học. Mà không hiểu học những gì cao xa, còn những chuyện quanh mình thì dường như không biết một điều chi. Ngay cả việc chấp hành Luật giao thông cũng không biết, thiệt lạ…
Mỗi người một câu, chẳng ai chịu ai, tôi đành ngồi thừ người ra đó mà nghe. Bỗng có một bàn tay lay mạnh vai tôi:
- Sao nhà báo còn ngồi đây?
Trước nét mặt ngớ ngẩn của tôi, bà Sáu vé số cằn nhằn:
- Biết vậy tôi đâu có gọi điện cho tốn…
Thì ra, người gọi điện báo tin cho tôi vừa rồi là bà Sáu vé số.
- Nhưng, cô không nói rõ ở đâu làm sao cháu biết đường mà đi.
- Thì gần quán karaoke mà bữa trước cậu với mấy ông ở xã vào hát đó!
Tôi nghe từng mạch máu trên gương mặt đờ đẫn của mình đang tranh nhau chảy mà sượng cả người. Phải chi, tôi từ chối không đi nhậu, không đi “thi bàn tay vàng” thì đâu bị phát hiện. Trời ơi, cũng may bà Sáu không thấy chuyện tôi với mấy em làm tình, nếu không còn gì là thanh danh nhà báo nữa!
Ông Năm xe ôm lên tiếng:
- Sao chị Sáu biết được số điện thoại của nhà báo hay vậy?
- Thì hôm trước, tại quán cà phê này nè, nhà báo cho danh thiếp rồi dặn, nếu thấy có chuyện gì bất thường thì gọi…
Tôi liền lấp liếm sang chuyện khác:
- Xin cảm ơn cô Sáu!
- Sao lại cám ơn! Ừ, cậu viết phóng sự về quán karaoke trá hình đó chưa!
- Dạ… chưa! Cháu còn phải thu thập thêm một số thông tin nữa mới viết được ạ.
- Ừ, cậu coi viết sớm sớm đi, phản ánh cho cấp trên biết mà dẹp quách cho xong, chứ để vậy tui thấy gai mắt quá chừng. Tụi nó đứa nào cũng khoẻ, cũng đẹp mà không chịu làm ăn đàng hoàng. Cứ bám vô mấy ông đáng tuổi cha, tuổi chú mà cặp cổ, bá vai,… nghe nhục nhã cho phái nữ tụi tui quá chừng… Chẳng hiểu sao lâu lâu thấy ngành chức năng đến kiểm tra rồi khi mấy ổng đi rồi thì mọi chuyện không có gì mới.
- Sao chị Sáu biết nhiều dữ vậy?
- Còn anh nữa, anh cũng đừng tiếp tay cho tụi nó nữa nghen.
- Chị nói gì kỳ vậy. Tui chỉ chạy xe ôm thôi mà.
- Thì anh chạy xe ôm, nhưng anh lại “đưa rước” tụi nó đến nhà trọ, coi chừng có ngày…
- Nhà báo đừng nghe bả nói bậy nghen, tui không biết gì đâu à!
- Ừ, tui nói vậy đó, ai làm nấy biết…
Rồi bà Sáu bỏ đi. Nhưng câu nói “Ai làm nấy biết” cứ như cây kim châm đang thọc vào hông tôi.
Rồi điện thoại lại rung lên:
- A lô, nhà báo đến ngay đầu chợ chuyện liền đi. Bà Sáu vé số bị xe đụng nè.
Tôi tức tốc tới hiện trường thì thấy bà Sáu đang nằm trên vũng máu, bà không còn nữa rồi.
- Ai đụng bà sáu? Tôi hỏi như hét lên.
Một người đàn bà đi chợ kể lại, khi tui nghe bà sáu la lên: “Trời ơi, chết tui!” thì thấy hai đứa con gái ăn mặc hở hang phóng xe như ma đuổi, lủi mất hút vào đường hẻm.
Tôi nghe lạnh cả xương sống. Phải chăng người đụng bà sáu chính là những cô gái ở quán karaoke. Lẽ nào, những con người thơm lừng mùi nước hoa, nói năng như rót mật vào tai lại thiếu tình người đến vậy?!