Cuộc thi bình chọn 100 bài thơ hay nhất ở Thế kỷ XX được phát động từ đầu năm 2005 do Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức, đã được công bố kết quả vào đêm Thơ Nguyên Tiêu 2007 tại Hà Nội. Là một người rất yêu thơ, và giảng dạy thơ hơn 40 năm, tôi rất hoan nghênh cuộc bình chọn này. Bản thân cũng đã gởi bài ngay từ đầu tháng 2- 2005 để tham gia, nhưng chỉ đúng 25/100 bài (tức 25%). Tôi ngộ ra rằng: Hoá ra việc thẩm định thơ không phải bao giờ cũng lấy số đông của quần chúng để khẳng định chân giá trị của bài thơ đó. Xin được có thêm vài thiển ý với Ban tổ chức và Ban giám khảo, để nếu lần sau có những cuộc bình chọn tương tự thì nên tính toán kỹ hơn:
Một là: Việc chỉ chọn 100 bài thơ của cả một thế kỷ là quá ít. Tôi thấy thật tiếc khi nhiều bài thơ hay của các tác giả khác đã được công chúng bấy lâu yêu thích lại vắng mặt. Ví như: Từ ấy của Tố Hữu, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, Quê hương của Đỗ Trung Quân, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Ngày và đêm của Bùi Công Minh, Sợi tóc của Phạm Đình Ân…Tôi có cảm giác hình như ở đây có sự bình quân cho một số nhà thơ được chọn, mỗi người 1 bài, như kiểu chia phần. Bài thơ đó chắc gì đã tiêu biểu cho phong cách, thi pháp của nhà thơ đó. Bởi vì tiêu chí của cuộc thi là lấy số đông yêu thích những bài thơ đó là chính. Nhưng số đông ở đây là những ai? Đó là một số những người yêu thơ như: thầy giáo, học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên… Cũng có thể là bác xích lô, chị bán hàng, người hưu trí… Không ai phủ nhận số đông, nhưng liệu số đông ấy đã thật tiêu biểu cho những người có con mắt xanh, biết thẩm định thơ hay chưa?
Thơ “hay” khác với thơ “yêu thích”. Có thể một số bài thơ của Bút Tre có nhiều người yêu thích nhưng chưa chắc đã hay? Có những bài thơ Đường hay nhưng chăc gì có nhiều người yêu thích? Đó là chưa kể một câu hỏi phụ của ban giám khảo để định giải là “Có bao nhiêu người đồng ý với cách chọn của bạn?”. Nó chẳng khác gì các cuộc đố vui, chọn giá đúng, trò chơi âm nhạc trên truyền hình.
Thơ là một loại hình nghệ thuật cao quý, tinh vi, là tiếng nói tri âm, là tiếng gọi đàn, là “điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Vì thế, không phải lúc nào thơ cũng thoả mãn thị hiếu của công chúng. Cũng như nhạc trẻ bây giờ chiếm được cảm tình của số đông bạn trẻ, vì nó thoả mãn sự thưởng thức của lứa tuổi ấy, nhưng mấy người trẻ có được kiến thức âm nhạc để hiểu hết giá trị của giai điệu, ca từ? Nếu lại đem chọn 100 bài hát hay của thế kỷ XX, thì tôi đoan chắc nhiều bài hát hay của nhạc tiền chiến sẽ bị ít phiếu, vì trong số đông giới trẻ bây giờ có được mấy phần trăm hiểu biết nhạc tiền chiến? Trong khi đó rất nhiều bản nhạc tiền chiến xanh mãi với thời gian. Thơ cũng vậy. Nếu chọn thơ hay theo đúng nghĩa của nó thì phải có tiêu chí về nội dung, nghệ thuật, và rất cần có một đội ngũ yêu thơ có trình độ phân tích, đánh giá. Còn số đông yêu thích chỉ là một yếu tố để xem xét. Không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông. Tôi thấy trong số 100 bài mà Ban tổ chức cuộc bình chọn cho là hay nhất ấy, có những bài chỉ ở mức trung bình, vì tế nhị nên không tiện kể ra, để bạn đọc tự tìm hiểu. Và tôi đoan chắc sẽ có nhiều bạn đọc đồng tình với tôi như vậy.
Hai là: Tuy việc đã rồi, sách đã in nhưng theo tôi vẫn còn cách bổ sung. Đó là tiếp tục chọn 100 bài thơ hay nữa của tác giả khác, hoặc thay bài thơ hay hơn của tác giả đã được bình chọn… qua sự thẩm định một Hội đồng thơ, mà theo tôi nên giao cho Tiểu ban Thơ của Hội nhà văn Việt Nam làm việc này. Hoặc có thể chọn tên khoảng vài trăm bài thơ tạm gọi là hay, đăng lên báo và qua các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến bạn đọc, rồi Ban tổ chức sẽ chọn lại. 100 bài thơ chọn lần hai này sẽ in thành tập II (100 bài đã công bố là tập I). Làm được như vậy sẽ thoả mãn phần nào sự ngưỡng mộ thơ của số đông công chúng yêu thích thơ và sự đánh giá thơ đúng với tiêu chí của nó đối với những người hiểu sâu sắc về thế nào là thơ hay? Bởi vì như đã trình bày ở trên có thể bài thơ hay được nhiều người yêu thích, song cũng có bài thơ người ta yêu thích nhưng chưa hẳn đã hay.
Tóm lại: Cái chân lý: Thời gian và công chúng là những người trọng tài vô tư tuy không sai, nhưng đó chỉ là điều kiện cần, song chưa đủ. Qua sự công bố của nhà thơ Bằng Việt về việc xét trao thưởng cho những bạn có bài dự thi, dự đoán đúng những bài thơ hay, thì không có giải Nhất, Nhì, mà chỉ có duy nhất một giải Ba, một số giải Khuyến khích và Tặng thưởng. Qua đó cũng thấy rằng thơ là món ăn tinh thần, không phải lúc nào cũng hợp khẩu vị của số đông. Việc làm trên của Ban tổ chức cuộc thi là nhằm tôn vinh thơ Việt Nam, khẳng định truyền thống yêu thơ của dân tộc ta, rất đáng biểu dương. Nhưng rất tiếc là ở cuộc bình chọn này các yếu tố thẩm định thơ hay chưa hội đủ, nên tôi tạm lẩy Kiều: Yêu thơ như rứa hơn mười phụ thơ./.