Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.198.700
 
Người đất
Hoàng Ngọc Thư

Văn chương có thể tái hiện một phần nhân loại. Đó là việc mà các bậc thiên tài xưa nay vẫn hay làm. Song văn chương còn có thể thu nhỏ cả nhân loại lại, biến nhân loại thành một thứ khác, gần cái THỰC hơn so với tất cả những gì xưa nay người ta lầm tưởng. Đó là trường hợp của thiên truyện ngắn gọn ghẽ, giản dị và đặc sắc này. Một lối viết, lối tư duy khiến ai đọc đến cũng phải giật mình.

 

VPL

 

 

Họ sinh ra từ đất. Đó là những người bằng đất được nặn ra từ một khuôn với hình hài, dáng vóc, mắt mũi và mọi chi tiết giống hệt như nhau. Tuy nhiên, mặc dù không ai ngoài chính bản thân từng người biết được điều này, những người đất đều hãnh diện về tính cá biệt của mình đi từ điểm khác nhau duy nhất: những quả tim của họ. Thật ra, những “quả tim” của họ không giống như những quả tim của các giống người khác: chúng chỉ là những lỗ hổng do những túi không khí bị kẹt lại khi đất nhão được đổ vào khuôn. Vì lý do này, hầu như mỗi người đất đều có một trái tim ở những nơi khác nhau và vì thế, tính nết, cách xử sự, thói quen, tài trí, sở thích, v.v... của họ đều khác nhau.

 

Vì những quả tim là đặc tính cá biệt duy nhất của mỗi người đất, chúng trở nên đề tài ưa thích và trung tâm cho các cuộc tranh luận cũng như đầu mối của những gièm pha, va chạm. Người ta thường khen hay chê một người vì một việc làm nào đó, và mặc dù điều này hoàn toàn chẳng ăn nhập vào vị trí của quả tim người này, họ vẫn lôi nó ra mà phê bình hay tán dương, nhưng không ai nhận ra điều thiếu logic này. Chẳng hạn, khi một tên côn đồ vớ lấy ví tay của một phụ nữ, đột nhiên quả-tim-đầu-gối của hắn (đó là cách những người đất gọi những quả tim theo đúng vị trí của chúng) bị lôi ra nhiếc mắng thậm tệ. Những người đất cho rằng kẻ có quả-tim-đầu-gối tất nhiên thích hợp với thói vớ lấy đồ của người khác rồi bỏ chạy. Còn đối với những quả tim ở những vị trí khác, những người đất thường có những trao đổi đại loại như “Ôi dào, nói gì đến cái ngữ tim-trong-háng ấy”, hoặc, “Đã bảo mà, đôi ấy không thể sống vững bền với nhau được, làm sao tim-sau-gáy có thể hoà hợp với tim-bàn-chân”, v.v...

 

Những quả tim trở nên trung tâm của lẽ sống của những người đất và mặc dù chúng gây ra không biết bao nhiêu tranh chấp, ưu phiền, họ vẫn không thể làm ngơ trước nhu cầu của những trái tim đòi hỏi: tìm cho được một người có quả tim giống như họ. Tục truyền rằng, nghìn năm trước đây, có một đôi có quả tim hệt như nhau và sau khi kết hôn, không những họ đã sống với nhau hạnh phúc vững bền, hằng đêm họ biến thành người thật và sống với nhau thật mặn nồng. Dẫu cho điều này không dễ hơn tìm kim đáy biển, mỗi người đất đều có cơ hội như nhau và đều thầm mơ ước một ngày tìm được bạn lòng. Họ sẵn sàng đánh đổi cả đời làm đất chỉ để mang da thịt người một đêm bên người họ say đắm. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, những con người chân chất vẫn say mê, theo đuổi và kết hôn với những người có quả tim nơi khác.

 

Chẳng hạn, trong nhóm ưa ca hát, có gã tim-lỗ-rốn say mê ả tim-màng-nhĩ. Bạn bè hai bên đã nhiều lần khuyên can, e ngại họ sẽ không tìm được hạnh phúc lâu bền, nhưng vì cả hai đều khá cứng đầu, cuối cùng họ vẫn kết hôn và kết quả là mọi người không ngớt có chuyện bàn tán về họ. Kết cục là những va chạm đều đi từ hai quả tim khác chỗ: chàng luôn bàn tán về những món xoay quanh lỗ rốn, những thứ làm thoả mãn lỗ rốn, trong khi nàng luôn ca thán về sự thiếu thốn thường xuyên cho nhu cầu màng nhĩ của nàng. Cuộc hôn nhân của họ không biết sẽ kết thúc thế nào, nhưng chuyện tình của họ thường trở nên đề tài để răn đe lũ trẻ phải sáng suốt lựa chọn người tương xứng. Mọi người thường bảo, nếu sáng suốt hơn, tim-lỗ-rốn lẽ ra phải chọn người có quả tim đâu đó gần rốn và tim-màng-nhĩ nên chọn người có tim không quá xa cái đầu, v.v...

 

Chỉ tội nghiệp cho những người không bao giờ tham gia những cuộc bàn luận, tranh cãi như thế này: Họ không có tim và mặc dù khát khao được có, họ không thể tự tạo cho mình và luôn giấu mặt vì hổ thẹn. Ở một phương diện nào đó, họ có cảm giác như thể họ thuộc về tầng lớp thấp nhất hoặc sống ngoài lề xã hội. Họ bị lãng quên và không được quyền ca thán vì bất cứ lý do gì, không thể đòi được mọi người ân cần như lão tim-cùi-chỏ vì mải chen lấn thúc chỏ vào lưng người khác, hay ả tim-trong-nách phải mặc đồng phục dài tay suốt ngày. Họ không được quyền mơ ước trở thành người và dẫu cho những kẻ khác có quả tim ở những chỗ không lấy làm thanh nhã lắm, đám này cũng lên mặt kẻ cả với họ. Không những đám người này không hề lấy làm hổ thẹn vì vị trí oái oăm của những quả tim của họ, họ còn ngang nhiên rêu rao về chúng để biện hộ cho những hành động thiếu suy nghĩ hoặc kém lương thiện. Hơn thế nữa, đó cũng là một cách đánh tiếng để may ra nếu có ai đó có quả tim cùng chỗ (mà chẳng tiện nói ra) sẽ tìm đến để kết bạn với họ. Chỉ có những người-không-tim đáng thương lầm lũi sống cho đến cuối đời với hy vọng lần sau vào khuôn sẽ may mắn hơn.

 

Với những ước mơ đơn giản như chính bản thân họ, những người đất sống cho đến ngày vỡ ra, trở về với đất và chờ đến lúc vào khuôn lần nữa. Cho đến mãi mãi, họ luôn ôm ấp niềm khao khát sẽ tìm được một người có quả tim hệt như họ để trở thành những con người thật sự, dẫu chỉ một đêm.

 

Hoàng Ngọc Thư
Số lần đọc: 2679
Ngày đăng: 18.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm trầm - Hoa Ngõ Hạnh
Thời sự làng tôi - Trần Ðăng Khoa
Khúc trầm cảm - Trương Quế Chi
Những ngày cuối năm tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập - Phùng Quán
Người mình - Nam Dao
Người Anh hùng bất tử - Đặng Thân
Có gió chuông sẽ reo - Ý Nhi
Linh Hồn - Đổ Minh Tuấn*
Bộ râu - Lê Anh Hoài
Phật ở lòng ta - Nguyễn Dậu
Cùng một tác giả
Người đất (tuyển truyện)
Tín hiệu trong đêm (tuyển truyện)
Thư tình (truyện ngắn)
Trốn (thơ)