Bài thơ Thôn quả phụ viết vừa ráo mực, tôi hào hứng đọc cho Phạm Thị Hoài nghe nhân tiện đến chơi nhà cô ấy ở căn hộ Thành Công. Hoài không nhìn vào tôi mà bảo: Em không thích câu cuối!? Trời ơi, tất cả tinh huyết bài thơ của tao nằm ở câu cuối đấy! ấy là tôi tự nhủ, bật ra miệng làm gì cho mất thì giờ đôi co! Thay vì đó tôi hỏi Hoài có làm thơ không? Trả lời: Làm thơ khó lắm, chị ạ.
Ngày ấy cùng với Thiệp, Hoài bắt đầu trở thành biểu tượng của làng văn Việt Nam, sáng chói lắm! Chuyện bâng quơ thế thôi, thoáng đã mười tám năm rồi...
Theo tôi biết, nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi có một số thành quả, gần đây như Nguyễn Bình Phương, Văn Cầm Hải, Inrasara, Lynh Bacardi... họ viết truyện nổi đình đám đấy chứ! Chiều ngược lại thì, hầu như không mấy ai được nhắc tới. Hoài là một trong số nhà văn tỉnh táo, không nhắm mắt đưa chân vào ngôi đền thơ, chỉ đứng trên gò đống văn xuôi mà bái vọng, có lẽ?
Mới đây, nghe đâu Phan Thị Vàng Anh cho in một tập thơ, tôi đã nhún vai: Cô bé viết văn giỏi thế rồi còn liều mình như chẳng có! Những nhà thơ chính hiệu còn bị phớt lờ nữa là...
Nghĩ vậy, thế mà tập thơ có tên Gửi VB bán chạy, lạ. Vàng Anh không tặng, mà tôi chỉ lướt qua một bài chọn đăng ở tạp chí Tia sáng thôi, chịu rồi!
Chỉ một bài mang tên Tập làm thơ, một bài, cũng đủ thấy chưởng lực của con ma thơ nó hất Vàng Anh đến tầng quyển nào rồi!
Rướn lên nào, cầu kỳ vào nào, con lừa già chỉ biết
gặm cỏ thực tế
Rồi phun ra cũng chỉ những dòng thực tế
Mắt chỉ thấy cây là cây, hoa là hoa,
Cái đầu đang đập tung ra để moi thử
nằm đâu cái hạt tí hon tưởng tượng
Mỗi sáng làm vài dòng, thử khác với mình, vung tay
cao hơn đầu, bất cần trán
Vẫn không qua khỏi cái bề mặt lầm lì của cuộc sống
Một với một là hai.
Tôi bất tài, tôi bất tài, tôi bất tài
Tập làm thơ như tập múa, những ngón tay thô
kiểu gì cũng không thành hình sen nở
Tôi phục kẻ thù tôi, nghĩ ra những câu co quắp, rợn người,
thoát ra ngoài biên giới não
Cũng có lúc tôi lủi vào trong cái chăn lục bát
đống rơm bà ngoại
Những sáu những tám cùng nhau dặt dìu ru ngủ tôi có tài
Tôi có tài, tôi có tài, tôi có tài
Chẳng bao giờ đến mức “tai một vần”.
Đã cố cầu kỳ hết những dòng trên, giờ thì buồn ngủ
Nhai cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn mở miệng ngáp một lần.
2004
Trên đây là bài thơ hoàn chỉnh, không thiếu một chữ, cũng không thừa một dấu chấm dấu phẩy. Tôi không tầm câu trích cũ để chẻ bài thơ ra thành khúc, thành sợi. Tôi tin mỗi người đọc đều biết cách lựa chọn món ăn (vô hình) theo khẩu vị của riêng mình, tôi viết bài này chẳng qua tôi muốn thốt lên: Cô ấy nấu ăn ngon quá! Thế thôi.
Nội dung cả bài không giấu diếm thèm khát của một cô bé thích làm thơ, ham làm thơ, và quyết làm thơ, khốn... trời không cho! Hình ảnh cô bé tập tọng, dàn dựng gần như vật lộn với một mớ tàng thức và hiểu biết, hòng đùn đẩy mọi cố gắng vào cái túi càn khôn làm căng phồng trăng gió, được mô tả (tôi không dùng chữ độc đáo mà) khác thường, (tôi không dùng chữ hồn nhiên mà) ngây ngô, (tôi không dung chữ trung thực mà) trong trẻo đến mức, khiến người đọc dễ dàng hài lòng với điệu bộ có vẻ rụt rè mà sinh động của cô bé mới “Tập làm thơ”.
Nhưng không, bài thơ này phải được nhận dạng ở một chủ đề tiềm tàng, chính xác là để “Dạy người làm thơ”. Nếu người viết không đủ chưởng lực (kungfu) ắt không thể bày biện ra trang giấy một vấn đề kinh điển, nghiêm túc và phồn tạp đến thế. Vẫn biết rằng tác giả không hề có ý đồ lên cót luân lý, mà tự thân bài thơ đã hàm chứa yếu tính sàng sẩy những tâm hồn trót nảy mầm thi hứng, gõ đầu những “nhà” thơ cứ tưởng mình có tài, và tiêm phòng cho những kẻ “si” thơ cứ tưởng mình bất tài!
Tôi nói vấn đề kinh điển là ở chỗ, quan niệm vẻ đẹp thơ của tác giả vẫn lấy quỹ tích chữ “Tâm” (xúc cảm) và chữ “Tài” (thông tuệ) làm chính đạo, không khúc khuỷu hầm hố, xảo trá diễn trò. Vô tâm bất tài thì đừng bàn đến thơ!
Không chỉ vậy, nếu quan sát những biểu tượng, hình ảnh hun đúc qua từng chữ, từng vần được nâng lên đặt xuống thuần thục đến mức như là tình cờ, dè sẻn đến độ như là vớ được và nhịp điệu câu chữ hoàn toàn tuân lệnh cảm xúc, cho thấy cây bút văn xuôi này đã thấu được bí quyết của thi ca. Người này còn nắm rất vững về cấu trúc biến ảo và sở trường của thi pháp, khi chèn vào những điệp khúc làm giãn nở không gian thơ, mềm mại các nốt nhấn vón hòn, căng cứng; khi xử lý đoạn kết như một mụ phù thủy quái đản, nhằm tháo gỡ tâm trạng bế tắc sau cuộc hành lạc thơ, hành hạ thơ, hành đạo thơ tới tấp mà không đạt chính quả, chiếc gậy thần bất chợt vẽ ra một lối thoát đắc địa và kịp thời cho cô bé, cho cả chúng ta - các đồng cô bóng cậu đang kiệt sức trong vai hầu bóng, bắc ghế quay cuồng giữa ngôi đền thơ ca. Một lối thoát được mở toang, đồng thời là một khuyến cáo bình an: hãy tách rời khỏi (có thể là an ủi) bản thân mà quan sát thật kỹ lưỡng - tôi vốn chỉ là... cô bé thích nhai kẹo lạc và bị dính răng... rồi cũng phải đi ngủ... thế thôi mà!
Tạo dựng một kết cục tân kỳ, bước ngoặt mà hồn nhiên, còn là một thủ pháp để ngăn chặn diễn tiến đơn điệu, có nguy cơ lầm vào ngõ cụt của mạch thơ, không phải người làm thơ nào cũng biết xoay xở!
“Tập làm thơ” không chỉ là một duyên thơ chính hiệu, nó còn là bậu cửa của một ngôi lời thiêng liêng! Cảm ơn tạp chí Tia sáng đã chọn được bài thơ đắt giá trong mớ hỗn độn của chợ chiều thi ca hôm nay.
Tháng Giêng 2007, Linh Đàm