Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
752
123.239.180
 
Một cuộc phỏng vấn
Trần Đức Tiến

Phùng đã từng từ chối nhiều cuộc phỏng vấn. Nói chung ông không thích nói thêm điều gì ngoài tác phẩm của mình. Nhưng Miên bảo: còn những hai tiếng nữa taxi mới đến. Hai giờ cuối cùng trước khi chia tay, tưởng là ngắn ngủi hoá ra lại chẳng biết dùng vào việc gì. Hành lý đã thu xếp gọn gàng, chờ taxi đến là ra sân bay. Miên buột miệng: hay là anh cho em phỏng vấn anh? Nàng định đùa, nói cho có chuyện, chứ ngay từ khi biết nhau, Phùng đã giao hẹn dứt khoát về vụ này rồi. Nhưng thấy ông im lặng, nửa nằm nửa ngồi trên giường, nét mặt bần thần, Miên lại giục: nhé? Để em làm "lương khô". Câu này là thật. Cái nghề phóng viên của nàng hay có những khoản "lương khô" để dành như vậy. Những cuộn băng ghi âm tiện đâu thu đấy, gặp người cần hỏi là tranh thủ hỏi lấy được. Sau này sẽ có dịp đem ra dùng. Lắm khi ghi một cuộc mà gỡ ra, dùng cho ba bốn chương trình khác nhau.

 

            Miên mở túi, lôi ra chiếc máy ghi  âm cổ lỗ và nặng như cục gạch, loay hoay tìm ổ cắm điện. Xong, nàng cũng nhảy lên giường ngồi sát bên Phùng, bật công tắc máy thu, rồi ngả đầu vào vai ông.

            "Nói gì bây giờ"?

            "Anh thích nói gì thì nói" - Miên nhắm mắt, bàn tay cầm chiếc "mic" giơ lên chỉ chực oải ra.

            Phùng đỡ lấy chiếc "mic", cằn nhằn: "Thì cũng phải hỏi câu gì mới nói được chứ"?

 

            Miên giãy lên, nhõng nhẽo: "Thế sao có những cái không đợi phải hỏi?... Thôi, nói đi. Thưa ông, ông có thể vui lòng cho bạn đọc biết một ngày làm việc của ông thường bắt đầu như thế nào?".

 

            Của nợ. Đang riêng tư  thế mà chuyển phắt ngay sang giọng công cộng được! Nhưng đấy là nghề của nàng. Chỉ có điều câu hỏi làm cho ông hơi bối rối. Bắt đầu một ngày à? Với ông, chẳng có sẵn một chương trình nào. Ông tự nhận mình là nhà văn xoàng thôi. Bằng này tuổi, chẳng còn tham vọng nào làm máu ông sôi lên được. Thích thì viết, không thích thì nghỉ. Viết được đến đâu là do trời. Thế nên cũng không học đòi như ông A ông Z tiếng tăm lừng lẫy có những cung cách giờ giấc làm việc kể ra đã thấy khác người...

 

          "Tôi thường dậy từ lúc 2 giờ sáng. Tôi bị mất ngủ từ năm, sáu năm nay". Phùng bắt đầu, hơi có vẻ xúc động. Giọng ông nhỏ và khàn. Ông không sao dẹp bỏ được ý nghĩ là có cả nghìn người đang nghe mình. Ông cố nói to hơn. "Không ngủ thì nằm nghĩ. Nhiều đêm cũng chẳng nghĩ được điều gì cho ra hồn. Nhưng nếu có chuyện thì tôi dậy, ngồi vào bàn. Đấy là khoảng thời gian lạ lùng  nhất trong ngày. Tôi viết những gì vừa nảy ra trong đầu"...

 

            "Tiếp tục" - Miên giục, tụt hẳn người xuống, nằm gối đầu lên đùi Phùng.

            "Ban ngày đọc lại, thấy những gì mình viết ra lúc đó... như không phải của mình". Phùng định nói: như có ai cầm tay mình viết ra. Hoặc, như là viết trong cơn mê sảng. Nhưng ông thấy nói thế có vẻ văn hoa quá.

            "Hiện tại, ông quan tâm đến những đề tài nào"?

            "Tôi không phụ thuộc vào đề tài. Chị muốn nói đến văn học chống tham nhũng à? Hay văn học công nghiệp hoá, hiện đại hoá? Ở chỗ tôi người ta còn khuyến khích văn học cao su, văn học dầu khí nữa cơ"!

 

            Giọng Miên vẫn tỉnh bơ: "Theo ông, vì sao chúng ta lại chưa có những tác phẩm lớn"?

 

            Phùng đưa tay vuốt nhẹ lên má nàng. Khuôn mặt bầu bầu vẫn chưa hết vẻ lạ lẫm. Phùng không cho những người đàn bà mặt tròn là đẹp. Nhưng ở nàng, nó lại có một vẻ quyến rũ đặc biệt. Nhất là cặp môi đầy đặn, rõ nét. Vẻ nồng nàn và an toàn toát ra từ đó khiến Phùng tưởng tượng ra ngay cuộc phiêu lưu. Đây là  lần thứ hai ông gặp nàng, và cuộc phiêu lưu đó đã bắt đầu... Lần thứ nhất, ông từ trong Nam ra dự hội nghị. Ở hành lang hội trường, ông từ chối trả lời phỏng vấn của cô phóng viên. Nhưng trên đường vào, khi máy bay gặp sự cố phải đáp khẩn cấp xuống một sân bay miền Trung, ông đã chủ động nhắn tin cho cô bằng điện thoại di động. Đâu như chỉ đến cái tin nhắn thứ ba, Phùng đã không thể kìm mình nói ra một sự thật, cái sự thật vào lúc này bỗng có sức thôi thúc ông mãnh liệt và cũng trần trụi đến nín thở: "Anh rất thèm được ngủ với em". Bấy giờ vào khoảng 2 giờ đêm. Những hành khách đi cùng chuyến bay còn chưa kịp hoàn hồn. Họ ngồi xúm lại với nhau thành từng nhóm trong phòng chờ. Trời lạnh.

            "Kìa, anh ngủ rồi à"? - Miên hỏi, nhưng hai mắt vẫn nhắm.

            "Không"...

            "Nói tiếp đi".

 

            Phùng lúng túng, lái ý nghĩ của mình quay lại với cuộc phỏng vấn. Cái trò chơi này thật lạ! Nó diễn ra nhát gừng, nửa thức nửa tỉnh. Phùng càng nói càng cảm thấy bị đẩy ra xa nàng. Còn nàng, chắc hẳn nàng sẽ khoan khoái thiếp đi trong lúc ông đang nói...

 

            Thôi được. Đúng thế. Đúng là ta chưa có những tác phẩm lớn. Lý do thì nhiều. Phùng nhớ có lần đang ngồi viết thì chuông điện thoại. Nhấc máy, nghe giọng rất lạ ở đầu dây đằng kia: thưa, đây có phải số máy của ông X.? X. nào ạ? X. lái xe ấy...? Tự nhiên Phùng nổi khùng, dập máy, buông một câu bất nhã. Quay lại bàn, không làm sao viết tiếp được. Một sự nhầm lẫn thường tình. Nhưng tại sao ông có thể nổi cáu lên như vậy? Nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi cũng lờ mờ hiểu ra. A, thì ra lúc đó ông đang viết văn. Đang sáng tạo. Đang làm công việc của đấng toàn năng. Thế mà có thằng lại nhầm ông với một tên tài xế! Mặc dù đúng ra là nó nhầm số máy, chứ không phải nhầm người... Phùng chưa tập được thói quen tự hạ bệ mình, trước khi bị công chúng hạ bệ. Văn chương được làm ra bởi những kẻ ý thức về mình quá trầm trọng thì bao giờ cũng kém phẩm chất.

 

            Trong lúc Phùng kể lại câu chuyện nhà văn - tài xế thì Miên đã thở đều đều. Nhưng khi ông vừa dừng, nàng lại sực tỉnh:

            "Ông có bao giờ nói ra những sự thật tăm tối, khuất lấp trong chính con người mình"?

            Khỉ thật! Đây có lẽ là câu hỏi bất ngờ, hay nhất trong cuộc phỏng vấn. Phùng đã nghĩ đến điều này từ rất lâu. Ông có thể nói nhiều về nó, nếu có người muốn nghe. Nhưng Miên lại cựa mình, sửa lại thế nằm cho thoải mái để ... lơ mơ tiếp.

 

            "Dám chứ. Ít nhất cũng có một lần tôi đã làm như vậy, lúc máy bay gặp sự cố".

            "Ôi ôi... Ngứa quá, ngứa quá! Anh gãi cho em chỗ này với" - Miên chả buồn để ý gì đến câu trả lời có vẻ đùa giỡn của Phùng. Nàng ngọ nguậy liên tục. Chân nàng đạp chiếc mền rơi xuống đất.

            Phùng bỏ chiếc "mic" xuống giường, luồn tay vào gãi lưng cho Miên. Nàng khe khẽ rên lên. Đột nhiên Phùng nhận thấy cuộc phỏng vấn đến đây là kết thúc. Ông không muốn nói gì nữa. Miên cũng chẳng buồn tiếp tục những câu hỏi. Những giây phút qúy giá từ từ trôi qua. Phùng đã từ miền Nam bay ra để gặp lại nàng, rồi bây giờ lại chuẩn bị bay vào. Còn Miên sẽ quay về với chồng con. Ba ngày dành cho ông sắp hết. Chưa ai dám nhắc đến lần gặp sau... Bàn tay Phùng dừng lại trong lần áo của Miên, nhẹ nhàng lần về phía trước.

 

          Vú nàng đầy đặn, mềm và ấm.

            Miên như tỉnh ra, nằm xoay người, duỗi hai chân, mắt he hé mở.

            Phùng lặng lẽ choàng xuống, phủ lên người nàng.

            Miên nấc lên những tiếng to. Nàng phải vơ vội lấy chiếc gối, ấn một góc vào miệng.

            Bên cạnh hai người, chiếc "mic" nằm lăn lóc. Máy ghi âm vẫn chạy.

 

                                                                *

            Miên ngồi dậy, vén lại tóc rồi mở máy cho Phùng nghe lại cuộn băng.

            Chuông điện thoại trong phòng reo vang. Phùng nhấc máy. Tiếng cô lễ tân khách sạn ân cần: "Taxi đã đến, đang chờ ông dưới sân".

 

            Miên ôm lấy Phùng, bật khóc.

            Hai người cứ đứng ôm nhau ở giữa phòng.

 

            Băng trong máy vẫn mở. Giọng Phùng đều đều vang lên nghe như giọng người lạ. Rồi đột nhiên ông ngừng. Chỉ còn tiếng băng lạo xạo. Tiếng nấc to, nghẹn ngào của Miên...

            "Em sẽ xoá, sẽ xoá"... - Miên vội vàng tắt máy rồi dụi mặt vào ngực Phùng.

 

            Phùng mỉm cười, ứa nước mắt. Ông nghĩ đến lúc cái phần còn lại của cuốn băng được công bố - cái phần mà Miên sẽ không xoá. Đấy là những ý kiến của ông về văn chương... Giờ đây, ông mới nhận thấy chúng sao mà nhạt  nhẽo, tầm thường.

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2606
Ngày đăng: 28.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bức tranh không lời - Trương Hoàng Minh
Chiếc dù nhiều màu - Hội An
Hiện tại - Đào Bá Đoàn
Đời tư - Huỳnh Mẫn Chi
Người cóc - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cuốn sổ tay - Trọng Huân
Chuyện của chú cháu tôi - Hội An
Trên cánh bay của chuông Chùa - Ngô Phan Lưu
Chuông chùa Bạch Vân - Trần Đức Tiến
Rượu của thời chưa sinh - Đào Bá Đoàn