Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.143.496
 
Những tồn tại khác của con người
Khánh Phương

Sự bùng nổ của văn học Nhật Bản trên thế giới những thập kỷ gần đây, với thành công vang dội của hai nhà văn đương đại Murakami Haruki, Banana Yoshimoto, Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này, khẳng định xu hướng sáng tác độc đáo xuất phát từ truyền thống tư duy phương Đông.

 

Murakami Haruki trong tiểu thuyết được xem là giản dị nhất và đậm tính tự truyện của ông, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, đã miêu tả đời sống của một người đàn ông trung lưu với những mảng chính: những xúc cảm thuở ấu thơ, tình ái và những ẩn ức tinh thần, khi rõ rệt, lúc mơ hồ. Con người xã hội gần như hoàn toàn bị bỏ qua, ngoại trừ một vài miêu tả tối thiểu để làm nền cho thế giới bên trong. Trong tiểu thuyết này, nhân vật chính của ông vẫn luôn sẵn lòng gạt bỏ quan niệm đạo đức thông thường thể hiện qua những quan hệ đời sống, để trung thành với bản thân trong một thứ tồn tại mãnh liệt, đích thực, rộng mở vô biên.

 

 Với Murakami, tồn tại có nghĩa là tình yêu, luyến ái, dục tính, không một lĩnh vực nào loại trừ nhau, và bao trùm lên tất cả là cuộc kiếm tìm cái đích thực nhân tính, điều “kỳ diệu” khiến cho con người thực sự là con người, dù có mang bất cứ giới tính, màu da nào.

 

Tình yêu, luyến ái và dục tính được nhà văn miêu tả với ý thức sâu sắc như những phẩm tính người. Watanabe của Rừng Nauy, Okada của Biên niên ký chim vặn dây cót sẵn lòng lắng nghe, đồng cảm thậm chí nâng đỡ những người xa lạ, không phải như một “nghĩa vụ” mà là năng lực tự nhiên vốn có. Watanabe còn “ngủ” với cô gái mới quen ở ga tàu điện ngầm được vài tiếng đồng hồ, vì đó là ham muốn tự nhiên của cả hai, sau khi đã có chút ít cảm thông. Tình dục như một nhu cầu thuần tuý với Hajime trong Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, nhưng quan trọng hơn là sự bộc lộ con người một cách trung thực và mạnh mẽ.

 

Lòng say mê dục tính hoà quyện với những rung cảm thẩm mỹ tự do, đậm dấu ấn cá nhân, với Murakami, chính là một trong những cánh cửa tuyệt đẹp để bước vào thế giới tồn tại siêu hình của con người. Rừng Nauy là tác phẩm thể hiện trọn vẹn tư tưởng này.

 

Banana Yoshimoto, được coi là người viết văn cho giới nữ, cũng gặp gỡ với tên tuổi lớn Murakami ở tham vọng khắc hoạ phần “ tồn tại khác” của con người. N- P, Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi… tràn đầy vẻ đẹp nhân tính. Dễ dàng tách khỏi hoàn cảnh xã hội và tâm lý, tồn tại độc lập bằng con- người- cá- nhân riêng biệt, nhân vật của Banana là sự tự do thể hiện những  xúc cảm tinh vi và mạnh mẽ, đồng thời cũng là khát vọng tìm kiếm tận cùng cá nhân. Sui của N- P, yêu cả cha đẻ và anh trai, người mẹ lạ lùng( do chuyển đổi giới tính) trong Kitchen, Tugumi khủng khiếp với kế hoạch báo thù… những nhân vật tưởng chừng kỳ quặc, rõ ràng “không có thật”, là sự phi thường hoá khả năng xúc cảm, trở thành đại diện cho phần mạnh mẽ, riêng tư mà cũng tự do nhất của con người.

 

Đưa các nhân vật của mình trở về với những ẩn ức tinh thần sâu kín, Murakami đồng thời đặt ra những vấn đề tồn tại trong tâm trí nhân loại từ ngàn năm: cái ác, sự tự huỷ, phức cảm Edip.

 

Tiếng hót của chim vặn dây cót là biểu tượng xuyên suốt cho sự thức tỉnh của con người về cái ác, như một định mệnh tồn tại vượt lên nhận thức thông thường, một ẩn ức liên hoàn trong nhiều vòng đời của con người, như sự tự huỷ. Nhiều nhân vật trong trẻo và tràn đầy sức sống của Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót tự tìm đến cái chết. Không chỉ là hình thức phản kháng môi trường sống, hành động tự huỷ được miêu tả như một khía cạnh trong nhân cách bẩm sinh, bản ngã tự do của con người, và quan trọng hơn, để bảo toàn trọn vẹn nhân tính tự nhiên đó.

Cậu thiếu niên Kafka trong Kafka bên bờ biển tự nguyện dời nhà sống đời phiêu bạt để thoát khỏi lời nguyền “giết cha, lấy mẹ”, lang thang trong thế giới đan xen giữa siêu tưởng huyền hoặc của ký ức ấu thơ loài người với thời hiện tại đổ vỡ, vô hướng. Phức cảm Edip, như nhà văn miêu tả, phải chăng chính là ẩn ức về giới hạn cuối cùng, khi con người vừa khao khát tuyệt đỉnh, vừa xâm phạm ranh giới cuối cùng của nhân tính?

 

Những ký ức ấu thơ của loài người lại một lần nữa, hiển hiện trong đời sống hiện tại với cả những bế tắc và lời giải đáp cho hôm nay.

 

Cùng đề cập tới tình yêu đồng huyết, nhưng trong giới hạn lối khai thác con- người- cá - nhân của mình, Banana Yoshimoto đã chưa đưa ra được cái nhìn khách quan.

 

Tôn sùng xúc cảm và ý thức cao nhất về cá nhân (như Banana ) hay nhìn nhận con người trong bản chất tự nhiên, bản chất siêu hình ( như Murakami ), hai tiếng nói độc đáo của văn chương đương đại Nhật Bản đã góp phần khám phá những tồn tại khác của con người, vượt khỏi thứ hiện thực hiện hữu.

 

Nếu như bậc thày văn chương nước Nhật, Kawabata Yasunari đạt đến siêu hình của cái đẹp bằng sự hoà hợp giữa con người của truyền thống văn hoá với bản tính tự nhiên, thì Murakami là người kế thừa xứng đáng của ông với một tinh thần siêu hình gắn bó mật thiết cùng tiến trình sự sống.

Khánh Phương
Số lần đọc: 3918
Ngày đăng: 31.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm thức thiên nhiên của Người Nhật và Người Việt - Nhật Chiêu
Viết về Nh . Tay Ngàn - Trần Hữu Dũng
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V: Thơ Việt ở miền đất võ - Nguyễn Thanh Mừng
Các bậc thầy văn chương thế giới: Saint-John Perse - Trần Tiển Cao Ðăng
Thơ xưa viết về Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Văn học nghệ thuật : Đi con đường thị trường - Trần Thị Trường
Cứ đi theo những dòng sông - Tương Lai
Trần Dần - nhà cách tân thơ Việt - Nguyễn Trọng Tạo
Giải thưởng lần thứ nhất ( 2007), Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam : Chào mừng những mầm non văn học ! - Triệu Xuân
Vầng hào quang , Dòng nước mắt và suối mồ hôi - Nguyễn Khắc Phê