Lời tựa của Nhà văn Triệu Xuân trong Tuyển tập Lê Văn Thảo. NXB Văn học sắp phát hành.
Nhà văn Lê Văn Thảo - tên khai sinh la Dương Ngọc Huy - sinh ngày mồng một tháng Mười năm 1939 tại Thủ Thừa, Long An, Hội viên Hội Nhà văn từ năm 1977. Lê Văn Thảo là một trong những gương mặt điển hình của thế hệ sinh viên Sài Gòn lên rừng tham gia kháng chiến. Ông đâu có nghĩ mình lên rừng để thành nhà văn. Ông nghĩ mình là một người lính! Hai mươi ba tuổi đầu, đang học năm thứ ba ban Toán, Lý (MP) của Đại học Khoa học Sài Gòn, Lê Văn Thảo cùng em trai là nhà văn Lê Văn Duy, lúc đó đang học trường Quốc gia Hành chánh, bỏ lại đằng sau cuộc sống sung sướng giữa Sài Gòn hoa lệ… để lên rừng. Thời kỳ đó, giới trí thức, sinh viên, thanh niên vô R(1) chưa nhiều. Các anh hăng hái làm những công việc mà tổ chức giao cho, trước hết là làm rẫy! Trong khi các nhà văn quê gốc Nam Bộ lúc đó đã thành danh như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Vĩnh Hòa… thì mãi đến năm 1965, Lê Văn Thảo mới tập tọng bước vào nghề viết văn. Tác phẩm của Lê Văn Thảo thời kỳ ấy là những bút ký chiến trường, những truyện ngắn về vùng quê Long An, Đồng Tháp Mười và những chiến sỹ, đơn vị quân Giải phóng miền Nam ở miền Đông Nam bộ. Sau giải phóng, về công tác tại báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Thảo tiếp tục viết truyện ngắn. Mãi đến năm 1988, Lê Văn Thảo mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Sau đây là những sách ông đã xuất bản:
Ngoài mặt trận (truyện và ký, Nxb. Văn học giải phóng, 1969); Từ thế cao (ký sự, Nxb. Giải phóng, 1970); Đêm tháp mười (tập truyện ngắn, Nxb Giải phóng, 1972); Bên lở bên bồi, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1978); Chuyện xã tôi (truyện vừa, Nxb. Kim đồng, 1980); Cửa sổ màu xanh (tập truyện ngắn, Nxb. Tác phẩm mới, 1981); Câu chuyện 20 năm (tập truyện ngắn, Nxb. Mũi Cà Mau, 1985); Buổi chiều và sáng hôm sau (tập truyện ngắn, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1986); Ngôi nhà có hàng rào song sắt (tiểu thuyết, Nxb. Tác phẩm mới, 1988); Chuyện nhỏ tình yêu (tập truyện ngắn, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1992); Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1995), Ông cá hô (tập truyện ngắn, Nxb. Hội nhà văn, 1995); Một ngày và một đời (tiểu thuyết, Nxb. Văn học, 1999); Cơn giông (tiểu thuyết, Nxb. Trẻ, 2000), Truyện ngắn chọn lọc (Nxb. Hội Nhà văn, 2003).
Trong số 15 tác phẩm đã xuất bản, có 4 tiểu thuyết, (không cuốn nào dài quá 350 trang, khổ sách 13 x 19 cm; có cuốn như Con đường xuyên rừng chỉ 138 trang), còn lại là 11 tập truyện ngắn. Có vẻ như Lê Văn Thảo sở trường về truyện ngắn. Thế nhưng những giải thưởng lớn mà anh đạt được lại chính là từ tiểu thuyết: Một ngày và một đời, giải A của Hội nhà văn Việt Nam, 1997; Cơn giông, giải B của Hội nhà văn Việt Nam, 2003. Lê Văn Thảo được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 2006 cũng là từ tiểu thuyết Cơn giông.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện vào làm phóng viên chiến trường ở miền Nam; sống và gắn bó với đất và người Nam Bộ suốt hơn ba chục năm qua. Đọc văn Lê Văn Thảo, tôi càng thêm tha thiết tin yêu đất và người xứ này: Người Nam Bộ có tình cảm trong sáng, chân chất, mộc mạc nhưng mãnh liệt, ý chí và nghị lực phi thường, bản tánh ngang tàng, khảng khái, chỉ tôn thờ sự thật và coi trọng nghĩa tình... Những người nông dân miệt vườn mà tôi đã từng tiếp xúc thật sự là một thế giới của vẻ đẹp giản dị trong tâm hồn, tính cách hào phóng, cả đời không thèm lụy bất cứ điều gì, vui buồn lộ cả ra ngoài, nhưng lại rất sâu sắc trong những ứng xử thuộc về tâm linh. Có thể nhận ra những điều vừa nói chỉ qua một vài truyện ngắn của Lê Văn Thảo như: Đêm Tháp Mười, Hai người lính, Bà nội tôi, Làng lở, Con mèo, Ông già biển, Anh chàng xích lô lãng tử, Hai ông cháu và con người chủ xưa, Hàng xóm bạn bè, Người Sài Gòn, Người thầy qua bao năm tháng, Hai cuốc xe ôm, v.v…
Truyện ngắn Ông cá hô (5.898 chữ) là một thí dụ điển hình. Đây là truyện khắc họa tính cách người Nam Bộ thật sự độc đáo! Nhưng ông Thảo đâu phải chỉ có Ông cá hô. Hãy đọc Thằng Cung, hãy đọc Đứa con trở về… sẽ thấy tính cách con người Nam Bộ hiển hiện sinh động, tỏa sáng tấm lòng nhân hậu và tràn đầy nghĩa khí. Ngay cả những truyện ngắn được Lê Văn Thảo viết trong thời chiến tranh in trong tập Đêm Tháp Mười (1972) tôi vẫn nhận ra nhân vật quen thuộc của Lê Văn Thảo là những con người bình dị, những người mà người ta kêu bằng vô danh tiểu tốt. Lê Văn Thảo nghiêng về loại nhân vật ít người để ý, những người chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi nhưng không bao giờ oán than cái số kiếp mình phải gánh chịu. Họ chấp nhận và vượt qua tất cả để sống, giản dị vậy thôi, để sống. Sống như ai, như kiểu nào không quan trọng, mà là để sống như cái cách mà họ có thể! Đọc truyện ngắn Lê Văn Thảo, tự dưng tôi cứ thích đọc lại những truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ông Lộc viết về đất và người Nam Bộ thật hay, tôi cho là hay cỡ hàng đầu trong các nhà văn gốc Nam Bộ. Truyện ngắn Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc là một mẫu mực, là một bài thơ bằng văn xuôi về những người nông dân Việt Nam đi mở đất. Họ chấp nhận tất cả, vượt lên tất cả, bằng nghị lực phi thường, bằng cả tấm lòng nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, bằng cả niềm vui và niềm hy vọng, bằng sự tếu táo cà rỡn dí dỏm rất Nam Bộ do chính họ tạo ra để mà đối diện với bao thử thách, để mà có thể tồn tại một cách ngang tàng. Nhờ họ, những người đi mở cõi, mà giang san gấm vóc mới được như ngày nay!
Năm 2005, Lê Văn Thảo tâm sự: “Tôi không có giáo huấn gì trong sáng tác văn học, không chỉ dạy ai trong các trang viết. Tôi ít tranh cãi nhưng cũng không chiều chuộng. Văn học đối với tôi là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống lặn lội. Tôi viết từ những thực tế đã sống qua, đồng hành với nhân dân mình trong công cuộc lao động và chiến đấu. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh. Tôi viết chậm rãi, tự nhiên, coi lao động nghề văn cũng lao tâm khổ tứ như mọi nghề khác. Tôi viết từ thôi thúc của bản thân cũng là thôi thúc của cuộc đời”.
Trước đó gần mười năm, ông nói: “Tôi viết chậm, thường viết về những kỷ niệm, do vậy viết để phục vụ kịp thời là khó khăn. Dù sanh ra và lớn lên nhiều năm ở thành phố, cũng học hành đủ trường đủ lớp, mà tôi vẫn thấy máu quê mùa như có trong tôi từ nhiều kiếp trước. Có dịp đi về những vùng nông thôn hẻo lánh, hoặc ở thành phố, đến những xóm lao động bình dân, ngồi ở quán cóc, tôi thấy thích thú nghe được nhiều lời hay, chuyện kể hay. Tôi sợ chốn cao sang. Nếu còn viết được, tôi chỉ dành sức viết về những con người bình thường, với những số phận hẩm hiu bất hạnh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi có dịp cùng sống và chiến đấu với các chiến sỹ quân Giải phóng, do vậy đề tài chiến tranh với những người chiến sỹ bình thường, tình đồng đội của họ đối với nhau vẫn là đề tài tôi yêu thích. Viết thật giản dị, đó là phương châm của tôi…”.
Đọc văn Lê Văn Thảo, dù hợp gu hay không hợp, những ai quen với chuyện bếp núc của văn chương đều nhận ra đây là một cây bút có nghề. Người ta bảo có ba yếu tố cấu thành một nhà văn, đó là: có một câu chuyện, biết kể câu chuyện ấy và thứ ba là biết viết thành văn. Hội đủ ba yếu tố đó nói nôm na là có nghề, là chuyên nghiệp. Ông Thảo có nghề, dù văn ông có thể hợp với người này mà không hợp với người khác. Tôi chỉ đi vào hai lãnh vực ông Thảo đã và đang hành nghề, mà người ta cho là quan trọng nhất của nền văn học: Truyện ngắn và Tiểu thuyết.
Truyện ngắn của Lê Văn Thảo thường được ông thể hiện qua lời kể ở ngôi thứ nhất. Có gì kể nấy. Chuyện sao kể vậy. Ngôn ngữ thì đặc chất Nam Bộ, không cầu kỳ, không khoe mẽ, không hề làm dáng văn chương chữ nghĩa. Ông cá hô đã có nhiều người ca ngợi. Mới đọc lần đầu, có người cho rằng Lê Văn Thảo viết Ông cá hô ít dụng công, có phần dễ dãi! Vậy mà, càng đọc càng thấy sức gợi của những câu văn mộc mạc kia, sức cuốn hút của những lời đối thoại ngắn gọn, cục mịch kia như được tạo ra từ sự dồn nén của cảm xúc, như có ma lực! Tôi nghĩ rằng viết Ông cá hô, Lê Văn Thảo muốn cất lên một tuyên ngôn về vẻ đẹp của sự dâng hiến cho tình yêu. Tình yêu chỉ đẹp khi ta đến với nhau bằng sự thôi thúc được dâng hiến, được hy sinh. Tình dục cũng thế! Nếu không thì chỉ còn sự trao đổi, ông đưa chân giò bà thò chai rượu, đôi bên cùng có lợi, chứ làm sao có vẻ đẹp kỳ thú, sức hấp dẫn không cùng, niềm đam mê vô tận và tâm thức linh thiêng? Khi ta đến với nhau bởi sự thôi thúc, cầu mong được dâng hiến, hy sinh thì có tình yêu bất tử! Hình tượng con cá hô được ông Thảo đẩy lên như một huyền thoại. Cho dù thế, Hoàng Dương vẫn bắt được cá hô. Cá thì bắt được, nhưng trái tim người nghệ sỹ mà Sáu Dương yêu thương trân trọng thì quá xa vời! Nhân vật kép Hoàng Dương trong Ông cá hô không chuộc được đào Hồng Điệp, không cưới được đào Hồng Điệp, thậm chí, cứ như ông Thảo kể, thì chưa hề một lần được yêu nàng… Có hề chi! Hồng Điệp đã đạt được những gì mà nàng muốn, cũng tức là tâm nguyện mà Hoàng Dương mong muốn, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình cho mục tiêu ấy! Cái tính cách của Hoàng Dương chính là một nét đẹp ẩn tàng - nhưng khi bộc lộ thì rất rực rỡ - của người dân Nam Bộ. Yêu gì, muốn gì thì làm cho kỳ được, dù có thể đổi bằng cả mạng sống của mình, hề chi! Đức hy sinh vô vị lợi, tính cách trượng phu của những nhân vật trong truyện Tàu, tích Tàu qua các tuồng cải lương, hát bội đã hàng trăm năm qua in sâu trong tâm khảm người dân Nam Bộ. Những thần tượng ấy được Việt hóa, Nam Bộ hóa một cách tài tình bởi tâm thế người dân miệt sông nước Cửu Long, hồn nhiên và phóng khoáng. Lê Văn Thảo bắt được cái mạch tâm hồn ấy cho nên văn của ông có sức gợi, sức hút theo kiểu mưa dầm thấm lâu, càng đọc càng thấy ông cao tay ấn, sâu sắc về tư tưởng trong văn chương chứ không phải như cái vỏ ngôn ngữ đời thường, mộc mạc mà ông sử dụng.
Tiểu thuyết của Lê Văn Thảo cũng như truyện ngắn, không cốt làm văn, mà chỉ cốt nói được tính cách con người, tâm trạng con người, hồn cốt của người dân Nam Bộ. Tôi đã đọc kỹ cả bốn cuốn tiểu thuyết của ông, và thấy rằng càng về sau, ông Thảo càng lên tay! Thế giới nhân vật tiểu thuyết của Lê Văn Thảo cũng vẫn là cái thế giới của truyện ngắn của ông: những người bình thường, những thân phận hẩm hiu, cô độc và bất hạnh, những người ở dưới đáy xã hội. Lê Văn Thảo không lao vào những đề tài “mang tầm thời đại”, những vấn đề chính trị, kinh tế, quốc kế dân sinh. Ông không thích cao đàm khoát luận trên trời dưới biển mà chỉ thích những điều gần gũi, bình dân. Ông viết về những điều mà ông thương yêu, trân quý.
Cơn giông (in lần đầu năm 2001) rất xứng đáng với những giải thưởng mà ông đã nhận. Đây là chuyện đời một đứa trẻ mồ côi tên là Bằng. Bằng bơ vơ sau khi cả gia đình bị chết trong một cơn giông. Bằng được một lão già cờ bạc nhận nuôi. Trải qua những năm tháng tuổi thơ vô cùng cơ cực, Bằng phải làm hết việc này tới việc khác. Sau giải phóng, Bằng lấy vợ là con gái của một tay nhà giàu cũng mê cờ bạc như bố nuôi của anh. Cô này trước khi về với Bằng thì bụng đã mang bầu, chửa hoang! Thời lai đồ điếu thành công dị(1)… Thời cuộc đẩy đưa, Bằng được làm giám đốc. Sự giàu có và chút quyền lực làm tha hóa anh. Bằng ham ăn chơi, nhậu nhẹt đàn đúm. Bố vợ và bố nuôi anh thâm hụt ngân khố khiến Bằng vào tù. Ra tù, vợ bỏ, anh đóng ghe về quê cất nhà ở sông Ông Trang, bắt đầu cuộc sống sông nước. Anh gặp Thủy là một cô gái làm công cho bà mập. Thủy thương mến anh. Cô lén lấy tiền của anh để mua đất mở trại nuôi tôm (đất đứng tên anh). Thủy bị anh đánh một trận thập tử nhất sinh. Anh lại vào tù. Trong tù, anh gặp Long Cụt, một tay giang hồ chuyên đâm thuê chém mướn. Nhưng hắn lại là con người có tấm lòng. Hắn có đứa con gái nuôi bị mù từ nhỏ. Nguyện vọng duy nhất của Long Cụt là chữa cho con gái sáng mắt. Hắn bị lão ròm đâm chết trong một trận cờ bạc, để lại đứa con gái mù cho Bằng. Có người cựu binh Mỹ nhận tài trợ tiền mổ mắt cho đứa con gái. Bằng và Thủy chăm sóc nó và coi đứa con nuôi của Long Cụt như con đẻ, cùng với đứa con của người vợ trước. Thủy đưa đứa con gái lên thành phố mổ mắt. Bằng ở nhà coi trại tôm, đợi Thủy và hai đứa con trở về. Anh có cảm nhận mình đang thật sự là một người cha, người chồng có một gia đình hạnh phúc. Kết thúc Cơn giông, Lê Văn Thảo viết:
…“Bằng đi giáp vòng khu trại nuôi tôm. Cơ ngơi thật rộng, có máy sục khí, nhiều chỗ nước trong nhìn thấy tôm con lội đan qua lại. Nhưng anh thờ ơ, không một chút tình cảm, đầu óc vương vấn hình ảnh đứa con gái, không biết nó nhìn thấy anh như thế nào. Nó chưa từng nhìn thấy Long Cụt, giờ đây anh như người cha thật sự của nó, anh muốn như thế và cũng tin như thế.
Ông già gác trại vẫn cứ e dè, biết anh là “ông chủ” vừa mới ra tù, phân vân không biết phải đối xử như thế nào. Nhưng anh không màng, không muốn nói chuyện gì nữa, ngồi một chút đi gặp Hai Chất tìm mối chở hàng. Anh cần tiền và cũng cần đi đây đó, chiếc ghe cần rong ruổi xuôi ngược trên sông nước, qua những khu rừng đước, rừng mắm. Anh có chỗ để yêu thương là hai đứa con gái, chỗ để trở về là trại tôm…”.
Một đứa trẻ mồ côi, lăn lộn với đời để sống, rồi trở thành giám đốc, thành người có nhiều tiền, rồi hai lần vào tù. Người như thế ra tù, thường là sẽ hận đời, sẽ buông xuôi tất cả… Nhưng không, con người ấy ra tù, tái hội nhập với đời, lại như hồi sinh từ trong tâm hồn, khát khao những điều thật giản dị mà chính đáng, mà đẹp: “Anh cần tiền và cũng cần đi đây đó, chiếc ghe cần rong ruổi xuôi ngược trên sông nước, qua những khu rừng đước rừng mắm. Anh có chỗ để yêu thương là hai đứa con gái, chỗ để trở về là trại tôm…”. Kẻ lừng danh trong giới xã hội đen như Long Cụt mà giàu lòng nhân, khát khao mong ước chữa sáng mắt cho con, dù chỉ là con nuôi… Những nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Văn Thảo khiến người đọc cứ phải nghĩ ngợi thật nhiều… Năm 2001, tại Đại hội lần thứ Tư Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, ông Thảo và tôi cùng một số người nữa được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn thành phố, lúc đó tôi mới về làm Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học được gần một năm. Ông Thảo gửi cho tôi hai bản thảo tiểu thuyết, trong đó có Cơn giông. Tôi trực tiếp biên tập Cơn giông và cảm nhận rằng đây là tiểu thuyết hay nhất của Lê Văn Thảo. Khi đang chờ lấy Giấy phép xuất bản (hồi đó phải chờ lâu quá!) thì ông Thảo báo tin: Nhà xuất bản Trẻ họ chuẩn bị in rồi! Không có duyên xuất bản lần đầu, nay tôi rất mừng vì Cơn giông được tới hai giải thưởng và tôi tuyển chọn để đưa vào Tuyển tập Lê Văn Thảo.
Nhớ lại năm 1979, khi đến Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh - lúc đó do một người tôi rất quý trọng là ông Hà Mậu Nhai làm giám đốc - để gửi bản thảo tác phẩm đầu tay Những người mở đất, tôi mới được đọc tập truyện ngắn Đêm Tháp Mười do NXB Giải phóng ấn hành từ năm 1972. Lúc đó tôi không thích! Ở trên, tôi có nói Lê Văn Thảo càng về sau viết càng lên tay, là vì, thú thật, đọc những sáng tác giai đoạn còn chiến tranh của ông, tôi chưa quen với lối viết không trau chuốt ngôn từ, lối diễn đạt gần với lời nói thường ngày. Tôi quan niệm văn chương là phải có nghệ thuật sử dụng ngôn từ, câu cú trong sáng, giàu hình ảnh. Sau này nghĩ lại, tôi thấy nếu ông Thảo mà cũng trau chuốt ngôn từ, tỉa tót từng chi tiết, nhấn nhá từng hình ảnh, bố cục tác phẩm nghiêm cẩn… thì đâu còn là nhà văn Lê Văn Thảo nữa! Nghệ thuật dựng truyện của ông cũng giản dị. Nhiều truyện ngắn, nếu ông Thảo viết kỹ hơn, dựng truyện cho quy mô hơn thì gọi là tiểu thuyết cũng được, và ngược lại. Bố cục tiểu thuyết của ông, như cuốn Một ngày và một đời giống như là những mảng tươi rói của cuộc sống được lắp ghép không cần mộng mẹo. Chương bốn của tác phẩm này có vẻ như ít ăn nhập với chương ba và các chương sau. Ấy nhưng nó vẫn tồn tại và có vị trí của nó, không thể loại bỏ! Là người chuyên viết tiểu thuyết, đọc nhiều tiểu thuyết, tôi không quen với lối viết ấy! Thế nhưng, chính là từ tiểu thuyết Cơn giông, tôi nhìn lại phong cách thể hiện của Lê Văn Thảo. Ông viết từ sự thôi thúc của nội tâm, cốt viết ra cho hết những rung cảm trong lòng, viết bằng cả trái tim, khối óc hướng về con người, nâng niu trân trọng con người. Có vẻ như ông Thảo không hề lo rằng người đọc không hiểu mình! Phải chăng, sáng tác trong tâm thức hết mình và tự tin như thế, trên nền tảng của một người có vốn văn hóa, có truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, cho nên văn Lê Văn Thảo chiếm được cảm tình của một bộ phận bạn đọc. Văn ông có dấu ấn riêng, không lẫn vào người khác.
Tôi được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp hai nhiệm kỳ 2001-2005 và 2005-2010. Tại nhiệm kỳ 2005-2010, ông Thảo là Chủ tịch Hội, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, tôi là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Trong công việc, ông Thảo tỏ ra rất tin và tôn trọng đồng nghiệp. Ông bảo: Tôi rất bận, (ông còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), vì thế công việc của Hội đồng Văn xuôi tôi giao cho anh Triệu Xuân lo trọn! Ông rất biết lắng nghe. Một lần, trong khi xét duyệt kết nạp hội viên mới, gặp một trường hợp ông không đồng ý. Tôi biết là có thể ông Thảo chưa đọc kỹ tác giả này. Tôi phát biểu về trường hợp đó. Sau khi nghe tôi phân tích một số tác phẩm của người ấy, nhấn mạnh rằng anh ta rất xứng đáng, thì ông Thảo nói ngay: Tôi nghe anh Triệu Xuân, tôi xin đổi ý kiến. Tôi đồng ý kết nạp tác giả này! Ông Thảo là người ít nói, đặc biệt không thích nói về bản thân. Nhưng những lúc vui vẻ thân tình, ông lại nói cà rỡn nhiều nhất, cà rỡn hóm hỉnh, đặc chất Nam Bộ, cà rỡn mà không làm mất lòng ai, chỉ mang lại sự thú vị, hưng phấn cho những người trong cuộc. Nghe nói ông khoái nấu ăn, hay làm món nhậu đãi bạn. Tôi chưa có dịp thưởng thức những món do ông nấu bao giờ, nhưng chuyện ăn uống và văn hóa ẩm thực ba miền Bắc Trung Nam cũng như các món ăn ngon trên thế giới thì tôi rất mê. Một lần đi công tác, chuyện qua chuyện lại, ông Thảo bảo: Triệu Xuân sành điệu ăn uống lắm, sao ông mê các món ăn Nam Bộ vậy? Tôi trả lời: Không những mê, rất thích ăn mà tôi còn biết nấu theo đúng cách người Nam Bộ nữa! Ông cười, ngừng một lát rồi nói giọng tưng tửng: Làm nghề viết mà không khoái nấu nướng, không biết thưởng thức những vưu vật của trời đất thì… ma nó đọc, ông ạ! Lê Văn Thảo chân tình với bạn bè đồng chí, rất ham đọc của người khác và không thích đắm đuối với những chuyện phù du như danh lợi phàm trần…
Năm nay, sáu mươi tám tuổi ta, từng thoát hiểm sau một lần phẫu thuật, Lê Văn Thảo vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung, hóm hỉnh. Đôi khi bốc lên, ông rất hồn nhiên y hệt như từ thuở đang là sinh viên Đại học khoa học Sài Gòn, bỏ ngang, lên rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1962. Quyền lực làm tha hóa con người. Ấy là ngạn ngữ Pháp. Với Lê Văn Thảo, quyền lực (dù rất hẻo, nhưng cũng là quyền lực) dường như chớ hề động tĩnh gì tới anh, một người trai Sài Gòn chánh hiệu con nai vàng, lúc nào cũng nhìn cuộc đời bằng con mắt vô cùng giản dị, nhân ái. Tôi thường họp hành với ông, thấy ông điều khiển cuộc họp theo kiểu cuộc chơi vui, cuộc… nhậu, nhưng vẫn rất chất lượng! Ông Thảo không ưa sự quá lễ nghi, trịnh trọng. Ông ăn mặc cũng giản dị, vì thế mà ở đâu ông cũng xáp vô một cách dễ dàng.
Trong chỗ thân tình, nhà văn Lê Văn Duy, em ruột ông, kể cho tôi nghe về chuyện anh em ông bỏ Sài Gòn hoa lệ lên chiến khu. Năm 1962, thân sinh của hai ông là cụ Dương Văn Diêu, cán bộ miền Nam tập kết, Hiệu trưởng Trường học sinh miền Nam, vượt Trường Sơn vào thành lập ngành giáo dục Giải phóng, làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục. Ông Duy kể: “Má tôi lên rừng gặp ba tôi. Má kể anh Thảo học năm thứ ba Đại học khoa học, còn tôi học xong năm thứ nhất ban Lý Hóa Sinh của Đại học khoa học thì chuyển sang học trường Quốc gia hành chánh, học bổng mỗi tháng 2000 đồng (lương của lính Sài Gòn lúc đó chỉ 900 đ. Hồi đó ăn một bữa trưa ngon lành chỉ hết 5 đồng). Ba tôi lo lắng vô cùng. Kiểu này thì hai đứa con mình sẽ làm quan chức cho chế độ Sài Gòn là cái chắc! Ba tôi biểu má tôi kêu hai anh em lên rừng. Thời ấy, sinh viên, trí thức lên chiến khu chưa nhiều. Chúng tôi bỏ tất cả để ra đi, biết rằng sẽ vô cùng gian khổ, có thể hy sinh… nhưng vì truyền thống gia đình, vì lòng yêu nước, vì lý tưởng cách mạng đẹp quá, chúng tôi ra đi không hề tính toán so đo… Hai năm trời đầu trên rừng, chúng tôi học tập, chỉnh huấn liên miên, và làm đủ thứ, nhất là làm rẫy, trước hết phải làm rẫy để có cái mà ăn! Có ai ngờ hai anh em tôi lại trở thành nhà văn!...”.
Thấm thoắt đó mà cậu sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn Dương Ngọc Huy hai mươi ba tuổi, nay đã sáu mươi tám rồi, sắp bước vào tuổi cổ lai hy rồi! Nhìn dáng vẻ ông những buổi chiều đi làm về hay buổi sáng ra chợ, tôi cứ nhớ đến hình ảnh nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Con mèo của Lê Văn Thảo. Nhân vật tôi ghét mèo, chỉ cưng chó, nhưng con trai anh ta lại chỉ thích nuôi mèo, cưng mèo. Con mèo cái đẻ lứa nào thì người cha lập tức đem cho biến lứa đó. Đến lần sau cùng, hai con mèo con bị quẳng ra đường! Lê Văn Thảo kể tiếp: “… Thằng con tôi ngủ say tới sáng. Nhưng sáng ra vừa thức giấc đưa mắt nhìn quanh, nó hỏi tôi hai con mèo con đâu. Tôi đáp loanh quanh rồi nói sang chuyện khác. Thằng con tôi để tôi yên hai ngày, sang ngày thứ ba không báo trước gì cả, nhắc lại chuyện hai con mèo con, hỏi cụ thể tôi cho ai, người đó ở đâu, tên gì. Tôi thấy chuyện đã không đơn giản. Không thể bày chuyện các “cô chú” ra được nữa, chắc nó đã đoán biết chuyện gì rồi, nó sẽ hỏi nữa tôi sẽ sa lầy vào mớ bòng bong những câu hỏi của nó. Đành phải nói ra sự thật thôi. Nhưng cũng nên nói sự thật một nửa. Tôi nói đem cho một người bạn nhưng giữa đường nó xổng mất. Xổng chỗ nào? Tôi chỉ chỗ. Nó bảo tôi dẫn đến đó. Thì đi. Chúng tôi đến đó cũng vào lúc trời tối, thằng con tôi nhìn đoạn hè đường trống trơn, ẩm ướt, tối mờ mờ nói:
- Hai con mèo con đâu rồi?
Tôi gắt:
- Nó ở đâu làm sao ba biết được. Thôi đi về!
- Nhưng chúng ngủ đâu? - Thằng con tôi vẫn dai dẳng - Đường trống trơn, ướt nhẹp như vầy làm sao chúng ngủ được?
- Giống mèo không ngủ con à - Tôi biện luận - Con không nghe chúng chạy rần rần suốt đêm trên mái nhà đó sao?
- Nhưng còn ăn, chúng lấy gì ăn?
- Chúng tự kiếm ăn thôi, mình cũng vậy, ba lo cho con là quá lắm rồi. Con chịu về chưa?
Thằng con tôi chịu về, không hỏi gì nữa. Nhưng như vậy lại càng khiến tôi không thể yên. Như có tội ác nào đó treo trên đầu. Thế là đêm đêm tôi mò ra chỗ đoạn đường vắng, kiểu như phạm nhân tìm lại chỗ hiện trường phạm tội, đứng nhìn một lúc mặt hè đường ẩm ướt, tối mờ mờ, mong gặp lại hai con mèo con, và cũng sợ gặp phải chúng.
Thằng con tôi có vẻ đã quên hai con mèo con, nhưng một bữa tôi vô ý dẫn nó đến ăn sáng ở chiếc quán gần đó, thế là nó sực nhớ hỏi bà chủ quán:
- Cô có thấy hai con mèo con của cháu ở đây không?
Bà chủ quán đáp:
- Không thấy. Ai biết mèo nào là của ai, ở đây chó, mèo rần rần không chịu nổi.
- Hai con mèo của cháu bị xổng ra chỗ này nè.
- Sao lại xổng? Có ai ăn cắp hả? Thời buổi này quân trộm cắp đầy đường không biết ai là ai đâu.
Tôi hối thằng con tôi ăn lẹ để còn đi học.
Ngày tháng trôi qua. Thỉnh thoảng đi ngang chỗ đoạn đường vắng tôi cũng có liếc dòm qua, nhưng nghĩ bụng hai con mèo chắc đã lớn rồi có gặp tôi cũng không nhìn ra. Thôi thì chúng cứ sống, còn sống như thế nào là việc của chúng.
Con mèo nhà tôi không hiểu sao không đẻ nữa, tuy vẫn thon thả óng mượt. Nó chán cảnh đẻ không được nuôi con, hay muốn cảnh báo tôi điều gì?
Nhà tôi phía trước có cửa lớn và cửa sổ. Con chó nằm canh cửa lớn, nó biết công việc của nó. Con mèo đi đâu về thường ton vào theo đường cửa sổ, để tránh gặp con chó, và cũng để phô trương tài leo trèo của mình. Nhưng đôi lúc nó cũng muốn giở trò chọc phá. Từ ngoài đi vào nó làm như vô ý đi theo cửa lớn, ngó lơ đâu đó rồi thò tay ra tát con chó một cái. Thế là om sòm lên. Con chó nhảy chồm lên cất tiếng tru thảm thiết, con mèo nhảy tót lên đầu tủ ngồi lim mắt ngó xuống như muốn nói: “Cái gì vậy? Ai? Thì sao nào? Giỡn chơi một chút không được sao?”. Con mèo từ ngày thôi bận bịu trên mái nhà thường giở trò chọc phá con chó nhiều hơn, chuyện om sòm xảy ra thường ngày. Nhìn cảnh con chó to xác tru tréo tôi thật ngán ngẩm, nhưng chuyện “chó mèo” của chúng nó tôi không can dự vô làm gì.
Nhưng rồi xảy ra một chuyện. Như tôi đã nói, con mèo nhà tôi sau này có vẻ tu tỉnh, ít đàn đúm với đám bạn mèo hàng xóm, thường ngày ngồi lim dim mắt trên nóc tủ ngẫm nghĩ sự đời gì của nó. Nhưng đám bạn mèo hàng xóm của nó lại không chịu như vậy, nó đi chơi về thường thấy có một con mèo khác chạy đuổi theo. Một bữa tôi thấy nó chạy hộc tốc trở về, hoảng hốt, nhằm ngay cửa lớn chỗ con chó ngồi canh chạy vào. Lại om sòm rồi đây, tôi nghĩ bụng, con chó thế nào cũng gỡ lại những bàn thua lần trước. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy con chó không vồ con mèo mà tránh đường cho nó chạy qua, và con mèo không nhảy phóc lên đầu tủ mà nép mình sau con chó. Và rồi con chó xồ ra trước, tôi thấy xuất hiện ở cửa con mèo không biết của nhà ai, lớn một cách kinh khủng, như một con beo, chạy đuổi theo sau. Và rồi trận hỗn chiến diễn ra, giữa con chó nhà tôi và con beo nhà hàng xóm, tôi và con mèo dòm ra chỉ thấy một khối cuộn tròn như cơn lốc xoáy.
Sau khi yên trở lại, con mèo nhà hàng xóm bỏ chạy, con chó quay trở vào, mặt đầy máu, con mèo vẫn nép sau lưng con chó, con chó ngước nhìn tôi như muốn nói: “Phải vậy thôi, dù sao cũng ở trong nhà với nhau”.
Buổi chiều thằng con đi học về, tôi kể lại chuyện đó, nó trầm ngâm một lúc rồi nói, không ăn nhập vào đâu:
- Con nhớ hai con mèo con quá ba ơi!
Thằng con tôi có tính hay nói bắt quàng, nhưng tôi không nói gì, để yên cho tôi cả năm nay tôi còn chưa quên…”.
Truyện chỉ có thế, chỉ là lời kể quá ư giản dị, mộc mạc, tức là chẳng có gì là kịch tính, là nghệ thuật! Nhưng hãy đọc lại đi! Tôi thật sự kinh hoàng! Bằng một giọng kể tưng tửng, ông Thảo viết: “Sau khi yên trở lại, con mèo nhà hàng xóm bỏ chạy, con chó quay trở vào, mặt đầy máu, con mèo vẫn nép sau lưng con chó, con chó ngước nhìn tôi như muốn nói: “Phải vậy thôi, dù sao cũng ở trong nhà với nhau!”. Con chó còn xả thân vì nghĩa nữa là con người! Tư tưởng cao siêu thế nào, xin miễn bàn! Chỉ biết rằng, từ một chuyện ai đó có thể cho là vớ vẩn, một chuyện mà ai cũng từng gặp, từng sống, nhưng nhà văn Lê Văn Thảo đã nói được những chuyện chẳng vớ vẩn chút nào. Đó chính là lòng nhân ái! Nhân vật tôi cứ lầm lũi đi tìm hai con mèo con trên hè phố… hai con mèo đã bị anh ta từ chối, ghét bỏ, xua đuổi, quẳng đi thì không bao giờ thấy nữa, nhưng cái mà anh ta tìm thấy chính là tấm lòng nhân ái, sẽ không bao giờ mất đi trên cõi đời này. Thử hỏi, nếu không còn lòng nhân ái thì con người làm sao sống, mà sống để làm cái gì?! Sức nặng nghệ thuật của trang viết, âm hưởng của nó, tôi tin rằng sẽ còn vang vọng mãi trong lòng những người yêu văn chương, nghệ thuật, yêu cuộc đời này!
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-2006.