1- Từ xe kéo tay đến xe lôi:
Thời Pháp thuộc ở một số thành phố và thị xã lớn đã có “xe kéo tay” 2 bánh. Hình ảnh đó đã đi vào bao tác phẩm văn học. Cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chiếc xe kéo bằng tay này đã chuyển thành chiếc “xích lô đạp” có 3 bánh, giảm được nhiều sự mệt nhọc của phu xe . Và nó có mặt hầu hết ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… Khi những chiếc xe gắn máy xuất hiện, nhất là vào thập niên 60 của thế kỷ XX ở các đô thị miền Nam xe Shac, Shali, Solec, honda 49cc… đã có nhiều, thì chiếc “xích lô đạp” được cải tiến thành “xe lôi gắn máy” (gọi tắt là xe lôi) để chở được nhiều người, kể cả hàng hoá, đỡ được sức người biết bao. Không chỉ ở Việt Nam có xe lôi mà nhiều nước khác ở vùng Đông Nam này như Trung Quốc, Căm pu chia, Lào, Ấn Độ… đều có xe lôi, tuy hình dáng có những chỗ khác nhau. Có lọai “xe lôi kéo” (người lái ngồi phía trước), có loại “xe lôi đẩy” kiểu như xe ba gác (người lái ngồi sau), như xích lô đạp của Hà Nội xưa, và TP Hồ Chí Minh hiện nay.
2- Ưu thế của xe lôi:
Sự thuận tiện của xe lôi là “hết chỗ nói”. Từ các ngõ ngách có chiều rộng khoảng 1m là xe lôi có thể vào. Từ sớm tinh mơ, xe lôi đã rú máy chở hàng cho các mẹ, các chị đi chợ, chở hành khách ra bến xe, bến đò, chở các em đi học xa, chở lúa đi nộp thuế. Đặc biệt là lúc đêm hôm khua khoắt nếu có người bị bệnh cần đi bệnh viện gấp là có ngay xe lôi. Nhiều tài xế xe lôi đã góp phần “săn bắt cướp” thể hiện nghĩa khí của người Nam Bộ “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Nhiều bác tài xe lôi chở gấp ngươì bị tai nạn giao thông đi viện mà không lấy tiền. Họ cho đó là việc làm từ thiện “cứu nhân, để đức”. Đa số người chạy xe lôi là nghèo, nhiều người phải mướn xe hàng ngày. Tuy vậy họ cũng kiếm được mỗi ngày vài chục ngàn đủ gạo ăn cho cả nhà. Ở TP Cần Thơ có những gia đình ba đời chạy xe lôi. Ngay con cái, cháu chắt của Hoàng tử Vĩnh Giu (con vua Thành Thái) cũng có tới hàng chục đứa chạy xe lôi, hon đa ôm… Xe lôi ở ngoại thành có khi còn được đóng thùng rộng, lắp động cơ honda phân khối lớn chở hơn 12 người và hàng hoá. Lại có xe được làm thùng kéo bằng i-nốc sáng loáng, trang trí riềm vải sặc sở để chở khách du lịch… Có thể nói xe lôi có rất nhiều tiện ích trong đời sống của người dân ở các phố thị nói chung khi giao thông chưa thật phát triển, mức sống của người dân đang ở mức trung bình hoặc thấp. Một bộ phận cư dân khác, làm ăn buôn bán khấm khá, hoặc cán bộ công chức có mức lương cao thì mới đi tắc-xi. Mà không phải con đường nào tắc-xi cũng vào được như xe lôi. Nếu một người bị cấp cứu, đường hẹp tác xi không vô được, cũng không ngồi được honda ôm, thì chỉốc xe lôi là cách đưa bệnh nhân đi tốt nhất. Có thể một, hai người nhà ngồi theo để chăm sóc bệnh nhân. Nếu một ca đau ruột thừa cấp tính, sản phụ cần mổ gấp, người bị tai biến mạch máu não… mà không đưa đi cấp cứu kịp thì có khi bị chết oan. Tiện ích của xe lôi lúc này thật không kể xiết.
3- Đến chủ trương cấm xe lôi:
Hiện nay ở một số thành phố và thị xã miền Nam đã có chỉ thị của UBND cấm xe lôi như: TP Hồ Chí Minh chỉ còn xe lôi đạp, TP Cần Thơ, TP Cà Mau, TP Long Xuyên (An Giang), thị xã Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An… cấm xe lôi chạy trong nội ô, hoặc ở một số tuyến đường trong giờ cao điểm để giảm ách tắc và tai nạn giao thông. Bên cạnh những mặt ưu điểm của xe lôi, vẫn có những mặt khuyết điểm, nhất là một số vụ tai nạn giao thông do xe lôi chạy ẩu, giành khách, xe quá đát, “xoáy xylanh” để tăng công suất sức kéo. Hoặc có một số tài xế xe lôi đã “đồng loã” với kẻ xấu, tạo cơ hội cho bọn chúng móc túi của khách trên xe, hoặc giựt đồ của người đi đường, để lại tiếng xấu cho nghiệp đoàn xe lôi. Thiết nghĩ nơi nào, ngành nào chẳng có kẻ xâu, người tốt. Số tài xế xe lôi chạy ẩu và làm việc bất nhân chỉ là số ít. Đa số anh chi em hành nghề xe lôi có tay lái khá vững, có lòng nhân hậu, sẵn sàng ra tay cứu giúp người gặp hoạn nạn…
Chủ trương cấm xe lôi hiện nay của các cấp chính quyền là chưa hợp lòng dân, nhất là đối với những người đang hành nghề xe lôi. Nhiều gia đình ở TP Cần Thơ nhờ chạy xe lôi mà nuôi con vào được Đại học. Gìơ đây họ chuyển sang chạy “honda ôm” nhưng không mấy khả quan, thu nhập thấp. Đi làm thuê bốc vác mướn hay phu hồ không phải ai cũng có đủ sức khoẻ để làm. Một số địa phương có chủ trương mua lại thùng xe lôi với giá 2 triệu đồng/cái để giải quyết phần nào khó khăn cho các bác tài, nhưng chẳng thấm vào đâu. Đa số người chạy xe lôi có trình độ văn hoá thấp, thậm chí có người mù chữ, nên muốn đi học để chuyển đổi một ngành nghề nào đó cũng rất khó khăn.
Người dân rất mong muốn các cấp chính quyền có biện pháp để giữ lại xe lôi phục vụ cho cuộc sống thường nhật của nhiều tầng lớp, trong đó có nhiều du khách nước ngoài cũng thích đi xe lôi lòng vòng đường phố để vãn cảnh. Nhiều gia đình nghèo trong các con hẽm rất cần xe lôi phục vụ.
4- Vĩ thanh:
Theo ý kiến của nhiều người thì việc cấm hẳn xe lôi là không nên, các nhà lãnh đạo chính quyền cần lắng nghe ý kiến của dân. Nếu không tin thì cứ làm một đợt phát phiếu thăm dò trong dân sẽ thấy điều đó.
Điều quan trọng là các nghiệp đoàn xe lôi nên thường xuyên sinh hoạt, nhắc nhở để nâng cao ý thức phục vụ khách cho các tài xế. Đồng thời đội đăng kiểm xe phải kiểm tra định kỳ các loại xe lôi xem có đảm bảo các thông số kỹ thuật hay không, tài xế đã có bằng A1, A2 chưa, có mũ bảo hiểm chưa? Đặc biệt tài xế xe lôi có đủ sức khoẻ không, có mắc các bệnh thần kinh, huyết áp cao, hen suyễn, bệnh tim không? phải xem xét kỹ thì mới cho hành nghề. Làm được như vậy thì ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn của tài xế xe lôi sẽ được nâng cao một bước, tai nạn sẽ ít diễn ra.
Xe lôi miền Tây là một phương tiện giao thông hữu ích, nó ghi đậm nét đặc trưng của vùng đất này. Hơn nửa thế kỷ qua xe lôi đã là một nét đẹp, mang sắc thái văn hoá của cư dân ĐBSCL, thiết nghĩ cần bảo tồn. Đã có bao bài viết của một số tác giả kêu cứu cho xe lôi, nhưng vẫn chưa thấy các cấp chính quyền có động tĩnh gì. Qua đây, tôi muốn góp thêm tiếng “kêu cứu” cho nghiệp đoàn xe lôi nói riêng và cho những gì là tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dan lao động nói chung về một nét đẹp đã đi sâu vào tâm thức của người Nam Bộ. Bác Hồ đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh xa, kiên quyết không làm…” Thiết nghĩ các nhà lãnh đạo nên xem xét, điều chỉnh lại chủ trương “cấm xe lôi” đang gây nhiều tranh cãi./.