Khi bà Thầy Bói dắt nó về xóm lao động nghèo trong con hẻm này thì thằng Tửng mới đi học lớp một. Còn má nó mới ngoài ba mươi tuổi nhưng người ta vẫn gọi bằng bà. Bà “Thầy Bói”. Cái lẽ thường là thế, người này gọi sao người kia gọi vậy. Có những cái tên không do cha mẹ đặt ra nhưng sẽ theo người đó đến hết đời. Như những câu ca dao tục ngữ không in thành sách, không tác giả mà người đời vẫn đọc, vẫn truyền miệng nhau, vẫn tồn tại đời đời kiếp kiếp. “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài. Ai đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”. Hay “Con Chim Se Sẻ nó đẻ cột đình. Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình anh biết không?” Người ta thường nghe bà đọc bằng cái giọng ồm ồm đùn đục của đàn ông để dỗ thằng Tửng. Thì bà cũng là mẹ và cũng là ba của nó.
Ở đâu bà về không ai biết cũng như bà làm thầy ở đâu chứ ở xóm này không thấy bói cho ai. Vẻ đồng bóng trên gương mặt xương xương và đôi tròng mắt trắng đục khiến mọi người không có thiện cảm với bà. Thằng Tửng, nó cũng có cái vẻ gì đó như “dở hơi, tưng tửng” làm sao, có lẽ vì vậy má nó gọi thằng Tửng. Nó dám đánh thằng mập hơn nó gấp ba lần vì bênh con Cam trong xóm. Thằng nọ cứ thấy con Cam là nắm đuôi tóc giựt giựt chọc ghẹo. Nhà thằng Mập giàu, ở đầu ngỏ. Ba má nó đi làm việc Nhà nước. Má thằng Mập dẫn con xuống mách với bà Thầy Bói bắt đền nhưng thấy bà nghèo quá nên thôi, chửi vài câu rồi đi mua bông băng bịt cái trán bị tét của con lại. Mặc dầu vậy thằng Tửng cũng bị một trận đòn ra hồn. Nó học giỏi còn thằng Mập học kém. Đường, sữa, xúc xích khiến cho thằng Mập ngày càng đần độn. Sáng ra vào lớp thằng Tửng hất mặt lên nhìn chiếc trán bị băng của thằng Mập. Suốt bậc tiểu học nó đều lãnh thửơng hàng năm. Tuyệt nhiên không thấy nó có họ hàng xa gần gì đến thăm. Sáng bà Thầy Bói ra khỏi nhà khi mặt trời chưa lên, chiếc nón lá trên đầu, tay xách giỏ đệm. Chiều, có khi sập tối, bà về đi qua những căn nhà đã bật đèn sáng choang và mùi thức ăn thơm phức. Chiếc giỏ đệm thấy nằng nặng, chẳng biết cái gì ở bên trong. Ai đó đứng trước nhà lên tiếng hỏi thăm, bà liền cừơi đáp lại. Hàm răng thô đã xỉn vàng. Từ căn hộ cuối cùng thằng Tửng đi ra đón giỏ xách từ tay má nó. Nó kể chuyện thầy giáo đến thăm, đưa đón nó đi bồi dưỡng môn Văn và Toán để thi học sinh giỏi cấp Tỉnh . .. cuối cùng thì nó nói “Con đói lắm rồi vì má về trể quá!” bà Thầy Bói vỗ lên đầu nó rồi lấy từ trong giỏ đệm ra một chiếc bánh nếp nướng. Nó cười nhảy lên trông như thằng Bờm khi thấy gói xôi từ trong tay Phú Ông.
Một tối, thằng Tửng chạy về kêu bà Thầy Bói “Thiếm Ba, má con Cam đau dữ dội lắm, đi cạo gió đi má!” Má nó lắc đầu từ chối. Hình như bà có mặc cảm về công việc của mình nên không đến nhà ai. Thằng Tửng năn nỉ lôi kéo mãi cuối cùng bà phải xiêu lòng. Thiếm Ba gánh hàng rong, chú Ba thì đi khuân vác, bốn đứa con. Con Cam là đứa lớn nhất. Buổi chiều đi bán về thiếm bị mắc mưa, gần đến nhà nên thiếm cứ đội mưa đi luôn. Ai ngờ thiếm bị chóng mặt, người toát mồ hôi còn muốn nôn. Đôi bàn tay thô, rám nắng với những ngón nần nẫn của bà Thầy Bói cạo gió tới đâu thiếm Ba thấy dễ chịu tới đó. Cơn đau dịu dần, đôi gò má hồng hào trở lại. “Giả gừng nhỏ uống với nước trà cho ấm”. Bà đi về trong khi cả nhà rối rít cảm ơn.
Mấy ngày sau, sáng sớm thiếm Ba đến nhà bà Thầy Bói vì sợ lát nữa bà đi khỏi. Thiếm mang nải chuối siêm, một ít táo, lấy cớ xem một quẻ. Nhưng không thấy có bàn thờ nào ngoài ông Thần Tài, Thổ Địa, trước nhà là bàn thờ ông Thiên. Nhà cửa bày trí sơ sài nghèo nàn nhưng không có vẻ đồng bóng. Bà Thầy Bói xua xua tay không nhận trái cây và cũng chẳng xem bói. Bà nghỉ lâu rồi, không còn xem được nữa.
Lên cấp hai thằng Tửng chạy xe đạp đi bán bánh mì. Má nó sau một cơn bệnh nặng chân trái bị đau khớp đi đứng rất khó khăn, bà phải dùng gậy chống. Tuy vậy sáng sáng bà vẫn ra khỏi nhà rồi về trong ánh nắng chiều nhàn nhạt. Lặng thầm và buồn tẻ trong cái góc cuối cùng của dãy phố. Ngọn gió đông lành lạnh mang hơi hướm của mùa xuân về cho chồi non đâm lá cho mai vàng nở rực rở, cho đứa trẻ trưởng thành và người già chợt nhận ra mình còm cõi. Cả dãy phố dài hơn mừơi căn chỉ còn lại nhà thằng Tửng giữ nguyên hiện trạng cũ. Nhà nhà đều thay đổi xây cất mới. Thời mở cửa, xã hội đi lên hiện đại hóa. Mấy đứa con gái mặc áo thật ngắn, tóc hung đỏ nhìn thằng Tửng như nhìn một người ở hành tinh khác rơi xuống. Nó không nhìn họ, những đường Parabol nó đã quá thành thạo. Nó và họ là hai đường thẳng song song mà hai đường thẳng song song thì không bao giờ gặp nhau. Nó kết luận, muốn đi hết đường kính của cuộc đời nó phải đi quan tâm điểm. Tâm điểm là miếng cơm manh áo hàng ngày đè lên đôi vai má nó. Thằng Tửng làm được nhiều việc, sửa cái hàng rào, xây lại bậc thềm, khuân vác . . . có khi nhận tiền, có khi không. Trời mưa mưa ầm ầm, nó leo lên nóc nhà đậy lại miếng Tol bị tróc dùm cho bác Tám giữa ánh chớp sáng và mưa quất vào mặt xối xả. Nhà này chỉ có mấy đứa con gái. Bên này con Cam đang ngồi may đồ, môi dưới trề ra. Lên lớp mười học không nổi con Cam nghỉ học đi học may. Nghề này xem ra thích hợp với nó. Nó may đẹp, có nhiều khách, mặc dù toàn là những người trong xóm “Đồ dở hơi!” Nghe con Cam vừa đạp máy may rột rột vừa lầm bầm nho nhỏ thiếm Ba cười. “Nó là đứa tốt! Sau này ai làm vợ nó có phước”. Ai làm vợ thằng Tửng thì còn chưa biết chứ không phải con Cam. Thằng Tửng vừa tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông thì con Cam lấy chồng về bên xóm Bành Tầm. Lần đầu tiên, từ nhỏ đến bây giờ con Cam thấy thằng Tửng đẹp trai trong ngày đám cưới của nó. Thằng Tửng mượn đâu ra chiếc quần tây đen và chiếc áo sơ mi xanh mới toanh, thêm đôi giày bóng lộn, tóc chải keo mướt rượt bày vầng trán cao và đôi mắt sáng . “Chim đẹp nhờ lông”. Con Cam nhớ đến câu nói ấy khi đến bên thằng Tửng chụp ảnh kỷ niệm. Rồi hình ảnh thằng Tửng lăn xã vào thằng Mập ở đầu ngỏ năm nào trở lại trong nó. Bồi hồi, ray rứt. Rượu vào vài ly thằng Tửng cao hứng. “Ra đường thiếp hãy còn son. Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng”. Con Cam bỗng muốn khóc. Nó chưa đầy hai mươi tuổi. Cái tuổi khi quyết định việc gì chưa được xem là chính chắn.
Thằng Tửng muốn nghỉ học. Cuộc sống gia đình khó khăn, má nó đau yếu khiến nó chùng bước. Phải có công việc gì làm để nuôi má nó. Đôi lần nó cũng có phàn nàn về cái gọi là “Thầy Bói”. Sợ bạn bè biết được cười chê. Bà Thầy Bói vỗ về, “Má đi xa, xa lắm mới xem bói. Con yên tâm”. Nghĩ cho cùng thì má nó làm gì cũng là để nuôi nó. “Con cò đi ăn đêm. Đụng phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi mau. Tôi có bề nào ông hãy xáo ăn, có xáo thì xáo nước trong. Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Thằng Tửng thương má nó quá. Vài lần nó dọ hỏi về thân thế, má nó ngậm ngùi noi qua loa. Ở xa lắm, bên dòng sông Nhật Lệ, ngày ấy chưa bắt cầu qua sông, gia đình nội ngoại nó không ưa nhau nên cuộc hôn nhân không ai chấp nhận. Bà Thầy Bói qua sông bắt đầu một cuộc sống chung không hợp pháp. Bỗng dưng rồi bà sinh ra tính khí thất thường, nói nhảm, xem tay, bói toán, không thích gần chồng. Năm thằng Tửng lên ba, không chịu nổi sự đồng bóng của bà, ba nó bỏ đi. Bà Thầy Bói bỏ quê dắt thằng Tửng vào nam tự dạo đó. Ngùi ngùi thương thân, thương mẹ, nó muốn làm một việc gì đó để đở đần cho mẹ, để nuôi lấy thân. Thầy cô hết lòng khuyên bảo, phải vào đại học cuộc sống khác mới bắt đầu được. Bạn bè động viên giúp đở. Thầy hiệu trưởng đứng ra bảo lãnh lo toan, cuối cùng thằng Tửng đi Sài Gòn thi đại học.
Con Cam rảnh rỗi về thăm má nó, Thiếm Ba khoe. “ Thằng Tửng đậu đại học rồi”. Con Cam chớp chớp mắt che giấu xúc động rồi góp lời. “Bây giờ học sinh nghèo học giỏi rất nhiều. Con đọc báo thấy có người đậu cả ba trường như là Nguyễn Văn Đừng, Trần Trung Chỉnh”. “ Mày có tiếc không?” Con Cam mở to mắt nhìn Thiếm Ba không hiểu má nó hỏi nó tiếc vì bỏ học nửa chừng hay vì lấy chồng sớm. Nó không trả lời nhưng Thiếm ba cũng không buồn hỏi nữa. Thiếm biết, con nít quá vội vàng không nhìn xa trông rộng, chứ còn thằng Tửng từ nhỏ thiếm đã biết nó không “tửng” mà là gàn. Cái gàn của một thằng học trò nghèo học giỏi.
Nói năm điều bảy chuyện rồi con Cam rủ má nó đi thăm một người bà con bên chồng mới sinh được mấy ngày. Hơn ba giờ chiều,chợ Minh Lương tấp nập người mua bán, cái nắng gay gắt như đốt cháy da thịt. Con Cam nào kiếng mát, nào khăn che mặt, nào găng tay lùi lũi dắt xe gắn máy len vô chợ. Thiếm Ba đi sau nó đưa mắt nhìn bâng quơ. Chợt thiếm trông thấy ở một góc nhà bà Thầy Bói đang ngồi thu lu, chiếc nón lá rách te tua chùm hụp, trên người là chiếc áo bạc màu vá đùm vá đụp, trước mặt là chiếc lon sữa bo rỉ sét còn trống không. Đôi bàn tay đặt trên đùi nần nẫn to bè. Còn lẫn vào đâu được. Dù bà Thầy Bói không ngẩng lên. Thiếm Ba chết lặng một lúc lâu. Trời đất ! Lẽ nào….? Hình ảnh thằng Tửng vụt hiện ra thật to thật rộng choáng hết tâm trí Thiếm. Cũng có lần nó nói với Thiếm về chuyện người ta gọi má nó là bà Thầy Bói. Nó phân trần, thật ra má nó đi giúp việc nhà cho người ta, nhưng từ ngày chân bị đau đến nay bà Thầy Bói không thể giúp việc nhà được nữa….? Thiếm Ba hiểu ra mọi điều . Len lén, Thiếm bước tới bỏ tờ giấy bạc vào trong chiếc lon. “ Xin cảm ơn!” Rõ ràng là giọng ồm ồm của bà Thầy Bói. Thiếm vội vã bỏ đi vì con Cam đang quay lại nhìn quanh quất tìm Thiếm.
Lòng nặng trĩu như treo đá, chiều tối nhác thấy bà Thầy Bói khập khiểng từ xa Thiếm Ba liền bỏ đi vào nhà. Không biết có phải vì ngại bà Thầy Bói biết thiếm đã biết chuyện hay vì một lẽ gì đó thiếm cũng không biết nữa, thiếm ngồi đứng không yên khi canh cánh bên lòng điều không thể nói ra được. Tối đi nằm, Chú Ba mở lời. “ bà làm như có điều gì không yên ?” Thiếm im lặng một lúc lâu rồi lắc đầu. Ở xóm này không ai biết trừ thiếm. Người ta cứ tưởng bà lén lút đi xem bói ở đâu đâu. Thằng Tửng cũng ngỡ vậy. Sáng cũng áo bà ba phẳng phiu, quần đen bóng, nón lá mới. Chiều về hớn hở với gio xách nặng trĩu. Thiếm cứ lăn qua trở lại, mấy lần thấy chú Ba ngáy pho pho thiếm muốn` gọi dậy để nói nhưng rồi lại thôi. Lâu rồi câu chuyện cũng tạm yên trong lòng thiếm. Thỉnh thoảng thiếm đi Minh Lương đi một mình bằng xe buýt.
Mấy năm thằng Tửng đi Đại Học có xóm giềng giúp đở má nó. Đứa con gái lớn của Bác Tám làm việc ở Thành Phố, lấy chồng giàu có. Hôm nọ về thăm nhà có mua cho bà Thầy Bói một ít Tol để lợp lại nóc nhà. Con Tâm đứa con gái út học sư phạm thường xuyên đi lại nhà bà Thầy Bói hơn cả. Thằng Tửng cũng có nhờ điện thoại nói chuyện với má nó là ở trên này làm thêm được nhiều việc, trang trải được sinh hoạt, má nó đừng bận tâm, đừng gửi tiền cho nó hoài. Năm nào thằng Tửng về nghỉ hè Thiếm Ba cũng muốn nói với nó nhưng lần lựa mãi rồi cũng thôi. Quấy động làm gì mặt hồ đang lặng sóng. Thỉnh thoảng mới về thăm nhà nhưng con Cam cũng tinh ý,“Con Tâm sao đến nhà bà Thầy Bói hoài ?” “ Nó thích thằng Tửng chứ còn sao nữa. Thằng Tửng chắc cũng biết mà không nói gì”. Con Cam lườm vào khoảng không. “Sao má biết người ta không nói?” “Tao hỏi con Tâm mà cái thằng này cũng lạ đời lắm”. Thằng bé trên tay con Cam khóc, nó đứng lên dỗ dỗ con, mà môi dưới tre ra. “Dở hơi !” Nếu tinh ý một chút Thiếm Ba sẽ nhận ra con Cam sử dụng cặp từ này không phải bằng cái giọng mỉa mai, dè bỉu. Nó quen miệng rồi mỗi khi nhắc đến thằng Tững.
Hết năm nay thằng Tửng sẽ ra trường, thầy hiệu trưởng của nó từ thời Trung Học Phổ Thông đang tìm cho nó một Công ty để về làm việc mặc dù không phải dễ. Nhưng mùa hè chưa kịp đến, hoa phượng chưa nở trên cành nó đã về vì một tin báo.
Hơn ba giờ sáng thằng Tửng về tới, lên phòng cấp cứu bệnh viện Tỉnh. Thiếm Ba đang ngồi bên cạnh má nó trong căn phòng lạnh băng. Bà Thầy Bói nằm trên giường trãi khăn trắng muốt, mắt nhắm nghiền, đang thở ôxy. Nước mắt ứa ra thằng Tửng mím chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Mắt đỏ hoe Thiếm Ba nhìn nó với ánh mắt đủ cho nó hiểu hết mọi chuyện, có nghĩa là nó về muộn, là má nó đã đi…Khi mọi người phát hiện được thì bà Thầy Bói đã hôn mê gần cả ngày rồi. Hôn mê sâu! Tuy tim còn đập nhưng không có khả năng hồi tỉnh. Thiếm Ba thì thầm cho biết, ở nhà bà Thầy Bói có khách. Cầu đã bắt qua sông Nhật Lệ, hai nhà tìm kiếm nhau. Mãi rồi ho cũng tìm được bà Thầy Bói. “{ là ông ấy, là ba của con!” Nước mắt lưng tròng thằng Tửng bật lên những tiếng khô lạnh. “Ba của con!” “Chắc là có để địa chỉ lại cho má con, rất tiếc hai mẹ con đã không gặp được nhau”. Tiếc à ? Trong thâm tâm thằng Tửng muốn gào lên mot ngàn lần không có điều gì phải tiếc. Một đời đói no, ấm lạnh có cũng chỉ có một mình mẹ nó mà thôi. Cầm bằng má nó uống nước trong gáo dừa mà sinh ra nó, cũng may nó được sinh ra không phải ở trong lốt cái sọ dừa. “Tửng con có định về quê không ?” Thiếm Ba thì thầm bằng giọng lo ngại. Nước mắt thấm qua môi nhưng giọng thằng Tửng chua chát . “ về quê?” còn quê nào nữa ! Những ngọn gió mang hương vị mằn mặn đã nuôi lớn nó. Chiều tan học về, đứng trên cầu xem mặt trời lặn bất giác lại trông xuống đường như để tìm trong dòng người xuôi ngược một khuôn mặt quen. Nào xóm kho dầu, xóm bánh tầm, dữ tợn hơn xòm lò heo và vô cùng lãng mạn là xóm biển. Những tên gọi thân quen, gần gũi như những sợi tóc ở trên đầu. Thằng Tửng nắm bàn tay giá lạnh của bà Thầy Bói đưa lên áp vào má, “ Con chim se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình em biết không”. Nó khóc, loáng thoáng nghe Thiếm Ba nói hết chuyện nọ đến chuyện kia ở nhà. Nhưng có một chuyện Thiếm Ba không nói. Thật ra Thiếm Ba muốn nói nhưng không nói được. Có cái gì uất nghẹn nơi cổ thiếm. Lần nọ, thiếm vừa bỏ giấy bạc vào lon định quay đi thì bà Thầy Bói ngẩng lên “Thiếm Ba! Tôi biết là thiếm từ lần đầu. Không cần làm như vậy đâu, chỉ xin thiếm đừng nói cho thằng Tửng biết”. Từ lần đó bà ít khi ra khỏi nhà. Sau lần người thân tìm gặp bà đột nhiên ngã bệnh.
Phòng trực mời thẳng Tửng vào ký giấy tờ gì đó. Thiếm Ba đi theo, qua đôi vai rộng Thiếm thấy nó ký rồi viết tên vào bên dưới. Trần Trung Chỉnh !.
Sau đám tang thẳng Tửng trở lên trường. Nắng đã lên, cái nắng gay gắt bắt đầu cho một mùa hè mới. Cái nắng mở cửa cho những chú ve sầu xum xoe bên các nàng phượng đỏ kiều diễm. Nó xách hành lý đi ra ngõ. Con Cam đứng trước nhà tay dắt một bé trai, chiếc bụng lum lúp. Mấy ngày đám tang Cam có đến nhưng không có dịp nào để nói chuyện với nhau. Mặc dầu vậy thằng Tửng vẫn có lúc thấy mắt Cam đỏ hoe nhìn nó buồn rười rượi. Con Cam thấy ánh mắt thằng Tửng rớt xuống bụng nó, nó vụt sụp mi nhìn xuống đất. “ Ra đường thiếp hãy còn son…” Nó ghét thằng Tửng quá chừng vì đã đọc câu đó hôm đám cưới nó làm nó chụp tấm ảnh ở bàn thẳng Tửng xấu quá. Thằng Tửng thấy con Cam nhìn đi nơi khác nhưng vẫn mỉm cười. Nụ cười buồn bã “ Thương em tôi tìm được lá diêu bông sao em nở vội lấy chồng”. Thiếm Ba ở trong nhà hối hả đuổi theo. “ Tửng ! Tửng ! “ Nhưng khi thằng Tửng dừng lại chờ đợi thì thiếm ấp úng. “ơ…ra trường con có trở về đây không ? “ Thiếm không định hỏi như vậy nhưng chuyện muốn nói thiếm không nói được. “ con sẽ về, sống trong căn nhà của má con”
Thằng Tửng bước đi, nó nghe tiếng giày vang trên nền xi măng khô khốc. Lẫn trong tiếng giày của nó có thêm tiếng giày khác. Con Tâm lẻo đẻo đi phía sau im lặng. Tâm đã đi dạy một năm nay. Thằng Tửng biết nhưng không quay lại. Nó không biết phải nói gì, hơn nữa có nói gì thì nó cũng đi mà. Đừng làm một cuộc chia tay. Nó không lãng mạn, không mơ mộng, không thích “ Chia tay hoàng hôn” hay chia tay bình minh. Nó sợ, một ánh mắt nhìn níu kéo bước chân nó. Đến đầu ngõ thằng Tửng chợt đứng lại và chợt nhận ra nó với con Tâm đang đứng trước nhà thằng mập. “ Ba nó bị ở tù, má nó đã chuyển nhà đi nơi khác” .Con Tâm trả lời mà mắt nhìn đi đâu không nhìn ngưởi đối diện. Tưởng sao, hai đứa nói với nhau một câu lãng xẹt. Nhưng cũng nhờ vậy có được một điều để thằng Tửng hỏi cho có chuyện. Mãi rồi thằng Tửng mới bối rối nhìn cô láng giềng xinh đẹp, khẽ khàng lên tiếng. “Tôi đi nghen!”
Con Tâm chớp chớp mắt. Đôi mắt long lanh như mặt hồ. Trời đang nắng đẹp, cái nằng vàng hanh của một mùa hè đang bắt đầu. Và gió, gió thổi những sợi tóc loà xoà trên trán, mái tóc con Tâm bay bay như quyến luyến. Những cơn gió mang hương vị quê hương mằn mặn sẽ theo thằng Tửng đến chốn thành đô. Con Tâm đứng trông theo đến khi thằng Tửng mất hút ở cuối đường, chiếc bóng ngắn ngủn nằm trên mặt đường lẻ loi, cô độc./.