Cùng viết với Nguyễn Man Nhiên
1.
Chỉ hai tiếng phụ luỹ đủ vẽ nên bức tranh Thành Diên Khánh thuở bấy giờ, ấy là vào những năm cuối thế kỷ 18 khi vùng đất này trở thành nơi tranh chấp giằng co quyết liệt giữa hai họ Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu. Sử chép: “Diệu và Dõng thường ghẹo đánh, ông Tánh đóng cửa Thành, không cho quân ra. Diệu đắp luỹ chung quanh Thành để vây bọc Nguyễn Văn Tánh và giữ gìn cho lâu”. Nhân sự kiện này mà có tên phụ luỹ. Các làng chung quanh Thành đều là phụ lũy. Chẳng những làng Phú Mỹ nơi đã cắt một phần diện tích để xây Thành, mà về hướng tây các làng Trường Thạnh, Trường Lạc, hướng đông làng Phước Thạnh và cả bên kia hướng bắc, cách một con sông Cái, làng Phú Lộc cũng gọi là phụ lũy.
Thành Diên Khánh hùng cứ trên một khu vực còn rất hoang sơ. Ông Huỳnh Tấn Sào, 84 tuổi, còn nhớ cụ cao sơ của mình kể lại rằng lúc vào lập nghiệp ở làng Phú Lộc, làng chưa có đến 20 nóc nhà. Khỏi cửa tiền môn hai cây số, chưa đến bến Cầu Lùng, cọp vẫn kéo về đợi mồi ở các mô đất cao miễu đất Thổ Sơn ngã lên Gò Đình làng Phú Khánh (tức Phú Mỹ cũ). Đội quân Tượng của tỉnh (lúc này còn gọi là trấn) trong khung cảnh gần như giang sơn riêng của chúng, hằng ngày vẫn dẫn nhau, vừa tuần phòng, vừa nhởn nhơ tập tiến thoái ở đầm voi tập trận - một bãi lầy sông Đồng Đen trước miễu Cây Me, hoặc lội qua sông tập ở khu đất mả voi làng Phú Lộc.
Trên khoảng đất mênh mông bên ngoài của ngôi thành, các ngã đường vào Thành đã quanh co lại có nhiều ao hồ um tùm tre gai, rất thuận tiện cho quân giữ Thành ra ngoài mai phục. Hào Thành rất sâu, khi cần, người ta xắn ngang con đường phòng thành ở hướng tây, dẫn nước sông Hà Dừa vào cho ngập hào, dưới hào lại cắm dày những chông nhọn chìm trong nước. Tường Thành cao bốn mét đắp bằng đất, mặt ngoài đắp hơi thẳng đứng, mặt trong đắp thoai thoải gồm hai bậc thang dùng làm đường đi. Trên mặt Thành trồng dày khít tre gai, là vật chướng ngại rất hiệu quả. Riêng ở đoạn tường Thành phía bắc, vào mùa lũ nước sông Cái dâng cao làm xói tường Thành, quan trấn thủ đã phải cho người lên tận vùng thượng du nhờ người dân tộc thu gom những cây sao non mọc hoang trong rừng xuống trồng để giữ đất, lâu ngày trở thành một bãi sao. Mỗi góc Thành đều có đắp ụ để đặt súng thần công. Để vào Thành có một cửa ván kéo lên hạ xuống, sự kiểm soát rất nghiêm. Lúc mới xây dựng, Thành có sáu cửa Đông, Tây, Tiền, Hậu, Tả, Hữu, sau chỉ còn bốn. Khi có sự cố xảy ra, sáu cửa Thành đều được kéo lên, cách biệt với bên ngoài bằng hào nước. Sự đi lại của dân chúng chỉ diễn ra ở hai cửa Đông và Tây, còn các cửa khác chỉ dùng cho quan quân khi có việc binh.
Kể từ khi được xây dựng vào năm 1793, Thành Diên Khánh đã là chỗ tiến thoái lợi hại của Nguyễn Phúc Ánh và là “khúc xương ba lần khó nuốt” của danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu. Cái cứ điểm tiền tiêu rất quan trọng cho sự phục nghiệp của chúa Nguyễn này đã từng xảy ra những trận giao tranh đẫm máu trong việc đánh chiếm và tái chiếm Thành, những trận chiến còn để lại dấu tích đến tận bây giờ. Thật đáng ngạc nhiên khi những lớp tường đất và vòng hào bao bọc như vậy lại có thể ngăn chặn hữu hiệu bất cứ đợt tấn công nào.
Năm 1908, bà Gabrielle M.Vassal, một trí thức người Anh có chồng làm việc tại bệnh viện ở Nha Trang, đã cùng phu quân lên thăm quan Bố Chánh trong Thành Diên Khánh. Nhờ thế giờ đây ta có được những dòng ghi chép còn nóng hổi cảm xúc của bà về ngôi thành lỵ sở của Nam triều vào thời điểm hai mươi năm sau khi Khánh Hoà trải qua những sự biến Cần Vương:
“Bức tường thành sau trận tấn công cuối cùng đã bị sụp vài chỗ, vẫn không được đắp lại. Hào nước năm xưa giờ đã phủ rêu xanh, lác đác đôi chỗ sen mọc che khuất cây cỏ luộm thuộm trong hào. Đứng trên cây cầu hẹp bắc qua hào nước, chúng tôi buộc phải ngừng lại vì cánh cổng thành nặng nề đang khép kín .Vài thanh niên đứng bên đường nghe tiếng vó ngựa chúng tôi vội chạy đến ân cần xin được giúp đỡ chúng tôi. Khi cánh cổng nặng nề có bánh xe lăn được đẩy ra, chúng tội mới vỡ lẽ rằng cổng chỉ đủ rộng cho một cổ xe con. Nó gợi cho tôi nhớ đến các pháo đài thời Trung Cổ. Khi cánh cổng khép lại sau lưng, tôi có cảm giác mình như con ruồi đang mắc vào mạng nhện. Bên trên cái cổng xây bằng gạch là một tháp canh có sức chứa độ hai ba chục người. Bức tường thành rộng đến năm người sánh vai cùng đi cũng được. Trong thành, bốn con đường rải đá gập ghềnh dẫn đến bốn cổng thành đối xứng nhau. Một ngôi nhà dùng làm kho chứa thóc trong những ngày bị vây hãm. Một khám lớn đồ sộ đập ngay vào mắt, ngoài ra chẳng còn gì thu hút sự chú ý. Nhìn đâu cũng chỉ là những bờ ao ẩm ướt, đám cỏ dại, bụi gai, cây cối và những ngôi nhà nhỏ có vườn không ngay hàng thẳng lối. Nhìn chung, tuy điêu tàn và dơ bẩn, Thành vẫn đẹp.”
Mấy trăm năm của quê hương Diên Khánh tuy chưa lâu mà biết bao là tao loạn, biến động. Những con người sống trong khoảng lịch sử không phẳng lì mà gai góc đó cứ mãi kích thích trí tò mò của kẻ đến sau.
2.
So về tuổi tác, tấm bia dựng ở Văn miếu phủ Diên Khánh vào năm 1858 này chỉ kém bia tự sự ở tháp Pô Na-ga của tiến sĩ Phan Thanh Giản có hai năm. Cả hai, có lẽ là những bia xưa nhất dưới triều Nguyễn còn lại tại Khánh Hòa. Bia cao phủ đầu người, là một mặt đá dày hình chữ nhật đứng trên một chân đá tạc hình án thư. Chữ khắc có chỗ vỡ nét, nhất là mặt sau hứng chịu nhiều mưa gió. Đầu thế kỷ 20, người đọc chữ Hán hãy còn nhiều nên có lẽ chẳng có mấy nhu cầu phải phiên âm dịch nghĩa. Sau đó đến thời cái học gọi là để “tiến thân” trong xã hội chỉ còn cần đến chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Công trình của ông cha để lại kia, dù không muốn mà con cháu cứ quay lưng, dần dần trở nên những ký hiệu khó hiểu. Hơn 50 năm trước, cụ học sanh Nguyễn Tấn, ý chừng nóng ruột sợ rồi những thông tin kia mai một đi, đã bỏ công dịch nghĩa phần tự sự. Bia ghi chuyện người trong hạt đóng góp tài lực xây dựng một văn miếu riêng cho học giới phủ Diên Khánh. Lần đầu tiên, danh tính của một lớp người địa phương chúng ta ở thế kỷ trước hiện ra trước đám hậu sinh, sau giấc ngủ yên 150 năm trên bia đá.
Đọc những tên người - mà tuyệt đại đa số đều kèm theo một chức vụ, một vị thế nào đó trong xã hội, cái ấn tượng cho ta thật rõ nét là sự ổn định của một chế độ, có vua trị vì, có quan lại cai trị và nhất là có một lớp nho sĩ đông đảo sống chan hoà trong nhân dân. Trong cái trật tự đó, con người có cao, thấp, mức độ khác nhau, nhưng ai cũng như ráng chứng minh sự hiện diện của mình, chứng minh mình đang gắn bó với xã hội, có liên hệ đến đạo lý chữ nghĩa, hiểu theo thời đó là phép tắc tiến đến cái giá trị được sùng kính bậc nhất là giá trị đạo đức.
Là con cháu đến sau, chúng tôi chợt nghiệm ra rằng cái cơ sở để các cụ đặt lòng tin vào một con người, chẳng mấy khi làm các cụ nhầm lẫn, ân hận. Văn bia có những lời lẽ đặc biệt kính mến vị tiến sĩ Đỗ Thúc Tỉnh, nguyên Tri phủ Diên Khánh. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” (tỉnh Quảng Nam) chép rằng ông Đỗ Thúc Tỉnh có công lớn trong việc bồi thực danh giáo và chấn hưng Nho học tỉnh Khánh Hòa. Hơn 5 năm sau khi dựng bia đá, lúc tuổi đã khá cao, khi Nam kỳ bị Pháp chiếm, cụ đã lãnh mật dụ của triều đình, cải trang len lỏi vào tỉnh Vĩnh Long, đem hết sức già chiêu quân đánh Pháp. Dũng khí chiến sĩ vốn đã sẵn nằm trong tiết tháo người nho sĩ, mức thành đạt đích thực của học vấn Nho giáo.
Danh sách những người quyên góp được sắp đặt thật nghiêm túc. Đứng đầu là các vị cử nhân mà trước tiên là cụ cử khai khoa Kiều Khắc Hài, sau mới đến thủ khoa Nguyễn Xuân Ý, bởi, dù là thủ khoa nhưng cụ Ý đỗ sau. Vẫn một mực tôn ti, trên hết là các quan đang thụ nhiệm ở tỉnh và phủ, tiếp theo là một xã hội dân, quân, chính thật phong phú. Đông đảo nhất là các ông tổng lý, thứ đến các thông lại, lại mục, rồi các đề lại, các cai, đội trưởng. Ta cũng biết vị thế cùng lương bổng của người lính thời trước vốn rất bạc bẽo, nhưng ở đây, lòng người lính gần gũi với đạo học: một cơ biền binh của tỉnh có đủ nhân số năm trăm người chăng mà góp cúng đến trên trăm quan? Và thật là thú vị, rải rác còn thấy những ban ngành chuyên môn, nhiệm vụ có lẽ cũng gần như ngày nay, nhưng tên gọi mang đậm màu sắc lịch sử. Ví như Chiêm hậu ty là cơ quan lo việc dự báo nắng mưa bão lụt cho nghề nông; Cù huân hải tấn là cơ quan vừa phòng vệ vừa thu thuế đường thủy ở cửa sông Nha Trang; Hòa Thạnh trạm là cái trạm bưu chính cực kỳ đồ sộ đứng trên chục mẫu đất phía đông nam cửa tiền Thành Diên Khánh. Các làng quanh trạm có những gia đình nuôi ngựa bầy để làm dịch vụ cho trạm. Quanh trạm có những ngôi mả vôi to chôn cất những quan lại chẳng may bệnh chết trên đường công vụ. Còn trừu hộ? Đây là một ngành tiểu thủ công nghiệp do triều đình tổ chức quản lý. Trừu là loại lụa mỏng có hoa nam tức hình hoa là chữ “Thọ”, chữ “Hỷ” v.v... vẽ theo lối triện, dùng trang trí cho áo đàn ông chứ không phải loại “hoa lá cành” làm đẹp cho trang phục nữ. Tháng 4 năm 1999, tôi được cụ Huỳnh Tấn Sào 84 tuổi, người làng Phú Lộc, cho phép đọc gia phả họ Huỳnh. Đời ông cao sơ Huỳnh Tấn Lễ rồi đến đời ông cao tổ Huỳnh Tấn Vạn kế nhau làm nam trừu hộ trưởng. Đất trồng dâu là bãi soi dài ngút ngàn sau cửa hậu Thành Diên Khánh. Có xưởng dệt gọi là nhà tằm - một sở nhà cột kèo vĩ đại, mái lợp tranh thật dày, hiên rộng có treo rèm tre đan che nắng, cất trên khu đất rộng, phía tây của cột cờ trong Thành. Trừu hộ có chừng 30 hộ viên, mỗi năm phải nộp thuế cho nhà nước một sản phẩm lụa trừu theo kích thước quy định. Mãi đến đời tổ khảo (ông nội) cụ Sào, nhà tằm bị cháy, việc dệt lụa trừu mới chuyển sang làm lẻ tẻ trong dân gian. Thật bất ngờ tôi còn thấy có tên đài ngư phường tức là những người làm nghề gánh cá, góp cúng 5 quan. Cá tươi trên ghe về đến cửa Cù Huân, lập tức có đội ngũ những người chuyên gánh chạy, thay nhau từng chặng chuyển cá đến chợ Thành, nơi có lỵ sở của Tỉnh là chỗ trung tâm tiêu thụ. Đám rỗi cá mà người ta thường e dè tránh phải va chạm vì lối ăn nói dữ dội, dung tục lại chung góp những đồng tiền mồ hôi nặng nhọc của mình trong công việc “thờ thánh Khổng”. Đạo lý ngày xưa của các cụ phổ cập trọn vẹn trên mọi tầng lớp.
Xem văn bia mới thấy tiền bạc trong nhân dân có vẻ phong phú dễ dàng hơn trong lớp quan lại và chức việc, hay ít ra là sự giàu có đã rải rác đây đó trong địa phương. Một vị bố chánh sứ , chánh tam phẩm góp vào 30 quan là gần 3 tháng lương hay một vị án sát sứ, chánh tứ phẩm góp vào 20 quan, hơn 3 tháng lương, trong khi con số mỗi cá nhân góp từ hai, ba đến bốn chục quan là rất đông trong dân chúng, cá biệt có vài ba người góp đến cả trăm quan. Miệt trên của Phủ Diên Khánh khá giàu. Riêng một xã Nghiệp Thành góp vào hai trăm quan. Bà Nguyễn Thị Lai ở Thanh Minh, bà Lê Thị Nghĩa ở Quang Thạnh, mỗi bà góp một trăm quan. Tên các bà đứng độc lập, chẳng thấy ghi thêm là con của ai hay vợ của ai. Chỉ một tên làng kèm theo là đủ cho người ta biết, bởi chắc chắn một xã đâu có thể có đến hai bà như thế. Dường như ở đây chẳng có chút gì phân biệt gọi là “nam tôn, nữ ti” cả.
Nhiệt tâm đóng góp của cả cái xã hội ta vừa phác họa kia, không bằng tiền thì bằng đất, có người cúng tư điền ngũ cao (5 sào) có người thổ cơ nhất cao (1 sào nền đất thổ). Như vậy, ngoài bốn sở ruộng đất, văn bia đã tổng kết cái công lao xây dựng Văn miếu buổi đầu của ông bà ta trị giá hơn bốn nghìn quan tiền giữa thế kỷ 19!
Đọc văn bia càng cảm phục người xưa, trong một công trình văn hóa, đã huy động được lòng tự nguyện rộng khắp mọi tầng lớp và thành phần dân cư trên địa bàn, chứng tỏ sức mạnh tinh thần chung của xã hội hướng về cùng một đạo lý. Chúng ta xúc động vì các cụ đã chỉ có thể lấy lao động chân tay mà làm ra của cải, mỗi quan tiền góp vào đều là kết quả của sự chắt chiu dè sẻn. Nhưng nói về cái bia, không khỏi vừa đau lòng, vừa cảm thấy có lỗi lớn với tiền nhân. Công trình các cụ để lại, con cháu có người vô ý thức, sẵn đá cứ mài rìu, mài rựa, khiến cho nơi chân bia, nhiều chỗ đã khuyết vào đến nét chạm hoa văn. Đến bao giờ sự trân trọng di tích mới thành một tình cảm chung của xã hội ?
Từ 1840 đến 1847 là tám năm cực thịnh mà ngắn ngủi của khoa cử Khánh Hoà. Tám năm này lại nằm đúng trong thời điểm thịnh đạt của 120 năm Nho học triều Nguyễn. Sự thịnh đạt khiến các cụ gởi vào lời tự sự của bia niềm tràn trề hy vọng tiến xa. Nhưng nguy cơ ngoại xâm đang tới dần, đó là hồi kết của một giai đoạn đẹp đẽ. Tháng 2 năm 1858, các cụ hoàn thành bia đá ở Khánh Hòa thì tháng 8 liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng. Những ngày gian nan chống ngoại xâm của dân tộc, tuy đang còn lẻ tẻ nhưng đã bắt đầu. 1112 vị khoa bảng toàn quốc, trong đó có các cụ cử ở Khánh Hoà, tất cả bắt đầu cái sự nghiệp rường cột quốc gia mà Nho giáo đã rèn đúc các cụ. Tấm bia đá Văn miếu phủ Diên Khánh vốn ra đời để ghi lại nỗ lực thực hiện một công trình văn hoá, nói rộng thêm là ghi nét đo mức trí tuệ học vấn và sự hướng về đạo lý của một thời. Hoàn cảnh lịch sử đã khiến nó không chủ ý mà ghi danh một số người về sau tuẫn tiết với non sông. Cái hồn của khối đá kia vừa là tri thức đạo lý, vừa là yêu nước. Nó đứng đó làm chứng cho biết chúng ta đã thừa hưởng của ông cha những gì.
3.
Khi tiếp quan Kinh lược sứ Phan Thanh Giản từ kinh đô vào thanh tra năm 1850, Diên Khánh đã có một bề thế tập thể người khoa cử tương xứng với một đất văn học đang vươn lên cùng với hoài bão sẽ còn đi xa. Hoài bão đó về sau không còn cơ hội thể hiện. Chỉ mươi năm sau khi lập bia đá Văn miếu Phủ (1858-1868), việc “nấu sử xôi kinh” đã bị tác động ngăn trở bởi tình thế hiểm nghèo của đất nước. Những năm đầu còn là tin tức xa xôi, những năm sau là thực tế đến với sự huy động gian khổ, rồi cuối cùng là lửa và máu của ba năm Cần Vương. Tin thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam đang còn đốt sôi lửa căm hờn trong lòng dân thì sự yếu kém của triều đình đã bộc lộ một cách nhanh chóng đến phải ngỡ ngàng. Đất Khánh Hoà, nhất là vùng biển, tiếp đón ghe thuyền người tị địa từ Nam bộ chạy về Trung châu nương náu kèm theo bao chuyện thuật lại việc thua binh mất đất. Từ đường trạm phía Bắc liên tiếp truyền vào những lệnh mộ binh, chẳng bao lâu lại đến chuyện vua bị nhục, triều đình bất lực, cùng những lệnh gấp rút gom góp tiền bạc đền chiến phí cho quân thù.
Tuy từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) sĩ tử Khánh Hòa được ra thi ở trường Bình Định, không phải khó nhọc vào Gia Định xa xôi, nhưng sự thuận tiện này không còn nung nấu chí tiến thủ của số đông người đi học, nhất là khi biết được những âm mưu áp lực của kẻ thù muốn sáp nhập luôn cả hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận vào “Nam Kỳ thuộc địa” của chúng.
Khánh Hòa cũng như trong toàn quốc đã sôi nổi tiếp nhận lời kêu gọi của quan phụ chính Tôn Thất Thuyết: “Người giàu đóng góp tiền của, người có sức mạnh đóng góp sức lực, người can đảm đóng góp cánh tay để giành lại đất nước trong tay quân xâm lăng...”. Các nhà nho ở Khánh Hoà, dù là lớp quan lại hay kẻ sĩ trong dân gian, tất cả biết rõ phải làm gì. Hai toà Văn miếu (của tỉnh và của phủ) bên Bắc và bên Nam sông Cái thời đó hẳn là nơi tập họp chuẩn bị lực lượng đề kháng. Nhân dân nhất loạt nghe theo vì cảm biết những sĩ phu kia đang thừa kế sự lãnh đạo đất nước qua bao thế kỷ.
Thử nhìn vào cách xuất xử của một gia thế nho học có tiếng tăm ở làng Võ Cạnh trong giai đoạn này mà suy gẫm. Ba người con trai cụ Nguyễn Điều (1796 - 1868) đều là bậc đỗ đạt. Cụ Tử Kỳ Nguyễn Dị, người anh giữa, sinh năm 1843, hai mươi tuổi đỗ học sanh giữa thời học phong đang mạnh. Là người có chí khí, ông cùng anh và em trai tham gia Cần Vương, giữ chức tham tán, bị giặc bắt đày vào Cam Ranh, sau được tha về rồi mất. Người anh cả Nguyễn Khanh, sanh năm 1834, miệt mài đến bốn mươi tuổi mới đỗ tú tài khi giông tố ngoại xâm đang bùng nổ (1873). Mười hai năm sau ông là một trong những người lãnh đạo của phong trào yêu nước chống Pháp ở Khánh Hoà. Khi quân Pháp đánh chiếm được Thành Diên Khánh, ông bị bắt và bị xử tử hình. Người em út Nguyễn Lương, tự Minh Khê, sinh năm 1852, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hay chữ. Cùng với hai anh ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức kiểm biện. Bị giặc bắt đày vào Ba Ngòi, Cam Ranh. Sau được tha về, ông thi đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1897) khi đã 46 tuổi. Đây là vị cử nhân nối lại cái dòng chảy “đỗ trung khoa” của nho học Diên Khánh sau 50 năm đứt đoạn. Cụ được bổ dụng giáo thọ Ninh Hoà trong thời gian dài, thăng tri huyện Hòa Đa rồi tri huyện Thanh Chương (Nghệ An). Sắp thăng tri phủ, cụ dâng đơn thiết tha xin hưu trí.
Một gia đình riêng lẻ tiêu biểu được chăng cho một giai đoạn? Lớp người đó sinh ra diù dắt nhau ăn học công phu lâu dài để thi cử. Việc lớn chợt đến, họ chết vì nước. Số ít còn lại ra làm quan trong cái thế lệ thuộc cay đắng, rồi lui về ráng giữ cái sót lại của đạo lý nhà nho. Một trong những dấu chấm hết rất tiêu biểu của nho học khoa cử, chính là con cụ cử Nguyễn Lương: cụ Nguyễn Tấn. Cụ ra đời ba năm sau sự kiện Cần Vương (1888), lớn lên học rộng nhưng chỉ có học vị học sanh từ năm 21 tuổi (1908). Năm cụ 31, khoa cử bãi bỏ. Tánh tình rất hồn hậu, cụ được tập thể người nho học ở Diên Khánh công cử làm phó văn trưởng, giúp cụ tú Phan Duy Tuần từ năm Bảo Đại 16 (1941) tận tụy với văn hội suốt 22 năm, tạ thế năm 1963. Cái học của một gia đình mà như cái học của một giai đoạn!
4.
Vào lúc Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng Đế, đất phụ luỹ này đã là nơi ẩn náu cho Nguyễn Công Lang, một nhân vật quan trọng của phong trào Tây Sơn. Một điều lạ là ông đã che giấu được tung tích của mình trong cái thời truy tầm ráo riết ấy. Xem “Thế phổ Nguyễn gia” ở từ đường nhà họ Nguyễn làng Phú Lộc mới biết ông quê quán làng An Nhơn tổng Hạ, huyện Đồng Xuân phủ Phú Yên. Vốn người cương chính, trung hậu, nghĩa khí, ông tham gia Hưng Quốc Hội cùng Võ Văn Cao, Lưu Quốc Hưng, Nguyễn Quang Huy ở Đồng Xuân, huấn luyện nghĩa quân kinh thổ, phối hợp chúa Thủy ở Ma Thiên Động xây dựng căn cứ La Thiên Lãnh (dãy núi La Thiên) gọi là Tây Sơn hữu đạo để chuẩn bị cho Tây Sơn dấy lên vào tháng giêng năm Quý Tỵ (1773). Sau khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, ông được cử làm Phòng phủ sứ (tri huyện) Đồng Xuân, rồi An phủ sứ (tuần vũ) phủ Phú Yên. Dưới triều vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, ông làm Thượng thư bộ Hộ, tước phong Kiến Quốc Công. Còn theo sách “Tây Sơn bí lục” của Trương Đăng Quế, cụ Nguyễn Công Lang vào lánh nạn ở làng phụ lũy Phú Lộc lúc Tây Sơn tan rã. Tiếng là “lánh nạn” nhưng thật ra ông đã tham gia tích cực xây dựng Bảo Nghĩa Kiến Nghiệp Hội tỉnh Khánh Hòa và chỉ đạo chống quân nhà Nguyễn tảo phạt vào căn cứ Tây Sơn trung đạo, Tây Sơn nam đạo cho đến khi mất. Hậu duệ của ông, cụ tú tài Nguyễn Trung Mưu, là một trong số người cầm đầu phong trào yêu nước chống Pháp sau này của tỉnh Khánh Hoà.
Tháng 4 năm 1999, chúng tôi đến thăm nhà thờ cụ Tú Mưu ở làng Phú Lộc. Ông Nguyễn Đức Tuyên, 72 tuổi, hậu duệ nhà họ Nguyễn, đã sốt sắng cho chúng tôi xem gia phả và một bản dịch quốc ngữ tập di cảo “Khánh Thuận Bình Tây Lược Ký” của cụ Nguyễn Trung Mưu. Tập lược ký này có thể được viết vào thời điểm 17 năm sau sự kiện Cần Vương (1887 - 1904), dưới triều vua Thành Thái - là vị vua chống Pháp, tuy phải cảnh giác với mật thám Pháp nhưng chắc không có sự đe dọa tức thời. Đọc lại những trang viết đầy máu và nước mắt của người xưa mới thấm thía vóc dáng hiển hách của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hoà do Bình Tây đại tướng Trịnh Phong lãnh đạo đã nằm trong một phong trào có tính liên kết chặt chẽ và tầm ảnh hưởng sâu rộng cả khu vực. Các vị chỉ huy đã chủ trương chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Sau cuộc phản công kinh thành Huế thất bại (tháng 7 năm Ất Dậu 1885), quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở (Quảng Trị) xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy chống thực dân Pháp. Ở Khánh Hoà, cụ Đề Phong tức Trịnh Phong (người làng Phú Vinh, huyện Vĩnh Xương) cùng với các thân hào trong hạt như các ông Tú Mưu, Tú Khanh, Tú Học, Lê Nghị, Lê Thiện Kế… chiêu tập lực lượng, dựng cờ Nghĩa hội bình Tây, nêu khẩu hiệu: “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn, hưng binh ứng nghĩa phục giang san”. Trịnh Phong được toàn thể nghĩa quân tôn làm Bình Tây đại tướng lãnh đạo phong trào kháng chiến.
Khánh Hoà chia làm hai quân khu: quân khu Bắc do Tổng trấn Trần Đường (người làng Hiền Lương, nay là xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) chỉ huy, đóng tại núi Bồ Đà; quân khu Nam do Tổng trấn Lê Nghị (người làng Phú An Nam, nay là xã Diên An, huyện Diên Khánh) lãnh đạo, đóng ở Thành Diên Khánh. Lễ tế cờ ra mắt Bộ chỉ huy tại núi Xuân Sơn Cửu Khúc.