Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.153.350
 
Mạch thư hương -2
Phạm Phú Viết

Cùng viết  với Nguyễn Man Nhiên

 

Lực lượng nghĩa quân phần lớn là nông dân và một số binh lính triều đình yêu nước tự nguyện ứng nghĩa. Vũ khí trang bị là giáo mác, gươm đao, cung tên cùng với dăm chục cây súng hoả mai cũ của số cơ binh. Tại làng Phú Lộc (Diên Khánh), Võ Bá Thời, người đã từng tham gia rèn đúc vũ khí cho nghĩa quân Trương Định, bắt tay điều hành việc sản xuất vũ khí cho nghĩa quân Khánh Thuận. Ông đã có công cải tiến, chế tạo nhiều loại vũ khí lợi hại như địa lôi phục, hoả hổ, thần phong, phi kim tiễn...làm cho quân Pháp phải kinh hồn.

 

Tại Khánh Hòa, quân Pháp đổ bộ lên nhiều nơi: xóm Cồn, Trại Thủy, Suối Dầu, Bá Hà, Tu Bông,Vạn Giã, nơi nào cũng bị nghĩa quân giáng trả quyết liệt. Địch tập trung lực lượng đóng đồn tại Hòn Khói, dùng tàu chiến đậu quanh để hộ vệ. Nghĩa quân bao vây tập kích, chúng bị tổn thất nặng nhiều lần, phải rút chạy vào năm sau.

 

Nhưng giặc đi  rồi giặc lại đến, ác liệt hơn, tàn nhẫn hơn. Tháng 6 năm Bính Tuất (1886), đạo quân tàn ác do tên Việt gian Trần Bá Lộc từ xứ Nam Kỳ thuộc địa kéo ra. Chúng tới đâu là ép giáo dân a tùng cướp của, đốt nhà, giết người với chúng. Người nào, nhà thờ nào không theo, kể cả ông già, bà lão, trẻ nít, là chúng giết sạch, phá sạch, cướp sạch rồi phao tin ầm lên rằng “loạn quân văn thân sát tả để bình Tây”. Tuy vậy, đội quân chó săn vẫn bị đón đánh nhiều trận. Sau khi chiếm được Thành Diên Khánh, chúng tiếp tục tiến ra Tân Định, liền bị quân của Bình Tây đại tướng Trịnh Phong xung sát một trận kinh hồn dưới chân núi Đá Lố, thừa thắng nghĩa quân dùng hoả công diệt gọn cả đám giặc Pháp trên cánh rừng sim gần chân núi Hòn Hèo, sau này dân chúng quen gọi là cánh đồng cháy. Đòn hiểm độc sau cùng của y là vây bắt được một số người già làm con tin (vì tiếc của mà trở về nhà thăm chừng mặc dù đã có lệnh phân tán đi hết để “vườn không nhà trống”), dọa triệt hạ tất cả xóm làng trù phú trên đường từ bến Cù Huân (cửa sông Nha Trang) lên Thành Diên Khánh, giống như chúng đã thiêu hủy làng mạc trên đường từ Bình Thuận ra Phan Rang, nếu các thủ lĩnh nghĩa quân không hạ khí giới ra nạp mình. Mùa thu năm 1886, thực dân Pháp bắt được Trịnh Phong. Không thể buộc ông khuất phục đầu hàng, giặc đem ông ra hành hình tại gò Chết Chém bên cầu Sông Cạn. Các tướng lĩnh khác, lớp bị tử trận, lớp chịu tù đày do thế mạng cứu dân, tránh cho họ hàng và làng xóm khỏi bị khủng bố. Bởi vậy, Tán tương quân vụ Nguyễn Khanh đã cùng một số nghĩa quân quay về trước Thành gọi là để qui thuận rồi xuất kỳ bất ý tả xung hữu đột trước khi bị chém đầu ở Bến Đá. Tổng trấn Trần Đường chỉ huy một đạo binh đánh nhau với quân Pháp tại đèo Dốc Thị, bị thua, ông bèn rút tàn quân lên Đầm Thụ. Giặc đến làng Hiền Lương quê ông, đốt phá nhà cửa, bắt bớ và chém giết cả thân tộc của ông, đòi cho được ông ra đầu thú. Thương xót tình máu mủ gia đình, ông bèn về nạp mình, nhưng thà chết chứ không nghe lời khuyến dụ nhận chức trọng quyền cao của giặc. Cha con ông Phạm Chánh, Phạm Luông và ông Nguyễn Sum người huyện Quảng Phước được giao chỉ huy nghĩa quân trấn giữ đạo Tu Bông. Sau khi tổng hành dinh quân khu Bắc của Trần Đường bị thất thủ, giặc Pháp thừa thắng tấn công đốt sạch kho lương Đồng Đồn khiến ba ông cùng nghĩa quân phải rút lên núi cao. Trong một lần về làng kiếm lương thực, chẳng may Phạm Chánh bị giặc bắt. Nghe tin dữ, các ông Phạm Luông và Nguyễn Sum khẳng khái nạp mình để trọn nghĩa sống chết có nhau. Ba ông cùng tuẫn quốc một ngày tại Gò Đồn, Hội Khánh.  

 

Địa phận bên Bắc sông Cái, dân sự ít thiệt hại hơn. Bình Tây phó tướng Nguyễn Trung Mưu cùng các ông Lê Kế, Lê Sách đi đến các xứ đạo Đồng Dưa, Cây Vông và cả ở Hà Dừa khuyến dụ cha cố, giáo dân cùng bên lương phân tán vào núi Hòn Ngang, Hòn Dữ, Ba Cụm nên Trần Bá Lộc chẳng lừa ép được ai. Các cụ thu thập quân lực chờ đánh một trận mới. Phương lược đánh giặc, các cụ nêu rõ: Nhà nhà là nghĩa hội, người người là nghĩa quân, nghiêm cấm tà gian, không tham của cải, tránh thảm hại dân lành cả lương lẫn giáo, ai vi lệnh xử trảm, cho nên gần hai năm trời ác chiến với quân thù vẫn bảo tồn thực lực, dân tình được hòa hợp sướng vui.

 

Quân Trần Bá Lộc tiếp tục kéo ra Phú Yên để đàn áp Cần Vương. Tuần Vũ Khánh Thuận là Trịnh Hữu Thể, Tả quân đô thống Đào Trí phải hồi hương quản thúc rồi mất. Cụ Tú Mưu cùng Lê Thiện Thuật, Bùi Đồng lẩn quất ở vùng núi Ba Cụm, Hòn Bà, Hòn Mẫu Tử, hợp với nghĩa quân người Thượng ở Thác Hòm, Thác Trại, Gia Lê, Gia Lắc (thượng nguồn sông Cái) và buôn Kim, buôn Bác đầu con sông Dinh ở Tân Định để điều khiển mọi việc. Phạm Sương, Đặng Công, Nguyễn Trực ở vùng Hòn Khói, Tu Bông lo trao đổi vật phẩm giữa trung châu với miền núi, khuyến dụ nhân dân làm nhiều mắm muối cung đốn cho nghĩa quân.

 

Ở Khánh Hoà nhân dân đã suy tôn Ngũ Bá gồm Bá Thời (phụ trách quân giới), Bá Long (làm tán lý cho Bình Tây phó tướng Nguyễn Trung Mưu), Bá Trinh (làm tán lý cho Bình Tây đại tướng Trịnh Phong), Bá Hùng (làm tán lý cho Tổng trấn quân khu Bắc Trần Đường), Bá Cang (làm tán lý cho Tổng quản khu Nam Lê Nghị). Qua hai năm chiến đấu, Nguyễn Bá Trinh bị thương rồi mất. Phan Bá Hùng bị thương nặng đổi tên thành Phan Hoằng Phú lánh vào ẩn ở Long Hương (Tuy Phong) rồi sau qua đời ở đó. Các ông Võ Bá Thời, Phạm Bá Long, Trần Bá Cang đã cùng với Bùi Đồng, Trần Đạt rút quân lên miền Khánh Dương hợp sức với nghĩa quân do cha con Trần Văn Nghiệp lãnh đạo tiếp tục chiến đấu ở miền núi phía tây.

 

Bà Nguyễn Thị Hàn Liên là vợ Nguyễn Bá Trinh gởi đứa con trai độc nhất cho hội “Nam Trung nghĩa sĩ” lên đánh giặc trên chiến trường Tây Sơn rồi tử trận. Con bà Nguyễn Thị Hàn Mai là Trịnh Tuyết Anh (cha là Tuần vũ Trịnh Hữu Thể) cải nam trang lấy tên là Nguyễn Khánh Lâm ra tham chiến với Nguyễn Bá Loan ở Quảng Ngãi rồi cũng hy sinh. Bà Hàn Mai trở lại Khánh Hòa cùng chiến đấu với nghĩa quân cho đến lúc tử vong. Ở Bình Thuận, các ông Nguyễn Xương, đề đốc Trần Tuấn (tức Phan Trung), Nguyễn Nghị Phong (trong hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Phan Rang), Trần Văn Trung, Nguyễn Hữu Cảng kéo quân lên họp cùng quân thượng du do tù trưởng ở Đông Ý là Lâm Vi Năng cầm đầu. Ở Phan Rí có Trà Quý Bình, Lữ Minh Việt (hậu duệ vị tướng Chiêm Thành “Môn”, phụ tá thời Tây Sơn) cùng Lê Duy Dương, Nguyễn Trúc...cũng làm như vậy. Các bộ phận này tự đặt mình dưới sự chỉ huy thống nhất  của Bình tây đại nguyên soái Võ Đính và nhị vị phó nguyên soái là chúa Hỏa Y Tòng, chúa Thủy Ma Kham hợp sức đánh phá quân Pháp suốt nhiều năm liền.

 

Chỉ đến khi quân Pháp tập trung binh lực bao vây kinh tế, triệt hạ buôn làng, thiêu hủy rẫy rừng và chận đường tiếp tế Trung châu thì nghĩa quân đành chịu kiệt quệ vì đói và bệnh. Nghe nói cụ Tú Mưu sống thọ, đến trên 90 tuổi. Những dòng cuối của bản lược ký đầy xa xót, ngậm ngùi: Còn ta, cũng như nhiều bạn đồng môn khác, tuy ở Trung châu nhưng thực sự là núi rừng, cũng bị sơn lam chướng khí huỷ hoại thân thể, sau phải lẻn về nhà an dưỡng, rồi cũng đành ôm hận xuống mồ theo quán vận sau này mà thôi ...Trước khi nhắm mắt lìa đời, ta nằm mọp trên giường bệnh trong buồng tối mờ với đĩa đèn dầu phụng, gắng gượng ghi lại những dòng thô thiển để lớp người kế tục sự nghiệp hiển hách của ông cha có dịp tường tri bao vị nghĩa liệt đã xả thân cho nòi giống Lạc Hồng đời đời bất khuất.

5.

Cụ Phạm Phú Viết, 73 tuổi ở Diên Toàn, còn nhớ bà nội kể lại rằng vào lúc  bà còn là cô bé gái hơn mười tuổi, ngày ngày bưng mẹt bánh đúc bán cho các bác lính canh cửa dinh quan lớn, cuộc sống bỗng dưng khác lạ. Có tiếng đồn, tiếng rao truyền cứu nước giúp vua. Ban đêm, trống mõ nổi dậy, đuốc lửa rầm rập kéo đi, nhà cháy bốn phía, lửa đỏ rực trời. Ban ngày Tây với lính đạo từ Cửa kéo lên. Chúng bắn giết, chặt đầu, đốt nhà, bắt người đi đạo bước qua thánh giá. Khói đen bốc lên che nắng trời thành màu vàng úa. Chó cụp đuôi chạy trốn trong bụi. Người bỏ làm bỏ ăn, sợ lo mà chẳng biết kéo nhau chạy về phương nào. Nhưng khi Tây rút về Cửa, thì trống lại đánh, kiệu võng cờ xí bên mình lại kéo đi, người lớn lại nhóm họp, hô hào.

 

Sự trớ trêu của lịch sử khiến cho sự nghiệp Cần Vương bị xuyên tạc theo câu chuyện bình Tây sát tả. Từ lâu trong khi hỏi han các cụ về việc này, chúng tôi được kể cho biết có hàng trăm con người theo đạo dắt dìu nhau đói khát trốn trong khu rừng bên kia sông chạy qua phía nam làng Lương Phước. Xa hơn về phía đông, tại làng Phước Trạch, tôi cũng được chỉ cho biết khu rừng giáp núi Chín Khúc là nơi có đến hai trăm dân đạo trốn trận sát tả. Sự ngờ vực trong tôi thật khó luận giải : sát tả thì quân Cần Vương mới sát tả còn núi rừng vốn là địa bàn căn cứ của nghĩa quân Cần Vương. Trốn sát tả mà không chạy theo Tây lại dắt nhau vào rừng, như thế khác nào đi nạp mạng? Nay đọc di cảo cụ Tú Mưu mới sáng tỏ là chính quân Cần Vương đã bảo vệ cho đồng bào Công giáo. Ông Nguyễn Đức Tuyên còn kể rõ dưới nền nhà cụ Tú Mưu xưa là một gian hầm rộng. Dân đạo bị quân Trần Bá Lộc truy nã trốn ở đấy. Hàng ngày phải nấu cơm nắm đưa xuống hầm để sống tạm qua ngày. Ơn nghĩa tình đồng bào sâu đậm, hiện nay đã trăm năm qua, nhưng thường lệ, đến ngày giỗ cụ Tú Mưu, các thế hệ phụ lão trong họ đạo ở Đồng Dưa vẫn biện lễ đến nhà thờ họ Nguyễn tưởng nhớ Cụ. Con dâu cụ Nguyễn Tấn, bà Nguyễn Thị Vi Hà ở Nha Trang, cũng kể lại tương tự: “Gia đình chồng tôi là người Võ Cạnh mà ngụ tại Võ Dõng. Từ năm 1941 về làm dâu, tôi đã lắm lúc vừa khó hiểu vừa xúc động, thấy cứ “mồng năm ngày tết”, các gia đình đạo Thiên chúa ở Võ Cạnh lại lễ mể đem biếu gia đình chúng tôi những món quà dân dã mà nặng sức cần lao, những “khoai bắp để ông ăn lấy thảo của tụi con” và “gánh củi để ông nấu nước cúng cụ”. Cha chồng tôi giải thích: “Các nhà đó đều mang ơn sâu nặng với ông nội các con (cụ Nguyễn Lương). Chánh quyền đô hộ Pháp trước đây đã có lúc âm mưu bắt giết con chiên ngoan đạo để lấy cớ đổ tội sát tả mà phế bỏ các quan liêm chính của triều đình lúc bấy giờ. Ông nội biết được, tìm cách che chở cho các gia đình đó, ơn nghĩa kéo dài đến tận ngày nay…”. Cũng từ việc này mà vào dịp kỷ niệm 250 năm thành lập giáo xứ Bình Cang (10-1990), người con cụ cố Tám Bường nay là linh mục Nguyễn Hữu Phú, đã mời các di duệ cụ Nguyễn Lương về dự lễ ở nhà thờ họ đạo. Linh mục đã có những lời cảm ơn họ Nguyễn làng Võ Cạnh rất trân trọng và cảm động.

6.

Tháng 6 năm 1908, án tử hình cụ đại khoa Trần Quý Cáp rúng động toàn quốc và trực tiếp đập vào trái tim người dân Khánh Hoà, Diên Khánh. Lâu nay, tiếng tăm tri thức cùng tinh thần cách tân của cụ, nho sĩ sở cậy rất nhiều. Cái tâm lý chung đang là ta thua người Pháp quá xa. Nay, trong hàng ngũ cao học của ta, có người từ trong những hiểu biết như ta hiểu biết, mà lại nhận định rành mạch ta thua những gì, cần phải làm những gì, khác nào thắp lên được bó đuốc rọi sáng bước đi trên con đường mới. Tập luận Sỹ phu tự trị của cụ nói ý nghĩa, giá trị, mục đích thực dụng của sự học là khai trí trị sinh, mở mang học vấn cao rộng, để giàu dân, ích nước, chắc chắn nhiều sĩ phu Diên Khánh đã đọc và tâm đắc. Khi còn làm giáo thụ Thăng Bình tại Quảng Nam, cụ đã mời thầy về dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, mở mang cách giáo dục mới, tổ chức học sinh đi cắm trại luân chuyển từ trường này sang trường khác để gây tình hữu nghị, trao đổi kiến thức. Còn khi vào Khánh Hoà, ngay lúc mới đến, cụ đã đề xuất ngay với An sát Nguyễn Văn Mại, một mặt mua tân thư để giảng dạy, một mặt cho phép sĩ phu cúp tóc, một mặt xin đi các hạt diễn thuyết cải lương. Cụ đã bị chính quyền thực dân từ chối không cho làm những việc này. Sau đó, một vài chữ viết vắn tắt trong một lá thư riêng để lộ thái độ cụ tán thành dân chúng đòi giảm sưu thuế đã là duyên cớ cho bản án giết cụ.

 

Ngừơi dân Diên Khánh còn nhớ rõ đoạn đường cụ đi thọ hình, từ cửa đông Thành đi ra một đoạn, rẽ sang trái phía đông đất trường quan Đốc (nay là Bưu điện huyện) rồi đâm thẳng ra chỗ nay là hẻm nhỏ khoảng giữa đường Trần Quý Cáp để xuống gò Chết Chém cầu Sông Cạn (nơi nay là miếu thờ cụ). Ký ức các vị bô lão kể rằng trời đang nắng bỗng sực tối âm u, vô số con người đứng vòng trong vòng ngoài quanh gò cố nén tiếng khóc uất nghẹn.

 

Chứng kiến cảnh cụ Trần thọ hình năm ấy có một cậu bé 11 tuổi tên là Phùng. Đang nắm tay cha, cậu chợt thấy tay cha xiết chặt. Ngước mắt nhìn lên, chưa bao giờ cậu thấy cha khóc thảm như thế. Hai dòng nước mắt nho sĩ Huỳnh Liên chảy mãi, ròng rã, lặng lẽ. Cậu bé Phùng cảm biết sâu sắc lòng cha tôn kính cái ông đang bị chém đầu kia đến chừng nào. An tượng xót xa ấy giữ  kín trong lòng cậu bé, sau này trở thành động cơ cho một ông Huỳnh Kỳ Phùng lúc 33 tuổi tích cực tham gia cuộc vận động cách mạng năm 1930. Ông làm tài xế chạy xe tuyến đường Huế – Nha Trang,  bí mật chuyển tin tức và chỉ thị từ Huế vào Ninh Hòa trong đợt biểu tình. Ông làm tròn nhiệm vụ, nhưng khi phong trào tại chỗ bị vỡ, do có người khai ra, ông Phùng bị bắt cùng với một đồng chí khác là ông Thái Lâm (cả hai đều người làng Phú Lộc). Người hoạt động chính trị bí mật thuở ấy rất hiếm, việc hai ông bị bắt làm chấn động đất Diên Khánh.

 

Đến phiên một thế hệ con trẻ kế tiếp chịu một ấn tựơng đau xót khác. Anh em hai cậu bé Ngộ và Tân dắt nhau thăm cha. Cha hai cậu, tức ông Phùng, chân bị xích, vai vác đá nặng đắp đường Mã Vòng dưới sự thôi thúc của roi vọt. Ông chỉ vắn tắt dặn con một câu : “Về nhà ráng học, chuyện cha làm là chuyện nước, lớn lên lần lần sẽ hiểu”. Hai cậu bé hiểu điều cha dặn rất kỹ. Mười bảy năm sau, 1946, đến phiên anh Tân lại làm chuỵện nước như cha đã làm. Bị giặc Pháp tra tấn hết sức dã man, anh cắn răng không chịu tiết lộ. Lần cuối gia đình tìm thăm còn thấy mặt anh, chứng kiến chúng đạp cái thân xác tả tơi của anh gục xuống nền nhà, rồi vất anh lên xe chở đi. Bạn  tù kể lại chúng treo anh lên cây cho đến lúc chết vào ngày 16 tháng 5 âm lịch. Người chiến sĩ Huỳnh Kỳ Tân không có mộ. Xác anh hòa vào đâu đó với cỏ cây của đất nước.

 

Cụ Huỳnh Kỳ Ngộ trầm ngâm kết thúc câu chuyện kể với tôi: “Nhiều khi nhớ chuyện ông, cha và em, tôi cứ nghĩ đến một dòng chảy. Giọt máu cụ Trần Quý Cáp thấm sâu vào đất cầu Sông Cạn, còn cái thần của cụ thì nhập vào người học trò là ông nội tôi rồi cứ truyền tiếp xuống con cháu”.

7.

Những ngày chót của phong trào yêu nước chống Pháp tại tỉnh lỵ Khánh Hòa đã kết thúc như thế nào? Nhớ lại câu hỏi tò mò của tôi lúc nhỏ cứ thúc bách “rồi sau ra sao?”. Nhưng trí nhớ của bà tôi, là một trẻ nít của thời ấy lại chỉ có thể cung cấp cho tôi chuyện voi Thanh. Chuyện kể rằng, tên sứ Tây với lính của nó lên đến tỉnh đường và ra xem tàu tượng. Đàn voi của tỉnh dùng giãy bộ hổ (chuyên săn bắt những con cọp về làng ban đêm, ban ngày thường núp lại ở các gò bụi hay ruộng mía) lúc đó còn voi Kỳ, voi Chản, voi Bồ Cốc mà dẫn đầu là thớt voi Thanh. Viên quản tượng theo lệnh tên Pháp hét voi Thanh quỳ xuống cho sứ Tây cỡi. Ba lần Tây leo lên, ba lần voi Thanh dùng vòi quấn chân níu xuống. Hoảng sợ, nài Năm đứng trước đầu nhìn voi Thanh, giọng thổn thức khuyên nho nhỏ: “Nước đã mất rồi, quyền là ở người ta, phải chịu nhẫn nhục, không nghe thì nó giết”. Voi Thanh, bấy giờ đứng im rũ vòi, hai dòng nước mắt của nó chảy dài. Sau đó nó bỏ ăn, đứng tựa vào trụ tàu. Mấy ngày sau, da nó nhăn nheo, thân nó gầy rốc lại. Người ta vuốt ve dỗ dành nó, nó không đổi ý, rồi nó chết…

 

Cái mẫu chuyện nhỏ trong một cuộc thất bại to lớn đè nặng mãi lên quả tim kia, hôm nay tôi lại có dịp tìm hỏi thêm. Tháng 3 năm 1996, tôi đến thăm ông Nguyễn Chum ở xã Diên Toàn. Ông cụ 73 tuổi này khỏe mạnh và minh mẫn. Tôi hỏi làm thế nào mà nội tổ của cụ – cụ Nguyễn Thi – 150 năm trước đây hành nghề đông y lại có được voi Thanh dâng cho Nhà nước và được triều đình ban thưởng hàm bá hộ? Hóa ra cụ Thi có người cháu gọi bằng dượng rể vốn là người kinh doanh lâm sản rất giỏi. Ong thông thạo các buôn làng ở thượng du, đã thay cụ mua về con voi rất khôn này. Chuyện xưa nghe bà tôi kể, nay quả có minh chứng rõ ràng.

 

Tháng 6 năm 1996, chúng tôi có đến nhà “cố Trần Tiên Tấn” ở thị trấn Diên Khánh hỏi thêm các cháu ông để biết thêm về cụ Trần Tấn Đạt. Lớp người xưa gọi cụ là ông “Tổng Trần”. Hưởng ứng Cần Vương và sẵn có uy tín trong quần chúng, ông Đạt là thủ lĩnh một nhóm nghĩa sĩ giao tranh với giặc. Thất trận, ông bị bắt. Chúng buộc gia đình ông phải chuộc mạng bằng ruộng đất. Vợ con ông đã đem giấy tờ sở hữu đủ số ruộng đất nạp cho chúng, nhưng chúng chê là ruộng nằm riêng lẻ ở mỗi nơi một ít chứ không liên địa. Chúng bắn ông ở cửa hậu Thành Diên Khánh.

 

Tôi lại được cụ Nguyễn Tri Khánh, 78 tuổi ở làng Trường Thạnh kể chuyện hai anh em của nội tổ. Ông anh tên là Nguyễn Duy Trận bàn với em bỏ tất cả để đi cứu nước. Ông em là Nguyễn Duy Đồ đang làm chức giám thủ kho lương tiền Khánh Hòa cảm thấy trách nhiệm của mình quá nặng, không dám quyết định. Thế rồi sau các trận đánh Cần Vương, ông anh thua trận chạy vào rừng sâu. Gia đình mãi mãi không tin tức.

 

Chúng tôi lại được tiếp chuyện cụ Nguyễn Xuân Nghĩ, 79 tuổi người làng Quang Thạnh. Năm lên 10 tuổi, cụ hỏi bà ngoại: -Ông ngoại đâu? Bà ngoại kể chuyện ông ngoại thương tâm biết bao. Chồng bà là ông họ Phan, thống lãnh một số nghĩa sĩ Cần Vương. Thua trận, giặc bắt trói ông để vào cối đạp giã cho nát chết, nhà cửa giặc đốt. Cha cụ Nghĩ đã đem mẹ vợ về phụng dưỡng. Lúc còn nhỏ, cụ Nghĩ vẫn theo cha thường xuyên chăm sóc ngôi mộ đất của ông ngoại họ Phan chôn kề bên núi Hòn Thị làng Cây Me (Bình Khánh) thuộc xã Diên Hòa ngày nay.

 

Được xem qua những trang bản thảo đang viết dở này, ký ức chợt quay lại với nhiều người. Ông Trần Văn Tha 68 tuổi, kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện kín đáo truyền lại trong gia đình ông suốt thời Pháp thuộc. Cha ông, cụ Trần Ngọc Phát, tục gọi ông xã Chín Bộc làng Phú Lộc, lúc sanh tiền mỗi năm đều nhắc  lại cho anh em ông về một ngôi mộ. Người dưới mộ là em trai ông nội cụ Phát – đời ông Tha gọi là ông nội cố em- thi đỗ tú tài tức tú tài Trần Văn Học. Ngày giặc Pháp cướp nước, ông Tú Học lãnh đạo một nhóm chiến sĩ Cần Vương. Trận đánh sau cùng bị giặc vây trong một lùm bụi. Giặc gọi hàng, ông Tú mắng trả, bị giặc bắn chết. Gia đình sau đó đem xác về chôn, nơi chôn là giữa bụi tre gai kín đáo bên bờ sông Phú Lộc. Lời cụ Phát dặn con : “Đây không chỉ là một cái tang lớn mà còn là một vinh dự lớn làm chứng dòng họ mình có người ăn học giỏi hy sinh cho nước. Thế lực của Tây còn mạnh, các con không để lộ chuyện, nhưng phải luôn nhớ chăm sóc mộ, vừa là máu mủ dòng họ vừa là nghĩa nước”.

 

Ông Lê Viết Thấu, 80 tuổi, nhớ chuyện ông nội là cụ giáo Lê Viết Tạo kể chi tiết về việc toàn dân ở khu vực nay là xã Vĩnh Phương đã cùng nhau xeo núi đá xuống lòng sông Cái để ngăn tàu Tây tải quân lên đánh Thành Diên Khánh.

 

Có bao nhiêu chuyện ông cha ta làm mà vì thất bại mất quyền nước đã phải chìm theo ký ức bao con người “sống giấu kín, chết  đem đi”? Tiếc cho vài câu chuyện kể rời rạc của từng người trên đây đã bổ sung quá ít chi tiết cho sự  phác họa bức tranh toàn cảnh bản lược ký của cụ Tú Mưu.

 

Thương ông cha ta khi đương đầu với thực dân xâm lược chỉ có trong tay gươm giáo thô sơ. Đem một tấm lòng ra thi gan với vũ khí hiện đại, trứng chọi với đá rồi “thung dung tựu nghĩa” như cách nói của Nho giáo. Các cụ tuy thất bại vẫn cứu vãn được danh dự cái học vấn đã rèn đúc các cụ.

 

Còn voi Thanh? Lan man câu chuyện Cần Vương, ngẫm lại thấy có một chi tiết phi lý trong lời kể của bà tôi. Đó là chuyện voi Thanh “khóc”. Không thể nào có chuyện voi Thanh “chảy nước mắt”. Những giọt nước mắt cũng như tiếng cười, tạo hóa chỉ phú riêng cho giống người. Chỉ vì cái tang mất nước kia quá lớn. Đau đớn bao trùm hết mọi người, nỗi tuyệt vọng gởi vào nước mắt uất hận của con vật tinh khôn, rồi đinh ninh cứ thế mà truyền lại. Cái cách nó tự kết thúc sự sống há chẳng không xa với nết trung nghĩa của con người ?

Phạm Phú Viết
Số lần đọc: 2895
Ngày đăng: 16.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn lại với Trương Thái Du - Hà văn Thùy
Quá trình hình thành quốc hiệu Việt Nam - Trương Thái Du
Dùng thiên văn kiến giải các thuật ngữ Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng Quận, Cửu Chân, Nhật Nam.-1 - Trương Thái Du
Dùng thiên văn kiến giải các thuật ngữ Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng Quận, Cửu Chân, Nhật Nam.-2 - Trương Thái Du
Tính chất Việt và nguồn gốc triều Trần trong lịch sử Việt Nam -1 - Nguyễn Đức Hiệp
Tính chất Việt và nguồn gốc triều Trần trong lịch sử Việt Nam -2 tiếp theo và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Ghi chú nhỏ về An Dương Vương - Trương Thái Du
Thần và Đất - Đinh Văn Hạnh
Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu - Hà văn Thùy
Một số nhận định về Phật Giáo Hoà Hảo – Một Đạo giáo xuất phát từ vùng châu thổ sông cửu long . - Nguyễn Bạch Trúc
Cùng một tác giả