Tôi quen Vũ Ngọc Tiến đã lâu. Khi anh làm thư ký toà soạn tạp chí Thế Giới Vi Tính sê-ri B, tôi là cộng tác viên miền Trung. Dù vậy, giờ tình cờ đến thăm anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi mới được đọc tập truyện ngắn "12 Con Giáp" của anh tái bản lần thứ nhất, do NXB Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh ấn hành, nộp lưu chiểu tháng 2 năm 2007, tôi cảm thấy mình được bềnh bồng trong dòng văn thâm trầm sức hiểu biết triết học phương Đông của anh.
Với lối kể chậm rãi lạnh lùng, thâm thuý anh như một tay phù thuỷ, biến hoá không ra có, có ra không, hư hư thực thực thành 12 Con Giáp. Mở đầu Huyền Thoại Núi Mặt Quỹ kể về cuộc thăng trầm của người tuổi Tý - một chính khách, yếu nhân tâm dạ phản phúc, tháo chạy ra nước ngoài gần cuối thế kỷ trước. Tam Ngưu Tương Mệnh, nói về ba người bạn cùng tuổi Kỷ Sửu. Với bút pháp đồng hiện cùng lúc kể tình đồng đội của ba người lính thời đạn lửa chiến chinh sẵn sàng xả thân cho chính nghĩa. Thời bình lại sa vào "vạ chữ ký" là Sửu chủ tịch huyện, Bê chủ tịch xã. Truyện nói lên sự giác ngộ của Sửu nhờ A Mộc mà không lún sâu vào con đường tội lỗi do kém thuật dùng người. Đến truyện Hà Chính viết về Ngài Khổng Tử và "Thất thập nhị hiền" học trò Ngài. Lối viết có phần từ chương: "Họ đang mải mê tranh bá, đồ vương. Thiên hạ ngút trời biển lửa, rừng gươm. Mặt đất ngập ngụa núi xương sông máu…" nhưng đã cho người đọc thấy cái chế độ hà khắc đương thời, đến nổi có người muốn vào rừng tìm cái chết còn hơn được chung sống! Rồi Ma Mèo tiếp tục đi suốt chủ đề của tập truỵện, chủ ý tác giả viết về nhân vật nữ chính là cô Mão, một trong Tý, Sửu, Dần… của mười hai con Giáp. Cô Mão là Lệ Hằng, một phụ nữ đẹp nhưng vô cùng dâm đãng táo tợn, dám ngang nhiên ngoại tình khi chồng bắt gặp vẫn nằm tênh hênh… Lê Hằng làm ăn phất lên như diều, ấy vậy chỉ vì giết chết một con mèo đang chữa liền bị chủ mèo kiện sạt nghiệp; khách sạn Bồng Lai của Hằng cũng vắng như chùa bà đanh. Đúng "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo"! Rồng Đá như một lời thuyết giảng về tình yêu và nỗi khát khao quyền lực, dựa trên thân phận Trần Thăng và Kim Hoà. Không những thế, Rồng Đá con lấp lánh chất thơ hoà quyện, đậm thi pháp truyện ngắn. Truyện Đạo sĩ và rắn độc là một truyện hay. Bối cảnh miền Tây Ấn Độ xa lắc. Ấy vậy, dường như tác giả đã lặn lội ở đó nhiều năm đến thuộc thung, thuộc thổ, thuộc nền văn hoá vùng này. Truyện kể về mối tình của chàng Singh và nữ chúa đảng cướp Cobra tên Devil. Một cuộc tình tha thiết nhưng vì những mối hệ luỵ, phạm trù đạo đức xã hội ngàn đời áp đặt nên ít ai chấp nhận sự khập khiểng 12 năm tuổi tác. Chỉ với một nhân vật thật mà tác giả viết nên một chuyện tình ngang trái, thì quả có tài "Lộng giả thành chân". Xin được phép trích nhận xét của Barry Cold, nhà Việt học Australia: "Tuổi Tỵ - truyện Đạo sĩ và rắn độc lấy không gian câu chuyện ở nước Ấn Độ. Đây có lẽ là một truyện ngắn thâm thuý và hấp dẫn nhất mà tác giả gửi gắm tư tưởng triết học và quan điểm xã hội học phương Đông vào trong từng trang viết. Truyện kể về nữ tướng cướp nổi danh của Ấn Độ, Phoolan Devil (vốn là nhân vật có thật, được tác giả hư cấu khác hẵn trên sách báo nước ngoài đã đưa tin). Chị đã từng gây ra nhiều tội ác đẫm máu để trả thù giới đàn ông. Sau khi ra khỏi tù, Devil từ chối tình yêu để tìm đến vùng đất thánh của Ấn Độ Giáo mà tu hành, sám hối. nàng đã thất vọng vì đó là chỉ là một chợ trời đạo sĩ(Khiến ta liên tưởng đến một thứ chợ nào đó ở Việt Nam- Nguyễn Nguyên An chú.) Giữa lúc hoang mang tức giận toan trở về thế giới tội ác thì may mắn nàng đã gặp một đạo sĩ chân chính. Những lời thuyết giảng của vị đạo sĩ già đã biến cải tâm hồn Devil…". Truyện Ngọ Râu kể đoạn cuối của một trang hảo hán đã có một quãng đời trai trẻ sức vóc, tung hoành dưới biển trên rừng với bao chìm nổi phong ba cùng con ngựa quý có thể gọi "Linh mã thần phong". Cái đoạn cuối của người và ngựa thật cảm động, nhất là khi ngựa xả thân cứu chủ thoát khỏi tay trùm ma tuý. Cảm động bởi đức trung của ngựa hiếm thấy ở người. Rồi các truyện Quán Thiêng - tuổi Mùi, Chuyện Tình Trên Đảo Khỉ - tuổi Thân, Gà Ô Tử Mỵ - tuổi Dậu và Dì Tuất - tuổi Tuất cùng chảy theo một mạch văn thâm trầm triết lý và những hiểu biết, am tường thế giới loài vật như phát hiện mới có sức lôi cuốn. Gần cuối 12 Con Giáp là truyện Lão Hợi, một câu chuyện buồn thiu phận người. Kể về Lão Hợi tác giả đã giới thiệu từ đời cụ cố đến đời thằng con cụt đọt của lão Hợi. Lão Hợi là nguyên mẩu một cán bộ hủ hoá thời bao cấp, một thằng người núp dưới ghế trưởng phòng, khéo léo tham ô… tình. Nhờ quyền chức mình, lão hại bao đời con gái ham muốn làm nhân viên cửa hàng mậu dịch. Cuối cùng nhãn tiền hữu báo: "…Người ta tìm thấy xác ông vắt qua thành chuồng lợn, cắm đầu xuống cái máng lợn…". Gần như cùng lúc, thằng con lão trốn trại cãi tạo đi ăn trộm bị bắn chết. Như vậy dòng dõi lão Hợi chấm hết, biến mất trên cõi đời! Thật là nhân quả phân minh! Cuối sách, truyện Chàng Gàn (thay lời bạt), tôi cứ thấy thấp thoáng tác giả và những người tốt khác, vì tốt mà thua thiệt mọi bề. Những người lộng lẫy nhân cách vẫn thường không được số phận mĩm cười? Truyện hay nhờ lối kể giản dị, từng trải của tác giả.
Đọc 12 Con Giáp của nhà văn Vũ Ngọc Tiến bạn đọc sẽ thấy ngậm ngùi, xa xót, oán giận cho những số phận thiện- ác của mười hai con người, mươi hai Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi- nhân vật chính, mười hai người trọn vẹn một thế gian. Cho dù, một vài truyện đầy tính giả tưởng, sắp đặt nhưng xuất sắc ở chỗ viết về thế sự mà không thấy thế sự; về chiến tranh không thấy chiến tranh, sách văn học lại nói được cái đạo của đời, cái nhân sinh triết thuyết, mới là điều đáng nể. Người đọc còn được thấm đẫm trong từng câu chữ, trong vùng văn hoá phương Đông thâm thuý. Có thể coi tập truyện 12 Con Giáp là vỉa trầm đang cố lắng mình giữa thế giới văn chương ồn ào và sôi động này, càng ẩn càng lấp lánh. Cám ơn Nxb Văn Nghệ đã cất công từ Tp Hồ Chí Minh ra Hà Nội khai thác bản thảo hấp dẫn và giá trị này cho bạn đọc phía Nam đón xuân Đinh Hợi!...
Huế, ngày 14 tháng 04 năm 2007