Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.273
123.159.334
 
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-1
Hà văn Thùy

Kinh Dịch là thành tựu văn hóa kiệt xuất của phương Đông. Từ hơn 2000 năm nay, thế giới thừa nhận đó là sản phẩm của người Trung Hoa. Khoảng 30 năm lại đây, một số tác giả lên tiếng đòi bản quyền sáng tạo kinh Dịch cho người Việt. Ngày nay, nhờ những phát kiến quan trọng về khảo cổ và nhân chủng học, nhất là công nghệ gene, đã tới lúc phải bàn lại về vấn đề vô cùng quan thiết này.

 

I. NGUỒN GỐC KINH DỊCH THEO QUAN NIỆM TRUYỀN THỐNG.

    1/Tóm lược.

Ngày nay, tất cả các cuốn kinh Dịch viết bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới đều ghi: “Hà xuất Đồ, Lạc xất Thư, thánh nhân tắc chi.” Câu này có nghĩa là: bức Đồ hiện lên ở sông Hoàng Hà, bức Thư hiện lên ở sông Lạc Hà, đấng thánh nhân bắt chước mà làm Dịch. Đó là nguyên văn lời Khổng Tử ghi trong Hệ từ truyện. Nhưng không chỉ có vậy, hầu hết các sách cũng chép theo Khổng An Quốc rằng: “Phục Hy được bức Đồ trên con long mã ở sông Hoàng Hà, Văn Vương được bức Thư trên con thần qui xuất hiện ở sông Lạc mà làm nên Dịch.”

 Phục Hy là ông vua thứ hai trong huyền thoại của người Trung Hoa, sau Toại Hoàng, tức vị khoảng năm 2850 TCN, đã căn cứ vào bức Đồ xuất hiện từ sông Hà rồi làm ra bát quái, trùng quái.

Gần 2000 năm sau, Văn Vương dùng tên quẻ và lời quẻ của đời Thương rồi nhờ cương nhu của sáu vạch suy ra sự biến dịch của mỗi quẻ, do đó viết thêm lời để đoán lành dữ mà gọi là hào. Dịch bắt đầu từ Phục Hy, trải qua đời Hạ, đời Thương đến Văn Vương thì được nâng lên một bước.

 

Dịch của Văn Vương tuy đầy đủ nhưng cái lý vẫn còn bí ẩn. Năm trăm năm sau, Khổng Tử làm Thoán Tượng, buộc thêm lời vào ý của Văn Vương, mục đích làm sáng tỏ Dịch của Văn Vương. Từ cuốn sách bói toán, Văn Vương, Khổng Tử đã chuyển thành cuốn sách có ý nghĩa giáo hóa lớn nên được xếp vào Lục kinh. Phùng Ỷ viết:: “Văn vương tán quẻ của Bao Hy, diễn số của cỏ thi, suy việc biến dịch của 9, 6 để sinh ra hào, cho nên quái hào đều liên hệ với nhau bằng lời, và định tên là Dịch. Từ khi Khổng Tử tán Dịch của Văn Vương thì các Dịch của Hạ, Thương đều bỏ. Bởi thế, từ Văn Vương, các sách Dịch mới bắt đầu gọi Dịch, còn trước Văn Vương, chỉ gọi là quái mà thôi. Cho nên Khổng Tử nói Bào Hy vạch Bát quái chứ không nói làm Dịch.(1)

 Dịch vốn là công cụ bói toán. Đời Thần Nông có Liên Sơn, đời Hoàng Đế có Quy Tàng, đời nhà Chu có Chu Dịch, đều là những quyển sách bói. Khi san định kinh Dịch, chính Khổng Tử cùng với việc đưa nội dung triết lý, đạo đức vào Dịch, cũng dành ba chương IX, X, XI cho việc bói toán. Sau Khổng Tử, Dịch càng nghiêng hơn vào việc bói toán. Hán nho luận Dịch phần nhiều chủ về tai dị và thuật số. Đến đời Ngụy, Vương Bật chú Dịch mới truất bỏ những lời bàn về toán số mà phát huy phần triết lý trong kinh Dịch. Do đó Dịch học chia làm hai phái: một phái chủ trương Dịch học là sách dùng để bói toán, người cầm đầu là Mạnh Hỷ đời Tây Hán, nổi danh nhất là Trần Đoàn và Thiệu Ung ở đời Tống. Cũng vào thời gian này, do nhiều trường phái Dịch ra đời khiến cho loạn thuyết, Dịch chính truyền bị mai một nên Chu Hy đúc kết Dịch còn sót của dòng chính, sáng tác sách Châu Dịch bản nghĩa truyền tới ngày nay.

  Bảo Ba đời Tống đưa ra Trung thiên đồ, cho rằng, ngoài Tiên thiên, Hậu thiên Bát quái phản ánh thời gian trước và sau khi hình thành vũ trụ, còn có giai đoạn trung gian là Trung thiên đồ là nhân đồ, nói tới con người.(2)

 
VỊ   ! Cấn  ! Đoài ! Khảm ! Ly     ! Chấn   ! Tốn     ! Cấn    ! Khôn   ! Kiền   !

       !   1    !    2    !    3      !   4      !    5      !   6        !    7     !    8       !    9      !

--------------------------------------------------------------------------------------------

--------------------------------------------------------------------------------------------

SỐ  ! Giáp ! Ất   ! Bính   ! Đinh   ! Mậu  ! Kỷ    ! Canh  ! Tân  ! Nhâm ! Quý !

       !   3     !  8    !  7        !    2      !   5     !   10   !    9      !  4     !    1     !    6   !

--------------------------------------------------------------------------------------------

Trung thiên Bát quái của Bảo Ba

 

 

Về công dụng của Dịch, Châu Dịch bản nghĩa của Chu Hy viết:  Phục Hy đã “thắt dây lại mà làm ra cái vó, cái lưới để đi săn, đánh cá, đó là ngài đã lấy tượng của quẻ Ly.” Rồi “Họ Bào Hy mất. Họ Thần Nông lên thay, đẽo gỗ làm lưỡi cày, uốn gỗ làm cán cày, đem cái lợi về sự cày bừa dạy cho thiên hạ; đó là ngài lấy tượng của quẻ Ích.” Họ Thần Nông lại còn dạy dân họp chợ, giao thương: “Mặt trời đứng bóng thì họp chợ, đưa dân trong thiên hạ đến, tụ góp hàng hóa của thiên hạ lại, giao dịch xong rồi trở về, ai cũng được như ý; đó là Ngài lấy tượng ở quẻ Phệ hạp.” Rồi “Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn lấy tượng ở quẻ Kiền, quẻ Khôn, khoét cây làm thuyền, chuốt gỗ làm chèo, dùng thuyền dùng chèo để qua sông, qua ngòi, đi xa làm lợi cho thiên hạ: đó là lấy tượng ở quẻ Hoán. Dùng trâu ngựa để chở nặng, đi xa, làm lợi cho thiên hạ: đó là lấy tượng ở quẻ Tùy…” (3)

   2/ Nhận định

Trên đây là quan niệm mang tính chính thống về nguồn gốc của kinh Dịch. Tuy nhiên, trong giời Dịch học, từ ngót hai nghìn năm nay luôn xuất hiện những ý kiến dị biệt:

 a/ Có người cho rằng, không phải Phục Hy làm ra Dịch. Hà đồ, Lạc thư với long mã, thần quy chỉ là sự thêm thắt của Khổng An Quốc, không thể tin là xác thực vì Khổng Tử không hề nói vậy. “Đồ xuất hiện ở sông Hà, Thư xuất hiện ở sông Lạc, đấng thánh nhân đặt ra phép tắc.” Hai chữ thánh nhân đâu đã đủ để minh chứng Phục Hy? Khổng An Quốc đời Tây Hán có nói: “Hà đồ là tấm đồ biểu do con long mã mang ra khỏi sông Hoàng Hà thời vua Phục Hy ngự trị thiên hạ. Ngài bèn đem những chấm, những nét của tấm đồ biểu để vạch ra Bát quái.” Thuyết này thực cũng chỉ là do óc tưởng tượng của Khổng An Quốc đó thôi!

 

b/ Có người cho rằng: Không phải Phục Hy từ Đồ, Thư mà làm ra Dịch:

Nếu đem Bát quái phối trí với Hà đồ thì 1 với 6 là Thủy, đóng tại phương Bắc thuộc ngôi vị của Khảm; 2 và 7 là Hỏa, đóng tại phương Nam thuộc ngôi vị của Ly; 3 và 8 là Mộc,  đóng tại phương Đông, thuộc ngôi vị của Chấn và Tốn; 4 và 5 là Kim, đóng ở phương Tây, thuộc ngôi vị của Đoài và Kiền; 5 và 10 là Thổ, giữ trung ương, ngôi vị của Thái cực. Sự phối trì này tượng trưng cho cuộc thuận bố của Ngũ hành. Tuy nhiên, còn có Khôn - Cấn, 2 ngôi không thể phối hợp vào đâu được; điều đó chứng tỏ Bát quái không phải xuất xứ từ Hà đồ.(4)

Mao Kỳ Linh đời Thanh sơ làm Hà đồ Lạc thư nguyên quai, phản đối Hà đồ và Lạc thư có liên quan tới Dịch. Đến khi Hồ Vị làm Dịch đồ minh biện, đem phân tích rõ ràng rành mạch lai lịch giữa Hà đồ với Dịch, thì lúc đó mọi người mới lại thấy Đồ là Đồ, Dịch là Dịch, cả hai không có gì liên can tới nhau cả.

 

c/Tôi cho rằng việc gán cho thánh nhân nhìn tượng các quẻ rồi làm ra vật dụng là không có cơ sở. Đây là điều trái với quy luật tư duy: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Chỉ có thể từ hình thể hang đá nơi trú ngụ, rồi những tổ chim trụ được qua mưa gió, con người nghĩ ra cách làm nhà. Bắt gặp con chim con thú bị mắc lại giữa đám dây leo, con người nghĩ ra cách kết dây thành lưới bắt thú bắt cá. Từ cây gỗ trôi trên sông, người ta học cách kết bè rồi làm thuyền… Không thể có chuyện các thánh nhân ngồi nhìn ngắm các quẻ Dịch rồi làm ra vật này vật khác mà phải như Sử Thiếu Vi viết: Thần Nông nếm lá cây, một ngày chết đi sống lại đến năm lần rồi tìm ra thuốc chữa bệnh bằng cây cỏ. Hiên Viên do "Kiến chuyển bồng nhi chế thừa xa" có nghĩa là nhìn cỏ bồng xoay theo gió mà chế ra xe. Toại Nhân thì dùi cây tìm ra lửa. Ta biết, Phục Hy sống ở khoảng 2800 năm TCN, trong khi người hiện đại Homo sapiens ra đời từ 180.000 năm trước và phải đánh cá kiếm sống từ rất lâu trước khi Phục Hy ra đời. Nếu ngồi chờ Phục Hy “ngâm cứu” các quẻ Dịch mới làm ra thuyền chắc dân châu Á chết đói từ lâu! Hợp lý hơn không phải là từ quẻ Dịch nghĩ ra thuyền, lưới mà chính từ có thuyền, lưới, nhà cửa, quần áo, cày bừa rồi nghĩ ra Âm Dương, làm ra Dịch?

Vì vậy, cũng không phải Phục Hy làm ra Dịch mà Dịch ra đời từ trước đó nhiều. Cùng lắm thì Phục Hy là người có sáng kiến, trên cơ sở những quẻ bói của dân gian làm ra Bát quái rồi trùng quái. Sau này, Khổng Tử không nắm được nguồn cội của Dịch, đã quy công cho Phục Hy.

 

II/NHỮNG QUAN NIỆM KHÁC

1/ Tóm lược:

 Khoảng ba mươi năm trước, một số học giả như giáo sư Kim Định trong Việt lý tố nguyên, Dịch kinh linh thể,   giáo sư Lê Văn Sửu với Nguyên lý thời sinh học cổ Ðông phươngHọc thuyết âm dương ngũ hành, giáo sư Bùi Văn Nguyên với Kinh Dịch Phục Hy rồi giáo sư Nguyễn Tiến Lãng Kinh Dịch - sản phẩm sáng tạo của người Việt.... đề xuất ý kiến đòi bản quyền sáng tạo kinh Dịch cho người Việt. Những năm gần đây xu hướng này thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu trẻ: Nguyễn Vũ Tuấn Anh với Tìm về cội nguồn Kinh Dịch (5). Nguyễn Thiếu Dũng với những bài báo Kinh Dịch - di sản sáng tạo của Việt Nam?Chiếc gậy thần - dạng thức nguyên thủy của hào âm hào dương.(6) Đặc biệt là Trần Quang Bình với cuốn sàch dầy dặn Kinh Dịch, sản phẩm sáng tạo của nền văn hiến Âu Lạc.(7)

 Các nhà nghiên cứu lão thành đã bằng sự cảm nhận sâu sắc văn hóa phương Đông, thấy những chỗ bất cập của bản kinh Dịch truyền thống, nhận ra hồn vía văn hóa Việt trong tên gọi các  quẻ, trong cách giải nghĩa Dịch mà cho rằng Dịch đã do tổ tiên người Việt sáng tạo. Giáo sư Kim Định nhờ phát hiện triết lý an vi trong Dịch, đồng thời căn cứ ở tư liệu lịch sử cho rằng trước khi người Hán vào Trung Nguyên thì người Bách Việt đã tràn khắp 18 tỉnh của Trung Hoa; Phục Hy, Thần Nông là vị vua người Việt vì vậy, cố nhiên, Dịch phải là sản phẩm của người Việt. Nhỉn chung, các vị đưa ra nhiều lý lẽ nghe có vẻ xuôi tai nhưng về chứng cứ chưa đủ mạnh nên chưa thuyết phục được ngay cả giới học giả trong nước.

 Những tác giả trẻ như Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Đỗ Thiếu Dũng, Trần Quang Bình, mỗi người theo khả năng của mình đưa ra nhiều bằng chứng mới để chứng minh cho ý tưởng Kinh Dịch là của người Việt.

 Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhận ra sự không hoàn chỉnh của Hậu thiên Bát quái Văn Vương và phát hiện ra Bát quái Lạc Việt trong tranh Ngũ Hổ đình Hàng Trống Hà Nội nên cho rằng người Lạc Việt đã sáng tạo ra Hậu thiên Bát quái chuẩn chính là người làm ra kinh Dịch.     

 Nguyễn Thiếu Dũng phát hiện ra “Chiếc gậy thần – dạng nguyên thủy của hào âm hào dương” trên trống đồng Lạc Việt, quẻ Lôi Thủy Giải trên chiếc nồi đất thời Phùng Nguyên cách nay 3500 năm và dựa vào truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ tìm ra Trung thiên đồ nên cho rằng kinh Dịch là di sàn sáng tạo của Việt Nam. Trung thiên đồ theo Nguyễn Thiếu Dũng có dạng: Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn - Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.

 Trần Quang Bình dựa vào công cụ điện toán, phát hiện ra trong 40.320 đồ hình Bát quái lý thuyết, Bát quái Văn Vương chỉ là 1 trong 24 đồ hình đạt tới 6 chíều đối xứng. Chỉ duy nhất một đồ hình đáp ứng cả 8 chiều đối xứng, được gọi là Bát quái chuẩn. Ông cũng giải mã hoa văn khắc trên trống đồng và phát hiện Bát quái chuẩn trên trống Lạc Việt. Cũng nhờ giải mã hoa văn trống đồng, tác giả cho rằng Nòng và Nọc là hai ký hiệu nguyên thủy cùa hào Âm hào Dương của Dịch Lạc Việt. Ông cũng cho rằng mình tìm ra Bát quái Âu Lạc trong tranh Đàn Lợn của làng Đông Hồ. Từ đó ông kết luận, là người thủ giữ Bát quái chuẩn, lại có hiện vật là quẻ Lôi Thủy Giải trên gốm 3500 năm tuổi nên người Âu Lạc là chủ nhân của kinh Dịch, còn người Trung Hoa, nhận được vật cống Hà Đồ của người Việt, nhưng chưa được người Việt dạy cho Bát quái chuẩn vì vậy đã dùng Bát quái sai lạc của Văn Vương.

 

2/ Nhận định:

Ý tưởng của các học giả lão thành dù còn mơ hồ nhưng cũng là những gợi ý quý báu để hậu thế đi sâu tìm về cội nguồn của kinh Dịch. Tôi cho rằng đó là những gợi ý sáng suốt có tính mở đường nên cần được tiếp thu một cách trân trọng. Với những tác giả trẻ kể trên, tôi nhận thấy:

 

  1/ Chỉ dựa trên sự phát hiện cái gọi là “Bát quái chuẩn” trên trống đồng, trên tranh dân gian mà cho rằng người Âu Lạc là chủ nhân của kinh Dịch là chưa đủ thuyết phục. Không thể loại trừ ít nhất khả năng, đó là sự sáng tạo độc lập của những nhóm người cư trú tại những lãnh thổ khác nhau, mà mức độ tinh xảo có khác nhau. Cho rằng người Trung Hoa ngẫu nhiên (bằng vật cống hay chiếm đoạt) có được Hà đồ rồi làm Dịch lại càng không có cơ sở, bởi lẽ nhiều tác giả chứng minh rằng không phải từ Hà đồ làm ra Dịch; mặt khác, nếu vậy, trên đất Trung Hoa không thể có một phong trào làm Dịch rộng lớn, bền bỉ trải dài nhiều thời kỳ, tạo nên di sản khổng lồ: tới đời Thanh, Tứ khố toàn thư tập hợp được riêng về Dịch có 158 bộ gồm 1761 quyển, phụ lục 8 bộ, 12 quyển.

 

2/ Cho rằng, vào đời Hạ, đời Thương Trung Quốc chưa có Dịch là không đúng. Sách bói Liên Sơn, Quy Tàng đã truyền từ thời Phục Hy qua Thần Nông, Hoàng Đế. Di vật xóm Rền 3500 năm trước tương đương với đời Thương. Như vậy dấu tích cổ nhất về quẻ Dịch ở Việt Nam cũng muộn hơn những sách Dịch thời Thần Nông, Hoàng Đế. Ta từng nghe nói sách Tam phần mở đầu Thượng Thư bị Khổng Tử loại bỏ khi san định kinh Thư thì chính đó là “Tam Phần Thư” mà Mao Tiệm phụng sứ đi kinh Tây, khi tới Đường Châu tìm được trong dân gian ba bộ sách gọi là Tam phần thư, gồm có Sơn phần, Khí phần, Hình phần. Sơn phần là Liên Sơn Dịch của Thiên hoàng, họ Phục Hy; Khí phần là Quy tàng Dịch của Nhân hoàng, họ Thần Nông; Hình phần là Kiền Khôn Dịch của Địa hoàng họ Hoàng đế. Mỗi bộ Dịch đều có 8 quẻ; dưới mỗi quẻ lại đều có 7 quẻ nữa, tổng cộng 8 x 8 = 64 quẻ. Như vây Tam phần là Dịch thời Tam Hoàng. Chúng có những cái tên Liên Sơn, Qui Tàng, Kiền Khôn và có 64 quẻ, gọi là: “Quân, Thần, Dân, Vật, Âm, Dương, Binh, Tượng; Qui, Tàng, Sinh, Động, Trưởng, Dục, Chỉ, Sát; Thiên, Địa, Nhật, Nguyệt, Sơn, Xuyên, Vân, Khí” tức là Kiền, Khôn, Chần, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài.(8) Điều này càng minh chứng cho việc Dịch có mặt ở Trung Nguyên ít nhất từ 2800 năm TCN.

 

III. SỰ HÌNH THÀNH KINH DỊCH THEO CÁCH NHÌN MỚI

 

Kinh Dịch là bộ phận của văn hóa Á Đông. Vì vậy, muốn khám phá lịch sử hình thành kinh Dịch, không thể không nắm vững lịch sử văn hóa Á Đông.

 

1/ Cho đến cuối thế kỷ trước, lịch sử Á Đông được quan niệm như sau: “Con người xuất hiện vào lối 500.000 năm trước đây rồi lần lượt bị tiêu diệt qua bốn đợt băng tuyết, những người còn sống sót kéo nhau lên các miền núi cao nguyên sống trong hang hốc. Sang đến Tân Thạch, sau khi làn băng giá thứ tư tan rã, khí hậu trở nên ấm áp, loài người lục tục rời bỏ những hang động trong dẫy Thiên Sơn để thiên di xuống các vùng bình nguyên… Một nhóm sang phía Tây thành người da trắng. Trong những người tiến về phía Đông làm thuỷ tổ giống da vàng có hai chi gọi là Bắc Tam hệ và Nam Tam hệ.

 

Bắc Tam hệ là ba phái đi theo Thiên Sơn Bắc lộ gồm có:

 1/Phái Mãn tộc chiếm lĩnh vùng cực Đông Bắc Trung Hoa ngày nay.

 2/ Phái Mông Cổ chiếm lĩnh chính Bắc Trung Hoa.

 3/ Phái Đột Quyết chiếm lĩnh Tây Bắc Trung Hoa và Đông Nam Tây Bá Lợi Á.

Nam Tam hệ gồm có ba tộc là Miêu (Viêm, Việt), Hoa, Tạng.

 Thoạt kỳ thuỷ, Miêu tộc theo dòng sông Dương Tử vào khai thác vùng Trường Giang thất tỉnh sau theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng lục tỉnh Hoàng Hà. Phía Nam lan tới khu vực Việt giang ngũ tỉnh…

Khi Miêu tộc đã định cư rồi thì Hoa tộc tuy theo Thiên Sơn Nam lộ nhưng còn sống đời săn hái vùng Tân Cương, Thanh Hải… Về sau họ theo khuỷu sông Hoàng Hà tiến vào Bắc Trung Hoa chiếm đất của người Việt.”(9)

  Những dòng sử trên có một phần sự thật - đó là từ rất lâu, người Việt đã sống khắp lãnh thổ Trung Hoa - nhưng vẫn mắc sai lầm nghiêm trọng là cho rằng người Việt đã từ cao nguyên Thiên Sơn đi xuống. Do xác định hướng di cư như vậy, cũng như cho rằng người vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt là người Hán, dẫn đến hậu quả là lịch sử không phù hợp với những phát hiện khảo cổ học trong vùng.

Nhưng đến nay, nhờ những phát kiến về di truyền học, bức tranh về nguồn gốc loài người cùng thời tiền sử Á Đông được vẽ lại bằng những đường nét khác hẳn:

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 5973
Ngày đăng: 17.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Tình em” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn có 2 phiên bản - chuyện lạ hay ‘đạo văn’ ? - Nguyễn Tý
Thiên chức nhà giáo - Trần Kiêm Ðoàn
Viễn Phương , Nhà văn chỉ “Muốn nói lên sự thật” - Triệu Xuân
Tiếng hát con tàu và tuyên ngôn nghệ thuật của Chế lan Viên - Nguyễn Minh Hùng
Lê Văn Thảo với những tác phẩm giàu lòng nhân ái - Triệu Xuân
Những tồn tại khác của con người - Khánh Phương
Cảm thức thiên nhiên của Người Nhật và Người Việt - Nhật Chiêu
Viết về Nh . Tay Ngàn - Trần Hữu Dũng
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V: Thơ Việt ở miền đất võ - Nguyễn Thanh Mừng
Các bậc thầy văn chương thế giới: Saint-John Perse - Trần Tiển Cao Ðăng
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)