Thơ Nguyễn Du thường lấy cảm hứng sáng tạo về những hồng nhan mệnh bạc. Kiều là một hồng nhan bạc mệnh vĩ đại. Tiểu Thanh là một thân phận để luỵ ngàn sau. Ca nữ đất La Thành và nhạc nữ cung nhà Lê là một tiếc thương day dứt. Cả Dương Quý Phi nữa, với Nguyễn Du, cũng là nỗi oan của người được trời cho sắc đẹp khuynh thành…
Trong đoạn đời mười năm gió bụi, Nguyễn Du có một bài thơ chữ Hán rất đáng chú ý: Bài Ký mộng.
Bản phiên âm Hán - Việt:
Ký mộng
Thệ thuỷ nhật dạ lưu,
Du tử hành vị quy.
Kinh niên bất tương kiến,
Hà dĩ uỷ tương ly.
Mộng trung phân minh kiến,
Tầm ngã giang chi mi.
Nhan sắc thị trù tích,
Y sức đa sâm si.
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn,
Kế ngôn cửu biệt li.
Đái khấp bất chung ngữ,
Phưởng phất như cách duy (1).
Bình sinh bất thức lộ,
Mộng hồn hoàn thị phi.
Điệp sơn đa hổ huỷ,
Lam thuỷ đa giao ly.
Đạo lộ hiểm thả ác,
Nhược chất tương hà y?
Mộng lai cô đăng thanh,
Mộng khứ hàn phong xuy.
Mỹ nhân bất tương kiến.
Như tình loạn như ti.
Không ốc lậu tà nguyệt,
Chiếu ngã đơn thường y.
Dịch nghĩa:
Ghi lại giấc mộng
Nước chảy suốt ngày đêm,
Người đi xa không về.
Bao nhiêu năm không gặp,
Biết lấy gì yên ủi mỗi nhớ mong?
Nay trong mộng thấy rõ ràng,
Đến tìm ta ở bến sông này!
Vẻ mặt thì như xưa,
Nhưng quần áo xốc xếch.
Thoạt tiên, kể nỗi khổ đau,
Rồi than thở nỗi lâu ngày xa cách.
Sụt sùi không nói ra lời,
Nhìn phảng phất như cách nhau một bức màn.
Bình sinh vốn không biết đường vào đây, Mộng hồn chẳng rõ thực hay hư?
Núi Tam Điệp nhiều hổ báo,
Sông Lam lắm thuồng luồng.
Đường bộ, đường thuỷ đều hiểm trở.
Thân yếu đuối nhờ cậy ai?
Mộng đến, ngọn đèn cô đơn rọi sáng,
Mộng tàn, gió thổi lạnh lùng.
Người đẹp không thấy nữa,
Lòng ta như tơ vò.
Nhà trống, ánh trăng xế lọt vào,
Chiếu xuống tấm áo đơn của ta.
Có nhiều bản dịch thơ so từ nguyên tác. Dưới đây, xin giới thiệu một số bản dịch.
Bản dịch I: Dịch giả là Phạm Khắc Khoan và Lê Thước (2).
Ghi chiêm bao
Dòng nước ngày đêm chảy,
Người đi biệt vân mòng;
Bao năm không gặp mặt,
Lấy gì khuây nhớ mong?
Trong mộng rõ ràng thấy,
Tìm ta trên bến sông,
Nhan sắc vẫn như cũ,
Quần áo vẻ lòng thòng.
Trước nói chuyện đau ốm,
Sau nói nỗi chờ trông.
Như cách màn thấp thoáng,
Lời nghẹn nước mắt ròng.
Bình sinh không thuộc lối,
Hồn mộng biết đúng không?
Núi Điệp nhiều hổ báo,
Sông Lam nhiều giao long.
Đường sá hiểm lại dữ
Thân yếu cậy ai cùng?
Mộng đến đèn trong sáng,
Mộng tan gió lạnh lùng.
Người đẹp không thấy nữa.
Vò rối mối tơ lòng.
Trăng tà lọt nhà trống,
Soi áo ta mỏng không.
Bản dịch II: Dịch giả là Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh (3).
Ghi chiêm bao
Dòng nước ngày đêm chảy,
Người đi mãi tha phương;
Bao năm không gặp mặt,
Làm sao hết nhớ thương?
Trong mộng rành rành thấy,
Tìm ta nơi bến sông,
Dung nhan vẫn như trước,
Quần áo buồng biếng chăm.
Trước kể nỗi đau ốm,
Rồi than những ngày xa.
Nghẹn ngào không nói hết,
Dường cách bức màn sa.
Bình sinh không thuộc lối,
Mộng hồn biết thuộc chăng?
Núi Điệp đầy hổ báo,
Sông Lam lắm thuồng luồng.
Đường đi thật hiểm trở
Phận gái nhờ ai không?
Mộng đến ngọn đèn sáng,
Mộng tan gió lạnh lùng.
Người đẹp nào thấy nữa.
Lòng ta rối tơ vương.
Nhà trống vầng trăng xế,
Soi manh áo cô đơn.
Bản dịch IV: Dịch giả là Nguyễn Thạch Giang (4)
Ghi lại giấc mộng
Dòng nước ngày đêm chảy,
Người đi biệt vân mòng.
Bao năm không gặp mặt,
Lấy gì khuây nhớ nhung.
Trong mộng rõ ràng thấy,
Tìm ta trên bến sông
Mặt mày vẫn như trước,
Áo quần hơi lòng thòng.
Trước nói chuyện đau ốm,
Sau nói nỗi chờ mong.
Nghẹn ngào không kể xiết,
Phảng phất như cách mùng.
Bình sinh không thuộc lối,
Hồn mộng biết đúng không?
Núi Điệp nhiều hổ báo,
Sông Lam nhiều thuồng luồng,
Đường sá hiểm lại dữ,
Thân yếu cậy ai cùng?
Mộng đến đèn leo lét,
Mộng tỉnh, gió lạnh lùng.
Người đẹp không thấy nữa.
Vò rối mối tơ lòng
Trăng tà lọt nhà trống,
Soi áo ta mỏng không.
Nhìn chung, 3 bản dịch trên đều theo sát ý và thể thơ của nguyên tác. Bản (I) và (III) giữ được cách gieo vần độc vận; nhưng giọng thơ có chỗ hơi cứng, khô, không phù hợp với tâm trạng da diết, mến thương, nửa hư nửa thực của không khí bài thơ. Câu Mộng đến ngọn đèn sáng chưa dịch được câu nguyên tác Mộng lai cô đăng thanh, nhất là chữ cô đầy nỗi niềm (Mộng đến ngọn đèn cô đơn rọi sáng). Bản dịch (II) thoát thế độc vận nên giọng điệu có phần chất chứa, nỗi niềm hơn.
Bản dịch (IV): Dịch giả là Nguyễn Tâm Hàn (5).
Ghi lại giấc mộng
Miên man nước chảy ngày đêm
Người đi đi mãi sao quên đường về
Biệt tin năm tháng ê chề
Nhớ nhung nào biết lấy gì nguôi ngoai
Gặp trong mộng, bến sông này
Dáng ngưòi chẳng khác, tả tơi áo quần
Khổ đau vội tả nguồn cơn
Tháng năm xa cách, nỗi buồn đầy vơi
Sụt sùi lệ nghẹn theo lời
Nhìn nhau như thể đôi nơi cách màn
Ơ hay cảnh lạ non ngàn
Thực hay mộng ảo ngỡ ngàng chẳng hay
Hổ, beo Tam Điệp đất này
Lam Giang thủy quái nguy tai khôn lường
Lối sông, đường bộ bất thường
Thân cô thế yếu biết nương chốn nào
Mộng về ánh tỏ lao chao
Tàn mơ gió hú xuyến xao lạnh lùng
Ô hay bỗng một trời không
Giai nhân khuất bóng để lòng nao nao
Ánh trăng chênh chếch len vào
Chiếu trên mảnh áo nhìn bao não nùng
Từ ngũ ngôn chuyển sang lục bát, chắc chắn âm điệu bản dịch sẽ xa lạ và nghĩa ở nhiều câu sẽ khó sát ý nguyên tác, ví như các câu: Ơ hay cảnh lạ non ngàn, Dáng người chẳng khác tả tơi áo quần, Ô hay bỗng một trời không…
Điều đáng lưu ý là, cả bốn bản dịch nói trên đều cố gắng chuyển câu thơ Mỹ nhân bất tương kiến sang tiếng Việt, nhưng đều không thành công. Các câu thơ dịch lại dễ gây ngộ nhận: Người đẹp không (nào) thấy nữa, Giai nhân khuất bóng để lòng nao nao….
Khi dụng câu thơ này, Nguyễn Du muốn nói đến một quy luật nghiệt ngã xưa nay: mỹ nhân (từ người đẹp không thể diễn tả được hết nội hàm) là không gặp gỡ (bất tương kiến), là không bao giờ có đoạn tương phùng! Nếu gặp thì cũng trong mộng mị mà thôi; hoặc nếu giữa trần ai thì kẻ tương giang đầu người tương giang vĩ; hoặc nếu có tái hồi chăng nữa thì cũng là sự gượng ép, bế tắc trong cả nghệ thuật lẫn cuộc đời (Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa - Kiều)!...Cao Bá Quát đã từng so sánh: Minh quân lương tễ năng tương đắc - Tài tử giai nhân tái ngộ nan (Vua sáng và tôi hiền thường hay tâm đầu ý hợp; (còn) tài tử với giai nhân thì khó mà gặp lại nhau). Trong bài thơ Lòng người trinh nữ, khi kể về mối tình âm dương ly biệt, Nguyễn Bính cũng đã giữ nguyên câu thơ chữ Hán khi kết thúc: Tôi với nàng tuy không biết nhau - Nhưng mà thương tiếc bởi vì đâu - Mỹ nhân tự cổ như danh tướng - Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu…Một thi sĩ khác cũng đã vĩnh hằng hoá giai nhân và thi sĩ trên cõi đời này: Người đẹp vốn thường hay chết yểu - Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai…(J.Leiba)
Ký mộng là một hoài mong, một ly biệt ghê gớm, đúng hơn là một vĩnh quyết! Ẩn hiện chiêm bao là một nhan sắc đang trở về từ mười phương phiêu dạt. Điều đau nhất của nỗi lòng chủ thể trữ tình ở đây chính là những ngăn cách ngậm ngùi: núi sông hiểm trở, ngày tháng dằng dặc…Nhưng ngăn cách ngàn trùng vẫn là hai thế giới của thực và mộng, giữa ta (ngã) và cái đẹp (mỹ) - một biểu hiện của lý tưởng - không bao giờ hiện hữu, không bao giờ hội ngộ giữa cuộc đời này, mãi mãi vẫn là một đuổi bắt, một khát vọng miên viễn…
Vẫn biết "dịch là phản", nhưng đến đây, xin phép được góp thêm một bản dịch thơ nữa - âu cũng là thêm một nỗ lực không thành khi tiếp cận vẻ đẹp của giấc chiêm bao:
Ghi mộng
Ngày đêm dòng nước chảy,
Người biền biệt một phương.
Bao năm trời cách trở,
Vơi sao được nhớ thương.
Rành rành trong mộng mị,
Tìm ta ở bến sông.
Nhan sắc còn nguyên vẹn,
Trong trang phục trễ tràng.
Người kể ngày đau ốm,
Rồi năm tháng lìa xa.
Lời nghẹn trong nước mắt,
Thấp thoáng bức màn sa.
Đời ta đâu thuộc lối,
Hồn mộng biết sao lường.
Núi Điệp nhiều hổ báo,
Sông Lam lắm thuồng luồng.
Đường đi thật hiểm ác,
Phận liễu cậy ai cùng?
Mơ đến đèn riêng sáng,
Mộng tan gió lạnh lùng.
"Mỹ nhân bất tương kiến"
Lòng rối sợi tơ mành.
Vầng trăng vào nhà trống,
Soi áo mình mong manh.
Chú thích: --------------------------------------------------------------------------------
(1) Cách duy: Cách bức màn, nói sự xa cách âm dương. Hán Vũ đế nhờ một tay phù thủy chiêu hồn người vợ yêu họ Lý hiện về sau một bức màn.
(2) Thanh Hiên thi tập, Nxb Đồng Nai, 2001
(3) Bông Sen, Paris, 2000.
(4) Nguyễn Du cuộc đời và tác phẩm, Nxb Văn hoá Thông tin, 2002.
(5) Theo www.thivienmaihoatrang.com.