Trừ một bài giới thiệu của nhà thơ Phạm Tiến Duật, hai bài thơ tặng của nhà thơ Lê Quang Sinh và N.T.H, tập thơ RU EM, RU TÔI của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn còn lại 44 bài. 44 bài mà có tới gần 20 bài về người lính với những buồn vui của họ. Không kể đến vài bài khác liên quan đến chiến tranh và bóng dáng người lính ẩn hiện trong đó. Thế mới biết cái thành phần xuất thân của Trương Vĩnh Tuấn vẫn còn chi phối mạnh mẽ đến những dòng thơ của anh.
Chiến tranh đã lui vào dĩ vãng gần ba mươi năm rồi. Thời gian đủ để ra đời một con người và thành một thế hệ mới. Với những người lính một thời đắm mình trong chiến tranh thì vẫn tưởng như mới là hôm qua. Hôm qua cả đoàn quân ra trận. Cuộc hành quân dặng dặc dài ấy có cả triệu người ra phía trước. Tất cả là phía trước. Ở đó có bom, có đạn, có những nòng súng dõi tìm trái tim người lính mà găm đạn vào. Vậy mà những người lính vẫn ra phía trước. Ba mươi năm rồi Trương Vĩnh Tuấn còn viết:
Đường chúng mình đi : Suối sâu núi cao
Vai chúng mình mang: Non sông gấm vóc
Đích chúng mình đến : Diệt tan quân xâm lược
Việc chúng mình làm: Nổ súng tiến công
ĐI HÁT
Trong lúc bây giờ nhiều người làm thơ hăm hở đi tìm những sắc thái tình cảm thời cơ chế thị trường, với những câu thơ tình, những bài thơ tình thì Trương Vĩnh Tuấn vẫn viết như thế. Vì đã có một thời như thế thực. Một thời tiếng gọi từ chiến trường thôi thúc. Người người ra trận. Ban đầu tuyển quân còn tính tuổi, tính chiều cao cân nặng. Còn tính nhà này chỉ một người ra trận. Chiến tranh càng ác liệt thì người ra trận càng đông hơn. Trên đồng ruộng Miền Bắc vắng bóng đàn ông con trai, học sinh rồi sinh viên cũng gác bút lên đường. Trong hàng quân hồi đó có cả những chàng trai mới rời chiếc khăn quàng đỏ,má vẫn còn một lớp lông măng. Biết phía trước là khốc liệt, là chết chóc mà vẫn ra đi. Những câu thơ trên đây của Trương Vĩnh Tuấn như một bản tổng kết về tư tuởng của những người ra đi ngày ấy. Nói ra, chỉ những người lính mơi tin rằng ngày ấy họ ra đi lạc quan lắm. Dù ngồi trên những chiếc xe chòng chành chạy trên những con đường chiến lược với những cú xóc nảy người hay bước những bước nặng nề trên đường trong những cuộc hành quân bộ, người lính vẫn cứ lạc quan. Một cánh hoa rừng chợt gặp, một con suối trong veo róc rách chợt thấy, tiếng chim rừng chợt nghe khi tiếng gầm rú của máy bay tạm ngưng, tiếng súng, tiếng bom tạm dứt, cũng làm người lính lúc đó xao xuyến và tưởng tượng ra những hình ảnh đẹp nhất. Có cả những người lính tranh thủ mươi, mười lăm ngày phép lấy một cô vợ để suốt dọc đường hành quân cứ tủm tỉm cười nhớ về đêm tân hôn và hình dung đứa con của mình rồi sẽ ra đời. Ra trận mà vẫn vang tiềng cười, rộn tiếng hát. Niềm lạc quan từ ngày đó bây giờ sau ba mươi năm Trương Vĩnh Tuấn còn nhớ và vẫn viết:
Người ta thì kệ người ta
Mình là lính, vẫn chỉ là lính thôi
Thì mua, thì bán, thì mời
Thì xin giữ hộ nụ cười vô tư
VU VƠ
Có thể câu thơ này có người còn bảo: Trương Vĩnh Tuấn viết về người lính bây giờ thì sao. Nhưng những câu thơ sau thì người lính xưa không thể lẫn vào đâu được:
Mà thôi kể làm chi những chuyện đời thường
Đã là lính chấp gì điều vô nghĩa
Chỉ còn những bài ca thuở đó
Và chỉ còn thuở đó để dành riêng
ĐI HÁT
Đúng thế đấy. Người lính thời đó họ hát vô tư lắm. Người hát hay hát đã đành, người hát không hay cũng cứ hát vô tư. Họ hát trong chiến hào. Hát trong đêm ngủ rừng, hát trước giờ ra trận, hát cả khi muốn làm cho vết thương đồng đội bớt đau. Không đàn, không sáo vẫn hát. Gõ bát, gõ nồi quân dụng làm nhịp mà hát. Tiếng hát không thể thiếu trong cuộc hành quân ra trận ngày xưa. Anh còn viết:
Anh không biết nói những điều khác đâu
Ơ với rừng vốn quen nói thật
Như đời lính từng yêu tha thiết
Nhành cây ngọn cỏ cánh rừng
THƠ TÌNH CỦA LÍNH.
Anh còn viết:
Những cánh rừng đã về với xa xăm
Hoa không tên cũng đi vào muôn thuở
Để lại trong anh nỗi nhớ
Những buổi chiều bên cánh võng êm êm
HOA KHÔNG TÊN
Hay như :
Chiến tranh ! Chiến tranh
Và lớp lớp chàng trai lên đường ra trận
Lúc chia ly bao lời hứa hẹn
Trong tiếng bom, lửa cháy ngút trời.
VIẾT RIÊNG CHO EM
Bom thì bom, đạn thì đạn, và lửa nữa, người lính vẫn cứ tin vào ngày chiến thắng, vì thế họ mới hứa hẹn chứ. Nhưng đau xót thay đâu có phải lới hứa hẹn nào cũng thực hiện được.Bởi có người vĩnh viễn chẳng trở về. Điều này đã dẫn đến những dòng viết thực xúc động của Trương Vĩnh Tuấn về đồng đội của mình, những người đã nằm xuống ở chiến trường.
Bạn anh chết tự lâu rồi
Trước hai phút khi chúng mình loan tin chiến thắng
Anh chôn bạn dưới cánh rừng vắng lặng
Không biết cỏ xanh rờn đã lấp lối lâu chưa.
VIẾT CHO RIÊNG EM
Có cảm giác rằng lâu lâu Trương Vĩnh Tuấn lại nhói đau khi nhớ đến những đồng đội đã khuất. Ngay cả lúc đi chơi, đi hát, uống rượu hay cả trong cuộc sống gia đình , khi yêu, Trương Vĩnh Tuấn đều dành những tình cảm riêng cho những người đã hy sinh.
Tao ngồi trong phòng Karaokê
Hát vang bài ca thuở ấy
Chúng mày ơi ! ở nơi đâu vậy
Có nghe tiếng tao gào
ĐI HÁT
Tao gọi sao chúng mày không thưa
Mà mưa cứ rơi- mà gió cứ thét
Giặc đã chạy rồi sao cứ thẳng hàng như vậy
Bia rượu rất nhiều đứng dạy mà vui
GỌI BẠN
Trong tiệc vui Trương vĩnh Tuấn đang nhớ đến bạn, nhớ đến những hàng mộ trong nghĩa trang . Trong ly rượụ, ly bia thế nào cũng có vị mặn của những giọt nước mắt nhớ thương bạn bè, những người một thời với Trương Vĩnh Tuấn từng đói một bữa cơm, thèm một bữa rau và đắng miệng vì thiếu muối.
Anh viết trong một chuyến đi :
Rừng dưới nước – con đường mòn dưới nước
Những căn hầm, những chiến địa năm xưa
Đồng đội ta, ai đó bây giờ
Chìm dưới nước, tất cả chìm trong nước
ĐI TRÊN LÒNG HỒ YA LY
Biết làm sao được. Nhất định đất nước phải dựng xây, phải làm giàu. Chấp nhận thôi, nhưng vẫn cứ có cái gì tiếc nuối.
Đêm ba mươi tết, giờ phút linh thiêng nhất của một năm, Trương Vĩnh Tuấn cũng nhớ đến bạn bè. Bài thơ KỂ CHO BẠN NGHE cho tôi cái cảm giác lúc đó Trương Vĩnh Tuấn vừa thắp xong một ném nhang cho bạn, chắp hai tay lại, đứng trước làn khói mong manh mà tâm sự với bạn thay cho lời nguyện cầu :
Đêm giao thừa lạnh lắm
Chỗ chúng mày lạnh không
Suối bây giờ có trong
Hoa bây giờ có thắm
Dâng chung này rượu nhạt
Kể huyên thuyên vài câu
KỂ CHO BẠN NGHE
Trương Vĩnh Tuấn có huyên thuyên đâu, anh đang ngậm ngùi nhớ bạn đấy chứ. Phải thực ngận ngùi thương nhớ mới viết ra như thế. Và chỉ có viết ra được như thế mới nguôi ngoai. Có những lúc, Trương Vĩnh Tuấn còn hóa thân vào bạn mình , để từ cõi âm nói những lời tri kỷ:
Thắp nén nhang khói bay lên trời
Có đặt vòng hoa nắng mua dầu dãi
Thế gian này, chúng tôi không ở lại
Nhưng một lần đã có mặt chúng tôi
LŨ CHÚNG TÔI
Người ta bảo, khi thi sĩ buồn, thơ thi sĩ sẽ hay. Trương Vĩnh Tuấn cũng có những nỗi buồn như của bao nhiêu thi sĩ khác. Nhưng nỗi buồn khi nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường là một nỗi buồn sâu sắc:
Gió ở nghĩa trang hình như xanh hơn
Nắng ở nghĩa trang hình như vàng hơn
Đất ở nghĩa trang hình như đỏ hơn
Đứng ở nghĩa trang tim mình tím quặn
NGHĨA TRANG
Tất cả đều mơ hồ. Màu của gió, của nắng, của đất, đều mơ hồ. Riêng nỗi đau ở nghĩa trang là xác định, là rõ ràng.
Chiến tranh đã qua rồi. Có một lần một em nhỏ hỏi tôi :” Chú ơi năm At Dậu - 1968 miền Bắc đói lắm phải không chú , cả triệu người chết đói kia mà”. Nghe mà tôi giật mình. Cậu bé ấy, tuổi ấy ít nhất cũng học hết bậc trung học phổ thông sao mà lầm lẫn lịch sử như thế. Một lần khác. Là một người đàn bà tuổi ngoài 40, làm cái việc dẫn chương trình lễ hội truyền thống ở một huyện. Trước đông đảo biết bao nhiêu người bà dõng dạc: “ Năm Ất Dậu - 1946 , 27 chiến sĩ Rưng Rong …” Tôi giật mình tưởng bà lầm. Nhưng không phải, thêm một lần nữa bà đọc: “ Năm At Dậu – 1946 ở Rừng Rong “ . Bà ta không lầm mà bà ta quên mất rằng năm At Dậu là năm 1945 , ở miền Bắc cả triệu người chết đói. Thời gian có thể làm cho người ta quên nhiều lắm. Nhưng có những người không quên, không muốn quên, không thể quên một thời cả đất nước ta đánh giặc. Trong đó có những người lính ra trận với vai trò tiên phong. Trong số đó có nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn.