1. Tính vai vế thì chú Khảm là nền em tôi, nhưng bọn tôi tếu táo cỡ bè đảng cánh hẩu.
Ấy đấy lại chưa nói: tôi thua đứt Khảm tròn một giáp. Vậy là tuổi tác, tính tình cho chí nghề ngỗng, hai đứa khác nhau một trời một vực, thế nhưng cái khoản khăng khít thì bốn ông em ruột rà của Khảm còn xơi mới bén gót tôi. Nhớ hồi bé, cả tôi lẫn Khảm đều bị các bà mẹ mắng là quân “khôn nhà dại chợ”. Ngẫm, có nhẽ đúng(?)
Tôi thích nhất Khảm ở nết thẳng thắn. Chẳng hạn ra đường bất chợt gặp người hành khất lập cập với chiếc nón mở tênh hênh, lẩy bẩy. Chú rút ví, chọn một tờ bạc chẵn không lớn lắm, dứ dứ trước mặt người ăn xin, mặc cả rắn như đanh:
- Tôi biếu hai trăm lẻ để sinh phúc thôi, nghe chửa? Lấy lại tiền thừa đây này!
Nói, rồi chú bới trong mớ tiền ẩm mốc và sộc lên mùi bốn phương từ dưới đáy chiếc nón xờm xác kia. Rất chính xác, chú nhặt ra đúng hiệu số giữa tờ giấy bạc bỏ vào và hai trăm đồng đã tuyên hứa.
Cũng có bận phải chờ người ăn mày lận lưng đếm tiền hồi lại hoặc chờ người ấy đi đổi bạc lẻ ở đâu đó, lâu thậm lâu, không thứ gì lay chuyển lòng kiên nhẫn của chú ấy!
- Của cho là của mất cả tăm lẫn cá, bác hiểu?
Tôi thấy đắng ngắt miệng khi nghĩ đến giá trị trao đổi của món tiền “sinh phúc” mà Khảm tiếc ngẩn tiếc ngơ lúc chú ấy nhè ra cho người nghèo khó. Nó chỉ khác tiền âm phủ ở chỗ dùng được ở dương gian, nhưng không phải chỉ một tờ mỗi lần.Tôi rủa khéo:
- Quái lạ! những người hiền lành tử tế thì lại đi chết sớm, để cõi sống lại cho lũ keo bẩn khốn nạn, lại còn công nhiên khuấy tít lên cho nó đục ngầu ...
Chú cướp lời tôi:
- Anh giai ơi, quả nào tươi lành, ngon mắt …bề trên hái từ khuya rồi. Thứ bị sâu khoét, chim mổ… báo cáo anh: Người bỏ chúng lay lắt trên cành khô cành ướt, cốt phần phò giống người hạ giới chúng ta, đẩy ta xúm lại giành giật nhau cho hả. Nghề đời nó thế. “Xe-la-vi!”, ông anh thạo ngoại ngữ biết tỏng tòng tong mệnh đề này rồi chứ nhẩy? Vả, mồm miệng thượng đế thì thưa: cũng chả phải thực bất tri kỳ vị với lại tưa lưỡi đâu. Nhỉ! Bởi vậy già khú đế, mà Người có thèm chết tử chết tiệt cho thiên hạ nhờ đâu nào? Vẫn sớm nhô tối lặn vẽ đường chỉ lối cho đủ mọi hạng lúc nhúc dưới trần gian này, để rồi ra, hễ nhúc nhích được là…xơi nhau…sợ nhau..!
- Chú chỉ được cái… - tôi còn đương tìm chữ thì Khảm đã gói sống ngay nhời tôi lại -
- …cái nói đúng thôi chứ gì, ông anh?
Nhòm gương mặt đắc thắng của Khảm, tôi lo sốt vó về những trò phiêu lưu sẽ tới của chú.
2. Quả vậy, bận này Khảm đứng ra thuê thợ dưới Truông lên tháo giỡ tan hoang ngôi nhà hương hỏa từ đời chú giáo tôi để lại. Ngôi nhà gắn với bao nhiêu vui buồn từ kiếp ông bà nội, cõi chú thím tôi rồi ngay cả đời chúng tôi nữa. Giỡ tới móng tre(!) Bảo để xây lên đấy cái nhà tây phòng nao cũng “toe-loét” thượng hạng, máy tắm thông minh và nội thất tinh của “độc”… nhằm đón vợ chồng con cái nhà “cái Giẻ” sắp từ Hoa kỳ về đón tết Cả năm nay. Không đầy đàn đầy đống, nhưng chúng là Việt kiều, quen ăn ở chỗ nảo chỗ nao cũng sạch như lau như ly. Nhà mình thườn thượt, tối như hũ nút, lại thông thống ra thế này - mang cái tiếng nhà từ đường - nhưng ngoài trăm tuổi rồi, đảo ngói bao bận, chia chác “quả thực” dạo long trời lở đất những năm năm nhăm năm sáu (1955-1956), rồi mua đi bán lại khi hợp tác hóa, sứt mẻ rơi vãi tứ tung, rui mè tuy còn cứng cỏi thật đấy nhưng bất tiện trăm đường, giỡ quách đi cho khuất mắt.
Hai tuần đẫy, hơn trăm công thợ ngõa thợ mộc ùn ùn, hùng hục, bở hơi tai mới giỡ xong ngôi nhà đẹp nhất xã. Bốn ông em: Cấn, Chấn, Đoài, Ly không hay biết tý gì việc làm táo tợn này của cả Khảm. Nhẽ chính là vì Cồ Thái chúng tôi đương thì ngói-hóa, bê-tông-hóa… Nhà nhà xây phá, san lấp, xe cộ nườm nượp, máy móc inh tai nhức óc từ bửng tưng đến canh ba ếch ra tìm cái. Xóm bãi, thôn đông, đê bao, đê cả… rối như canh hẹ, ai hơi đâu rách việc nhòm ngó ai? Người ta hối hả đuổi theo “tiến độ” mấy nhà máy: nào trung ương, nào Nhật, Mỹ, lại nghe đâu cả Hàn quốc ( ô hay! thế cái xứ Hàn này nó ở đẩu đâu vấy các giai hử? Không nhẽ thiên đường? ) đấy là chưa tính vài xí nghiệp ven sông Cái sầm sầm sã sã khuân vác, cưa xẻ cốt nối bờ sông ra xa bằng sắt thép, làm thành chiếc cầu cảng. Bảo để bốc vác hàng hóa lên xuống từ những tàu bè ngổn ngang và sặc sụa mùi than tổ ong dưới kia kìa. Chúng do dân Cồ Thái góp vốn chung chạ với các người Ta (nhưng hộ khẩu của họ nơi khác), gọi là “nghe mõ cúng chay bảo nhau day ớt lên đuôi mắt cho nó xón ra tý tỉnh” làm hàng ấy mà. Thế cũng là đánh thức tiềm năng nông thôn nghìn đời tre pheo kín nín rồi chứ bỡn?
Nhà tháo xong, chú Khảm cho thợ chằng buộc riêng từng bó như những hộp gỗ lâm tặc vẫn giầm níu khi họ cho xuôi bè. Nhưng chú ấy không bán thốc tháo cho bọn đi “tầm nhà cổ” mà sai gác tất lên rường chuồng trâu đàng cuối vườn ( ngày trước chú giáo tôi nuôi sáu bảy con trâu cho cầy rẽ nên chuồng nhớn lắm, sau bỏ hoang từ ngày hợp tác, nay sót lại, thấy Trên bảo đấy là dấu ấn bao cấp, chả hiểu rồi ra mai kia thì hôm nay gọi bằng dấu vết gì? ). Chỉ có cây xà nóc bằng lim trắng dài trên hai chục mét tây không gác lên được vì dôi ra thòng thõng, Khảm cho thợ ngả cây đòn giông này nằm soài trước chuồng, chịn cả lên sương xông, lá lốt, ớt chỉ thiên với lại các thứ cỏ chuyên mọc dưới tán cây to để tránh nắng. Chính lúc này tôi được triệu ra, gọi là “cầm chịch” cho cuộc “cạo” chú Khảm .
3. Chú Ly – mở quán ăn ngoài phố phủ - lên tiếng trước:
- Có bác Minh nhà ông Cả ngồi chủ trì đây, em xin mở nhời trước theo lệ trên bé dưới to giống trẻ mỏ sắp hàng vào lớp. Được không các bác?
- Chú cứ tự nhiên! – tôi kẻ cả ra lời - Họp gia đình, ai có ý gì cứ sắp đặt sẵn rồi trông nhau mà nói. Nói thẳng thắn nhưng không gay gắt, mất tôn ty trật tự là được.
- Vậy thì đề nghị bác Khảm ra nhời xem cơn cớ nào bác tự ý phá nhà từ đường? Nói thật nhá: có phải bác tính “cả vú lấp miệng em” hay không mà nín thinh, không thèm tra khảo mấy đứa em đương sống nhăn răng ra trong cái làng Cồ tí hin này, rồi bác hẵng tự tiện xóa tất tần tật món “ quá khứ đầy máu và nước mắt” của cha ông đi hử?
Khảm tằng hắng, rẽ ràng:
- Tôi nói , trên có quỷ thần hai vai và vong linh ông bà ngồi cổ, dưới có bác Minh nhà ông Cả từ tận miền Nam diệu vợi cất công cất cánh ra đây …
- …Thôi thôi ! – chú Cấn cán bộ tư tưởng trên huyện xua tay – Quanh co chửa to bằng trực tuyến! Xin đề nghị bác Khảm cứ là đi thẳng vào vấn đề cốt lõi…
- Thì tôi có chệch đâu? Cái nhẽ trước hết thì là tôi không phá từ đường hương lửa nào hết. Thầy đẻ trước khi về đều đã phân cho các cô chú ai nấy tinh tươm vườn, tược, ruộng ao…bờ cõi sòng phẳng. Còn cái nhà nát này thầy đẻ phần vợ chồng tôi làm vốn. Thế thì nó là của tôi. Muốn làm gì là quyền tôi! Sao lại hạch sách, họp họ, lại còn điệu thêm bác Minh vào cho nhiễu sự..?
Thấy không khí oi oi, tôi đành giảm tốc các ông em “hổ lửa”:
- Khi “hữu sự” thì lý người nào cũng đúng. Hóa cho nên loài người mới làm ra luật để lấy nó làm thước, làm cân, đong lường nhẽ đời cho được công bằng.
- Bác nói thế ra quân đê tiện với anh tử tế cào bằng cả?
Giáo Đoài cù cưa :” Hai hạng ấy xí xóa sao được? Ý bác Minh nói là lấy số đông làm phải, tức lấy luật trị làm nhẽ đời đây. Nhưng thử hỏi giữa nòi cai và giống bị, bọn nào đông hơn đây?”
- Thôi thôi! – chú Chấn người vào cuộc kinh-tế-thị-trường-có-định-hướng sớm nhất nhà, vung tay gạt phắt – Ta đang bàn cái nhà tổ trơ vỏ hến. Đừng loãng chuyện. Nhạt thếch! Nhớ ngày “cải thổ”, thầy thì bị trói, bị bỏ đói ngoài đình chờ bắn. U dắt tay tưng đây anh em ra sân, vơ quáng vơ quàng được chiếc bát nhang thì thằng cha “đội” xồ ra dằng lại. Nó nghi đẻ dấu gạo, ngô hay khoai bên dưới mớ chân nhang…Năm ấy tôi còn chửa học lớp vỡ lòng ông giáo Hợp trong đê. Thế mà bác cả nỡ…
Chú giáo Đoài nhỏ nhẹ:
- Chuyện cải cách cải kiệc xếp xó lâu rồi. Đời chúng ta dây dưa với đánh đấm. Ngót một đời người chứ ít oi gì? Nhưng quên đi! Bới ra chỉ tổ thối mũi; không khéo chạm nọc ông kia bà nọ, chửa chắc ăn bùn đã nuốt trôi tới dạ dầy đâu đấy. Vả, thầy mình cũng chẳng bị viên “a-ca a-củng” nào khoan trên người. Bởi ngày ấy Trên sáng suốt, cho sửa sai, “giết phứt cái tội chết” đi cho thầy. Đúng hôm đội sửa soạn đưa thầy ra Mom Thêm đào hố chôn cọc . Kể như thế là phúc, là may mắn hơn bao người “giấy bò về” đến làng đã muộn, xin ông đội cho làm lễ hóa tờ giấy kia, giải oan cho người dưới đất, lại bị quy phản động vì dám đốt công văn tài liệu của trên (!). Còn khướt mới sánh thầy nhà mình nhá! Nhà cửa? Thì dăm tháng sau “vưỡn” chui ra rúc vào được đấy thôi? Chỉ phải dọn dẹp, tu sửa chiếc bậu cửa, cái bức bàn mà bà con người ta chẻ ra đun nấu phục vụ đội. Của nả trong nhà, - lạy giời, lạy cả dưới trên – có sự mất trắng thật đấy, song của đi thay người là nhẽ thường. Với lại sau này, cơ bản nhà mình lại kín trên bền dưới như mọi hộ tập thể khác. Bác cả nói, tôi thấy không xuôi tai, vì tuy thị thầy đẻ phần bác ngôi nhà tổ làm vốn thật, nhưng gì thì gì nó cũng là nơi đặt bát nhang ông vải. Năm nao chả dăm tao bảy tiết họ hàng hang hốc nhớn bé tụ hội về giỗ chạp, sì sụp như tằm ăn rỗi với nhau. Thử hỏi từ nay lấy chỗ nao làm chốn nhòm mặt nhau đây?
Cấn nối vào:
-… Ấy là chưa kể tôi ngồi chỉ đạo tư tưởng văn hóa huyện nhà, đã lập danh sách từ năm ngoái, xin đưa ngôi nhà bác cả vừa tháo tanh bành ra kia đề đạt lên xin công nhận di tích “phi vật thể”. Nghe nói chẳng mấy nữa xã ta được tổ chức lễ rước bằng về, mở hội ăn khao từ tỉnh xuống đến hộ. Có oách nổi gai ốc không? Có phải nhà mình tự hào bản sắc dân tộc hơn người không? Đâu? Thế bây giờ tan hoang như vầy. Tôi lấy gio lấy trấu đậy mặt đứa chỉ đạo à? Ôi chao bác cả ơi là bác cả…!
Nghe Cấn cáu bẳn, chúng tôi ai nấy xót xa, luyến tiếc ngôi nhà – vốn quen miệng gọi từ đời ông bà – “nhà tổ”. Mà nó đẹp thật! So với đình Tây Đằng, Chu Quyến thì nhà này không rộng bằng, nhưng bề dài thì lại hơn đứt hai ngôi đình nổi tiếng kia. Chả vậy mà ông chúng tôi kể khi vớt nó từ dưới sông Cái lên, cả xóm Chu-bãi xúm lại, giằng néo bằng tất cả số dây thừng dây chão có trong làng ngày đó. Hò dô, phèng la rồi phách con phách cả lách cách nửa ngày mới kéo được “cu cậu” lên bãi. Chả vì đấy là trận lụt năm Thìn, to nhất trong vòng vài thế kỷ gần cận thời ta sống. Bờ bên kia sông Cái năm ấy đất lở ầm ầm như đánh trận giữa mưa gào gió thét. Hai ngày sau bên Chu gồ lên bãi bồi rõ mồn một. Nước lũ từ ngược đổ về theo mưa ba bốn ngày đêm, dâng cao đến đâu bãi lộ ra đến đấy. Bãi lan gần tới giữa sông, còn dòng lũ kéo xuôi cơ man trâu bò, cây cối, nhà cửa bập bềnh, thi thoảng giạt vào vô số kể. Nhưng một đêm bỗng ông tôi sực tỉnh. Hình như có tiếng ai gọi gì trong mưa bão. Chạy ra mom thấy nước trôi vống lên như có con giải khổng lồ cộm lên giữa dòng. Ông thắp đuốc, gọi con cháu, xóm giềng ra xem. Hóa ra đấy là một ngôi nhà bị bão giật đổ và sau đó - hẳn là - nước lũ cuốn, không biết từ miền, từ xứ nào lặc lè mò về. Gặp bãi bồi làng tôi, nó dùng dằng rồi gật gù dừng lại. Cũng phải đợi tới kỳ nước rút hẳn, ngôi nhà gỗ mới hiện ra sừng sững, ngổn ngang và chưa ai từng tưởng tượng hình thù của nó như thế bao giờ. Bẩy gian nhà cột kèo tinh tươm với cây nóc suốt thuộc hàng lim trắng như ngà. Hai bức bàn đầu hồi với tấm vách giường thờ nguyên khối, rồi cửa võng, ngoàm kèo, đuôi cá, móng rồng cho chí con xo con xỏ…đều còn nguyên theo nhà không suy suyển. Ráo nước là hiện lên màu mây nước gỗ thuộc hạng thiết mộc chẳng thể lấy tiền thế gian đong đếm xuể. Chưa tính đến hai gian chái vắt thêm cũng bề thế như bẩy gian chính. Nó làm cho ngôi nhà mát lạnh trưa hè và ấm áp vào những đêm đông giá buốt. Giả tỷ Lỗ Ban mà sống lại chắc khó tin những thứ tạo nên nó. Chỉ phải cái gạch ngói và đồ đoàn như các hòn kê, giại nứa, cửa giả…đã bị con lũ thải loại dọc đường nó đi tới Chu-bãi. Đúng là trời cho họ Chu chúng tôi ngôi nhà và trời cũng dấu đi những người sống với nó trước kia…
Thấy mọi người trầm mặc, tôi nói dấn:
- Theo tôi bây giờ chẳng phải lúc mình ngồi một mớ thế này để tiếc hoặc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm kẻ đúng sai rồi phán một quả nghị quyết là ngôi nhà đứng phắt dậy ở chỗ cũ! Nó đã thành đống thành bó trên gác chuồng trâu kia rồi. Móng nhà mới, chú Khảm cũng đào xong theo ngày giờ bát-trạch phong thủy cốt đón rước gia đình cháu Giẻ về. Chẳng thay đổi được gì vì nhiêu khê lắm. Khôn ngoan hơn cả là bây giờ chúng ta chuyển hướng, bàn xem có thể dựng lại nhà tổ ở đâu. Tốn kém mấy anh em ta cũng hùn nhau lại mua kỳ được một khu đất vừa vặn với cái nhà chứa đựng biết bao thứ từ đời ông bà tới nay. Làm được thế là vừa giữ cho đống gỗ khỏi mối mọt, hao còm, lại vừa - như các chú đã nhất trí – gìn lấy nơi thờ phụng, họp mặt hạn kỳ, cho đời sau chúng biết truyền thống dòng họ. Lại “đón đầu” cái bằng di tich xếp hạng giúp làng chạ các chốn soi vào gương anh em ta giống như dưới Mía, trong Cần, bên Canh người ta đã làm mẫu…
- …để đưa vùng ta thành vùng văn hóa hoành tráng trần đời. Hở? - Khảm nói đế -
Tôi không đếm xỉa tới nhời Khảm, chỉ nhận thấy ánh mắt đồng thuận toát ra từ mấy ông em nhấp nhổm như bị kiến đốt nách. Họ bí thời giờ. Tỷ dụ như mớ chả chìa thịt chó không khéo bị non lửa trên lò nhà chú Ly phố phủ,… đống giáo án cải cách giáo dục (sao chép lại từ chồng bài soạn hồi thế kỷ trước) còn ăn vạ trên bàn nhà giáo Đoài,…rồi cái máy bơm nhà Chấn đương nằm nấc lên nấc xuống chỗ miệng giếng, ngóng thợ khéo đến sửa sang, giữa bao tiếng bấc tiếng chì của những người thuê xóm trọ nơi vợ chồng chú ấy mở mang một nghề mới, rất chi hái ra tiền…
4. Nhưng để thực hiện ý định, bọn tôi không ngờ sự đời trớ trêu đến vậy. Khắp Cồ Thái, không còn bói đâu ra nổi một mảnh đất tùm túm chiếc lều, chứ đừng nói đặt vừa ngôi nhà giỡ rồi-sắp dựng của chúng tôi. Bọn tôi rồng rắn từ Chu-bãi vào trong đê không bỏ sót nhà ai. Mọi vườn tược, ao chuôm, đường xá, chuồng trại, sân sướng cho đến cái miếng đất “đầu làng ông trạng” không ai buồn nhòm trước nay…thảy đều “bê-tông hóa” tất tần tật! Thế mới biết cuộc đổi đời đận này nó lay chuyển hơn cả năm đói Ất Dậu và cái dạo “Năm nhăm-Năm sáu” ấy vậy!
Khảm nghiêng đầu vào tai tôi:
- Anh giai ơi! Không khéo phải chờ sông Cái cựa lưng, bãi-Chu-ta bồi trúc thêm bận nữa…
Tôi ngắt Khảm:
- Quái! Sao ông giời không bắt đứa lắm điều mù bớt mồm miệng chúng đi nhỉ? Chú muốn Sông Cả hờn dỗi, đổi dòng: bên ta lở, Chu-bãi trắng tay, ăn mày tứ xứ mới hả chứ gì?
- Gớm! bác sống quen mưa nắng miền nam ruột thịt có khác! Dễ giận mau quên! Nhỉ? Anh giai ơi, Đời ấy mà, báo cáo anh: “xe-la-vi”! anh đú với chữ nghĩa đến nứt đố đổ vách nhà người, thành thử chửa ngộ ra rằng thì là đời nó vốn là một chiếc thòng lọng tròng sẵn lên cổ những đứa nào chào đời và định sống trọn vẹn với thằng “trần văn đời” kia!. Giời ạ! Thế cho nên hễ ta cựa quậy một phát…thưa bậc đàn anh! Nó thít cho cứ gọi lè lưỡi, phù mặt…chứ đùa với đời được chắc? Ý em định nói là hay ta bắt chước bọn chui cổ trong tròng song không cựa quậy để sống chung với chết cho nó hoàn cảnh?
Chưa ai hiểu ra ý Khảm thì chú ấy đã giảng giải:
- Tức là mình đừng tìm đất làm gì nữa, rách việc! Bên chú Chấn còn chỗ mái bằng khu nhà trọ chưa lên tầng, vẫn để phơi mưa gọi nắng đấy. Dào ơi! Xi măng cũng là đất! Đấy, bác và các chú thử mường tượng xem mình đặt nhà tổ lên cái mái bằng chú Chấn có đẹp, có khít không nào? Lại hiện đại ra phết ấy chứ?
Tất cả cùng ồ lên, không ngờ Khảm “tháo gỡ” dễ đến thế. Đúng vậy, thử hỏi những xứ văn minh người ta xử lý đường xá, nhà cửa ra sao khi muốn giữ lại các công trình nghìn năm? Họ chồng cao lên từng nấc từng tầng! Nhà chọc trời trên trăm tầng, đường “cầu vượt” đan nhau như mắc cửi…vẫn nhoáng nhoàng trên tivi đấy thôi?
Ly vỗ đùi:
- Đúng là bác Cả đầu têu cái gì, vạn sự đều vào khuôn vào khổ tăm tắp! Giờ chỉ còn mỗi bác Chấn dứt điểm là anh em ta đưa quyết nghị vào cuộc sống được rồi đấy! Thưa cả nhà, em út ít, học hành đụt địt, cơ mà bung chó, nướng chả, pha phách, bánh đa rựa mận, em rành hơn các anh một bước! Bác Chấn phát luôn “con quyết” của bác đi cho nó đỡ bức xúc nào.
Chấn nhìn tôi rồi đảo mắt một vòng những chú khác. Chùng chình một khoảnh. Xong, chú nhỏ nhẹ bằng giọng thị trường có đẳng cấp hẳn hoi:
- Được thôi! Nhưng các bác các chú cần viết cho cái hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mướn chỗ mái bằng của tôi rồi hẵng tính dựng giã lên đấy mọi nhẽ…
Cuộc bàn soạn giữa các chú em tôi sau khi sáng kiến của Khảm bựt ra giữa cuộc, trở nên chóng vánh lạ lùng. Ấy là hãy sử dụng ngay sân thượng chỗ 10 căn chú Chấn xây phòng trọ làm nền nhà, rồi dựng lên trên đấy ngôi nhà tổ-trời cho. Một đằng 10 căn thời nay, một đằng chín gian đời xưa ( là nói gộp cả hai chái )… gì mà chẳng khuýp? Còn tiền bạc thì coi như mua đứt cái mái bằng nhà Chấn với giá hữu nghị ba cây “bốn số”, sau này huyện tỉnh mà rước nhà đi nơi khác có “quỹ đất” dồi dào và tiện giữ gìn,phổ biến bản sắc dân giã người Việt, thì trả “đất cát” lại cho chú Chấn. Bằng không, chú Chấn có quyền lên tầng bên trên nhà tổ, coi như anh em dòng tộc chỉ mua một tầng. Thế là phải nhẽ mọi bề, khỏi sợ chiến trường hiếp đáp thị trường. Thế cũng là bảo toàn số vốn cổ cha ông gửi lại chứ gì?
5. Thưa bạn đọc khả kính!
Người viết không dám mượn mõ thì giờ - vốn là vàng bạc - của quý bạn.
Xin nói ngay là: sau khi góp tiền thuê thợ chuyên chở từ nhà chú Khảm ra nhà chú Chấn những hộp gỗ hình dáng lâm tặc. Nhà tổ được dựng dần lên phần mái bằng ( sau khi đã xây một cầu thang bên hông bằng xi măng cốt thép 21 bậc như ông thầy phong thủy dạy bảo ). Tụi tôi cố mọi nỗi, nhà chú giáo tôi vẫn chờm ra ngoài mười căn-mái bằng một khúc như trêu ngươi mới ức chứ. Không sao lọt vào khổ đất sân thượng nhà Chấn! Thế mới bảo dòng giống Chu-bãi tụi tôi toàn lũ ăn hại đái nát, quân khôn nhà dại chợ, bóc ngắn cắn dài, cái gì cũng áng chừng để cơ sự thành dang dở đến vậy.
Rút cuộc, hòng giảm bớt thì giờ, tiền của và sự sống của mọi người ( 6 đầu tầu há mõm chúng tôi kèm theo cả thảy mấy mươi toa tinh hạng mồm gầu lưỡi chổi cả ) Khảm lại cứu nguy, nêu ra một ý làm bọn tôi phải “quyết” lần cuối: xén bớt nửa chái bên tây ngôi nhà cho nó nằm gọn hẳn vào chỗ mặt bằng cheo leo nhà Chấn. Chẳng còn sợ chồm lồi nỗi gì nữa sất cả. Phải!
Bây giờ quý bạn đọc có cơ hội dúng chân tại Cồ Thái quê tôi như đi du lịch, tiếp thị hay chọn điểm đầu tư sinh phúc sinh lợi chẳng hạn, thì thưa rằng : nhà tổ, nói chung, tuy hơi bị lẹm chái chút xíu, nhưng cũng ở thế bay lên (ấy là so với lúc nó bị trói gô trên rường chuồng trâu). Lại lú rồi! cái chính là bọn tôi giữ rịt được nó, thứ vốn liếng truyền đời của dòng tộc chúng tôi, phải không, thưa quý bạn?
10-4-2007