(Tặng người trẻ tuổi…)
…Và đã xảy ra như vậy.
*
1. Tôi phải bắt đầu bài giới thiệu về mình như thế nào đây?. Tên tuổi. Quê quán. Năm sinh. Sở thích v.v và v.v…Thôi, xin được ngắn gọn thế này: tôi tên Vàng, 19 tuổi (lấy năm 2003 trừ với năm sinh), hiện đang ở trong một nơi được gọi là nỗi ô nhục của thế giới. (Điều này không phải do tôi đặt ra mà đó chính là lời phát biểu của một quan chức Liên Hiệp Quốc. Vị này cho rằng, những khu nhà ổ chuột chính là nỗi ô nhục của thế giới). Nói vậy, nhưng tôi thấy không có gì phải nhục cả. Tôi đã một mình đến thành phố này. Đã tìm được một chỗ ở. Đã kiếm được một việc làm. Và đang tập trung cho kế hoạch đến trường đại học. Tôi chỉ có một mình thôi, không người dìu dắt, không nhà tài trợ, không có bạn bè. Nhưng có hề gì. Tôi muốn làm thằng đàn ông thật sự.
Buổi sớm, tôi bước ra khỏi phố nghèo. Những con hẻm nhớp nhúa, hôi hám. Nhưng có hề chi. Khi đi ngang qua một hẻm chợ chồm hổm, tôi liếc mắt nhìn những con cá lóc đen trủi quẫy trên mâm nhôm, những bông hoa hồng phớt phai nở trong xô nhựa, lòng thấy lấm chấm vui, rồi dấn chân đi nhanh đến chỗ làm.
Tôi đang phụ việc cho tiệm Cắt kiếng Xuyên. Gọi thế, bởi gã chủ tiệm tên Xuyên. (Lấy năm 2003 trừ với năm sinh thì gã chẵn 40 tuổi). Cắt kiếng Xuyên nằm ở điểm giữa, trên một đường hình cung, trước mặt là dòng kênh. Dòng kênh này chảy ngoằn ngoèo rồng rắn khắp thành phố. Dòng kênh đang trong quá trình trùng tu, làm mới. Do đó, dòng nước vẫn còn lưu chuyển màu đen nhưng đã im mùi hôi thối. Và hai bên bờ, cây, cỏ đang dậy xanh.
Sáng nào cũng vậy, tôi phải đập cửa ầm ầm thì thằng Cò mới bò dậy mở cửa. Cò làm việc ở tiệm kiếng đã lâu nên được ông chủ tin cẩn giao cho trông coi tiệm. Cò lớn tuổi hơn tôi (lấy năm 2003 trừ với năm sinh thì ra 31), nhưng ngoài miệng tôi kêu bằng anh còn trong bụng vẫn gọi là thằng. Lần nào thằng Cò cũng nhăn nhó, “Địt mẹ, tối mày không ngủ được hay sao mà mới sáng sớm đã mò ra đây phá tao?”. Tôi cười, “Thôi, rửa mặt đi, làm ly cà phê cho tỉnh táo. Ngủ gì mà ngủ như heo”. Cò làu bàu, “Mày heo thì có”. Cò ghét tôi đập cửa kêu hắn dậy sớm, nhưng thích được tôi bao cà phê. Cò là hạng người dễ dãi, tầm thường. Hắn có thể đi với bất cứ ai làm bất cứ việc gì nếu như được bao ăn uống hoặc cho tiền. Tôi dám cá, thằng này sẵn sàng giết người nếu như có người mướn với giá thoả đáng.
Quán cà phê cách tiệm kiếng chừng chục mét. Chúng tôi ngồi bàn vỉa hè cho thoáng tiện thể ngó chừng cửa tiệm. Quán cà phê nhỏ như cái lỗ mũi nhưng có tới năm em phục vụ. Toàn các em gái miền Tây, tuổi mười sáu, mười bảy, nhưng mông mẩy, ngực vun hết cỡ. Tiền lương không đủ để các em ăn sáng. Do đó, các em thường chiều chuộng khách để kiếm chút tiền bo, hay cặp bồ với bọn dân chơi, mấy bố già để được cung phụng. Bọn tôi là dân nghèo nên các em có phần hờ hững. Khi ngồi ở quán thằng Cò luôn ngồi không yên, cứ ngọ nguậy, nhấp nhỏm liên tục, mong có em đến giỡn hớt chơi. (Hồi mới gặp nhau, nhìn bộ dạng của thằng Cò như vậy tôi cứ tưởng hắn bị kiến cắn đít). Còn tôi, tôi ngồi im nhìn cây, cỏ đang lên xanh phía hai bên bờ kênh. Có một cái cây nở từng chùm hoa vàng rực mà tôi không biết là cây gì. Có những buổi sớm tôi cứ ngồi nhìn cây hoa đó. Hơi thở tôi rung thơm cánh hoa.
Rồi thì ông chủ đến. Gã phẩy tay ra hiệu cho bọn tôi về tiệm. Gã Xuyên người béo ục ịch, mắt trồi, môi thâm, chân đi chữ bát, mặt mày lúc nào cũng nháo nhác và khó đăm đăm. Trông gã xấu xí thế mà có cô vợ xinh đáo để. Đã một nách hai con nhưng vóc dáng bà chị chấp xa lũ con gái. Tôi thích được nhìn ngắm chị nhưng năm thì mười hoạ chị mới đáo qua kiệm kiếng một chút rồi đi ngay. Nghe nói chị không làm gì ngoài việc ở nhà trông hai đứa nhỏ. Gã Xuyên làm được bao nhiêu tiền đều mang hết về cho vợ. Nhưng nghe đâu gã cũng chơi mấy dây hụi nóng, nguội gì đó.
Gã Xuyên chỉ vào hai chúng tôi, ra lệnh, “Hai đứa mày chở tấm gương 0,4x1,2m, khung nhôm đi giao cho địa chỉ này ngay đi”. Nói rồi gã đưa cho tôi tờ giấy lịch nhàu nát, ghi nguệch ngoạc, “Gươn buồn tấm, bà T, số nhà…đường, điện thạ…” (Gương buồng tắm, bà T, số nhà…đường…điện thoại…). Gã Xuyên luôn viết sai chính tả đầy dẫy như thế. Cũng giống như những cô em miền Tây ở những quán cà phê trong thành phố này, nếu có biết được đôi chữ để viết thư tình thì cũng viết như thế này đây: “Xao lau quá anh hông viếc thư cho em. Bộ anh cua thườn em hả ?. Hay là anh ỷ mình đẹp chai, nhà dầu…” (Sao lâu quá anh không viết thư cho em. Bộ anh coi thường em hả?. Hay là anh ỷ mình đẹp trai, nhà giàu…)
Thằng Cò chở tôi đi. Tôi ngồi đằng sau giữ tấm gương. Phải giữ cho gương luôn thăng bằng, nhưng tay đừng quá cứng nhắc mà luôn mềm mại, uyển chuyển. Phải kịp thời ra tín hiệu để cho thằng Cò xử lý. Thằng Cò lái xe thuộc loại có nghề, luồn lách, trôi chảy giữa phố xá như một con lươn trong lòng bùn. Tôi, mặc dù rất coi thường thằng Cò nhưng về mặt này thì phải nể nó. Nếu như không có một thằng chạy xe máy giỏi thì thằng ngồi giữ tấm gương đằng sau sẽ khốn nạn. Nhưng đôi khi cũng mắc kẹt. Thằng Cò nhổ toẹt bãi miếng bọt, chửi, “Địt mẹ, kẹt xe rồi. Giữ cẩn thận nghen mày. Coi chừng mấy thằng chạy ẩu, tán bể tấm gương thì tao với mày ăn cám đó”. Tôi không nói gì. Tôi nhìn vào tấm gương. Trước tiên tôi thấy cái mặt tôi. Một thằng nhà quê, mắt to, mũi bự, miệng rộng. Rồi, tôi không nhìn cái mặt của mình nữa. Tôi nhìn một cặp trai gái đang ngáp ngắn ngáp dài. Thằng con trai ốm như con cò ma, tóc tai lởm lởm, vàng hoe, còn đứa con gái môi đỏ, mắt xanh, váy cũn cỡn đang ngồi tênh hênh. Rồi tôi nhìn thấy một lão già râu tóc bạc phơ đang đẩy cái khung sắt có gắn bốn bánh xe để tập đi. Gương mặt lão buồn bã như muốn khóc. Nếu như không có râu tóc, thì gương mặt lão trông tựa một đứa trẻ chực khóc, mong trở về nhà. Tôi nhìn thấy một cô gái mặc áo dài công sở, khuôn mặt đeo khẩu trang kín mít chỉ hở ra đôi mắt không biết vui hay buồn?. Tôi nhìn thấy. Và xe chạy đi. Nhiệm vụ của tôi là giữ cho tấm gương được an toàn. Nếu như tấm gương bị vỡ thì ngay lập tức tôi phải trả giá.
Tôi ngồi ở tiệm, dùng một tiếng giẻ rách lau những tấm kiếng (trước khi được tráng thuỷ để thành gương thì tất thảy đều là kiếng). Những tấm kiếng to, nhỏ, hình vuông, chữ nhật đủ kích cỡ, đủ hình dạng. Thằng Cò đang cùng gã Xuyên hì hụi cắt một tấm kiếng. Tôi vừa làm vừa nhìn ra phía bờ kênh. Một ông mặc áo xanh công nhân đang dùng cái máy cắt cỏ hươ xoèn xoẹt. Động tác của ông ta chứng tỏ đấy là một người có thâm niên trong nghề. Những ngọn cỏ lia lịa dụi ngã kịp dậy lên một mùi hương. Tôi thương hương cỏ lạ.
Tôi 19 tuổi. Tôi đã ở thành phố này ba tháng tám ngày. Ngày hôm nay là ngày thứ chín của tháng thứ tư. Tôi đã để dành được sáu trăm ba mươi tám ngàn. Tôi luôn đếm từng ngày như vậy vì tôi yêu cuộc sống này. Tôi muốn được sống có ý nghĩa. Nhưng, ý nghĩa cuộc sống là gì?. Có đêm tôi nằm mơ thấy cảnh mình đang ngồi sau lưng thằng Cò, hai tay khư khư giữ tấm kiếng. Nhưng tấm kiếng bị bể lởm chởm. Và hai bàn tay tôi máu chảy ròng ròng. Tôi đau đớn, còn thằng Cò thì thản nhiên lung lắc người rồng rắn xe giữa phố. Tôi uất quá thét lên một tiếng. Tỉnh dậy, mở mắt mãi trong đêm tối giữa nơi nỗi ô nhục của thế giới.
Có lần thằng Cò dụ, “Nếu mày muốn biết mùi đời thì chi ra đây hai trăm bảy chục ngàn. Hai trăm là tiền cho gái còn bảy chục là tiền thuê phòng khách sạn bình dân ở bến xe Miền Đông”. Tôi chưa có kinh nghiệm gì về gái gú, đàn bà. (Kinh nghiệm duy nhất của tôi là, với đàn bà, con gái ban đêm họ đẹp hơn ban ngày. Tôi biết được điều đó là nhờ hồi ở quê có mấy đêm đi tán gái). Tôi hỏi, “Có đẹp bằng chị Xuyên không?”. Thằng Cò cười khậc khậc, “Bằng, bằng cái sợi lông chị Xuyên của mày. Mày tưởng hai trăm ngàn của mày là to lắm hả?”. Tôi bảo, “Vậy tôi để dành tiền mai mốt đi học. Từ nay anh đừng nói chuyện đó với tôi nữa”. Thằng Cò im lặng hồi lâu rồi nói, “Mà mày nghĩ vậy cũng đúng, mất tiền làm chi cho bọn gái thúi đó. Mày đẹp trai, cao một mét bảy tám thế này rồi sẽ có khối em xinh đẹp tự nguyện nộp mạng cho mày…”. Tôi ra vẻ thạo đời, cắt ngang lời Cò, “Đứa nào cũng thèm tiền hết anh ơi. Mà anh thấy, thời buổi này có ai sống mà không vì tiền?”. Thằng Cò thở dài, “Mày nói cũng phải” nhưng rồi nó liền giở giọng tếu táo, “Có ai sống mà không vì tiền đưa tay lên coi nào?!”. Tôi định đưa tay lên.
…Và đã xảy ra như vậy.
2. Có một ông nhà văn đặt làm một tấm gương 0,8x 2m, dày 10ly để vừa làm cánh cửa phòng viết vừa làm gương soi. Với một tấm gương dày đến 10ly thì dù bên ngoài có xảy ra động đất hay khủng bố thì bên trong vẫn cứ êm như ru. Ong nhà văn này có thói quen vừa viết vừa nói chuyện một mình vừa liếc nhìn cái mặt mình trong tấm gương lớn. Có khi ông đứng hẳn dậy, ưởn ẹo, thỏng thẹo trước tấm gương, nhe răng cười một cái, hay làm động tác khẽ cúi người chào ai đó v.v… Khi chúng tôi lắp xong cánh cửa tấm gương, ông nhà văn không những trả tiền sòng phẳng mà còn “bo” hẳn cho hai thằng năm chục ngàn đồng. Ong ta nói, “Chở một tấm gương vừa to vừa nặng như thế này đến đây an toàn là giỏi. Giỏi thiệt. Cho nên, làm cái gì cũng đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp. Tôi là tôi rất mê những người làm việc chuyên nghiệp”. Thằng Cò chỉ tôi cười toe toét, “Nghề của em là chạy xe, còn giữ những tấm gương là nghề của thằng này. Nó cao một mét bảy tám, hai tay nó mà dang rộng chắc cũng phải đến hai mét…”. Ong nhà văn cười, gật gù, “Hay, hay lắm. Nghề của chàng là giữ những tấm gương. Thôi, cảm ơn nhé!…”
“Thôi, cảm ơn nhé!” – Tức là thôi, chúng mày biến đi cho tao nhờ. Người thành phố ăn nói như thế đấy. Lòng tôi vân vi một nỗi buồn mơ hồ. Nếu như thằng Cò là người anh em của tôi thì ngay bây giờ tôi sẽ ôm choàng lưng nó mà khóc một trận thoả thích. Nhưng, ngay cả trên yên xe tôi vẫn giữ khoảng cách với thằng Cò. Mắt tôi mở to nhìn đăm đăm đường phố. Đường nào cũng có vài ba đống cát ngổn ngang, đường đào cũng bị đào xới, vá víu, nham nhở, nổi lằn chằng chịt như mặt Chí Phèo. Tôi nhớ những con đường làng cỏ xanh ở quê. Tôi cũng nhớ cha mẹ và những đứa em. Nhưng họ có nhớ tôi không?. Họ có bao giờ lo lắng cho tôi không?. Tôi thấy mình như người không gia đình, mọi chuyện tôi phải tự quyết định thôi. Tôi sẽ vào đại học, nhưng tôi sẽ học cái gì đây?. Tôi yêu thích những hiện tượng kì lạ của cuộc sống cũng như nhận ra rằng nỗi đam mê lớn nhất của mình là được nhìn ngắm cuộc sống. Tôi đếm từng ngày qua và quắt quay và hoang mang và đau đớn vì mình không làm được gì. Mà, ngày thì cứ vội qua. Tôi sẽ ở cái tiệm cắt kiếng này bao nhiêu lâu nữa?. Đến chừng nào thì tôi mới đủ tiền để vào đại học?…
Gã Xuyên bảo tôi, “Hết tháng này mày ra tiệm ở chung với thằng Cò cho vui. Nhưng nhớ lo giấy tờ đầy đủ để tao đi đăng ký”. Tôi vui quá, vậy là từ nay khỏi mất một khoản tiền thuê nhà. Cũng có nghĩa là ông chủ Xuyên đã tin cẩn tôi. Thằng Cò nháy mắt, cười, “Ừ, ở chung với tao cho vui. Cũng đỡ phải chịu cảnh ngày nào mày cũng dựng tao dậy sớm”. Gã Xuyên lại nói, giọng như tâm sự “Vàng này, mày vẫn nuôi ý định vào đại học đấy hả?. Ư, học đại học cũng tốt. Nhưng không phải cứ đại học mới nên người. Không phải tao dạy đời mày đâu, nhưng cuộc sống là miếng cơm, manh áo. Công việc ở tiệm cắt kiếng này không danh giá gì nhưng cũng đủ sống. Nếu mày muốn yên thân thì anh mày sẽ truyền nghề…”. Tôi bảo, “Cảm ơn anh, có lẽ em phải vào đại học thôi. Em đến thành phố này là để làm việc đó…”. Gã Xuyên phẩy tay, “Được… được rồi. Tao đã hiểu ý nguyện của chú mày rồi”. Thằng Cò nhìn tôi không mấy thiện cảm, “Nghề của chàng là giữ những tấm gương. Nhưng chàng chẳng chịu ngồi ở cái tiệm cắt kiếng tệ lậu này đâu…”. Gã Xuyên nhăn nhó, nạt, “Thôi, làm việc đi, đừng lắm lời”.
Ơ chung với thằng Cò tôi khỏi tốn một khoản tiền nhà trọ, nhưng lại gặp nhiều chuyện phiền phức bực mình. Cái gì của tôi thằng Cò cũng ngang nhiên lấy xài như đồ công cộng. Khi ngủ, thằng Cò có tật ôm riết và rờ mó khắp người tôi. Có lần tức quá tôi đã co thẳng chân đạp mạnh nó một cái văng vô vách. Thằng Cò thức dậy, la làng, tay chộp lấy miểng kiếng tính cắt cổ tôi. Nhưng tôi giả bộ ngủ say như chết. Thế là từ đó mỗi đứa ngủ một góc. Trong cái toilet nhỏ chút thằng Cò dán đầy hình phụ nữ khoả thân. Lớp hình mới chồng lên lớp hình cũ. Có chỗ mông mới mông cũ, ngực mới ngực cũ cứ lẫn lộn. Không biết thằng này có bịnh hoạn gì không mà nó rất ghét bọn nam ca sĩ. Trên bức tường chỗ bồn cầu nó dán hình một nam ca sĩ trẻ đang nổi tiếng chúc ngược cái đầu xuống. (Có nghĩa là khi đi cầu cái đít sẽ xìa vào cái mặt “ngôi sao”). Lâu dần những tia phân bắn đầy vào mặt tên ca sĩ đó. Đến khi tấm hình ố vàng thì thằng Cò lại sưu tầm một tấm hình khác mang về. (Và, nếu tôi nhớ không nhầm thì các nam ca sĩ trẻ ngôi sao ở thành phố này như: Đan Dài, Lam Dài, rồi: Đàm Vĩnh Suy, Ưng Hoàng Hoạ v.v… đều lần lượt được đưa về trồng cây chuối ở cái bồn cầu lúc nào cũng khẳm mùi ấy).
Tôi phải đi khỏi tiệm cắt kiếng khốn nạn này thôi. Hằng đêm tôi cầu nguyện điềm lành và vận may đến với mình, “Cầu Chúa, con mong được người cứu giúp…”
…Và đã xảy ra như vậy.
3. Một ngày đẹp trời. Khi tôi đang ngồi vừa lau những tấm kiếng vừa nhìn ra phía bờ kênh, nơi đám cây cỏ đang dậy xanh thì một hột kiếng bắn mạnh vào mắt phải của tôi. Tôi mơ hồ thấy đường bay của hột kiếng từ tấm kiếng lớn mà gã Xuyên với thằng Cò đang hì hụi cắt. Tấm kiếng trên tay tôi rớt xuống vỡ tan tành. Tôi đưa hai tay lên ôm mặt. Gã Xuyên liệng con dao cắt kiếng, kêu lên, “Thôi. Chết rồi…”
Tôi nằm một tuần ở bệnh viện trong tình trạng mù loà với miếng băng quấn dày quanh đầu bịt kín cả hai con mắt. Gã Xuyên với thằng Cò thay phiên thăm nuôi tôi. Lần nào vào thăm, gã Xuyên cũng rên rỉ, “Trời ơi, sao xui thế không biết. Tao làm nghề này đã hai mươi năm mà có bao giờ xảy ra điều tệ hại như vậy đâu. Có lẽ phải thay cái mũi dao cắt kiếng thôi… Chú mày đừng có trách tao nghen… Đây là tai nạn mà…”. Tôi hỏi, “Em bị mù một mắt rồi phải không anh?”. Gã Xuyên thở dài, “Chưa có kết luận chính thức. Còn nước còn tát. Chị Xuyên nói có tốn bao nhiêu cũng phải lo chạy chữa cho mày. Nếu không là mang tội…” Nhưng tôi vẫn chưa thấy chị Xuyên vào thăm tôi. Thằng Cò vào, nói, “Mấy em ở quán cà phê gởi lời thăm mày. Tụi nó hỏi, không biết mày có bị mù không?”. Tôi im lặng. Tôi muốn đánh chết thằng Cò. Không phải vì những điều nó nói mà đơn giản vì tôi muốn được đánh ai đó.
Rồi chị Xuyên vào. Tôi nhận ra mùi chị khi chị đứng ở đầu giường dùng hai bàn tay xoa lên trán tôi. Lúc đó tôi như muốn khóc. Chị Xuyên gọt táo đưa cho tôi ăn. Chị nói, “Nếu không có vụ tai nạn này thì chị đã nhờ chú chở mấy tấm gương về gắn trong phòng ngủ của chị. Chú biết không, trong phòng ngủ của chị treo cả thảy bốn tấm gương lớn. Nhưng không hiểu sao vừa rồi tất cả bị nổ lốm đốm. Soi vào đó chị thấy một thứ ánh sáng màu vàng như mắt cá ươn…”. Rồi chị lại nói, “Buồn cười lắm. Không hiểu sao từ nhỏ chị đã thích những tấm gương. Em đã nghe câu chuyện nào về tấm gương chưa?”. Tôi lắc đầu. Chị Xuyên kể, “Chuyện này là chuyện cười. Có một ông nông dân gần cả đời quanh quẩn chốn hoang sơ, một lần ra chợ tỉnh, dạo quanh các tiệm tạp hoá thấy một tấm gương. Ông ta soi mình vào đó rồi kêu lên, “Ôi, cha kính yêu của ta đây mà”. Thế là ông ta bỏ một số tiền lớn để mua tấm gương đó mang về cất trong một cái rương. Từ đó mỗi buổi sớm ông ta mở cái rương nhìn …người cha kính yêu, mong người chúc điềm lành rồi mới ra đồng. Bà vợ thấy hành động kì quặc của chồng, sinh nghi. Một hôm nhân lúc chồng đi vắng, bà mở cái rương ra rồi la lên, “Trời đất ơi, thì ra lâu nay ông ta lén mình để gặp… cái mụ già khó ưa này đây mà…”. Tôi cười. Bất giác tôi đưa tay qườ nắm bàn tay mềm mại của chị Xuyên. Tôi muốn được hôn lên đôi bàn tay ấy cũng như là muốn được hôn lên khắp người chị…
Không có người đến thăm. Tôi ăn uống, đi lại, tiểu tiện trong tình trạng mù loà. Lại thêm một ngày không người đến thăm. Bác sĩ tháo băng quấn quanh đầu, chỉ băng con mắt phải tật nguyền để mở con mắt trái lành lặn. Vị bác sĩ nói, “Anh có thể xuất viện được rồi đấy. Uống hết thuốc thì vào tái khám. Chứ nằm mãi ở đây tốn tiền giường…”. Tôi hỏi, “Con mắt của cháu có bị mù không?”. Vị bác sĩ ngần ngừ giây lát rồi nói, “May mà nó không ảnh hưởng đến con mắt kia đấy…”
Đúng lúc ấy thì chị Xuyên vào, trông chị lạnh lùng như một người dưng. Chị dúi vào tay tôi một bọc giấy, “Chị đã thanh toán tiền viện phí cho em rồi. Còn đây là ba triệu, coi như là tiền anh chị bồi thường tai nạn cho em. Đây là rủi ro ngoài ý muốn, em đừng thưa kiện làm gì. Mà có thưa cũng không ai xử đâu. Đấy là chị nói hết lý hết tình như vậy. Em cầm tiền rồi đi kiếm chỗ khác mà ở mà lo chữa trị tiếp con mắt. Em đừng về tiệm nữa. Sắp tới anh chị cũng sẽ sang tiệm cho người khác…” Tôi im lặng hồi lâu rồi bảo, “Nhưng em phải về tiệm để lấy đồ”. Chị đưa cho tôi một cái túi xách du lịch còn mới, nói, “Đồ đạc của em chị đã bỏ hết trong này. Không thiếu cái gì đâu. Em yên tâm…”
Tôi ngồi ở một trạm chờ xe buýt. Tôi đi về đâu đây?. Hỡi, cha mẹ, những người thân yêu của con, dù các người không chút quan tâm lo lắng đến con thì con cũng xin trở về đây. Con đã sai rồi. (Đây là điều mà tôi thiết nghĩ nên nói cho quí vị biết: cha tôi là một người mù, bà nội tôi bị mù, ông cố nội tôi cũng mù. Những đứa em của tôi mắt dần loà nhoà. Trong nhà, gần như chỉ có tôi là có một đôi mắt sáng tuyệt vời. Nhưng tôi đã bỏ họ mà ra đi…). Cha, mẹ ơi, giờ đây con đã gánh chịu sự trừng phạt rồi. Con không muốn làm một thằng sinh viên chột mắt chút nào đâu. Trên thế gian này có thằng sinh viên nào chột mắt không?!…
Mưa bay giăng giăng. Cả người tôi bỗng dưng nổi lên một cơn ngứa ngáy chưa từng thấy. Đó là một cơn ngứa lịch sử. Tôi muốn xé toang cả quần áo, bấu rách cả thịt da. Cơn ngứa ngáy mỗi lúc một gia tăng. Mưa vẫn bay giăng giăng. Gió cuộn cát cứa cổ chân. Lật ngửa trước mắt tôi là một tờ báo cũ có hình một đứa bé trần truồng đang nằm nghiêng dụi đầu bình yên trên một tấm kiếng, phía sau là bức tường gỗ và hơi nước đang lan tỏa mịt mờ. Dưới bức ảnh có chú thích: Đứa bé đang làm giảm cơn ngứa dựa vào khả năng làm mát của kính, gỗ, nước đá và không khí… Trời ơi, đứa bé đó chính là tôi lúc lên ba tuổi. Trần truồng và thánh thiện. Thánh thiện và trần truồng là hình ảnh thường trực của tôi ngày thơ bé trong một ngôi nhà có nhiều người mù.
Gió đã cuốn tờ báo bay đi. Nhưng tôi đã ghi nhớ. Kính, gỗ, nước đá và không khí đó là những thứ cần thiết cho nơi chốn tôi trở về. Có thật một nơi chốn như thế?. Một chiếc xe buýt dừng bến. Tôi ngồi một chỗ ngồi.
*
…Và đã xảy ra như vậy.
Phố, những ngày mưa X/2003