ALIKHA PHI LỘ
Đại "thi" x [nhân] Mông Cổ Alikha có đại tài viết thơ không lời (non-verbal poetry) bằng gươm, mực là máu người và tác phẩm là hàng triệu "thi" thể nát bươm. Loại thơ này chưa được ghi vào Lịch sử Văn học nhưng Lịch sử Nhân loại lại nhiều như bươm bướm. Muốn nhận diện nhà thơ dòng này xin hãy xem những ai trên ngực giăng mắc nhiều huân huy chương các loại. Nhiều người cho rằng thơ này mới đạt đến đỉnh của thăng hoa. Tạo Hóa có hai quyền năng mạnh nhất là "sinh" và "diệt", nên thi sỹ cầm bút gần Tạo Hóa ở chỗ "sinh" tức sáng tạo, còn thi sỹ cầm dao lại kề Tạo Hóa ở chỗ "diệt", đó là lẽ "Thiện Ác giai thiên lí" mà Văn học sử toàn cầu còn khiếm khuyết, đề nghị bổ sung gấp nếu không văn chương quả là rất bí.
BỜM
Moa léo cần, Bờm bảo bố. Moa léo cần, Bờm bảo ông... Đây là một khẩu hiệu tầm cỡ "đỉnh cao muôn trượng" chứ chẳng chơi.
Bờm vốn sinh ra đã là một thi sĩ, thế mà mấy ai biết.
Nhưng Bờm thực tế lắm. Cũng chẳng ai biết điều đó.
Người ta bảo Bờm mây gió. Không có đâu. Cái giống đời thật lạ, cứ thấy người ta mê quạt mà đã vội kết luận là người ta mây gió. Đâu có.
Bờm sinh ra đã có những câu thơ thật hay, thật ám ảnh:
Đất nước lao đao chưa bao giờ bình yên...
Bờm rất yêu sách. Nên thánh đường của gã chính là "hiệu sách nhân dân". Chả thế mà khi nó bị ném bom Bờm đã làm hai câu lục bát ghi danh sử sách [bò]:
‘Hiệu sách’ bom nó phá rồi
Vẫn còn sáng ngời hai chữ ‘Nhân dân’!
Đất nước ta cái gì có hai chữ nhân dân đều được thánh hóa. Trừ cái đối tượng mà cái từ này được sinh ra để gọi tên, và lắm khi trở thành vật tế thần trong cái sứ mệnh lịch sử loạn xà bần.
Bờm còn sính làm châm ngôn. Đây là một câu bất hủ:
Cái gì đã thối thì đã thối rồi, cái gì sắp thối cũng thành cứt thôi!
Bờm theo Bái vật giáo. Gã mê quạt. Đủ loại. Từ cái loại "chành ra ba góc da còn thiếu" đến các loại quạt giấy, quạt sừng, quạt đồi mồi... Gã có cái quạt mà không ngờ nó lại là một báu vật - quạt mo. Chuyện về cái quạt mo này thì cả dân tộc đã tốn bao nhiêu giấy mực để viết về nó (theo thống kê đã có 39.000 [xin đọc là “ba vạn chín nghìn” – được coi là một hằng số văn hiến của xứ Giao Chỉ] cuốn sách và bài báo từ tiểu thuyết lịch sử đến biên khảo hay chuyên luận), cho nên tôi không muốn nhắc lại ở đây làm gì nữa cho hóa nhàm. Vì vậy tôi xin được kết thúc mục Bờm tại đây, mong quý vị không cảm thấy đột ngột. Tuy nhiên, nếu ai còn thấy nhột nhột thì xin xem thêm bản nhận định sau đây của Đại học Quốc tử giám:
Tại sao Bờm không đổi quạt mo lấy "3 bò, 9 trâu", "ao sâu cá mè", "bè gỗ lim"... mà lại lấy mỗi "cục xôi"? Đây là một câu hỏi nhức nhối đã làm đau đầu bao nhà khoa học và các GSTS ưu tú của nước Nam suốt bao thế kỷ qua. Phải chăng dân tộc ta có cái bản chất "mì ăn liền"? Hay thiển cận? Hay lười nhác? Hay ngu dốt? Hay nghiện xôi thịt đến mức mù quáng? Đại học Quốc tử giám đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học sâu rộng do các bậc Nghè, Cống, Cử kiệt xuất thực hiện. Sau đây là những kết quả đáng suy nghĩ trong bài "Những chi phí cơ hội trong quản trị kinh doanh phong cách Bờm" của họ:
- Để quản lý 3 bò, 9 trâu cần 1 đội chăn 3 người cùng 1 giám sát viên, 2 bảo vệ, 1 đội trưởng;
- Để quản lý ao cá mè cần 1 đội sản xuất ít nhất 12 người làm việc 3 ca, 3 bảo vệ, 2 giám sát viên, 1 đội trưởng có trình độ Cử nhân Nông nghiệp, và đội ngũ kế toán, bán hàng, marketing;
- Để quản lý bè gỗ lim cần 2 thủy thủ đoàn (mỗi đoàn ít nhất 12 thành viên gồm thủy thủ, tài công, hoa tiêu, an ninh, 1 thuyền trưởng), 1 đội ngũ quản lý với các ban tài chính, nhân sự, marketing và 1 giám đốc điều hành có trình độ Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA.
Vậy kết luận rằng: cụ Bờm với trí tuệ dân gian của người nông dân Việt Nam đã hết sức khôn ngoan tỉnh táo khi khước từ mọi đề xuất thâm hiểm trên đây của các đối tác là bọn tư bản giãy chết, đang âm mưu "diễn biến hòa bình". Như ý các cụ đã dạy thì làm gì cũng đến ăn xôi mà thôi, việc gì mà phải cố đấm cho nó rắc rối.