“Tôi đọc thơ Hoàng Khởi Phong từ trước 75, trong những ngày xe tăng Mỹ chà nát vùng cát Phú Vang và đêm sững sờ nhìn những đám cháy loang lổ lưng chừng trời của rừng phía Tây Huế bị napal. Những bài thơ in roneo, vì không được cấp giấy phép, chỉ gửi biếu bạn bè chia sẻ nỗi lòng, tập Phục hồi quyền chức làm người, mà một người bạn giáochức Huế cho tôi mượn. Hơn ba chục năm trời đã qua, một bài thơ lạ lùng trong tập ấy cứ ám ảnh, cứ đeo lấy trí nhớ kém cỏi của tôi mãi, bài Ghềnh thác cho cha. Số phận truân chuyên, bi hùng của đất nước đã nhập vào từng làng xóm, từng gia đình, từng con người để thử thách, để giằng xé, để chia nát… Nhưng, cái hơi thở của nòi giống, lòng hiếu nghĩa với đức sinh thành và cái tâm đức của con người vẫn vẹn nguyên, dù trong xót xa cay đắng.” (Tô Nhuận Vỹ)
Cha mệt rồi sao không ngơi nghỉ
Cha già rồi sao còn gội nắng mưa
Con nhìn cha không thể nói được gì
Khi quá khứ cha viết bằng tủi nhục
Có phải cha đã dùng vũ khí thô sơ
Gậy tầm vông chui luồn ngõ hẹp
Tự Vệ Thành không giữ nổi Thăng Long
Cha đã bỏ theo kháng chiến mùa thu bừng ngọn lửa
Cha đã kể con nghe
Về ba lô vá mộng sông hồ
Về anh lính biên khu mơ về đồng nội
Cuộc đời cha trôi trên dòng sông
Có nhiều ghềnh thác
Cha nói rằng cha ghét lính viễn chinh
Lính Lê Dương bán rẻ tâm hồn
Cha chiến đấu cho chúng con được niềm kiêu hãnh
Sao cha đành bỏ lại chiến khu
Sao cha về thành
Để công lao trôi dật dờ ra biển
Sao cha thở dài khi con vặn hỏi
Sao cha căm thù anh bộ đội áo nâu
Cha cần tiền cho con ăn học
Phải dằn lòng làm công chức héo hon
Ngày hai buổi cha chịu quyền dưới đám thực dân
Đêm nghe tiếng súng vọng từ xa cha trằn trọc
Cha uống rượu hay ngâm thơ cổ
Cha dạy chúng con phải giữ tin yêu
Độc lập hòa bình phải có tình thương làm căn bản
Bây giờ cha đã thật già
Đã dẫn chúng con qua mạch nước đen
Đã bỏ lại gia tài cha vun xới
Bây giờ chúng con đã lớn
Chúng con đi rồi ai phụng dưỡng cha
Nắng miền Nam đổ lửa
Mưa miền Nam tả tơi
Cha đã về hưu đi làm tư chức
Tháng tháng mươi ngàn nuôi mẹ nuôi em
Con không biết phải nói gì
Khi buổi sáng thấy cha dong xe ra ngõ
Áo trên người đeo chiếc thẻ ra vô
Sở của cha toàn người lạ mặt
Toàn người già toàn phụ nữ tanh ôi
Phục sức hở hang làm cha choáng váng
Nói nói cười cười làm nước mắt cha rơi
Bây giờ cha ở nhà còm cõi
Các em con rồi sẽ lớn khôn
Sẽ theo gót cha khinh bỉ lũ viễn chinh
Lũ mang quân phục mà vô tổ quốc
Lũ không đất đai nên giày xéo quê người
Chúng con đem xương máu đắp đường
Nâng gót chân cha trở về nhàn hạ
Cha cha ơi
Đã tham gia kháng chiến mùa thu
Đã làm công chức nuốt niềm tủi nhục
Đã làm tư chức chịu đắng chịu cay
Cha đã già xin giữ gìn nước mắt
Sẽ có một chiều cha lại khóc măng
Khi nhận chiếc đính bài con thường đeo nơi cổ
Để hôm nay con nhìn cha lòng buồn tức tưởi
Cha cha ơi
Cha già rồi sao không ngơi nghỉ
Cha mệt rồi sao còn gội nắng mưa
Sài Gòn, 1969
(Trích Tạp Chí Thơ, số 5-2006)