Tôi cứ chùng chình. Lẽ ra tôi đã phải mang hết đồ đạc riêng tư về chỗ làm mới từ hơn một tháng nay, lẽ ra tôi phải nói lời từ biệt với những gương mặt thân quen và với cái góc thân quen, nơi gieo vào tôi những cảm xúc bình yên; thứ bình yên giản dị của kiếp cỏ cây âm thầm tồn tại, âm thầm sinh sôi. Mấy lần tôi đã xếp gọn sách, vở, mấy dĩa nhạc, hộp cắm bút, lọ cắm hoa... nhưng rồi lại bịn rịn trả về chỗ cũ.
Chỗ cũ là chiếc bàn làm việc đặt ở gian trước của ngôi biệt thự nhỏ nằm ở một góc phố, nơi có hai con đường lớn giao nhau ồn ĩ xe cộ ngược xuôi. Từ chỗ bàn làm việc, bước mươi bước ra góc sân bên phải là chiếc dù bày bán nước giải khát với vài bộ bàn ghế bằng nhựa của chị H, vợ nhạc sĩ N.H.P, người đang phụ trách đoàn ca múa nhạc của Thành phố. Sáng sáng, trước giờ làm, tôi hay uống cà phê nơi quán cóc của chị H, nhờ chị í ới gọi tô bún tô hay tô phở từ những gánh thức ăn đặt bên kia đường. Dần dà, tại cái góc nhỏ này, tôi nhận ra nhiều gương mặt tên tuổi quen trong giới sáng tác âm nhạc như nhạc sĩ T.B, nhạc sĩ P.M.T, nhạc sĩ V. Đ.T…và khách thường xuyên luôn là những người bán vé số, bán trái cây, bán đậu rang khoai luộc, bán xăng, sửa xe, chạy xe ôm và những đứa trẻ đánh giày. Những gương mặt lam lũ nhọc nhằn nhưng dễ mến, nhất là ánh mắt, những ánh mắt gần gũi thân thiện. Thân thiện với lũ chim sâu dạn dĩ sáng nào cũng ríu ran chạy nhảy tung tăng quanh gốc lim xẹt xoè rộng cành lá. Thân thiện với chú cún con tinh nghịch đùa nắng, đùa với “những bông hoa rứt cánh rơi không thành tiếng”, những cánh sứ trắng muốt xoay vài vòng trong khoảng không xao lao trước khi run rẩy chạm vào bụi đất, thứ bụi đất ít nhiều có trong ký ức mỗi người. Và họ thân thiện đùa giỡn với nhau. Đôi lần tôi thấy người sửa xe chùi bàn tay lấm lem dầu mỡ vào vạt áo rồi khều một cái vào “chim” thằng bé “người miền Trung” bán vé số trước khi mua giúp nó một tờ. Rồi người chạy xe ôm, người bán trái cây, chị chủ quán và cả ông lão từng là sếp cơ quan tôi làm việc đã hưu nhiều năm vẫn thường lui tới cái góc quen thuộc này cũng sốt sắng mua những tấm vé số giúp con bé, thằng bé xa quê. Nhìn cái cách họ mua, tôi tin, họ mua vì vận may thì ít mà mua vì niềm vui, niềm vui được làm điều gì đó cho người khác trong khả năng mà họ có thể. Rồi “thằng bé miền Trung” lại móc trong túi ra mớ bạc lẻ, hào phóng mua cho “con bé miền Tây” mấy củ khoai, lon đậu phộng và bày cả lên bàn cà phê chị H, gọi một lúc mấy ly trà đá. Cũng có khi người “khao” là chú bé đánh giày trôi dạt từ đồng đất Nam Ninh…
Và mỗi lần nhìn và nghe tiếng cười đùa hồn nhiên của lũ trẻ xa quê, cái miền quê xa khuất của tôi bỗng đâu đó thật gần. Tôi lại nhớ hình ảnh của một đêm thơ Hà Nội. Đêm thơ ấy vào mùa đông. Giữa cái rét căm căm và giữa bao bài thơ tình yêu với nhiều cung bậc và lóng lánh sắc màu thì lời thơ giản dị của Giáng Vân, một cô gái nhỏ bé gầy gò lại át đi tất cả: “Ta là con gái nhà quê. Một mình bước đi trên phố dài. Lòng nhớ nắng và nhớ gió... Ta là con gái nhà quê. Đã lâu rồi ở phố…”. Những câu thơ của cô gái xứ Nghệ như phả hơi ấm của bếp lửa, của trái bắp luộc, của củ khoai lùi, của bàn tay xiết chặt bàn tay… hơi ấm của ngày hôm qua, hơi ấm của những khoảnh khắc lưu mãi trong cuộc hành trình hữu hạn của đời người. Ai đó từng nói, có thể tách một người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách khỏi quê hương trong họ. Cũng như tôi, thời gian và nghề nghiệp có thể tách tôi rời xa quê nhà nhưng không thể tách khỏi quê nhà trong tâm khảm và cái chất nhà quê trong máu thịt tôi.
Và chẳng đâu xa, tôi lại bắt gặp hơi hướm quê nhà nơi cái góc nhỏ thân quen.