Suốt ba năm cấp ba, tôi trọ học tại nhà anh cu Dần. Anh tên Nguyễn Văn Dần, nhưng người trong thôn ai cũng gọi là anh Cu Dần, bởi lẽ anh có đứa con trai ba tuổi. Ở vùng quê này, ai có con trai đầu lòng thì đều nghiễm nhiên được gọi là bố cu.
Anh Dần là đội trưởng đội nổ mìn phá đá của hợp tác xã. Nói là đội chứ thực ra chỉ có ba người. Anh Dần trẻ nhất, hai sáu tuổi, còn hai người kia thì ai cũng đã tròm trèm gần sáu chục. Vào những năm 66 – 67, ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, bói đâu ra trai tráng. Việc anh Dần hai sáu tuổi mà còn được sống ở nhà, cứ như chuyện lạ. Cả xã hiếm đàn ông nên anh Dần trở thành của qúy, của đắt hơn vàng ròng. Bởi vậy anh Dần mới cưới được người vợ đẹp nhất làng. À, mà không, chị Dần chỉ đẹp nhì làng thôi, em gái chị là chị Lý, còn đẹp gấp đôi chị ruột của mình. Chị Dần mới hai bốn tuổi, non nỏn trắng như bông chanh bông bưởi; đứng gần chị, tôi có cảm giác như người chị tỏa hương thơm phảng phất.
Hỏi vì sao anh Dần không đi bộ đội. Đơn giản lắm, lần khám nghĩa vụ nào anh cũng bị loại. Nhiều người xầm xì rằng, mỗi lần có đợt tuyển quân, chắc chắn anh Dần uống thứ thuốc gì đó, làm cho nhịp tim bị rối loạn. Họ có lý của họ, bởi nhìn bề ngoài, anh Dần cường tráng lắm, cơ bắp nổi cuồn cuộn.
Một buổi chiều trời đổ mưa lắc rắc, tôi thấy có anh thanh niên khoảng mười bảy, mười tám tuổi, trùm áo mưa tìm tới xin gặp anh Dần. Bấy giờ tôi đang ngồi giải toán lượng giác, bỗng nghe đánh bốp một tiếng, quay lại thì nhìn thấy anh thanh niên nọ bị chảy máu ở mũi.
Khi anh thanh niên ấy đi rồi, anh Dần nói với tôi:
- Thằng chó! Hắn đưa tiền, bảo anh chỉ cho hắn cách đi tuyển quân bị loại.
Trưa hôm sau, tôi đang ngồi đọc cuốn “Đất vỡ hoang” của Sô Lô Khốp, thốt nghe có tiếng con gà mái kêu quác quác. Con gà nhảy từ trên bàn thờ xuống nền nhà, đập cánh chạy vòng vòng, máu nhểu xuống từng giọt. Lúc anh Dần từ lèn đá về tới, tôi đem chuyện đó kể với anh. Anh Dần nghe xong, tự nhiên mặt xanh lét, tưởng chừng cắt không ra giọt máu.
Đứng chết trân một lúc, anh Dần nói với tôi:
- Chắc có chuyện rồi.
Qủa nhiên đúng thật như vậy. Chưa đầy một tuần đã có tin báo về làng, anh Mão , em ruột anh Dần, là bộ đội cao xạ ở núi Quyết, đã hy sinh vì bom Mỹ ném trúng khẩu đội pháo của anh.
Cuối tháng 5 năm 66, lúc chị Dần gần tới ngày sinh, anh Dần tự nhiên lăn ra bệnh, người nhà phải đặt anh Dần lên võng, dùng đòn tre chở đi bệnh viện huyện bằng hai chiếc xe đạp.
Lúc mới ngã bệnh, anh Dần gọi tôi đến nói:
- Nhà anh ở thoi loi ngoài rìa làng, nếu chị chuyển bụng, em kêu chị Lý giùm anh.
Anh Dần đi viện được hai ngày, sang ngày thứ ba, chị Dần bụng mang dạ chửa cũng theo mấy bà trong làng đi bộ cả chục cây số xuống cửa biển Lạch Quèn, bới bùn bắt đồn đột. Chị đi từ sáng sớm, tới gần chiều tối mới về tới. Trong cái oi tre, có dễ phải gần hai cân đồn đột.
- Con ni bổ lắm! Chị bắt để làm thức ăn, gởi lên cho anh bồi dưỡng.
Con đồn đột qủa là ngon và bổ thật. Con nào cũng to cỡ ngón tay cái, khi để yên, phần ruột bên trong của nó cứ hết thò ra lại thụt vô, bởi vậy ở Quỳnh Lưu, bà con mới gọi là con C. lỏ.
Đêm hôm đó trời đổ một cơn mưa rất lớn vào lúc gần nửa đêm. Tôi đang ngủ, bỗng giật mình nghe tiếng chị Dần rên ở trong buồng. Ngồi hẳn dậy, tôi nghe tiếng chị Dần:
- Em kêu cái Lý giùm chị. Nhanh lên em, chị sắp đẻ em bé rồi.
Trùm miếng ni lông lên người, tôi lò dò lúc đi lúc chạy trên con đường làng trơn như đổ mỡ. Nhờ sấm chớp nhì nhằng mà tôi mới thấy đường. Chặng đường khá xa, vì chị Lý với người mẹ già sống ở tít rìa làng phía bên kia. Khi tới nơi, tôi phải gọi chừng vài phút chị Lý mới nghe. Nghe xong, chị Lý cuống quýt chuẩn bị mấy thứ đồ đạc gì đó, rồi hấp tấp dúi cây đèn bão cho tôi, giục tôi chạy thật nhanh.
Gió chuyển đùng đùng, mưa quất ràn rạt, mới ra khỏi nhà hơn trăm mét, cây đèn bão đã bị gió thổi tắt phụt. Tôi với chị Lý không còn thấy đường mà chạy, phải lần lần từng bước mà đi. Đang đi, tôi nghe đánh ùm một tiếng. Thì ra chị Lý bị trượt chân ngã xuống ao. Rất may là giỏ đồ lại văng trên đường. Kéo được chị Lý lên bờ, chúng tôi lại lò dò mà đi.
Chúng tôi về tới nơi thì chị Dần đã trong cơn quằn quại sinh nở. Đêm hôm mưa gió, không biết nhờ vả ai, chị Lý lôi tuốt tôi vào buồng để giúp chị một tay. Bấy giờ tôi đã học lớp mười, đã biết xấu hỗ về những chuyện đàn bà này nọ; nhưng tôi không giúp, thì một mình chị Lý làm sao mà xoay xở nổi. Mà chị Lý cũng chỉ mới qua tuổi mười chín, đã biết đõ đẻ là gì đâu. Chị Dần vừa rên vừa chỉ bảo công việc cho hai chúng tôi. Cứ nhìn cung cách chị Dần quằn quại, tôi cũng hiểu là chị đau lắm. Không ngã xuống mương như chị Lý mà lưng áo của tôi cũng đẫm mồ hôi.
Vậy mà rồi chuyện sinh nở của chị Dần cũng xong xuôi trót lọt. Thằng bé khóc oa oa như vỡ trời. Nó ra đời được vài phút thì có hai ba người đàn bà từ trong làng ra tới. Chắc là bà mẹ mù lòa của chị Lý đã nhờ họ. Khi họ dùng khăn nhúng nước nóng lau người cho thằng bé, không hiểu vì sung sướng hay vì xúc động, tự nhiên chị Lý kéo đầu tôi, hôn lên má tôi đánh chụt một cái. Thú thật, chỉ chừng đó mà tôi ngây ngất, bần thần mất mấy ngày.
Đó là mấy ngày tôi học không được chữ nào vào đầu, lúc nào cũng nghĩ vẩn vơ: nhất gái hơn hai nhì trai hơn một. Chị Lý chỉ hơn tôi gần hai tuổi, không hiểu tôi có yêu chị Lý được không. Xét về tuổi thì chị Lý hơn tôi, nhưng xét về việc học hành, tôi hơn đứt chị Lý những ba lớp. Vậy là tôi cũng có chỗ để mà hơn chị Lý. Vậy thì tại sao tôi lại không yêu chị Lý được nhỉ?
Buổi sáng sau đêm chị dần sinh con, chị Lý mượn người làng được cái xe đạp thống nhất, nhờ tôi đi báo tin cho anh Dần.
Mới thấy toôi, anh Dần đã hỏi:
- Chị sinh rồi hả? Con trai phải không? Sinh tại nhà phải không? Đêm qua anh mơ thấy như vậy. Em đem chỗ đồn đột này về. Nói chị đừng lo chi cho anh. Cơm bệnh viện có cá, có thịt, nỏ thiếu chi mô.
Trời ạ, anh Dần nói cứ như có thánh thần mách bảo. Tôi nhớ hồi năm ngoái, anh Dần nói là đi củi trên núi hôm sau mới về, vậy mà mới tám giờ tối trong ngày anh đã quay trở về. Dúi cái xe đạp mượn của bà chị họ vào vách nhà xong, chẳng nói chẳng rằng một tiếng, anh Dần lật đật bỏ nhà đi ngay. Đêm hôm đó cha anh ở làng bên hấp hối, sáng hôm sau thì mất.
Ma chay xong xuôi, anh Dần mới kể cho tôi nghe. Rằng lúc anh đang đổ dốc gần ga Cầu Giát, xe đang chạy ngon trớn thì bỗng bị lật ngang, quăng anh xuống đường, trầy cả trán. Dựng xe dậy, đạp được chừng nửa cây số, đang trên khúc đường bằng, tự dưng không đâu anh lại ngã lần nữa. Rồi ngã thêm lần nữa. Sau lần ngã thứ ba, anh đang cố đạp xe đuổi theo cho kịp người làng, thì bánh trước bị xì hơi. Mở bộ đồ nghề anh mới biết hộp keo dán đã hết từ hồi nào.
- Anh xuống ruộng đập được con nhái, lột da nó đắp vào chỗ thủng. Bơm xong bánh xe, bỗng anh thấy sây sẩm cả mặt mày, thấy ông cụ hiện ra gọi anh về gấp. Đạp xe về tới ngõ xe mới xì hết hơi.
Một lần khác, tôi đang ngồi viết bài tập làm văn, thốt nhiên thấy anh Dần từ trong buồng bước ra, nói:
- Em có nghe tiếng chi không? Hình như có người ngã chúi đầu xuống mương, sắp chết rồi. Phải nhanh lên mới kịp.
Nghe anh nói, tôi rùng cả mình. Cơn rùng mình chạy thon thót từ gáy xuống thắt lưng, rồi dội ngược từ thắt lưng lên gáy; rần rật, rần rật tới mấy lần. ngọn đèn dầu đang cháy, tự nhiên loe lóe mấy cái rồi lụn xuống, rồi phực lên, tim đèn xòe ra mấy cái hoa lửa đỏ đòng đọc.
Tôi theo anh Dần chạy ra ngoài. Màn đêm đặc quánh như có thể cắt ra được thành từng miếng. Gần tới nông giang, chỗ có con mương dẫn nước vào đồng, qủa nhiên thấy có một người nằm dưới mương. Ông ta nằm úp sấp, mặt vục dưới nước, hai chân gác trên bờ. Anh Dần nắm hai chân ông ta, kéo vắt qua vai rồi nhảy xốc lên xốc xuống cho nước ộc ra ngoài. Sau đó anh cứ thế cõng ông ta chạy thẳng về nhà, dùng dầu cù là xoa lên bụng, lên ngực, lên lưng vài hai bên thái dương ông ta, cứu được ông ta tỉnh dậy. Đó là người đàn ông tâm thần ở Quỳnh Đôi, bị động kinh ngã xuống nước.
Còn một chuyện nữa rất lạ mà tôi không thể nào quên đựoc. Hôm đó có mấy người phụ nữ đang làm cỏ khoai ngoài đồng, một chiếc F105 đi đánh bom ở đâu về, ngang qua cánh đồng, nó trút nốt hai qủa bom còn lại; qủa bom rơi đúng ngay chỗ mấy người đang làm cỏ. Do chạy không kịp, có ba người bị chết. Một trong ba người đó bị mảnh bom cắt mất một mảng đầu, không sao tìm thấy được. Người làng quàn xác họ, chờ đến hôm sau mới chôn. Tảng sáng, anh Dần nói với tôi:
- Đêm qua bà Sung về đứng đầu giường anh, nhờ anh ra vũng nước gần gò mả, lấy giùm bà miếng đầu bị mất. Đi! Anh em mình tới chỗ nớ mò thử coi!
Quanh gò mả chỉ có một vũng nước, to khoảng bằng ba cái nong, nước chỉ sâu tới đầu gối. Anh Dần đứng nhắm mắt bên vũng nước một hồi rồi mới lội xuống. Chỉ thò tay xuống nước có một lần, anh Dần đã lấy được miếng đầu của người đàn bà xấu số lên.
Khi về tới làng, tôi đem chuyện giấc mơ của anh Dần kể cho chị Lý nghe. Nghe xong, chị Lý nói với tôi:
- Anh Dần có linh thánh chi trong đầu tề. Bữa nớ hợp tác xã cử người đi dọn đống đá xanh, dọn xong một nửa, anh Dần nói mọi người dừng lại, chạy đi kiếm cho anh cái gậy. Biết chi không? Anh dùng cây gậy nớ, bẩy từng cục đá ra. Bẩy được khoảng hai ba chục cục đá, bỗng thấy con rắn ngóc đầu lên, phùng mang phun nọc phè phè. Con rắn to như bắp tay, hắn mà cắn ai một cái thì sống chi nổi.
Lần chị Dần sinh con, anh Dần nằm bệnh viện gần ba tuần lễ; khi anh trở về, mái tóc đang xanh tốt của anh đã rụng gần một nửa, trên đỉnh đầu sói một đám nhẳn thín, to bằng cái bát ăn cơm. Người anh xọp đi trông thấy.
Vào một sáng chủ nhật, tôi với chị Lý rủ nhau đi củi cùng với người làng. Trước khi đi, anh Dần nói:
- Nhớ đem theo ni lông. Coi chừng bữa ni có mưa.
Hồi đó, cả làng chỉ vài nhà có xe đạp, việc đi củi chủ yếu là đi bộ. Nếu đi kiếm củi bổi ở nơi gần nhất, cũng phải đi từ hai ba giờ sáng, tới chín mười giờ tối mới về tới nhà. Khi tôi với chị Lý gánh củi về gần tới ga Cầu Giát, qủa nhiên rời đổ mưa sầm sập như trút nước. Đang tháng mười một mà có mưa thì đúng là chuyện lạ. Tôi với chị Lý bỏ hai gánh củi lại bên đường, trùm ni lông chạy vào kho phân đạm của hợp tác xã trú mưa. Số người làng đi củi không ai có ni lông, đằng nào cũng đã bị ướt, nên họ cứ đội mưa mà đi tiếp.
Cơn mưa trái chứng kéo dài cả hai tiếng đồng hồ, dông giật bần bật bần bật. Hai chúng tôi ngồi trước mái hiên sân kho bốc mùi nồng nặc. Ngoài trời, mưa chạy rào rào, bụi mưa bốc trắng xóa. Mưa dày đặc đến nỗi, ngồi dưới mái hiên nhìn ra ngoài đường cái, chỉ thấy mờ mờ bóng người còng lưng đạp xe.
Chị Lý nói:
- Rét dữ hề! Mấy người nớ dầm mưa gánh củi, mần răng nỏ có người bị bệnh. Anh Dần nói linh rứa đó!
Dứt cơn mưa, chúng tôi mới gánh củi đi tiếp. Qua được ngã ba đổ xuống Lạch Quèn thì trời đã tối sầm như bưng lấy mắt. Đang đi, bỗng tôi nghe có tiếng bánh xe cải tiến kêu lạch cạch phía trước. Mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng tôi vẫn nghe rất rõ tiếng anh Dần:
- Thằng Toàn với con Lý phải không? Anh đem xe ra chở củi cho nì!
Tôi phục anh Dần sát đất. Tối thui như đêm ba mươi, mà không hiểu vì sao anh vẫn nhìn thấy chúng tôi.
- Có chi mô, anh nhìn thấy trong đầu, chứ mắt có thấy chi. Đêm ni mần răng cũng có mưa nữa cho coi.
Gần tới nửa đêm, khi chúng tôi đẩy xe củi về tới nhà, thì trời trở mưa nặng chình chịch, lạnh tới nổi da gà. Cơn mưa đang sà xuống rất thấp.
- Con Lý ở đây ăn cháo rồi nghỉ ngơi, tới sáng mai hãy về. Sắp mưa to đó.
Chị Lý nghe lời anh rễ nghỉ lại.
Anh Dần ngủ trong buồng với vợ. Chị Lý ngủ trên cái giường một hàng ngày tôi vẫn ngủ. Còn tôi mắc màn ngủ trên bộ ván ngựa. Đi bộ cả ngày, vừa đặt lưng xuống tôi đã ngủ say như chết.
Gần tới giờ đi học, anh Dần phải đánh thức tôi mới dậy nổi. Khi xếp chăn màn, tôi thấy dưới gối có miếng giấy với dòng chữ: Tối nay đi Quỳnh Thọ coi phim không? Lý đợi ở cầu đá.
Làm sao Lý lại nhét được miếng giấy dưới gối của tôi nhỉ? Để làm được điều đó, chắc chắn Lý phải chui đầu vào màn mới nhấc được đầu tôi lên mà nhét miếng giấy xuống dưới gối. Không biết lúc đó tôi nằm nghiêng hay nằm ngửa. Tôi có tật khi trời lạnh thường nằm co lưng tôm, hai tay nhét vào giữa hai đùi để sưởi ấm. Lý mà thấy tôi nằm kiểu đó, làm sao tôi còn dám vác mặt đi coi phim với Lý.
Nói vậy chứ mới năm giờ chiều, tôi đã thay bộ cánh mới, một mình lót tót hăm hở đi về phía cầu đá bên kia làng. Đang đi thì tôi chạm mặt với cái Hòa học cùng lớp. Nó chặn tôi lại, nói:
- Đi coi phim phải không? Đợi Hòa về cất đồ rồi cùng đi cho vui. Tối ni chiếu phim “Chú bé Di Gan”, nghe nói hay lắm. Đứng đây đợi hì!
Cái Hòa vừa đi khuất, tôi đã lủi ngay ra sau gốc cây gạo ngồi trốn mọi người để đợi Lý. Từ chỗ thấp, tôi nhìn thấy cái Hòa đi ra, đến đứng ngay trên cầu đá. Nó mặc áo cánh hoa, tóc đánh bím vắt vẻo hai bên mang tai. Nhìn cung cách, tôi biết tỏng nó có ý đợi tôi, tìm tôi. Bấy giờ sao mà tôi ghét nó thế. Miếng giấy có dòng chữ của Lý, nằm trong túi áo ngực của tôi, cứ run lên bổi hổi. Hòa đứng trên cầu gần nửa tiếng rồi quay trở về. Khi Hòa vừa đi thì Lý tới. Nhưng không phải Lý đi một mình. Cùng đi với Lý còn có hai ba chị thanh niên trong làng. Đến giữa cầu đá thì cả tốp dừng lại. Hình như họ chờ tôi. Họ đứng chờ khoảng mười lăm hai mươi phút gì đấy rồi mới đi.
Cảm thấy mình như người bị phản bội, khi thấy Lý và mấy người bạn vừa đi khuất, tôi móc miếng giấy ra xé vụn, thổi bay tán loạn vào không trung, rồi thất thểu quay trở về.
Thấy tôi, anh Dần nói:
- Sao nói đi coi phim mà không đi? Đi đi! Anh biết chắc con Lý nó chờ em ở chỗ cầu gỗ Quỳnh Thọ đó. Đi đi!
Tôi đến chỗ cầu gỗ Quỳnh Thọ thì thấy Lý đứng ở đó thật.
Đêm đó tôi ngồi coi phim mà không nhớ được gì. Phim thời chiến thường chiếu rất muộn. Người đi coi đông lắm. Không phải dân tại chỗ, mà dân ở mấy xã xung quanh cũng đi. Đông nhất có lẽ là đám con nít lít nhít mười ba mười bốn tuổi. Đông người thì hay chen lấn, bởi vậy tôi với Lý cứ bị họ ép dính sát vào với nhau. Hai chúng tôi ngồi ở giữa bãi, tôi cảm nhận hơi ấm từ người Lý truyền sang tôi rạo rực. Ở cái tuổi gần mười tám, trí tưởng tượng của tôi bay bổng đến vô cùng, lặn hụp đến vô cùng.
Phim chiếu được gần một nửa, bỗng tiếng kẻng phòng không nổi lên dồn dập. Đèn chiếu phụt tắt, bóng đen chụp xuống như chảo úp. Tiếng máy bay nổi lên u u như biển động từ phía Lạch Quèn vọng tới. Thế rồi cầu gỗ Quỳnh Thọ bị đánh bom. Tiếng bom nổ chói lói, xé gió ràn rạt tới kinh người. Trong bãi, người đi xem hoảng hốt, vùng chạy tản ra tứ phía.
Lý ôm chầm lấy tôi, nói:
- Đừng chạy! Chạy tới chỗ mô cũng rứa à! Không khéo lạc nhau đó.
Đạn phòng không từ mặt đất bắn lên trời như vãi trấu. Đạn lửa dẫn đường uốn cong queo trên không trung như những con rồng đỏ. Pháo trung cao nổ đoàng đoàng. Pháo đại cao nổ chụp chụp. Đèn pha chiếu lên trời sáng quắc. Thấy rõ những chiếc phản lực bay chúi chúi như kẻ trộm bị rượt đuổi. Trong cơn hoảng loạn, bọn giặc lái bắt đầu cắt bom một cách bừa bải. Bắt chước mọi người, tôi và Lý cũng nằm lăn xuống đất. Cứ mỗi lần bom nổ ở đâu đó, Lý lại ôm chầm lấy tôi, nói vào tai tôi:
- Nỏ sợ hề? Nó ném bom tít bên kia sông tề.
Khi tiếng kẻng báo yên gióng lên rộn rả, buổi chiếu phim lại tiếp tục; người ta lại chen lấn nhau để giành cho đượcchỗ ngồi tốt nhất trong bãi chiếu. Tôi và Lý lại tiếp tục bị người ta ép dính sát vào nhau như cặp sam biển.
Mãi tới nửa đêm bộ phim mới chiếu hết.
Không may cho dân Quỳnh Ngọc chúng tôi là cầu gỗ Quỳnh Thọ bị đánh sập. Đêm hôm khuya khoắt, lại thêm cái rét cuối năm, không một ai dại gì lại bơi qua sông; người ta mạnh ai nấy tản ra, tìm chỗ trú qua đêm. Tôi với Lý cũng vậy. Chúng tôi tìm được một cây rơm, mỗi người moi một cái lỗ, rồi chui vào đó ngồi tránh rét. Tiếng là mỗi người một ổ, nhưng chúng tôi vẫn gần nhau trong gang tấc, vẫn cảm thấy nhau trong từng cái cựa mình, vẫn chạm vào nhau đến bần thần hồi hộp.
Sáng hôm sau, tôi phải nghỉ mất một buổi học, vì về tới nhà đã chín giờ sáng.
Anh Dần nhìn tôi, cười cười, nói:
- Phim đêm qua hay không? Bom nổ gần lắm phải không?
Cuối năm học đó, tôi thi xong lớp 10, rồi thi đậu vào trường đại học Mỏ – Địa chất. Học xong năm thứ nhất thì tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Trước khi lên đường, tôi có trở lại Quỳnh Ngọc, tìm thăm anh Dần và Lý.
Xuống ga Cầu Giát, tôi gặp một người quen ở Quỳnh Ngọc thồ su hào đem đi bán. Anh ta nói với tôi là anh Dần đã mất, mất ngay sau khi tôi xa Quỳnh Ngọc được vài tháng. Bấy giờ ở Quỳnh Ngọc thành lập được một tổ súng máy phòng không, đặt trực chiến ngay trên lèn đá. Anh Dần là tổ trưởng. Hôm ấy đến phiên trực chiến của anh. Trời nắng chang chang như đổ lửa. Lèn đá không một bóng cây, tha hồ cho nắng nhảy múa rung rinh tới chói mắt. Gần giờ ngọ người đổi ca mới lên tới. Anh Dần nói với anh ta là anh cảm thấy hơi bị choáng váng trong đầu, chắc kỳ này máy móc trong người anh có vấn đề trục trặc gì đây.
Người thay trực cho anh là ông phó chủ nhiệm hợp tác xã, đã gần sáu mươi tuổi. Ông ta cười với anh Dần, nói đùa:
- Ông mà đi thật, nhớ nói với vợ đừng chê tôi tra hề. Làng mình chừ còn đàn ông mô nữa mà chê. Phụ nữ ở không uổng lắm. Thiếu đàn ông thì đàn bà con gái còn ra chi.
Bốn giờ chiều, ông phó chủ nhiệm vác súng xuống gần chân lèn đá thì thấy anh Dần đang ngồi tựa lưng bên một phiến đá lớn. Tưởng anh Dần ngủ gật, ông này vung tay đập mạnh một cái xuống vai anh, không ngờ anh Dần từ từ ngã xuống; nghe tim thì thấy anh đã chết từ hồi nào, da thịt đã lạnh ngắt.
Hôm tôi trở về trường để chuẩn bị nhập ngũ, Lý mượn được chiếc xe phượng hoàng chở tôi ra ga. Gần tới Cầu Giát, hai chúng tôi nghỉ uống nước ở một quán nước chè ở bên đường.
Lý nói với tôi:
- Hình như đêm nớ anh Dần kéo xe cải tiến tới chỗ ni thì gặp mình, phải không hề? Anh Dần linh rứa, mà khi chết, cũng nỏ trối được với ai là anh chết vì bệnh chi cả. Tới tấm ảnh cũng không có tề. Nghĩ thương anh qúa đi. Bao nhiêu người hiểu lầm về chuyện anh không đi bộ đội. Tội rứa đó!
Ừ nhỉ! Tại sao anh Dần lại không để lại được tấm ảnh nào? Ngay gần Ủy ban xã cũng có cái hiệu ảnh của một ông từ thị trấn sơ tán xuống, còn đi học, phải xin tiền nhà, vậy mà tôi còn đến đó chụp ảnh mấy lần. Con người của anh Dần coi đơn giản vậy mà cũng có biết bao nhiêu điều kỳ bí. Như cái chuyện anh nói với tôi là Lý đợi tôi ở cầu gỗ Quỳnh Thọ. Tại sao anh lại biết là Lý đứng đó đợi tôi. Tôi nhớ buổi sáng tôi với Lý chui ra từ hai cái ổ rơm, khi ngồi đợi đò, Lý đã nói với tôi, rằng hôm đó đang đi với mấy người bạn, tự nhiên Lý thấy như có ai níu chân mình lại, bảo mình phải đứng đợi ở bên cầu. Vậy là Lý bịa ra lý do để đứng lại một mình đợi tôi.
Tôi đang mãi nghĩ lan man ở trong đầu thì nghe tiếng bà chủ quán nhắc:
- Vợ chồng nhà anh chị đèo nhau ra ga phải không? Mười một giờ khuya mới có tàu Bắc. Mà… mới cưới hả? Ai bây giờ trước khi đi bộ đội cũng cưới vợ. Như cậu cả nhà tôi, cưới vợ năm 60 rồi đi thẳng vào Nam tới giờ, nỏ biết sống chết mần răng, tội nghiệp con vợ nó, đêm mô ngủ một mình cũng cắn gối mà khóc. Phải như vợ nó kịp đẻ với nó một đứa con thì cũng bỏ công đợi chờ từng nớ năm vò võ. Đàn ông thời chiến qúy như vàng ròng đó cô ơi, tranh thủ mà đẻ con sớm với người ta đi. Tui tra rồi, tui cứ nói thật rứa đó.
Nghe bà lão bán quán nước nói vậy, tự nhiên tôi nhớ hôm chia tay anh Dần ra Phổ Yên đi học, anh có nói với tôi:
- Em sống với anh chị suốt ba năm trời, anh nói thật với em như ri này. Chiến tranh đùng đùng, liệu mà cưới vợ đi, để lỡ có đi chiến trường cũng có được đứa cháu cho bà nội, bà ngoại hôn hít. Không kiếm được ai như ý thì về đây anh tìm giúp cho.
Nhớ lại câu nói của anh Dần, tôi quay sang nói với Lý:
- Chị Lý này, anh Dần hứa giúp cho tôi, mà chưa kịp giúp chi đã đi rồi.
Lý không biết, hỏi:
- Anh Dần hứa giúp chi?
Bà lão bán quán nước nghe chúng tôi nói vậy, ngồi ngẩn ra một lúc rồi mới lên tiếng:
- Ra anh chị nỏ phải vợ chồng, rứa mà tui cứ tưởng…
Thấy vui vui trong lòng, tôi nắm bàn tay nhăn nheo vì tuổi tác của bà lão, nói với bà:
- Bà ơi! bà có biết anh Dần ở Quỳnh Ngọc không? Anh ấy hứa giúp con cưới vợ đấy. Bà không biết à? Anh Dần tên là Dần, Nguyễn Văn Dần, tổ trưởng tổ nổ mìn phá đá của đội bảy, hợp tác xã Quỳnh Ngọc. Bà nhớ chưa bà? Nguyễn Văn Dần nhé bà!