Từ quầy thuốc Tây bước ra, ông Bách cầm nắm tiền còn lại trong tay, nhẩm tính: Mỗi vỉ mười viên, mua bốn lần bốn vỉ, tất cả đã được bốn chục viên, đủ rồi. Thứ thuốc Ốp-ta-lin-đon này được bọc đường ngọt ngọt, uống như ăn kẹo, không biết ngán. Ông Bách chợt cười thầm cái tật của mình. Mẹ nó, chết cũng không sợ, chỉ sợ thuốc đắng.
Gần Tết, xe cộ rời bến chật ních người mà ông lại lười không muốn tới bến. Đang ngóng đứng đón xe về nhà, một thằng bé khoảng mười tuổi, mặt mày sáng sủa đến bên ông nài nỉ:
- Ông ơi, ông mua giúp con vài tờ vé số…
- Thôi mày ơi, tao không ăn thua với nhà nước.
- "Ăn thua" gì ông? Kiến thiết mà…Mua vé số mừng xuân, tết này vô độc đắc, ông tha hồ dẫn bà đi du lịch.
- Tía mày. Chắc trúng không?
Ông Bách thấy thằng nhỏ nói chuyện dễ thương nên buông lời chọc.
- Trúng mà…
- Trúng thì mày đem về cho cha mày tết này lĩnh thưởng.
- Cha mẹ con chết hết rồi…Họa may phần số ông trúng độc đắc…
- Dẹp đi mày. Phần số gì…
Nghe thằng nhỏ nói mà ông tức cười. Ông mua vé số từ trước ngày miền Nam giải phóng, hồi đó mỗi tuần chỉ mở xổ số có một lần, giờ đây mỗi ngày mỗi mở…Nếu chịu để dành dám có cả tấn giấy chớ không ít. Phần số, họa may gì với năm con số lộn xuôi, lộn ngược đó. Ngay cả lô đầu tiên có hai con số mà đánh đề hoài cũng không trúng. Có thể ví cái phần số trúng độc đắc với sự mong ước "Cò ỉa vô miệng chai"lắm. Trên trời cao bao la, cò thỉnh thoảng bay qua từng đàn nhưng biết khi nào nó bay qua chỗ mình và khi nào thì nó ỉa, mà ỉa sao vô được cái miệng chai nhỏ xíu mình hứng dưới đất? Khỏi ví von chuyện "mò kim đáy bể" vì thời đại bây giờ chuyện đó còn có thể làm được nếu như con người muốn làm.
Thằng nhỏ đang trố mắt nhìn nắm tiền trên tay ông với cái nhìn xúi giục. Nghe ông nạt với giọng cáu gắt nó riu ríu quay đi, miệng còn lẩm bẩm than thở:
- Bữa này "ôm" nữa rồi…
- Ê, này nhỏ!
Ông Bách gọi giật vì ông thấy tội nghiệp. Nó bán không hết vé số, giờ này mà còn ôm cả cọc, lỗ thấy cha, không gạo ăn nữa. Chuyện đời mà… Thằng nhỏ nghe gọi, mừng húm quay lại với nét mặt tươi như cô gái đang tươi cười trong tấm vé số mừng xuân trên tay.
- Đây, chừa lại một ngàn đi xe còn bao nhiêu cho mày đó…
Thấy ông đẩy cọc vé số lại và đưa cho nắm tiền, thằng nhỏ chợt hiểu, nó mừng rơn, hấp tấp quay đi. Đi được dăm bước, khựng lại và nó do dự đến bên ông.
- Dạ, nhưng bà con đánh chết. Bà dặn, bán vé số chớ không phải đi xin…
- À…Cái này thì bà mày nói đúng, trúng ý tao quá. Phải sống có liêm sỉ. Có được mấy người nghĩ như bà mày hả? Hì…hì…phải tao với bà mày còn trẻ…Đâu…đâu, đưa đây…Mười, mười một, mười hai,mười ba ngàn tất cả. Đủ rồi đó! Cho mày bà tờ loại một ngàn, tao lấy hai tờ loại năm ngàn có lịch để coi ngày chơi…
- Đi không bác Độ?
- Ơ…đi. Tới ngã ba ông Độ nghe!
Ông vừa trả lời vừa nhảy lên chiếc xe lam mà anh tài xế vừa rà thắng chạy sát bên mình. Thằng nhỏ nhe hàm răng trắng cười nhìn theo ông với cái nhìn biết ơn. Bàn tay nhỏ nhắn của nó giơ lên vẫy vẫy từ biệt…
Xe bon bon trên đường tráng nhựa, ông Bách chợt cười khì khi nhớ tới lời dặn dò thừa thãi của mình vừa rồi. Anh tài xế này biết gọi biệt danh của ông, ắt phải biết chỗ dừng cho ông xuống. Từ lâu, người ta gọi cái ngã ba bên hông nhà của ông là "ngã ba ông Độ", bởi vì họ gọi ông là "ông Độ, bác Độ, chú Độ…" ngỡ như "Độ" là tên cúng cơm của ông. Thật ra, cha mẹ đặt cho ông cái tên Bách với mong ước ông sống vững vàng lâu như loài cây bách. Nhưng thiên hạ gán cho ông cái tên của ông thêm chữ "Độ" bởi vì ông ưa bày trò, cá độ với bất cứ chuyện gì.
Hồi còn trai tráng đi gánh đất thuê với mấy anh bạn, ông bị họ khinh khi dáng người nhỏ nhắn yếu ớt. Ông thách họ làm đua. Cùng một khối lượng, cùng bắt đầu một lượt, ai gánh đất xong trước sẽ được hưởng luôn phần công của người thua. Vậy là, có khi ông làm một ngày thành hai, ba ngày, có khi ông phải làm thí công cho người ta. Có bận, cuốc đất mướn giữa đồng nắng cháy, ba bốn đứa mệt lả mồ hôi phải ngồi nghỉ ở bờ ruộng. Nói chuyện tào lao, khích bác nhau một hồi, ông thách cả bọn phun nước miếng ăn tiền công ngày hôm đó. Thế là, gạch mức để ngồi và lần lượt phun. Ông ngồi tập trung tư tưởng nghĩ tới chuyện ăn me chua chấm nước mắm ruốc cho nước miếng tích tụ nhiều trong miệng đủ để "vận nội công" phun mạnh một cái thật xa. Tài năng thì được thưởng,đâu phải trò "cờ gian,bạc lận". Nói chuyện cá độ thì thiên hạ ban cho ông cái tên "Bách Độ" cũng thật xứng đáng bởi ông đã từng bày ra hàng trăm trò cá độ. Ví như : Mưa hay nắng, ngắn hay dài, dai hay bở, dở hay ngon, giòn hay béo, méo hay tròn, còn hay hết, chết hay sống, trống hay mái, đái mau-lâu, đầu hay đít v.v…Nói chung, trò nào cũng có điều kiện phụ kèm theo cụ thể. Bất chợt, rút một tờ giấy bạc trong túi bạn ra thì đã có bao nhiêu trò cá độ, nếu muốn. Hãy đoán thử xem con số đầu tiên hay con số cuối cùng của dãy số trên tờ giấy bạc là số chẵn hay là số lẻ? Hoặc số đầu, số cuối số nào lớn, hoặc cộng tất cả các con số ấy lại được mấy nút? Bao nhiêu đó đủ hơn thua rồi. Ngay cả những trò ông mê khi đã đứng tuổi như đá gà, đá cá, chơi số đề cũng chẳng có gì xấu xa để thiên hạ xem những người như ông là dân "đá cá lăn dưa". Vậy chớ, cả thế giới có biết bao trò chơi tương tự với hàng triệu người cá độ sao không lên án? như bóng đá thế giới v.v…Ông bắt gà hay cá đá nhau thời bị coi là trò vô đạo đức chớ chuyện bắt con người leo lên võ đài đấm nhau ói cả máu thì được xem là bộ môn nghệ thuật. Vậy, ai giỏi nuôi gà, nuôi cá đá độ thử xem có dễ không? Cả một nghệ thuật chớ giỡn chơi à…Một trò chơi không ai buộc ai, không ai tính chắc phần thắng cho mình được, mà đều bình đẳng khi tham gia, có ăn, có thua thì có gì gian lận.
Mãi nghĩ ngợi, xe đến nhà, ông Bách mới giật mình. Đứa cháu thấy ông về vội dọn cơm ra và hỏi:
- Mua được không ông?
- Được…Ờ…
Ông Bách trả lời và chợt nhớ thằng Đậu đang hỏi chuyện mua số đề nhưng ông lại trả lời chuyện mua thuốc. Cảm cảnh cô độc của ông, thằng Đậu-cháu một người hàng xóm đến đây ở được mấy tháng nay. Ông Bách đã nghĩ đến chuyện mai hậu, việc thờ phượng chỉ còn mong có nó.
- Chút nữa xổ số, khui ra con số mười (10) là công của con bàn đó. Mà…Ông nhớ rõ là "thằng" hay "con" ?
- "Thằng" mà…Tao chiêm bao thấy rõ ràng thằng nhỏ lạ hoắc, trần truồng ngồi ở đầu cầu phía trên nước mà ỉa, cứt trôi xuống từng cục, từng cục cong cong như …trái me. Tao còn đánh thêm con số không-một (01) nữa, lỡ nó lộn ngược sao…
- Ờ…vậy cho chắc ăn. Ở truồng thì thấy rõ "cái ấy" chắc ông nhìn không lầm đâu. Chớ nếu là con gái thì chỉ cần đánh con số không-không (00) thôi. Cầu trời lần này cho ông trúng, gỡ nợ, thua hoài phát rầu. Chắc tới giờ rồi, để con bắt radiô nghe ông.
Hai ông cháu vừa ăn cơm vừa lắng nghe buổi mở số truyền thanh đang giới thiệu thành phần tham dự v.v…Họ ăn một cách tự nhiên nhưng không giấu vẻ chờ đợi. Cả hai ông cháu ngưng đũa, ngưng nhai và dường như nín thở nghe cô phát thanh viên đọc…"Các vé tận cùng bằng số ba-một, tức ba mươi mốt…".Hai ông cháu thở dài và im lặng phút giây. Chợt ông Bách bật lên:
- Mẹ nó. Ngu ơi là ngu. Vậy mà bàn không tới…
- Bàn sao cho tới, chiêm bao của ông không linh mà…
- Mày quên là tao bảo cứt thằng nhỏ trôi xuống bên mình tức là lộc trời từng cục, từng cục cong cong như con tôm chứ đâu phải cong như trái me…Lúc mày bàn tao đã mường tượng nghi nghi như vậy mà. Số đề, con tôm là ba mươi mốt (31) mày quên rồi sao.
Ông Bách ra vườn sau xem người ta xây cái kim tĩnh tới đâu rồi. Cái gò đất vườn sau đã được ông chọn làm nơi an nghỉ ngàn đời của mình giờ đây cây trái đã xanh um. Ông lấy việc chăm sóc vườn tược giải khuây cho vơi nỗi sầu. Bà Bách vội ra đây nằm trước đã được ông lo cho thật chu đáo. Còn phần mình, ông không muốn phiền toái đến ai nên cũng đã sớm sắm một cái áo quan và đang xây kim tĩnh đàng hoàng. Sợ sau này con cháu làm ăn không khá đổ thừa tại rể cây xuyên qua mồ mả vợ chồng ông rồi không để cho ông với bà yên nghỉ, nên ông đã thuê người đổ bê tông một lớp dày hơn ba tấc bao quanh. Những cây xoài, mít, nhãn, dừa ở đây đã có trái ăn. Khi trồng ông mong cây trái lôi cuốn con cháu thường xuyên lui tới, vợ chồng ông sẽ đỡ cô đơn. Vậy mà…tụi nó có cần gì tới cây trái của ông đâu. Chưa chết, nhưng ông đã gánh lấy bất hạnh của tuổi già: sự cô độc. Ông Bách ngồi xuống bên nấm mộ của vợ, đưa tay nhổ mấy bụi cỏ vừa mới nhú, miệng thì thầm:
- Bà đừng lo cho tôi nữa. Cũng tại bà không ưa chuyện đánh số đề, nếu không, giờ đây bà linh thiêng về gọi cho tôi một con số, tôi đánh trúng, gỡ nợ, đỡ khổ biết bao. Nhưng trúng số, dư giả mà cô đơn thì có sung sướng gì. Thôi bà đừng vướng bận chuyện đời nữa. Tôi đã sắp xếp chu đáo tất cả, không để dây dưa mang nợ tới kiếp sau đâu. Mà, tôi cũng không để lâm vào cảnh phải bán cả cái gò đất dành cho tụi mình yên nghỉ, bà đừng sợ. Miếng đất trong kinh Trâu, tôi đã bán được một cây vàng, giấy tờ làm xong, hẹn ra giêng sẽ trả, tôi ghi rõ , vàng trả cho thằng Hai , tôi không muốn mang nợ nó. Hứ, nó tưởng ra tiền trả phần nợ của tôi thiếu người ta là có đủ quyền lên giọng dạy đời tôi. Tôi không thể để như vậy được. Đó là điều sỉ nhục đối với tôi làm sao tôi chịu được. Tôi phải trả cho nó, dứt khoát.
Tụi nó xấu hổ vì có người cha như tôi à? Ngay cả con của tụi nó là cháu nội, cháu ngoại của mình, tụi nó cũng không cho lui tới, chúng sợ lây bệnh cờ bạc mà. Bà giận hờn chi tụi nó, cái lũ không đầu, không đuôi ấy sẽ có lúc nghĩ lại. Cục cứt còn có đầu kia mà…
Tụi nó đâu phải từ đất nẻ chui lên. Tuy tôi chẳng phải là quan lớn để chúng nó dựa hơi được cất nhắc, trọng vọng nhưng phải đâu tôi là dân trôi sông, lạc chợ, dân trộm cướp để tụi nó xấu hổ đến vậy. Bà thấy có ai dám khinh khi tôi không. Dù gì, tôi với bà cũng là cha mẹ chúng nó. Mình mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho chúng lớn khôn, học hành nên người.
Ngay cả lúc này, dù tụi nó đã xa lánh tôi nhưng tôi vẫn để ý cuộc sống từng đứa như thuở nào chúng còn chập chững đi. Nó bỏ mình, chớ làm sao mình bỏ tụi nó được…
Chỉ có bà. Hà…Hà…chỉ có bà mang nợ tôi nên phải trả cả cuộc đời. Bà chịu đựng được tất cả, có lúc nghĩ lại, tôi không tưởng nổi bà lại có một sức chịu đựng lạ kỳ đến vậy. Bà sợ tội với phật trời, sợ chạy trốn kiếp này phải trả tiếp kiếp sau…Nhờ vậy, khi tôi vui với bạn bè, bà không nề hà khó nhọc, lụm cụm bên bếp lửa, làm mồi và dọn dẹp, chăm sóc tôi kể cả lúc tôi bệ rạc nhất khi say. Tôi buồn, tôi giận chuyện chi đều trút lên đầu bà tất cả sự bực dọc với những cái cớ thật lãng xẹt, như một cây chổi để không đúng chỗ, một nồi canh nêm hơi mặn. Tôi có lỗi với bà rất nhiều nhưng chưa bao giờ bà bỏ tôi, dù tôi không dám nhận lỗi. Bởi lẽ, đó là cái lỗi của người chồng phải không? Khi bà thương tôi, y như là bà thương luôn cái tật của tôi là cái tật của người cha, có đáng cho tụi nó xa lánh hay không? Bà bênh tôi làm chi để phải gánh chịu tất cả buồn đau. Nghe tụi nó chì chiết, trách hờn đủ thứ, bà cũng im lặng, không dám mở miệng nói với tôi dù chỉ một lời. Bởi vì, ba hiểu tôi hơn ai hết, tôi thích làm là làm, dẫu cha tôi sống lại bảo tôi thôi, chưa chắc tôi đã nghe. Tụi nó đừng nghĩ sẽ dạy được tôi. Tôi chỉ nghỉ chơi khi tôi thích nghỉ.
Ai mà chẳng có cái tật. Không tật về thể xác cũng tật về tính tình.
Thằng Hai mê đá banh từ nhỏ. Mỗi lần nó bị trặc tay, trặc chân mình lo thang thuốc, băng bó. Vậy mà, cấm nó được một ngày , thấy ngồi nhà với vẻ mặt ủ dột, mình chịu không nổi đành cho nó ra sân nữa…Cái đam mê của nó dù mình không ưa, dù mình là cha mẹ có quyền răn đe, cấm đoán, nhưng cấm nó, nó buồn, mình buồn theo, chịu sao nổi…Đó, con Ba bị ba cái văn chương mê hoặc, nghèo rớt mồng tơi không có cơm ăn mà vẫn cứ mê văn thơ, nói chuyện đi mây về gió, phát ghét. Thằng Tư ham làm quan, dù bây giờ chỉ mới làm quan làng nhưng cũng là một thứ đam mê. Biết đâu mai mốt nó trở thành người đứng đầu đất nước này…Tất cả đều là đam mê, thực hiện được thì mình vui vẻ và thấy cuộc đời đáng sống. Còn không sống được với cái đam mê của mình, rõ ràng cuộc đời quá ư tẻ nhạt. Vậy mà, tụi nó muốn tước bỏ cái đam mê của tôi. Tôi nghỉ chơi số đề, tụi nó sẽ nuôi tôi đến chết. Nghĩa là, tôi sẽ được ăn, ngủ và khỏi làm gì cả. Nghe cũng được đó. Nhưng sống như thế khác nào một pho tượng. Lạy trời, con mình có ba đứa, còn số đề tôi có tới một trăm con! Một trăm con này cho tôi biết vui, biết buồn, biết chờ, biết đợi…Tôi đã bị cái bệnh cá độ nhiễm lâu trong cơ thể thành tật mất rồi. Không có chờ đợi, không có hồi hộp, không có mừng rỡ hớn hở, không có thất vọng não nề…tim tôi đập để làm gì? Bệnh còn chữa chớ tật có chết mang theo…
- Làm gì mà âu sầu đó ông Độ? Nhớ bả nữa hả? Trời ơi, đàn bà góa thiếu gì, kiếm bà nào cô đơn về làm bạn cho vui…
- Bầu bạn gì nữa? Bảy mươi rồi chớ còn trẻ sao? Đang lo chỗ nằm bên bả đây.
Ông Bách đứng dậy và giải bày với anh bạn già cùng xóm.
- Ông còn khỏe chán . Đến năm hai ngàn chưa chắc đã chết, lo chi sớm. Ở đâu trong đài nói, tám mươi còn cưới vợ được mà…
- Sớm gì nữa? Thầy bói nói tôi không qua được rằm tháng giêng năm tới đó. Bởi vậy tôi phải lo chu đáo không để phiền phức cho người còn sống.
- Trời đất! Ông tin mấy cha thầy bói được à?
Ông Sáu Rọm vừa nói, vừa cười, bằng cái miệng móm mém chẳng còn cái răng nào cố bập bập điếu thuốc đang cháy ở trên môi. Hai ông cùng vào nhà.
- Tin chớ sao không? Anh có dám cá với tôi không. Nếu tôi không qua khỏi rằm tháng giêng năm tới, tôi mần heo đãi anh. Còn lỡ, tui chết, anh mần heo đãi lại tui chịu hông?
- Thánh thần ơi! Ông muốn mần heo đãi tui và bà con mừng thọ tuổi bảy mươi thì đãi, cá độ gì. Làm sao tui thua được. Lỡ tui có thua, ông chết nhăn răng có còn đâu để mà ăn cá độ.
- Ờ, vậy mà tui muốn cá với anh đó. Tôi chết,con heo của anh thành của tôi đãi bà con, tôi không nợ mọi người. Nè, chịu không, ngoéo tay cái coi.
- Chịu liền, ngoéo thì ngoéo, nè…
Ông Sáu cười tít mắt, cầm chắc phần thắng trong tay với trận cá độ này. Còn ông Bách cười hài lòng, vì không ngờ mình còn có thể chơi một trò xứng đáng, dẫu biết rằng đây là trận cá độ cuối cùng.
*
* *
Từ lúc giao thừa tới giờ, đã xế chiều ngày mùng một, ông Bách nhậu li bì, nhậu liên tục mà không biết say. Hết người này tới người khác đến chúc tết, ông giữ họ lại vui với ông một cách xả láng. Ông uống cho thiệt đã, uống như khát từ đời nào mặc dù rượu ông mua có nồng độ rất cao. Ông muốn say đi để quên, để chôn vùi nỗi buồn tủi đang xâm chiếm trong tâm hồn mình. Tụi nó bỏ ông thiệt mà. Cả ba đứa, chẳng đứa nào đến với ông, với má nó để thắp nén nhang đầu năm cho bả vui cười nơi chín suối. Tại ông không nghe lời khuyên của chúng hay tại lòng con người thời hiện đại bị xơ cứng đi. Còn ông, ông đã thấm thía hết nỗi bất hạnh ấy gặm nhấm tâm hồn ông từng chút một, trong những đêm khó ngủ. Đã bao đêm, ông thức dậy, lọm khọm nhóm bếp, đun nồi nước pha trà và ngồi uống một mình chờ trời sáng. Chỉ có con chó già liếm láp chân ông nhưng nó không biết nói. Đôi mắt già nua, lờ mờ cứ rót nước chảy ra ngoài ly, bỏng cả bàn tay, nhưng ông không nghe đau đớn bằng nỗi đau cô độc đang hành hạ tâm hồn mình. Và, ông nhớ tất cả, từng chuyện nhỏ nhặt về những kỉ niệm xa xưa từ thời lũ con còn đỏ hỏn. Ông đã từng cõng từng đứa trên cổ đi dạo khắp làng. Mỗi bận đầy tháng, thôi nôi , ông tổ chức linh đình, đãi cả làng, cả xóm, có cả múa lân…Có con gà điều, thắng luôn mấy độ, người ta đòi đổi một cặp bò nghé, ông không chịu, thằng hai buộc dây kéo ra sân banh chơi, lôi lết đến gãy đùi con gà, tức sôi gan nhưng thấy nó biết lỗi đứng khóc, ông không nỡ đánh đòn. Đau con gà, sao còn bắt đau cả thằng nhỏ…Cả ba đứa tụi nó cứ đeo lấy ông đòi đi theo coi đá gà, đá cá lia thia và vòi quà mỗi khi ông đi đâu về. Còn bây giờ, ông chỉ còn có…con chó.
- Uống đi cha! Trầm ngâm hoài, bộ tính mần heo đãi sớm. Chờ qua rằm tháng giêng cũng lâu thiệt…
Sáu Rọm đã lôi ông ra khỏi ưu tư phiền muộn.
- Trời ơi, anh khéo lo, từ nào tới giờ, tôi luôn giữ chữ tín. Phần anh, chị sáu có chịu con heo không?
- Hì hì…Anh có chữ tín còn tôi không à? Bả không cho còn có ngoài chợ thiếu gì…Nhưng làm sao mà tui thua được. Anh nhậu từ hôm qua đến giờ chưa xỉn thì đời nào mới chết…
Nhưạ nhựa nói chuyện với nhau, hai ông già quá ư tâm đắc. Mấy người khác xỉn quá nằm lăn ra sàn, ói mửa tùm lum. Kệ, tối thằng Đậu đi chơi về sẽ dẹp. Can rượu ông mua sẵn, có thể uống cả tuần chưa hết. Ngoài ngõ, có tiếng xe lam dừng, hai ông già ngó ra như đang chờ thêm một người bạn nhậu. Nhưng, bước xuống xe là một bà già với một thằng nhỏ. Bà già nói gì đó với cô gái bán thuốc lá ở góc đường rồi ngó vô nhà ông và kéo thằng nhỏ đi vô. Thằng nhỏ đang nắm tay bà già còm cõi đi lụm cụm, nó thấy ông vội buông tay bà già ra, chạy ào vô, miệng la:
- Trúng…trúng…trúng, độc…độc…rồi…
Ông Bách sững sờ nhớ rõ mình chưa…uống mà…Gói thuốc vẫn còn nằm tận dưới chân cái lư đồng trên bàn thờ, chờ ông ăn tết hết. À…tại thằng nhỏ thấy ông xỉn, mặt tái xanh nên ngỡ vậy. Mà sao trông nó quen quen, ông không nhớ con cái nhà ai. Bà già đã bước vô tới, gật đầu chào hai ông già, tay run run khi mở cái ghim tây đang cài chặt túi áo vải để móc ra gói giấy.
Bà bóc lấy mấy tờ vé số và cái miệng móm mém nói đứa quãng:
- Số…cho…ông cho…trung độc…độc đắc rồi…
Thằng nhỏ nhảy tưng tưng với nụ cười dễ thương làm ông nhớ lại và hiểu tất cả. Ông Bách nghe tim mình thót lại, hồn như rời mặt đất lâng lâng còn cơ thể như đã nhiễm quá nhiều men rượu,giết chết cảm xúc để ông không chết ngất đi trước niềm vui bất ngờ này. Ông thầm nhủ, mình hãy bình tĩnh, đưa mắt cảnh giác nhìn quanh và gật đầu trước những con người thân quen. Ông bước đi như mộng du nhưng còn thực hiện được ý nghĩ của mình. Hãy đến bên bàn thờ, tấm vé số mừng xuân có mặt in lịch năm mới với cô gái cười tươi. Phải mất mấy phút sau, khi ông Sáu tuyên bố ông Bách thật sự trúng độc đắc hai trăm năm mươi triệu đồng, ông Bách mới hoàn hồn.
Những người xỉn được lôi dậy, nhảy múa, đổ rượu vào miệng và đổ cả lên đầu một cách điên cuồng. Ông Bách vò đầu thằng nhỏ, hôn lên mái tóc khét nắng của nó mà chợt nhớ đến lũ cháu của mình.
- Trời tối rồi, đèn nhà ông để đâu, tôi đốt giùm cho.
- À…bà chị đốt giùm tôi, đèn, hộp quẹt để trên bàn thờ đó. Hai bà cháu chị cùng tụi này chơi tết ở đây nghen…
Ông Bách nhìn bà già gầy guộc, nhỏ thó đang đốt đèn chợt nhớ đến câu nói đùa của mình với thằng nhỏ hôm nào. Và, ông cũng không quên câu nói chơi với ông sáu Rọm về một người "bạn già" nào đó…ông bật cười khó hiểu. Ông bước đến chiếc lư đồng trên bàn thờ, lấy bốn vỉ thuốc quăng ra cửa sổ, bật cười ha hả…Ông nói rổn rảng:
- Anh Sáu ơi, tui thua anh rồi. Lần đầu tiên trong đời tôi toan ăn gian, nhưng ông Tổ cá độ không cho ăn nên cũng đáng giải nghệ luôn. Phần số vậy mà…Ông lại cười ha hả. Đôi mắt ông ngập tràn hạnh phúc khi thấy thằng nhỏ và bà của nó đang nhìn mình trìu mến. Thế đó: "cò đã ỉa vô miệng chai" rồi. Phải đâu ông là dân cờ bạc?
Châu Phú, 6/ 10/ 1995