Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
942
123.197.176
 
Bóng đổ suốt trăm năm
Lê Hoài Lương

Tôi hoàn toàn không biết cách mở đầu câu chuyện giòng họ tôi như thế nào. Một giòng họ bình thường, tầm thường. Nhưng lại cứ loay hoay muốn đổi đời. Và đã ba thế hệ cho mượn bóng mình để mưu cầu một sự khấm khá hơn cho mình, cho con cháu. Mỗi người một lần chỉ hắt được một cái bóng đâu đó bên lề đời chớ có nhiều nhặn gì. Bao nhiêu bóng rời người, bao nhiêu ảo tưởng. Ở một nghĩa nào đó rất có thể, tôi lại là cái bóng của ba tôi, ba tôi là cái bóng của ông tôi…

 

Có thể. Tôi đã sai lầm vì quá nóng vội sau chuỗi dài loay hoay của cha ông. Và Thuý đã bỏ đi khi thằng Hảo mới hơn bốn tháng tuổi. Cô bảo về thăm cha mẹ ở thành phố. Tôi ngầm hiểu cô tìm nguồn viện trợ: trước đây chưa bao giờ Thuý hình dung được cảnh về làm dâu nơi cái làng quê tận cùng thế giới phải đi qua ba đèo đá cát, mỗi lần kĩu kịt gánh tới chợ mớ củ lang quắt queo, mua về túm mắm, vài bó rau héo xàu. Đứng ngay đỉnh đèo thứ ba cô cởi chiếc nhẫn vàng hồi môn run run đưa cho tôi, hụt hơi: “Anh ráng nuôi thằng Bảo. Em không thể…” Tôi choáng váng. Nhưng vẻ mặt nhẫn nhục, kiên quyết, ráo hoảnh của Thuý khiến tôi hiểu cô đã nghĩ tới điều này từ rất lâu. Tôi vứt chiiếc nhẫn, tài sản duy nhất của chúng tôi vèo xuống chân đèo gào lên man dại những lời chửi rủa tục tĩu rồi quay lưng cái phắc mặc cô lầm lũi xuống đèo. Nhưng tôi đã không đủ sức về nhà ngay lúc đó. Ngã xoài xuống vùng cát sạch không mọc nổi cọng cỏ, lần đầu tiên trong đời tôi ý thức mình đã hoàn toàn mất bóng.

 

Ông nội tôi đi lính cho triều đình thuộc Pháp, lính khố xanh, làm tới chức cai. Giải ngũ về, dân làng cứ chào “anh Cai” dù ông tôi thứ dư, đáng lý gọi là anh dư. Lễ nghĩa phong kiến rất đâu ra đó. Ông cày ruộng lưỡi cày chạm vật cứng, móc lên thấy một miếng kim loại bằng bàn tay, rửa sạch thử mảnh bom hay cái gì- trên vùng đất đầy bom đạn lớ xớ đi không dép bị mảnh kim loại cắt đứt chân như chơi- nhưng không phải mảnh bom vì nó màu vàng như vàng. Dừng bò chạy về hỏi mấy ông địa chủ trong thôn thì họ bảo, hình như vàng nhưng chưa chắc. Một đời nghèo khổ ông nội chưa hề biết vàng thật là gì nên vừa mừng vừa hồi hộp cứ đi hỏi khắp mọi người. Ai cũng biết “ông cai” cày được vàng. Con trai chánh tổng Thậm tới nhà tình nguyện đi tìm người bạn chuyên nghề kim hoàn thử cho chắc. Ông mừng rỡ đưa ngay, mấy ông địa phương làm sao rành bằng người chuyên nghiệp. Hai tháng sau anh này đem về một miếng nhỏ hơn nhiều bảo người ta đã nung chảy để khử tạp chất, hình như nó là vàng nhưng tuổi chưa cao, giá rất rẻ, nếu bán cũng chỉ mua được hơn trăm ký lúa. Ông tôi buồn lắm. Ngỡ được vàng đổi đời hoá ra chỉ trăm ký lúa. Một hôm, ông cai thầu khoán quen biết tới nhà bảo nghe người ta nói miếng vàng ông non tuổi, giá thấp, coi chừng nó xạo, chỗ bạn bè ông để tôi đi kiểm tra lại xem sao? Hơn một tháng sau ông bạn cai thầu nổi tiếng cờ bạc đem trả một miếng cũng vàng vàng na ná và ủ dột bảo, đúng vậy, vàng của ông không có giá trị gì. Ông tôi buồn lắm nhưng cũng lụi cụi khăn gói lên thành phố bán miếng vàng xoàng về làm đám giỗ cha. Chủ tiệm vàng cười ngất, bác ơi, đây là miếng sắt Tây làm đồ hộp, bác bị họ lừa rồi! Ông nội chết sững một lát rồi ngường ngượng bỏ miếng sắt Tây vào túi áo bà ba đi về. Tới dòng sông quê chợt tỉnh, ông móc miếng sắt ném xuống sông, nước mắt ròng ròng. “Thôi mình cứ ăn ở lành hiền, ông trời có mắt!” Ông giải thích với vợ con như thế. Trời có mắt không chẳng rõ nhưng người thì rất dễ mất bóng. Không còn cơ hội nào cho ông, cho con ông.

 

Tôi không chắc nếu ông nội biết mình từng có cái bóng bằng bàn tay và toả thành vài chục mẫu ruộng trên vùng đất cằn cỗi này liệu đời tôi có khác đi không? Thuý có bỏ tôi và thằng Bảo mới hơn bốn tháng tuổi mà đi không? Thực ra tôi cũng không hề giấu diếm hoàn cảnh gia đình mình, vùng quê mình. Chỉ tại nàng không thể hình dung được. Chỉ tại mỗi lần đạp nhàu bóng mình trên cát ngày ngày theo mẹ chồng đến chợ, về nhà, nàng giật mình thấy mỗi lúc bóng nàng càng co lại chăng? Bên đường đèo quê tôi có đống đá vun như cái mả to đến vài chục khối. Đồn là mả ông Ầm, vốn nghèo khổ ăn xin, qua đèo kiệt sức nằm chết đói, dân làng lấy đá lấp, ông thiêng lắm, mỗi lần leo đèo gánh nặng người dân cầm một cục đá và khấn “Đau lưng tức cổ tui đổ cho ông Ầm”. Gánh nặng dường vơi đi nhều. Lên tới đỉnh liệng hòn đá vào mả. Đã bao lời khấn và vun mả đến ngần này, liệu có ai thoát khổ? Nhưng chắc rằng ngàn giọt mưu sinh có làm nên biển mặn ngoài xa. Đã bao lần nàng ném vào mả ông Ầm miếng đá kèm lời khấn cho đời đỡ cực?

 

Ông ngoại tôi thì có khác. Ông đi lính Pháp. Rất hãnh diện vì được ăn uống đầy đủ và có lương cho vợ con. Người Tây chọn người đi lính kỹ lắm. Phải qua ba vòng kiểm tra nghiêm ngặt mới được chọn. Bao người tiu nghỉu ra về. Huấn luyện ngắn ngày rồi được chở đến bến cảng Tu-ran xuống tàu sang Pháp, tình hình “nước Mẹ” nguy cấp tới nơi khi người Đức bắt đầu tiến công. Thảo nào, cuộc huấn luyện quá vội vàng. Ông ngoại đã có vợ, rành chuyện, nên đi Tây có chút mơ ước, “xem thử Đầm nó ra sao”, tôi nghe ông nói vậy với ông bạn trong thôn không được đi, sau này. Nhưng ông ngoại không có cơ hội. Tàu thuỷ từ Tu-ran chưa tới  Pháp thì chính phủ Pê-Tanh nhanh chóng đầu hàng phát xít. Danh dự nước Pháp lắt lay trông chờ vào cuộc lên rừng kháng chiến của tướng Đờ-Gôn. Vậy là ông ngoại trên tàu nghe mấy thuyền trưởng người Pháp huênh hoang về chiến luỹ Mắc-kê-nô con kiến không qua lọt đã thành chuyện khoác lác, phòng tuyến này bị người Đức chọc thủng quá dễ dàng. Vậy là ông ngoại phải xuống tàu ở Mác-xây về nước mà chưa biết “Đầm nó ra sao”. Sau này khi Thuý đã bỏ đi tôi nghĩ không hẳn ông ngoại hãnh diện đi lính Tây chỉ vì ao ước này. Ông về nước với mẹ của mẹ tôi lại được dân làng gọi “anh Hương”, từ cái chức sắc hương dịch của phong kiến. Phong kiến bị đánh đổ tháng Tám năm bốn lăm. Ông tham gia rất tích cực phong trào cách mạng địa phương. Tích cực đến mức, sau năm năm tư, “quốc gia tiếp thu” ông ngoại bị đám cường hào mới bắt đem đi tra tấn.  Khi cái đầu ông ngửa ra dưới hầm đất sặt nước xà bông chế đều đặn trên mặt phủ khăn không còn cựa quậy nữa, người ta mới thả ông vì ông không hề được Việt Minh cài lại, cũng không biết ai là người được cài lại trong thôn. Tôi có lần hỏi ông nếu biết ông có khai không thì ông chỉ cười không đáp. Nhiều năm sau này ông khóc khi tôi kình ông chuyện bắt con chó vàng rất khôn trong nhà làm thịt cho lão thôn trưởng dẹo chân ăn. Lão này đi “chấm phẩy” dân làng gọi là Đính dẹo. Hôm sau khi thấy tôi còn lạnh mặt, ông ôn tồn bảo ông trưởng thôn tới nói nghi ông ngoại là cộng sản. Tôi ôm ông khóc thương. Sau năm Bảy Lăm, những kẻ tra tấn ông, bức hiếp ông vẫn còn sống sờ sờ, nhiều người bảo ông tố cáo để tìm lại sự công bằng. Ông đã không làm điều đó. Ông chết không bình yên lắm vì thổ huyết, di chứng của nước xà bông vào phổi.

 

Cái bóng của ông ngoại ở đâu trong mớ hỗn loạn từ lính Tây, hương dịch, hồ hởi tham gia công tác kháng chiến rồi cuối cùng tan thành loang lổ từng vũng tanh rình đỏ đến rợn người trên nền đất mà tôi chỉ được lấp ló nhìn trộm qua ràn rụa nước mắt? Ba tôi cấm không cho mọi người lại gần ông ngoại vì rất dễ lây bịnh, một mình loay hoay cho ông nhạc lần hắt bóng cuối cùng đỡ tủi. Mỗi đợt ông guộng người ộc ra cái vũng loang hình ông hoàn hảo dần. Khi xuôi đèo về hôm Thuý bỏ đi, tôi đã nhìn thấy lại cái vũng loang này rõ đến mức nằm xoài trên cát tôi cũng thấy mình tan ra, tan ra, từng vũng.

 

Ba tôi là con là rể của “anh Cai”, “anh Hương”, ông có khá hơn không? Tất nhiên tôi tin khá hơn, con hơn cha mới là nhà có phúc, dù gì tôi không bao giờ chấp nhận nhà tôi vô phúc.

 

Ba tôi từng đi xem hát bội thâu đêm “thời ông Diệm” mê mẩn trước tài năng tuyệt đỉnh của “tứ đại danh ca” Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá, Ngọc Cầm, một trong những đêm này ông gặp má tôi. Chỉ học tới tiểu học trong chín năm kháng chiến, ba tôi sống bằng nghề thợ hồ và là một thợ giỏi. Rồi chiến tranh lan rộng. May cho ông, khi đêm đêm thiết quân luật, ông có vợ con rồi nên không cần đi xem hát thâu đêm suốt sáng. Mỗi lần lính càn bắt lính, ông vác cuốc ra đồng thăm ruộng để trốn chui trốn lủi bờ sông bờ suối nào đó. Trốn lính ban ngày, ban đêm về đốt đèn dầu xây nhà, một mình, ông vốn là thợ giỏi. Trong buồng, phía trên có cái trần ván chứa lúa, ông làm buồng hai lớp, chỉ cần gỡ mấy miếng ván cắt rất khéo là lọt được xuống lớp thứ hai vừa một người đứng, một chỗ trú bí mật. Trước Mậu Thân, những người cách mạng trong thôn quá biết sự lành hiền đáng tin cậy của ba tôi, bí mật tới nhờ ông cắt khẩu hiệu và mấy con chim bồ câu giấy. Ba tôi khéo tay, thức một đêm là xong nhiệm vụ. Tất nhiên cuộc biểu tình phối hợp “ba mũi giáp công” năm đó không thành công. Rồi tình hình trong thôn rất mất an ninh, mạng người như ngoé, đêm đêm ba tôi cùng nhiều đàn ông trong làng đi ra nhà dân ở đường cái quan ngủ nhờ. Ông không thoát, chạng vạng hôm đó nghe tiếng súng rẹt rẹt, hôm sau người ta báo ba tôi đã bị bắt lính và vì tình nghi làm cộng sản nên bị đánh trọng thương, đang nằm ở bệnh viện. Tôi theo má mếu máo xuống thăm ba. Ông mửa ra máu nhưng nghe bác sĩ nói không đến nỗi nguy hiểm. Nửa tháng sau ba tôi bình phục thì lập tức được chuyển ngay vào quân trường Lam Sơn. Má tôi một nách sáu con nên chỉ có thằng trai lớn tôi nắm áo ông ngoại lên xe Phi Long vào quân trường thăm ba. Phải nửa ngày, lúc đã tuyệt vọng vì không thể tìm thấy người thân qua loa thông báo, ba tôi buồn bã định quay vào trại thì nhận ra ông nhạc và con trai. Mười lăm phút. Ba tôi chỉ ôm tôi dặn dò ráng học và nói với ông ngoại, con có bề gì, cha giúp má con nó dùm con. Ông ngoại khóc. Lần thứ hai tôi thấy ông khóc. Trên đường ra khỏi bãi thăm của quân trường tôi thấy nhiều tấm pông-xô rục rịch rất lạ. Sau này lớn lên mới hiểu đó là vợ vào thăm chồng tranh thủ, thời buổi sống chết khó lường, họ cũng cần phải sống. Ba tôi gặp may: lúc chiến trường Khe Sanh, Đắc Tô… sôi động, người ta tổ chức cuộc thi cuối cùng lớp “Khai thác truyền tin diện địa”, mấy chữ nghĩa tiểu học của ông đã giúp ông đậu khoá ba mươi người, ra trường không phải bị ném vào chiến trường máu lửa mà được đưa về thành phố Đà Nẵng, chuyên trực Tổng đài và đi bắt dây cáp thành phố. Nghề thợ hồ của ông cũng được phát huy. Cấp trên điều ông xây nhà cho cấp cao hơn, được ăn uống ngon lành lại thêm tiền gởi về cho vợ con. Lần ông sợ nhất là bị điều ra công tác Quảng Trị. Nhưng ông lại an toàn trở về. Mấy ngày sau, bạn ông bỏ xác ở “Đại lộ kinh hoàng” mùa hè Đỏ lửa 1972. Tốn hai tháng lương lo lót về vùng II đỡ máu lửa hơn. Lại thêm hai tháng lương cho cuộc trở về quê nhà Quy Nhơn. Ông vừa rời Pleiku thì vùng II cũng đầy máu lửa, nhiều bè bạn lính truyền tin bỏ mạng. Phước nhà! Nhiều lần ông nói. Phước nhà.

 

Năm Bảy lăm, mọi người tranh nhau xuống tàu di tản, ông liều mạng nán lại nhận tháng lương cuối cùng, trực Tổng đài ông quá biết thông tin Việt cộng thế thắng như chẻ tre dù lệnh của đại tá tỉnh trưởng là “tử thủ”. Thậm chí khi ông “tử thủ” đã cao chạy xa bay, người ta còn phát súng M. 72 để chống chiến xa Việt cộng! Ba tôi đã vất vả lắm mới ra khỏi cuộc bủa vây của cảnh sát dã chiến mà về nhà với tháng lương lính. Ông đắn đo mãi rồi quyết định không xuống tàu di tản theo sư đoàn 22, ông hiểu Việt cộng từ hồi Chín năm và không tin họ sẽ tàn sát lính Sài Gòn như lời đồn đại. Ông chỉ tập trung cải tạo một tuần rồi được trở về với vợ con. Ông đã đúng: không có cuộc trả thù nào cả. Ít nhất là với riêng ông.

 

Rồi ngày ngày cha con lên núi đốn củi đốt than. Cũng sống được. Thêm lên núi vỡ rẫy trồng mì. Cũng sống được. Dù thời hợp tác mì nhiều hơn gạo. Cũng có lúc vì con đông chỉ đi học- ba tôi một đời khổ nghèo nên quyết chí cho con ăn học- chỉ có vợ chồng ông ra đồng, không đủ gạo, mì phải ăn chuối cây. Cũng sống được. Không một lời ta thán. Ông cho anh em tôi ăn học, cũng không đến nỗi. Mọi khó khăn rồi cũng qua. Các em tôi hầu hết vào đại học trừ tôi. Cứ đổ thừa là phải giúp gia đình kiếm sống lên rừng lên núi, lại thêm cái lý lịch con lính nguỵ. Các em tôi đỡ hơn, thời chúng vấn đề lý lịch không còn đặt nặng. Và ba tôi hãnh diện đi dự Hội Khuyến học tỉnh với bằng khen do chủ tịch tỉnh ký. Đời ông tuy chưa có miếng ăn ngon nhưng cũng không đến nỗi.

 

Ông còn để lại cho tôi một khoảnh đất ở chân núi Bà Hoả, giáp thành phố. Miếng đất này giáp nghĩa địa Tàu ông mua một tháng lương lính hồi về Quy Nhơn. Mua là nghĩ người Hoa giỏi long mạch, họ chọn chỗ chôn thì chắc đất quý. Ba tôi không hiểu đất chôn người chết khác với đất dành cho người sống. 

 

Miếng đất giáp nghĩ địa Tàu  thì ra cũng không đến nỗi. Khi Thuý bỏ đi, mấy tháng sau tôi cõng thằng Bảo rời làng vô đây che tạm cái lều, ngày ngày gởi con đi lao động, bốc vác, chờ thời. Một lần trước đó tình cờ tới thăm chừng tôi phát hiện người ta đã lén chôn vài mả. Quả nhiên không đến nỗi. Nhiều người tới mua mấy mét vuông. Thành phố đông người, đất ở ít, đất chôn càng ít hơn. Mảnh đất mòn dần nhưng tôi sắm được chiếc 67 chạy xe thồ và đã dời lều qua bên kia ngọn đồi nhỏ thành cư dân đầu tiên của Xóm núi. Ba tháng ở chung với người chết, cha con tôi may không có chút bệnh tật gì. Tôi là thằng xe thồ đầu tiên của thành phố này sắm di động. Vì hai lẽ. Chờ các em xóm núi và chờ người điện mua mấy mét vuông. Tôi thuê người viết tấm biển ghi rõ “Bán đất chôn”, kèm số máy. Mỗi ngày tôi nhận không ít cuộc gọi mà cả. Không ít cuộc hẹn gặp để trao đổi trực tiếp. Chuyện đất chôn có vẻ càng lúc càng ăn nên làm ra. Hai ngàn sáu trăm ba mươi mét vuông giấy tờ tuy có bị xâm hại chút đỉnh, vài ông thế lực xà xẻo chút đỉnh để dành cho mình mai hậu nằm xuống, có vẻ như là một diện tích quá lớn. Tôi cứ há mồm nằm chờ. Thực ra chuyện xâm phạm, xà xẻo không đáng kể, dân tôi có truyền thống nghĩa tử là nghĩa tận. Ít người lấy chỗ sinh phần của người thân mà trả treo, nhất là người hiền lương, dù nghèo khổ. Cuộc đời dạy cho tôi biết người hiền lương không nhiều. Người lịch sự đầy tính toán với người sống thì nhiều hơn cách cư xử phải đạo với người chết. Nên, muốn bán được đất mà không bị thiệt cũng phải tinh lắm. Phải biết linh động mới bán được với cái giá trên trời dưới biển. Người lao động khác, kẻ phú thương khác công chức, cán bộ nhà nước. Giá trị này luôn thay đổi theo từng thời kỳ chớ không thể cứng nhắc. Tôi cứ ngó chừng họ lúc sống là sẽ biết cách gia giảm. Nhưng cũng mấy lần hố to khi tính bắt chẹt ông chức sắc. Ông này thà chuyển cha mình đi xa cách mấy chục cây số… Không sao, sẽ còn nhiều cơ hội. Ai rồi chẳng chết dù cái bóng hắt sang bên đời to hay nhỏ, dù bóng thật hay vay mượn, cướp đoạt thì cũng chỉ mỗi lần một bóng. Nhiều lần rảnh tôi leo lên ngọn đồi phân cách xóm núi và miếng đất vàng ngồi nghĩ ngợi lung tung, ướm chừng tới khi những ngôi mộ lum lum chưa mọc cỏ, đã mọc cỏ, đã xây theo một hình mẫu rất từng ngằn về đẳng cấp sống kia kín hết phần tôi rao bán, tôi sẽ đổi đời, không biiết tới mức nào, tới đẳng cấp nào, nó cao hơn thằng chạy xe thồ mấy bực? Rồi tôi nghĩ tới Thuý. Có cách nào liên lạc được với nàng để nàng biết rằng, giờ chỉ cần ngồi chờ là đời hết khổ chớ không cần lời khấn mà hẳn nàng cũng đã nhiều lần lầm rầm khi qua mả ông Ầm.

 

Bây giờ anh đã thành mấy ngàn mét vuông, Thuý ơi, em đang ở đâu?

 

Xóm núi khoảng ba chục hộ. Gia đình gọi là hộ theo xã hội chớ cả tôi và họ không hề có tên trong quản lý chính quyền. Kẻ trốn kinh tế mới về (sau này họ rất ân hận vì dù bắt đầu là đem con bỏ chợ nhưng người trụ lại đã thành triệu phú nhờ rừng rẫy cà phê thời thị trường), người tứ cố vô thân lên che tạm để ở, kẻ bể huê hụi bị xiết nhà… Thì cũng là chỗ ở cho một gia đình dù chỉ tấm bạt nép bên hòn đá tảng, mùa mưa nước tuôn gầm gào chung quanh. Không quan trọng. Điều đáng nói là tất cả con gái xóm núi lớn lên đều thành gái điếm. Con trai lao động thợ đủ ngành là may, số còn lại thành lưu manh các kiểu theo nhìn nhận của người đời.

 

Tôi quan tâm tới đám con gái làm điếm, mỗi lần có “phi vụ”, cuốc chở trọn gói tôi được cả trăm. Có lúc vì ế khách các cô thuê tôi chở đến nhà thầy cúng cách thành phố bốn mươi cây số, ông thầy tu tại gia này có bàn thờ thần Bạch mi sau khi bắt các cô quỳ rồi đứng tám lần đốt hương trong tràng tràng câu chú, các cô tạ thầy bao nhiêu không rõ nhưng phần tôi thì cũng trăm ngàn.

 

Một lần, duy nhất, tôi không có một xu.

 

Đêm giao thừa con bé mười tám bảo tôi chở từ địa chỉ này đến địa chỉ khác theo lời hẹn, tới đâu cô cũng đi ra với vẻ mặt tiu nghỉu. Cuối cùng cô đưa tôi tới một địa chỉ, ngôi nhà nhỏ trong hẻm được ghép bằng mấy tấm tôn rách, cô bảo tôi vào rồi lặng lẽ cởi áo. Tôi sững sốt hỏi làm cái thứ gì ( ai mà biết cái giống này làm gì), cô lạnh lùng bảo trả tiền xe thồ. Đám chó chết chạy trốn cả mà cứ hẹn, tôi tưởng có chút gì cho tết, mả mẹ nó thằng thầy cúng leo lẻo mồm! Tháng chạp này tôi cũng ế chuyện đất, có vẻ như con người khó chết hơn trước, thì cuốc xe hy vọng suốt đêm ba mươi đã thành công cốc. Tôi quát, cô… cô hành tôi tới nước này… tiếng quát tôi ngưng nửa chừng, cô gái vừa cởi quần vừa khóc. Đám xe thồ bạn tôi có thằng học hành tử tế từng kể cho tôi nghe câu chuyện một ông nhà văn nào đó viết chuyện hồi thuộc Pháp, xét ra giống y chuyện tôi đêm ba mươi này. Hay có khi cô ả là người của câu chuyện? Và tôi cũng là người của câu chuyện? Tôi ngắc ngứ một chút rồi biết không phải, đã bảy tám chục năm rồi còn gì. Ông nhà văn đó chắc cũng chết từ lâu.

 

Tôi lại quát như thằng điên, mặc đồ vào, chờ đó! Rồi phóng xe về nhà. Đã mười một giờ. Không kịp giải thích cho thằng Bảo đang ngồi trông cha đỏ mắt, tôi lấy vội đòn bánh tét, ít mứt dừa, một chút thịt kho tàu rồi phi như bay tới ngôi nhà trong hẻm nhỏ. Lạy trời, tôi về kịp nhà trước giao thừa.

 

Bóng tôi đổ dài trên ngạch cửa. Không sao, tôi ôm con trai vào lòng động viên trước sự ngơ ngác của nó, không sao, hy vọng sang năm người chết sẽ nhiều hơn… Hy vọng đời tôi, đời con tôi sẽ hơn đời ông cha… Không thể không hy vọng. Đời tôi đã đỡ hơn thấy rõ, một ngày nào đó khi miếng đất co lại bằng vệt đỏ hình người rợn người, bằng tấm bằng khen Hội Khuyến học do ông chủ tịch tỉnh ký hay tối thiểu cũng bằng bàn tay màu vàng như vàng, vàng thật chớ không phải miếng sắt Tây thì có thể đời thằng Bảo sẽ khá hơn.

 

Và Thuý sẽ trở về? Bóng ông nội ông ngoại và ba tôi đã đổ suốt trăm năm, đã cho mượn suốt trăm năm! Cả tôi nữa. Còn gì…

 

Suối Trầu, ngày 12 tháng 7 năm 2006.

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2603
Ngày đăng: 03.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện xứ Mitoman - Hiếu Tân
Thiếu phụ răng đen - Trần Đức Tiến
Chuyện vua nước Việt - Phạm Lưu Vũ
Giờ ra chơi - Tuệ Hải
Niềm Kiêu Hãnh Siêu Thoát - Trang Thanh
Xảy ra ở thị trấn thứ ba - Trần Nhã Thụy
Anh Dần - Hồ Tĩnh Tâm
Long lanh mắt bão - Trang Thanh
Miền cực lạc - Trần Đức Tiến
Từ Hải Và Người Ẩn Sĩ - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)